T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Hoài Nam: NHỮNG CA KHÚC NGOẠI QUỐC LỜI VIỆT (57)-NHẠC PHÁP – Bang Bang (Khi xưa ta bé) Bono, Aber & Carrère

clip_image002

Tiếp theo các bài về “nữ hoàng phòng thu âm” Françoise Hardy và “công chúa trên sân khấu trình diễn” Sylvie Vartan, kỳ này chúng tôi viết về bông hoa thứ ba trong nền nhạc trẻ của Pháp thời kỳ yé-yé, đó là Sheila, nàng ca sĩ được mệnh danh “tiếng hát học trò”, mà trong số những ca khúc của cô được ưa chuộng tại Sài Gòn ngày ấy, không thể không nhắc tới bản Bang Bang, được Phạm Duy đặt lời Việt với tựa Khi xưa ta bé.

Với giới trẻ yêu nhạc Pháp tại miền nam Việt Nam trước năm 1975, Sheila không nổi tiếng bằng Françoise Hardy, Sylvie Vartan, và France Gall, nhưng tới thời “disco” (cuối thập niên 1970, đầu thập niên 1980) cô lại được ghi nhận là người thành công nhất trong “tứ quý”.

Trong sự nghiệp trải dài hơn nửa thế kỷ, Sheila đã bán được trên 85 triệu đĩa hát bằng tiếng Pháp, Anh, Ý, Đức, và Tây-ban-nha, đứng hạng tư trong số các ca sĩ Pháp nổi tiếng quốc tế có số đĩa hát bán cao nhất (chỉ sau Charles Aznavour, Dalida, và Édith Piaf). Sheila cũng là ca sĩ thứ nhì của Pháp, sau Édith Piaf, được vào bảng xếp hạng Billboard tại Hoa Kỳ.

Sheila xuất thân từ giai cấp bình dân, và thời niên thiếu của cô cũng chẳng có gì đáng nói. Tên thật là Annie Chancel, ra chào đời ngày 16/8/1945 tại Salins, một làng nhỏ gần Aurillac, tỉnh lỵ Cantal, miền trung nam nước Pháp. Sau khi lên Paris, cha mẹ cô làm nghề bán bánh kẹo tại các chợ phiên với một cái sạp nhỏ. Mộng bình thường của Annie từ khi có trí khôn chỉ là lớn lên được gia nhập các gánh xiệc, trong đó cô thích nhất vai cỡi ngựa biểu diễn.

Nhưng tới khi đi học, Annie lại tỏ ra xuất sắc về ca vũ. Sau bậc tiểu học, Sheila xin thi vào trường Kịch nghệ quốc gia Paris (Opéra national de Paris) với ước mộng trở thành mầm non ca nhạc kịch, tới nơi mới biết mình đã quá tuổi.

Sau bậc tiểu học, Sheila bắt đầu phụ giúp cha mẹ trong việc bán bánh kẹo tại các chợ phiên ở ngoại ô Paris, nơi cô được mọi người tặng biệt hiệu “cái máy la-dô” (la radio) vì hát luôn miệng!

Cuối năm 1960, vào tuổi 15, lần đầu tiên Sheila được hát trước microphone trong một ban nhạc trẻ vô danh; nhờ đó, qua đầu năm 1961, cô được mời gia nhập The Guitars Brothers, một ban nhạc rock tài tử do hai anh em ruột thành lập.

The Guitars Brothers trình diễn thường xuyên (không có thù lao) tại hộp đêm Golf-Drouot nhưng không tạo được tiếng vang. Golf-Drouot là hộp đêm rock-n-roll đầu tiên và duy nhất của Paris vào thời đó, nơi đã giới thiệu thần tượng nhạc trẻ Johnny Halliday và hai ban nhạc rock nổi tiếng của Pháp là Les Chaussettes Noires và Les Chats Sauvages.

Mãi tới cuối tháng 10/1962, The Guitars Brothers mới có cơ hội “ra mắt” ra mắt hai nhà sản xuất đĩa nhạc Jacques Plait và Claude Carrère.

Phần trình diễn của ban nhạc nói chung bị chê là “nghèo nàn” nhưng riêng Sheila qua ba ca khúc Sur ma plage, Je chante doucement và Chariot đã lọt vào cặp mắt xanh của Claude Carrère.

