T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngộ Không : Chữ nghĩa làng văn (Kỳ 88)

clip_image001

Ca dao và lịch sử

Ca dao có, tuy không nhiều, những bài liên quan đến lịch sử:

Nhớ em anh cũng muốn vô

Sợ chuông Nhà Hồ, ngại phá Tam Giang

Phá Tam Giang ngày rày đã cạn

Chuông Nhà Hồ nội Tán cấm nghiêm

Phá: lạch biển – Phá Tam Giang : cái lạch biển ở huyện Quảng Điền, Thừa Thiên. Về phía tây nam có 3 con sông là Tả Giang, Hữu Giang và Trung Giang chảy vào đổ ra cửa biển Thuận An.

Ngày trước vùng này sóng lớn, thuyền bè qua lại rất nguy hiểm. Theo Đại Nam Nhất Thống Chí, sau này nước cạn đi nên còn được gọi là Hạc Hải (bể cạn)

Tác giả cho là chuông đây là “cái chuông” của nhà Hồ tức Hồ Hán Thương khi kéo vào đánh Chiêm Thành. Nhưng đúng ra thì câu ca dao trên có từ thời Đào Duy Từ với chúa Nguyễn Phúc Chu (1691-1725) và “truông” đây là rừng chứ không phải “cái chuông”. Vì truông nhà Hồ thuộc rừng Hồ Xá Lâm thuộc phủ Vĩnh Linh tỉnh Quảng Trị thường có bọn cướp bóc khách qua đường và bị ông Nội Tán Nguyễn Khoa Đăng dẹp tan.

(Trần Bích San – Nguồn gốc văn học Việt Nam)

Thành ngữ I

Thành ngữ ” Đánh chó đá vãi cứt “ : ám chỉ bọn bất tài mà lại hay huyênh hoang, khoác lác.

Hỏi nhẹ, ngã nặng

Phan Văn Hùm nổi tiếng về hoạt động chính trị, nhưng ông cũng là một nhà nghiên cứu nghiêm túc. Ý kiến liên hệ thanh với nghĩa được Phan Văn Hùm diễn giải: Vì giọng hỏi là một giọng gãy, nhưng mà dịu, nên chỉ những tiếng nào nó đã ghi là có nghĩa nhẹ, hoặc ngắn, hoặc nhỏ, hoặc dễ v.v.

Còn giọng ngã, vì gãy mà chìm, nói phải ráng đưa hơi từ trong ngực ra, nên chi những tiếng nào nó đã ghi là có nghĩa nặng, hoặc dài, hoặc lớn, hoặc khó, hoặc bền v.v.
Thí dụ, hai chữ mỏng mảnh không thể có dấu ngã được; còn những chữ nặng trĩu, dài nhẵng, phải đánh dấu ngã.

(Nguyễn Hiến LêKhảo luận về ngữ pháp Việt Nam)

Chữ và nghĩa: Địa danh

Cầu Ông Lãnh: Do một ông Lãnh Binh thời Tả Quân Lê Văn Duyệt dựng lên.

Ông Lãnh Binh này có 5 vợ. Ông xấy cho các bà 5 cái chợ rồi thành địa danh:

Chợ Bà Chiểu (Gia Định), Bà Quẹo (phía Quán Tre), Bà Điểm (phía Thuận Kiều), Bà Hom (Phước Lâm), Bà Rịa (Phước Lễ).

(Hồ Đình Vũ – Nguồn gốc một số địa danh miền Nam)

Báo Ngày Nay đình bản năm nào?

clip_image003

Trong bài Cười cợt để sửa đổi phong hóa…, Động Đình Hồ nói tham chiếu bài Thư gửi cô Mai, cô Loan của Nguyễn Thị Vinh thì tuần báo Ngày Nay đình bản năm 1939.

Nhưng ngay dòng dưới, Động Đình Hồ cho in hình bìa tờ Ngày Nay số 222 phát hành ngày 24. 8. 1940 để chứng minh là năm 1939 báo Ngày Nay chưa đình bản và gián tiếp cho Nguyễn Thị Vinh là sai. Có thể bà Vinh sai thật vì ngay khi trả lời cuộc phỏng vấn của Anh Vân đăng trên nguyệt san Hương Quê số 47 tháng 8. 1998 xuất bản tại Houston, TX, bà cũng nói rằng “Hiện nay tôi cũng có một số tài liệu về việc ấy (TLVĐ) nhưng không bảo đảm sự chính xác. Do đó không dám phổ biến”.

