T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

ngọctự: những đốm lửa giữa đêm dài (1)

tu DeoBan den ThongGianh-crop

(thoáng nhớ những năm tháng lưu đầy_nhân ngày hội ngộ kỳ 5 bạn tù cải tạo các trại Long Giao,   Yên Bái, Phong Quang_Lào Cai, Vĩnh Quang_Vĩnh Phú. California tháng 10/2016)

                                  “sao cho năm tháng tàn nhanh

                                 người đi về lại vây quanh chiếu ngồi”. (ng.tự)  

Tháng sáu trong thi ca và âm nhạc là khung cảnh thời gian thật đẹp của những người yêu nhau, vì ở đó có những cơn mưa làm quấn quít, rồi càng thêm bối rối cả đường về nơi mỗi buổi chiều hò hẹn. Bởi thế những đôi tình nhân vẫn nhớ mãi hoài và suốt đời không bao giờ quên được  tháng sáu êm đềm đầy ắp kỷ niệm lãng mạn ấy.

Với những ông nhà binh cấp úy chúng tôi, tháng sáu cũng là một thời điểm hằn sâu trong ký ức thật khó mờ phai. Nhưng chẳng dính dáng đến một cuộc tình thơ mộng nào cả mà sao vẫn cứ luôn thảng thốt bồi hồi mỗi khi nhớ lại, như thể cơn mộng dữ đã qua. Thật vậy, làm sao quên được cái tháng sáu đáng nguyền rủa nơi năm tháng ấy, bắt đầu từ sự quanh co khuất tất chữ nghĩa đầy thủ đoạn, trong thông báo của chính quyền cộng sản gọi sĩ quan cấp úy đi tập trung trình diện học tập cải tạo, có chi tiết liên quan đến việc đem theo mười ngày lương thực. Để rồi từ đấy người ra đi biền biệt mãi rồi mới về và có những người không bao giờ còn trở về vây quanh bên chiếu ngồi gia đình được nữa.

Tháng năm lưu đầy khổ nhọc khởi đi từ một ngày tháng sáu ấy, là những ngày và đêm dài như thể bất tận với tôi, cũng như gia đình. Đi qua năm tháng này ở nhiều nơi chỗ, bên cạnh những vô vọng chấp chới triền miên như tất cả mọi người, chừng như đôi lúc tôi lại bắt gặp được những đốm lửa nhỏ nhoi, chợt vội lóe sáng lên cho riêng tôi cảm nhận. Nó không báo hiệu điều gì, mà chỉ là niềm vui nhẹ êm, chút vỗ về dịu dàng, tự dưng làm vơi quên đi trong thoáng chốc cái cảm giác cũng đành buông xuôi thây kệ, giữa một thứ bủa vây mịt trùng quen thuộc ngày ngày, cũ mèm nhàm chán và thật mỏi mệt nơi thời gian khổ nhọc đằng đẵng đó. Những đốm lửa nhỏ nhoi này xuất hiện và được nhận ra thật đơn giản, từ mỗi nơi chỗ tôi đã đến, bất chợt dưới khuôn dáng từng khuôn mặt, thân quen có mà xa lạ cũng có, thêm nữa một vài điều chuyện, hay trước khung cảnh chung quanh đầy gợi nhắc_ cho dù với nhiều người khác thì chỉ là điều rất đỗi bình thường, chẳng đáng kể gì. Và rồi tất cả đã trở thành từng kỷ niệm khó mờ phai, cho tôi giữ lại mãi trong ký ức.

Mỗi khi nhớ lại quãng thời gian lưu đầy khổ nhọc, qua những nơi chỗ, từ đất liền ra đảo xa, về trên miền đông đất đỏ, và biền biệt phương trời núi rừng đất Bắc mịt trùng, lên đến tận vùng biên giới rồi mới xuôi về trung du, cùng trong vận nước nổi trôi cơn bi thảm xót xa một thời, bao giờ trong tôi cũng như vẫn còn nguyên vẹn nỗi bàng hoàng ngẩn ngơ quen thuộc buổi nào.

Đâu thể nào quên được từng diễn biến thời sự chính tình của đất nước qua những gẫy đổ đau thương dồn dập, liên tiếp nơi chiến trường từ đầu năm 1975. Nhất là vào giai đoạn cùng cực  tháng ba và tháng tư năm này, cho tới những ngày gần đến lúc kết thúc hẳn, đã làm cho tôi cũng như mọi người trong hoàn cảnh đó, phải liên tưởng mơ hồ đến cái việc cuối cùng sẽ tới, nhưng chưa thể mường tượng trọn vẹn nổi nó sẽ như thế nào. Và rồi ngày ba mươi tháng tư năm 1975 đầy cay đắng đã đến cùng với bao chuyện diễn ra tiếp theo sau đó như thế đấy, cho từng con người, mỗi gia đình và cả một đất nước dân tộc.

Một buổi sáng chưa đầy hai tháng sau cái ngày buồn thảm xót xa này, nào đã kịp hoàn hồn giữa những ngổn ngang rối bời về mọi thứ trong đầu óc và cuộc sống, theo lệnh của chính quyền cộng sản, cùng với các sĩ quan cấp úy khác, tôi đi trình diện tập trung cải tạo tại Đại học Văn Khoa Sàigòn. Mấy ngày đêm vật vờ ở đây để chờ chuyển đi trại là những ngày đêm dằn vặt thật nặng nề với tôi. Mỗi buổi chiều, ngồi tựa lưng bờ tường ngôi nhà trong góc sân, nhìn qua khe hở vách hàng rào bê tông thấp, tôi ngóng chờ bóng dáng quen thuộc của bà xã tôi trên đường tan sở làm về qua, vẫn thường dừng xe sát lề, thẫn thờ nhìn vào bên trong một lúc lâu rồi mới nổ máy chạy đi. Sau đó, tôi xuống căng tin cũ của trường nằm ở dẫy nhà phía sau, vẫn còn mở cửa hoạt động, ngồi uống một chai bia, hút những điếu thuốc, suy nghĩ vẩn vơ đủ thứ điều chuyện.

Lúc đấy, tôi vẫn chưa hết day dứt và dằn vặt về sự đúng sai trong quyết định ở lại, mà trước ngày cay nghiệt chỉ hơn tuần lễ, là cả một phân vân căng thẳng đầy chao đảo mỗi phút giờ. Tôi đủ hiểu điều gì sẽ đến một khi người cộng sản hiện diện. Khắp thành phố và trong đơn vị, đâu đâu cũng chỉ nghe xôn xao bàn tính về chuyện ra đi.  Ông sếp tôi đã ân cần nhắc việc sớm đưa vợ con vào ở trong nhà ông tại Khu cư xá căn cứ Tân Sơn Nhất để kịp di tản khi cần thiết. Người anh cả làm việc cho DAO (một cơ quan thuộc Tòa Đại sứ Hoa Kỳ) cũng đã lo liệu và chuẩn bị sẵn chuyến đi cho cả nhà. Bố tôi nói rằng anh em chúng tôi không được chần chờ nữa, phải kịp thời đưa nhau đi hết và bố mẹ tôi sẽ ở lại với bà nội, vì sợ rằng những người tuổi già sẽ làm vướng bận con cháu nơi xứ lạ quê người. Chúng tôi đã bàn luận, trao đổi và dùng dằng mãi, sau cùng tôi chọn ở lại như dự tính từ trước.

Rất thật lòng, suốt mấy năm lính, tôi phục vụ tại văn phòng ở thành phố, đi về quen thuộc với gia đình mỗi ngày, nên không thể đành đoạn bỏ lại những người thân yêu ruột thịt. Thêm nữa cô con gái mới sanh chưa được ba tháng và con trai đầu hơn một tuổi đang còn gửi bên Ngoại, cũng là sự đắn đo suy nghĩ. Còm một điều khác sâu kín trong tâm tưởng, đó là từ lâu tôi vẫn luôn mang nặng thành kiến với mấy ông cố vấn Hoa Kỳ không mấy thân thiện tại đơn vị, hồi họ chưa rút quân về nước.

Chọn lựa và quyết định như vậy nhưng khi sự việc xong xuôi lại còn suy nghĩ về điều đó thì thật mâu thuẫn. Có thể vì mọi thứ dồn dập, thoắt chốc thay đổi tất cả nhanh chóng quá, bầy ra thật nhiều vấn đề luôn thôi thúc, không kịp cho một chút bình tâm lắng đọng nào.

Tôi nhìn mông lung cột tháp phát sóng của Đài truyền hình nhô cao bên trên mái giảng đường trước mắt, thật gần kia mà sao hụt hẫng xa vời vợi trong nỗi bâng khuâng, như thể vừa mất đi một điều gì mới đây vẫn còn thân thiết gần gũi lắm. Hơn hai tháng trước ở nơi này, cùng với Đại nhạc đoàn và anh chị em Toán Chiến sĩ ca Đoàn Công Tác Chính Huấn Không quân, mọi người chúng tôi còn thực hiện theo yêu cầu của Truyền Hình Quân Đội, một chương trình Quân ca Hợp xướng đại hòa tấu thật quy mô hùng tráng. Phát hình liên tiếp nhiều buổi tối trong các ngày sau đó, và tôi có hẹn sẽ ra văn phòng Đài Truyền hình nhận thù lao thanh toán cho đơn vị vào đầu tháng Năm. Vậy mà một sớm một chiều bỗng dưng tan tác hết chẳng còn lại được gì.

