T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Lê Quang Sinh: Bức Tường Bá Linh (1961-1989)

clip_image001

(2014, Kỷ Niệm 25 Năm Ngày Sụp Đổ)

Ngày 9 tháng 11 đánh dấu 25 năm bức tường Bá Linh, biểu tượng của Chiến Tranh Lạnh chia đôi Đông Đức và Tây Đức sụp đổ. Sự kiện lịch sử này đã mở đường cho nước Đức thống nhất và chấm dứt chế độ Cộng sản tại Châu Âu.

Nhắc đến bức tường Ba-Linh người ta liên tưởng đến Vạn Lý Trường Thành dài 4,800 dặm được các bạo chúa Trung Hoa ngày xưa xây cất để ngăn chặn Hung Nô tràn xuống xâm lăng bờ cõi. Cho dù có chống được giặc ngoài nhưng trong nước nhân dân ta thán, đói khổ, bênh tật, chết chóc lan tràn khắp lãnh thổ Trung Hoa. Ngày nay Bức Tường Bá-Linh dài 103 dặm cũng mang bốn từ như Vạn Lý Truờng Thành nhưng ý nghĩa và mục đích của nó thì khác, không phải để chống xâm lăng mà để ngăn chặn không cho dân chúng Đông Đức đào thoát sang Tây Đức; đó là bức rào cản kiên cố khổng lồ dùng để nhốt tù dân chúng Đông Đức, ngăn chặn không cho thoát khỏi ách kềm kẹp, độc tài chuyên chế của các lãnh tụ cộng sản Đông Đức. Nhớ lại Đệ Nhị Thế Chiến chấm dứt năm 1945, nước Đức bị xẻ làm tư, Anh, Mỹ, Pháp thành lập Công Hòa Liên Bang Đức; người Nga kiểm soát khu vực Đông Đức. Do thủ đô Bá-Linh nằm trọn vẹn trong vùng Đông Đức nên Anh-Pháp-Mỹ đồng ý nhường cho Liên Xô thêm một số đất đai ở Tây Đức để đánh đổi lấy việc chia cắt thủ đô nói trên thành hai khu vực Động-Tây. Liên Xô kiểm soát Đông Bá-Linh, Đồng minh Anh-Pháp-Mỹ kiểm soát Tây Bá-Linh.

Năm 1948, Staline ra lệnh phong tỏa không cho Đồng Minh dùng đường bộ tiếp tế khu Tây Bá-Linh khiến Mỹ phải lập cầu không vận để có thể duy trì sự tiếp tế này. Suốt thập niên 50 không có ai ở Tây Đức chạy sang Đông Đức theo Cộng sản cả. Ngược lại, cũng trong thời gian đó có hơn 3,5 triệu người bỏ chạy sang Tây Đức. Ngày 1 tháng 8 năm 1961, Tổng Bí Thư Liên Xô, Krushchev, điện đàm với Bí Thư Thứ Nhất Đông Đức, Ulbritch đề nghị xây bức tường. Ngày 12 tháng 8 năm đó (1961), Ulbbricht ký lệnh đóng cửa biên giới và “Bức Tường Ô Nhục” đã được binh sĩ Đông Đức cùng với Hồng Quân Liên Xô nửa đêm lén lút dựng lên để ngăn đôi nước Đức. Bức tường này mang nặng ý nghĩa biểu tượng cho cuộc chiến tranh lạnh giữa hai khối lãnh đạo thế giới – Cộng sản Nga và Tư bản Mỹ.

