T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngộ Không :Tạp Ghi Sau 40 Năm – Kỳ 17 (Hết)

30-4-1975, ký ức một người Hà Nội

Đường sắt vẫn chưa sửa xong, chúng tôi 18 người ngồi ngồi chung với hành lý trong chiếc xe tải molotova cũ kỹ của đoàn xe vào miền Nam. Trên xe tuy mệt nhưng có cái thú ngồi ngắm cảnh hai bên dọc đường. Chúng tôi qua nhiều vùng, địa danh trước giờ chỉ nghe tên trên báo. Hố bom, cầu sập, đường bị bóc từng tảng nhựa, các khu dân cư, chợ… xuất hiện đây đó dọc theo các đoạn đường xe qua. Ở các vùng xa thủ đô, người dân lam lũ, nghèo khổ, thiếu thốn lộ rõ trên ánh mắt, quần áo và khung cảnh sống. Miền Bắc quê hương xã hội chủ nghĩa còn như vậy thì miền Nam chắc chắn phải nghèo, thiếu thốn ghê gớm lắm. Tất cả cũng do chiến tranh, do đế quốc Mỹ reo rắc mà ra…,Một người đi chung trên xe nói vậy.
Xe vừa vào địa giới miền Nam, chúng tôi đã bấm tay nhau nhìn khung cảnh mới. Nhà cửa của người dân cùng các công trình đô thị như cầu, đường gần các trục lộ giao thông trông đẹp và văn minh hơn hẳn miền Bắc nhiều. Ngay từ lúc còn ngồi trên xe nhìn cảnh vật dọc theo đường và khu phố dẫn vào Sài Gòn, tôi đã thấy vượt trội nhiều lần so với thủ đô Hà Nội. Một vẻ bề ngoài sáng sủa, văn minh lộ ra từ cách phục sức, sinh hoạt của người dân miền Nam.

Giờ đây đi bộ trên các con đường trong khu trung tâm thành phố mới thấy bản thân tôi, một người dân miền Bắc quá sức lạc hậu, nghèo nàn… từ bộ cánh (quần áo) trên người. Bên vệ đường và trong các cửa hiệu sang trọng, đầy ắp hàng hoá thật đẹp và mới lạ lần đầu chúng tôi được thấy. khác hẳn với cảnh chen chúc để chờ được tới lượt mua số hàng ít ỏi, như cảnh thường thấy ở các khu phố ngoài miền Bắc trong thời bao cấp. Phố xá thì thôi, những tòa nhà to đẹp thấp thoáng sau dòng xe gắn máy chạy hối hả trên đường. Khung cảnh y như ở nước ngoài, một người trong đoàn chúng tôi nói nhỏ cho nhau cùng nghe.

Tôi bối rối ngắm nhìn các cô gái miền Nam, nói chính xác là cô gái Sài Gòn đang dạo bước trên đường. Họ đẹp quá sức, như tiên… từ dáng điệu, mái tóc, y phục mặc trên người và nhất là khuôn mặt của họ lộ rõ vẻ sung túc đài các so với những nữ cán bộ trẻ trong đoàn chúng tôi.

(…)

Bên bờ tử sinh

Có tiếng súng nổ nghe chát chúa. Tôi đưa tay xem đồng hồ: 8 giờ 45 tối ngày 30-4-1975. Ngày kết liễu cuộc đời của nhà tôi. Chú Giêng chạy vào phụ chú Nghĩa (sĩ quan tuỳ viên) đỡ lưng và chân, máu đỏ nhuộm thắm áo trận. Tôi đỡ đầu nhà tôi. Tôi đưa tay vuốt mắt cho nhà tôi.

(…) 9 giờ 30, chuông điện thoại reo vang. Tôi áp chặt ống điện thoại. Mím môi, nhìn xác nhà tôi rồi nhìn sang Nghĩa, tôi hỏi: Đại Tá Cẩn đòi gặp thiếu tướng, làm sao bây giờ Nghĩa?.

Nghĩa lúng túng: Cô nói thiếu tướng tự sát rồi – Không thể nói như vậy được. Đại tá Cẩn đang cự chiến với Việt cộng. (…). Tôi buông máy gục xuống bên xác Hưng. Nước mắt trào ra,

(…) 11 giờ đêm ngày 30-4-1975. Điện thoại lại reo. Lần này, chính giọng của Thiếu tướng Nguyễn Khoa Nam: Alô, chị Hưng!. Giọng tướng Nam buồn bã: Tôi biết rồi, chị Hưng, tôi chia buồn với chị, nghe chị Hưng.

