T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Thảo Nguyên: GẶP GỠ NGÀY XUÂN

                                                  doi song

Sánh đôi – Tranh : Trần Thanh Châu

Trời rét căm căm thế mà trên người bố mồ hôi nhễ nhại. Ông đang hì hục đào bới những cây hoa hồng vừa mới trồng  hôm qua để dời đi nơi khác. Đó là theo ý của bà mẹ, đang ngồi coi TV và cằn nhằn về sự ngu dốt của ông chồng. Tường thấy thế xăn tay áo chạy ra giúp bố. Vừa làm chàng vừa nói nhỏ:

-Mới hôm qua lúc trồng cây, mẹ cũng đồng ý ở đây. Hôm nay lại bắt mang đi nơi khác rồi còn đổ lỗi cho bố. Thế mà bố cũng chịu được, con phục bố qúa.

Ông bố nhìn cậu con trai chưa vợ, âu yếm giảng giải:

-Người ta nói rằng  muốn cho gia đình  hạnh phúc thì người vợ phải câm ngưòi chồng phải điếc. Nhưng mẹ mày thì cái gì cũng giỏi nên bố vừa phải câm, vừa phải điếc luôn cho yên ấm gia đình con ạ.

Tường ngẩng lên nhìn bố, trách nhẹ:

-Thế mà bố cứ giục con lấy vợ. Con nói cho bố biết, con không muốn bị câm hay điếc như bố đâu.

Ông bố cười xòa bảo con:

-Vợ chồng là cái duyên số.Vả lại mày chưa gặp ai đấy thôi. Đôi khi người ta không những phải câm, phải điếc mà còn phải mù luôn. Nhưng đừng sợ con ạ. Vợ chồng làm nên nhân loại đó. Phải can đảm lên chứ ai cũng sợ như mày thì làm gì có con người.

Hai bố con hì hục đào xới. Hơn một tiếng đồng hồ sau công việc hòan tất. Những cụm hồng nhung được trồng liên tiếp gần nhau hơn tạo thành một tấm thảm đỏ trên bãi cỏ xanh rì. Bà mẹ mở cửa bước ra thích thú reo lên:

-Đẹp quá!Thấy chưa, nghe lời tôi trồng lại gần nhau thế này có phải đẹp mắt hơn không. Mình trồng tòan hoa hồng rực rỡ thế này,  ai nhìn vào  cũng biết nhà nầy đầy tràn tình yêu và hạnh phúc.

Ông bố chỉ cười nhạt, không nói quay đi. Ai chẳng biết rằng trong những cánh hoa hồng xinh đẹp kia đầy những  gai nhọn sắc. Màu đỏ tươi thắm phủ bên ngoài căn nhà đủ che dấu một bãi chiến trường đổ nát bên trong .Từ ngày sống cuộc đời tị nạn. Không , kể từ ngày quân thù đẩy ông vào tù ngục đã làm ông quen câm nín. Thế mà cũng hóa hay. Ít nhất từ gia đình ông, bạn bè nhìn vào đều thấy vô cùng hạnh phúc.

Nhưng đừng tưởng là ông dễ dàng. Đối với cậu con trai quý thì ông nghiêm khắc lắm. Đôi lúc ông còn độc đóan khi quyết định. Đành rằng vợ chồng là duyên là số, nhưng ông lại nghĩ thêm rằng hướng dẫn giáo dục cho con đôi khi cũng cải được số trời. Bởi vậy ông  luôn luôn ngắm chỗ này, nhìn  chỗ nọ để tìm  người bạn đời cho cậu cả Tường nhà ông, năm nay vừa tròn hai mươi tám tuổi.

Ông đã tìm được một cô mà vợ chồng ông rất vừa lòng. Bố của cái con bé ấy là bạn đồng học của ông khi xưa. Cả hai người đều là lính chiến đấu cũ nên xem ra  rất môn đăng hộ đối. Chỉ ngặt một điều là hai đứa trẻ chẳng biết mặt nhau. Đã một lần ông nói với Tường về ý muốn của mình, nó liền nhăn mặt cự nự ngay:

-Bây giờ mà bố còn muốn cha mẹ đặt đâu con ngồi đó. Đây là đất Mỹ chứ có phải  ở Việt  nam đâu. Con nhất định  không bằng lòng. Vả lại con chưa muốn lập gia đình.

