T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Hoài Nam : NHỮNG CA KHÚC NGOẠI QUỐC LỜI VIỆT (54) – NHẠC PHÁP – Adieu Jolie Candy (Tiễn em nơi phi trường), Jeannot & Boublil & Hursel

adieu...

Tiếp tục viết về những ca khúc Pháp được ưa chuộng tại miền Nam VN vào thời kỳ nhạc trẻ, kỳ này chúng tôi giới thiệu ca khúc nổi tiếng nhất của năm 1968-1969, đó là bản Adieu Jolie Candy của ba tác giả Raymond Jeannot, Alain Boublil, và Michel Hursel, do Jean-François Michael thu đĩa, ngày ấy được Phạm Duy đặt lời Việt với tựa Tiễn em nơi phi trường.

Tuy nhiên, trước khi kết thúc thập niên 1960 – thời kỳ vàng son, trăm hoa đua nở của nền nhạc thời trang Pháp, chúng tôi cho rằng không thể không nhắc tới một tên tuổi nổi tiếng quốc tế là Michel Polnareff, chàng ca sĩ kiêm nhà soạn nhạc, nhà viết ca khúc, nhạc sĩ dương cầm, tây ban cầm tài hoa và độc đáo bậc nhất của Pháp quốc thuộc thế hệ “baby boomers”.

Các ca khúc của Michel Polnareff ngày ấy rất được ưa chuộng tại miền Nam VN, nhất là nơi giới trẻ có trình độ ngoại ngữ (Pháp) cao, tuy nhiên theo ký ức của chúng tôi, trước năm 1975, đã không có ca khúc nào của anh được đặt lời Việt; rất có thể vì nhạc của anh không thích hợp với ngôn ngữ Việt Nam nên gây ra những khó khăn trong việc đặt lời, cũng có thể vì ý tưởng trong lời hát khá cao nên tìm ca từ sao cho tương xứng không phải là một việc dễ dàng.

Michel Polnareff ra chào đời ngày 3 tháng 7 năm 1944 (kém Adamo 1 tuổi, hơn Christophe 1 tuổi) tại Nérac, miền nam Pháp quốc, trong một gia đình nghệ sĩ; bà mẹ Simone Lane là một vũ công, ông bố Leib Polnareff là một nhạc sĩ từng soạn nhạc cho nữ danh ca Édith Piaf.

Michel Polnareff

Michel Polnareff bắt đầu học dương cầm vào năm lên 5 và đã tỏ ra xuất chúng về âm nhạc. Trong thời gian học trung học tại trường nổi tiếng Cours Hattemer ở Paris (nơi xuất thân của Tổng thống Jaques Chirac), Michel còn học thêm tây ban cầm.

Sau thời gian đi quân dịch theo luật định, Michel Polnareff làm việc trong một văn phòng bảo hiểm một thời gian ngắn trước khi trở thành nghệ sĩ hè phố, đàn hát trước thềm Vương cung thánh đường Sacré Coeur trên đồi Montmartre.

Năm 1965, Michel Polnareff tham dự cuộc thi ca nhạc “Disco Revue” với giải nhất là một hợp đồng của hãng đĩa Barclay, hãng đĩa lớn nhất Âu châu. Michel đoạt giải, nhưng sẵn máu “phản kháng văn hóa” trong người, chàng đã từ chối giải thưởng, tiếp tục đàn hát ở khu Montmartre.

Vào một ngày đẹp trời trong năm 1966, Lucien Morisse, giám đốc nghệ thuật của đài phát thanh Radio Europe 1, đi ngang qua thềm nhà thờ Sacré Coeur, dừng lại nghe Michel đàn hát.