(Phạm Thị Kim Hoàng)

*Bà Phạm Thị Kim Hoàng là quả phụ của cố Thiếu tướng Lê Văn Hưng.

30-4-1975, ký ức một người Hà Nội

Một ngày, tôi đi rảo qua nhiều con phố Sài Gòn rồi thấy mỏi chân, tôi lấy hết sức can đảm bước vào một hàng nước thật đẹp gần một giao lộ lớn, có tên là Cafe Minirex. Chọn một bàn sát khung cửa kính trong suốt có thể nhìn rõ người đi bên ngoài, tôi quan sát chung quanh. Bàn ghế, các bình hoa, quầy thu ngân, khách cùng vách tường trang trí cảnh một rừng cây thật đẹp… thật không khác một tiệm ở nước ngoài trong phim ảnh. Chợt một người hầu bàn bước đến, gật đầu chào tôi rồi hỏi: Thưa ông, ông dùng chi?

Người hầu bàn này quá lịch sự khi tiếp xúc với khách hàng thật khác hẳn với cung cách của mậu dịch viên các tiệm ăn miền Bắc. Tôi lại nghĩ, hay ông ta biết tôi là cán bộ chế độ mới qua quần áo mặc trên người nên xưng hô như vậy? Tôi gọi nước uống và ngầm để ý xem sao. Nhưng không, bất cứ có khách nào vào quán, người hầu bàn này cũng một cách tiếp đón như vậy. Rất tự nhiên, lịch sự mà không khúm núm hoặc hách dịch như ở Hà Nội.

Một thay đổi đã đến trong lòng tôi mà tôi biết điều này cũng sẽ đến với bất kỳ người nào từ miền Bắc xã hội chủ nghĩa khi đặt chân vào miền Nam ở thời kỳ đó. Sài Gòn hay nói rộng ra cả miền Nam không lạc hậu, nghèo nàn, đói khổ, đầy rẫy cảnh người bóc lột người như bao lâu nay người dân miền Bắc được (hay bị) báo chí, đài phát thanh Hà Nội…mô tả về chế độ Ngụy quyền tay sai đế quốc Mỹ. Đây là mô hình của một xã hội văn minh và người nào được sống trong xã hội này quả thật may mắn hơn sống ở xã hội chủ nghĩa tại miền Bắc.

Tiếc thay! Một xã hội như vậy lại vừa bị cướp mất đi.
(Viết để nhớ lại ngày 30-4-1975 – Phạm Thắng Vũ)

Bên bờ tử sinh

Không kể những người đã tháo chạy, không kể những người còn kẹt lại trong gọng kìm lịch sử oan nghiệt. Còn có những người cất lên tiếng nói cuối cùng: Đó là những cái chết.

Người chết cuối cùng vẫn là người có lý lẽ của họ. Tự sát bao giờ cũng cần được hiểu là một sự hy sinh cuối cùng (Ultimate sacrifice) đáng được trân trọng. Không có cái chết vô ích mà chỉ có những cái sống vô ích. Đó là số phận những người đã tự chọn cái chết: Tự sát.

Những cái chết đó giá trị bằng bằng vạn tiếng nói.

(Nguyễn Văn Lục)

30 tháng 4 ngồi trên đỉnh đèo Trường Sơn

Talawas: Anh tình nguyện đi B? Cầm súng?

Nhật Tuấn: Năm 1973 vào B. Cơ quan cử đi thôi. Hồi đó anh em gọi đùa lính miền Nam là “lính bà Định”, lính miền Bắc là “lính xã hội”, còn những người làm công tác kĩ thuật như tôi được biệt phái sang Tiểu đoàn 976, trinh sát công binh được gọi là “lính gia công”, hoạt động chủ yếu trên các tuyến vận chuyển thuộc tỉnh Quảng Đà (cũ). Từ 8-1964, sau khi Mĩ ném bom miền Bắc, công việc chính của tôi là khảo sát thiết kế giao thông các tuyến đường khu 4 cũ, đường tràn, đường tránh, đường giả, đường nghi trang…đại loại thế. cũng được nhận quân trang quân dụng nhưng không có quân hàm nên không phải là sĩ quan quân đội.