[Claude Carrère (1930-2014) mà chúng tôi đã có lần nhắc tới, là nhà viết ca khúc, nhà đặt lời hát và sản xuất đĩa nhạc cho nhiều ca sĩ nổi tiếng của Pháp, trong số này có Dalida, Claude François, Hervé Vilard, Art Sullivan, Roméo…, và cũng là người đã có công lăng-xê Sheila, trở thành ông bầu của cô trong suốt 20 năm]

Qua ngày hôm sau, Claude Carrère mời cha mẹ của cô bé Annie Chancel 17 tuổi tới một quán cà-phê để nói chuyện, và đã thuyết phục ông bà cho phép cô ký một hợp đồng 10 năm.

Chưa đầy một tháng sau, Claude Carrère tung ra đĩa 45 vòng đầu tay của Annie Chancel, trong đó có ca khúc “Sheila”, vốn là phiên bản lời Pháp của bản “Sheila” lời Anh, một ca khúc từng lên No.1 của nam ca sĩ Mỹ Tommy Roe. Luôn tiện, Claude Carrère đã lấy chữ “Sheila” này làm nghệ danh cho Annie Chancel.

Được tung ra vào ngày 13/11/1962, chỉ trong vòng 3 tuần lễ, “Sheila” đã bán được 80.000 đĩa, đứng hạng 8 trong cả năm 1962.

Ngày 2/12, Sheila được lên truyền hình để trình bày ca khúc này: cô mặc một bộ pyjama vừa hát vừa nhảy nhót trong một phòng ngủ của trẻ con.

Hoạt cảnh ấy đã gợi ý cho ông bầu Claude Carrère trong việc giới thiệu “tiếng hát học trò” qua hình ảnh một cô nữ sinh trung học: đồng phục áo sơ-mi trắng, váy ca-rô, tóc thắt bím, và đã trở thành hình ảnh “cầu chứng” của Sheila trong suốt thời kỳ yé-yé (trước thời kỳ disco).

clip_image003

Sheila – Tiếng hát Học trò

Qua đầu năm 1963, Claude Carrère đã viết ca khúc L’école est finie (Niên học đã chấm dứt) để “cô nữ sinh” ấy thu đĩa. Kết quả, L’école est finie đã bán được gần 800.000 đĩa, đứng No.1 trong 5 tháng liên tiếp tại Pháp, và cũng rất được ưa chuộng tại Đức và Gia-nã-đại.

Tới giữa năm 1963, Sheila tung ra album (đĩa 33 vòng) đầu tiên của mình gồm 13 ca khúc trong đó có bản chủ đề Le sifflet des copains (Tiếng huýt gió của bạn bè), và đã qua mặt cả Françoise Hardy lẫn Sylvie Vartan về số bán.

Trong album này có bản Pendant les vacances (Trong kỳ nghỉ hè), ca khúc đầu tiên của Sheila được phổ biến tại miền nam VN.

Phụ lục 1: Pendant les vacances, Sheila

Nghe giai điệu quen thuộc của Pendant les vacances, độc giả nào thường nghe nhạc Anh Mỹ có thể nhận ra đây chính là bản All I Have To Do Is Dream của đôi song ca Mỹ Everly Brothers nổi tiếng vào những năm cuối thập niên 1950 đầu thập niên 1960.

All I Have To Do Is Dream là một sáng tác của cặp vợ chồng nhạc sĩ country & pop Felice and Boudleaux Bryan, xuất bản vào đầu năm 1958, được Everly Brothers thu đĩa, tung ra vào tháng 4/1960, và cho tới nay vẫn được ghi nhận là ca khúc duy nhất “cùng một lúc đứng No.1 trên tất cả mọi bảng xếp hạng của Billboard”.

All I Have To Do Is Dream đứng No.2 cho cả năm 1960, và hiện đang đứng hạng 142 trong danh sách 500 ca khúc hay nhất của mọi thời đại do tạp chí ca nhạc Rolling Stone thực hiện.

Thêm một điều thú vị với người yêu nhạc là tiếng đàn guitar trong đĩa hát này chính là của danh cầm Chet Arkins (1924-2001)

VIDEO:

Everly Brothers – All I Have To Do Is Dream (1958) Edit – YouTube

Tuy nhiên, tương tự trường hợp của nhiều ca khúc Anh Mỹ nổi tiếng khác (như Five Hundred Miles, Scarborough Fair, Donna Donna, Sad Movies…), ngày ấy giai điệu của All I Have To Do Is Dream đã đến với đại đa số thính giả VN qua phiên bản lời Pháp Pendant les vacances.

