T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Vũ Hiến : Chửi thề

clip_image001

Hình – Swearing Cat ( Courtsey of twitter.com)

Dạo gần đây, tại các quán cà phê ở Hà Nội, người ta thường hay bàn luận về một bản thông cáo của Ủy ban Nhân dân (UBND) Thành phố Hà Nội gửi cho Sở Văn hoá-Thể thao và Du lịch, Sở Giáo dục-Đào tạo và UBND tất cả các quận huyện, thị xã phải ráo riết “kiểm tra, xem xét, có biện pháp xử lý nhằm hạn chế cao nhất những hành vi thiếu văn hoá trong nhà trường và ngoài xã hội.”

Theo tin tức báo chí thì việc yêu cầu chấn chỉnh văn hóa ứng xử nêu trên là do trong thời gian qua thành phố đã tiếp nhận nhiều thông tin báo chí phản ánh một số khá đông các học sinh trung học, các ca sĩ, và thậm chí cả những người dẫn chương trình … đã có những lời nói thô tục, những ứng xử không văn hóa nơi công cộng.

Khi người ta ra thông cáo để giải quyết một vấn đề xã hội cũng có nghĩa là vấn đề đó đã vượt khỏi giới hạn kiểm soát và rất có thể đang có nguy cơ trở thành một vấn nạn. Chuyện chửi thề, nói tục ở Hà Nội không phải là chuyện gì mới lạ, chúng ta đã nghe từ nhiều năm qua rồi. Mà hình như chuyện giải quyết vấn nạn nói tục ở Hà Nội cũng không phải là lần đầu tiên mà người ta đã có thử một vài lần trước đây nhưng thất bại, chuyện đâu lại hoàn đó. Hơn nữa, nó có phần gia tăng. Những tiếng tục tĩu không chỉ được văng tự do trên đường phố mà nay nó còn len lỏi vào trong những nhà hàng, quán ăn nơi đáng lẽ ra khách phải được tiếp đãi tử tế. Bước vào một số những quán ăn ở Hà Nội ngày nay, nếu khách hàng không cẩn thận nhìn trước ngó sau, lỡ chẳng may muốn xin một miếng giấy lau miệng hay thêm một trái ớt, miếng chanh thì không chừng khách lại chỉ nhận được vô số những tiếng thô tục, dơ bẩn nhất từ ngay miệng của … chủ quán. Thế nên, ngoài các “món” chửi thề, nói tục Hà Nội còn có thêm “món” phở quát, cháo mắng thuộc loại “danh bất hư truyền”, dường như chỉ độc quyền xuất hiện ở Hà Nội mà không nơi nào khác trên thế giới.

Có điều an ủi là chuyện chửi thề, nói tục không chỉ xảy ra ở Hà Nội, hay nói rộng ra là ở Việt Nam, mà khắp nơi trên thế giới. Người ta mặc nhiên xem nó như một phần sinh hoạt của người dân. Theo các chuyên gia tâm lý, nó là chuyện hết sức bình thường, hầu như ai cũng đã từng một vài lần văng tục. Nó chỉ trở thành bất thường khi mức độ xảy ra quá cao, khi mà người ta “xổ nho” không phải từng trái mà là từng chùm, thì lúc đó vấn đề thành ra nghiêm trọng. Như ở Hà Nội ngày nay chẳng hạn.

Đọc thông cáo trên ta thấy các giới chức của thành phố Hà Nội chỉ muốn hạn chế vấn đề chửi thề, nói tục thôi chứ không thấy nói tiêu diệt hẳn. Mà làm sao có thể tiêu diệt hẳn khi nó đã là một phần sinh hoạt trong cuộc sống rồi.

Có nhiều bằng chứng cho thấy tiếng chửi thề đã xuất hiện từ thời Đế quốc La Mã. Qua từng thời đại, tiếng chửi thề cũng biến đổi theo những thay đổi của xã hội. Thời trung cổ ở Anh, vào lúc xảy ra những cuộc chiến tranh do tranh chấp về giáo lý và giáo quyền, tiếng chửi nặng nhất trong những cuộc tranh luận gay go là khi ai đó đã không tự kiềm chế buột miệng gọi tên Thượng Đế hay những biểu tượng tôn giáo.

Trong nhiều năm, tiếng chửi thề vẫn bị xem là thứ ngôn ngữ dơ dáy, cấm kỵ mà người ta thường cố tránh. Năm 1884, lần đầu tiên, một số tiếng chửi thề được chính thức đưa vào trong cuốn tự điển Oxford tiếng Anh của ấn bản cùng năm. Nhờ thế, người ta mới biết có nhiều tiếng chửi thề sử dụng ngày nay đã có từ hơn trăm năm trước. Thế nên, tiếng chửi thề được ví von như là thứ ngôn ngữ dễ học, dễ nhớ nhất mà lại sống hùng, sống mạnh, phát triển và sáng tạo.