Tôi có cầm súng nhưng chỉ để bắn…heo rừng.
(Phạm Thị Hoài phỏng vấn Nhật Tuấn)

 

Bên bờ tử sinh

Lúc này khoảng 11 giờ đêm 30-4-1975, cứ khoảng 15 phút tôi vào trailer một lần, thấy tư lệnh nằm nghỉ nhưng giày trận vẫn còn mang. Lần khác, tư lệnh ngồi dậy đi về hướng tôi và hỏi:

– Sao em không đi ngủ đi! khuya rồi.
– Trình thiếu tướng, nếu họ vào dinh tụi em đánh không thiếu tướng? Tôi hỏi.
– Thôi đừng đánh nhau, họ vào để tôi ra nói chuyện.

Khoảng sau 1 giờ sáng, anh lính hơ hải chạy vào gặp tôi:
– Tụi nó tự động mở cửa vào dinh.
Tôi vội vã vào trailer để gặp tư lệnh, tôi thấy tư lệnh nằm nghỉ. Tôi trình:
– Trình thiếu tướng, bọn họ đang vào dinh.
– Bảo họ chờ tôi ra nói chuyện.

Trong suốt đêm 30-4, tư lệnh và tôi hầu như không ngủ, khoảng 3 giờ sáng, tôi vào phòng lần nữa, thấy tư lệnh đang nằm yên không biết ngủ hay thức. Tôi cũng quá mệt ra phòng làm việc ngả lưng trên sofa một chút. Trong lúc nửa tỉnh nửa mê bổng nghe tiếng chuông “boong, boong, boong”, tôi bật mình ngồi dậy, nhìn đồng hồ thấy hơn 6 giờ. Qua đến bàn Phật, tôi thấy 3 cây nhang đã đốt và cắm sẵn trên lư hương khói bay nghi ngút. Tư lệnh đang nghiêng mình xá Phật. Tôi ra ngoài một lát, trở lại từ ngoài nhìn, tư lệnh ngồi trên ghế sofa, mắt đăm chiêu nhìn lên bàn thờ. Tư lệnh đứng dậy đến bàn thờ lấy ba cây nhang đốt, xá ba xá cắm vào lư hương, gõ ba tiếng chuông “boong, boong, boong” xong xá 3 xá tiếp, xong tư lệnh về ngồi nơi cũ, hai tay để trên thành gỗ sofa nhịp nhịp như không có chuyện gì sắp xảy ra.

Tôi đẩy nhẹ cánh cửa bước ra sân hướng về phòng trung úy Việt. Vừa đi khỏi cột cờ một chút nghe tiếng nổ “đùng” phát ra từ hướng bàn thờ Phật. Tôi chạy nhanh vào thấy cảnh tượng hãi hùng chưa bao giờ gặp. Tư lệnh ngả ngửa hơi lệch về phía sau sofa, đầu hơi nghiêng về bên trái, khẩu Colt45 vẫn còn trong tay, đầu đạn xuyên qua màng tang phải qua trái, ngước mắt nhìn lên trần nhà. Tư lệnh chưa chết, nhưng nói không được, giật run rẩy người, miệng há hốc, từ trong cổ họng nấc lên tiếng “khọc, khọc, khọc” từng chập và từ từ nhỏ dần.

Trong lúc bối rối tôi đâu có tâm trí đi xem đồng hồ, khoảng 7 giờ 30 ngày 1-5-1975.

(Lê Ngọc Danh)

Lê Ngọc Danh, sĩ quan tùy viên của Thiếu tướng Nguyễn Khoa Nam.

30 tháng 4 ngồi trên đỉnh đèo Trường Sơn

Talawas: Sau chiến tranh, anh người gốc Hà Nội vào Sài Gòn và ở lại đó cho đến nay. Là người của phía chiến thắng giữa những người chiến bại. Sống với cảm giác ấy có dễ không?

