T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Hoài Nam : NHỮNG CA KHÚC NGOẠI QUỐC LỜI VIỆT (52) – NHẠC PHÁP – Capri c’est fini (Lời Chia Xa – Mai sau, thôi đã hết), Hervé Vilard & Marcel Hurten

capri c'est fini - herve vilard

Tiếp tục giới thiệu những ca khúc Pháp được ưa chuộng trong thời “nhạc trẻ” ở Sài Gòn trước năm 1975 và được đặt lời Việt, kỳ này chúng tôi viết về ca khúc thành công nhất của Hervé Vilard, bản Capri c’est fini (Lời chia xa – Mai sau, thôi đã hết).

 Hervé Vilard là một trường hợp thành công khá độc đáo trong làng nhạc Pháp. Mặc dù sự nghiệp và tên tuổi không thể sánh với nữ tiền bối Édith Piaf (1915-1863) – người nữ nghệ sĩ lớn lên trong động điếm, khởi nghiệp trên hè phố, thất học từ nhỏ, sau trở thành nữ danh ca nổi tiếng nhất của Pháp – chàng trẻ tuổi xuất thân viện mồ côi sau trở thành nhà soạn nhạc, ca sĩ, và nghệ sĩ sân khấu được ái mộ bậc nhất ở Pháp trong suốt bốn thập niên, cũng xứng đáng đứng hạng nhì.

Hervé Vilard tên thật là René Villard , ra chào đời ngày 24/7/1946 tại kinh thành ánh sáng Paris dưới một ngôi sao xấu.

Cậu là con trai của Marcelle Blanche Villard, nguyên là một cô gái bán hoa dạo kiêm ca sĩ hè phố, sau trở thành người hướng dẫn chỗ ngồi (usherette) tại hí viện Théâtres des Variétés. René bị đẻ rớt trên chiếc xe tắc-xi chở bà mẹ trên đường tới bệnh viện Saint-Antoine, và không bao giờ được biết mặt cha – một tài xế tắc-xi gốc đảo Corse – bởi ít lâu sau đó ông đã một đi không trở lại. Năm René lên 6 tuổi, do đơn thưa của một người bà con, Marcelle Blanche bị tòa án gia đình tước quyền nuôi con vì tật say sưa, René được đưa vào viện mồ côi Saint-Vincent-de-Paul ở Paris.

Sau đó, René Villard được đưa về vùng Berry sống với các cha mẹ nuôi (foster parents). Trong cuộc đời mình sau này, René Villard luôn giữ những ấn tượng đẹp về các “bà mẹ đầu tiên” của mình, nhưng ngày ấy, cậu đã bỏ trốn nhiều lần, và cứ sau mỗi lần bị bắt lại, được trao cho một “bà mẹ” mới. Tổng cộng trước sau cậu đã sống với bảy gia đình khác nhau!

Năm 11 tuổi, René Villard may mắn được gặp Cha Denis Angrand, một vị linh mục giáo sư về hưu tại một tu viện nhỏ ở làng La Celette, được ngài thu nhận làm học trò, dạy chữ nghĩa, văn chương, âm nhạc.

[Năm 1991, tức hơn 30 năm sau, tu viện La Celette đóng cửa, Hervé Vilard đã trở về chốn xưa mua lại tu viện này để làm chỗ ở của mình]

Cha ANGRAND va Herve vilard

Cha Denis AngrandRené Villard

Tới năm 1961, vào tuổi 14, René Villard lại bỏ trốn, lần này là lên Paris. Tại kinh thành ánh sáng, René Vilard trở thành một tay đầu đường xó chợ (gamin) đúng nghĩa, sống giữa đám con gái làm điếm ở khu Pigalle và lũ con trai chuyên nghề trộm cắp, bụng lúc nào cũng trống rỗng…

Nhưng qua năm 1962, may mắn lại đến với cậu.