Ông bố cũng trợn mắt lên, giả bộ tức giận, nhưng lại mắng yêu thằng con:

-Mày già cái xác rồi chứ bé bỏng gì. Phải lo chuyện lấy vợ rồi còn tu tỉnh làm ăn. Cứ nghe lời tao xuống dưới đó một chuyến. Hai bác ấy cũng bằng lòng rồi.

Tường bất mãn, giơ hai tay lên trời rồi vào phòng thay áo quần ra xe chuồn thẳng, không nói một lời. Mấy ngày sau chàng mới bò về, thấy mặt ông bố buồn thiu. Tường biết rằng ông còn đang giận nên lễ phép, nhẹ nhàng thưa  với bố:

-Không phải con muốn cãi bố đâu. Nhưng nhìn thấy cảnh bố mẹ cãi nhau hàng ngày con sợ lắm. Có phải đó là hậu quả của việc cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy hay không. Bố  muốn cho con mai này cũng thế hay sao?

-Mày lầm to rồi con ạ. Tao với mẹ mày có bị ép uổng bao giờ. Trái lại cả hai gia đình đều ra sức cản ngăn mà không được. Nhưng đúng là yêu nhau lắm thì cắn nhau đau.

Ông thở dài, yên lặng nhớ lại cái buổi ban đầu lưu luyến cũ. Hai ông bà thương nhau không ai ngăn cản nổi. Bao nhiêu chỗ lệch cũng ráng kê lại cho bằng, vượt qua bao nhiêu thử thách để lấy được nhau. Ông lẩm bẩm nói với con mà cũng như nói với chính mình:

-Tao với mẹ mày cứ cắn cấu nhau ngày hôm nay là do hậu quả cãi cha cãi mẹ ngày xưa đấy.

Tường nghe rõ cả nhưng chẳng tin gì ông bố. Trong thâm tâm chàng  nghĩ bố  đang dùng mọi cách để ép Tường phải xuống Houston,  coi mặt cái cô gái nào đó mà ông thích. Cứ độc thân như thế này có phải là tự do, thích thú hơn không, vợ con làm gì cho vướng bận.

Tạt về nhà,  ở qua loa mấy bữa cho cha mẹ vui lòng, Tường lại đi ngay với bạn bè cùng sở. Không phải Tường thích đàn đúm vui chơi  quên cả gia đình. Chàng sợ những lời dọa nạt của ông bố, sợ luôn cả cái cảnh cha mẹ  cãi vã mỗi ngày như cơm ăn mỗi bữa.

Một buổi sáng, vừa bước chân đến sở, Tường được bà thư ký cho biết là ông chủ muốn nói chuyện với chàng ở văn phòng. Đóan là có chuyện quan trọng chàng vội vã đi ngay. Mà đúng là chuyện quan trọng  thật, vì từ nay trong  department mà chàng đang phụ trách sẽ có thêm một người làm việc nữa. Đó là một sinh viên  mới xin vào thực tập mà chàng có nhiệm vụ phỏng vấn ngày hôm nay. Trước khi đứng lên ông xếp bảo:

-Tôi hy vọng  người nhân viên mới này sẽ gíup anh được nhiều việc tốt.

Trái với sự hân hoan của ông chủ, Tường không vui lắm. Trong phạm vi chàng đang phụ trách rất thiếu người, phải xin mãi nay mới được cấp trên đáp ứng. Nhưng mà nhận một sinh viên mới vào thực tập Tường phải mất rất nhiều thì giờ và công sức để chỉ vẽ, đó là chưa kể chàng phải chịu trách nhiệm về việc làm của họ. Giá mà được một kỹ sư đã có nhiều kinh nghiệm  thì đỡ biết bao nhiêu. Nghĩ thế thôi chứ Tường  vẫn vui vẻ chào và cám ơn ông chủ. Chàng đứng lên theo chân bà thư ký ra phòng tiếp khách .

Tới nơi, Tường vô cùng thích thú khi nhận ra người đang chờ phỏng vấn là một cô gái trẻ.Vẻ xinh xắn dễ thương của nàng cuốn hút Tường ngay. Chàng luống cuống  ngồi xuống ghế lòng chợt thấy một niềm vui, pha lẫn sự hồi hộp như chính bản thân mình  đang đợi chờ phỏng vấn. Tường buồn cười  khi thấy hình như chàng mong đợi  sự chấp thuận của người con gái chứ không phải chính mình đưa ra quyết định.

Chàng giở tập hồ sơ xin việc của nàng  chăm chú đọc, cố làm ra vẻ nghiêm trang để che dấu niềm xúc động. Câu hỏi đầu tiên để xác nhận lý lịch, thông thường như bao lần trước đây mà sao bây giờ Tường thấy run run.

