T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Lê Hữu: Xuân Phai

Glencoe Public Library, IL

(Photo: Glencoe Public Library, IL)

 

Bao nhiêu xuân qua lòng không tình yêu.

(“Tiếng thời gian”, Lâm Tuyền)

“Xin lỗi, anh là người Việt?”

Vĩnh quay lại. Khi ấy chàng đang lúi húi sắp xếp lại chồng báo tiếng Việt ở tầng kệ dưới cùng. Vỗ vỗ lại xấp báo cho ngay ngắn, Vĩnh đứng dậy, quan sát trong vài giây cô gái vừa hỏi mình. Cô gái còn trẻ, gọi chàng bằng “anh”. Trông cũng khá xinh, mắt đen lánh, nước da trắng trẻo. Chàng vẫn thích phụ nữ nước da trắng. Hôm ấy Nga cắt tóc ngắn, trông tươi tắn và có một vẻ gì hóm hỉnh.

“I’m sorry?” Vĩnh làm bộ hỏi lại.

Cô gái hơi bối rối:

“You speak Vietnamese?”

“Umm… chút chút. Cô cần chi?”

Đôi mắt đẹp nhìn chàng thoáng vẻ ngờ vực.

“Em tìm một cuốn sách giáo khoa. Sách dạy tiếng Việt.”

“Cho người Mỹ hay người Việt?” Vĩnh hỏi.

“Người Việt, trẻ em.”

Vĩnh đảo mắt qua các kệ sách.

“Cô có thể dùng cuốn này…, hoặc cuốn này.” Chàng rút hai cuốn sách ở tầng kệ trên cùng đưa cho cô gái. “Sách cũ nhưng vẫn có giá trị.”

Nga cầm lấy cuốn Quốc Văn Giáo Khoa Thư, liếc nhìn tấm bảng tên trên ngực áo chàng, rồi liếc chàng bằng đuôi mắt thật sắc.

“Anh phải là người Việt.”

“Vậy sao? Cám ơn cô nhắc cho tôi nhớ.”

Cả hai cùng cười.

“Tôi tên Vĩnh,” Vĩnh nói, “có dấu ngã. Vĩnh viễn, vĩnh cửu, vĩnh hằng, ‘vĩnh biệt tình em’.”

Nga nói tên nàng. Họ quen nhau như vậy. Sáng hôm ấy thư viện vắng khách, hai người trao đổi với nhau một vài câu bâng quơ. Vĩnh đưa thêm cho nàng ít cuốn Việt Sử bằng tranh, ít tập nhạc thiếu nhi. Thư viện có một dãy kệ sách báo Việt ngữ. Thỉnh thoảng có ít khách người Việt lui tới. Vĩnh không gặp ai quen ở đây. Nga cho chàng biết nàng đang phụ trách một lớp dạy tiếng Việt cho trẻ em ở vùng này với tính cách thiện nguyện, và nàng cần ít tài liệu giáo khoa. Vĩnh hứa hẹn sẽ tìm thêm cho nàng vài cuốn sách ở các thư viện khác. Chàng cũng chỉ Nga cách sử dụng computer để tìm và mượn sách.

“Cô có thể place a hold mấy cuốn đó ở đây. Thư viện sẽ báo cho cô khi sách được chuyển về. Thường chỉ mất từ vài ngày đến một tuần lễ nếu không có người mượn trước. Nếu cô có e-mail thì sẽ nhận được thư báo nhanh hơn.”

Nga nhờ Vĩnh check out cho nàng mấy quyển sách. Trong đó có một tập truyện ngắn trước năm 1975 của một nhà văn Việt Nam mà Nga nói nàng rất yêu thích, nàng đã đọc qua một lần và còn muốn đọc lại. Nàng cũng đưa cho Vĩnh ít tờ flyer giới thiệu chương trình dạy tiếng Việt để nhờ chàng đặt ở thư viện. Nga nói thỉnh thoảng nàng có đến đây nhưng không gặp Vĩnh bao giờ. Vĩnh nói chàng mới nhận cái job này được mấy tuần nay.

Trong những lần gặp gỡ về sau câu chuyện giữa hai người càng trở nên thân mật. Có lần Nga cần gấp một quyển sách, nàng nhờ Vĩnh, và chàng tìm thấy tên sách trên computer.

“Nếu cô quen nhìn bản đồ, tôi sẽ chỉ cho cô đường đi đến thư viện Burien. Không xa đây lắm. Ở đấy có cuốn sách này. Hoặc nếu cô có thể chờ được đến khi tôi xong việc ở đây, tôi sẽ đưa cô đến đấy.”

Nga hỏi bao giờ chàng mới xong việc. Vĩnh nói còn hơn một tiếng nữa.

“Lâu quá,” Nga nói. “Biết làm gì ở đây!”

“Thiếu gì chuyện để làm. Thư viện là một nơi người ta có thể ở đó suốt cả ngày mà không bao giờ hết việc. Kể cả việc kiếm một chỗ nào đó đánh một giấc ngon lành mà không sợ bị ai quấy rầy.”

“Em đâu phải là dân homeless,” Nga nói.

Lúc ra cửa Vĩnh bảo nàng cứ để xe nơi parking của thư viện và đi cùng xe với chàng cho tiện. Lấy được cuốn sách, hai người vào một tiệm nước, Nga nói nàng muốn trả công cho chàng.