Nhật Tuấn: Tháng 6-1975, trên đường phố Đà Nẵng tôi thấy một cô gái nhìn theo một xe tải chở đầy ti vi, tủ lạnh chạy ra Bắc với ánh mắt ác cảm, tôi nghĩ cũng còn may cô ta không được thấy những đoàn xe bịt vải bạt chạy trên đường Trường Sơn cũng ra Bắc.

clip_image002

Nhưng đó là chuyện buồn khó tránh khỏi sau chiến tranh, còn nhiều chuyện vui khác, những cuộc trùng phùng chẳng hạn. Tháng 10-1975 tôi vào Sài Gòn gặp ông anh ruột là nhà văn Nhật Tiến, đang là giáo viên trường trung học Hưng Đạo. Ông ấy kể, công đoàn trường vừa chia mỗi người được 10 điếu thuốc Tam Đảo, ông không nhận và hỏi sao không để nguyên bao, sao lại xé ra? Rồi ông ấy khóc vì sự “xúc phạm con người”.

Tôi bảo: Thôi ông ra nước ngoài đi, người như ông không sống ở đây được đâu!

Tôi không có cảm giác mình là “phe chiến thắng” mà chỉ là dân “ngụ cư”, dân “Bắc Kì 75”. “Những người chiến thắng” chính là những những nhà văn tập kết như Anh Đức, Nguyễn Quang Sáng …và cả những người Cách mạng 30 tháng Tư như các nhà văn nhà thơ Nguyễn Thị Minh Ngọc, Đỗ Trung Quân, mà tác phẩm của họ chiếm lĩnh đầy các trang báo ở Sài Gòn.

(…)

A Farewell to Arms

Trong chiến tranh, anh thắng hay thua, sống hay chết – và sự khác biệt chỉ là một chớp mắt.

In war, you win or lose, live or die – and the difference is just an eyelash.

(Douglas MacArthur)

clip_image004

The abandoned soldier of Viet Nam

(Trận địa Xuân Lộc

Uwe Siemon-Netto)

– : Tựa đề A Farewell to Arms (Giã từ vũ khí) của Ernest Hemingway.

30 tháng 4 ngồi trên đỉnh đèo Trường Sơn

Talawas: Anh tìm thấy bài học gì còn lại sau chiến tranh, dù chiến thắng hay chiến bại,

Nhật Tuấn: Đó chính là những cái mỗi người được trải qua để chứng kiến. Tôi nhớ tết năm 1974, tại một đỉnh đèo trên Trường Sơn, tôi thấy một anh lính lái xe trong đơn vị, quăng xuống

cái bi đông nước rồi nhảy xuống đường, chửi đổng:

– “Mẹ kiếp, thằng miền Bắc cứ ở ngoài Bắc, thằng miền Nam cứ ở trong Nam, đánh nhau làm chó gì cho bố mày khổ thế này?”.

Lúc đó chúng tôi cười ồ cả lên, vậy nhưng sau đó tất cả lại ai về việc nấy và tôi thấy ở đơn vị tôi tuyệt đối không ai muốn làm “B quay” cả. Đó là một sự thật “trong mắt tôi”, và tất nhiên còn những sự thực khác về ý thức trách nhiệm, tinh thần hy sinh rất sẵn ở những người lính cả hai bên chiến tuyến. Đó là sự cảm thông, bởi lẽ chiến tranh là cả một quá trình lịch sử.

Cha ông chúng ta đã từng “mang gươm đi mở nước” (1), bởi vậy với tôi, chiến tranh là một cái gì đó giống như là “thiên mệnh” trong “gọng kìm của lịch sử” (chữ này tôi mượn), mỗi con người bình thường hình như đều trở nên bé nhỏ trước bàn tế của thần chết.

(…)

(1)

Từ độ mang gươm đi mở cõi
Trời nam thương nhớ đất Thăng Long

(Huỳnh Văn Nghệ)

&&&

 

Từ

Đại tá Hồ Ngọc Cẩn, tỉnh trưởng tỉnh Chương Thiện. Ngày 30-4-1975, mặc dù ông Dương Văn Minh kêu gọi buông súng, ông vẫn tiếp tục chiến đấu với lực lượng địch quân vào tiếp quản. Ông cuối cùng cũng bị bắt và bị xử bắn tại sân vận động Cần Thơ ngày 14-8-1975.

clip_image006clip_image008

Xem báo Paris Match của đầu thập niên 80 sẽ thấy hình ảnh ngày xử bắn và bài viết có viết:

(…) Người dân Cần Thơ lén đưa thi thể Đại tá Hồ Ngọc Cẩn về và phủ lá cờ Việt Nam Cộng Hòa lên thi hài ông. (…)

30 tháng 4 ngồi trên đỉnh đèo Trường Sơn

Talawas: Hiện tại của chúng ta hôm nay có xứng đáng với lí tưởng của những người đã cống hiến một phần của đời mình cho cuộc chiến tranh ấy không?