Thốt nhiên nhớ ra rằng, nỗi khổ hạnh này đâu phải chỉ riêng tôi và gia đình mình, mà còn của bao nhiêu con người và những gia đình khác, có khi ngặt nghèo nhiều hơn nữa không chừng, tôi thấy nhẹ lòng và thanh thản đợi chờ những điều sẽ đến.

*

Sau mấy tiếng đồng hồ di chuyển giữa cơn mưa đêm xối xả, chạy vòng vèo qua những nẻo đường thành phố, ngược ra xa lộ Biên Hòa như để nghi trang, rồi quẹo vào xa lộ vành đai Đại Hàn, đoàn xe Molotova che vải bạt bịt bùng kín mít đưa anh em chúng tôi đến doanh trại trước đây của Liên đoàn 5 Công binh Kiến tạo, Thành Ông Năm Hóc Môn lúc nửa khuya.

Giọng điểm danh cộc lốc chát chúa của những tay bộ đội và ánh đèn pin quét ngang dọc liên hồi làm tôi thấy chói tai và khó chịu quá. Nhưng liền khi đó tôi chợt nhớ lại hình ảnh ngày di chuyển từ Trung tâm Huấn luyện Quang Trung lên Trường Bộ Binh Thủ Đức. Vừa xuống xe ở Vũ đình trường là cả một hoạt cảnh rộn ràng dở khóc dở cười mà chắc không một ông Tân Khóa sinh nào có thể quên được. Trong thoáng vui với hồi tưởng đó, tôi lặng lẽ đi cùng các bạn về chỗ ở của mình.

Sáng sớm hôm sau khi thức dậy, chúng tôi đã có ngay một kỷ niệm thú vị nhớ đời. Cả lũ nhôn nhao sớn sác túa ra đi tìm nước để đánh răng rửa mặt, nhưng không biết vòi nước ở chỗ nào. Hỏi thăm mấy ông anh cấp tá đã lên đây từ tháng trước đang đứng bên kia hàng rào kẽm gai nhìn sang, các ông anh mỉm cười chỉ tay vào cái vũng nước mưa rất to nằm giữa hai bên. Chừng như đêm hôm qua, tôi và nhiều anh em khác đã bước ra chỗ này để…đây mà. Thôi đành chậc lưỡi nhìn nhau cười rồi cùng vục ca xuống. Mọi việc nấu cơm, đun nước uống đều xử dụng cái vũng nước tạm này. Hai ba ngày sau mới sắp xếp xong việc đi lấy nước ở khu khác đem về, cũng như xem xét sửa chữa cần bơm nước giếng.

Thành thật mà nói, mấy tháng ở nơi đây cũng chưa phải là điều gì ghê gớm. Riêng tôi vẫn thấy thanh thản trong lòng, chút nao núng khi thời gian đi qua chỉ thoáng hiện đôi lúc thật nhẹ nhàng. Chắc nhờ sự có mặt bên cạnh của mấy người bạn thân tình ở cùng xóm ngõ, mà ngẫu nhiên chúng tôi được sắp xếp vào chung một căn nhà nhỏ với nhau trong dẫy nhà trước đây là khu gia binh, bỗng dưng đem đến một cảm giác gần gũi quen thuộc quá. Nguyễn Hữu Thiện động viên cùng khóa Thủ Đức, nằm cạnh giường nhau cùng Trung đội và rồi lại cùng về Không Quân (giờ là một lão già sum vầy với đàn cháu nội ngoại bên Australia)_Trần Văn Trực, sát vách với nhà tôi, chạy từ Chi khu Nhân Trạch về (đã sớm kịp sang Cali sau ngày ra tù), có thêm Nguyễn Văn Chúc, cũng dân trong khu cư xá kiến thiết cổng xe lửa số 6, cách nhà tôi chưa đến năm phút đi bộ, con người tài hoa với ngón đàn guitar classic điêu luyện từ hồi cuối trung học, xuất thân Khóa 2 Đại Học Chiến Tranh Chính Trị Đàlạt. Khi tôi lên học một khóa sĩ quan căn bản Chiến Tranh Chính Trị ở đây năm 1970 và Chúc chưa ra trường, chúng tôi thêm thân tình với nhau hơn qua nhiều kỷ niệm tại nơi ấy (Chúc qua đời bên Cali năm 2011). Mấy anh em cận kề nữa cũng thật dễ dàng thân thiện hòa hợp. Đỗ Hiếu Thảo pilốt trực thăng, An Đình Phương gầy gò ốm yếu, Khương Hữu Thành sĩ quan Công binh cao lêu nghêu hay Nguyễn Đăng Sung thuộc Quân cảnh Tư pháp, xuất thân trường tây, học ở Luật trên tôi hai năm, to người và râu ria xồm xoàm như một ông tây. (Vừa đây, qua các lão hữu trường Luật, tôi biết tin chàng đã dọn vào rehab trong nursing home bên Minnesota rồi). Và một hai người nữa tôi không còn nhớ ra.

Vì là nơi chỗ tập trung những người cư trú ở Phú Nhuận nên tôi cũng gặp thêm nhiều bạn quen mà trước đây do đời lính, người chỗ này, kẻ nơi kia, anh em chúng tôi ít có dịp nào gặp nhau thường xuyên.

Đôi lúc cái khung cảnh và sinh hoạt mỗi ngày tại nơi này đã làm cho tôi có ý nghĩ như thể mình đang sống ở giai đoạn vừa vào Trung tâm 3 tuyển mộ nhập ngũ Quang Trung buổi nào. Chừng như điều này là thứ phản kháng tự nhiên giúp tôi bớt bị tác động và ảnh hưởng nhiều bởi những thứ chung quanh. Mỗi khi bất chợt gặp sự bực dọc khó chịu, tôi lại tự đưa mình về một nơi chỗ cũ xưa thân quen nào đó, và thoát khỏi sự nặng nề trong đầu. Ở những buổi phải ngồi trên hội trường nghe các bài chính trị tuyên truyền rập khuôn rỗng tuếch, tôi mơ màng quay về không khí giảng đường trường Luật hay những buổi học lý thuyết trong phòng trên truòng Bộ Binh Thủ Đức, thây kệ mấy nhà anh cán bộ cứ lải nhải chuyện này chuyện kia.

Những ngày rảnh rỗi, tôi hay la cà đầu trên xóm dưới của dẫy nhà hàng chục căn dài ngắn, to nhỏ khác nhau, gặp người này người kia, đấu tán đủ thứ đề tài mưa nắng hai mùa và cả chuyện chính trị thời sự, để rồi cùng nhau ngao ngán nghĩ đến một ngày về chưa biết đến bao giờ.

Có hôm thì ngồi hầu mấy ông anh dăm ván cờ tướng. Anh Phạm Hương Tích, ông nhà binh gốc thầy giáo được biệt phái về làm hiệu trưởng trường Văn Hóa Quân Đội, là người thích rủ tôi làm đối thủ, chỉ vì dễ thắng được tôi trong các nước cờ gay cấn. Anh không thể nào biết tôi thỉnh thoảng hay đặt các quân cờ lệch hàng sau khi nhấc lên để đi quân, tạo ra một thế cờ thú vị nào đó. Một ông anh khác, cũng là sĩ quan biệt phái, anh Nguyễn Đăng Thạch, trưởng nam của giáo sư Nguyễn Đăng Thục_ ngoài chuyện xe pháo mã, còn hay giải thích cho tôi về Engels & Karl Marx với triết học Mác xít và học thuyết Lê nin. Cũng là dịp để học hỏi, trau dồi thêm sự hiểu biết vì anh đã tốt nghiệp khóa Cử nhân Triết đầu tiên của Đại học Văn Khoa Sàigòn trước đây.

Vào nhiều buổi tối dưới ánh điện vàng ệch hắt vào từ con đường doanh trại bên ngoài, bọn tôi thường tụ tập nơi vuông sân xi măng ngay trước cửa để cùng nhau nghêu ngao những bài tình ca của một thời tuổi trẻ. Nhiều anh em ở mấy dẫy nhà khác cũng kéo đến tham dự. Có cả tiếng đàn dây tươi vui nhắc nhớ ngày tháng cũ. Khung cảnh kể ra cũng thơ mộng lắm vì người chủ từng ở căn nhà này chắc có tâm hồn nghệ sĩ. Một dàn hoa giấy còn lơ thơ tàn lá sau mấy tháng bể dâu, nơi bờ dậu hàng rào vẫn sót lại ít trái đậu rồng, chen giữa vạt lá mầu xanh lưa thưa, dễ tưởng tượng một thời yên ả thanh bình. Có vài khúc gỗ tròn nằm quanh thay cho ghế ngồi. Đây là phòng trà văn nghệ của bọn tôi đấy.