Tôi đề nghị tòa soạn Thế Kỷ 21 nên mượn chính tờ bìa Ngày Nay số 222 của Động Đình Hồ để coi tận mắt và đính chính lại ngày khai tử của Ngày Nay.

(Đặng Trần Huân – Bẩy vị tinh tú)

Góp nhặt sỏi đá

Một vị tể tướng đời Đường rất say mê đạo Phật. Thầy của ông là một vị đạo cao tăng phái Thiền, thầy trò tâm đắc lắm. Ngày kia, ông hỏi sư phụ:
– Thưa thầy, xin thầy cắt nghĩa cho đệ tử biết “si” là gì?

Mặt của sư phụ đổi sắc, trợn mắt, hỏi với một giọng khinh mạn:
– Mi hỏi ta gì đó, đồ ngu!

Cử chỉ và lời nói bất ngờ ấy làm cho gương mắt tể tướng đỏ lên.
Bấy giờ nhà sư mỉm cười, bảo nhẹ:
– Thưa, đó là “ngã mạn” ạ!

(Phụ chú: “si” là…“ngã mạn) J

Tiếng Tầu khó… thương

Hỏi : Xin hỏi quý đồng bào một câu, lâu ngày nên Long tôi quên mất câu nào là “nghi bất hoặc” (chẳng hồ nghi) và câu nào là “tri thiên mệnh” (biết số trời?). Xin đa tạ quý bà con.

Đáp : Là “nhi bất hoặc”, không phải “nghi”. Từ câu luận ngữ :
Tam thập nhi lập;
Tứ thập nhi bất hoặc;
Ngũ thập nhi tri thiên mệnh;
Lục thập nhi nhĩ thuận;
Thất thập nhi tòng tâm dục bất du củ.

“Tam thập nhi lập” có nghĩa là khi người ta tới 30 tuổi thì tự lập mới có thể vững vàng. Thực tế đã có nhiều người tự lập từ trước lứa tuổi 30 và cũng có người không tự lập được ở ngoài lứa tuổi 30. Đây là trường-hợp của những người có chí tự lập hay không.
“Tứ thập nhi bất hoặc” có nghĩa là khi người ta tới 40 tuổi mới có thể hiểu thấu mọi sự lý trong thiên hạ, phân biệt được việc phải hay trái cũng như hiểu được ai là người tốt hay xấu, và biết được cái gì nên làm hay không.

– “Ngũ thập nhi tri thiên mệnh” có nghĩa là khi người ta tới 50 tuổi mới có thể thông suốt chân lý của tạo-hoá, tức là hiểu được mệnh của trời. Không phải bất cứ ai tới 50 tuổi là đạt được trình-độ “tri thiện mệnh”.
“Lục thập nhi nhĩ thuận” có nghĩa là khi người ta tới 60 tuổi thì đạt đến tri hành, kiến văn, và kinh nghiệm về cuộc sống. Nhờ đó, người ta có thể phán đoán được về các sự kiện. Khi nhìn hay nghe thấy điều gì, người ta hiểu thấu mọi lẽ.

“Thất thập nhi tùng tâm sở dục bất du củ” có nghĩa là tới 70 tuổi, con người sẽ biết về cách xử thế. Nhờ đó mà mỗi khi người ta định nói điều gì hay làm việc gì thì thể hiện đúng với cái tâm của mình. Ở vào tuổi từ 70 trở lên nếu tự tìm tòi học hỏi, có kiến văn quảng bác, có tu tâm dưỡng tính và có kinh nghiệm về cuộc đời.

(Trau giồi tiếng Việt – ĐatViet.com)

Tiếng Việt với điện thư

Nàng gửi chàng cái điện thư:

– Anh khong len mau, em thay bo ngay chang tiec.

Chàng hiểu là:

– Anh không lên mau, em thay bồ ngay chẳng tiếc.

Nhưng nàng muốn nói là:

– Ảnh không lên mầu, em thảy bỏ ngay chẳng tiếc.