[Lucien Morisse (1929-1970), cũng là người sáng lập hãng đĩa hát Disc AZ, về sau trở thành một chi nhánh của hãng đĩa Universal Records. Qua công việc tại Radio Europe 1, Lucien Morisse đã có công giới thiệu nhiều ca sĩ nổi tiếng của Pháp, mà ngoài Michel Polnareff còn có Dalida, Petula Clark, Christophe, Pascal Danel…

 Lucien Morisse chung sống với Dalida từ năm 1956 tới năm 1961. Năm 1963, Lucien Morisse kết hôn với người mẫu Pháp gốc Bỉ Agathe Aems; họ có với nhau hai đứa con. Ngày 11/9/1970, vào tuổi 41, Lucien Morisse tự tử bằng cách bắn vào đầu tại apartement riêng ở Paris. Nhiều người tin rằng sau này Dalida tự tử một phần vì bị ám ảnh bởi cái chết của người tình cũ]

Nhận ra tài nghệ của Michel Polnareff, Lucien Morisse mời chàng thu đĩa cho hãng đĩa Disc AZ. Michel nhận lời, kết quả, chỉ trong một sớm một chiều, Michel Polnareff đã trở thành một hiện tượng!

Gọi là “hiện tượng” không chỉ vì trong vòng mấy tháng, Michel Polnareff đã có tới 5 khúc lên Top (La poupée qui fait non, Love me please love me, L’amour avec toi, L’oiseau de nuit, Ta-ta-ta-ta, Sous quelle étoile suis-je né?) mà còn vì hình ảnh độc đáo của chàng ca nhạc sĩ khi xuất hiện trên sân khấu hoặc màn ảnh truyền hình: cặp kính đen với cái gọng nhựa thật lớn, cái quần híp-pi, cái áo hoa lá cành, màu mè sặc sỡ…; và dĩ nhiên, không thể không nói tới tài đàn dương cầm, tây ban cầm của chàng nghệ sĩ tài hoa nhưng lập dị.

 Phụ lục (1): La poupée qui fait non, Michel Polnareff

VIDEO:

Michel Polnareff – La poupee qui fait non ( Rare Original Video 1966 )

Michel Polnareff không chỉ khác người mà còn gây tranh luận; chẳng hạn lời hát trong bản L’amour avec toi (Làm tình với em) đã bị cơ quan kiểm duyệt của Pháp (vốn có tiếng là cấp tiến nhất thế giới) ra lệnh cấm phát trước 10 giờ đêm!

Từ 1967 tới năm 1972, Michel Polnareff đã cống hiến người ái mộ thêm nhiều ca khúc nổi tiếng khác, trong đó có ba bản rất được ưa chuộng tại Hòn ngọc Viễn đông là Âme câline, Tout tout ma chérie, Holidays.

Michel Polnareff còn được ái mộ cả ở Hoa Kỳ; năm 1975, ca khúc Jesus for Tonight  của anh đã lọt vào bảng xếp hạng Billboard 100.

Song song với việc sáng tác ca khúc, từ năm 1969 tới năm 1984, Michel Polnareff đã viết nhạc cho 8 sản phẩm sân khấu kịch nghệ hoặc điện ảnh, trong đó có phần nhạc đệm của cuốn phim bi kịch hiếp dâm nghẹt thở Lipstick (1976), do hai chị em diễn viên Margaux và Mariel Hemingway (cháu nội của văn hào Ernest Hemingway) thủ vai chính.

Nhưng với người nghe nhạc Pháp tại miền Nam VN trước năm 1975, nhắc tới Michel Polnareff là phải nói tới ca khúc Love me please love me. Phần dạo đầu bằng dương cầm độc đáo của chính Michel Polnareff phải được so sánh với tiếng tây ban cầm bất hủ của Enrico Macias trong bản L’amour c’est pour rien (Tình cho không biếu không) trước đó mấy năm.

Tuy nhiên, mãi tới sau năm 1975, Love me please love me mới được hai tác giả đặt lời Việt: Lê Toàn với tựa nguyên tác và Tân Thanh với tựa Xin hãy yêu tôi. Cả hai phiên bản này đều không mấy phổ biến.