Thu hút sự chú ý của mọi người nơi những buổi như thế, là phần độc tấu guitar classic của Nguyễn Văn Chúc qua các bài quen thuộc như Malaguena, Apache, La Paloma, Romance, La Cumpasita hay tình ca Trịnh Công Sơn, nhạc tiền chiến và lúc Chúc song tấu cùng tiếng đàn Banjo réo rắt của nhạc sĩ Lê Xuân Điềm (người thành lập và phụ trách Ban Tù ca Xuân Điềm hiện nay bên Cali). Dù chỉ là những cây đàn tự mầy mò làm lấy đầy công phu, từ thanh gỗ tạp, miếng ván ép cũ, đoạn dây điện và dây điện thoại…nhặt nhạnh ở đâu đó, nhưng tiếng đàn của hai ông này vẫn thật tuyệt vời, quyến rũ quá. Trong hoàn cảnh tâm trạng bị dồn nén vây bủa như thế, hai con người này đã đưa trọn vẹn tất cả hình ảnh và hơi thở của không gian thời gian nơi tình yêu có mặt, từng mùa vui, sự muộn phiền rồi nỗi nhớ nhung, hò hẹn rồi chia ly… từ dòng nhạc tiền chiến đến những bản tình ca thuở nào, đi vào tận ngóc ngách từng trái tim, ngõ hồn người nghe, làm vỗ về và vơi nhẹ đi bao nỗi niềm.

Tôi nhớ về sự quen biết với Lê Xuân Lạ, người em trai của anh Xuân Điềm. Lê Xuân Lạ cùng theo học khóa 8 sĩ quan Căn bản Chiến Tranh Chính Trị năm 1970 với tôi trên trường Đại học Chiến Tranh Chính Trị Đàlạt. Dáng dấp nghệ sĩ cùng tiếng đàn vĩ cầm của anh phơi trải từng cung bậc của những bản tình ca, đã làm rung động và xao xuyến khung trời Đàlạt dạo ấy_ nơi những buổi tối cuối tuần ở quán cà phê ngoài phố, nhất là trong buổi sinh hoạt thơ nhạc thật tươi vui sôi nổi và đáng nhớ, do anh em chúng tôi tổ chức bên trường Trung học Bùi Thị Xuân. Mãn khóa về Sư đoàn 5 Bộ binh và trong một chuyến đi theo đơn vị hành quân, anh đã hy sinh đền nợ nước, là một người chết hai lần, vì trên đường về, chiếc GMC chở quan tài anh bị trúng mìn nổ tung.

Hai khoảng trời và hai không gian âm thanh ấy đan quyện trong tôi một nỗi buồn nhớ man mác vu vơ.

Để cho qua thời gian, những lúc rảnh rỗi, tôi ngồi tỉ mẩn dùng một đầu đinh đập dẹp và khúc gỗ ba vuông ngắn làm đục, để chạm khắc ảnh tượng Chúa Jesus chịu khổ nạn trên thập giá, cùng một ảnh tượng thoáng phác họa khuôn mặt Đức Mẹ với vai áo, khăn trùm đầu nhìn theo chiều ngang_ từ hai mảnh nhựa tổng hợp nhỏ là vách bình ắc qui xe GMC, nhặt từ ngoài khu cơ xưởng cũ. Tôi vẫn còn giữ được các ảnh tượng kỷ vật này cho đến hôm nay.

Vào một đêm cũng khuya rồi, chúng tôi đã im ngủ thì thoáng ánh đèn pin quét vào phòng và có tiếng gọi tên tôi đi làm việc. Tôi nhận ra giọng nói của Thượng úy Hồng, viên cán bộ phụ trách dẫy nhà anh em chúng tôi.Tôi không biết chuyện gì, nhưng đoán lờ mờ rất nhanh chắc có liên quan đến vụ văn nghệ những buổi tối hay việc chạm khắc ảnh tượng nhà đạo của tôi mà một lần anh ta đã nhìn thấy. Các bạn tôi thầm thì lo lắng.Tôi bước đi theo ra mãi ngoài sân phía bên kia khu cơ xưởng cũ theo lệnh của tay cán bộ này. Tôi bình thản đợi chờ một sự hạch hỏi tra vấn. Vẫy tay ra hiệu rồi chờ cho tên vệ binh cầm súng AK đi bên cạnh di chuyển khuất đến một khoảng cách khá xa, Thượng úy Hồng hỏi han vài ba câu về sinh hoạt chung hàng ngày rồi đổi giọng rất nhỏ hỏi tôi về quê quán Văn Hải, Phát Diệm, Ninh Bình mà tôi ghi trong lý lịch.Tôi nói hồi di cư 1954 thì mới sáu bẩy tuổi, nên chỉ còn nhớ lõm bõm vài chi tiết liên quan đến ông bà nội của tôi ở tại làng quê và gia đình ngoài thị trấn. Anh ta lặng im đứng nghe không nói gì. Tôi buột miệng hỏi lại rằng chắc cán bộ cũng ở vùng ấy. Anh ta nói tránh đi là người mãi trên Yên Khánh. Tôi biết rằng đã có sự dối lòng vì nếu đúng thế, người để anh ta gọi ra mà hỏi về chuyện quê quán là Nguyễn Văn Chúc chứ không phải tôi. Gia đình Chúc thuộc vào loại cố cựu vùng Yên Khánh Ninh Bình. Cuộc trò chuyện ngắn ngủi chỉ có thế rồi kết thúc, chắc chưa đến mười phút.Tôi thở phào nhẹ nhõm quay trở vào đi ngủ và kể lại vắn tắt câu chuyện cho các bạn trong nhà còn đang thấp thỏm đợi chờ.

Sau lần đó, mỗi khi gặp tôi, viên Thượng úy này luôn bầy tỏ một sự thân thiện kín đáo. Có một buổi tối, anh ta đạp xe tạt qua, dúi vội cho tôi gói đường nhỏ và nửa bao thuốc lá Ruby Quân Tiếp vụ, không biết từ đâu ra, chắc là món chiến lợi phẩm được chia phần còn sót lại. Kể ra thì cũng có chút khôi hài tréo ngoe giữa hoàn cảnh ấy. Nhưng rồi mọi việc cũng chỉ dừng ở đấy, vì thời gian sau tôi phải chuyển trại đi Phú Quốc. Và tôi vẫn cứ nhớ mãi trong lòng chuyện này.

Khi ra tù, tôi có hỏi bố tôi về viên Thượng úy trạc gần bốn mươi và câu chuyện ở Hóc Môn, ông bảo không thể nào biết được chỉ với cái tên duy nhất của một người ở độ tuổi như thế. Hơn nữa, hầu hết thời gian ông sống ngoài thị trấn Phát Diệm nên không nhớ biết nhiều về xóm làng. Chắc hẳn rằng đấy phải là một người cùng quê quán nên mới để ý dò hỏi tìm hiểu lai lịch của tôi như vậy. Và trong lúc chuyện trò, nghe tôi nói về tên tuổi và cái dinh cơ cùng khu vườn rộng lớn của ông bà nội tôi nằm sát bên cạnh ngôi nhà thờ, có thể người này đã nhớ lại được vài chi tiết liên quan đến ông bà tôi, vốn là những người rất kỳ cựu tại xứ đạo quê nhà. Chưa chừng có tí chút dây mơ rễ má tông chi họ hàng anh em con cháu gì đó cũng nên, bố tôi kết luận.

Cũng thời gian ở tại Thành Ông Năm Hóc Môn, có một chuyện khác cũng khó mà quên được. Khoảng đầu tháng 9, họ bắt đầu cho chúng tôi viết thư về nhà, với cái địa chỉ nơi gửi khó hiểu là L.19_T 3. Bằng cách gợi nhắc xa gần, trong thư tôi nói đang ở chung chỗ với bác Mão, với ý nghĩ gia đình có thể đoán biết được cụ thể nơi này. Bác không đi cải tạo, nhưng rất thân quen với bố vợ tôi và cư ngụ ngay tại thị trấn Hóc Môn, ngày trước làm thầu khoán nên cũng thường hay ra vào giao dịch với Liên đoàn 5 Công Binh Kiến Tạo. Thông tin của tôi có lẽ hơi thừa vì dường như cả Sàigòn đều đã biết rõ về nơi chỗ chúng tôi đang ở. Điều ấy là từ chuyện cả ngố của tôi như thế này.