Đến nay, tiếng chửi thề có thể nói đã trở thành thứ ngôn ngữ hết sức đa dạng, thường mang đầy hình ảnh. Tất nhiên là toàn những thứ không mấy gì đẹp đẽ, có thể liên quan đến chuyện tình dục, có ý báng bổ, những thứ dơ bẩn, tên những con vật hạ cấp, giới tính, chủng tộc, ám chỉ tổ tiên, giòng tộc người khác, cùng những từ ngữ thô tục, phỉ báng. Những tiếng thường bị xem là cấm kỵ ấy mang nhiều ý nghĩa từ nặng tới nhẹ, và tùy hoàn cảnh, trường hợp, người ta sẽ mang ra dùng để đối đáp nhau. Nhất là khi có những xung đột hay xích mích mà không có cách gì để giải quyết, những tiếng chửi thề có nhiều cơ hội tăng cường độ thành những tiếng chửi rủa.

Trong một đám đông người ta vẫn thường nghe một vài tiếng “đệm” vào trong những câu nói. Thường thì những người có mặt trong đám đông đó sẽ xem chừng những người xung quanh là những ai, thân hay sơ, để tùy cơ chọn lựa tiếng nào cho thích hợp. Nếu đám đông đó khá thân thì những tiếng đệm có thể mặn hơn bình thường, nhưng nếu người lạ mặt nhiều thì người nói sẽ phải bớt mắm muối đi. Ví dụ, ở một nơi nhiều người hỗn tạp, người ta thường dùng những chữ nhiều bóng gió, trong khi ở những nơi chỉ toàn những người cùng giới tính, người ta sẽ cảm thấy thoải mái để dùng những chữ bộc bạch hơn và sẽ dễ được chấp nhận. Ở công sở hay một nơi công cộng, nói chuyện với một người lạ mặt thì không thể buông ra những tiếng quá nặng nề để làm người đối diện phải bối rối, đỏ mặt.

Gíáo sư Timothy Jay so sánh tiếng chửi thề cũng giống như người ta bóp còi xe vậy, là để báo hiệu cho người xung quanh biết về những cảm xúc của mình – sự giận dữ, bực bội, vui mừng, ngạc nhiên v.v…

Các nhà nghiên cứu nói rằng tiếng chửi thề có nhiều điểm lợi mà người ta không để ý hay không nhận ra. Sau khi văng ra một hai tiếng chửi thề thì thường nó giúp làm dịu bớt cơn giận dữ hay bực bội trong lòng. Nó cũng có thể là cách để tránh gây ra những hành động mang tính bạo động. Thế nên, tiếng Việt chúng ta có câu “chửi cho hả cơn giận” là vậy.

Tiếng chửi thề cũng có thể được dùng trong những ý nghĩa tích cực, như trong một câu chuyện vui hay hài hước, chuyện phòng the giữa một hai người bạn thân, thậm chí trong những câu chuyện kể nghiêm chỉnh nữa. Hãy thử tưởng tượng khi ta muốn diễn tả một cảm giác thật sung sướng thì không gì bằng đệm vào đó một tiếng chửi thề thì ý nghĩa của cái cảm giác sung sướng đó sẽ tăng lên bội phần và người nghe hiểu ra ngay.

Trên thực tế, hầu như ai cũng chửi thề, và người ta chửi thề rất đều đặn trong suốt cuộc đời của họ – từ lúc mới biết nói cho đến khi chết. Chửi thề hiện diện hầu như trong tất cả mọi sinh hoạt của cuộc sống của con người. Nhiều nghiên cứu cho thấy người ta chửi thề trung bình khoảng 0,7% tổng số thời gian – tuy nhỏ nhưng là một tỉ lệ khá lớn nếu so sánh với tổng số thời gian chúng ta nói chuyện.

Chửi thề xảy ra thường xuyên hơn nhiều người tưởng. Không chỉ ở những người ít học hay những người ở giai tầng thấp trong xã hội – mà thực ra chửi thề không có một lằn ranh rõ rệt trong xã hội. Nghèo chửi, giàu cũng chửi. Người thông minh, giỏi dang chửi, mà người kém cỏi cũng không kiêng.