– Phụ lục (2): Love me please love me, Michel Polnareff

VIDEO:

♫ Michel Polnareff ♪ Love Me Please Love Me Cinebox Scopitone ♫ Video & Audio Restored HD

Tới đây, chúng tôi viết về Jean-François Michael, chàng ca sĩ đã thu đĩa bản Adieu Jolie Candy , ca khúc đứng No.1 tại Pháp trong năm 1968/1969.

adieu

Jean-François Michael sinh năm 1946, tên thật là Yves Roze. Năm 1963, anh bắt đầu hát với cái tên cúng cơm ấy, và tới năm 1968 đã ra được hai album nhưng không tạo được tên tuổi. Nhưng vào cuối 1969, thành công đã tới với anh thật bất ngờ qua bản Adieu Jolie Candy, thu đĩa dưới nghệ danh Jean-François Michael.

Adieu Jolie Candy đã lên No.1, bán được trên một triệu đĩa, và đem lại đĩa vàng đầu tiên cho chàng ca sĩ.

Bước sang năm 1970, Jean-François Michael lại lên Top với một ca khúc “vĩnh biệt” khác, lời Pháp với tựa đề bằng tiếng Tây-ban-nha: Adios quérida luna (Adieu chère lune, Goddbye dear moon, Vĩnh biệt chị Hằng).

Ca khúc này được sáng tác sau khi con người đặt chân lên mặt trăng, nội dung tiếc nhớ những mơ mộng của ngày tháng cũ nay đã không còn… Rất tiếc, trên các trang mạng chúng tôi tìm hiểu, bản Adios quérida luna  cũng như nhiều ca khúc nổi tiếng khác do Jean-François Michael thu đĩa chỉ ghi tên người hát chứ không ghi tên tác giả; trong khi đó, tiểu sử của Jean-François Michael lại chỉ ghi chàng là một ca sĩ cho nên không hiểu những ca khúc ấy có phải sáng tác của chính Jean-François Michael hay không.

Ngoài nguyên tác lời Pháp, Adios quérida luna  còn được Jean-François Michael thu đĩa bằng tiếng Ý, Tây-ban-nha, Đức…

adios

VIDEO:

JEAN FRANCOIS MICHAEL adios querida luna 1970

Tiếp theo, trong 2 năm 1971, 1972, Jean-François Michael đã cống hiến người ái mộ thêm nhiều ca khúc được ưa chuộng khác, như nghe Je pense à toi (Anh nghĩ tới em), Je veux vivre auprès de toi (Anh muốn được sống bên em), Ladybelle

Riêng bản Ladybelle ngày ấy đã được Phạm Duy đặt lời Việt với tựa Người đẹp và được thu vào băng nhựa qua tiếng hát của Elvis Phương.

 Phụ lục (3): Ladybelle – Người đẹp, Elvis Phương (trước 1975)

Năm 1973, đánh dấu thành công lớn nhất của Jean-François Michael sau Adieu Jolie Candy, đó là bản Coupable (Guilty, Có tội). “Tội” nói tới ở đây là tội yêu, rồi chia tay, và quên lãng người con gái mình đã từng mặn nồng…

Coupable

Pour avoir été, un jour le premier
À te caresser, jusqu?à te brûler
Pour avoir osé, aux creux de mes bras
Faire naître la femme, qui dormait en toi

Je me sens coupable de t’avoir oublié

Coupable, coupable, coupable d?être aimé
Coupable, coupable, coupable à jamais
Coupable de crime, d?être dans ta vie
Une ombre entre toi et lui

Coupable, coupable, coupable d?être aimé

Pour t’avoir longtemps, longtemps fait l’amour
Que tu ne le sais, sans y penser
Pour être à jamais le seul souvenir
Dont nul ne pourra, plus jamais te guérir

Oui je suis coupable de t’avoir oublié

Coupable, coupable, coupable d?être aimé
Coupable, coupable, coupable à jamais
Coupable, de crime, d?être dans ta vie
Une ombre entre toi et lui

Coupable, coupable, coupable à vie !