Một buổi trưa, sau ngày đổi tiền cuối tháng 9 được vài ngày, tôi đang lom khom cúi người vun xới mấy luống rau cải gần sát hàng rào kẽm gai của trại, tiếp giáp với khu nhà dân, thì nghe có tiếng í ới từ mãi phía vườn cây ngoài xa bên kia, cũng cách khoảng cả trăm thước. Thấp thoáng lố nhố hàng chục các chị các cô, không thể trông rõ mặt, đang vui mừng rối rít giơ cao nón vẫy vẫy. Có người dang rộng hai cánh tay chao qua nghiêng lại như chim bay, rồi đặt nằm ngang gác lên nhau thành một chữ T và cất tiếng hỏi câu gì đó nghe không rõ. Tôi sững người thật xúc động, mặt nghệt ra và cứ đứng ngây như phỗng, chẳng biết vợ mình có trong số đó hay không. Chắc đoán nhận ra tôi là người đi tập trung cải tạo, đám đông bên ngoài ấy càng xôn xao hơn, đang khi có người đàn ông xua tay như muốn đuổi. Trong này, cũng thấy bóng dáng một tên vệ binh đeo súng AK từ xa đang bước tới.Tôi bỏ vào nhà gặp được Chúc và nói lại chuyện này, thế là bị mắng té tát về cái tội con nhà lính Không Quân mà đần độn, chậm hiểu quá. Thì ra các chị các cô làm động tác diễn tả máy bay L. 19 để gợi nhắc, và muốn hỏi tôi ở T. số mấy. Tôi vội chạy bổ ra lại ngoài chỗ hàng rào, nhìn sang khu vườn nhà dân bên kia, nhưng tất cả chỉ còn sự im vắng trống trơn. Thật ân hận và day dứt làm sao. Vậy là tôi nợ mãi các chị các cô buổi trưa hôm ấy lời tạ lỗi chân thành.

Và cũng cái năm 1975 quái quỉ này, chẳng biết sao mà từ đầu tháng 12 rồi đến lễ Giáng Sinh và mấy ngày cuối năm sau đấy, thời tiết trở lạnh khác thường, càng thêm nỗi da diết buồn nhớ khôn khuây, dù chỉ mới xa cách gia đình vài tháng. Ngày Tết Dương lịch 1976, tôi lò dò đi lên khu nhà lớn bên trên để tìm thăm các người bạn quen khác, cũng dân quanh vùng cổng xe lửa số 6. Ông Phân chi khu trưởng Trần Văn Khoa gần nhà tôi, anh Phạm Phú Thứ, người em của linh mục Phạm Gia Thụy Dòng Chúa Cứu Thế Sàigòn, và một nhân vật tuy hơi nhỏ con nhưng khá đặc biệt là Nguyễn Xuân Thiêm, nhà ở ngoài mặt đường Trương Minh Ký, gần con ngõ nhỏ dẫn vào khu nhà thờ Bùi Phát (bây giờ đang sống bên Úc Đại Lợi thì phải). Ông này phục vụ ở Cục Mãi Dịch và thường được triệu mời đi xem bói, lấy quẻ cho nhiều tướng tá cao cấp vì nổi tiếng có biệt tài về tử vi, bói toán.

Ngồi với nhau tán gẫu mãi đủ thứ chuyện trò qua mấy ca nước trà, dĩ nhiên có cả chuyện mệnh số con người, bỗng dưng Nguyễn Xuân Thiêm đứng lên bỏ đi. Lát sau quay trở lại với mấy que tăm nhỏ cầm trên tay và nói sẽ lấy cho bọn tôi một quẻ đầu năm xem sao. Sau khi hỏi ngày sinh tháng đẻ của mỗi người, chàng lấy trong túi ra ba đồng tiền xu cũ nắm chặt trong lòng bàn tay, miệng lẩm nhẩm mấy câu gì không nghe rõ rồi gieo xuống mặt chiếu. Tiếp đấy, giơ ngón tay cái bấm lướt trên từng đốt mấy ngón còn lại của bàn tay phải rồi tay trái. Chúng tôi ngồi im theo dõi và chờ đợi. Sau cùng mấy que tăm nhỏ được bầy ra bên cạnh các đồng xu, tôi loáng thoáng đoán chừng như mấy vạch quẻ nào đó trong phép bói dịch. Ngồi trầm ngâm một lúc, Nguyễn Xuân Thiêm khẽ thở dài, nói rằng quẻ này ứng vào tuổi của tôi, với việc sẽ phải đi xa và thời gian thì còn lâu dài.

Tuy chẳng tin gì bói toán nhưng tôi cũng hơi giật mình khi nghe điều này. Khi đi trình diện, không nghĩ đơn giản chỉ mười ngày, ngoài những thứ thông thường, tôi đã đem theo võng dù, áo jacket, ít thuốc men các loại từ cảm cúm, trụ sinh, sốt rét… và những viên thuốc lọc nước. Bấy giờ đã bắt đầu qua đến tháng thứ bẩy, chưa thấy chút tăm hơi gì của ngày về, rồi lại có thêm quẻ bói như vậy.

Khoảng ba tuần sau đấy tôi có tên trong danh sách chuyển trại.

Khởi hành từ Tân Cảng, sau mấy ngày đêm vượt qua hải trình vật vã chông chênh chao đảo vì sóng biển, chiếc Hải vận hạm HQ Tiền Giang 405 của Hải quân mình cũ, đưa anh em chúng tôi cập bến đảo Phú Quốc. Bước chân lưu đầy của anh em chúng tôi bắt đầu đi về phía mông lung vô định.

Nơi chỗ mới của chúng tôi là trại giam tù binh phiến cộng An Thới trước đây.Từng khu doanh trại bằng tôn lạnh lùng hoang vắng, có nhiều chỗ còn nguyên dấu vết đập phá. Lại đối diện với một nghịch cảnh cay đắng nữa, nhưng thời thế như vậy, biết làm sao hơn được.

Mấy tháng ngắn ngủi ở Phú Quốc cũng đã để lại trong tôi nhiều điều quên nhớ. Tôi không bận tâm lắm đến những hàng rào kẽm gai dầy đặc bao quanh mọi nơi chỗ. Căn nhà tôn trống hoác phần vách bên dưới lùa từng cơn gió biển ban đêm, làm lành lạnh thêm từng nỗi vô vọng chấp chới ẩn hiện. Tôi cũng thật thảnh thơi với những buổi đi gỡ kẽm gai, phát cỏ làm rẫy, thây kệ thương tích trầy trụa chân tay. Ngày ngày, tôi khoan khoái ngửi được mùi biển từ đâu đó cứ ngan ngát nương theo từng làn gió mơn man nhè nhẹ dịu dàng quá. Chung quanh tôi cũng vẫn còn nhiều những anh em gần gũi thân thiết từ Hóc Môn cùng chuyển đi, quay quần bên bữa cơm tù với nhau mỗi buổi, ngoài anh Nguyễn Đăng Thạch, có thêm Võ Đình Thạc, Phan Trần Thiện.Thôi thì thây kệ những tháng ngày.

Tôi nhớ mãi ánh mắt xót xa vời vợi cảm thương của bà mẹ già xóm biển Dương Tơ buổi xế trưa hôm ấy, lúc đưa ra trước hiên nhà cho anh em chúng tôi rổ khoai mì mới luộc và bình nước lá thật đầy để giải khát. Một viên cán bộ dẫn đầu, có thêm tay vệ binh trang bị súng AK, áp tải toán anh em hơn mười người chúng tôi đi từ buổi sáng về mãi hướng Dương Đông vùng trên để lấy hom sắn (thân cây khoai mì to khỏe, sẽ được chặt ngắn để gieo trồng, theo cách gọi ngoài miền Bắc). Khi về đến khu nhà dân chỗ đó thì đã quá trưa và cũng còn cách trại một đoạn đường nữa nên được dừng lại nghỉ chân.

Tôi cũng nhớ mãi sự nhẹ nhõm khi liền đấy được ngâm người hồi lâu dưới làn nước biển mát lạnh, rũ bỏ nỗi nhọc mệt và quên đi trong thoáng chốc hoàn cảnh tù đầy. Trong chuyến đi về hôm ấy, lúc vượt qua quãng đường rừng, từng khe suối nước ngập ngang lưng, lối đi xuyên lưng đồi dầy đặc cỏ cây, dây leo đan kín chằng chịt, nhiều lúc không thấy ánh mặt trời, chừng như chưa có dấu chân người, tôi đã miên man hồi tưởng lại lần đi trại họp bạn ngày nào ở suối Lồ Ồ.

Thời gian ngoài Phú Quốc, có vài khuôn mặt vẫn lưu lại trong tôi sự đối chiếu hình ảnh trái ngược để suy nghĩ. Một người từng được biết và được nói kể nhiều là anh KhaTư Giáo. Anh ở cùng trại nhưng cách tôi một căn nhà.Thái độ bầy tỏ sự phản kháng quyết liệt của anh qua việc không bao giờ nhận bất cứ thứ tội trạng nào trong tất cả các bản tự kiểm điểm theo cách áp đặt của người cộng sản, trái ngược với điều thường thấy nơi hầu hết mọi người chúng tôi, ai cũng nhận là có tội cho xong, đỡ lôi thôi phiền phức, quen gọi là cách nín thở để qua sông.