Vĩnh gọi thức uống, ít bánh ngọt. Buổi chiều êm ả. Vĩnh nghe giọng hát trăn trở của Sarah McLachlan vẳng ra từ một góc quầy. Tiếng nhạc đệm réo rắt. Nga khẽ gõ gõ những ngón tay trên mặt bàn, hát theo nho nhỏ. I will remember you. Will you remember me? Don’t let your life pass you by, weep not for the memories. Remember the good times that we had?… I’m so afraid to love you, but more afraid to lose…(1) Đôi mắt đen lánh nhìn Vĩnh cười cười.

“Anh không uống cà-phê sao?” Nga hỏi.

“Ngày trước, thỉnh thoảng. Từ khi vợ bỏ tôi cũng từ bỏ được nhiều thói xấu. Cà-phê, thuốc lá, rượu chè.”

“Chúc mừng anh,” Nga nói, nâng cao ly nước cam ngang tầm mắt.

“Tôi không rõ ý cô,” Vĩnh nói. “Cô định chúc mừng cái gì?”

“Tất cả mọi thứ anh vừa nói đó,” Nga cười. “Anh không cho đó là điều đáng mừng sao?”

Vĩnh nhìn Nga chăm chăm. Chàng như muốn đọc xem trong cái đầu xinh xắn của nàng chứa đựng những ý tưởng kỳ quặc nào. Nga cũng chống tay vào cằm nhìn chàng bằng đôi mắt đen lánh. Đôi mi cong và dài thỉnh thoảng chớp chớp. Tia mắt ánh lên vẻ tinh nghịch. Khi nàng vuốt ngược tóc, hai bàn tay đan phía sau gáy, Vĩnh nhìn thấy một nốt ruồi khá lớn nằm trên chiếc dái tai bên phải. Chiếc dái tai trắng hồng. Chàng muốn hôn lên đó.

Hai người nói với nhau đủ thứ chuyện trên trời dưới đất. Những câu chuyện có khi chẳng ăn nhập gì đến nhau. Nga thường đổi đề tài đột ngột, dẫn Vĩnh đi ngoắt ngoéo từ chuyện này quặt sang chuyện khác, hệt như chú sóc nhỏ, ngúc ngoắc cái mỏ nhọn, liến thoắng sục sạo đầu này tới đầu kia. Có lúc Vĩnh cảm thấy hụt hơi vì phải bám riết để theo kịp nàng. Nga có giọng cười khúc khích rất tự nhiên, có chút gì trẻ con, đôi lúc hơi lớn tiếng. Vĩnh phải “suỵt, suỵt” khi chàng thoáng trông thấy vài người Mỹ ở bàn bên cạnh liếc nhìn về phía hai người.

Nga cho biết nàng sang Mỹ được gần hai năm cùng với bố mẹ, nhờ một người chị lớn bảo lãnh. Gia đình nàng phải chờ đợi một thời gian khá lâu và tốn khá nhiều tiền để nhận được giấy xuất cảnh. Nàng hiện vừa đi học ở một trường community college, ngành Cosmetology, vừa phụ việc cho một cửa tiệm uốn tóc của gia đình người chị. Tiệm ế, hôm làm, hôm nghỉ. Khách người Việt, thỉnh thoảng có vài bà già Mỹ. Mỗi chiều thứ Sáu nàng có nhận thêm mấy giờ volunteer cho một lớp dạy tiếng Việt… Khi Nga hỏi chàng sang đây theo diện nào, Vĩnh trả lời “Diện H.O.” Vừa thốt ra, Vĩnh muốn rút lại câu nói, nghĩ mình chẳng nên “thật thà khai báo” làm gì, nhưng đã lỡ buột miệng. Nga nói nàng cũng có ông chú diện H.O. mới qua đây tháng trước.

“Anh đi H.O. mấy vậy?” Nga hỏi.

“Cũng chả biết, đi theo ông già. Chỉ biết đi là đi thôi, đâu có hỏi ổng làm chi.”

Vậy mà Nga cũng tin thật. Vĩnh nhớ lúc mới lò dò qua Mỹ, cắp sách đi học lại, mấy cô bạn học người Việt cũng hay hỏi chàng câu đó. Cô nào gọi chàng là “Chú”, Vĩnh phải nói thật. Cô nào gọi chàng là “Anh” chàng trả lời “Cũng chả biết H.O. mấy, tôi đi theo… ông già”. Sở dĩ Vĩnh mạnh miệng nói đùa như vậy là vì những người gặp chàng lần đầu thường ít khi chịu tin vào tuổi thật của chàng. “Thì ông cứ tính thử là biết liền chứ gì,” Vĩnh phải cố chứng minh. “Một tay H.O. trẻ nhất năm nay cũng phải bao nhiêu rồi.”  Mấy cô bạn người Mỹ cùng làm việc ở thư viện với chàng như Betty và Jennifer thì chẳng có chút khái niệm gì về tuổi tác của người Á đông nên khi Vĩnh nói chàng “Thirty five” đều tỏ vẻ ngạc nhiên, “Oh, really? You don’t look your age at all!”  Có một điều khá chua xót mà ít ai nhận biết được là Vĩnh, qua lối nói đùa như vậy, dường như tự cố ý đánh lừa mình, dường như còn cố gắng níu kéo lại phần nào quãng tuổi xuân đã phai tàn, dù biết rằng chỉ là sự cố gắng vô ích. Mọi người vẫn thường nói quãng tuổi đôi mươi cho tới ba mươi là những tháng năm tươi đẹp nhất của một đời người. Vậy mà Vĩnh, chàng đã phải đốt hết quãng thời gian này không thương tiếc. Hai mươi tuổi đã vào lính, ba mươi tuổi còn chưa ra khỏi tù. Khi nói về những năm tù tội của mình, Vĩnh thường bảo, “Đâu có phải là tôi, mà là một người nào khác đã sống.” Chàng nói thêm, “Vì vậy, theo lẽ công bằng, phải trừ lại cho tôi số tuổi của những năm đó chứ.”

