T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Phan : Tương phản…

clip_image002

Tranh : Trần Thanh Châu

Hồi còn đi học, tôi phải làm thêm job chụp hình để kiếm sống. Những hôm có người thuê chụp hình đám cưới, đám ma, đám sinh nhật, đầy tháng… thì coi như cả phòng anh em ở trọ được nhờ tay phó nhòm amateur này. Còn những hôm trái gió trở trời, làm bơ mỏ cả lũ, tôi cũng xách máy ra hồ Kỳ Hòa kiếm ăn như làm phước cho mình và bạn bè. Kỳ thật là tôi chẳng tài cán gì, chỉ nhờ thằng em cô cậu với tôi là nhiếp ảnh viên chuyên nghiệp trong khu vui chơi đó; nhờ nó giới thiệu nên tôi mới có được cái job sướng hơn rửa chén ở tiệm ăn hay đạp xích lô đêm như mấy thằng bạn ở chung phòng trọ. Nên bất cứ lúc nào cần tiền, tôi xách máy vô quầy nhiếp ảnh trong hồ Kỳ Hòa, nạp phim của quầy và lang thang đi kiếm khách. Cứ chụp được hết cuộn phim trắng đen thời ấy, đem về giao cho quầy ảnh là lãnh được tiền công đủ sống một ngày tạm ổn cho bản thân; hoặc đói lòng nhưng no nghĩa cù bơ khi phải chia sẻ với bạn bè…

Chuyện khách hàng có tới lấy ảnh hay bỏ đôi khi cũng nhức đầu với chủ quầy ảnh trong thời lương tâm không bằng lương thực ấy – đã ám ảnh tôi suốt đời với cái nghề tay trái của thời đi học. Vì tay chụp ảnh nào không khéo miệng dụ khách để chụp được nhiều ảnh sẽ bị đuổi việc; nhưng tay khéo miệng mà không có kinh nghiệm nhìn mặt bắt hình dong khách hàng, thì chỉ chụp được nhiều ảnh ăn hại là toàn khách mê chụp hình nhưng không thích lấy ảnh… thì cũng bị đuổi việc. Làm sao quên được thời kiếm được một việc làm nho nhỏ đã khó hơn lên trời mà giữ được việc làm nho nhỏ ấy còn khó hơn xuống biển…

Mấy chục năm rồi, chiều nay chống cuốc ở vườn sau khi nghe tiếng vịt trời kêu ngoang ngoác trên không trung, nhìn đàn vịt trời bay hình chữ V trên trời như chữ “Việt” – chắc con lẹt đẹt sau cùng, không theo kịp đàn nên sải cánh cô đơn… là tôi quá! Nhớ quê, nhớ bạn bè tới mủi lòng; nhớ lại thời trẻ đã vất vả với chén cơm qua ngày; nhưng qua đời ở hải ngoại cũng có vui gì đâu vì đã buồn từ khi biệt xứ. Chỉ tính tình mưa nắng – khùng – là cái không thay đổi theo địa lý và thời gian. Tôi vô nhà lấy cái máy ảnh nhà nghề chứ đâu phải máy xí mụi thời xưa; gắn ống kính dài như đòn bánh tét để bắt ảnh từ xa với độ rõ cao… Nhưng đàn vịt trời không trở lại như tuổi trẻ ngày ấy, dù vui hay buồn cũng đã vĩnh viễn ra đi! Lòng bồi hồi nhớ lại biết bao nhiêu hình ảnh đẹp đáng ghi lại thì máy ảnh quá tệ, tiền mua phim cũng hạn hẹp vô cùng. Bây giờ cầm cái máy ảnh tối tân, hiện đại trong tay, muốn chụp bao nhiêu ảnh cũng được thì lòng đam mê đã nguội lạnh theo năm tháng…

Rồi sự tương phản hiện dần trên cán cuốc. Nhớ hồi đi cuốc ruộng thuê để kiếm sống sau hòa bình thì sáng ra đồng, thấy cái cán cuốc mới sáng sớm đã đỏ màu máu tay khi chưa chạm đến vì chắc chắn hai tay sẽ rộp da vãi máu trước khi lãnh được tiền công cuốc thuê. Bây giờ ở nhà có máy điều hòa không khí; ra đường mươi bước cũng lái xe hơi… thì lại tự đi mua cây cuốc về nhà để mỗi năm tới mùa trồng lại bổ những nhát xót xa vào tim mình! Sự tương phản âm thầm ngự trị trong vũ trụ làm chất liệu tuần hoàn; trong lòng người làm lẽ sống…