Sau này, René Villard kể lại trong cuốn hồi ký L’âme seule (Tâm hồn cô đơn) xuất bản năm 2007:

“Một ngày nọ đứng trước nhà ga Montparnasse, tôi để ý tới một họa sĩ đang vẽ và tới gần. Bức tranh ông đang vẽ không có sức thu hút tôi cho bằng cặp bánh mì sandwich để bên cạnh… Nhận ra sự thật phũ phàng ấy, ông cắt cặp sandwich làm đôi, đưa cho tôi một nửa và bảo: “Thứ Bảy này cậu hãy tới buổi triển lãm tranh của tôi, tha hồ mà ngốn cho đầy bụng. Nhưng cậu phải nhớ giặt cái áo sơ-mi của cậu trước đã, bởi phòng triển lãm ấy nằm trong một khu phố đẹp đẽ”. Thứ Bảy, tôi tới phòng triển lãm tranh nằm trên đường Miromesnil trong khu Montparnasse. Họa sĩ ấy chính là Dado.”

[Như chúng tôi đã viết trong bài “Dẫn Nhập” (Nhạc Pháp), Montparnasse là một trong hai khu phố nghệ sĩ nổi tiếng của  Paris, khu kia là Montmartre.

Montmartre thuộc Quận 18, nằm ở hữu ngạn sông Seine; trung tâm là đồi Montmartre cao 130 mét, trên có Vương cung thánh đường Thánh Tâm (Basilique du Sacré-Coeur) với mái vòm bằng đá trắng, dưới chân đồi là các hộp đêm, quán rượu, gần đó là khu “đèn đỏ” Pigalle, nơi tọa lạc của hí viện nổi tiếng Moulin Rouge.

Từ trước Đệ nhất Thế chiến, rất nhiều nghệ sĩ thời danh, đặc biệt là giới họa sĩ và ca nhạc sĩ, Pháp cũng như quốc tế, đã tới sống ở khu Montmartre, thoạt đầu chỉ vì giá mướn nhà, mướn phòng, mướn studio ở đây rẻ hơn những nơi khác, nhưng sau này còn vì “không khí nghệ sĩ” ở đây. Trong số này có các họa sĩ Salvador Dali, Amedeo Modigliani, Claude Monet, Pierre-Auguste Renoir, Piet Montrian, Pablo Picasso, Camille Pissaro, Vincent van Gogh…, nữ nghệ sĩ Pháp gốc Mỹ Josephine Baker, nhà soạn nhạc gốc Bỉ Django Reinhardt, văn sĩ gốc Thụy-sĩ Le Corbusier…

Tuy nhiên, tới những năm sau Đệ nhị Thế chiến, vì cuộc sống ở khu Montmartre trở nên quá sức xô bồ, hỗn loạn, mất an ninh, giới nghệ sĩ đã dần dần bỏ sang khu Montparnasse bên kia bờ (tả ngạn) sông Seine, thuộc Quận 14, vốn được xem là khu vực của văn nghệ sĩ “nhà lành” và giới trí thức ở Paris]

 * * *

Cũng trong cuốn hồi ký nói trên, René Villard viết: “Chính Dado đã cứu tôi ra khỏi cảnh khốn cùng”, qua việc giới thiệu cậu bé là “đệ tử” của mình với nhà mạnh thường quân Daniel Cordier trong buổi triển lãm tranh nói trên.

Dado (1933—2010) là một họa sĩ, nghệ sĩ thạch bản (lithography)  kiêm điêu khắc gia gốc Nam Tư nổi tiếng ở Pháp từ cuối thập niên 1950.

Ông tên thật là Miodrag Duric, xuất thân từ một gia đình trí thức và giàu có ở Montenegro, ngày ấy thuộc Vương quốc Nam Tư (Kingdom of Yugoslavia). Trong hoàn cảnh loạn lạc do các cuộc giao tranh giữa kháng chiến quân Nam Tư và phe Trục (Đức Quốc Xã, Phát-xít Ý) thời Đệ nhị Thế chiến, Miodrag Duric bị mồ côi mẹ vào năm 11 tuổi, được một người cậu đưa về Slovenia (cũng thuộc Nam Tư) nuôi dạy.

Miodrag Duric học khá “dốt” nhưng lại có khiếu về các bộ môn nghệ thuật, nên vào năm 1951, được cho lên thủ đô Belgrade theo học tại các trường nghệ thuật. Năm 1956, được sự khuyến khích của các vị thầy, Miodrag Duric khăn gói sang Paris tìm đường tiến thân.