“Bố anh còn khỏe chứ?” Nga hỏi.

“Cám ơn cô, mấy năm trước khi mất thì ông cụ… vẫn khỏe. Tháng trước tôi có làm cái giỗ, không biết cô để mời.”

Liếc thấy Nga đang mở to mắt nhìn chàng với vẻ dò xét, Vĩnh cố tạo vẻ mặt rầu rĩ. Thật sự thì chàng mồ côi bố từ năm lên tám, hình ảnh người cha vì vậy rất là mù mờ trong ký ức chàng. Ông bố chàng ngày xưa nghe nói cũng là niềm tự hào của gia đình. Chàng nghe những người bác người chú kể lại, ông là người tài hoa, ưa thích hoạt động và cũng có chút địa vị trong xã hội, không hiểu sao lại mất sớm, nghe đâu vì bệnh tim. Chàng lại chẳng kế thừa được chút tài năng nào của bố. Những bạn bè thường nhận xét chàng có nhiều nét giống mẹ. Con trai giống mẹ thường yếu đuối. Làm sao chàng có được sự cứng cỏi, vững chãi của người cha sau nhiều năm được nuôi dưỡng, bảo bọc và lớn lên trong tình yêu thương của mẹ.

“Ông cụ như vậy kể cũng là thọ rồi,” Vĩnh nói thêm. “Già rồi thì phải chết thôi, qui luật của trời đất mà. Trẻ trung được như cô…”

“Anh tưởng em còn trẻ lắm hay sao?” Nga nói.

“Như vậy có thể là cô bắt đầu trẻ lại từ lúc sang đây. Nhiều quý bà quý cô trông phơi phới ra khi sống trên đất Mỹ.”

 

*    *    *

Những gặp gỡ sau này khiến hai người gần gũi nhau thêm. Nga có vẻ hay lui tới thư viện nhiều hơn, mượn sách báo nhiều hơn. Vĩnh cũng giới thiệu cho nàng những cuốn sách, cuốn phim để mượn về xem. Xem xong, có cuốn nàng chê dở, có cuốn nàng nói tàm tạm, chưa thấy cuốn nào nàng khen hay. Nga cũng biết cả giờ giấc làm việc của Vĩnh. Thỉnh thoảng nàng còn đem cả bài tập homework ở trường vào làm ở thư viện. Có lần Nga bắt Vĩnh tìm cho nàng đủ mọi loại sách báo nói về ảnh hưởng của TV đối với trẻ em vì nàng đang làm một cái research về đề tài này. Nàng có vẻ chú ý đến những vấn đề liên quan đến việc giáo dục trẻ em trong cộng đồng người Việt. Nga nói nàng hiện phụ trách việc thành lập một ban văn nghệ của trường Việt ngữ để đưa các em đi trình diễn vào những dịp lễ hội như Tết Trung Thu, hội chợ Tết của người Việt… Nga thường có lối hỏi chuyện đột ngột, đi thẳng vào vấn đề. Vĩnh vẫn nói nàng giống con trai, có lẽ cũng vì nàng xem chàng như một ông anh chăng. Có lần chàng bị Nga hỏi:

“Vợ anh đâu?”

“Em hỏi làm anh tủi thân. Đã nói một lần, cô ấy bỏ anh từ khuya rồi.”

“Rồi con anh?”

“Thằng bé có khuynh hướng theo mẹ. Anh là người bố tội lỗi.”

“Em không tin.”

“Đa nghi là bản chất của phụ nữ. Em muốn anh làm gì bây giờ? Thề thốt hay…”

“Thôi khỏi.”