Bỗng nhớ tới câu thơ của nhà thơ Hải Phong bên Canada, “chắt chiu một mảnh vườn sau/ quê hương ta đó qua màu lá xanh…” Lá cây ở châu lục nào trên địa cầu chả màu xanh; nhưng màu xanh lá húng quế, lá húng cây, lá húng lủi, rau thì là, lá bạc hà to như cái nia, dây khổ qua mới ra lá khía… thì đúng là quê hương ta đó qua màu lá xanh. Màu xanh lục của lá do quang hợp với ánh sáng mặt trời thì ai mà chả biết; nhưng màu xanh khát vọng trở về đã theo bao người nằm yên trong lòng đất viễn xứ. Rồi hôm nào bạn tiễn tôi về quê theo làn gió, áng mây bay vội qua biển Thái bình… đó là những lý do làm cho màu xanh của lá vườn sau nhà khác biệt với màu xanh của lá trong thiên nhiên; làm cho hôm nào đứa trẻ trong chiến tranh đã quen với việc tiễn đưa một người anh đem theo nỗi hận đồng minh phản bội xuống lòng đất khách? Hôm đó là hôm qua, hôm nay, ngày mai, và muôn đời của lớp người, chiều chống cuốc nghe vịt trời ngoang ngoác, về lại nhà sau xơ xác đông qua, người ngoảnh lại chỉ toàn ảo giác, chẳng biết nơi đâu là chốn quê nhà…

…cầm cái máy ảnh đắt tiền trên tay chỉ nhớ thương cái máy ảnh cơm gạo ngày nào như đồ vứt đi của thế giới tự do, nhưng người mua cho món quà xa xỉ trong thời bưng bít chủ nghĩa thì làm sao trả hết ân tình! Nhưng đời đam mê đã làm được gì khi trong tay có cái cần thì cứ cần cái có, nên đời mãi vô hư. Cái cần tôi đã có là cái máy ảnh cổ xưa mà người đời trước đã dùng từ thời đảo chánh tổng thống Ngô đình Diệm. Và tôi đã chụp được gì?

Hôm đó, cần chút tình phí vì đã hẹn được người trong mơ, nhưng từ sáng tới mặt trời lặn vẫn chưa có gì bỏ bụng. Tôi vô hồ Kỳ Hòa kiếm sống trước, còn tình đi thì có tình khác đến, lo gì. Nhưng phải hôm mưa gió. Có mấy điếu thuốc lá từ một đàn anh cùng nghề, cùng nghèo, nhưng rộng lượng; đàn em dè xẻn cách mấy thì cũng tới điếu cuối cùng. Trời thì thôi mưa sợ người ta đỡ khổ nên cứ rỉ rả, tôi thì không biết lạnh là vì đói hay cảm giác bơ vơ ngay trong hồn mình từ chiều tới tối, vẫn chẳng có ma nào muốn chụp hình trong công viên một ngày mưa gió. Nhưng tôi không thể không bấm máy với cái chồi non nhú ra từ thân cây cổ thụ xù xì… Cuối cùng là tôi bị đuổi việc với phán xét của người chủ quầy ảnh trong hồ Kỳ Hòa. Anh ấy đại diện cho chủ nghĩa lương tâm không bằng lương thực thời bấy giờ với phán xét thẳng thừng: Tôi là một thằng khùng! Tôi nhớ mãi một ngày gió mưa ế ẩm. Anh ấy từ trong phòng tối bước ra, (tưởng là tôi cũng gỡ gạc được tiền điện cho anh ấy trong ngày ế ẩm của dịch vụ chụp ảnh là trời mưa). Ai dè chỉ có một bức ảnh trắng đen là cái chồi non nhú ra từ thân cây cổ thụ. Tôi biết giải thích làm sao về nghệ thuật của sự hoa mắt vì đói.

Trong khi anh ấy nổi giận đùng đùng, ném tấm ảnh vào mặt tôi. Đuổi thẳng cửa. Những lời lẽ như xát muối vào da toạc làm tôi càng thương anh ấy hơn là giận khi nhớ tới. Vì nếu anh chủ không khổ với tiền thuê chỗ, tiền chi phí, tiền hối lộ để được hành nghề độc quyền trong khu vui chơi thì tính nghệ thuật trong anh ấy đã không chết vì anh cũng là một nhiếp ảnh gia có tiếng thời trước ở Sài gòn. Tôi chỉ nhớ là hết thấy đói bụng, dù ướt nhưng không lạnh nữa vì lòng rất hân hoan với tác phẩm mà tôi tự tin là rất nghệ thuật của mình. Tới giờ, tôi vẫn nhớ bức ảnh ấy cháy ra làm sao! Nguyên là tôi trở về phòng trọ, những thằng bạn đủ thứ đại học ở Sài gòn còn đang kiếm cơm chưa về. Một thằng đại học Kinh tế đang ngồi gạo bài để thi lại. Tôi khoe nó tác phẩm ưng ý nhất trong đời cầm máy của mình. Nó là người tái xác minh bệnh khùng của tôi: “Tấm ảnh này là giấy, đâu phải mì gói. Tao cần mì chứ không cần giấy để nấu mì.” Nó ném tấm ảnh vô bếp lửa mà nó đã nấu sẵn nồi nước sôi để đợi anh em đem mì về là bỏ vô ngay…

Tấm ảnh nghệ thuật cháy với chữ nghĩa – sách vở với bọn tôi thời ấy chỉ là chất đốt để nấu mì gói, mì vụn; vì học sẽ hư người với chủ nghĩa Mác-Lê ngay! Nhưng dù sao một tấm ảnh nghệ thuật được cháy với chữ nghĩa cũng an ủi tôi được phần nào. Lửa bén gốc rồi táp lên chồi, như thời buổi cái ăn nuốt dần cái đẹp trong quãng đời tuổi trẻ của tôi.