Nhật Tuấn: Tôi chỉ xin nói về những người gần gũi, những đồng đội của tôi, họ chẳng lí tưởng gì hết. Tôi còn nhớ một tối giữa Trường Sơn, chúng tôi ngồi lại hỏi nhau: Mai mốt được về nhà, việc đầu tiên chúng mày sẽ làm cái gì?. Thằng thì “lôi ngay vợ vào buồng trong, khỏi rửa ráy”, thằng thì “mang ngay khăn voan, ví nháy, đã gom được chật ba lô để phân phát cho mọi người”…, còn tôi: Tao sẽ chạy ngay ra phố Lí Quốc Sư ăn một bát phở chín dừ.

Bây giờ, hầu hết họ đã nằm xuống, người bị bom bi ở cầu Cà Tang (Quảng Bình), người chết sốt rét ở sông A Vương, tôi có làm gì đi chăng nữa cũng chẳng có ý nghĩa gì với họ…

(…)

Tạm biệt

Khi tôi tuyên thệ trên vũ đình trường West Point. Tôi vẫn còn nhớ một bài hát quen thuộc trong doanh trại của thời ấy:

“Người lính già không bao giờ chết, họ chỉ tàn phai với năm tháng”.

Chào tạm biệt.

Since I took the oath on the plain at West Point, I still remember the refrain of one of the most popular barrack ballads of that day: ”Old soldiers never die, they just fade aways“.

Goodbye!.

(Douglas MacArthur)

30 tháng 4 ngồi trên đỉnh đèo Trường Sơn

Talawas: Thưa anh Nhật Tuấn, ngày 30-4-1975 anh đang ở đâu?

Nhật Tuấn: Tôi đang ở cuối đường 14 cũ và đầu đường Trường Sơn mới, tức sông A Vương, tỉnh Quảng Đà (cũ).

Lúc đó tôi nghe BBC kể về một bức tranh vẽ đăng trên báo Mĩ, vẽ ngôi mộ có bia khắc dòng chữ “VNCH” (Việt Nam Cộng Hoà) và: Nơi đây yên nghỉ một quốc gia vừa chết trong tức tưởi.

Khi nghe đài Sài Gòn đọc tuyên bố buông súng, giao lại chính quyền của ông Dương Văn Minh, rồi có tiếng người đọc: Đây là tiếng nói của Quân giải phóng khu vực Sài Gòn-Chợ Lớn.

Và tôi nghĩ: Chiến tranh đã kết thúc.

(Phạm Thị Hoài phỏng vấn Nhật Tuấn)

Kết

Vì là bài văn sử đi tìm thời gian đã mất với cảm tính, cầm bút loay hoay với chữ nghĩa, người viết đứng bên lề cuộc chiến không thể tránh khỏi những cảm hoài với những người cầm súng của một thời một thuở đã giã từ vũ khí hiện đang nằm ở đâu đó…đằng sau những trận chiến.

clip_image010

Lính Cộng Hoà Trần Văn Nam

Sinh: 22-9-1942

Tử: 30-4-1975

Ngộ Không

ghi chép 15-6-2015

hoàn tất 21-1-2016

(Xin xem tiếp “Bạt” ở  phía dưới)

tạp ghi sau 40 năm

clip_image012

nếu bạn bắn súng lục vào quá khứ

tương lai sẽ bắn đại bác vào bạn

rasul gamzatov

bạn có thể từ bỏ được mọi

thứ nhưng bạn không thể

từ bỏ được quá khứ

abraham lincoln

 

 

Bạt

(với…thì, mà, là)

Như lời “Tựa” đã bộc bạch ở trang đầu mà các cụ ta xưa đã dạy là ngôn bất tuyệt ý bất tuyệt thì ngộ chữ tôi hiểu chữ tác đánh chữ tộ, chữ ngộ đánh chữ quá là không có gì…quá đáng với sai hay đúng hoặc thừa với thiếu trong Tạp ghi sau 40 năm này. Vì cái sai, cái thừa của hôm nay, với nhân sinh bách tuế vi kỳ có thể là cái đúng, cái thiếu của…100 năm sau.