Duyen.your name is Duyen Le.

Hỏi xong Tường ngẩng đầu lên để nhìn thẳng vào đôi mắt đang mở to. Đôi mắt long lanh, trong sáng trên khuôn mặt diễm kiều của cô gái đã làm chàng rung động ngay khi gặp gỡ. Tường ngây người đợi chờ đôi môi hồng tươi như hoa đào kia sẽ nói với chàng dù chỉ là một lời xác nhận.

-Vâng, thưa ông tôi tên là Duyên. Lê thị Tú Duyên.

Trả lời xong nàng  nhìn chàng mỉm cười chờ đợi. Chỉ một thoáng nhìn thôi đủ làm Tường ngây ngất. Chàng lại ngạc nhiên đọc tiếp trong hồ sơ để biết thêm rằng  nàng cũng đang theo học ở mái trường mà chàng đã tốt nghiệp ba năm về trước. Tự nhiên Tường thấy thân mật gần gũi với nàng hơn.

-Cô cũng theo học tại College Station  à? Tôi rất buồn vì vừa qua trường chúng ta đã xẩy ra một tai nạn lớn và mừng cho cô đã được bình an.

Chàng cố tình nhấn mạnh chữ  trường chúng ta  để gián  tiếp cho nàng biết rằng mình cũng đã một  thời lăn lóc trong những giảng đường ở đó. Người con gái không tỏ vẻ ngạc nhiên nhưng vui vẻ hơn. Hai người  nói với nhau về tai nạn không may  vừa mơi xẩy ra  làm thiệt mạng một số bạn bè. Và rất nhanh, cả hai trở nên tương đắc.

Được thể Tường lại kể cho nàng nghe về những kỷ niệm thời còn đi học trong trường, những hành lang dài, sâu, ngập đầy xác lá. Những giảng đường rộng thênh thang trống vắng. Những buổi tự học miệt mài trong thư viện mà khi chợt nhớ thì đêm đã khuya rồi. Người con gái vẫn yên lặng, ngoan ngoãn ngồi nghe làm cho Tường không biết chàng đã nói quá nhiều. Đến khi có tiếng ồn ào của các nhân viên sửa soạn bữa ăn trưa ở phòng bên ngoài Tường mới giật mình  đứng lên.

-Chết. Xin lỗi cô…đã trưa lắm rồi.

Người con gái cũng đứng lên. Vẫn nụ cười duyên dáng pha chút tinh nghịch, nàng hỏi:

-Thưa ông, tôi chưa biết là tôi có được nhận vào làm việc ở đây không ạ?

Tường ngây người ra ngượng ngùng. Nãy giờ chàng chỉ ba hoa những chuyện đâu đâu chẳng để ý gì tới công việc  chính của mình. Đưa tay lên tỏ vẻ hân hoan Tường tươi cười nói:

-Tôi rất vui mừng được nhận cô vào làm việc. Nếu cô có thể thu xếp được thì ngày mai chúng ta sẽ bắt đầu. Bây giờ xin cô cho phép, tôi được mời cô dùng bữa.

Nàng ngoan ngoãn gật đầu. Hai người ra xe tìm một quán ăn Việt nam. Duyên tự nhiên gọi món ăn, so đũa, lau chén  xới cơm cho Tường  làm chàng cứ ngơ ngẩn trong lòng. Những kỷ niệm về ngôi trường cũ lại được hai người khơi dậy. Cả hai đều coi đó như một dĩ vãng thân thuộc chung của họ. Tường say sưa kể cho nàng nghe những ngày tháng vô tư vui đùa cùng bè bạn và nỗi lạnh lùng, cô độc mỗi khi về lại phòng mình. Dù  cho đến bây giờ, khi những lo âu về bài vở đã qua đi, cuộc sống dần thay đổi nhưng chàng vẫn cứ cô đơn. Duyên cười vui hỏi lại.

-Anh Tường khéo nói thế mà bảo rằng cô đơn ai mà tin được. Hỏi thực hồi học ở Texas A&M anh quen được bao nhiêu cô, nói cho Duyên nghe với.

Tường đưa tay lên như để thề hứa. Chàng nhìn Duyên thành thực phân bua.

-Tôi chẳng quen được cô nào. Nhưng mà bố tôi thì quen nhiều cô cho tôi lắm.

Tú Duyên tròn mắt ngạc nhiên hỏi lại.