Tại kinh thành ánh sáng, Miodrag Duric vừa làm việc trong các xưởng khắc thạch bản vừa trau dồi tiếng Pháp để có thể giao du với giới nghệ sĩ địa phương. Hai năm sau (1958), tài năng của Miodrag Duric được nhà mạnh thường quân Daniel Cordier khám phá và đứng ra tổ chức buổi triển lãm những bức tranh, những bản khắc của chàng. Từ đó, Miodrag Duric nổi tiếng một cách mau chóng dưới cái tên nghệ sĩ “Dado”.

Daniel Cordier (sinh năm 1920) nguyên là thành viên Kháng chiến Pháp (French Resitance) của Tướng De Gaulle trong Đệ nhị Thế chiến chống lại Đức Quốc Xã, sau trở thành một doanh gia thành công, một nhà mạnh thường quân nổi tiếng. Ông không chỉ là một nhà sưu tầm, buôn bán, triển lãm tác phẩm nghệ thuật, mà còn là nhà phê bình, và một sử gia trong hai lĩnh vực văn học và nghệ thuật.

* * *

Trở lại với buổi triển lãm tranh của Dado năm 1962 ở khu Montparnasse, sau khi René Villard đã “dồn đầy một bụng”, nhà họa sĩ đưa cậu tới giới thiệu với ông Daniel Cordier, nói rằng đây là “đệ tử” của mình.

Vừa gặp René Villard, ông Daniel Cordier đã có cảm tình ngay với cậu bé mặt mũi sáng sủa, và hỏi nhà cậu ở đâu. Từ ngày bỏ trốn khỏi vùng Berry, René Villard luôn luôn nói dối về thân thế và hoàn cảnh bụi đời của mình, nhưng không hiểu sao nay khi nghe ông Daniel Cordier hỏi, cậu lại thú thật rằng mình bỏ trốn khỏi viện mồ côi. Ông nói với cậu: “Em phải trở lại viện, rồi ta sẽ tìm cách lãnh em ra”.

Daniel Cordier đã giữ lời, và chính thức nhận René Villard làm con nuôi. Điều này có nghĩa là từ nay cậu không còn là “con bà phước”, đối tượng của cơ quan quản chế trẻ vị thành niên của nhà nước Pháp nữa!

René Villard viết trong hồi ký:

“Cuộc đời tôi hoàn toàn đảo ngược. Tôi được ngồi ăn sáng chung bàn với André Malraux (văn sĩ, Tổng trưởng Văn hóa), Yvonne de Gaulle (phu nhân Tổng thống Charles de Gaulle), Mendès France (cựu Thủ tướng), François Mitterrand (Tổng trưởng Nội vụ, Tổng thống tương lai)…”

Cũng trong thời gian này, ông Daniel Cordier đã tập cho René Villard thú đọc thơ văn, kết quả sau này ngoài việc sáng tác và trình bày các ca khúc của mình, René Villard còn trình diễn ngâm thơ với một giọng ngâm rất chuyên nghiệp.

Biết René Villard ôm mộng trở thành ca sĩ, ông Daniel Cordier cho cậu đi học hát đồng thời kiếm cho cậu một chân bán hàng trong tiệm bán đĩa hát Sinfonia nổi tiếng ở đại lộ Champs-Elysées, nơi cậu được hân hạnh gặp gỡ, quen biết những danh ca như Maria Callas, Claude François…, và được họ cho vé đi tham dự những buổi trình diễn của họ.

Vào một ngày trong năm 1963 tại lớp luyện giọng hát, René Villard lọt vào mắt xanh của một đại diện hãng đĩa Mercury Records, và ngay sau khi thử giọng, đã được ông Giám đốc Louis Hazan ký hợp đồng 5 năm.

Trong bữa ăn sáng tiếp theo đó, sau khi ông Daniel Cordier loan báo tin mừng René Villard đã được hãng đĩa ký hợp đồng, văn sĩ André Malraux (Tổng trưởng Văn hóa) nói: “Sao anh không cho cậu ta theo một ngành nào khác, hát hỏng chỉ là một nghệ thuật thứ yếu!”. Nghe thấy thế, René Vilard xen vào: “Thưa ông Tổng trưởng, xin ông hãy thử đi nghe Brel hát, ông sẽ thấy giá trị không thua gì Chagall”; còn ông Daniel Cordier thì tuyên bố một cách lạc quan: “Cậu ta đã sẵn sàng rồi, tôi sẽ để cậu ấy tự lập!”