Từ sau Đệ Nhị Thế Chiến, có lẽ không ở đâu trên thế giới này có một bức tường kiên cố như bức tường Đông Tây Bá Linh. Theo cuốn Biên Niên Sử bức tường Đông Tây Bá Linh của tác giả Hans-Herman Hertle, bức tường được hình thành như sau: Đi từ Đông sang Tây, khu vành đai rộng chừng 50 mét cắt chia hai bên thành phố bắt đầu bằng bức tường “hậu phương” cao 2 mét, hợp thành bởi những giây thép truyền điện chăng ngang từ trên cao xuống. Chạm khẽ vào những sợi giây thép này, các tín hiệu âm thanh hoặc quang điện sẽ được truyền đi. Hàng rào kỹ nghệ tân tiến này mang tên “thiết bị tín hiệu dọc biên 80”, ký hiệu kỹ thuật là GSZA-80 hoặc GSZA-83, vốn là hàng nhập từ Liên Xô sang. Hàng rào được chôn sâu dưới lòng đất 50 phân, nhằm chặn những ai hòng khoét nghạch chui qua. Các tín hiệu báo động đều là tín hiệu “ngầm’, nghĩa là khi người đào tẩu chưa hay biết mình bị lộ, anh ta đã bị trạm gác lân cận phát hiện và định vị chính xác từ lâu rồi. Tại những nơi khuất nẻo, người ta còn chừa cạnh hàng rào điện một lối thả chó săn chạy đi chạy lại. Tiếp theo là khoảng đất trống đặt liên tiếp các tháp canh và chốt gác của lính biên phòng, được nối với nhau bằng “đường phố” rải nhựa cho xe cơ giới ngày đêm tuần tra. Sau nữa là vành đai tử địa – một vành đai rải cát mịn, rộng từ 4 đến 15 mét, được soi sáng trưng bởi hàng cột đèn san sát; để cả về đêm, tầm ngắm của các xạ thủ cũng không bị cản trở. Qua vành đai này là dãy hào sâu thành vực ngăn xe cơ giới; bờ vực bên này giốc thoải xuống, bên kia thẳng đứng, đôi chỗ lát thêm bê tông tảng cho chắc. Cuối cùng, công trình chính kết thúc hệ thống ngăn chia biên giới này là bức tường bê-tông cao từ 3 mét rưởi đến 4 mét, dày 10 phân, mép trên lồng vào một ống bê tông to để người muốn trèo qua không còn chỗ mà bám. Bức tường này không những chỉ nổi tiếng bởi sự kiên cố của nó -thú chui không qua, chim bay không lọt, mà còn mang ý nghĩa của một sự kiện lịch sử trong thế kỷ 20.

Chuyện gì đã xảy ra khi bức tường được dựng lên. Đó là sự khát khao đi tìm tự do của người dân Đông Đức, sự khát khao này mãnh liệt đến nỗi những người ra đi bất chấp mọi hiểm nguy có thể dẫn đến sự hy sinh tánh mạng. Số người dân Đông Đức bị bắn chết khi trèo qua bức tường Bá-Linh đã lên đến con số 1,374. Con số này không dừng ở đây. Viện Bảo Tàng Bức Tường Bá-Linh sau đó đã cho bổ sung vào danh sách này những người không phải là dân “vượt biên” mà là hàng chục lính biên phòng Đông Đức đã tự sát thay vì chấp hành lệnh chính quyền Cộng sản bắn vào nhân dân, vào những người đi tìm Tự Do.

Nếu như Hitler gây tội ác trong những năm chiến tranh thì Stalin lại tiếp tục gây tội ác khác đối với con người ngay cả khi không còn tiếng súng. Tội ác Stalin là tước đoạt hết những quyền căn bản của con người. Sau 8 năm chiếm đóng Đông Đức, chính quyền do người Nga lập nên đã liên tục thanh trừng nội bộ, khủng bố những người bất đồng chính kiến, kiểm soát mọi hoạt động của dân chúng, trong khi thực phẩm thì khan hiếm và đắt đỏ. Sau khi Stalin chết, hơn 1 triệu người Đông Đức đã xuống đường biểu tình, chính phủ Đông Đức rút chạy vào Tổng Hành Dinh của Hồng quân Liên Xô. Cuộc chống đối đầu tiên của dân Đông Đức đã bị xe tăng của Liên Xô đàn áp thẳng tay.

