T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngộ Không : Chữ nghĩa làng văn (Kỳ 103)

clip_image001_thumb.jpg

Cải tạo tiếng Việt

Nguyễn Hữu Ngư một mình một chợ đưa ra nhiều thay đổi cách viết trong tiếng Việt như bỏ Y dài thay thế bằng I ngắn, bỏ phụ âm H trong GH, NGH v . v . . . Không ai nghe theo thì ông tự thực hành một mình. Ông bỏ tên Nguyễn Hữu Ngư của cha mẹ đặt để ký biệt hiệu là Nguiễn Ngu Í, Ngê Bá Lí đơn thương độc mã áp dụng lối viết ấy trong các tác phẩm của mình.

Sau 1975 ở hải ngoại cũng có nhiều tác giả đưa ra những cải cách có khi mới, có khi không. Về việc viết I ngắn thay thế Y dài hai nhà biên khảo Lê Hữu Mục và Nguyễn Đình Hòa nêu lại vấn đề này và hỗ trợ nó. Có nhiều người không đồng ý chuyện thay đổi này nhưng có người yểm trợ và người yểm trợ mạnh mẽ nhất là Dương Đức Nhự mà còn đề nghị cả chuyện viết dính liền, bỏ phụ âm H, du nhập chữ cái F, J, W, Z.

Ông đề nghị viết ngẫm ngĩ, ngễnh ngãng, gồ gề thay cho ngẫm nghĩ, nghễnh ngãng, gồ ghề; viết zễ zàng, zu dương thay cho dễ dàng, du dương.

Nhà thơ Diên Nghị và Đức Cố hẳn là cũng không tán thành lối cải cách của ông Nhự khi đưa ra thí dụ chép truyện Kiều như sau:
Trăm năm trong kõj người ta
Cữ tài, cữ mệnh qéw là gét nhaw .
Trải kwa một kuộk bể zâu
Những diềw trông thấj mà daudớn lòng
Lạ jì bỉsắc tưfong,
Trời xanh kwen thój má hồng dánh gen.
Kảw thơm lần jở trướk dèn
Fongtình kổlụk kòn trwiền sử xanh . . .

Có thể bị ám ảnh về kiến thức uyên bác của mình, về những điều đã dày công học hỏi và nghiên cứu nên thạc sĩ ngôn ngữ học Dương Đức Nhự thấy cần phải thay đổi một cái gì mà ông cho là mới chăng? Nhưng thực ra những cải cách của giáo sư Nhự tưởng là mới lại không có gì là mới cả. Viết toàn I ngắn thì đã có từ khi Paulus Của viết tên ông là Hùinh Tịnh Của vào cuối thế kỷ thứ 18. Nguyễn Hữu Ngư cũng chỉ làm công việc lặp lại. Còn cộng sản Hà Nội thì quen cách cai trị theo lối độc tài nên đã ra hẳn một pháp lệnh về việc thay đổi I ngắn, Y dài.
(Đặng Trần Huân – Chuyện cải cách tiếng Việt)

Nói lái

Nói lái là để “chơi chữ”, người nói lái dùng cách hoán chuyển chữ, nguyên âm và đấu những từ ngươi đó muốn nói lái, như:

Con cá đối nằm trên cối đá

Hoặc giả như:

Cô nàng dâu hứa đi mua dưa hấu

(Nguyễn Hữu Phước – Nói lái)

Bằng hữu kim kỳ phú

Bài phú của Nguyễn Đôn Phục, ông đỗ cử nhân khoa quý dậu năm thời Tự Đức là một kho ngôn ngữ dân gian gồm những tục ngữ, thành ngữ, phương ngôn cúa một vùng đất, hàm súc về nhân sinh,  tình yêu, tinh bè bạn ..v..v.. Nguyễn Đôn Phục xuất thân từ cửa Khổng sân Trình, chọn lọc từ khó tàng văn học dân gian đem sắp xếp hệ thống lại một cách công phu trong  bố cục của một bài phú có vần điệu, có đối xứng theo luật bằng trắc vừa kết hợp được tính cổ  điển và tính dân gian phóng khoáng từ thời Tự Đức thứ 26 (1873).

 Khôn thì sống, mống thì chết, lời kia tục những thường rằng; Đầu trở xuống, cuống trở lên, lẽ ấy ai mà chẳng thấu.

Người hiền xem tướng, rậm mày thì ắt cả lông; Đầy tớ kể công, cao ngày lại thêm dày kén.

Đừng lo mụ vãi trọc đầu, chớ sợ con đò khát nước .