Thực ra thì Vĩnh cũng không quen nói dối. Chỉ trong những trường hợp đặc biệt phải tự vệ hoặc xét thấy nói thật là hoàn toàn bất lợi. Riêng về chuyện vợ bỏ, Vĩnh chỉ nói đúng có một nửa. Người vợ thứ nhất có bỏ chàng thật, nhưng không phải hoàn toàn do lỗi nàng mà có phần nào lỗi của chàng nữa. Vợ chồng vừa lấy nhau chưa kịp có một đứa con thì cơn bão năm 1975 ập đến. Như mọi sĩ quan khác, chàng đuợc mời đi “học tập cải tạo”. Nàng ngược xuôi thăm nuôi chồng, năm chờ tháng đợi mòn mỏi. Một năm, hai năm rồi ba năm. Chàng làm ra vẻ mã thượng khuyên người vợ trẻ cứ tìm đường vượt biên (thà vậy còn hơn đến lúc nghe tin vợ bỏ mình đi lấy chồng khác như bao nhiêu cảnh ngộ phũ phàng đã xảy đến cho những người bạn tù, khi ấy chàng đã nghĩ vậy). Tội vạ gì phải hoài phí tuổi xuân để đợi chờ anh chồng xấu số chẳng biết ngày nào ra, chẳng biết đến bao giờ mới “học tập tốt, lao động tốt”. Ba năm thủ tiết, gánh gạo nuôi chồng đã là quá sức, vượt mức chịu đựng của những cô vợ chân yếu tay mềm trong một xã hội mà người phụ nữ trước nay vẫn chỉ quen sống tựa vào người đàn ông trong gia đình. Không ai chê trách được người vợ đáng thương trong cơn lốc xoáy của thời thế đảo điên. Nói mãi, cuối cùng nàng đành nghe lời chàng, đi cùng chuyến với mấy ông anh, thoát được, và định cư ở Úc.  Ngày ra tù, nghe phong phanh vợ chàng đã có người khác, chàng viết thư hỏi. Nàng xác nhận, và xin chàng tha lỗi. Nàng có lỗi gì!?… Mẹ chàng nói đúng, “Tại mày bảo nó đi thì nó đi chứ nó đâu có muốn đi. Mất vợ là phải thôi con à!” Chàng cảm thấy như mình có lỗi với mẹ già.

Sau mấy chuyến vượt biên thất bại, và lại ở tù thêm lần nữa, chàng đầu hàng số phận, và tìm cách đền cho Mẹ một nàng dâu khác cho đến ngày được gọi đi diện H.O.  Cô vợ thứ hai cũng có chút nhan sắc, gặp nhau trong một chuyến vượt biên hụt. Nếu “Yêu nhau không phải là nhìn nhau mà cùng nhìn về một hướng” thì rõ ràng là chàng và nàng đang cùng dõi mắt trông vời về miền đất xa xăm bên kia bờ Thái Bình Dương. Cùng chung hướng nghĩa là “cùng chung lối mộng”, khi ấy chàng lạc quan nghĩ vậy. Cô nàng tuy không hẳn là vợ hiền dâu thảo nhưng cũng không nhẫn tâm bỏ chàng một mình trong lúc chàng vất vả chạy ngược, chạy xuôi lo hồ sơ xuất cảnh. Cuộc hôn nhân diễn ra êm thấm cho đến ngày vợ chồng qua Mỹ. Không ai đành lòng bỏ ai cả. Hay đúng hơn, hai người đều đồng ý bỏ nhau, đồng ý chia tay trong ôn hòa, bất bạo động. Chỉ sau một thời gian ngắn chung sống nơi xứ lạ quê người cả hai đều thấy rõ là không có chỗ nào có thể gọi là hòa hợp hòa giải với nhau được. Mọi cố gắng thỏa hiệp đều vô ích và tuyệt vọng. Những khác biệt đã phát triển gay gắt như ngày với đêm, mặt trời với mặt trăng, ánh sáng và bóng tối. Cho đến một lúc nào đó hai người đã chẳng nhìn nhau mà cũng chẳng còn “cùng nhìn về một hướng” nào nữa. Cái chung duy nhất là đứa con trai ba tuổi được tòa xử theo mẹ. Nàng còn có được nghề móng tay móng chân để nuôi con, còn chàng khi ấy chẳng có gì ngoài ít tiền mặt trợ cấp của welfare và mấy đồng bạc food stamp. Một lần nữa mẹ chàng lại nói đúng, “Chỉ tại mày thôi, mày đòi lấy nó chứ có ai bắt mày đâu.”

Lần khác, Nga hỏi chàng bao nhiêu tuổi.

“Điều tra gì dzữ dzậy? Bộ tính coi xem hai đứa có hợp tuổi nhau không chắc. Theo phép lịch sự ở Mỹ, người ta thường không hỏi tuổi đàn ông.”

Vĩnh cố ý nhấn mạnh tiếng “hai đứa” nhưng không thấy nàng có phản ứng gì.

“Đàn ông mà cũng sợ già.” Nga nghiêng nghiêng đầu ngắm chàng. “Trông anh cũng khó đoán tuổi. Có lúc ngó thấy trẻ, có khi lại thấy già sao đâu. Đâu anh thử ngồi yên coi, đừng có nhúc nhích, làm mặt nghiêm coi… Như vậy được đó. Đừng có cười nhiều, mỗi lần cười là đuôi mắt lại hiện ra… ‘những dấu chân chim’.”

“Tưởng em khen anh đẹp trai làm anh mừng. Ai cũng nói cười là liều thuốc bổ, làm cho người ta trẻ ra, chỉ có em là không chịu cho anh cười… Thôi đừng nói chuyện tuổi tác nữa em. Hãy cho đàn ông một cơ hội.”

“Cơ hội để lợi dụng chắc…”

“Xin lỗi cô à. Không biết ai lợi dụng ai.”

“Bây giờ thì em bắt đầu tin là anh bị vợ bỏ thật.”

“Cô độc ác quá!” Vĩnh nhăn mặt, áp bàn tay lên lồng ngực bên trái. “Vết thương kỷ niệm bây giờ lại rướm máu.”

“Làm cho phụ nữ cảm động cũng là một chiến thuật của đàn ông.”

“Anh rất dốt về chiến thuật, chiến lược.”

“Vậy chứ anh giỏi về môn gì?”