– Phụ lục (4): Coupable, Jean-François Michael

Trước năm 1975, Coupable được Khắc Dũng đặt lời Việt với tựa Lầm Lỗi, và được Elvis Phương thu băng qua hình thức song ngữ. Về sau,  Elvis Phương còn thu đĩa thêm một phiên bản lời Việt khác có tựa đề Tình đầu chưa nguôi, nhưng không thấy ghi tên tác giả.

– Phụ lục (5): Tình đầu chưa nguôi, Elvis Phương

Năm 1974, Jean-François Michael thu đĩa một ca khúc để đời khác:  Si l’amour existe encore (Nếu tình yêu còn mãi).

Si l’amour existe encore

Si l’amour existe encore
Il ressemble à ton corps
Si l’amour existe encore
Serre moi encore plus fort

Si l’amour existe encore
Près de toi quand je m’endors
Si l’amour existe encore
Serre moi encore plus fort

Personne
N’a jamais su me dire
Les mots d’amour
Les mots du cœur
Quelque chose comme “Je t’aime”

Ce soir
La vie me semble belle
L’amour à tire d’aile
S’est posé… sur toi et moi

Si l’amour existe encore
Il ressemble à tes vingt ans
Au soleil qui tendrement
Nous fait oublier le temps

(Refrain)

Si l’amour existe encore
Il ressemble à ton corps
Si l’amour existe encore
Serre moi encore plus fort…

Si l’amour existe encore
Près de toi quand je m’endors
Si l’amour existe encore
Serre moi.. encore plus fort…

– Phụ lục (6): Si l’amour existe encore, Jean-François Michael

Si l’amour existe encore đã chinh phục giới trẻ yêu nhạc Pháp tại Sài Gòn một cách vũ bão, không thua gì Adieu Jolie Candy trước đó mấy năm. Tuy nhiên, theo ký ức của chúng tôi, cùng với tình hình bất ổn tại miền Nam VN vào cuối năm 1974 đầu năm 1975, giới nghệ sĩ sáng tác cũng không còn mấy hứng thú trong công việc, cho nên tới khi xảy ra biến cố 30/4/1975, chưa có ai đặt lời Việt cho Si l’amour existe encore.

Sau này tại hải ngoại, mới có phiên bản của Lê Toàn với tựa Nếu tình còn bên ta, và gần đây là phiên bản của Tân Thanh (không rõ trong nước hay hải ngoại) với tựa Tình vẫn trong tôi.

Nếu tình còn bên ta

Tình yêu nếu còn sống bên ta
Hòa tan trong hình dáng kiêu sa
Tình yêu nếu còn mãi nơi đây
Em hãy ôm anh sát trong lòng

Tình Yêu nếu còn sống bên ta
Chìm trong giấc mộng giữa không gian
Tình yêu nếu còn mãi trong em
Xin hãy ôm anh sát trong lòng

Xưa nay, chưa có ai nói anh nghe
Những câu yêu đương, câu nói thật lòng
Đơn sơ như lời yêu em đã trao
Đêm nay, anh thấy yêu em nồng nàn
Ân tình, trong giây phút vội vàng
Chợt dừng lại về bên chúng ta

Tình yêu nếu còn sống bên ta
Ngày thơ ngây về mắt môi em
Thời gian như dừng bước nơi đây
Cho nắng mai sưởi ấm tâm hồn

 Sau thành công của Si l’amour existe encore, Jean-François Michael bị đau nặng, phải giải nghệ ca hát. Năm 1975, anh trở lại với làng nhạc nhưng không phải với tư cách ca sĩ mà là nhà sản xuất đĩa hát, giữ chức vụ Giám đốc nghệ thuật của hãng đĩa Barclay.