-Bố anh quen nhiều cô cho anh. Nói gì mà Duyên không hiểu.

-Có gì đâu mà không hiểu. Chẳng là  bố tôi có nhiều bè bạn. Những người cùng học với ông ấy ngày xưa trên Đà lạt. Rồi mấy ông bạn cùng ở trong quân đội thuở chưa mất miền Nam. Bây giờ họ gặp nhau đây, mỗi năm họp mặt vài lần chuyện trò dứt ra không nổi. Bạn của bố tôi nhiều người có con gái lớn. Vì thế bố tôi cứ bắt tôi phải lập gia đình, đòi đi hỏi hết cô này đến cô khác cho tôi.

-Thế hai người đã quen biết nhau chưa. Duyên tinh nghịch hỏi.

-Tôi có biết mặt ai đâu, nhưng bố tôi thì biết tất cả. Ông kể hết con gái ông bạn này tới ông bạn khác rồi bắt tôi chọn một cô.

Tú Duyên ngạc nhiên, đôi lông mày cau lại vẻ như khó chịu. Mà nàng khó chịu thực rồi.

-Chọn một cô? Đã chắc gì người ta chịu mà anh đòi chọn.

Tường khổ sở phân trần:

-Thì thế đấy. Tôi cũng nói với bố tôi như thế, mà ông ấy cứ khăng khăng bảo vệ ý mình. Ông bảo rằng người ta là con nhà gia giáo, cha mẹ bảo sao thì các cô ấy sẽ nghe lời. Cha mẹ các cô ấy lại là bạn thân thiết của bố tôi nên bố tôi đi hỏi là sẽ được ngay. Dĩ nhiên là tôi đâu có chịu, thế là bố tôi la toáng lên. Mỗi lần gay go như thế là tôi chỉ còn cách đi luôn, ba bốn hôm mới dám mò về. Thật là buồn cười phải không cô. Thời này mà bố tôi cứ đòi cha mẹ đặt đâu con  phải ngồi đấy.

Tú Duyên cũng cười theo khi nghe Tường kể chuyện mình .  Chàng bạo dạn hơn lên nhìn Duyên âu yếm hỏi:

-Còn cô thì sao? Cô..cô đã có bạn trai chưa?

Tú Duyên trả lời Tường với đôi mắt long lanh:

-Duyên ấy hả? Duyên thiếu gì bạn trai cùng học chung trường. Bạn trai đúng nghĩa như ở Việt nam chứ không là boyfriend như các cô gái ở đây. Anh cũng biết là đang đi học  mà có boyfriend thì làm sao mà ra trường nổi.

Chiều hôm đó Tường giúp Duyên dọn vào một căn phòng mà chàng  đã cùng Duyên đi tìm mướn sau bữa ăn trưa. Công việc làm ở sở thì quá dễ dàng với Duyên, vì có bao nhiêu Tường đã dành làm hết. Chàng chỉ giảng giải cho Duyên hiểu rõ rồi làm luôn phần mà đáng lẽ nàng phải cáng đáng. Buổi trưa hai người thường đi ăn chung. Chiều tan sở là Tường tình nguyện chở Duyên về căn phòng trọ, chờ nàng sai vặt. Có hôm  Duyên bảo Tường  ra chợ Việt nam để mua thức ăn về cho nàng nấu nướng. Tường sung sướng vui vẻ đi ngay, cứ chiếu theo danh sách mà Duyên đã biên cho,  chàng khuân cả mấy giỏ đồ ăn về. Nấu nướng xong  hai người cùng ăn chung. Tường chưa bao giờ có được những bữa ăn ngon như thế dù rằng chàng cũng ít ăn những món Việt nam mà mẹ nấu. Cơm nước xong, Tường  la cà nấn ná ở lại cho đến khuya, có khi Duyên phải nhắc mới mò về nhà cha mẹ.

Thấm thoắt đã hơn một tháng trời trôi qua. Mùa đông giá lạnh tái tê không làm cho Tường quản ngại ra đường. Những ngày về nhà cha mẹ thưa dần. Mẹ Tường lo lắng vì những sinh hoạt thất thường của con trai. Bà lai nghĩ rằng cậu quý tử  ham mê công việc quá nên dung nhan vàng võ. Một buổi sáng, thức dậy sớm  Tường tình cờ nghe mẹ than với bố:

-Ông ơi, dạo này thằng Tường gầy và xanh quá. Nó cứ mê công tiếc việc quên cả ăn với ngủ.

