T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Nguyễn Thị Khánh Minh :HOÀNG XUÂN SƠN- QUỲNH ƠI, HỒN NHIÊN MỘT ĐÓA…

clip_image001

Giới Thiệu:

TV&BH sẽ lần lượt giới thiệu một số bài viết về tập thơ Quỳnh của nhà thơ Hoàng Xuân Sơn, tập thơ mà theo lời tác giả :” Bản thảo tập Thơ Quỳnh được hoàn tất vào mùa thu năm 1991, đến nay đã tròm trèm hai mươi lăm năm; một quãng thời gian khá gọi là dài cho sự chuẩn bị và ra đời một tập thơ. Cũng giống như đời sống, tất cả sự kiện, sự vật đều có cái duyên của nó. Trong trùng trùng duyên khởi cuộc nhân sinh, những hạt mầm vay mượn có hạt chắc và lép. Hạt chắc có cơ duyên nẩy mầm sinh sôi góp mặt với đời. Hạt lép đành làm phận lẻ loi ngậm ngùi nơi cõi tối. Nhưng có hề gì phải không? Phạm Nhuận bạn tôi đã từng viết Có Hề Chi Vàng Một Chút Rong Rêu. Tái đi một chút hay vàng thêm một chút thì đời mình, tình mình cũng đã chín tới; ở khúc Hóa Vàng rêu rong. . .”

Bài dưới đây là bài đầu tiên trong loạt bài “Thơ Quỳnh trong cảm nhận bằng hữu” viết về tác giả và tác phẩm “Thơ Quỳnh”.

Nguyễn Thị Khánh Minh

HOÀNG XUÂN SƠN- QUỲNH ƠI, HỒN NHIÊN MỘT ĐÓA…                                                             

 Nguyên câu thơ trên là, hồn nhiên một đóa nở ra vô thường, trong bài thơ quỳnh tôi viết năm 1996, tôi nhắc ra đây vì nhân hôm nay đọc bản thảo Thơ Quỳnh của nhà thơ Hoàng Xuân Sơn (HXS). Không tự nhiên mà tôi liên tưởng Quỳnh của HXS đến một loài hoa thay vì, rất có thể, là tên một người, bởi trong lời Thưa, tác giả nói, Những bài trong tập này, nếu được gọi là thơ; cũng chỉ là những hương sắc vô thường của đất trời bắt gặp, theo cảm nghĩ riêng của người viết.  Trong một khoảnh khắc thoáng có, trăm ý rời cũng giống như quỳnh hương, thoạt đến, rồi tản mạn vào đêm. 

Trong tập Thơ Quỳnh, từ Quỳnh 1 đến Quỳnh 22, tác giả chạm đến nhiều đề tài, nhưng tôi xin chỉ đi từ tâm đóa hoa này mà tới ngọn ngành cảm xúc, mà chạm được giây tơ rung cảm của im lặng, mà từ vô thường biết đâu bắt gặp một giây miên viễn tình cờ – mầu trăng bát ngát sông đêm- Âu đó cũng là món quà của cảm xúc.

và ký ức mở ra

lòng bát ngát cõi trăng xanh

dòng sông đêm vườn hương dìu dặt

như thinh.  như ru

… người và đêm trôi về một xứ

… chị hát em cười đêm sáng trăng

(Thơ Quỳnh 4)

Xin phép tác giả, tự nhiên tôi muốn nối câu này vào một xứ của đêm quỳnh. Chẳng biết vì đâu, thấy hình ảnh ấy nó lộng lẫy hồn nhiên trên dòng hương cố xứ. Và vì sao, Hương là hương từ cố xứ? Có nguồn cơn cả thôi. Thơ Quỳnh khơi gợi mối cảm hoài mây trắng, ngó lên cao, ánh mắt lưu vong cứ khắc khoải mây tần –mười năm xao xác ngọn mây tần– (Thơ Quỳnh 17), nhìn xuống bước chân đi thì thúc thủ dặm về,

mưa ở ngoài trời mưa rất lâu

mưa lạnh vai người mưa ướt tóc

tay nhỏ làm sao che ngang đầu

chân nhỏ làm sao về thăm mẹ…

(Chuyện Trò, Thơ Quỳnh 18)