Chợt nhớ ra năm thỉnh mười thoảng sách của thiên hạ sự có phần lời “Bạt” ở trang cuối. Thấy người ta ăn khoai cũng vác mai đi đào nhưng rất ngay tình thưa với bạn đọc, ngộ chữ tôi chả hiểu bạt là lý sự gì. Bèn tra tự điển: “Phần chưa viết rõ ở lời tựa. Bạt là phần viết ở cuối sách để giải bày thêm một số ý tưởng có liên quan đến nội dung của tác phẩm mà chưa viết”.

Qua nội dung của tác phẩm…, tâm viên ý mã ngộ chữ tôi với tâm trạng của một kẻ táo bón kinh niên chữ nghĩa cũng muốn giải bày những điều chưa viết là:

Là ngộ chữ tôi mới trích ra có một phần rất nhỏ. Cho nên chữ nghĩa chỉ phản ảnh được cái nền của một câu chuyện. Và chuyện là lăn theo vòng xích sắt của chiếc xe tăng đã hoen rỉ, lăn theo bánh xe lịch sử với những chữ “Nếu”. Nếu công binh lập xong cầu sông Ba trong một, hai ngày thì…Nếu hải quân hoàn tất những cầu phao nổi ponto hay kế hoạch Alfa gì đó ở biển Thụy An thì…Nếu ta biết tại Xuân Lộc, Quân đoàn 4 Bắc quân mà pháo chỉ còn hai trái, tăng đã hết xăng thì…Nếu ta đã biết Bắc Việt chỉ còn vỏn vẹn một sư đoàn tổng trừ bị (Sư đoàn 308) ở Hà Nội…

(thì…mới có “Thất thủ Ninh Bình: 33 năm nhìn lại…” và “Lịch sử nhìn từ âm bản” ở trên).

Trở lại cụ tướng hải quân đã viết dùm ngộ chữ tôi qua Can trường trong chiến bại với ai đó:

(…) Ông tường thuật ngắn gọn, mạch lạc, loại bỏ được cảm tính của chính ông đối với các sự kiện, theo lối ghi nhận của ông. Ông để cho người đọc tự tìm lấy kết luận của họ. (…)

Nhẽ này có nhà phê bình chữ nghiã đã lực đực rồi. Nhà phê bình thở ra chữ để…giải thích:

(…) Rất tiếc, không ít người đem thói quen diễn giảng vào bài viết. Trong bài viết của họ, mỗi câu văn phải cõng trên lưng nó năm bảy câu giải thích. Chuyện mới, giải thích đã đành. Ngay cả những chuyện xưa như trái đất cũng vẫn giải thích. Lặp lại những kiến thức sơ đẳng và cũ rích, cách viết như thế là một sự xúc phạm đến sự hiểu biết của người đọc. Theo tôi, nhà văn phải viết trong giả thiết là người đọc của mình là những người cực kỳ thông minh và uyên bác: Hắn không cần phải viết những gì độc giả có thể đã biết rồi. Với những người đọc thông minh và uyên bác ấy, hắn phải viết những điều thông minh và uyên bác tương xứng, nghĩa là, ít nhất phải thông minh và uyên bác hơn chính bản thân hắn. Thay vì giải thích làm nhàm và lảm nhảm, cách viết như thế là một sự coi thường bạn đọc (…).

Quay quả lại với “cụ tướng” già Old soldiers never die, they just fade aways cảm khái:

“Dù thắng hay bại, trong cuộc một cuộc chiến, tất cả những người cầm súng hai bên đều làm nhiệm vụ của mình theo lý tưởng khác nhau. Sau cuộc chiến, những chiến binh dù hy sinh cho một lý tưởng nào đó, khi chết trong bộ quân phục đều là những người hùng thì khi đã nằm xuống phải được sự kính nể của những thế hệ sau. Hai trăm năm nữa, con cháu chúng ta khi học lịch sử sẽ không khen người thắng, không chê kẻ bại, nhưng sẽ ghi nhận sự can trường hay hèn mạt của những người tham chiến. Vì thế, những thế hệ mai sau sẽ không quên những những người cầm súng trên chiến trường của cả hai bên”.