“Để nghĩ coi… Xem tướng phụ nữ. Hát karaoke.”

“Hai thứ đó đâu có liên quan gì với nhau.”

“Sao không? Cô nào trông có vẻ lãng mạn, đa sầu đa cảm, dứt khoát là phải có khuynh hướng thích nhạc buồn. Cứ chọn loại nhạc tình cảm sướt mướt, chia ly dang dở mà hát. Thế nào cũng đuợc khen hay.”

“Đó cũng gọi là chiến thuật vậy.”

“Chiến thuật tồi chỉ dẫn đến thất bại.”

“Cô vợ bỏ anh là vợ thứ mấy vậy?”

“Lại xâm nhập gia cư bất hợp pháp. Có khi nào anh thắc mắc là em đã có mấy đời chồng đâu.”

“Đừng nói nhảm. Chưa chồng thì nói là chưa chồng. Em đâu cần gì phải nói quanh co như anh.”

Vĩnh tin nàng chưa lập gia đình thật.

“Như vậy tốt.”

“Tốt cho anh hay cho em?”

Vĩnh cười trừ, nói kiểu ba phải:

“Cả hai.”

“Anh làm ở đây được họ trả cho mấy đồng một giờ?”

“Nữa! Lại hỏi toàn những chuyện cấm kỵ. Bộ không ai nói cho em biết là ở Mỹ có những câu hỏi riêng tư mà người ta thường kiêng cữ trong lúc chuyện trò hay sao?”

“Em hỏi là có lý do,” Nga nói. “Em chỉ cho anh một cái job khác tốt hơn.”

“Thôi cám ơn em. Anh mệt mỏi quá rồi em ơi. An phận cho xong. Thả mồi bắt bóng làm chi nữa. Có muốn cũng chẳng làm giàu được ở cái xứ này.”

Nga chống tay vào cằm, nhìn Vĩnh chăm chú như thể đang quan sát một sinh vật lạ lùng từ hành tinh nào khác đến.

“Anh nói nghe như ông già. Trông anh có vẻ thư sinh quá. Bên Việt Nam anh biết làm những thứ gì, nói thử em nghe coi?”

“Không nên coi thường nhau. Ngày xưa anh cũng bảnh lắm.”

“Chắc có chắc không, ai mà biết được…” Nga trề môi. “Anh nói giống y chang mấy ông H.O. Ông nào cũng hay kể chuyện đời xưa, thời vàng son thế này thế nọ. Người Mỹ thực tế hơn, họ đâu cần biết là ngày xưa ai làm vương làm tướng gì. Hễ làm việc tốt là họ quý trọng thôi. Tù binh Mỹ được thả về nếu có khả năng vẫn làm đến dân biểu, nghị sĩ được như thường.”

Vĩnh cảm thấy mình bị “kê” hơi nhiều. Chàng chưa tìm ra được lời gì để chống chế. Chàng cũng nhận thấy Nga khá thông minh và đôi lúc có những nhận xét rất tinh tế.

“Khó vừa vừa thôi em, còn để lấy chồng nữa chứ. Cũng phải thông cảm thôi, không cho họ nói những chuyện đó thì họ còn biết nói chuyện gì khác bây giờ.”

“Em thấy mấy ông H.O. ông nào cũng có vẻ tàng tàng,” Nga đưa ra nhận xét tiếp theo. “Ông chú em cũng vậy… Có nhiều ông bị vợ bỏ.”

“Hey, đừng nói vậy dễ đụng chạm. Dễ xa nhau à nghen!… Chuyện của mấy ông H.O. đâu có liên quan gì tới anh.”

“Em chỉ thấy sao nói vậy,” nàng nhe răng cười. “Chưa chi mà đã động lòng.”

Vĩnh thấy Nga có một chiếc răng khểnh mà lâu nay chàng không để ý. Có lẽ vì mỗi khi cười nàng thường lấy tay che miệng. Chiếc răng nhỏ, trắng và nhọn, trông ngồ ngộ.

“Em không nên cười đùa trên sự đau khổ của người khác,” Vĩnh dịu giọng. “Cần phải biết thương yêu đồng loại.”

“Ai thương em?”

Vĩnh muốn nói “Anh” nhưng chàng kịp ngừng lại. Chàng bắt chước lối đổi đề tài giống như Nga:

“Anh thích chiếc răng khểnh của em. Nó đâu có tội tình gì mà em cứ phải giấu đi.”

“Em ghét nó. Mấy lần em tính nhổ đi rồi làm lại cái răng khác. Ở đây làm dễ lắm.”

“Đừng có dại dột. Cái duyên trời cho. Em không nghe nói đôi khi chỉ vì một cái má lúm đồng tiền, một cái răng khểnh mà người ta lấy nguyên cả một cô vợ à? Nhổ mất là ế chồng ráng chịu.”

“Vô duyên.”

“Sao mà anh không thấy em khen anh được chỗ nào hết vậy kìa.”

“Đàn ông con trai gì mà cứ tươm tướp, tươm tướp. Hồi mới quen anh em đâu có thấy anh nói nhiều đến vậy đâu. Anh còn nói tiếng Việt không rành nữa mà… Anh tính bao giờ thì lấy vợ lại?” Nga lại đổi đề tài.

“Khó quá!”

