T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngộ Không: Chữ nghĩa làng văn (Kỳ 119)

clip_image001_thumb.jpg 

Tiếng Việt trong sáng

“Khủng”, từ trong nước, được một “bộ phận” giới trẻ và giới báo chí dùng. Từ cũ là “kinh khủng” hay ” khủng khiếp” (dịch từ “awful” / “awfully” trong tiếng Anh).

Bây giờ, người ta cắt gọn lại cho nó “khủng” hơn.

Thí dụ: nói về một món hàng, một thiết bị công nghệ “tối tân”, “mới ra lò” chẳng hạn, toà báo có thể chạy tít : “Microsoft vừa tung ra thị trường một thiết bị “khủng”. Hoặc, thậm chí, tít chạy trong một bản tin xã hội hay giải trí : “Mười mỹ nhân sở hữu vòng một “khủng’ nhất thế giới”, hay : “Những người đẹp có vòng ba ‘khủng’ nhất hành tinh” (!!!).

(Bùi Vĩnh Phú – Trên những đường bay của chữ)

Ca dao

Đề cập đến văn chương, chúng ta không thể nào bỏ qua nền thi ca bình dân mà ca dao là một trong những thể loại quen thuộc nầy. Từ lâu, ca dao đã đi vào lòng dân tộc về những nét bông đùa, hóm hinh, dí dỏm trong kho tàng văn chương bình dân tiếng Việt.  Như trong tình trường, có người tán gái hơi ngộ nghĩnh:

Ngó lên mây trắng trời xanh,

Thương ai cũng vậy, thương anh cho rồi.

Đối với những anh chàng dại gái, ca dao trào phúng châm biếm:

Tiếc công khổ cực nuôi cu,

Cu ăn, cu lớn, cu gù, cu đi,

(Lê Thương – Ca dao trào phúng)

Thơ mới (2)

Nguyễn Đức Tùng: Nhân cách của nhà thơ biểu hiện qua phong cách, giọng điệu. Phong trào Thơ Mới và văn học trước 1945 như Tự lực Văn đoàn, Thế Lữ, Xuân Diệu, Huy Cận, cùng thời với anh, đã ảnh hưởng đến phong cách của anh ra sao?

Dương Tường: Tôi sinh năm 1932. Như thế là tôi sống qua thời kì Thơ Mới, tất nhiên là thế hệ của tôi, bạn bè tôi đều thấm đẫm tinh thần của thời kì vàng son rực rỡ đó. Nhưng ảnh hưởng của họ đối với tôi thì không đơn giản. Ví dụ như vào thời đó nhiều người thích thơ Xuân Diệu nhưng tôi lại không. Thời đó tôi thường nói đùa với bạn bè rằng ông Lamartine ngủ với ông Verlaine thì đẻ ra Xuân Diệu.

Nguyễn Đức Tùng: Ý anh nói là Xuân Diệu không có gì mới cả.
Dương Tường: Đúng thế. Ông ấy chính là hậu duệ của chủ nghĩa lãng mạn Pháp mà Lamartine và Verlaine là tiêu biểu, chứ đối với tôi vào thời đó thì không có gì mới cả.

(Phụ đính: Dương Tường là nhà thơ, dịch giả. Nguyễn Đức Tùng là nhà phê bình thơ thuộc thế hệ trẻ. Dương Tường ở trong nước)

(Nguyễn Đức Tùng – Viết không khác người ta thì đừng viết)

Khác biệt văn hóa

Khen/chê cái gì đó.

Sài Gòn : ngon bà cố luôn.

Hà Nội : ngon cực (kì).

Văn hóa người Việt xưa (4)

Thời Hậu Lê 1663, S. Baron người Hòa Lan lai Bắc kỳ sinh ở Thăng Long viết về Đàng Ngoài đề cập đến sử ký, địa dư, văn hóa dân tộc, phong tục, chính sự và y học nước ta qua một quyển sách giới thiệu Đàng Ngoài cho người Anh đọc có tên A Description of the Kinhdom of Tonkin (Thăng Long – Kẻ Chợ).