Với cả hai bên, kẻ thắng, kẻ bại nói gì nằm ở khúc sau. Bởi bại binh chi tướng bất khả ngôn dũng, vong quốc chi đại phu bất khả ngôn trí, hay nói chữ theo người xưa thì:

Sau một ván cờ
Tất cả các con cờ,
Vua, tướng, sĩ, tốt,
Đều vào nằm trong hộp

Tiếp nữa với chữ là nghĩa qua cuộc Nội chiến Nam-Bắc Hoa Kỳ chấm dứt ngày 2-4-1865 và trước khi bị ám sát hai ngày, Tổng thống Abraham Lincoln đã nói: “Người ta có thể từ bỏ mọi thứ, nhưng không ai từ bỏ được lịch sử. Trước sau gì, lịch sử của những bậc anh hùng của cả hai bên sẽ phải được dựng lại ở chính nơi mà những người anh hùng đã ngã xuống”.

150 năm sau…với ngày 30-4-1975 để có thêm bài học chiến tranh với hành xử của người chiến thắng phải biết tôn trọng kẻ chiến bại.

***

Rằng vậy là co cỏm xong, ngộ chữ tôi về lại sông Ba với Where The Domino Fell:

(…) Đại pháo của Bắc quân đã cắt đoàn người và xe di tản thành nhiều khúc…và hơn 100 nghìn dân và 15 nghìn quân miền Nam trong cuộc rút lui này (…). Những nhà báo ngoại quốc từ trên UH1 nhìn xuống cho hay: (…) Đoàn xe di tản (quân xa, xe dân sự, xe gắn máy) giống như một giòng sông, và mỗi khi khi có đạn đại bác rơi xuống “giòng sông” thì họ thấy, nước văng lên (giống như khi ta ném đá xuống nước) – (đó là xác người tung lên theo đất bay bay). Những nhà báo này đã gọi liên tỉnh lộ 7 là con đường của máu và nước mắt. Vì chưa bao giờ có một cuộc lui binh mà tổn thất về quân và dân lại khủng khiếp như vậy. (…)

Cái đầu đất ngộ chữ tôi được thể tha mộ địa tới ông bạn hiện đang ở thành phố mà cả hai đang…tạm dung. Ông bạn là thiếu tá thủy quân lục chiến thuộc thể loại hồ trường dục phá thành sầu dụng tửu binh. Năm 74, ông được lệnh dẫn binh lính tới trấn ở cửa rừng. Ông đợi bại quân của Công truờng 7 rút về biên giới Việt-Miên để ngắm từ lỗ chiếu môn qua đỉnh đầu ruồi bắn mấy anh nón cối như…bắn bia ở xạ trường quân trường Thủ Đức. Cứ theo ông bạn thì:

(…) Qua ống nhòm, dưới những lùm cây, một đám bại quân đông như ruồi, quần áo lếch thếch, máu me đầy người, đứa chống gậy, đứa đi cà nhắc, thằng này dìu thằng kia, rên la khóc lóc. Áng chừng gần năm chục thước, sát hơn một chút nữa, lố nhố những người là người. Tụi nó trẻ măng, thằng băng đầu, thằng băng tay, vừa cõng vừa cáng…Ngay lúc ấy, không hiểu tại sao tao liên tưởng đến cảnh rút quân của Hồng Quân trong phim Chiến tranh và hòa bình rõ mồn một từng nét, ngay trước mắt tao. Đám Bắc quân, hàng một lê lết qua mặt tao…Tao nghe được cả những tiếng chân dẫm trên lá xào xạc…như con nai vàng đạp trên lá vàng khô…(…)

Mồi điếu thuốc, thở ra khói, mắt lãng đãng nhìn…mặt ngộ chữ tôi.