Đấy là tâm cảnh của người thơ. Dựa trên ấy để thấu nước mắt nụ cười con chữ. Xin cho tôi dùng cảm xúc của mình như từng mắc xích nối một dòng Thơ Quỳnh.

ai xướng tên ta lúc về chiều

hồi chuông báo hiệu giờ cao điểm

cuốn hút ta đi dòng bấp bênh

bụi khói hoàng hôn mặt người tím sẫm

(vieux m. Thơ Quỳnh 13)

Dường như Quỳnh đến với chiều, lúc bắt đầu chuông thời gian báo hiệu ấy. Rồi…, một dòng bấp bênh sinh mệnh. Trong thơ quỳnh xưa, tôi đã, Cỏ cây buông mộng trông vời / Tàn hoa thảng thốt tiếng cười rạng đông. Thưa Nhà Thơ, hồ như giữa chúng ta, suy niệm về thời gian đều cảm thức tính ảo, đếu mon men đến rìa mộng của nó. Trong mộng đêm quỳnh, cái biến dịch từ khói hoàng hôn, từ tím sẫm mặt người, (mặt hoa?), đến thảng thốt tiếng cười rạng đông, có phải ông đã phóng chiếu cái vô thường đời hoa vào đời người để thấy một dòng bấp bênh giữa hai đầu báo hiệu đến đi?

Lúc này đây, trong từng tích tắc -đều-đều- của chiếc đồng hồ đang treo trên tường, tôi nghe tiếng đọc thơ rơi khẽ như hạt trong. Khóc rỗi cho trái tim thổn thức?

thơ ngắn

tựa như mình

khóc

rỗi.

 một buổi mai tịnh độ

vân yên hà đương say

mộng đời không ai giữ

thức dưới tạng hoa gầy

(Hoa, Thơ Quỳnh 1)

nhắm mắt nằm một thôi

dựng dậy.  ngày quá ngọ

lơ mơ bước ra trời

đất chói lòa nắng đỏ

​(Nằm Ban Ngày-Nhớ Phạm Chi Lan- Thơ Quỳnh 1)

Một thôi mà, từ cái nhắm mắt ấy lại sững sờ trời đất thế sao…, thốt nghĩ, đến và đi, đất và trời. Nhà thơ ơi, tôi cũng mong là còn lơ mơ mộng để không nhìn thấy, làm như không nghe, con quạ khàn giọng đập cánh trên giấc mộng đời, để có được phút an nhiên trong đường bay chênh vênh của -hạt bụi-

hạt bụi bay qua nóc nhà thờ

núp vào thánh giá nép vào thơ

trời cao xanh quá lòng vô nhiễm

một phút an nhiên thổi tới bờ

(Hạt Bụi, Thơ Quỳnh 2)

lũ lượt người về như ong vỡ

một ngày tan biến giữa thinh không

đạp xe trong quãng bình yên ấy

chợt thấy lòng vui một chút buồn

(Tan Biến, Thơ Quỳnh 2)

Nghe xem trong xôn xao, có thinh không tan biến, có vòng quay tròn bánh xe gặp gỡ một đều đặn bình yên như chiều quay đồng hồ kia, thế thì lòng vui một chút buồn là năng lượng tiếp sức cho luân xa ấy, để bật ánh sáng bến bờ của trái tim thơ.  Có kinh nghiệm đoạn trường mới thấy sức mạnh của tu dưỡng, đạp xe đạp xe…, có được ban cho một quãng bình yên thì là chắt chiu của hạnh phúc rồi, hãy nhận phút tức thì ấy để đạp xe, để bay mau đoạn đường gian nan,

bay một thuở chín từng u ám

chim bay mau bay mau bay mau

mái nhà cong hiên người áo xám

người ở lâu ở lâu ở lâu

(Ở Sầu, Thơ Quỳnh 4)

Bay mau bay mau, ở lâu ở lâu, nghe như kinh khổ để qua được những tầng u ám. Để thấy cõi huyền nhiệm kia. Ơ kìa trong gió vừa thoáng tà áo bay. Phải mà níu được mầu áo vô vi thảnh thơi ấy bay đi bay mau để khỏi ở sầu. Để biết rằng qua mùa thương tưởng sẽ thấy được không gì là giá đỡ mầu nhiệm hơn mầu xanh của tiếng hát cho ta về soi xuống dòng trong của nguồn yêu thương không vướng bận,