Nhưng sự tương phản lập lại không lâu sau đó qua con người chứ không phải thiên nhiên nữa! Hôm đó, tôi đi chụp hình đám cưới. Tận tay cô dâu trao cho tôi cuộn phim màu do thân nhân của cô gởi từ Mỹ về. Cuộn phim Kodak 36 thì tôi đã hứa chắc là tôi sẽ chụp được cho cô ấy 38 tấm ảnh. Dân trong nghề thì dư biết nối đầu phim bằng phim cũ để khỏi hao đoạn phim nếu kéo phim mới ra khỏi vỏ từ ổ phim sang gài qua ổ chứa phim đã chụp trong máy ảnh. Một chút mẹo vặt đó nhưng được thêm 2 tấm ảnh cho cuộn phim 36 của Kodak thành 38 tấm hình ở Việt nam xã hội chủ nghĩa.

Nhưng chỉ vì cái bệnh khùng của tôi tái phát bất tử lúc hành nghề. Trong đám đông xem đám rước dâu trong con hẻm tồi tàn ở Sài gòn. Tôi được lệnh là chỉ chụp hình trắng đen lúc đưa rước dâu, hình quan khách, họ hàng… hình màu chỉ để dành riêng cho ảnh chân dung của cô dâu, hình treo tường của cô dâu với chú rể. Nhưng trong đám đông hiếu kỳ xem đám cưới lại nổi bật lên hình ảnh phía sau gáy của một bà cụ tóc trắng phau, vai áo bạc, da nhăn nheo đến cái bàn ủi tốt nhất lúc bấy giờ cũng không làm gì được. Và ngoạm vào cái cần cổ già nua ấy lại là gương mặt thiên thần của đứa bé gái chừng hai tuổi với đôi mắt như chồi non trên thân cồ thụ già. Tôi buông cái máy ảnh trắng đen, chộp cái máy ảnh màu, đưa lên quá đầu để bấm sự nổi bật mê hoặc trong đám đông; khoảnh cách với khung ảnh đâu làm khó được dân trong nghề. Bởi dân chụp ảnh không cần đưa máy lên mắt, điều chỉnh ống kính theo phán đoán thì mới bắt kịp hồn ảnh; vì thế mới có những tấm ảnh đạt hết mọi thông số kỹ thuật – trừ cái hồn của bức ảnh. Và ngược lại để có những bức ảnh không rõ chi tiết nào hết, nhưng người (biết) xem ảnh cứ như bị thôi miên vì sự không bình thường của bức ảnh…

Nhưng đỉnh cao của nghệ thuật xã hội chủ nghĩa là tôi đi giao ảnh, bị cô dâu bắt chẹt đúng tấm ảnh nghệ thuật của mình; bị nói nặng đã đành, lại bị trừ tiền quá đáng. Nhưng lỡ bị bệnh khùng với hình ảnh đẹp thì biết làm sao. Tôi đành ngậm ngùi ra về với một chuyến làm ăn gần như huề vốn đã mừng! Để chiều nay chống cuốc nhìn đàn vịt trời bay về quê xưa, sao mình lại cuốc đất xứ người… Ở đó, nơi tuổi trẻ đói nghèo thì lòng đam mê lại mọc cánh với người chú rể không quen mà nhớ suốt đời, vì anh rất thích tấm ảnh mà tôi bị vợ anh nguyền rủa, làm khó, bắt chẹt… Tôi nhớ anh cuộn ít tiền, rồi lén vợ nhét vô túi tôi khi thấy vợ anh quá đáng với tôi. Nên tấm ảnh anh thích, tôi đã để lại cổng rào nhà anh một cách kín đáo như món quà cho người đồng điệu.

Anh gì đó ơi! Anh còn giữ tấm ảnh đó không? Nhưng tôi giữ mãi sự tương phản giữa anh và chị vì tôi tin điều đó đã khiến anh chị thành vợ chồng. Đã bao năm rồi, chị nhà gần đèn thì sáng ra, hay anh gần mực đã đen; còn tôi vẫn yêu sự tương phản trong nghệ thuật, tin sự tương phản làm nên vũ trụ và xã hội loài người vì đồng nhất đồng nghĩa với vô nghĩa. Tương phản là lý lẽ sinh tồn theo lưỡi cuốc tiếp tục bập xuống mảnh vườn sau để từ đó ngoi lên quê hương ta đó qua màu lá xanh…

Phan

 

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2016

Bài Mới Nhất
Search