(…) Ấy đấy, thế là từ cái đầu ruồi tao nhắm y chóc ngay giữa trán thằng nón cối. Bây giờ chỉ cần nín thở, nhè nhẹ bóp một cái tách thật ngọt là rồi. Là…tử sĩ. Thế nhưng giữa cái lúc chết người này, đầu tao dở chứng bật ra câu thơ của thằng lính địa phương quân ở xứ nước mắm Phan Thiết: Mang trong đầu những ý nghĩ trong veo – Xem cuộc chiến như tai trời ách nước – Ta bắn trúng ngươi vì ngươi bạc phước – Vì căn phần ngươi xui khiến đó thôi… (…)

Thế là ông bạn hồ trường tha tào đám nón cối từ Trường Sơn vác xác tới đây. Chuyện có hậu là…hậu sự thằng hồ trường gặp thằng…tử sĩ ở quán nhậu tại Sài Gòn và kết bạn đời với nhau.

Để rồi móc nối như cái móc xích của chiếc xe tăng với ông nón cối khác chỉ bắn…heo rừng:

(…) Tôi nhớ tết năm 1974, molotova chạy trên Trường Sơn vừa ngừng, tôi thấy một anh lính lái xe trong đơn vị, quăng xuống cái bi đông nước rồi nhảy xuống đường, vừa đái vừa chửi đổng:

Mẹ kiếp, thằng miền Bắc cứ ở ngoài Bắc, thằng miền Nam cứ ở trong Nam, đánh nhau làm chó gì cho bố mày khổ thế này?.

Tôi còn nhớ một tối giữa Trường Sơn, chúng tôi ngồi lại hỏi nhau: “Mai mốt được về nhà, việc đầu tiên chúng mày sẽ làm cái gì?”. Thằng thì “lôi ngay vợ vào buồng trong, khỏi rửa ráy”, còn tôi, “tao sẽ chạy ngay ra phố Lí Quốc Sư ăn một bát phở chín dừ”.

Bây giờ, hầu hết họ đã nằm xuống, người bị bom bi ở cầu Cà Tang (Quảng Bình), người chết  sốt rét ở sông A Vương, tôi có làm gì đi chăng nữa cũng chẳng có ý nghĩa gì với họ. (…)

Tum húm với kẻ thắng nói gì? Ông “chỉ bắn heo rừng” nói rằng:

(…) Đó là một sự thật “trong mắt tôi”, và tất nhiên còn những sự thực khác về ý thức rất sẵn ở những người lính cả hai bên chiến tuyến. Đó là sự cảm thông, bởi lẽ chiến tranh là cả một quá trình lịch sử. Cha ông chúng ta đã từng “mang gươm đi mở nước”, bởi vậy với tôi, chiến tranh là một cái gì đó giống như là “thiên mệnh” trong “gọng kìm của lịch sử” (chữ này tôi mượn), mỗi con người bình thường hình như đều trở nên bé nhỏ trước bàn tế của thần chết. (…)

Với bên bờ chiến sử, kẻ bại nói năng như thể như thế này đây:

(…) Có thể nói những ai đã từng trực tiếp tham dự vào chiến tranh sẽ không bao giờ thoát khỏi cuộc chiến tranh ấy. Những người lính từng “giã từ vũ khí” gần bốn mươi năm về trước vẫn tiếp tục sống trong tâm thế lính tráng cho đến tận bây giờ. Người ta tiếp tục đánh nhau trong ký ức. Ðiều này phần nào giải thích tại sao người ta cứ viết về chiến tranh mãi. Kẻ thắng viết, đã đành. Kẻ thua cũng viết, thậm chí, còn viết nhiều và viết hăng hơn những kẻ chiến thắng nữa. (…)

Đang hung hăng vậy lại ngại ngùng bạn đọc nào đấy khó tính như ngự sử văn đàn kheo khảy ngộ chữ tôi chỉ ngôn giả bất tri. Nói cho ngay ngộ chữ tôi có…”nói” gì đâu với chữ nghĩa dày đặc như ruồi bu qua những trang giấy trên, trăm sự ở cụ Bùi Giáng mà ra. Cụ đã ngã hữu thốn tâm vô dữ ngữ, tạm hiểu là ta có một tấc lòng không biết ngỏ cùng ai nên cụ đã búi bấn…

sử lịch sai trang

chạy quàng

là lịch sử…

Là thế đấy, thưa bạn đọc! Nay xin thưa.

clip_image014

Thạch trúc gia trang

Lập đông, Bính Thân 2016

Ngộ Không Phi Ngọc Hùng

 

 

 

 

©T.Vấn 2016

Bài Mới Nhất
Search