Giai thoại làng văn

Tiền Phong, vốn là một nhà viết kịch và đóng kịch ở Bắc, bắt đầu nổi tiếng từ đó và cũng từ đó anh thành ra một tên tuổi trong làng dịch tiểu thuyết Tầu, nhứt là từ “Cô Gái Đồ Long” cũng đăng trên báo “Đồng Nai”, làm cho báo ấy in không kịp bán. Hai chữ “Kim Dung” thành ra thần tượng ở nước ta bắt đầu từ đó. Nhiều báo khác thấy thế, đua nhau dịch tiểu thuyết chưởng, khi có truyện Kim Dung thì tranh nhau mua về dịch. Kết cục, dịch tiểu thuyết Kim Dung thành ra một cái… dịch, báo nào đăng nhiều truyện Kim Dung thì chạy, báo nào không có thì ế, vì độc giả mê Kim Dung quá, ngồi đâu người ta cũng bàn tán với nhau về Kim Dung. Tôi đã từng thấy có những độc giả làm những cử chỉ mới đầu tưởng như có thể làm vinh dự cho báo này hay báo nọ: họ đến sạp báo hỏi mua một tờ và giựt lấy đọc lia lịa một hồi rồi trả tiền và biếu luôn tờ báo cho người bán báo và đi. Té ra họ mua báo chỉ đọc thật nhanh cho thật “đã” truyện chưởng của Kim Dung rồi thôi, không cần đọc gì khác nữa. Người làm báo thật yêu nghề, thấy thế, không khỏi cảm thấy trơ trẽn vì bao nhiêu tâm huyết của mình đem ra làm báo đều vô ích: Làm cho báo chạy có phải là chủ bút, chủ nhiệm, thư ký tòa soạn, bỉnh bút hay phóng viên đâu, nhưng là một người xa tít tận đâu đâu viết cho người Trung Hoa coi rồi mình đem ra nhai lại mà thấy vẫn ngon như thường!
Này, thế tôi đố anh có dám cá với tôi không nào; cái thằng Lệnh Hồ Xung nó mê con Nhạc Linh San, thế rồi con Nhạc Linh San gặp thằng Lâm Bình Chi, đẹp trai hơn, lại mê thằng Lâm Bình Chi. Anh dám cá không: tôi bảo thằng Lệnh Hồ Xung rồi lại quay lại với con đó đấy, chớ đến kết thúc rồi nó cũng chẳng lấy con Doanh Doanh hay con ni cô Nghi Lâm như nhiều người tưởng lầm đâu. Ấy đấy, anh cá với tôi đi nào!

(Vũ Bằng – Bốn mươi năm nói láo)

Chữ nghĩa thập niên 20

Đắc lộc – Là con hươu. Sách Liệt tử chép rằng: Có một người ở nước Trịnh bắt được một con hươu, đánh chết đi, lấy lá chuối phủ kín, rồi đem dấu ở miếu Thành hoàng. Vì mừng quá nên mất trí khôn, quên chỗ dấu, nên ngỡ là chuyện trong giấc mộng.

Hai chữ ấy dùng để chỉ một việc có cũng như không.

(Phan Mạnh Danh – Đắc Chung Tự)

Tục ngữ Tầu

Nhân lão cân xuất, thụ lão căn xuất

(Người già nổi gân, cây già lộ rễ)

(Nguyễn Lập Sơn – Dư Phát Linh)

Thanh mai trúc mã

“Mai” đây là “quả mơ” chứ không phải là cây mai. “Thanh mai” là trái mơ xanh. “Trúc mã” là con ngựa đồ chơi làm bằng tre. Câu này lấy từ điển cố trong bài thơ “Trường ca hành” của Lý Bạch.Tả mối tình thơ ngây của đôi trai gái, cậu bé cưỡi ngựa tre giả, chạy quanh giường đùa với cô bé. Mối tình “ Thanh mai trúc mã” là mối tình của đôi trai gái quen nhau, yêu nhau từ thưở bé.

(Duy Lý – báo Tự Do)

Đề: Tả chú gà trống.

Nhà em có nuôi một chú gà trống. Chú khoác trên mình bộ váy sặc sỡ. Sáng nào chú cũng dậy sớm chạy ra sân và kêu cục ta cục tác để dụ đám gà mái. Em rất yêu quý chú vì hàng ngày chú đều đẻ trứng cho mẹ em đi chợ bán.

Ngộ Không

(Sưu Tầm)

 

 

 

 

©T.Vấn 2016

Bài Mới Nhất
Search