… sống lại hết một mùa thương tưởng

gió choàng vai lên dịu hiền

ồ tiếng hát xanh như nguyệt

nguồn yêu thương đã trở về trở về

(Trăng Vẫn Xanh, Thơ Quỳnh 4)

Ở đâu vậy, gương trong ấy? Chỗ đất trời khắng khít nhau? Nơi con người qua gạn lọc khơi trong để có cho mình những ý trong veo? Và nước mắt rơi xuống hồ mộng ấy phải là hạt nguyên thủy của trẻ thơ thì mới tỏ gương trăng chân như.

rồi sẽ một ngày lên thăm núi

tựa chỗ đất trời khăng khít nhau

cho mây đậu xuống tóc thành suối

và hồn trong veo ý nghĩ đầu

(Ý, Thơ Quỳnh 5)

 thương quá giọt lệ hiền trẻ thơ

như đá như cây những mái nhà

ôi chút vô tri còn biết gọi

thương mình.  trăm cảnh huống người ta

(Giọt Trẻ Thơ, Thơ Quỳnh 7)

những mặt gương trong xanh biếc hồ

dưới nguồn thanh thản đáy hư vô

hoa bèo trên sóng hoa cúc dại

lối thảm nhân gian vệt cỏ mờ

(Cảm Hoài- Thơ Quỳnh 8)

Này, để mà cõi nhân gian được nhẹ nhàng là vệt cỏ mờ thì hẳn vẫn còn nhiều hệ lụy truân chuyên trên con đường, gọi là ngắn ngủi phù du cũng đúng, mà thấy nó dằng dặc thăm thẳm cũng hợp tình. Vậy thì để rút bớt dặm dài, nhà thơ cũng chọn ra được một cung cách, ngồi xe dằn xóc hoài ắt sẽ có lúc lọt vào chỗ êm, cái sảng khoái là vậy chăng?

lấy tay làm gối

cũng yên một bề

cũng

yên

một

bề

(Thơ Quỳnh 16)

buổi sáng vươn mình trong xó bếp

lại thêm một ngày qua nữa đây

có hùng hục nhen lò nhúm lửa

xin nhẹ tay kẻo nước vơi đầy

(Nhật, Thơ Quỳnh 7)

Tôi thích cái cư xử nhẹ tay kẻo nước vơi đầy này. Nhu hòa bao giờ cũng khiến cho ta được nhẹ nhàng, nghe nói trong võ thuật có cái gì đó gọi là nhu thắng cương. Trong đạo làm người dường như cũng thế.

Xem như đây là cách tự vệ của Nhà Thơ,

đất đá cũng tan hàng

thì thôi hành độc cước

giữa cuộc đời hỗn mang

đứng chân nào chả được

(Hành, Thơ Quỳnh 7)

Thưa nhà thơ, những mũi tên của cây cung hỗn mang bắn lung tung phía…

đứng nghiêm đứng nghiêm

dòm trời sảng khoái

ngó đất khật khùng

đứng im đứng im

nghe chiều bước tới

nghe tượng mòn vai

(Ở Thế Nghiêm, Thơ Quỳnh 9)

ừ đau

thì cũng đau rồi

thì đi cũng đấy

thì ngồi vẫn đây

cũng chung chung tháng với ngày

cũng buồn vi vút

trời mây

mây trời

((Thơ Quỳnh 13)

 ờ rồi cũng sống cho ra hạnh

ruột thẳng ngay boong quân tử liều

ví như chẳng được làm tiên thánh

sẩy chân còn gậy chống đời sau

(Hạnh, Thơ Quỳnh 9)

Dùng Hạnh làm gậy chống cho bây giờ và đời sau. Cuộc đời này còn đẹp vì còn những người hiền. Mong ngày nhiều hơn những hạt lành được gieo trên đường chúng ta đi.

ngán thay mùa gió chướng

đầy trời ngọn quỷ phong

ra đường thân ngả ngớn

biết quay về được không

(Chướng, Thơ Quỳnh 7)