Ông bố hừ lên một tiếng:

-Nó mà mê công tiếc việc. Thôi bà đừng nói nữa. Nó mê gái thì có.

-Sao ông biết. Nó nói với ông à?

-Cần gì phải nói. Nó là con tôi sao tôi lại không biết. Tôi đi guốc trong bụng nó ấy chứ..

Mẹ Tường lo lắng chỉ sợ Tường rước một cô Mỹ tóc vàng nào đó về làm vợ thì thật là vô phúc. Bà vội xúi chồng:

-Thế ông xem trong mấy  người bạn của ông, ai có con gái lớn thì hỏi đại cho nó đi. Cứ thế này cũng có ngày nó cũng dắt Mỹ về  nhà cho coi.

Tiếng ông bố quả quyết, nghe chắc như đinh đóng cột.

-Thì rôi đã nhắm rồi. Tôi định nhân dịp tết này sẽ gông cổ nó đi với tôi xuống nhà anh Khiêm. Tôi biết cô con gái lớn của anh chị Khiêm khéo léo và ngoan lắm. Tôi sẽ hỏi con bé ấy cho nó.

Mẹ Tường tỏ ra lo lắng.

-Biết anh chị Khiêm có chịu không. Cả con bé nữa, chắc gì nó đã bằng lòng. Với lại thằng Tường nhà mình khó bảo lắm. Tôi đã nói chuyện vợ con với nó mấy lần mà nó cứ lờ đi.

Ông bố cũng cảm thông cho nỗi lo lắng của vợ. Ông quả quyết để bà yên tâm.

-Tôi đã nói chuyện với anh chị Khiêm từ lâu rồi. Ông bà ấy  vui vẻ bằng lòng lắm. Còn cái con bé ấy thì cũng đừng lo. Người ta dạy bảo con cái đâu vào đấy chứ không nuông chiều hư thân như  cái thằng Tường nhà mình. Kỳ này tôi bảo mà nó không nghe thì tôi nện cho một trận, tống cổ nó ra khỏi nhà, ở đâu thì ở.

Bà vợ đã yên tâm một chút, giờ lại thêm lo lắng.

-Thôi thôi ông ơi, nó có muốn ở nhà đâu. Tống cổ nó đi thì nó lại càng thích. Đời nào nó nghe lời ông.

-Sao lại không nghe. Tôi biết thằng đó lắm. Nó chưa gặp cái con bé ấy chứ nếu gặp một lần rồi nó sẽ mê tít. Chừng đó có cấm cản nó cũng chẳng được. Cha nào mà chẳng biết con.

Từ nãy giờ Tường vẫn im lặng nằm nghe. Mồ hôi trán chàng từ từ ứa ra. Tường vốn thương bố dù rằng hay cãi. Nhưng bao giờ cũng vậy, đến khi bố giận dỗi là Tường đành chịu thua. Tết này mà bố cứ nhất quyết bắt chàng phải xuống Houston coi mắt vợ thì không biết phải trốn tránh thế nào.

Chàng ngồi bật dậy, bước ra khỏi giường. Bên kia  phòng cha mẹ nghe tiếng động biết Tường đã thức nên không bàn tán thêm nữa. Chàng vào phòng vệ sinh vội vã đánh răng rửa mặt rồi chui vào xe đến sở. Tường đang rất nóng lòng muốn  gặp Duyên. Chàng muốn cho Duyên được biết tin tức nóng hổi quan trọng  này để nhờ nàng cố vấn  phải làm sao. Nhưng nghĩ đi nghĩ lại Tường thấy rằng không thể được. Cho nàng biết chuyện này chẳng khác nói lời từ giã. Mà giã từ thì Tường sợ lắm. Chỉ tưởng tượng ra thôi cũng đủ  làm cho chàng tối tăm mày mặt.

Buổi sáng xe đông, đường chật như nêm cối. Tường phải vất vả luồn lách để tới sở  đúng giờ. Vừa lái xe vừa suy nghĩ làm cho đầu óc Tường muốn  vỡ tung ra. Chàng oán hận ông bố độc đoán, lúc nào cũng bắt con cái phải nghe theo mình. Nhưng nghĩ lại cuộc đời bố, Tường thấy hãnh diện và thương cảm. Thời trai trẻ, bố nhập cuộc,  chiến đấu cho độc lập tự do của đất nước. Thất bại, bị đẩy vào tù ngục rồi lưu vong nơi xứ lạ, bố chẳng còn gì ngoài gia đình và bè bạn. Quê hương, tổ quốc và cả màu áo bố mặc ngày  xưa chỉ còn trong trí nhớ. Có lần thấy bố nói  sôi nổi về một lá cờ, Tường thực tế bảo bố hãy quên đi. Bố kinh ngạc, sững sờ nhìn chàng như nhìn vật lạ và nước mắt ông ứa ra.