Trong các buổi sinh hoạt mà cán bộ trại tổ chức để kiểm điểm, đấu tố anh, anh luôn khẳng định và giữ vững lập luận của mình, đại ý việc định tội rồi kết tội này nọ là của chính quyền mới_ riêng anh, một quân nhân biệt phái làm việc tại Kỹ Thương Ngân Hàng, chưa bao giờ cầm súng ra trận và anh cũng chẳng gây ra một tội lỗi nào với người dân miền Nam. Tôi cũng không biết tại sao những người cộng sản lại cố công mong chiến thắng tư tưởng của anh (và của cả chúng tôi) cho bằng được, cho dù luôn là thất bại với lối lý luận biện ấu trĩ, áp đặt rỗng tuếch_ rằng tất cả mọi người chúng tôi đều có tội với cách mạng, với nhân dân. Có lần, viên Chính ủy Trung đoàn cao giọng giảng giải rằng chỉ đấu tranh với tư tưởng sai trái của anh Kha Tư Giáo, còn con người của anh thì vẫn được tôn trọng. Cũng lại một kiểu ngụy luận hay vì trong gia tộc anh, có người từng là cán bộ cao cấp thời kháng chiến và có người còn đương chức. Gần thời gian chuyển chúng tôi về lại đất liền, để tránh sự bẽ mặt vì không khuất phục được anh Kha Tư Giáo, họ đưa anh qua một trại khác và áp dụng biện pháp kỷ luật giảm bớt phần ăn. Một lần đi lao động, chúng tôi gặp mặt nhau và nhìn thấy anh tiều tụy hẳn, dù thân hình vốn sẵn gầy gò ốm yếu. Khi về Long Giao anh mất sức dần và từ trần ở đây khoảng gần cuối năm 1976.

Riêng với tôi, tuy ngưỡng mộ thái độ của anh nhưng vẫn còn một chút gì đó vương vướng không trọn vẹn. Mỗi buổi chiều, khi đi lao động về và ra giếng tắm, hầu như tất cả mọi người chúng tôi đều mặc quần đùi, duy nhất mỗi một mình anh là cứ trần truồng tồng ngồng. Anh hay nhếch mép cười, nói là muốn đưa…vào mặt chúng nó. Chúng nó thì không bao giờ hiện diện ở đấy, chỉ có anh em chung quanh thấy hơi khó chịu vì cái kiểu cách cá tính kỳ quặc này. Dẫu sao, trường hợp của anh Kha Tư Giáo cũng là một hiện tượng đặc biệt hiếm thấy trong trại cải tạo mà tôi biết.

Một người khác rất xuề xòa và dễ mến hơn là ông tiến sĩ Tân toán học Đặng Xuân Hồng, chiếu nằm ở góc cuối, cùng căn nhà với tôi. Anh đi du học về và sau khi động viên, biệt phái về dậy ở Đại học Sư phạm và Khoa học Sàigòn. Làng Hành Thiện Xuân Trường Nam Định quê hương anh vốn có tiếng là đất văn vật, khoa bảng. Dáng người cao to, cặp kính cận thị dầy và trên khuôn mặt bao giờ cũng thấy nụ cười tươi vui. Những ngày giờ nghỉ, nhiều lúc tôi ngồi từ xa nhìn anh say sưa giảng về toán học cho đám học trò ham học sáu bẩy người đang chăm chú ghi chép. Họ là những chàng thiếu úy trẻ tuổi, trên dưới hai mươi, xuất thân Võ bị Đàlạt nhưng được mãn khóa sớm khi Trường di tản về Long Thành tháng 4/1975. Không có phấn trắng bảng đen mà chỉ có bảng tôn và phấn là những viên than đen nhặt từ nhà bếp. Trên vách nhà ghép bằng loại tôn dợn sóng dựng thẳng, chi chit những con số phương trình dài dằng dặc. Như đang trong một buổi học ở giảng đường nào đấy. Hình ảnh thật đẹp và trân trọng biết bao, chẳng có một chút không khí tù đầy nào nơi những khoảng thời gian như vậy. Anh Đặng Xuân Hồng rủ tôi ngồi tham dự cho vui, tôi nói đâu hiểu được gì, tuy là dân gốc ban B nhưng tí vốn liếng toán học lõm bõm đã trả lại hết cho thầy Nguyễn Văn Phú và thầy Bạch Văn Ngà ngay khi rời khỏi mái trường Hưng Đạo.

Xin cám ơn anh Đặng Xuân Hồng và các người bạn tù trẻ tuổi đã cho tôi cảm nhận thêm được đôi điều vô cùng ý nghĩa về cuộc sống giữa hoàn cảnh khắc nghiệt như thế.

Tôi còn có một kỷ niệm vui nữa nơi tháng ngày tại Phú Quốc này. Vào một buổi tối sinh hoạt toàn trại ngoài sân, sau khi nhắc nhở về việc gìn giữ sức khỏe, vệ sinh phòng dịch và tôn trọng nội quy như thường lệ, bỗng dưng viên trại trưởng cất tiếng gọi tên tôi, bắt ra đứng trước mấy trăm anh em đang ngồi im phăng phắc. Tôi hơi bối rối vì không thể hiểu được đã có chuyện gì. Mới tuần trước, khi đi làm cỏ quanh khu vực sân Bộ chỉ huy của họ, ông ta đến bên cạnh tôi chuyện trò, hỏi han đôi chút về tên tuổi, gia đình và cuộc sống trong trại. Tình thật, tôi cũng nói đến một vài thiếu thốn như quần áo bắt đầu cũ rách, tóc tai bù xù, râu ria mọc ra lởm chởm mà không có dao kéo để cạo cắt, vậy thôi. Tôi nhìn thấy nét mặt căng thẳng của các bạn tôi ngồi ở dưới như đang muốn cùng chia sẻ với tôi sự chờ đợi về một điều gì đó không hay sắp đến. Bằng âm giọng vùng Thanh Nghệ Tĩnh hơi khó nghe, viên trại trưởng từ tốn nói rằng cũng biết về mọi khó khăn của anh em chúng tôi và hứa sẽ tìm cách khắc phục, giải quyết. Trước mắt trại cho mượn dao kéo, tông đơ để luân phiên hớt tóc cạo râu. Ông ta cũng cười vui nói thêm rằng, về việc râu ria thì mọi người cứ lấy tôi làm chuẩn mực. Ai có bộ râu mép như tôi thì hãy để, còn thuộc loại lơ thơ tơ liễu nên cạo sạch cho dễ nhìn. Riêng tôi nếu cạo râu đi thì bị kỷ luật ngay. Tất cả mọi người đều ồ lên nhẹ nhõm.

Lúc về chỗ ngồi, anh Nguyễn Đăng Thạch nghiêng người nói đã lo cho tôi quá, cứ sợ rằng tôi lại gây nên cớ sự gì rồi. Thỉnh thoảng từ trước đó, thấy tôi thường hay muốn phản ứng với mấy tên vệ binh ăn nói lấc cấc, anh vẫn lên tiếng can ngăn hoài.

Từ chuyện này, tôi nhớ lại việc xin phép để râu hồi mới lên Thiếu úy ở đơn vị trước đây. Một ông Thiếu úy mà muốn xin được để râu, có mà định uống thuốc liều. Tôi để râu từ hồi sinh viên và chỉ phải cạo đi từ lúc vào quân trường. Hồi đó các bạn tôi đều nói bộ râu của tôi thuộc loại đẹp vì đen mướt, dầy dặn, phủ kín hết nhân trung. Đơn từ theo hệ thống quân giai, bước khởi đầu qua được sếp trưởng phòng trực tiếp rồi ông Tham Mưu Phó đơn vị. Cửa ải khó khăn cuối cùng chính là ở Đại tá Phan Huy Long, Chỉ Huy Trưởng Tổng Hành Dinh Bộ Tư Lệnh Không Quân, nơi cấp giấy phép. Ông nổi tiếng rất nghiêm và có bộ râu mép đẹp lắm.

Hôm được gọi đến văn phòng gặp ông, tôi cũng hơi ngán ngại, dù đã được ông Đại úy Chánh văn phòng là chỗ thân tình, mách nước cho đôi điều về vị Đại tá say mê nghiên cứu tử vi, đẩu số. Khi vào trong phòng, để mặc cho tôi đứng nghiêm sau khi chào trình diện, ông vẫn cắm cúi nhìn các văn bản trên bàn làm việc và lên tiếng nhát gừng hỏi tôi về việc xin phép để râu. Tôi trình bầy vắn tắt lý do liên quan đến tướng mệnh và lá số theo lời phán của ông thầy tướng đã xem quẻ cho tôi. Vừa nghe đến đây, ông ngửng đầu lên nhìn và chỉ tay ra dấu hiệu để tôi được phép ngồi xuống ghế. Ông hỏi tôi thầy nào nói gì về tướng mệnh và việc để râu của tôi. Tôi đã phịa tên thầy Vũ Tài Lục, một người có tiếng trong khoa tử vi và tướng mệnh ở Sàigòn (ông vừa từ trần ngày 18 tháng 10 năm 2016 mới rồi bên California). Tôi nói tiếp, theo thầy thì khuôn mặt tôi vuông chữ điền, để trơ ra rất trống và hở quá. Giống như ruộng không có bờ thửa để giữ nước, đất thiếu hàng rào để giữ gìn bảo vệ sản nghiệp. Như thế là hỏng, phá cách ngay và sẽ dễ đưa đến nhiều điều xấu trong cuộc đời. Bộ râu có thể tượng trưng, thay cho điều đó. Cho nên dù mới chỉ là Thiếu úy, tôi vẫn mạnh dạn… Ông chăm chú nhìn hồi lâu vào khuôn mặt tôi, hỏi năm sinh tháng đẻ rồi lẩm bẩm gì đó và bắt đầu thao thao giảng giải về các cung sao, tử vi đẩu số, tướng mệnh con người. Tôi ngồi nghe im thin thít vì có hiểu gì mấy đâu. May sao tiếng chuông điện thoại cắt ngang và chắc việc quan trọng, ông đưa ống nghe áp sát vào tai rồi vẫy tay ra hiệu cho tôi đi về. Tôi có được giấy phép để râu như thế đó.