Năm 2013, Jean-François Michael cho truyền thông Pháp biết mình đang điều trị chứng “ung thư Waldens­tröm” từ nhiều tháng qua.

“Ung thư Waldens­tröm” (Waldens­tröm macroglobulinemia, viết tắt là WM) là một loại ung thư tế bào bạch huyết cầu B, rất hiếm, bệnh nhân thường là nam giới trên 60 tuổi. Căn bệnh ung thư này không thể chữa dứt (incurable) nhưng có thể điều trị (treatment), và bệnh nhân vẫn có thể tiếp tục sinh hoạt bình thường.

* * *

Trở lại với năm 1968, năm mà chàng ca sĩ Yves Roze đổi tên thành Jean-François Michael và đạt thành công bất ngờ – cũng bất ngờ như sự ra đời của bản Adieu Jolie Candy mà anh thu đĩa.

Adieu Jolie Candy do Raymond Jeanot soạn nhạc, Alain Boublin và Michel Hursel đặt lời.

Raymond Jeanot (1917-2000) là một nhà soạn nhạc kiêm nhạc trưởng nổi tiếng; Alain Boublin (sinh năm 1941), người gốc Tunisia, một nhà soạn hòa âm và đặt lời hát lúc ấy chưa có tiếng tăm, và Michel Hursel (sinh năm 1947) là một ca nhạc sĩ “tập sự”.

“Michel Hursel” là bút hiệu đầu tiên của Michel Berger (tên khai sinh là Michel Jean Hamburger), một trong những tên tuổi lớn nhất của làng nhạc trẻ Pháp quốc trong hai thập niên 1970, 1980, và cũng là người chồng vắn số của France Gall (chúng tôi sẽ viết thêm về Michel Berger trong bài nói về France Gall).

Tuy nhiên, vào năm 1968, Michel Berger (với bút hiệu “Michel Hursel”) chưa thành danh. Việc hiện nay một vài nguồn tài liệu trên Internet viết “Adieu Jolie Candy là một sáng tác của Michel Berger” là thiếu chính xác, anh chỉ hợp tác với Alain Boublin trong việc đặt lời hát mà thôi.

Lúc ấy là thời gian sinh viên trong phong trào phản chiến xuống đường bạo động, đường phố Paris bị tê liệt suốt hai tuần lễ. Ngồi “ngáp ruồi” trong trụ sở hãng đĩa VOGUE, Raymond Jeanot, Alain Boublin và Michel Hursel đã giết thì giờ bằng cách cùng nhau viết một ca khúc mới: Adieu Jolie Candy.

 Lúc đó Yves Roze cũng có mặt, được họ đề nghị thu đĩa ca khúc này kèm theo lời khuyên lấy một nghệ danh mới nghe cho “kêu” một chút. Thế là “Yves Roze” trở thành “Jean-François Michael”, trong đó phía trên chữ “e” (Michael) còn có hai dấu chấm (như trong cổ tự La-tinh, Tây-ban-nha, Pháp, Đức…) cho thêm phần độc đáo.

Và… the rest is history!

Bản Adieu Jolie Candy do Jean-François Michael thu đĩa đã làm mưa gió trong suốt mấy tháng cuối năm 1968 đầu năm 1969; mặc dù số đĩa bán ra không thể sánh với Oh! Mon amour của Christophe, Tombe la neige của Adamo, Capri c’est fini của Hervé Vilard, La plage aux romantiques, Kilimandjaro của Pascal Danel, nhưng nếu chỉ xét sức thu hút khi vừa được tung ra, phải gọi Adieu Jolie Candy là một hiện tượng.