Sau lần đó bố thân mật gần gũi với chàng hơn. Ông chăm chỉ và kiên nhẫn chỉ dạy cho chàng  lịch sử và tiếng Việt nam. Cuối cùng  của những bài giảng ông luôn nhấn mạnh.

-Con chim có tổ, con người phải có cội nguồn. Mình là người Việt phải biết lịch sử và đất nước Việt nam.

Bố có rất nhiều bạn. Họ tốt nghiệp chung một quân trường mẹ năm xưa. Ngôi trường đã hằn sâu vào ký ức để cho họ cùng hãnh diện. Ai học khóa trước bố, chàng  kêu bằng bác, ai học khóa sau  phải kêu bằng chú. Nhớ mà kêu cho đúng kẻo bố buồn. Lại có những bác cùng chung đơn vị chiến đấu, tuổi đời tuy đã lớn, nhưng mỗi khi ngồi chung với bố, nhắc lại những lần vào sinh ra tử ai cũng bừng bừng sôi nổi như đang ở tuổi hai mươi.

Việc gì chàng cũng chiều bố được, trừ việc của con tim. Nhất định là Tường không thể vâng lời  bố khi mà trái tim chàng hôm  nay đã thuộc hẳn về Duyên. Đến sở, Tường đã thấy Duyên ngồi sẵn trên bàn làm việc. Có điều trên bàn không phải là những tập hồ sơ mà là một tờ báo Việt ngữ hàng tuần. Nàng đang chăm chú đọc, khi thấy Tường đến Duyên ngẩng mặt lên  âu yếm hỏi.

-Tết này cộng đồng Dallas tổ chức hội chợ xuân ở Fair Park. Em muốn đi mà không biết chỗ. Anh có muốn chở em tới đó không?

Nghe đến chữ tết là Tường giật mình. Tưởng đến ngày phải đi xuống Houston để coi mắt vợ mà buồn. Chàng nhìn Duyên chăm chú, phân vân không  dám nói những điều đang nghĩ trong lòng, quên cả trả lời. Duyên lại hỏi:

-Anh có đi chợ tết với em không? Hay là anh bận thì em nhờ người khác.

Dĩ nhiên là chàng muốn lắm, dù từ trước đến nay chưa bao giờ Tường đi chợ tết. Bố có khuyến khích hay giục giã chàng chỉ ừ ào cho qua chuyện. Có bao nhiêu chỗ vui hơn cái nơi chật hẹp mà chứa cả ngàn người, đầy những hơi thở, âm thanh và khói thuốc. Nhưng lần này thì khác hẳn. Tường sẽ sung sướng đi bên cạnh một người đẹp như Duyên để về với cội nguồn.

Đến ngày hội chợ, Tường nắm lấy bàn tay thon nhỏ của Duyên, kéo nàng len lỏi đi giữa đám đông. Cả một ngôi nhà rộng lớn thế này mà không đủ chỗ chứa cho một khối lượng đông đảo người đi chợ tết. Ấy là không kể những người chậm chân còn đứng bên ngoài, đang sắp hàng chờ mua vé.

Tường và Duyên đi đến những gian hàng đầy kín người bao quanh. Nhất là nơi sân khấu. Người ta xô đẩy, chen lấn để  được nhìn, được hòa mình vào những âm thanh đang trào ra từ cô ca sĩ đến từ Cali. Cô vừa hát, vừa gào, vừa hất nẩy mình lên chào đón mùa xuân. Nơi đây mùa Xuân đang đến, dù rằng ngoài kia giá rét kín trời. Tháng giêng, đất Mỹ mới là chính đông, nhưng có sao đâu. Mùa xuân đang đến trên quê hương, dù cách xa nửa vòng trái đất vẫn giao cảm đến lòng người viễn xứ. Thế nên nơi đây dù là tuyết đông lạnh lẽo người ta vẫn thấy ấm áp và rộn ràng chào đón mùa xuân.