Những buổi chiều mùa hạ ở Phú Quốc, tuy có gió mát luôn nhưng thỉnh thoảng vẫn phảng phất chút oi nồng hanh khô khó chịu. Nhiều hôm nơi chân trời hướng Tây, ráng chiều đỏ quạch, quyện trong từng cụm mây xám đen nhấp nhô, tạo thành những hình thù thật lạ lùng. Anh Nguyễn Đăng Thạch bảo đó là mây xây thành, báo những điềm không lành như sẽ có giặc giã, đói kém.

Khoảng giữa tháng 6 năm 1976, chưa được sáu tháng ở Phú Quốc và qua một cái Tết xa nhà đầu tiên tại đây, không biết sao họ lần lượt chuyển đưa hết anh em chúng tôi về lại đất liền.

Hành trình lần đó từ đảo về Tân Cảng Sàigòn trên chiếc Dương vận hạm vẫn còn nguyên hàng chữ số HQ 501 nơi đầu mũi, chắc hẳn đã thêm một chuyến đi nhớ đời nữa cho anh em chúng tôi. Hàng ngàn con người và đủ thứ đồ đạc cá nhân lỉnh kỉnh, nằm lẫn lộn chen chúc nhau sát sàn sạt suốt mấy ngày đêm trong lòng con tầu tối tăm, ngột ngạt, nồng nặc hơi người và bốc lên nhiều thứ mùi vị vô cùng khó chịu khác.

Theo như lời đồn đoán do nghe ngóng được từ đám cán bộ trại, chính quyền cộng sản đã dự định  giữ chúng tôi lâu dài ở Phú Quốc, trong khi chờ đợi sự tính toán tiếp theo. Sau này về Long Giao mới biết ra lý do việc chuyển trại gấp rút như vậy là vì vào thời gian ấy, quân Khmer đỏ của Pol Pot lại tiếp tục quấy rối phía đảo Thổ Châu, cũng như tấn công sang vùng đất An Giang trên đất liền nên họ lo xa mà thôi.

Chúng tôi về đến Long Giao thì cũng đã khuya rồi và trời đang đổ mưa lớn khiến không khí hơi lành lạnh. Những căn nhà hiu quạnh trong ánh điện vàng vọt buồn bã quá. Còn vương vãi đây đó vài ba thứ đồ vặt vãnh, chắc các anh em ở đây cũng mới chuyển đi chưa lâu. Ông bạn Võ Đình Thạc gốc Quảng Trị của chúng tôi, luôn chứng tỏ sự tháo vát, đã quơ quào ở đâu đó bên ngoài đem vào được mớ rau lang. Chúng tôi lui cui nhóm lửa bằng kiểu bếp dã chiến và dùng loại nồi gò từ tôn lá rất quen thuộc đời tù để đun nấu. Chút lát sau mấy anh em quây quần bên bữa cơm gạo sấy nóng sốt, có rau lang luộc chấm mắm ruốc và thêm vài miếng cá khô nướng. Thật sảng khoái và ngon miệng, bù lại mấy ngày bí bách, vật vạ đói khát giữa lòng con tầu trên biển cả. Đây là một kỷ niệm khó quên nữa trong ngày tháng tù đầy.

(Trong mấy anh em bên mâm cơm tù ngày đó với nhau, anh Nguyễn Đăng Thạch và Võ Đình Thạc còn ở lại bên nhà, anh Phan Trần Thiện thì qua Mỹ đã lâu tôi không liên lạc được).

Như điều tất nhiên về tâm lý, khi ở Long Giao tôi cảm thấy nhẹ lòng hẳn, vì dù sao cũng gần với gia đình hơn so với ngoài đảo Phú Quốc.

Và ở Long Giao, cũng như các anh em khác, tôi bắt đầu nhận được tiếp tế, thư từ, hình ảnh của gia đình nên bình tâm hơn. Chắc do truyền miệng nhau mà gia đình nào cũng gửi vào ngoài quần áo, đồ dùng cá nhân, các thứ bánh kẹo, thức ăn mặn có thể để dài ngày,…còn thêm cả mì sợi, nước mắm, nước tương, bột ngọt…Biết bao nhiêu thương yêu gửi theo nơi từng thứ món được chăm chút đến thế. Và cũng gói ghém biết bao nhiêu những hy sinh nhín nhịn của người ở ngoài, mà tôi hiểu rằng trong hoàn cảnh chung thì cũng thật khổ nhọc đủ điều. Tôi như được tiếp thêm tràn đầy sinh lực tinh thần, vơi quên đi cái chiều dài thời gian tù đầy đã khá lâu và vẫn còn mịt mờ phía trước. Những lần tiếp tế như vậy đã thêm nhiều hương vị và bổ dưỡng cho bữa cơm tù hàng ngày của anh em chúng tôi, vốn thường xuyên đạm bạc nhạt nhẽo, thiếu thốn rất nhiều về mọi mặt hơn một năm qua.

Tôi đã có thuốc lá để phì phèo mỗi buổi và những tối cà phê nước trà quây quần bên bạn tù thân thiết. Tôi có được những quyển truyện để đọc, dĩ nhiên đều là văn học Liên xô, nhưng dù sao cũng đủ lấp kín nhiều khoảng thời gian trống không vô vị. An ủi và quý nhất vẫn là tấm hình nhỏ chụp ba mẹ con nhà chim sẻ thân yêu của tôi. Tôi để trong túi áo và thường nâng niu lấy ra ngắm nhìn cho vơi bớt niềm thương nhớ, bất chợt lúc giờ nghỉ ngoài chỗ làm hay nhiều khi trong ánh sáng nhạt nhòa bóng đêm mà nước mắt rưng rưng.

Trong việc nhận thư nhà, có một điều tôi vẫn còn nhớ mãi liên quan đến thiếu úy Hảo, viên cán bộ phụ trách đội anh em chúng tôi. Tôi là người luôn luôn có nhiều thư nhất trong mỗi lần tập họp để phát thư, thường bốn năm, không thì cũng hai ba cái. Chừng như bà xã tôi viết thư hàng tuần, có khi chỉ cách một vài ngày, để tâm tình nhớ nhung vơi đầy, kể chuyện các con cũng như gia đình. Thiếu úy Hảo đã gặp riêng tôi và nói rằng cùng hoàn cảnh xa nhà như nhau, nhưng không biết tại sao nhiều người lại không có thư của gia đình. Sợ rằng việc này có thể làm các anh em đó đâm ra suy nghĩ rồi cảm thấy tủi thân, nên anh ta sẽ chỉ đưa cho tôi mỗi lần một thư trước hàng quân, số còn lại sẽ kín đáo giao riêng về sau. Cách cư xử tế nhị mang đôi nét cảm thông trong tình người như thế chắc hiếm hoi nơi hàng ngũ cán bộ coi tù.

Về chuyện cơm nước trong trại, anh em chúng tôi luân phiên thay nhau đảm nhận công việc dưới nhà bếp mỗi tuần. Những khi đến lượt như thế, vào mỗi buổi sáng các toán nấu ăn đều phải đi ra nhà kho bên ngoài để nhận gạo và các loại rau tươi, thực phẩm. Ở nơi đây, tôi gặp được một chuyện cũng thấy thú vị từ hình ảnh viên Thượng úy Hàm, cán bộ phụ trách hậu cần (cách gọi trong tổ chức bộ đội, hiểu như là sĩ quan binh thực trong Quân lực mình). Ông ta gốc người Thái Bình, khoảng ngoài bốn mươi, có cách phát âm không đúng những chữ có vần n và l, nhưng thường lớn giọng mỗi khi hào hứng trong câu chuyện, kèm theo tiếng đù đéo chêm đệm vào từng câu nói, thói quen đặc trưng của người dân miền chiêm khê mùa trũng. Trong khi chúng tôi ngồi ngoài sân chờ cân đo đong đếm mọi thứ, ông ta ra ngồi bệt bên cạnh, lân la chuyện trò dò hỏi về đơn vị trước đây của từng người, để khi gặp được đúng người đúng chuyện, liền say sưa nhắc kể về thời chiến trận đã qua. Viên cán bộ này tỏ ra rất có cảm tình với mấy người bạn tù gốc đơn vị tác chiến, đặc biệt là binh chủng Nhẩy dù hay Thủy quân lục chiến, Biệt Động Quân. Dân ngồi văn phòng như tôi thì bị dè bỉu chê bai ra mặt, và bị xếp vào loại vứt đi như đám tuyên huấn bên phía ông ta. Không hề mầu mè dấu diếm, ông ta tươi cười thú nhận về những lần đụng độ và bị các đơn vị này truy đuổi chạy thục mạng, thừa sống thiếu chết ngoài chiến trường qua nhiều địa danh, từ miền giới tuyến, vào đến miền Trung rồi Đồng Xoài, Bình Long. Cũng có cả sự hể hả khoái trá khi ông ta nói thêm rằng nhiều phen chạm trán ở nơi này chỗ kia, đã chủ động tấn công hay ngăn chận ngang ngửa, cầm chân được sức tiến quân của các lực lượng thiện chiến. Rồi bị thương tật nên ông ta mới chuyển về làm hậu cần. Tôi thấy như đang chứng kiến câu chuyện thân tình ôn nhớ kỷ niệm chiến trường giữa những người lính, không mang chút gì hận thù bên này hay bên kia chiến tuyến. Ngoài lúc gặp tại kho, đôi khi ông ta còn vào trong trại tìm gặp các anh em ấy để tiếp tục câu chuyện hôm nào còn dở dang và không quên đem theo ít thuốc lào Vĩnh Bảo, thứ tương tư thảo mà những người anh em tôi vô cùng ưa khoái.