[Brel mà René Vilard nhắc tới ở đây là ca nhạc sĩ Jacques Brel, tác giả ca khúc bất hủ Ne Me Quitte Pas (If You Go Away) chúng tôi đã giới thiệu. Còn Chagall là Marc Zajharovich Chagall (1887-1985), một họa sĩ Pháp gốc Nga nổi tiếng, một trong những người khai sáng trường phái hiện đại (modernism)]

Tháng 11 năm 1964, René Villard thu đĩa 45 vòng đầu tiên của mình, với hai ca khúc Je veux chanter ce soir (Chiều nay tôi muốn cất tiếng hát) và Une voix qui t’appelle (Có tiếng gọi em), dưới cái tên nghệ sĩ “Hervé Vilard” (bỏ bớt một chữ “l” trong họ “Villard”).

Với số bán ra 12.000, đĩa hát này được xem là thành công đáng kể đối với một ca sĩ mới bước vào nghề. Để rồi hơn nửa năm sau, Hervé Vilard đã đạt thành công rực rỡ với bản Capri c’est fini, một sáng tác chung với Marcel Hurten.

Được tung ra cùng năm với J’entend siffler le train (500 Miles – Tiễn em lần cuối) của Richard Anthony và Aline (Gọi tên người yêu) của Christophe mà chúng tôi đã giới thiệu trước đây, Capri c’est fini đã bán được trên một triệu đĩa, và trong 6 tháng còn lại của năm 1965, đã qua mặt cả hai bản nói trên.

Tiếp theo thành công của Capri c’est fini là các bản Mourir ou vivre, J’ai envie, Fais-la rire, v.v…

 capri c'est fini

J’ai Envie
J’ai envie de vivre avec toi
J’ai envie de rester avec toi
Toute la vie, de rester avec toi
Toute la vie, toute la vie, toute la vie
J’ai envie de chanter quand tu chantes
J’ai envie de pleurer quand tu pleures
J’ai envie de rire quand tu ris
Quand tu ris, quand tu ris
Mais en lisant ta lettre
Je vois qu’il n’y a plus d’espoir
Je sais que tu ne viendras pas
Au rendez-vous ce soir
J’avais tout préparé
J’avais tout décidé
Mais tu ne viendras pas
Au rendez-vous ce soir

J’ai envie de parler avec toi
J’ai envie de dire n’importe quoi
J’ai envie pourvu que tu sois là
J’ai envie de vivre avec toi
J’ai envie que tu sois près de moi
J’ai envie que tu sois près de moi
Mais en lisant ta lettre
Je vois qu’il n’y a plus d’espoir
Je sais que tu ne viendras pas
Au rendez-vous ce soir
J’avais tout décidé
J’avais tout préparé
Mais tu ne viendras pas
Au rendez-vous ce soir
J’ai envie de parler avec toi
De dire n’importe quoi

Phụ lục (1): J’ai Envie, Hervé Vilard

Phụ lục (2): Fais la rire, Hervé Villard

Trước năm 1975, J’ai Envie  được Trường Kỳ đặt lời Việt với tựa Anh Ước Mong, Fais la rire với tựa Mời Nàng Cười, và cùng được thu vào băng nhựa qua tiếng hát của Jo Marcel.

Anh Ước Mong

Anh ước mong, được sống vui bên em.
Anh ước mong, được có em luôn bên anh.
Luôn với anh được có em luôn bên anh.
Ta bên nhau trong mai sau, trong mai sau.
Anh ước mong, được hát lên khi em ca
Anh ước mong, được khóc khi em âu sầu
Anh ước mong, cười lớn khi em vui,
khi em vui, khi em vui.

Đọc lá thư em miên man,
anh trông thấy quá rõ niềm tuyệt vọng
Vì gót chân em hôm nay
không đi đến chỗ hẹn hò buổi chiều.
Tim anh chất ngất nỗi nhớ
Mong em với những đắm đuối
má gót chân em không quay về
Đường cũ hôm nào.

Anh ước mong, được nói lên câu yêu thương
Anh ước mong, được nói lên câu đam mê.
Anh ước mong, gần gũi bên em luôn luôn
Anh ước mong, được sống vui bên em
Anh ước mong, được có em, vui bên em.
Anh ước mong, được có em, vui bên anh.