Pendant les vacances có nội dung khác hoàn toàn với nguyên tác tiếng Anh All I Have To Do Is Dream, là tâm sự của một cô nữ sinh 16 tuổi khi phải xa cách bạn trai trong hai tháng hè; sau đó, khi Pendant les vacances được Trường Kỳ đặt lời Việt với tựa Khi ta hai mươi, một lần nữa, nội dung lại được thay đổi.

Khi Ta Hai Mươi

Khi ta hai mươi, yêu thương có trong ta chơi vơi
Nghe trong tim hát lên bao câu ca chứa chan
Ngập tràn đầy niềm vui, lòng nhớ ghi trong cuộc đời
Chớ có quên! Khi ta hai mươi. Ta yêu gió yêu mây xa xôi
Ta yêu sông nước mênh mông muôn nơi
Đó đây ngập tràn đầy niềm vui, lòng nhớ muôn đời
Sẽ nhớ mãi nhớ mãi, khi hai mươi hai mươi
Toàn là niềm vui trong lòng. Sẽ nhớ mãi nhớ mãi
Ước gì được sống mãi tháng năm mộng mơ …
Khi ta hai mươi, ta mong ta nhớ khi mưa rơi rơi
Ta luôn ghi nhớ môi hôn đam mê ngất ngây
Ngập tràn đầy niềm vui, lòng nhớ ghi trong cuộc đời
Khi ta hai mươi. Ta yêu gió yêu mây xa xôi
Ta yêu sông nước mênh mông muôn nơi
Đó đây ngập tràn đầy niềm vui, lòng nhớ muôn đời
Sẽ nhớ mãi nhớ mãi, khi hai mươi hai mươi
Toàn là niềm vui trong lòng. Sẽ nhớ mãi nhớ mãi
Ước gì được sống mãi tháng năm mộng mơ
Khi ta hai mươi, ta mong ta nhớ khi mưa rơi rơi
Ta luôn ghi nhớ môi hôn đam mê ngất ngây
Ngập tràn đầy niềm vui, lòng nhớ ghi trong cuộc đời…

Phụ lục 2: Khi ta hai mươi, Kiều Nga

Qua năm 1964, Sheila có thêm nhiều bản được lên Top khác. Chỉ tính trong 2 năm đầu của sự nghiệp, Sheila đã bán ra gần 4 triệu đĩa hát, một con số kỷ lục trong làng nhạc Pháp quốc.

Năm 1966, Sheila thu đĩa phiên bản lời Pháp của Bang Bang (My Baby Shot Me Down), nguyên là ca khúc “cầu chứng” của nữ ca sĩ Mỹ Cher (trong cặp song ca vợ chồng Sonny & Cher). Chúng tôi sẽ trở lại với bản Bang Bang ở phần cuối bài.

Năm 1971, bản Les Rois Mages (Three Wise Men, người Công giáo VN thường gọi là “Ba Vua”) do Sheila thu đĩa đã trở thành một hiện tượng.

Les Rois Mages là phiên bản lời Pháp của ca khúc truyền thống Tweedle Dee Tweedle Dum của Anh quốc, do ban Middle of the Road của Tô-cách-lan thu đĩa đầu năm 1971, đứng hạng 2 tại Anh quốc.

[Tweedle Dee và Tweedle Dum là 2 hai nhân vật huyền thoại trong truyện nhi đồng Alice in Wonderland]

Les Rois Mages – do Claude Carrère đặt lời và Jacques Hourdeaux soạn hòa âm – đã bán ra gần 1 triệu đĩa tại Pháp trong mùa xuân 1971; sau khi được Sheila thu đĩa phiên bản lời Tây-ban-nha với tựa Los reyes magos, đã đứng No.2 tại Mễ-tây-cơ, No.9 tại Á-căn-đình, và No.10 tại Tây-ban-nha, đồng thời trở thành một “ca khúc Giáng Sinh” quốc tế.