Những ngày phải đi làm bên ngoài, khi băng ngang qua con đường và từng vạt cỏ giữa khu rừng cao su Cẩm Mỹ bao la ngút ngàn, lòng tôi thấy thật lâng lâng. Buổi sáng sớm nắng mới lên, cỏ cây hoa lá còn đọng hơi sương ngan ngát thứ mùi hương dịu dàng quá. Sự cảm nhận này thường giúp tôi vơi nhẹ đi tâm trạng nặng nề trong hoàn cảnh tù túng. Bên cạnh và gần gũi còn có thật nhiều những khuôn mặt anh em thân thiết để cùng nhớ đến bao kỷ niệm đời lính, đời thường, mà quên đi nỗi cô đơn đầy lo sợ của riêng mình. Chung trại cũng có và nhiều người khác thì ở các trại rải rác trong khu vực doanh trại Sư đoàn 18 Bộ binh rộng lớn trước đây. Chúng tôi thật mừng vui lúc nhìn thấy nhau, gặp được nhau thoáng chốc vào những khi cùng làm việc tại một nơi chỗ nào đó bên ngoài, hay trên đường đi về.

Có những buổi tối, nhất là những đêm mưa lành lạnh, mấy anh em chúng tôi ngồi quây quần nghe tiếng đàn và giọng hát của anh Thanh Trang qua các bản tình ca thời tiền chiến từ Đoàn Chuẩn-Từ Linh, Nguyễn Văn Khánh, Văn Cao, Hoàng Giác, Đặng Thế Phong, Tô Vũ…cho đến các bài tình ca của tháng năm tuổi trẻ ngày nào. Cũng có khi chúng tôi yêu cầu, anh ôm đàn thả hồn say sưa hát những bài của chính anh như Duyên thề, Tình khúc mùa Đông, Bài tình ca trong chiều…Đấy là những giây phút thật ấm áp và vô cùng nhẹ nhõm cho anh em chúng tôi. Trước đây, thỉnh thoảng nghe nhạc và biết tiếng anh Thanh Trang vậy thôi, đến khi ở chung trại với nhau mới thân quen ông nhạc sĩ tài hoa, từng đi du học Hoa Kỳ về, là sĩ quan biệt phái lên làm giảng viên môn Luật và Kinh tế trên trường Võ bị Đà Lạt.

Và cây đàn mà anh Thanh Trang xử dụng là do anh Nguyễn Đức Quang từ bên kia hàng rào ném sang cho, ngay sau lần bất ngờ trông thấy nhau, lúc chúng tôi từ Phú Quốc về Long Giao được hơn tháng.

Với anh Nguyễn Đức Quang thì tôi có nhiều kỷ niệm xưa cũ. Dạo cuối năm 1966 sang đầu 1967, tôi tập tễnh tí chút báo chí và phụ trách trang sinh hoạt Thanh niên Sinh viên học sinh của tờ báo cộng tác, nên thường hay la cà nơi này chỗ nọ để làm tin. Thời gian đó ở Sàigòn, cùng với nhiều hội đoàn sinh hoạt khác, Phong trào Du ca của anh Nguyễn Đức Quang bắt đầu hình thành và tổ chức các buổi sinh hoạt tại Khu triển lãm nhà tiền chế bỏ hoang đường Gia Long, sau lưng trường Đại học Văn Khoa cũ. Tôi có đến dự các buổi như thế và chúng tôi biết nhau trong trường hợp này. Đến đầu năm 1969, khi động viên nhập ngũ khóa 3/69 và xong giai đoạn đầu dưới Trung Tâm Huấn luyện Quang Trung rồi chuyển lên Trường Bộ Binh Thủ Đức tháng 6 năm này, tôi gặp lại anh Nguyễn Đức Quang thuộc khóa 9/68, đang chuẩn bị ra trường. Sau đó anh về phục vụ tại Cục Chính Huấn. Còn tôi, khi mãn khóa về bên Chiến Tranh Chính Trị Không Quân và ở chung chỗ với anh Ngô Mạnh Thu, cũng là một người trong Phong trào Du ca. Thế rồi từ đấy, qua những lần đi cùng với anh Ngô Mạnh Thu tham dự các buổi sinh hoạt của Du ca ngoài phố, tôi có thêm thân tình với anh Nguyễn Đức Quang. Nhiều chuyến công tác học tập chính trị tại các đơn vị Không Quân, chúng tôi có xin bên Cục Chính Huấn yểm trợ tăng cường và anh Nguyễn Đức Quang hướng dẫn các Toán Cán bộ Chính Huấn đi theo để phối hợp thực hiện chương trình. Nhân dịp này, tại mấy thành phố mà sinh hoạt Du ca đã có mặt, như Pleiku, Đà nẵng, Cần Thơ…các anh Ngô Mạnh Thu, Nguyễn Đức Quang vẫn rủ tôi cùng đến gặp gỡ anh em Du ca địa phương ca hát cho vui. Nhìn thấy nhau lần này trong hoàn cảnh bị giam hãm tù đầy cay đắng quá, chẳng có gì vui thú.

(Anh Ngô Mạnh Thu mất năm 2004 ở Cali, anh Nguyễn Đức Quang từ trần năm 2011 cũng bên California. Còn anh Nguyễn Thanh Trang, sau ngày ra tù, thỉnh thoảng chúng tôi vẫn cùng đi uống cà phê hay gặp nhau ở nhà, vì gia đình anh ở ngay đầu ngõ nhà tôi. Bây giờ, được biết anh   sống bên vùng Nam California từ ngày sang Hoa Kỳ định cư).

Những ngày gần đến Tết Đinh Tỵ năm 1977, cái Tết thứ hai xa nhà của anh em chúng tôi,Trại bắt bốn đội thành lập ban văn nghệ riêng để trình diễn giúp vui cho toàn trại và sẽ cùng thi đua trong dịp Tết. Ban văn nghệ được nghỉ làm ở nhà vài tuần trước đó để tập dượt chương trình. Anh Thanh Trang phụ trách chính, tôi loanh quanh phụ giúp việc chuẩn bị, sắp xếp các tiết mục cho chương trình. Nghĩ cũng thấy vui vui vì đôi chút trùng hợp nho nhỏ. Hồi thụ huấn ở Trường Bộ Binh Thủ Đức, tôi có chân trong Ban Phát thanh & báo chí của khóa do anh Lê Đình Điểu làm đầu tầu (anh đã mất bên Cali năm 1999. Tôi còn gặp anh cho đến thời gian tháng 4/1975 ở Sàigòn, khi anh làm việc tại Văn phòng Phó Thủ Tướng Nguyễn Văn Hảo, đặc trách phát triển Kinh tế, Văn hóa và Xã hội, sau lúc đã rời khỏi chức vụ Cục phó Cục Thông Tin Quốc nội thuộc Tổng ủy Dân vận&Chiêu hồi thời Tổng ủy trưởng Hoàng Đức Nhã trước đấy. Khi ra tù năm 1981, cũng gặp lại anh ở Sàigòn một hai lần). Hàng tuần chúng tôi được ông Trung úy Trịnh Cung trên Phòng Tâm Lý Chiến của trường xin cho ở lại doanh trại một ngày để chuẩn bị mọi thứ trước khi về Đài Phát thanh Quân đội thu thanh chương trình, khỏi đi ra bãi tập. Vào trại cải tạo cũng lại tí chút văn nghệ cỏn con như vậy đấy.