 Phụ lục (3): J’ai Envie / Anh Ước Mong, Jo Marcel

VIDEO :

 Jo Marcel – Mời Nàng Cười (Fait la Rire) – Thu Âm Trước 1975

Với những ca khúc trữ tình, lối diễn tả tha thiết của mình, Hervé Vilard được xem là một “chanteur à minettes” (nam ca sĩ của các cô gái “nhà lành”, xinh xắn dễ thương).

Năm 1966, Hervé Vilard bắt đầu lưu diễn ở ngoại quốc, trước hết là Algeria, một quốc gia Bắc Phi nói tiếng Pháp, với những buổi trình diễn tại rạp Palais de Sport không còn một ghế trống.

 Từ năm 1967 tới 1969, Hervé Vilard lưu diễn Nam Mỹ, đạt thành rực rỡ tới mức chàng trở thành một “thường trú nhân” ở Buenos Aires, thủ đô Á-căn-đình trong suốt 2 năm 1969, 1970. Ngoài Âu châu, Gia-nã-đại (các vùng nói tiếng Pháp), châu Mỹ la-tinh, các ca khúc của Hervé Vilard còn lên bảng xếp hạng tại Thổ-nhĩ-kỳ, Nam Hàn, và đặc biệt Nhật Bản, nơi ca khúc Sayonara (Vĩnh biệt) vốn được viết cho Mireille Matthieu, sau khi được Hervé Vilard thu đĩa năm 1968 đã lên “Top”, rất được ưa chuộng ở xứ Hoa Anh Đào.

VIDEO :

 Herve Vilard – Sayonara – vidéo Dailymotion

Bước qua thập niên 1970, Hervé Vilard sáng tác và thu đĩa thêm nhiều ca khúc thành công khác, trong đó có bản Nous (Chúng ta) năm 1978, bán được 2 triệu đĩa, và Reviens (Xin hãy quay về) năm 1979, bán được trên 1 triệu đĩa.

VIDEO :

 Herve Vilad Nous – Youtube

Ngoài đời cũng như trên bục trình diễn, Hervé Vilard luôn là một con người đáng quý, đáng mến, và một trong những điều đáng quý nhất là chàng không bao giờ quên rằng mình đã lớn lên ở viện mồ côi. Trong thời gian trải dài 40 năm, Hervé Vilard đã trình diễn nhiều buổi để gây quỹ từ thiện cũng như tới tận các viện mồ côi để hát giúp vui cho các trẻ em thiếu may mắn.

Chàng cũng thường về Berry để thăm “Cha giáo” Denis Angrand và các bà “mẹ nuôi” của mình ngày xưa.

Tới năm 2004, nhà cầm quyền Berry đã vinh danh Hervé Vilard qua việc lấy tên chàng để đặt cho tòa nhà của các bộ môn nghệ thuật trình diễn (performing arts).

Trước đó, vào năm 1992, Hervé Vilard được Tổng thống Pháp François Mitterrand ký quyết định ân thưởng huân chương quốc gia Ordre national du Mérite (National Order of Merit), và trao gắn huân chương cho chàng trong một buổi lễ tổ chức tại nhà hát Théâtres des Variétés, do nam diễn viên gạo cội Jean-Paul Belmondo đảm trách vai trò MC.

[Théâtres des Variétés cũng là nơi mà xưa kia bà mẹ Marcelle Blanche của Hervé Vilard làm một nhân viên hướng dẫn chỗ ngồi]

 * * *

 Tới đây, xin trở lại với ca khúc chủ đề: Capri c’est fini của Hervé Vilard do chàng viết lời hát, và soạn nhạc với sự hợp tác của Marcel Hurten.