“Gì mà khó. Để từ từ em kiếm cho một cô. Trong lớp em có mấy chị sồn sồn trông cũng được lắm, để em hỏi xem có bà nào ở một mình…”

Vĩnh không biết nàng nói chơi hay nói thiệt.

“Thôi em à. Để anh nghỉ ngơi một chút.”

“Ngó anh thấy mệt mỏi quá,” Nga lại trề môi, lúc lắc đầu. “Lúc nào cũng như ông già.”

Vĩnh đoán Nga chưa tới ba mươi tuổi. Chàng nhớ tới câu hát ngày xưa mà chàng và các bạn chàng vẫn lấy làm đề tài để cười nhạo thay vì cảm thương cho mối tình éo le, nghiệt ngã. “Khi em còn trong nôi, anh đã lo việc đời…(2) Chàng tự nhủ tuổi Nga và chàng làm gì mà chênh lệch tới mức đó… Và giả dụ có đến thế chăng nữa thì ở xứ Mỹ này cũng là chuyện bình thường thôi, đâu có gì lạ lùng. Nhiều cặp còn chênh lệch tuổi tác hơn thế nữa mà vẫn cứ lấy nhau thoải mái, hạnh phúc dài dài, nào có ai thắc mắc gì đâu.

Có mấy lần Nga rủ Vĩnh cộng tác với trường Việt ngữ mà nàng đang dạy.

“Họ đang cần một số volunteer,” Nga nói. “Em thấy anh dạy học được.”

“Anh cũng muốn lắm. Để xem có còn thì giờ không. Làm việc với trẻ em vậy mà thoải mái, đỡ phải nhức đầu như là với người lớn. Cứ nhìn những khuôn mặt thơ ngây, những đôi mắt sáng, những…”

“Thôi đi ông…” Nga làm chàng cụt hứng. “Đừng có tưởng tượng nhiều quá. Không đơn giản như anh tưởng. Lũ trẻ ở đây không ngoan ngoãn và dễ dạy như ở bên mình đâu. Có nhiều đứa lì lợm kinh khủng. Lắm lúc nổi quạu, muốn bỏ dạy. Làm giáo viên ở bên này khó hơn nhiều.”

“Hồi nhỏ đi học anh chỉ thích học với cô giáo,” Vĩnh nói sang chuyện khác. “Năm mười ba tuổi anh đã biết yêu cô giáo dạy môn Văn. Yêu sớm thì khổ sớm, yêu nhiều thì khổ nhiều…”

“Mười ba tuổi thì có hơi sớm,” Nga nói. “Còn tuổi anh bây giờ mà nói chuyện yêu đương thì lại muộn màng.”

“Tình yêu làm gì có tuổi em. Em làm như anh già lắm vậy. Tuổi trẻ thường háo hức, vội vã, bồng bột. Đến khi đứng tuổi người ta yêu từ tốn hơn, chín chắn hơn, đằm thắm hơn. Em có nghe bài hát…”

“Em chỉ biết có bài ‘Chuyến tầu hoàng hôn’. Ông chú em thích bài đó. Ổng cũng mê cô ca sĩ. Có lần em hỏi ổng H.O. là viết tắt của những chữ gì, ổng nói là ‘Hoàng Oanh’.”

Thỉnh thoảng nàng lại đưa ông chú H.O. của nàng vào câu chuyện.

“Không dám ‘Hoàng Oanh’ đâu. Chương trình H.O. sắp sửa hạ màn mà giờ này ông chú em mới lò dò qua đây thì đúng là ổng đi… ‘chuyến tầu hoàng hôn’ thiệt.”

“Em không biết tại sao ổng thích bài này. Ổng cứ nghe đi nghe lại hoài. Có khi ổng còn hát theo nữa.”

“Anh khác ổng. Anh không thích điệu bolero.”

“Vậy chứ anh thích điệu gì? Rap chắc?”

“Hai đứa mình nói chuyện âm nhạc chắc là không hợp nhau rồi. Thôi bỏ qua vụ ông chú của em đi. Nghe mệt quá!” Vĩnh lại nhấn mạnh mấy tiếng “hai đứa mình”. Nga dường như cũng không để ý.

Cũng như Nga, Vĩnh tự hỏi vì sao ông chú của nàng lại thích bài nhạc đó. Hẳn là ông phải có nỗi niềm tâm sự chi đây. Một bài nhạc đôi khi đối với người này chẳng có gì là hay ho nhưng đối với người khác thì lại khơi dậy cả một trời kỷ niệm. Bài hát như thế nào nhỉ? Chàng chỉ nhớ có mỗi câu cuối. “Nếu mai đây về, cũng trên chuyến tầu hoàng hôn…” Câu hát cứ lặp đi lặp lại, nhỏ dần nhỏ dần rồi tắt hẳn, như tiếng còi tầu xa dần, như bóng con tầu mờ dần… Hình ảnh con tầu và sân ga thường vẽ ra cảnh tượng buồn bã của một cuộc chia tay nào đó. Ông chú nàng đã trải qua bao nhiêu cuộc chia tay trong đời? Liệu có cuộc chia tay sướt mướt nào còn đọng lại, còn hằn sâu mãi trong tâm trí ông?… Chia tay với sân ga, hay chia tay với con tầu, cũng là chia tay với một mối tình. Mối tình nào, tiếng còi tầu nào vẫn còn đuổi theo ông mãi cho đến tận bây giờ?… Còn chàng, Vĩnh nghĩ, liệu chàng có đang đi về trên một “chuyến tầu hoàng hôn” nào đó không.