Nội dung của ca khúc không lấy gì làm thơ mộng: tại phi trường Orly (ngày ấy Pháp chưa có phi trường Charles De Gaulle), chàng trai Pháp tiễn cô bạn gái Anh về nước sau một kỳ hè và mối tình ngắn ngủi. Cô hứa  cô sẽ viết thư, nhưng có lẽ chỉ hứa cho có. Chàng sẽ nhớ tiếc nụ cười và những lỗi tiếng Pháp của cô, nhưng với cô, rồi đây chàng sẽ chỉ còn là một kỷ niệm, nhường chỗ cho một chàng trai tốt số ở hòn đảo Anh-cát-lợi…

Lời hát cũng không mấy văn hoa. Có thể nói sức thu hút chính của Adieu jolie Candy là do giai điệu (của Raymond Jeanot), phần hòa âm độc đáo (của Alain Boublin, cũng là người viết lời hát) và nghệ thuật diễn tả của ca sĩ.

Adieu jolie Candy

 

Adieu jolie Candy
C’est à Orly que finissent

Les vacances à Paris

Adieu jolie Candy

Une voix t’appelle

C’est l’heure dejà de t’en aller

 

Dans cet avion qui t’emmène vers l’Anglererre

 

Adieu jolie Candy
Tu m’écriras, tu le dis
Mais on dit toujours ça
Adieu jolie Candy
Je regretterai ton sourire
Et tes fautes de français

 

Mais cet avion te ramène en Angleterre

Adieu jolie Candy
Je deviendrai un souvenir
Une photo de vacances
Adieu jolie Candy
Celui qui t’aime là-bas
Il a bien de la chance
Adieu Candy
Adieu adieu adieu …

– Phụ lục (7): Adieu jolie Candy, Jean-François Michael

VIDEO:

Jean Francois MICHAEL Adieu Jolie Candy

Tại miền Nam VN ngày ấy, Adieu jolie Candy cũng một sớm một chiều trở thành ca khúc Pháp được ưa chuộng nhất, được (bị) nghe nhiều nhất, không thua gì La nuit (Đêm đen) của Adamo, Aline (gọi tên người yêu) của Christophe, Capri c’est fini của Hervé Vilard trước đó.

Adieu jolie Candy cũng là một trong những ca khúc Pháp của thời nhạc trẻ được Phạm Duy đặt lời Việt sớm nhất, phổ biến nhất, dưới tựa Tiễn em nơi phi trường.

 

Tiễn em nơi phi trường
Từ nay cách xa nghìn trùng

Từ nay cách xa nghìn trùng

Người em bé bỏng
Anh tiễn em ra mãi tới nơi phi trường.
Tầu bay cánh vươn mịt mùng

Đường bay não nùng
Hỡi em, vào khung trời mênh mông.

Ôi cơn gió buồn ! Phi cơ sẽ đưa em đi muôn trùng.


Chờ em viết thư tình về

Anh đã ước thề
Nhưng biết đâu em sẽ nhớ tới bạn hè?
Còn anh khó quên mùa hè

Gặp em, tóc thề
Anh đã yêu người em tuổi say mê.

Ôi đã hết rồi ! Phi cơ đã đưa em đi xa vời.


Từ nay cách xa nghìn trùng!

Từ nay cách xa nghìn trùng !
Tình yêu sẽ mờ, ôi sẽ phai, trong bóng tối trên đường dài.

Từ nay nhớ nhung còn dài. Còn vương xuống đời
Như bóng mây còn bay mãi trong khung trời.

Adieu! Xa em! Adieu! Xa em!

 Adieu jolie Candy / Tiễn em nơi phi trường ngày ấy được Paolo thu vào băng nhựa, và sau này, trong phong trào hồi sinh nhạc trẻ tại hải ngoại, đã trở thành một trong những ca khúc cầu chứng của Elvis Phương.

paolo

Paolo

– Phụ lục (8): Adieu jolie Candy / Tiễn em nơi phi trường, Paolo (trước 1975)

– Phụ lục (9): Adieu jolie Candy (saxo), Xuân Hiếu

 

Hoài Nam

 

 

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2016

 

Bài Mới Nhất
Search