Cứ nhìn những gian hàng, những cảnh trí xung quanh là ta đã thấy xuân về. Ánh sáng chan hòa, sắc màu rực rỡ. Đây  một cành mai nở rộ. Màu vàng  tươi quý phái đứng trên những chậu quýt lá màu xanh . Kia kìa những lá cờ vàng  treo  trên những khẩu hiệu chữ đỏ tươi. Chào đón xuân sang, nhưng đừng quên đất nước đang chìm đắm trong cảnh tối tăm tù ngục của bọn vô thần. Từ sáng đến trưa, Tường cứ dắt Duyên đi không mệt mỏi trong một mùa xuân bằng giấy và những lá cờ.

Duyên dù đi đã mệt nhưng lại rất vui. Năm nào nàng cũng có thú  đi chợ tết.  Ở Houston, nơi gia đình nàng đang cư ngụ người Việt rất đông nên tổ chức hội chợ tết quy mô lắm. Tưởng rằng tết này vì công việc phải xa nhà thì không còn dịp nữa. Nàng có ngờ đâu tết ở Dallas cũng đông đảo không kém. Hôm nay bất ngờ  tìm được niềm vui, Duyên nắm tay Tường nói:

-Tết ở Dallas cũng vui ghê anh nhỉ, chẳng kém gì ở dưới Houston. Em có cảm tưởng như đang được ở nhà.

Nhắc đến Houston, Tường lại đâm lo. Nhưng chỉ một giây thôi chàng lại quên ngay. Hình như khi ở bên cạnh Duyên chàng quyên đi tất cả. Chỉ thấy trái tim rộn ràng, rung động  thiết tha. Chàng vui vẻ bảo nàng:

-Thế thì khi ra trường  em có trở lại nơi này xin việc không  em? Anh chắc người ta sẽ hân hoan mở rộng vòng tay đón em trở lại.

Mắt Duyên long lanh tình tứ nhìn Tường. Nàng hỏi chàng,giọng hơi nũng nịu:

-Còn anh thì sao? Anh có muốn em về đây làm việc với anh không ?

Tường ngẩn ngơ xúc động. Nếu không có đông người thì chàng đã quỳ ngay xuống dưới chân nàng để tỏ lòng ngưỡng mộ. Chàng nâng bàn tay nàng lên đặt nhẹ một nụ hôn để bày tỏ lòng rung động thương yêu. Nhưng còn cái vụ phải xuống Houston để coi mắt một người Tường chưa biết tính sao. Từ chối thẳng với bố là con không đi, nhất định không đi thì chàng không nỡ. Mà vâng lời bố để lấy một cô gái, con ông bạn cố tri nào đó của bố mà chàng chưa biết mặt, thì tức biết chừng nào.

Đang mải mê suy nghĩ, Tường lại nghe Duyên hỏi về một gian hàng đối diện. Đó là gian hàng của hội cựu tù nhân chính trị. Tường giật mình  thấy bố đang lui cui sửa lại mấy lá cờ vàng. Bố mặc bộ quân phục màu xám đậm trông oai như mấy ông tướng trận. Có lần bố bảo với Tường đó là bộ đồ ngày xưa ông thường mặc đi dạo phố mùa đông, khi còn ở quân trường. Những lúc ấy Tường thấy bố như trẻ lại. Ông hãnh diện kể cho Tường nghe về tuổi thanh xuân, về một lý tưởng  mà bố đeo đuổi suốt cả một đời .

Chàng vội vã nắm tay Duyên kéo đi như chạy trốn. Thôi đi cho lẹ kẻo bố thấy được thì phiền. Chàng tưởng tượng nếu bắt gặp chàng đi với một cô gái, bố sẽ lo lắng hỏi thăm lý lịch. Chắc chắn bố sẽ chỉ vui khi biết được người con gái đó là con  của một trong những người bạn hay ít ra cùng chung  một chiến tuyến khi xưa. Có thể bố bắt buộc chàng phải đi xuống Houston ngay lập tức trước khi quá trễ.

Nhưng Duyên lại trù trừ không muốn đi nơi khác. Nàng chỉ sang gian hàng của mấy bác cựu tù nhân bảo Tường:

-Đi qua bên kia đi anh. Mình đến xem mấy bác lính làm gì mà phát nhiều cờ. Lại có cả sách chất đống cho không kia kìa.

Tường quýnh lên, không biết giải thích làm sao với Duyên. Chàng thấy chợt đau ở bụng. Mà Tường đau bụng thực rồi. Chàng chỉ về phía phòng vệ sinh  lấy cớ tìm cách  không gặp mặt bố khi tay trong tay với một người con gái lạ.

