T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngộ Không : Chữ nghĩa làng văn (Kỳ 83)

clip_image001

Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ

Cha ông xưa đúc kết được kinh nghiệm sống và truyền khẩu cho đời con cháu mai sau qua ca dao và thành ngữ…Nay con cháu mai sau đời sau chế tác “lung tung, trống kèn” những thành ngữ, danh ngôn cho riêng họ :

• Trăm năm bia đá cũng mòn

Ngàn năm bia rượu vẫn còn trơ trơ

• Bia đá, bia ôm, bia nào cũng vậy…

Làm sao em biết bia đá không say?

• Chỉ có bia mới hiểu bụng…mênh mông nhường nào

Chỉ có bụng mới biết…bia đi về đâu

Đẹp giai

“Giai” : tiếng Hán Việt là đẹp. Như giai nhân.

Vậy mà đàn ông, con trai cứ nói mình…đẹp giai.

(Nhờ anh ti. Anh giai!)

Chữ nghĩa làng văn

Sau khi xuất hiện ở cuối hai câu thơ của Nguyễn Khuyến, và có thể trong một lần khác với Hồ Xuân Hương, nó biệt tích luôn.

Dường như không còn ai thấy nó ở một bài thơ nào khác.

Nó là chữ “teo” trong “một chiếc thuyền câu bé tẻo teo”, trong “ngõ trúc quanh co khách vắng teo” ở hai bà thơ Nôm của cụ Nguyễn Khuyến.

Nhờ chữ “teo” mà bài Thu điếu hay hơn rất nhiều. Chiếc thuyền không chỉ nhỏ, chỉ bé, mà “bé tẻo teo”. Nghĩa là bé quá lắm. “Vắng teo” cũng thế. Là vắng lắm. Vừa vắng, lại vừa ắng lặng.

Đó là “vắng teo”.

Chữ “đắt” như vậy, không ai dám dùng lại nó nữa! Nếu không thể dùng hay hơn cụ Nguyễn Khuyến…

(ViệtTide)

Số đỏ nhại ai?

Số đỏ được xây dựng theo thể chương hồi, mỗi chương vừa như một sketch (kịch ngắn) độc lập, lại vừa như một giai đoạn phiêu lưu. Chẳng biết Vũ Trọng Phụng có đọc Rabelais hay không, nhưng cách hài hước phóng đại của ông đi từ ngôn ngữ để xây dựng nhân vật, có gì rất gần với Rabelais.

Số đỏ ban đầu đã được viết ra để nhại những chương trình Âu hoá xã hội của Tự Lực văn đoàn, thành phần văn học độc chiếm văn đàn trên nhiều lãnh vực văn hóa xã hội, và cũng là đối thủ quyết liệt nhất của Vũ Trọng Phụng trên “mặt trận tư tưởng”.

Những mẫu hình họ Vũ đưa ra để chế giễu, hầu hết nằm trong chương trình Âu hoá, cải cách xã hội của Tự Lực văn đoàn với các khẩu hiệu: Âu hoá, theo mới, hoàn toàn theo mới không chút do dự, làm việc xã hội, theo chủ nghiã bình dân, vận động thể thao, làm nhà ánh sáng, giải phóng phụ nữ, thiết kế y phục tân thời: kiểu áo Le mur Cát Tường v.v..

Tất cả những khẩu hiệu canh tân, cải cách của nhóm Tự Lực đều được Vũ Trọng Phụng nhái lại, đưa vào Số đỏ, thổi phồng và hài hước hoá, thành những hình thức lai căng nực cười, như vậy làm sao Nhất Linh không nổi giận viết bài (ký tên Nhất Chi Mai) kết án Vũ Trọng Phụng thậm tệ trên báo Ngày nay, số 15, ra ngày 21/3/1937.

Những kiệt tác thường khởi đi từ những lý do rất tầm thường như thế. Số đỏ không phải là tác phẩm chống thực dân Pháp như nhiều người lầm tưởng. Bởi Vũ Trọng Phụng khi viết các tác phẩm Giông tố, Số đỏ, Vỡ đê, năm 1936, ông đang đặt rất nhiều tin tưởng vào chính phủ Mặt trận bình dân ở Pháp.

(Thụy Khuê – Mặt khuất của con người Vũ Trọng Phụng)

Truyện cực ngắn – Nhà văn chân chính

Hãy để người khác viết về anh nhiều hơn những gì anh viết.

Chữ nghĩa không hay…chết liền I

Báo Tuổi Trẻ Sài Gòn có nhặt ra một số hạt sạn của các báo ở trong nước. Xin mượn vài hạt sạn trình làng:

“Báo Nhân Dân ra số 77 viết trong bài Cảm Nhận Phú Quốc:

Ngày đầu khi mới tới tham quan Phú Quốc, tôi bất ngờ trước cảnh đông vui tấp nập thuyền ken thuyền của cửa biển An Thới. Có lúc lại se lòng trước chứng tích nhà tù Côn Đảo …nơi lưu giữ những giá trị văn hóa đặc sắc”.