Buổi tối trình diễn chính thức ngoài sân trại, chương trình của chúng tôi được anh em háo hức đón chờ. Ngoài mấy bài đơn ca tuyên truyền đương nhiên phải có, không được đón nhận gì mấy, nơi phần hợp ca, mượn nội dung các bài Chiến sĩ Việt Nam của Văn Cao, Du kích sông Thao của Đỗ Nhuận, Tiếng hát sông Lô của Phạm Duy và Tiếng hát dân chài của Phạm Đình Chương xen lẫn giữa các tiết mục rồi sau cùng là Mùa Xuân đầu tiên của Văn Cao, tôi đã dùng nội dung các bài hát làm lời giới thiệu để gợi nhắc trong ẩn ý xa xôi về hình ảnh người chiến binh từ buổi lên đường đi chiến đấu, rồi chinh chiến qua đi và tiếp đến ngày quê hương thanh bình thực sự, được sum họp, đoàn tụ gia đình khi mùa Xuân đến. Hẳn rằng có sự đồng cảm rất nhanh nên anh em ngồi ở dưới tán thưởng và thêm một lần vỗ tay vang dội khi bài hát cuối chấm dứt. Kết thúc phần trình diễn của đội chúng tôi là một vở kịch vui ngắn. Tôi dựng lại từ vở kịch của chương trình Xây dựng Nông thôn trên Truyền hình trước đây với sự thay đổi vài chi tiết câu chuyện và nhân vật. Nội dung đại khái diễn tả chuyện xẩy ra trong một căn nhà tại vùng quê, có đôi vợ chồng già vừa bán được lứa heo con xuất chuồng. Hai người còn đang bàn tính việc cất dấu tiền bạc thế nào cho an toàn kín đáo, vì ban đêm du kích cộng sản thường hay mò về tra khảo bắt nộp thuế. Chẳng ngờ, có một tên nằm núp sẵn dưới gầm bộ ván góc nhà từ hồi nào, bò ra dí súng bắt phải nộp hết số tiền này vì đã nghe biết hết đầu đuôi. Ngay lúc đó, người con là một cán bộ xây dựng nông thôn từ ngoài cửa xuất hiện và kịp thời can thiệp.Vở kịch diễn đêm ấy, vai du kích Cộng sản, tôi đổi thành tên cướp cạn và người con là một ông sĩ quan cải tạo vừa mới được ra trại về đến nhà. Anh bạn dáng người gầy yếu đóng vai này mặc nguyên bộ quần áo quen thuộc hàng ngày trong trại, cùng cái túi vải trên vai không xa lạ gì với anh em chúng tôi, và vũ khí dí vào lưng tên ăn cướp để tước khẩu súng lục trên tay hắn chỉ là cái muỗng ăn cơm rất thân thiết với đời tù cải tạo. Mấy chi tiết này đủ làm mọi người khoái trá, cười nghiêng ngả.

Đêm về, nhiều người tỏ ý lo ngại cho tôi vì sợ rằng đám cán bộ trại hiểu ra và sẽ đặt vấn đề với những gì tôi nói trên sân khấu. Anh Nguyễn Đăng Thạch bảo tôi đã hơi liều qua mấy lời giới thiệu như bầy tỏ thái độ ngầm nhưng có vẻ lộ liễu quá, nhất là khi dẫn lại những câu…Thề phục quốc tiến lên Việt Nam…lập quyền dân đắp xây tự do…Việt Nam tranh đấu chống quân ngoại xâm…của bài Chiến sĩ Việt Nam và …Mùa bình thường mùa vui nay đã về…người mẹ nhìn đàn con nay đã về… nước mắt trên vai anh, giọt sưởi ấm đôi vai anh…từ đây người biết thương người…từ đây người biết yêu người…mùa xuân mơ ước ấy xưa có về đâu…một trưa nắng thôi hôm nay mênh mông trong bài Mùa Xuân đầu tiên của nhạc sĩ Văn Cao.

Khoảng một tuần sau, vào buổi tối đêm Giao thừa là buổi sinh hoạt trại Tất niên để họ chúc Tết anh em chúng tôi, cũng không ngoài những câu giáo điều quen thuộc. Tiếp đó công bố kết quả thi đua văn nghệ. Viên trại trưởng nói rằng lẽ ra chương trình của đội chúng tôi được giải nhất, nhưng vì người phụ trách giới thiệu các tiết mục là tôi lại để râu, thỉnh thoảng còn gây cười, coi như thiếu sự nghiêm túc và không tôn trọng khán giả nên bị trừ điểm, thành ra chỉ được giải nhì. Anh em chúng tôi cùng cười vui. Lại chuyện râu ria của tôi, nhưng có lẽ đấy chỉ là một lý cớ và cái gọi là giải thưởng ấy đâu phải điều quan trọng gì.

Mấy ngày sau Tết, viên Thượng úy trưởng trại tên Tửu, gọi anh em phụ trách các đội văn nghệ ra văn phòng để trao quà thưởng là mấy gói kẹo quốc doanh. Ông ta độ tuổi khoảng trên bốn mươi và lúc nào cũng thấy quần áo tươm tất gọn gàng, khác hẳn vẻ nhếch nhác, bèo nhèo thường thấy nơi hầu hết các viên cán bộ khác trong trại. Lúc đến cạnh tôi, ông ta chuyện trò thăm hỏi vài câu và nói cái tác phong tiểu tư sản của tôi coi chừng sẽ gặp nhiều vất vả. Tiếp theo, ông ta lái câu chuyện sang bản thân mình, chừng như có chút thở than bất mãn khi kể lể rằng cùng lứa ba bốn thanh niên quê Nam Định nhập ngũ một ngày như nhau, rồi vào chiến trường đi Nam, nay có người đã lên Tá, riêng ông ta thì vẫn cái lon Thượng úy này mấy năm rồi. Tôi không hiểu đây là tâm sự riêng tư ngày đầu năm hay có một ngụ ý gì khác.

Thế rồi sau Tết vài tháng, độ vào khoảng đầu tháng Năm, tôi bị chuyển ra Bắc.

Buổi sáng hôm ấy, chưa đến giờ xuất trại đi lao động, mình tôi được lệnh dọn tất cả đồ đạc cá nhân và ra ngồi chờ tại một gian nhà khu văn phòng trại bên ngoài. Cùng lúc có thêm hai người nữa ở đội khác và cũng chỉ có ba chúng tôi trong số gần một ngàn anh em trong trại được gọi riêng ra ngoài như thế. Chưa hiểu điều gì sẽ đến với chúng tôi, nhưng không phải là chuẩn bị cho việc được về.

Khoảng xế trưa, do lân la dò hỏi, tên vệ binh có nhiệm vụ canh gác ngoài cửa tiết lộ cho biết anh em chúng tôi sẽ lên đường đi Bắc vào buổi tối. Trao đổi chuyện trò qua lại với nhau thì hai người kia, một là sĩ quan an ninh và một thuộc đơn vị 101, còn tôi dân Chiến tranh Chính trị. Buổi trưa, anh em nhà bếp đem ra cho chúng tôi thau cơm đầy vun, phần thức ăn cũng quá nhiều cho ba người.Tôi đã lấy bút ghi hai chữ đi Bắc vào mẩu giấy nhỏ rồi vo lại vùi vào dưới đáy thau cơm còn quá nửa khi trả lại vào trại.

Khi trời vừa nhá nhem tối, mấy cán bộ trại cùng hai ba vệ binh súng AK cầm ngang trên tay kè kè bên cạnh, áp tải ba người chúng tôi đi ra hướng cổng chính bên ngoài. Anh em trong trại đứng dầy đặc dọc theo hàng rào kẽm gai nhìn theo, tôi mỉm cười giơ tay vẫy chào mà không nhìn thấy rõ được một khuôn mặt nào cả.

Ra tới khoảng đất trống rất rộng, có lẽ trước đây là một sân banh thì phải, và trong bóng tối nhập nhoạng, tôi nhìn thấy thật đông các anh em đã đứng xếp hàng lố nhố sau đuôi những chiếc xe Molotova từ bao giờ, chắc là người ở những trại kế cận chung quanh. Những bạn đồng hành của nhau đây rồi.

Sau này lúc ra tù gặp lại nhau, anh Nguyễn Đăng Thạch nói chứng kiến lúc tôi bị đưa đi vào sẩm tối hôm ấy mà thấy lo cho tôi quá. Đứng trong hàng rào nhìn ra, cứ ngỡ như họ đem bọn tôi đi bắn. Mãi đến khi mẩu giấy nhắn tin dấu ở thau cơm được rỉ tai loan truyền rộng rãi, anh em trong trại mới biết về việc đi Bắc của ba người chúng tôi. Một người bạn tù thân thiết, anh Nguyễn Quang Vinh (qua Mỹ viết văn làm báo lấy bút hiệu Vũ Uyên Giang) có ghi lại bài thơ về cảm xúc của anh :

Tiễn bạn lưu đầy đất khách

(viết tặng Trần Ngọc Tự khi bị đưa đi Bắc năm 1977 từ trại tù T.5/L.1 Long Giao Long Khánh)

                                                  Mày đi nặng gánh lao tù

                                                 Gió mưa Việt Bắc mịt mù từ đây

                                                 Còn tao heo hút chân mây

                                                 Khổ sai lao dịch dưới tay vượn người

                                                Mày đi môi vẫn mỉm cười

                                                Cỏ cây rũ rượi khóc lời chia xa.

                                                                Vũ Uyên Giang

 

ngọctự

(còn tiếp 2 kỳ)

 

 

 

©T.Vấn 2017

Bài Mới Nhất
Search