-Anh phải vào phòng vệ sinh một chút. Em muốn sang bên chỗ mấy bác lính thì cứ đi một mình. Xem xong đợi anh ở phòng tranh ảnh phía  dãy đối diện bên kia.

Chỉ cho Duyên xong Tường vội vã đi ngay. Đau bụng thì ít mà chàng sợ bố trông thấy thì nhiều. Duyên mỉm cười chờ Tường đi khỏi. Nàng bước thẳng tới gian hàng cựu  tù nhân. Đến trước mặt bố Tường, Duyên chào lớn:

-Dạ thưa bác, bác gái có khỏe không ạ? Vì nghe lời bác nên cháu chưa đến chào bác gái. Mong bác  thưa với bác gái thông cảm cho.

Ông bố Tường vui vẻ vỗ vai cô gái. Nhớ đến hơn một tháng trước đây chính ông chở Duyên đến sở thằng con ông để xin vào thực tập. Chuyện này ông phải thuyết phục mãi ông bà Khiêm mới để cho cô con gái cưng của họ lên Dallas xin việc. Vả lại cũng do số trời may mắn. Trường Đại học Texas A&M lại xếp chỗ cho Duyên được đi thực tập ngay trong hãng Tường đang làm. Ông đã dấu vợ, dấu luôn thằng con khó bảo của ông, thử xem nó có đủ gan để lắc với một cô gái xinh đẹp ngoan hiền như Duyên. Ông thân mật hỏi nàng:

-Bao giờ cháu về dưới ấy? Bác định xuống chơi với ba mẹ cháu ngày đầu năm này. Cháu thấy thằng Tường nhà bác thế nào?

Duyên e thẹn cúi xuống, lấy chân di di những bông giấy màu trên sàn gỗ. Nàng lí nhí trả lời:

-Dạ mấy hôm nay công việc hơi bận, tết này cháu định không về. Nhưng nếu bác xuống chơi thì cháu sẽ về Houston ăn tết.

Thoáng thấy bóng Tường từ phòng vệ sinh bước ra, Duyên vội cúi chào từ giã. Nàng chạy đến bên Tường. Chàng kéo cô gái đi ngay kẻo không bố sẽ nhìn thấy. Đi giữa giòng người xô đẩy, chen lấn vui xuân, Duyên khẽ bảo Tường:

-Em nghĩ lại rồi. Em sẽ về Houston ăn tết với gia đình.

Tường cũng  bất ngờ  sung sướng. Đây là dịp để chàng đưa Duyên về cho biết nhà và cũng là dịp tốt nhất để nghe lời bố. Tường tự nhủ cứ vâng lời bố trước cho ông bớt giận rồi mình sẽ thưa thực với bố sau. Có thể mình sẽ thuyết phục, cố mời bố tới thăm nhà Duyên để tỏ tình thân thiện. Chàng sôi nổi bảo Duyên:

-Anh cũng có chuyện phải đi Houston trong dịp tết này. Em có dám cho anh đến nhà để giới thiệu anh với ba mẹ em không?

Duyên cười tươi để lộ hàm răng trắng ngần trên đôi môi màu hoa đào lợt.

Sao lại không dám. Chỉ sợ anh chê nhà em không thèm đến như bao lần trước.

Tường vô tình không hiểu. Lòng chàng đang vui như mùa xuân trước mặt. Ngay chiều hôm đó trở về nhà, thấy bố đang lui cui để dọn lại mảnh vườn. Chàng chạy tới giao hẹn:

-Con sẽ đi Houston và sẽ tới nhà ông bạn của bố coi mắt cái cô gì gì đó. Nhưng con nói trước là con sẽ không cùng đi với bố đâu. Bố cho con địa chỉ con sẽ ghé sau. Con đi lần này cho bố vui, lần sau con có yêu cầu  bố đi đâu thì bố cũng phải đi theo với con đấy!

Ông bố không nói, chỉ cười rồi gật đầu. Ông viết cho thằng con cái địa chỉ của người bạn, hẹn ngày giờ gặp nhau ở đó. Cái địa chỉ ông cho với địa chỉ nhà Duyên chỉ là một mà thôi. Khi Tường đứng lên đi khỏi rồi ông bước vào nhà bảo vợ.

-Rồi bà coi, thằng Tường sẽ ngoan ngoãn vâng lời tôi, ngay cả việc đi hỏi vợ.

 

THẢO NGUYÊN 

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2017

Bài Mới Nhất
Search