  1. Baron nhận xét người Việt ở thế kỷ 17 như sau:

“Người Việt tầm vóc nhỏ bé, tính tình nhu hòa, hiền hậu, không nóng nẩy nhưng hèn yếu. Ưa ganh tị, ưa khoác lác, hay mê tín dị đoan, lại ở bẩn.

Hiếu học chẳng phải ham hiểu biết mà vì muốn đạt mục đích ra làm quan. Không ưa đi đây đi đó mà cũng không tin lời những người xuất dương thấy rộng nhìn xa. Tự cao tự đại cứ cho người Việt Nam mình là nhất.

Nghệ nhân tài giỏi không phải là không có nhưng bị vùi dập.

(Nguyễn Thị Chân Quỳnh – Lối xưa xe ngựa…)

Tiếng Tầu dễ mà khó

Vu nghĩa là đi qua. Qui là về, là con rùa.

Vu quy là con gái về nhà chồng, không là con rùa về nhà chồng.

Chữ “qui” viết bằng bộ “chỉ” như trong chữ vu qui lại có nghĩa là…vợ bị chồng bỏ.

Chữ “qui” là con rùa viết với bộ “sước” có nghĩa là…chồng để cho vợ bán dâm.

Khó thật!

(Việttide)

Chuyện chữ nghĩa

Thời cụ Nguyễn Du thế kỷ 18 và 19, về thịt chó cụ viết trong bài Hành lạc từ như sau:

…Tội gì ngàn năm lo

Có chó cứ làm thịt

Có rượu cứ nghiêng bầu

Được thua trên đời chưa dễ biết

(bản dịch của cụ Lê Thước)

Sát bên nước ta là ông Tầu cũng nhậu thịt chó. Chứng cớ chữ “nhiên” là nhúm lửa gồm 3 chữ ghép lại: Chữ nhục là thịt, chữ khuyển là chó nằm ở trên chữ hỏa là lửa.

Riêng chữ hành lạc của cụ Nguyễn Du khác với chữ…hành lạc ngày nay.

Lạ cực kỳ…! Thôi nhá!

(Trà Lũ – Lá thư Canada)

Sách giáo khoa

Tôi cho rằng dạy văn thì phải đúng là dạy văn, chương trình văn học thì phải đúng là chương trình văn học. Vẫn quan tâm tới vấn đề tư tưởng, nhưng phải có phẩm chất văn học thật sự. Vẫn tuyển lựa nhiều tác giả, nhưng tập trung vào chín ông nhà văn. Chín vị này được tuyển nhiều hơn những tác giả khác, có bài khái quát riêng về tác giả. Đó là: Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Khuyến, Hồ Chí Minh, Tố Hữu, Nguyễn Tuân, Xuân Diệu, Nam Cao.

Tất nhiên không phải chỉ có chín ông này là lớn hơn cả, cũng phải cân nhắc nhiều mặt: có miền Nam, miền Bắc; có giai đoạn lịch sử này, giai đoạn lịch sử kia; tiêu biểu cho những trường phái văn học nhất định. Tinh thần đổi mới của chương trình này là: dạy văn phải đúng là dạy văn, lịch sử văn học phải đúng là lịch sử văn học, chứ không phải dạy lịch sử chính trị, lịch sử xã hội

(Nguyễn Đăng Mạnh – Dạy văn thì phải đúng là dạy văn)

Chữ nghĩa tên cầu

Cũng trên sông Thị Nghè, chúng ta có thể đi qua Cầu Bông sang Gia Định. Hay qua Phú Nhuận với Cầu Kiệu. Hai vùng này trồng rất nhiều bông hoa và hành kiệu.

Còn một cầu nữa tên là Cầu Ông Lãnh, tên gọi một ông lãnh binh thời Tả Quân Lê Văn Duyệt có công dựng cầu này qua sông Bến Nghé.

Tương truyền ông lãnh binh này có 4 vợ, ông cho mỗi người trông coi một chợ riết thành tên các bà. Đó là: Bà Chiểu, Bà Điểm, Bà Hom Bà Quẹo.