Đến Phú Quốc sao lại đi se lòng nhà tù Côn Đảo?! Tác giả có tài phân thân đáng sợ như Tôn Hành Giả thật!

(Báo Ngày Nay: Chữ nghĩa ngày nay)

Tiếng nói xưa và nay

Quê: nghĩa gốc chỉ nơi mình sinh trưởng, nơi gốc rễ của dòng họ mình. Dần dần từ quê có thêm nghĩa mộc mạc, với các cụm từ: quê mùa, quê kệch, nhà quê…

– Chợ búa: chợ búa đều chỉ nơi họp chợ để mua bán nhưng ngày trước có phân biệt nghĩa. Chợ là nơi có lều quán, họp theo phiên (có chợ họp mỗi tháng 6 phiên hoặc 12 phiên). Búa thường họp trên một đám đất rộng, không có lều quán, không có phiên.

Cánh: từ cánh trong tiếng Việt thường để chỉ những vật có đôi, đối xứng  nhau: cánh cửa, cánh tay, cánh đồng (làng ở giữa, có cánh đồng trước cánh đồng sau, cánh đồng xuôi, cánh đồng ngược). Từ nghĩa đó, từ cánh được mở rộng, dùng để chỉ 2 phe đối lập nhau: phe cánh, cánh tả cánh hữu.

Góp nhặt sỏi đá chữ nghĩa

Một hôm, đệ tử hỏi thiền sư Đại Châu:” Thưa thầy! Thế nào là sắc, thế nào là không?”.
Thiền sư trả lời:” Sắc tức là không!”.
Đệ tử lại hỏi:”Thưa thầy, thế nào là có, thế nào là không?”.
Thiền sư trả lời:”Có tức là không?”.

Chữ nghĩa khó khăn

Hỏi : Chào các anh chị, em có câu hỏi là tại sao Việt cộng hay dùng hai chữ đồng chí quá vậy? Theo em hiểu thì đồng chí có nghĩa là những người cùng chí hướng, như đồng đội hay chiến hữu chắc cũng giống nhau, hông biết có đúng hông?
Ở trong nước em thấy Việt cộng hay kêu nhau là đồng chí dù không phải là bộ đội gì hết, thí dụ như: đồng chí hiệu trưởng, đồng chí giám đốc…

Mới đây em nghe một ông phó bí thư xã phát biểu trên TV đại khái là:”Gần đây có một số đồng chí Việt Kiều đã về giúp đỡ cho xã xây dựng trường học giúp các em học sinh nghèo…vv..” .
Như vậy khi Việt cộng kiu người Việt hải ngoại là các đồng chí Việt kiều thì các anh chị nghĩ sao? Hai chữ đồng chí là xấu hay tốt? Cám ơn các anh chị “đồng chí” nhiều.

Đáp : Bạn viết: Việt cộng kiu người Việt hải ngoại…là “kêu” hay “kill” đây ta.

(Trau giồi tiếng Việt – ĐatViet.com)

Thằng tù biên giới

Năm 1951, sau chiến dịch ở biên giới, nhà văn Nguyễn Huy Tưởng có viết một phóng sự có tên “Thẳng từ biên giới” gửi cho báo. Rồi lu bu công việc và quên tuốt. Mấy tháng sau, bỗng dưng ông được một bài báo có phóng sự của ông với tựa đề:

– Thằng tù biên giới.

Chữ nghĩa làng văn

Bản chép tay chữ Nôm Hoa viên kỳ ngộ tập, gồm 46 tờ (92 trang) khổ 27×15 cm, là một tiểu thuyết tính dục táo bạo nhất trong cổ văn Việt Nam.

Cuộc gặp gỡ ở vườn hoa kể về cuộc tình duyên của Triệu Kiệu, thời nhà Lê Cảnh Hưng (1740-1786). Thư sinh họ Triệu khôi ngô tuấn tú, học rộng tài cao. Một hôm dạo bước tới vườn hoa bên cầu Bích Câu, tình cờ gặp Lan Nương và Huệ Nương, con quan Ngự sử họ Kiều, đôi bên quen biết, tình tự rồi yêu nhau say đắm :

“…Triệu công tử được Kiều Công mến tài cho ở trong nhà để tiện thầy tiện bạn đèn sách. Chàng lân la đến khuê phòng của hai nàng, nhờ được Xuân Hoa và Thu Nguyệt là hai thị nữ của Lan Nương và Huệ Nương hết lòng giúp đỡ nên tự do đi lại. Họ đến với nhau, trai tài gái sắc, trao thân gửi phận, thỏa lòng mây mưa vượt qua lễ giáo. Cả hai chị em Lan và Huệ cùng chung tận hưởng cuộc hoan lạc trong cõi nhân gian.