VIDEO:

Sheila – Les rois mages (Clip officiel) – YouTube

Qua năm 1972, giới yêu nhạc Pháp ở Sài Gòn được thưởng thức thêm một ca khúc nổi tiếng khác của Sheila, đó là bản Poupée de porcelaine, do Daniel Vangarde viết nhạc, Claude Carrère đặt lời.

Poupée de porcelaine

Une poupée de porcelaine
Ce n’est pas ce qu’il te faut
Muette, discrète, craintive, passive
Ça t’ennuierait, wow wow
Une poupée de porcelaine
Je veux bien si je deviens
Ardente, vibrante, aimante, troublante
Auprès de toi.
Etre toujours belle et disponible
Pour une fille aujourd’hui, c’est facile
Je voudrais pourtant assumer ma vie
Et ne plus rien faire à demi
J’ai besoin d’aimer et de choisir
De t’appartenir et de te suivre
Ne pas être l’ombre frivole de ton ombre
Vivre, pour moi, c’est t’aimer
Refrain


Une poupée de porcelaine
Ce n ́est pas ce qu ́il te faut
Muette, discrète, craintive, passive
Ça t ́ennuierait, wow wow
Une poupée de porcelaine
Je veux bien si je deviens
Ardente, vibrante, aimante, troublante
Auprès de toi
Savoir deviner les inquiétudes
Que parfois tu voudrais me cacher
Par sollicitude ou par tendresse
Ou par amour pour moi, je le sais
Chaque jour, m ́éveiller et me sentir
Protégée par ton tendre sourire
Tu vas tout m ́apprendre, je vais tout t ́offrir
Vivre, pour moi, c ́est t ́aimer

Phụ lục 3: Poupée de porcelaine, Sheila

Ngày ấy, Poupée de porcelaine được đặt lời Việt với tựa Búp Bê Bằng Sứ, được Thanh Lan, Kiều Nga trình bày song ngữ trong một băng nhạc trẻ. Hiện nay, một số trang mạng ghi tác giả là Phạm Duy, tuy nhiên trong hồi ký “Ngàn lời ca” của ông, danh sách ca khúc ngoại quốc được ông đặt lời Việt không thấy ghi bản này.

Sau năm 1975, Búp Bê Bằng Sứ đã được khá nhiều nữ ca sĩ nhạc trẻ, tại hải ngoại cũng như trong nước, thu vào CD.

Búp Bê Bằng Sứ

Thôi đừng nên làm cô bé búp bê,
Pho tượng nung và men sứ kia.
Búp bê im mơ, búp bê ngu ngơ ôi thôi buồn chưa? Woh woh..
Nếu chẳng may thành cô bé búp bê,
Em phải như là em ước mơ.
Búp bê hung hăng, búp bê tung tăng chung quanh người thương.
Là cô bé xinh tươi nết na nhu mì,
Thật không khó cứ im không nói năng gì.
Mà em muốn sống cho ân tình dài suốt đời,
Em muốn đã yêu ai sẽ yêu dài.
Và khi có yêu thương biết sao tấm lòng,
Không như bóng đi theo người suốt con đường.
Mà như đôi uyên ương mối duyên vững vàng,
Cuộc đời dành cho ta yêu thương.
Thôi đừng nên làm cô bé búp bê,
Pho tượng nung và men sứ kia.
Búp bê im mơ, búp bê ngu ngơ ôi thôi buồn chưa? Woh woh..
Nếu chẳng may thành cô bé búp bê,
Em phải như là em ước mơ.
Búp bê hung hăng, búp bê tung tăng chung quanh người thương.
Phải từ giã bao nhiêu lối đi vòng vèo
Ở trong đó trong tim người lối đi nhiều.
Dù không nói vẫn nghe như lời gào suốt đời,
Nghe tiếng nói chơi vơi mối yêu dài.
Ngủ êm êm trong mơ biết ai đang chờ,
Tình ta sẽ có tiếng cười nói hiền hòa.
Và đôi ta sẽ nói với nhau những lời,
Cuộc đời dành cho tình yêu thôi.

Thôi đừng nên làm cô bé búp bê,
Pho tượng nung và men sứ kia.
Búp bê im mơ, búp bê ngu ngơ ôi thôi buồn chưa? Woh woh..
Nếu chẳng may thành cô bé búp bê,
Em phải như là em ước mơ.
Búp bê hung hăng, búp bê tung tăng chung quanh người thương.