Capri_coastline

Capri Coastline

 Khi viết ca khúc này, Hervé Vilard chưa đầy 19 tuổi và chưa từng đặt chân tới Capri, hòn đảo du lịch nổi tiếng thơ mộng của Ý ngoài khơi  Napoli (Naples). Một ngày nọ, Hervé Vilard tình cờ nhìn thấy một poster quảng cáo du lịch Capri ở nhà ga xe lửa Paris Métro, rồi chợt nhớ tới ca khúc C’est fini (Thôi đã hết rồi) của đàn anh Charles Aznavour, và tưởng tượng ra một chuyện tình đẹp nhưng ngắn ngủi, khởi đầu tại Capri và tan vỡ cũng tại hòn đảo thơ mộng này. Lời hát là tự thuật của chàng trai…

Capri c’est fini

 Nous n’irons plus jamais,
Où tu m’as dit je t’aime,
Nous n’irons plus jamais,
Comme les autres années,
Nous n’irons plus jamais,
Ce soir c’est plus la peine,
Nous n’irons plus jamais,
Comme les autres années;
Refrain:

Capri, c’est fini,
Et dire que c’était la ville
De mon premier amour,
Capri, c’est fini,
Je ne crois pas
Que j’y retournerai un jour.
Capri, c’est fini,
Et dire que c’était la ville
De mon premier amour,
Capri, c’est fini,
Je ne crois pas
Que j’y retournerai un jour.

 Nous n’irons plus jamais,
Où tu m’as dit je t’aime,
Nous n’irons plus jamais,
Comme les autres années;
Parfois je voudrais bien,
Te dire recommençons,
Mais je perds le courage,
Sachant que tu diras non.

(Refrain)

Nous n’irons plus jamais,
Mais je me souviendrais,
Du premier rendez-vous,
Que tu m’avais donné,
Nous n’irons plus jamais,
Comme les autres années,
Nous n’irons plus jamais,
Plus jamais, plus jamais.
(Refrain)

Phụ lục (4): Capri c’est fini,  Hervé Villard

Nếu chỉ tính các ca khúc Pháp thời “nhạc trẻ”, Capri c’est fini là đĩa hát 45 vòng có số bán cao nhất (3.3 triệu), có nhiều phiên bản tiếng ngoại quốc nhất, chỉ một mình Hervé Vilard đã thu đĩa bằng 7 ngôn ngữ khác nhau.

Năm 1967, phiên bản tiếng Anh có tựa Kiss Tomorrow Goodbye đã được nam danh ca Vince Hill của Anh quốc thu đĩa, còn tại Hoa Kỳ, bản này được nữ ca sĩ kiêm diễn viên Lainie Kazan trình bày.

Capri c’est fini không chỉ đem lại cho Hervé Vilard tiền tài, danh vọng, mà còn một thứ khác mà tiền bạc không thể mua được: tình mẫu tử. Viết một cách rõ ràng hơn, Hervé Vilard đã tìm lại được bà mẹ Marcelle Blanche Villard của mình.

Nguyên sau khi Capri c’est fini  trở thành ca khúc số 1 trên toàn quốc, tuần báo France Dimanche (Nước Pháp Chủ Nhật) – một tạp chí chuyên khai thác chuyện đời tư của giới nghệ sĩ – đã đề nghị tìm bà mẹ giúp chàng ca sĩ, với điều kiện một khi tìm được, tuần báo này sẽ được độc quyền tường thuật cuộc “hạnh ngộ” và phỏng vấn hai nhân vật chính.

Kết quả thật tốt đẹp: bà mẹ Marcelle Blanche Villard được đoàn tụ với con trai, và số độc giả của France Dimanche  đạt tới con số kỷ lục!

Marcelle Blanche - Herve Vilard tr+¬n tߦíp ch+¡ France Dimanche

Marcelle Blanche VillardHervé Vilard trên tờ tạp chí France Dimanche  

Tại Sài Gòn ngày ấy, Capri c’est fini cũng là ca khúc Pháp được nghe nhiều nhất trong những năm 1968, 1969. Đặc biệt tại một quán giải khát của giới trẻ “nhà giàu” yêu nhạc ngoại quốc ở trung tâm thành phố (chúng tôi không nhớ tên), nơi duy nhất có một “jukebox” + máy phát hình màu với một danh sách khoảng 10 bản, ai muốn xem thì phải mua giơ-tông (jeton, token) bỏ vào ô của bản mình chọn, hầu như cậu con trai nào vào quán với bạn gái cũng chọn Capri c’est fini

VIDEO (1965):

 Capri c’est fini – YouTube

Trước năm 1975, Capri c’est fini được Khắc Dũng đặt lời Việt với tựa Lời chia xa. Như một nguyên tắc chung trong việc đặt lời Việt cho các ca khúc ngoại quốc, nhịp phách của bản nhạc càng nhanh, lời hát trong nguyên tác càng dồn dập, thì càng khó đặt lời Việt cho hay, cho đạt.