Triệu Công tử đề nghị hai tiểu thư Lan và Huệ kéo cả hai thị nữ Xuân Hoa và Thu Nguyệt vào cuộc và hai tiểu thư cũng đồng ý. Thế là một chàng công tử lần lượt giao hoan với hai tiểu thư, cô em trước, cô chị sau, rồi sau đó đến lượt hai cô thị nữ nữa. Triệu Kiệu cả mừng, đưa tay vuốt ve Lan, kéo Lan vào lòng, một tay kéo đùi nàng, tay kia mân mê đôi vú, cười bảo rằng: “Tuyệt thật, vừa mềm vừa ấm, hệt như thịt đầu gà”.

Lúc này lòng dục của Triệu chợt nổi lên. Chàng bước tới đẩy Huệ xuống gối. Huệ cũng không chống cự. Trong đệm phù dung hải đường máu nhuộm, dưới chăn phỉ thúy, đan quế hương bay. Mày ngài liên hồi chớp chớp mặc cho bướm lượn săn tìm, mắt phượng lim dim mơ màng, không cấm ong bay hút mật. Xiêm màu phấp phới khác nào mưa trút hoa sen, tóc mây rối bời, hệt như gió thổi cành dương.

Triệu không tự chủ được nữa bèn tay kia mân mê vú Huệ, mặc sức đùa cợt trong chăn phỉ thúy, tận hưởng cuộc hoan lạc, rồi đẩy ngã vào trong đệm, hỉ sức mây mưa. Xong rồi Triệu lại kéo Lan, Lan cũng không chống lại. Bắt chước theo hình dáng chim âu chim vụ, phỏng học theo tư thái uyên ương, quả là niềm cực lạc trong cõi nhân gian. Sau đó đến Xuân Hoa. Lúc Xuân Hoa giao hợp với Sinh, lòng xuân rạo rực, mặc cho Sinh muốn làm gì, không hề mảy may khó khăn. Sau đó đến Nguyệt, mặc sức mây mưa. Hoa binh nguyệt trận, nhung mã tung hoành.

Giao hoan xong, Sinh lại cùng hai nàng Lan, Hương đối ẩm. Sau khi gà gáy ba hồi, các nàng vực chàng vào ngủ…”.

(Nguyễn Xuân Diện – Quyển tiểu thuyết sex táo bạo nhất

trong thư tịch cổ Việt Nam)

Ca dao, tục ngữ thời @ (a-cong!)

Nhớ ai như nhớ láng giềng.

Chỉ mong tắt lửa tối đèn… có nhau.

Thôi, xao

“Thôi” là “đẩy”. “Xao” là “gõ”.

Giả Đảo là một nhà sư giỏi thơ đời Đường. Một hôm trăng sáng, sư cưỡi lừa đến thăm người bạn tên Hàn Dũ. Cảnh thanh vắng, chim đậu trên cây bên bến nước, bóng người chiếu xuống mặt đầm, sư tức cảnh làm thơ :

Điểu túc tri biên thọ

Tăng thôi (xao) nguyệt hạ môn

Tạm dịch là “Chim đỗ cây bến nước – Sư đẩy (gõ) cửa dưới trăng”. Giả Đảo ngâm đi ngâm lại thấy chữ “thôi” không ổn đổi lại “xao”. Nhưng cũng không vưa ý. ông đọc “thôi” rồi “xao”. Hết “xao” lại “thôi”.

Ông tức quá, đứng trước cửa nhà bạn đưa tay đẩy (thôi) rồi gõ (xao) cửa nhà bạn năm, bẩy lần như người điên mà vẫn không nghĩ ra. Vừa lúc Hàn Dũ bước ra biết chuyện nên nói: “Nên dùng chữ “xao” (gõ) thì hay hơn”.

“Thôi xao” trong thơ phú ngày nay chỉ…“chọn chữ làm thơ”.

(Nguyễn Tử Quang – Điển hay tích lạ)

Chữ nghĩa biên khảo: Từ Hói qua Hải

Gần Ái Tử có thị trấn Đông Hà (con sông ở phía đông) đối với Tây Trì (ao miền tây), phía bắc sông Cam Lộ có một “cái hói” tức sông con, có bến thuyền bè qua là gọi là Bến Hói, người Pháp đổi tên là Bến Hải. Đây là vĩ tuyến 17 mà hiệp định Geneve 1954 phân chia Nam Bắc.

(Thái Văn Kiểm – Tạp chí Sống)

 

Ngộ Không (sưu khảo)

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2015

Bài Mới Nhất
Search