 

*    *    *

Stock Footage

Photo: Stock Footage

Vĩnh vừa trả lời điện thoại xong cho một người khách gọi tới hỏi về giờ giấc làm việc của thư viện thì chàng thấy Nga bước vào, ném mấy quyển sách lên mặt quầy.

“Hi, khỏe anh? Em trả mấy cuốn này. Anh xem thử có cuốn nào renew được thì giữ lại cho em. Em chưa đọc hết.”

Nói xong, nàng đi lại phía kệ báo, lục lấy mấy tờ báo chợ ngồi đọc. Khi cầm đến cuốn sách thứ hai, Vĩnh thấy là lạ, chàng ngó cái tựa sách. Một Thời Để Yêu, Một Thời Để Chết. Nga lấy được cuốn sách này ở đâu? Trong thư mục của thư viện chàng làm gì có cuốn này. Vĩnh hiểu ra khi nhìn thấy hàng chữ Seattle Public Library trên bìa sách. Chàng nhớ là đã dặn Nga một lần, chỉ những cuốn nào có đóng hàng chữ King County Library System ở ngoài bìa sách thì mới mang trả ở đây thôi, còn ngoài ra là thuộc các hệ thống thư viện khác. Vĩnh giở quyển sách, lật qua mấy trang. Chàng nhớ hình như đã có đọc qua truyện này hồi còn ở trong nước. Vĩnh trông thấy một tờ giấy, đúng hơn là một lá thư gấp lại. Chàng tò mò mở ra đọc…

“Nga yêu,

Vĩnh liếc nhìn về phía Nga. Nàng ngồi đó, trên chiếc ghế bành, khuôn mặt bị che lấp bởi trang báo. Chàng cẩn thận đặt  lá thư vào giữa lòng quyển sách, đọc tiếp.

Anh muốn viết cho em mỗi tuần một lá thư, nhưng anh sợ em không có thì giờ để đọc, hay là không còn muốn đọc anh nữa. Anh nghe nói ở bên Mỹ đàn bà con gái thường mau quên, vợ chồng dễ bỏ nhau lắm. Em còn tuổi trẻ, còn tương lai, còn cả quãng đời dài trước mặt. Rồi em sẽ gặp những người đàn ông khác trẻ trung hơn anh, học thức hơn anh, địa vị hơn anh và… không xài tiền Việt Nam như anh. Đã gần ba tháng nay anh chưa nhận được thư em. Anh nóng lòng muốn biết tin em. Ở bên Mỹ nghe nói ai cũng bận rộn. Em lại vừa đi học vừa đi làm, chắc không còn thì giờ nào để nghĩ đến anh. Đến một ngày nào đó không còn nhận được thư em nữa, anh hiểu rằng em đã thực sự quên anh, anh sẽ chẳng trách cứ gì em. Anh cầu chúc cho em…

(Đoạn sau hơi có vẻ cải lương… Chàng liếc xuống những hàng chữ dưới cùng).

Hôn em. Người bạn lòng xa em đến nửa vòng trái đất.

(Chưa hết. Người viết còn tham lam muốn nói thêm nữa… Hai dòng bên dưới chữ ký ngoằn ngoèo).

Nhớ em thật nhiều, đến tận cùng nỗi nhớ. Từ vóc dáng đến nụ cười, mái tóc, khuôn mặt…

Nhớ đừng nhổ chiếc răng khểnh của anh!”

Vĩnh gấp vội quyển sách lại. Chàng đưa mắt nhìn quanh như sợ ai đó bắt gặp, có cảm giác ngượng ngập như vừa lấy trộm một thứ gì. Nga vẫn ngồi đó. Vĩnh không biết nàng đã vô ý bỏ quên lá thư giữa những trang sách hay nàng cố tình làm vậy để chàng có cơ hội đọc nó không chừng. Chàng lặng người đi trong giây lát. “Chiếc răng khểnh của anh!”. Không phải của chàng. Nga đã thuộc về một người khác. Vĩnh vẫn biết điều đó, nhưng chưa bao giờ thực tế lại hiện ra trước mắt chàng rõ rệt hơn phút này. “Nhớ em đến tận cùng nỗi nhớ!”. Ở đâu chàng cũng nghe, cũng đọc thấy câu ấy. Người đàn ông kia chắc chắn là phải yêu Nga hơn chàng nhiều. Tình yêu ở chàng chỉ mới vừa chớm lên. Nhưng nếu cứ ở gần mãi bên nàng, ngày nào đó chàng sẽ yêu Nga nhiều hơn, nhiều hơn cả anh ta nữa không chừng. Lòng chàng dễ mê đắm, tim chàng dễ yếu mềm. Vĩnh biết rõ nhược điểm của mình. Anh chàng kia chỉ sợ mất đi chiếc răng khểnh. Còn Vĩnh, chàng đã từng mất mát nhiều thứ, đã từng đánh rơi nhiều vật quí giá hơn thế nữa. Có mất thêm thứ gì nữa, một bóng cây, một con suối, một giếng nước bên đường cũng không phải là điều gì ghê gớm lắm, cũng không đến nỗi làm chàng phải ngã quỵ. Chàng vẫn còn có thể gượng đứng dậy được. Rồi chàng sẽ quên đi như đã từng tập quên đi. Chàng đã quen rồi những mất mát, những rủi ro, những khổ đau, những chia lìa. Những thứ đó từng là bạn đồng hành quen thuộc của chàng trong cuộc đời tẻ nhạt này.