Phụ lục 4: Búp bê bằng sứ, Nhật Hạ

Ca khúc nổi tiếng cuối cùng của Sheila được phổ biến tại Sài Gòn trước khi xảy ra biến cố 30/4/1975 là bản Tu es le soleil. Ngày ấy, ca khúc này đã được Vũ Xuân Hùng & Nguyễn Duy Biên đặt lời Việt với tựa Anh là mặt trời, được Thanh Lan và Minh Xuân song ca băng Tình Ca Nhạc Trẻ 3 do hai anh thực hiện.

* * *

Sau năm 1975, những người ái mộ Sheila tại miền nam VN không còn phương tiện, điều kiện theo dõi bước đường sự nghiệp của cô, cho nên mãi tới sau này mới được biết vào cuối thập niên 1970, Sheila đã trở thành một những tên tuổi nổi tiếng nhất của đầu thời kỳ “disco”.

Tất cả cũng do tay ông bầu Claude Carrère: 15 năm trước, ông đã biến cô bé Annie Chancel thành “tiếng hát học trò” với đồng phục nữ sinh tóc thắt bím của thời kỳ yé-yé như thế nào thì nay ông cũng biến Sheila thành “nữ hoàng disco” như thế: cái áo thun ngắn khoe rốn, cái mini-skirt (hoặc quần short) kim tuyến lóng lánh, đôi boot cao tới đầu gối…

Claude Carrère còn theo đúng mốt “thời thượng disco” (mà khuôn mẫu điển hình là ban Boney M) để thành lập một ban ca vũ gồm ba chàng da đen phụ diễn cho Sheila, với cái tên tiếng Anh là “Sheila and B. Devotion”, thường được rút ngắn thành “Sheila B. Devotion” (B ở đây thay cho chữ Black: da đen).

Ra mắt năm 1977, Sheila B. Devotion đã làm mưa gió trên các sàn nhảy disco không chỉ ở Âu Châu mà còn cả ở Hoa Kỳ với album đầu tay Love Me Baby, trong đó có bản single Love Me Baby.

Tiếp theo là ca khúc thịnh hành Singin’ in the rain (trình bày theo thể điệu disco, dĩ nhiên!) đã được nồng nhiệt đón nhận khắp nơi trên thế giới: Thụy-điển (hạng 2), Ý (3), Hòa-lan (3), Đức (6), Anh (9), Ba-tây, Nhật-bản, Á-căn-đình, Đan-mạch, Tây-ban-nha, Úc…; tổng cộng trước sau bán được 5 triệu đĩa 45 vòng. Sheila B. Devotion cũng được đài truyền hình BBC mời trình diễn trong chương trình Top of the Pop nổi tiếng của đài này.

clip_image005

Từ đó cho tới năm 1980, Sheila B. Devotion đã đi lưu diễn 45 buổi vòng quanh thế giới.

VIDEO:

Sheila B. Devotion- Love me Baby – 1977 – YouTube

Cũng trong năm 1980, Sheila B. Devotion tung ra album “disco” thứ nhì tựa đề King of the World, trong đó có bản Spacer (cảm hứng từ phim Star Wars) lọt vào Top 10 tại hầu hết các nước Âu châu và nhiều nước Á châu, bán ra trên 5 triệu đĩa.

Năm 1981, với tư cách ca sĩ hát solo, Sheila đã thu album nhạc rock có tựa đề Little Darlin’ do nhà sản xuất Keith Olsen nổi tiếng của Mỹ thực hiện. Ca khúc chủ đề của album này đã lên tới hạng 49 trên bản xếp hạng Billboard vào đầu năm 1982.

Năm 1983, sau khi gặp gỡ nhà soạn nhạc kiêm nhà sản xuất đĩa nhạc trẻ tuổi Lionel Leroy (sau trở thành đời chồng thứ hai), Sheila đã chuyển hướng, chấm dứt giai đoạn yé-yé để chuyển sang giai đoạn “ca khúc nghệ thuật”.