Những sự kiện nói trên đã là động lực dẫn đến sự sụp đổ của Bức Tường Bá Linh. Nếu ngày 12 tháng 6 năm 1987, Tổng Thống Hoa Kỳ, Ronald Reagon không nói với Gorbachev: “Ông Gorbachev, hãy phá bỏ bức tường này”. Và nếu tháng 3 năm 1989, Thủ tướng Hungary, Miklos Nemeth không nhận được tín hiệu từ ông Gorbachev: “Vấn đề an ninh biên giới là việc của ông Nemeth” (khi ông Mikos Nemeth có ý định tháo gỡ hàng rào kẽm gai dọc theo biên giới), thì Bức Tường Bá-Linh có thể đã không sụp đổ. Bà Thủ Tướng nước Đức, Angela Merkel, là một người Đông Đức, đã lên tiếng cám ơn Hungary, cách đây 25 năm (tháng 11 năm 1989) đã mở cửa biên giới của mình để cho hơn 60 nghìn người Đông Đức thoát ra, dẫn tới sự kiện Bức Tường Bá-Linh sụp đổ.

Tuy nhiên, dẫu vai trò của các cường quốc đồng minh hay của Cộng Hòa Liên Bang Đức có quan trọng đến đâu, dẫu công lao ông Tổng Thống này, vị Thủ Tướng nọ có to lớn đến thế nào đi nữa, người ta không thể phủ nhận nổi một sự thật hiển nhiên là vai trò và công lao quyết định làm sụp đổ Bức Tường Bá-Linh hết sức kiên cố, biểu tượng cho chế độ phản dân chủ, phi nhân quyền tồn tại 40 năm ở phía Đông nước Đức, thuộc về 17 triệu nhân dân CHDC Đức đã sục sôi dữ dội trong tiếng thét, “Wir sind as Volk – Chúng ta chính là nhân dân”. Rõ ràng sức mạnh nhân dân là sức mạnh vô địch. Đó là một chân lý được kiểm chứng qua lịch sử loài người!

Cách đây 25 năm, ngày 9 tháng 11 năm 1989, lịch sử đã được ghi dấu bằng một biến cố đáng nhớ: Bức Tường Bá-Linh sụp đổ. Nhiều bàn tay đã đập tan Biểu Tượng Tối cao của chủ nghĩa Cộng sản, cái vòng rào ô nhục của một nhà tù rộng lớn của nhân loại. Sự phá đổ bức tường đánh dấu sự chiến thắng của “Thiện” đối vơí “Ác”, và nói lên cái uy thế của nền dân chủ Tây Đức. Rõ ràng sự sụp đổ của bức tường chứng minh sự thất bại của Đông Đức trong diễn trình cạnh tranh với một Tây Đức đầy sức sống mãnh liệt. Đối với người dân Đông Đức, đặc biệt giới trẻ và những người tài năng, bức tường được dựng lên để ngăn chặn bước tiến của họ.

Nhưng sự sụp đổ bất ngờ của bức tường lịch sử này đã biểu lộ trung thực sự khác biệt giữa hai chế độ, một bên là áp bức độc tài, một bên là dân chủ cởi mở. Vào chiều ngày 9 tháng 11 năm 1989, một ủy viên trong Bộ Chính Trị Đông Đức xuất hiện trên đài truyền hình và tuyên bố rằng người dân Đông Đức được tự do đi qua Tây Bá-Linh mà không cần điều kiện đặc biệt nào cả. Thế rồi hàng trăm, hàng ngàn dân chúng đổ tuôn ra bức tường. Những người lính gác Đông Đức lúng túng không biết phải làm gì. Họ gọi máy để xin lệnh, nhưng chẳng nhận được lệnh lạc gì cả. Xã hội Cộng sản đã ngưng hoạt động và chế độ độc tài đã sụp đổ.

Hình ảnh dân chúng Đức sung suớng, vui mừng, ca hát, nhảy múa hoan hô quanh bức tường được chiếu trên truyền hình; trong lúc những người khác, với bất cứ vật gì có trong tay như búa tạ, đục, chàng đã phá vỡ bức tường ra từng mãng, và ăn mừng với những lát bánh mì nướng. Trong tháng đầu đã có 2 triệu người Đông Đức tràn qua Tây Bá Linh. Một người lính gác Đông Đức đã nói: “Khát vọng và ý chí của nhân dân mãnh liệt hơn sức mạnh của cả nước”. Ngay cả những người lính Đông Đức cũng góp tay phá vỡ bức tuờng ô nhục này.