Vì con heo phải đèo khúc chuối, công phu đã chẳng so đo; liều nắm cải vãi vườn dâu, ngày khắc họa nên cây trái.

Nghĩ nào sợ chết thiêu cháy dái, hơi đâu lo làm đĩ thủng đồ.

Thà khi đầy tớ người khôn, hơn lúc quân sư đứa dại.

Bụng làm dạ chịu, có gian thì có ngoan; mũi dại lái mang, làm lớn ai cho làm láo.

Vì muốn cho bán thịt mua lòng, dễ tránh lúc đau chân há miệng.

 Ngựa và dê

– Đệ hỏi quan bác chứ tại sao người ta gọi “con Lan ngựa”…

– Triều đình nhà Nguyễn có trại kỵ binh ở Cửa Thượng Tứ. Kỵ binh gặp những cô gái Huế ở đây vui tính làm sao ấy nên có câu “ngựa Thượng Tứ”. Nhưng ấy chỉ là kỳ tích một thời thôi…

– Còn “lão già dê”…

– Chắc là người ta thấy con dê đầu đàn nhẩy ngựa  với cả bầy dê cái chứ gì.

– Tại sao không chỉ cho trai trẻ mà lại là…lão.

– Vậy chứ bác không thấy con dê nào cũng có chòm râu…dê sao.

– Ừ nhẩy.

 Truyện Kiều bằng chữ quốc ngữ I

Sau này nhiều văn gia dịch và chú thích truyện Kiều bằng chữ quốc ngữ như Trương Vĩnh Ký, Nguyễn Văn Vĩnh, Tản Đà. Tuy nhiên với Bùi Kỷ và Trần Trọng Kim được xem là chính xác nhất.

Không phải chỉ dịch từ bản Phường mà vì những tiếng riêng của vùng Hà Tĩnh, vốn quê hương của Nguyễn Du đã được dịch đúng âm của vùng này. Thí dụ như bản dịch của Tản Đà:

Thoi vàng bó rắc, gio tiền giấy bay

Bản dịch của Nguyễn Văn Vĩnh:

Thoi vàng hồ rắc, tro tiền giấy bay

Bản dịch của Trần Trọng Kim:

Thoi vàng vó rắc, tro tiền giấy bay

Dân Nghệ Tĩnh gọi vàng hồ là vàng vó. Như vậy “vàng vó” đúng với nguyên bản của Tiên Điền.

(Trần Bích San – Văn Khảo)

Dê đực, dê cái

Người ta chỉ nuôi dê cái, còn dê đực cả bầy chỉ nuôi một con thội. Nếu có anh chàng dê con ra đời, môt sớm một chiều sẽ bị ngả thịt vì không muốn…loạn bầy.

(Phụ chú: Sao gọi đàn ông 35? Vì đánh số đề con dê mang số 35)

Bói xăm hường

Bói xăm hường: Hường là một mặt tứ màu đỏ trong bộ tào cáo. Mỗi ván xăm hường được mở đầu bằng cách mỗi người lần lượt vốc bộ xăm hường trong nắm tay rồi thả vào lòng một cái bát.

Đây là trò chơi đổ bác gợi lại ý niệm về thi cử ngày xưa, phù hợp với nguyện vọng và tính ăn thua nhẹ nhàng của phụ nữ giới quý tộc ở Huế, cầu mong cho con thi cử thành đạt.

Truyện chớp – Bóng đè

 Hồi còn nhỏ, những đêm mất điện, nhà tôi thường thắp đèn dầu hỏa. Tôi thích thú nhìn bóng tôi in trên vách. Và giỡn đùa với bóng như một đứa bạn thiết. Tôi thường dùng đôi tay mình tạo hình các con thú: chó, rắn, thỏ…chuyển động và cắn nhau. Rồi phá lên cười nắc nẻ. Lúc ấy, má tôi hay bà tôi thường mắng: “Đừng giỡn bóng. Tối ngủ, bóng nó đè chết đó!” Thế là tôi ngưng ngay trò chơi trong luyến tiếc lẫn sợ hãi lẫn tò mò muốn biết cảm giác bị bóng đè như thế nào.

Lớn lên, tôi bỗng đâm ra say mê với trò chơi chữ nghĩa. Có nhiều đêm, trong bóng tối, tôi lần mò giỡn chữ. Tôi nghịch ngợm. Đảo lộn, chồng chéo chữ này với chữ kia. Bẻ đầu, ngắt đít chữ nọ. Để tạo hình. Và quả nhiên, những đêm ấy, trong giấc ngủ, tôi bị những con chữ kéo đến bủa vây đè tôi đến ngộp thở.