 (Thái Văn Kiểm – Ai về Gia Định Đồng Nai thì về)

Thành ngữ và danh ngôn

Cha ông xưa đúc kết được kinh nghiệm sống và truyền khẩu cho đời con cháu mai sau qua ca dao và thành ngữ…Nay con cháu mai sau đời sau chế tác “lung tung, trống kèn” những thành ngữ, danh ngôn cho riêng họ :

  • Có những điều mà 1 ngưòi không biết, 2 người không biết, 3 người , 4 người… cũng không biết thì đơn giản là họ có biết cái quái gì đâu .• Thà ngu vì thiếu i ốt còn hơn là thiếu i ốt mà vẫn ngu (hic, nó nói cái gì thế).
    • Trông mày khôn lắm cơ! Thằng ngu ạ.

Chợ Bến Thành

Chợ được xây năm 1859 mặt tiền hướng về sông Bến Nghé (nay là sông Sài Gòn), và mặt sau hướng về thành Phiên An, còn được gọi là Quy Thành. Nơi có kho bạc, thành lũy, dinh thự của Tổng Trấn Gia Định

Vì vậy dân gian gọi là chợ Bến Thành.

 Theo sách Đại Nam nhất thống chí của Quốc sử quán triều Nguyễn thì tên chợ được ghép bởi hai chữ đầu của hai từ “Bến tầu” và “Thành lũy”.

(Phụng Nghi – Những địa danh của Sài Gòn xưa)

Góp nhặt sỏi đá!

 Hỏi : Tui mù tiếng Việt, ngó mấy câu ca dao này tui mù chớt luôn!

Nhờ ông thày bày dùm, tui cám ơn thiệt tình.

– Đồ láu cá láu tôm

– Chó có váy lĩnh
– Em mà nói dối thì em chết

– Chỉ đâm ba chầy củ
Đáp : Để tui…“Ăn đàng sóng nói đàng gió” à nha.

 (DatViet.com – Trau giồi tiếng Việt)

Văn chương… Xã hội chủ nghĩa!

Kính thưa quý vị,

Sau năm 1975, văn chương tại miền nam VN xuất hiện nhiều từ kỳ lạ, và thậm chí sai nghĩa. Tôi xin được góp nhặt loại chữ nghĩa kỳ quái này để cùng nhau góp phần làm trong sáng tiếng Việt.

Tôi đọc được trên báo điện tử trong nước có câu như sau :  “…mà vẫn cứ lững thững mở miệng”.  

– Tui sinh trưởng ở trong Nam, từ nhỏ tới lớn chưa nghe ai nói hay…lững thững phát ngôn như họ.

Hay :“…theo ông Thanh, thủ tục cấp phù hiệu sẽ đơn giản, tiện lợi và lệ phí thấp, không thể biến thành một giấy phép con”.

– Sao bạn hông hỏi họ?

(Trau giồi tiếng Việt – ĐatViet.com)

Chữ Việt gốc Tầu

Chữ Việt gốc Tầu là một đặc thù của văn hóa Đồng Nai – Cửu Long, là những chữ, mà ta dùng thẳng từ của người Tầu và dùng âm của mẫu tự quốc ngữ viết lại. Như:

Chí quách (còn gọi là xí quách) với chí là heo và quách là xương, chay (kiêng thịt).

Dầu chá quẩy nghĩa là “quỷ chiên dầu”, quỷ đây là vợ chồng Tần Cối (còn gọi là dầu cháo quẩy).

Bò bía là bánh tráng cuốn củ sắn, tôm khô nhỏ, lạp xưởng đậu phọng rang.

Há cảo với há là tôm, cảo là bánh tức bánh tôm..v..v..

Cón là láng. Ta ghép chữ thành lán cón, thật sạch, lán cón.

Cai là chừa bỏ món ghiền như cai thuốc lá. Hán Việt là “giới”.

(Lê Ngọc Trụ – Tầm nguyên tự điển Việt Nam)

Ngộ  Không

(Sưu Tập)

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2017

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Bài Mới Nhất
Search