Bức tuờng sụp đổ trong tiết tấu âm thanh của một bản nhạc giao hưởng kỳ lạ. Tiếng búa đập, tiếng đục gõ, tiếng gãy sập của những mãng tường bê tông hòa tấu với tiếng reo hò vui mừng của dân chúng tạo nên một bản hoan ca vô tận. Bức tường dài 103 dặm Anh đúc bằng bê tông cốt sắt và được tăng cường bằng vòng đai kẽm gai, với những ổ liên thanh bố trí trên những vọng gác. Đó là hình ảnh không bao giờ xóa mờ trong trí nhớ người Đức. Bên phía Tây Đức, trên bức tường kéo dài hàng dặm, dân chúng đã tô điểm bằng màu sắc những hình vẻ châm biếm, chế nhạo những gì không tưởng, lố bịch, buồn cười của chế độ nằm phía sau bức tường. Bề mặt bức tường phía bên Đông Đức trông xám xịt, u tối, không màu sắc quay về “vùng tử địa”. Thỏi sô-cô-la và chiếc xe Wolkswagen là những thứ mà dân trung lưu Đông Đức không bao giờ được nghe nói nói đến. Năm triệu dân Đông Đức đã qua thăm Tây Bá Linh với giấy thông hành đặc biệt sau khi bức tường được dựng lên. Chín mươi phần trăm dân chúng Đông Đức được xem hình ảnh Tây Đức qua màn ảnh truyền hình. Đó là cái nhìn xuyên qua bức tường để thấy được sự phồn vinh và nền dân chủ tự do đã đánh bại ý thức hệ Cộng sản.

Bức tường Bá Linh sụp đổ đã chấm dứt triều đại của những lãnh tụ Cộng sản độc tài chuyên chế. Nó đã phong tỏa người dân Đông Đức về mặt tinh thần cũng như vật chất trong suốt mấy chục năm dài khỏi thế giới tự do bên ngoài. Đồng thời, sự sụp đổ đó giúp Đông và Tây được thống nhất môt cách hòa bình, mặc dù đã trải qua nhiều cam go thử thách. Song, sự tồn tại cũng như sự sụp đổ của nó, kéo theo sự tiêu vong trong chốc lát của nước CHDC Đức sẽ không bị lãng quên. Có thể chính vì thế mà các nhà khoa học NASA nghiên cứu Sao Hỏa đã đặt tên một tảng đá trên hành tinh đỏ kia là “Bức tường đổ”.

Sau 40 năm năm kiên trì chịu đựng, người Đức đã thống nhất đất nước một cách khôn ngoan và hòa bình. Sau 30 năm đất nước chiến tranh huynh đệ tương tàn, nước Việt Nam thống nhất trong sự đau khổ chết chóc của nhân dân, trong sự nghèo đói và bất công của chế độ Cộng sản và sự bỏ ra đi của hơn 2 triệu người Việt vượt biển Đông đi tìm tự do khiến biết bao mạng sống đã chìm sâu dưới đáy biển. Miền Bắc “giải phóng” Miền Nam để thống nhất đất nước và cai trị dân với một chế độ bất nhân còn tệ hơn thời kỳ Pháp thuộc.

Bức tường Bá Linh phải sụp đổ để mang lại dân chủ, tự do, thống nhất cho toàn dân nước Đức. Và nó đã sụp đổ. Thử hỏi đến khi nào chế độ Cộng sản Việt Nam sẽ sụp đổ để cho toàn dân Việt Nam thoát khỏi vòng cương tỏa của Cộng sản độc tài, thoát khỏi cảnh nghèo đói, sự bất công do Xã hội Chủ nghĩa tạo ra, để tiến tới chế độ tự do dân chủ đa nguyên biết tôn trọng nhân quyền mang lại hạnh phúc cho toàn dân.

 

Lê Quang Sinh

Bài Mới Nhất
Search