Thành thử khi nghe điệp khúc trong đĩa hát của Hervé Vilard (Capri, c’est fini, et dire que c’était la ville de mon premier amour…), chúng tôi đã tin rằng sẽ không ai “dại dột” đặt lời Việt cho Capri c’est fini, thế nhưng Khắc Dũng đã có… can đảm :
Lời chia xa

Mai đây ta sẽ chia xa

Nơi ta trao nhau câu yêu thương

Mai đây ta sẽ chia xa

Thì đừng gặp nhau làm chi

Mai đây ta sẽ chia xa

Mặc chiều buồn gió lang thang

Mai đây ta sẽ chia xa

Cuộc tình nồng những năm qua.

 Điệp khúc:

 Xa nhau thế là hết

Dẫu biết nơi đây bao đam mê tình đầu đã đến trong đời

Xa nhau thế là hết

Chất ngất cơn đau nên ta không mong mai đây gặp lại

Xa nhau thế là hết

Dẫu biết nơi đây bao đam mê tình đầu đã đến trong đời

Xa nhau thế là hết

Chất ngất cơn đau nên ta không mong mai đây gặp lại

 Mai đây ta sẽ chia xa

Nơi ta trao nhau câu yêu thương

Mai đây ta sẽ chia xa

Cuộc tình nồng những năm qua

Đôi khi anh muốn đôi ta

Trở lại ngày ta vừa quen

Nhưng anh không nói nên câu

Vì ngại ngần nên đành thôi.

 (Điệp khúc)

 Mai đây ta sẽ chia xa

Nhưng anh luôn mang theo trong tim

Câu yêu thương lúc ban sơ

Lần đầu ngày ta gặp nhau

Mai đây ta sẽ chia xa

Cuộc tình nồng những năm qua

Mai đây ta sẽ chia xa

Ta xa nhau mãi xa nhau.

 (Điệp khúc)

Chúng tôi không được biết trước năm 1975, đã có ca sĩ nào thu Lời chia xa vào băng nhựa hay không, và có hát đủ cả 3 phiên khúc hay không, chỉ biết sau này tại hải ngoại, Elvis Phương đã chỉ hát Phiên khúc 3 vào cuối nguyên bản lời Pháp trong CD của anh.

Phụ lục (5): Capri c’est fini/Lời chia xa,  Elvis Phương

Ngoài ra, hiện nay trên Internet còn phổ biến phiên bản lời Việt có tựa đề Mai sau, thôi đã hết của tác giả Hoàng Xuân Sơn (ở hải ngoại có một “nhà thơ Hoàng Xuân Sơn”, không biết có phải vị tác giả này?)

Theo cảm quan riêng và nhận xét cá nhân, chúng tôi cho rằng phiên bản của Hoàng Xuân Sơn hay hơn. Rất tiếc, chúng tôi không tìm được CD nào có thu bản này.

Mai sau, thôi đã hết

 Thôi chia tay nhé em yêu!
Thương yêu xưa – ôi – đã hết!
Thôi chia tay nhé em yêu
Hẹn thề đầu mãi hằn sâu

Thôi chia tay nhé em yêu
Mầu trời chiều phố buồn theo
Sao em yêu nỡ quay mau
Ôi! bao nhiêu là sầu đau

 Điệp khúc:
Mai sau, thôi đã hết
Thắm thiết bên nhau một lòng
Mải miết chân vui tình hồng
Mai sau, không trọn kiếp
Cuối phố thân yêu
Chiếc bóng cô liêu
Xa nhau thật rồi

 Thôi chia tay nhé em yêu!
Nghe như trong cơn dông bão
Thôi chia tay nhé em yêu!
Dù tình còn thương mầu áo

Thôi chia tay nhé em yêu
Một lần này – ngàn đời sau
Giọt lệ nhòa mắt đêm thâu
Xin cơn mưa về thật mau

(Điệp khúc)

 

Hoài Nam

 

 

 

 

©T.Vấn 2016

Bài Mới Nhất
Search