Chắc chắn là được, vì với quỷ phong, đứng thẳng sẽ bị quật ngã trước khi đủ sức bật, thế thì phí công quá, thái độ của Nhà Thơ như nói rằng không thể hữu dõng mà được ở ta bà gió chướng này, xem như ngả ngớn là một thế hư, thế thủ trước khi đương đầu vậy, nên tôi biết con đường quay về kia thênh thang, ngọt bùi ngồi lại cùng nhau nghiêng chén mộng.

như tinh anh đất trời

đắng cay chia từng ngụm

đâu hạn hẹp lòng ngời

rót nguyên đầy. mộng cả

(Môi rượu- Quỳnh 5)

chén dài chén ngắn trút vào nhau

sao cho cạn hết sầu vô lượng

(Lời Quê, Thơ Quỳnh 19)

Đã đi được đến cuối dòng bấp bênh một đêm quỳnh chưa? Đã đến được lúc, nghe trong vỏ ốc / chiều tà / biển loa hú gọi / trăng / và tiếng ngân / ngàn sau / đây / đó / cũng gần (thơ Quỳnh 3) chưa?

Có lẽ. khi lui về cô tịch, khi chan hòa với nỗi cô độc của sao trời,

núi cao ẩn một chàng

biết thâm sơn cùng cốc

biết cả vì sao đang

hát những lời cô độc

(Ẩn, Thơ Quỳnh 16)

Có lẽ. Khi đã ngân lại thành nhịp đập diệu kỳ của bảo vật con người,

như nhịp đập trái tim kỳ diệu

sống vẫn đây.  sống hẵn còn đây

dù hệ kiếp hao mòn thân tượng

tâm dung ơi bát nước tràn đầy

(Thơ Hồng- Thơ Quỳnh 12)

cũng chỉ là thơ lẫn với thơ

chẳng nói cao xa chỉ chuyện trò

tầm thường như một cây bông giấy

nở dưới tường ai buổi đợi chờ

(Thơ Quỳnh 18)

Đó cũng là lúc trở về. Trở về theo vẫy gọi của đóa bông giấy sơ nhiên trên cổng tường nhà cố xứ, có nỗi đợi chờ ta ngồi cùng nhau nói tiếng muôn đời, … hãy bình yên thời khắc lặng chan hòa… (Dòng Không, Thơ Quỳnh 8). thời khắc lặng, để, … bùng lên sâu thẳm một tức thì (Thơ Quỳnh 10). A. ngàn sau đây đó cũng gần, phút bình yên hiện tiền, thôi trước không sau, hãy về làm con trẻ của thiên nhiên,

buổi sáng ra đi nắng cụng đầu

nghe trời xanh thẳm hát vài câu

nghe đất thấm dậy mùi hương mới

và thấy băng ngang một nhịp cầu

và thức như vườn đêm sáng trăng

nằm chơi dưới một cội hoa quỳnh

đời không câu thúc lòng không bận

như giọt sương kia chẳng biết buồn

(Và Nghe . . . Thơ Quỳnh 12)

… đừng thức nhé. đêm chưa về đủ / cho hoang đường giấc mộng… (Thơ Quỳnh10). Vẫn còn trăng quỳnh, phải không? Trong cõi long lanh của hạt sương thì chỉ có tiếng thầm thì là chuyên chở được hết huyền nhiệm của âm thanh.

đừng mở miệng.  đừng.  tơ trời đương xuống

rụng trên đồi và tiếng hát bao la…

(Dòng Không, Thơ Quỳnh 8)

Thơ bát ngát niềm trân trọng và hân thưởng. Tôi được học rằng, biết hân thưởng là một mỹ đức…

Ngoài trời, đang buổi xuân mưa thong thả, những hạt nhẹ như không kia là tơ trời? Và tiếng hát bao la, là mầu xanh mải miết trôi? Xanh cao chỉ lối. Xanh tơ ban tặng. Xanh đong đầy đồi, Thơ cũng mở ra niềm hy vọng.  Tôi nghe nói rằng, một trong những sức mạnh giúp ta đi, là Hy Vọng.

Tôi đã kết xong xâu chuỗi Quỳnh Thơ, nếu có mầu sắc nào bạn thích thì đó là do phản chiếu của Thơ Quỳnh trên dòng cảm xúc. Xin cùng nhau, bình yên thời khắc lặng chan hòa

Santa Ana, 5. 2016

ntkm

 

 

 

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2016

Bài Mới Nhất
Search