[Sheila kết hôn lần thứ nhất năm 1973 với nam ca sĩ Ringo (tên thật là Guy Bayle) sau khi cùng nhau chụp một loạt hình diễm tình trên tạp chí Télé Poche; trong đám cưới, Claude François đóng vai phù rể. Hai người có một con trai và chia tay năm 1979. Còn Lionel Leroy tên thật là Yves Martin, kém Sheila gần 11 tuổi; năm 2006, sau hơn 20 năm cặp kè, hai người mới chính thức kết hôn]

Theo chiều hướng nghệ thuật của Lionel Leroy, từ năm 1983 tới 1988, Sheila đã thu 3 album được các nhà phê bình đánh giá cao. Tuy nhiên, tới năm 1989, chán ngán trước cảnh kinh doanh âm nhạc và đĩa hát, Sheila bỏ nghề ca hát để viết sách, thực hiện show TV, và điêu khắc.

Chín năm sau (1998), Sheila trở lại với ca nhạc, thực hiện một album CD gồm nhiều ca khúc cũ (hát lại) và một số ca khúc mới; chỉ một tháng sau album này đã đoạt đĩa vàng.

Bước sang thế kỷ thứ 21, Sheila vẫn tiếp tục được ái mộ: trình diễn tại đại hí viện Olympia Paris năm 2002, lưu diễn trong 2 năm 2009, 2010… Tháng 9 năm 2012, Sheila kỷ niệm 50 năm ca hát bằng một buổi trình diễn đặc biệt tại Olympia Paris; và tới tháng 11 năm đó, phát hành CD với 10 ca khúc mới…

Tháng 2/2013, Sheila được Bộ Văn Hóa Pháp trao tặng giải thưởng cao quý “Victoire de la Musique” cho sự nghiệp.

* * *

Tới đây, chúng tôi viết về ca khúc Bang Bang do Sheila thu đĩa năm 1966.

Bang Bang là phiên bản lời Pháp của Bang Bang (My Baby Shot Me Down), ca khúc nổi tiếng nhất, thành công nhất của nữ ca sĩ Cher trong cặp song ca vợ chồng Sonny & Cher nổi tiếng của Mỹ, thu đĩa năm 1966.

Sonny & Cher – tên đầy đủ là Sonny Bono Cherylin Sarkisian – có khá nhiều điểm tương đồng với cặp Lê Uyên Phương của nền tân nhạc Việt Nam.

Sonny Bono sinh năm 1935, gốc Ý, là một ca nhạc sĩ, nhà viết ca khúc kiêm sản xuất đĩa nhạc.

Cherylin Sarkisian sinh năm 1946, cha mẹ là người gốc Armenia – tức là có cùng quê hương với Charles Aznavour, Sylvie Vartan.

Năm 1962, Sonny gặp gỡ cô bé 16 tuổi trong một quán cà-phê ở Hồ Ly Vọng, và sau đó tuyển dụng làm ca sĩ hát phụ cho các ca sĩ, ban nhạc nổi tiếng. Năm 1964, hai người kết hôn, và qua năm 1965 ra mắt khán thính giả với nghệ danh “Sonny & Cher”.

Ngay trong năm 1965, Sonny & Cher đã đạt thành công rực rỡ với hai bản lên Top là Baby Don’t Go (được đặt lời Pháp với tựa C’était trop beau, do Sylvie Vartan thu đĩa) và I Got You Babe.

Riêng I Got You Babe đã đứng No.1 trên bảng xếp hạng Billboard 3 tuần lễ liên tiếp, đồng thời đứng No.1 tại Gia-nã-đại, Anh quốc, Tân-tây-lan, hạng 2 ở Ái-nhĩ-lan, hạng 3 ở Úc…

VIDEO:

 Sonny & Cher – I got you babe (HQ)

Qua năm 1966, bản Bang Bang do Sonny sáng tác và Cher hát solo đã làm mưa gió khắp nơi trên thế giới; tuy nhiên tại miền nam Việt Nam rất ít người biết tới, vừa vì Sonny & Cher là một tên tuổi mới lạ, vừa vì số lượng thính giả người Việt của các đài phát thanh của quân đội Hoa Kỳ tại Việt Nam cũng chẳng có là bao.