Tiếng nói xưa và nay

– Tuổi tác: “Tác” là tiếng Hán cổ, cũng có nghĩa là tuổi.

Giai thoại làng văn

Thấy tôi, Huy Cận khoe vừa dịch bài thơ tình của Arvers (Sonnet d’Arvers): “Mon âme a son secret, ma vie a son mystère”. Bài này đã có một bản dịch rất được truyền tụng của Khái Hưng “Lòng ta chôn một khối tình, Tình trong giây lát mà thành thiên thâu…”.

Huy Cận đã đọc cho tôi nghe bản dịch của anh và lấy làm đắc ý:

Tôi dịch sát nghĩa hơn bản dịch của Khái Hưng chứ!”

Xuân Diệu mắng luôn: “Dịch sát nghĩa mà là hay à?”.

 Xuân Diệu rót nước ra cốc mời tôi uống. Huy Cận hỏi: “Nước mơ hả?”. Lại bị Xuân Diệu mắng: “Mơ mơ cái gì, làm gì có mơ!”.

 Thấy Huy Cận cứ nói chuyện với tôi, Xuân Diệu lại mắng nữa: “Anh Mạnh anh ấy đến chơi với tôi chứ, sao cứ nói mãi thế!”.

 Tôi rất lấy làm lạ: Sao Xuân Diệu cứ mắng Huy Cận như mắng con nít mà toàn chuyện chẳng đáng gì cả! Một lát, Quang Huy đến. Huy Cận ra làm việc với Quang Huy ở phòng ngoài. Xuân Diệu giải thích với tôi: “Dạo này làm được mấy bài thơ, cứ hoắng lên. Mình phải mắng cho cụt hứng đi, đỡ chủ quan. Cứ tưởng bở!”

(Hồi ký Nguyễn Đăng Mạnh)

Câu đối chiết tự

Chiết: bẻ gãy, phân tách. Tự: chữ.

Là những câu do sự tách chữ Hán hoặc chữ Nôm ra từng nét hoặc từng phần mà đặt thành câu.

Tự là chữ, cất giằng đầu, chữ tử là con, con ai con nấy?

Vu là chưng, bỏ ngang lưng, chữ đinh là đứa, đứa nào đứa này?

(Trích từ Văn Hóa Việt)

Truyện chớp: Truyện văn chương

Ðêm, đang ngủ, hắn chợt nghe ai đó đọc thoảng qua tai một bài thơ tuyệt hay. Hắn vội vã bật ngọn đèn ngủ, với tay lấy xấp giấy và cây bút, chép ngay bài thơ ấy.

Xong, hắn tắt đèn, ngủ lại. Sáng dậy, nhìn lại trang giấy, hắn giật mình thấy chỉ có một bãi nước bọt.

Bói tuồng
Bói tuồng: Thời tôi lớn lên, đi học thường ngang qua rạp Bà Tuần là một rạp hát tư nhân thường trực vào thời mà đào kép Huế còn diễn trên những sân khấu do những gia đình quý tộc giàu có hoặc những ông hoàng bà chúa dựng lên khắp các thành phố và thị trấn nổi tiếng khắp ba cõi Đông Dương. Sau tuồng Huế hết thời nhưng rạp Bà Tuần vẫn còn sống lây lất chờ thời và những đào kép cũ, tuồng tích cũ ít ra còn đem lại cho xứ Huế đôi nét vàng son của sân khấu đời Nguyễn, thỏa mãn tâm lý với tuồng của người dân Huế.

Thành ngữ ta và Tầu

Trai cò mổ nhau, ngư ông đắc lợi

(Bạng duật tương trì ngư ông đắc lợi tiếu)

Giai thoại làng văn

Hoàng Ngọc Hiến thường có những nhận xét rất gọn và rất ác về người này người khác. Có lần tôi nhận xét, các danh nhân thế giới thường là người ở các tỉnh nhỏ, nhưng về thủ đô thì thành danh nhân.

Danh nhân người gốc ở Thủ đô rất ít. Như Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi, Quang Trung, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Hồ Chí Minh… Vì sao Hồ Chí Minh chết đúng vào ngày Tuyên ngôn độc lập 2.9? Hiến giải thích :

“Vì ông cố tình chết vào ngày ấy. Ông Hồ là đáo để lắm. Chỉ cần dứt đứt các giây dợ ở ống thở ôxy là chết chứ gì”.

 (Hồi ký Nguyễn Đăng Mạnh)

Ngộ  Không

(Sưu Tập)

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2017

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Bài Mới Nhất
Search