Các nhà nghiên cứu nhận thấy hiện nay ngày càng có nhiều trẻ em biết những tiếng chửi thề rất sớm. Theo kết quả nghiên cứu, phần đông những đứa bé khoảng hai tuổi đã biết ít nhất một tiếng chửi thề; nhưng từ năm ba hay bốn tuổi trở đi thì chúng học và tiếp thu rất nhanh. Mà những tiếng này chúng học không từ ai khác hơn là những người gần gũi với chúng nhất – tức là cha mẹ chúng. Có lẽ là vì những người cha người mẹ này khi nói chuyện với nhau đã vô tình sử dụng thứ ngôn ngữ kém trong sạch đó. Vậy, những người lớn hãy nên cẩn thận, nhất là khi có con nít ở gần. Chúng thông minh và không quá đỗi vô tư như chúng ta tưởng.

Nhưng phải công nhận là ngày nay người ta đệm thêm những tiếng chửi nhiều hơn trước nhiều, một phần vì xã hội cởi mở, dễ chấp nhận hay xí xoá, hay cố tình làm ngơ. Trước đây, đa số những người dùng những tiếng chửi thề là các ông, nay thì có nhiều bà nhiều cô cũng chửi, ngay trên đường phố có nhiều người qua lại.

Trong phim ảnh, độ vài thập niên trước, người ta ít thấy nhân vật trong phim chửi thề. Thậm chí ngay cả những phim cao bồi, du đãng cũng rất hiếm khi thấy. Nghe nói, cuốn phim Gone With the Wind (Cuốn theo chiều gió) khi cho trình chiếu vào năm 1939, ở đoạn cuối, nhân vật chính Rhett Butler (Clark Gable thủ vai) lạnh lùng nói một câu với nàng Scarlett O’Hara (Vivien Leigh thủ vai) trước khi bỏ đi: “Frankly, my dear, I don’t give a damn” (Nói thật với em, anh đếch cần) – đã gây ra một làn sóng tranh luận ồn ào về tính cách luân lý, đạo đức của cuốn phim. Chữ damn trong tiếng Anh là một tiếng chửi thề tương đối nhẹ nhàng. Thế mới thấy xã hội thời đó hiền hoà và bảo thủ quá. Nay thì hầu như cuốn phim nào cũng có ít nhất vài ba tiếng, kể cả những cuốn phim thuộc loại hiền lành nhất. Thậm chí, tiếng chửi thề còn len lỏi vào trong những cuốn phim truyện trên truyền hình, tức những loại chương trình dành cho đủ mọi lứa tuổi, trong đó người ta còn nghe được nhiều tiếng chửi nặng hơn chữ damn trong Gone With the Wind nhiều.

Tương truyền Cao Bá Quát là một nhân vật khí khái, hiên ngang, làm quan dưới triều Tự Đức nhà Nguyễn. Nhưng vì bất mãn với triều đình, ông chiêu dụ quân lính và nổi dậy làm phản. Thất bại, ông bị bắt, bị đóng cũi đưa về kinh đô và lãnh án tử hình. Sau được lệnh của triều đình, người ta giải ông cùng hai con trai về quê nhà để hành quyết.

Trước khi thọ hình, Cao Bá Quát ứng khẩu làm hai câu thơ để lại cho đời: “Ba hồi trống giục, đù cha kiếp / Một nhát gươm đưa, bỏ mẹ đời! “ Cả hai câu đều có những tiếng chửi thề quen thuộc mà người Việt nào cũng biết. Nhưng không thấy ai chê bai Cao Bá Quát đã mang những tiếng tục tĩu ấy vào trong thơ mà ông còn được khen là người có khẩu khí.

Nhà báo Galanty Miller than rằng những tiếng chửi thề nay đã trở thành bình thường đến độ chẳng làm ai phải giật mình khi nghe thấy. Nhưng có điều đáng buồn hơn là nó nói lên một sự thật rằng vốn từ vựng của chúng ta ngày càng teo lại và nghèo nàn. Người ta phải đệm thêm tiếng chửi thề khi người ta không có gì để nói với nhau, mặc dù người ta rất muốn nói.

Thực ra ông nhà báo khó tính quá đấy thôi. Tại sao không nghĩ rằng đây chỉ là hiện tượng của thời đại, nó xuất hiện thì rồi cũng có ngày nó biến mất.

Tuy nhiên, nếu có thể tránh được những tiếng chửi thề thì cũng nên tránh vì không có tiếng chửi thề nào đẹp cả. Mà nếu có chửi thì phải chửi như Cao Chu Thần thì mới đáng.

Vũ Hiến

 

 

 

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2015

Bài Mới Nhất
Search