Phải đợi tới những năm đầu thập niên 1970, Sonny & Cher mới được giới trẻ Việt Nam biết tới và ái mộ. Một trong những ca khúc của họ được ưa chuộng là bản A Cowboy’s Work Is Never Done, do Sonny sáng tác và hai vợ chồng song ca. Ngày ấy, ca khúc này đã được Nam Lộc đặt lời Việt với tựa Mây lang thang, được ban nhạc trẻ CBC (Bích Loan hát giọng chính) trình bày trong băng Nhạc Trẻ 3; và sau này đã được nhiều ca sĩ, ban nhạc thu vào CD, như Khánh Ly & Lệ thu (song ca), Nhật Hạ, Thanh Mai…

VIDEO:

Sonny & Cher – A Cowboys Work Is Never Done – YouTube

Phụ lục 5: Mây lang thang, Lệ Thu & Khánh Ly

clip_image007

Trở lại với bản Bang Bang (My Baby Shot Me Down), đĩa 45 vòng đầu tiên do Cher hát solo bán được trên một triệu đĩa, đứng No.2 trên bảng xếp hạng Billboard 100 ở Hoa Kỳ, No.3 UK Singles Chart ở Anh Quốc, và nhiều quốc gia khác, như Tân-tây-lan (hạng 2), Ái-nhĩ-lan (3), Gia-nã-đại (4), Ý và Áo (6), Bỉ (9), Nam Phi (10), v.v…

Bang bang (My Baby Shot Me Down)

I was five and he was six
We rode on horses made of sticks
He wore black and I wore white
He would always win the fight

 Bang bang, he shot me down
Bang bang, I hit the ground
Bang bang, that awful sound
Bang bang, my baby shot me down

 Seasons came and changed the time
When I grew up, I called him mine
He would always laugh and say
“Remember when we used to play?”

 Bang bang, I shot you down
Bang bang, you hit the ground
Bang bang, that awful sound
Bang bang, I used to shoot you downang

 Music played and people sang
Just for me the church bells rang

 Now he’s gone, I don’t know why
And ’till this day, sometimes I cry
He didn’t even say goodbye
He didn’t take the time to lie

 Bang bang, he shot me down
Bang bang, I hit the ground
Bang bang, that awful sound
Bang bang, my baby shot me down

 Phụ lục 6: Bang bang (My Baby Shot Me Down), Cher

Mặc dù không được các nhà phê bình đánh giá cao (thậm chí có người chê) Bang Bang (My Baby Shot Me Down) đã trở thành ca khúc “cầu chứng” của Cher, kể cả sau khi hai vợ chồng chia tay vào năm 1975.

Năm 1987, Cher thu lại Bang Bang (My Baby Shot Me Down) dưới hình thức một bản nhạc rock trong album Cher, một album đoạt đĩa bạch kim (Platinum-certified).

Trong chuyến lưu diễn cuối cùng “The Farewell Tour” kéo dài từ năm 2002 tới năm 2005, Bang Bang (My Baby Shot Me Down), theo thể nhạc rock, cũng là ca khúc bắt buộc trong 325 buổi trình diễn của Cher.

Bang Bang (My Baby Shot Me Down) còn đem lại thành công cho nhiều ca sĩ khác. Trước hết là Nancy Sinatra (con gái của Frank Sinatra), thu đĩa ngay trong năm 1966 và cũng đoạt đĩa vàng.

Phiên bản do Nancy Sinatra thu đĩa sau này đã được đạo diễn Mỹ Quentin Tarantino đưa vào cuốn phim hoạt động Kill Bill Volume 1 năm 2003.

Tới năm 1981, tới lượt ông bố Frank Sinatra cũng thu đĩa ca khúc này. Ngoài ra, còn hàng chục ca sĩ nổi tiếng khác của Mỹ đã thu đĩa Bang Bang (My Baby Shot Me Down) lời Anh, từ đàn chị Petula Clark, ca sĩ khiếm thị Stevie Wonder, ca nhạc sĩ jazz gốc Hung-gia-lợi Gabor Szabo…, tới các thần tượng hiện đại như Beyoncé, Lady Gaga… (bản Bang Bang do Lady Gaga hát chung với “tiền bối”Tony Bennett năm 2014 đã lên tới No.1 trong bảng xếp hạng Jazz Digital Songs Chart của Billboard).

Bang Bang (My Baby Shot Me Down) được đặt lời hát bằng rất nhiều ngôn ngữ khác. Chỉ riêng tiếng Pháp đã có ít nhất ba phiên bản: một của Gilles Brown do nữ danh ca Gia-nã-đại Claire Lepage thu đĩa, một của Alessandro Colombini do Dalida thu đĩa, và một của Claude Carrère & Georges Aber do Sheila thu đĩa – là phiên bản phổ biến nhất.

Bang Bang

Nous avions dix ans à peine, tous nos jeux étaient les mêmes
Aux gendarmes et aux voleurs, tu me visais droit au cœur.
Bang bang, tu me tuais, bang bang, et je tombais.
Bang bang, et ce bruit-là, bang bang, je ne l’oublierai pas.
Nous avons grandi ensemble, on s’aimait bien, il me semble
Mais tu n’avais de passion que pour tes jeux de garçon.
Bang bang, tu t’amusais, bang bang, je te suivais.
Bang bang, et ce bruit-là, bang bang, je ne l’oublierai pas.
Un jour, tu as eu vingt ans, il y avait déjà longtemps
Que l’amour avait remplacé notre amitié du passé.
Et quand il en vint une autre, on ne sait à qui la faute.
Tu ne m’avais jamais menti, avec elle, tu es parti.
Bang bang, tu m’as quittée, bang bang, je suis restée.
Bang bang, et ce bruit-là, bang bang, je ne l’oublierai pas.
Quand j’aperçois des enfants se poursuivre en s’amusant
Et faire semblant de se tuer, je me sens le cœur serré.
Bang bang, je me souviens, bang bang, tout me revient.
Bang bang, et ce bruit-là, bang bang, je ne l’oublierai pas.

Phụ lục 7: Bang Bang, Sheila

Trước năm 1975, Bang Bang được Phạm Duy đặt lời Việt với tựa Khi xưa ta bé. Có thể nói, nhà nhạc sĩ đã phỏng dịch lời Pháp một cách hết sức tài tình, tương tự bản Chèvrefeuille que tu es loin / Giàn thiên lý đã xa trước đó.

Ngày ấy Khi xưa ta bé được Thanh Lan trình bày đầu tiên trong Băng vàng Nhạc trẻ 6 – Tiếng hát Thanh Lan.

Sau năm 1975, Khi xưa ta bé có thể đã không trở thành ca khúc Pháp lời Việt của Phạm Duy phổ biến nhất, được ưa thích nhất (bởi không thể so sánh với Giàn thiên lý đã xa) nhưng có một điều chắc chắn: Khi xưa ta bé là ca khúc Pháp lời Việt của Phạm Duy được các ca sĩ, trong nước cũng như tại hải ngoại, thu âm, trình diễn nhiều nhất.

Khi Xưa Ta Bé

Khi xưa đôi ta bé ta chơi
Đôi ta chơi bắn súng khơi khơi
Chơi công an đi bắt quân gian
Hiên ngang anh giơ súng ngay tim: Bang! bang!
Anh bắn ngay em: Bang! bang!
Em ngã trên sân: bang! bang!

Tiếng súng khi xưa:bang!bang!

Ta sẽ không quên bao giờ ….
Đôi ta theo nhau lớn lên mau
Đôi ta luôn thân thiết bên nhau
Ta yêu nhau như lũ bé con
Nhưng anh ham chơi bắt nhau luôn: bang! bang!
Anh thích lăng quăng: bang! bang!
Em cũng theo anh: bang! bang!
Tiếng súng khi xưa: bang! bang!
Ta sẽ không quên bao giờ
Bao năm qua ta đã hai mươi
Câu yêu thương đã đến cho đôi
Môi hôn thay câu nói ngây thơ
Chơi yêu thay chơi bắt nhau vui …
Em xa anh, anh mất em yêu
Không ai coi xem lỗi nơi ai
Em ra đi em đã ra đi
Em đi theo duyên mới xa xôi: bang! bang!…
Anh đã ra đi: bang! bang!
Em sẽ bơ vơ: bang! bang!
Tiếng súng khi xưa: bang! bang!
Ta sẽ không quên bao giờ…
Nay khi ta ra chốn công viên
Trông bao nhiêu em bé hân hoan
Chơi công an đi bắt quân gian
Chơi đi theo đi trốn lăng xăng: bang! bang!
Ta nhớ năm xưa: bang! bang!
Trong trái tim ta: bang! bang!
Tiếng súng khi xưa: bang! bang!
Ta sẽ không quên bao giờ…

Phụ lục 8: Bang Bang/ Khi xưa ta bé, Thanh Lan (trước 1975)

Phụ lục 9: Khi xưa ta bé, Nguyên Khang – Diễm Liên

Hoài Nam

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2016

Bài Mới Nhất
Search