Vĩnh thấy lòng mình chùng xuống. Chàng nghĩ đến việc sẽ xin đổi đi một cái branch nào khác. Nơi ấy thật xa xôi, thật ít người Việt, có lẽ cũng chẳng có được cuốn sách giáo khoa tiếng Việt nào. Chàng sẽ dặn lại những người cùng làm việc với chàng ở đây để nếu Nga có hỏi cũng chẳng ai nói cho nàng biết chàng đã đi đâu, về đâu. Nga có tìm đến đây, có ngồi ở thư viện hết ngày này sang ngày khác cũng sẽ chẳng bao giờ còn trông thấy được chàng. Rồi Nga cũng sẽ mau chóng và dễ dàng quên chàng như đã từng quên đi những anh chàng vớ vẩn có lần đụng phải, có lần gặp gỡ phất phơ đâu đó trong đời nàng mà chẳng bao giờ còn gặp lại lần thứ hai. Nàng cũng sẽ thản nhiên đi tiếp, đi mãi cho đến hết con đường của nàng mà chẳng hề có chút hình ảnh nào của chàng đọng lại ở một góc nào trong tâm trí nàng… Nhưng rồi Vĩnh lại nghĩ, đâu có việc gì mà phải trốn tránh như vậy. Chàng tự nhủ hãy cứ giữ lòng bình thản. Nào đã có gì đâu. Chỉ là một lá thư, chỉ là những dòng chữ. Một lá thư với những dòng chữ thương thương, nhớ nhớ như bao lá thư khác chàng đã từng viết, từng đọc. Thế mà cũng đã làm cho chàng phải sững sờ đến như vậy. Rồi Vĩnh tự cười mình. Chàng thấy mình đã từng tuổi này mà vẫn còn đa sầu đa cảm, vẫn còn ra vẻ lãng mạn. Chàng thực sự đâu đã biết tình cảm của Nga đối với chàng như thế nào. Và tình cảm của nàng đối với người đàn ông kia lúc này ra sao. Anh ta lại ở xa nàng quá, xa mãi đến “nửa vòng trái đất” đúng như là anh ta viết. Xa mặt thì phải cách lòng, ông bà mình đã nói vậy, đâu có sai được. Trong lòng chàng lại nhen nhúm lên một tia hy vọng mơ hồ.

Vĩnh ngó đồng hồ. Chàng đi lại chỗ Nga đang ngồi, làm ra vẻ tự nhiên, đặt mấy cuốn sách lên chiếc bàn thấp bên cạnh nàng.

“Anh nghỉ lunch break. Ra ngoài kiếm gì ăn không?”

“Em không đói.”

“Thì ngồi coi anh ăn.”

“Chỗ nào gần thôi. Em không đi xa đâu.”

“Gần xịt. Tiệm McDonald’s  ngay bên cạnh. Đi bộ mấy bước là tới.”

“Ở đó có gì mà ăn. Em ghét thức ăn Mỹ. Em biết có một tiệm phở ở gần đây.”

“Đó là tiệm phở dở nhất Seattle. Em muốn ăn phở hôm nào anh dắt đi chỗ khác. Bữa nay không đủ giờ.”

Hai người chọn một bàn khuất. Trưa vắng. Vĩnh nói Nga chờ một chút trong lúc chàng đi lấy thức ăn. Lúc quay về chỗ ngồi, Vĩnh thấy Nga đang cúi đầu đọc cái gì đó. Nghe tiếng chân Vĩnh, nàng gấp vội cuốn sách lại, đôi mắt ngước nhìn chàng dò hỏi. Cuốn sách có lá thư trong đó.

“Cuốn sách ấy là của Seattle Public Library. Anh cũng gọi renew cho em rồi.”

Nga không nói gì. Vĩnh cảm thấy đói, chàng ăn uống tận tình, một loáng đã xong phần của chàng.

“Trông anh ăn ngon lành quá,” Nga nói.

“Phải ăn để mà sống chứ em. Anh dễ tính, dễ nuôi từ lúc ở tù về, có gì ăn nấy, không đòi hỏi gì cả.”

“Anh mà cũng ở tù sao?” Nga hỏi.

“Sao không?” Vĩnh lỡ lời, đành tìm cách giải thích, “Sau năm 75 cả nước đi tù, đâu phải mình anh. Không tù này thì cũng tù kia. Cột đèn mà biết đi thì cũng đâu có chịu ở lại, em không nghe nói vậy à?”

Sợ Nga hỏi thêm, Vĩnh làm bộ đứng dậy đi lấy thêm ít khăn giấy. Trở về bàn, chàng thấy Nga ngồi yên lặng như đang suy nghĩ chuyện gì, miệng nhấm nháp mấy lát french fries, mắt lơ đãng nhìn ra phía ngoài. Vĩnh lặng lẽ ngắm nhìn nàng. Khác với cách nói, cười khá ồn ào thường ngày, Nga có lối ăn chậm rãi, nhỏ nhẻ. Trước giờ, Vĩnh ít khi muốn nhìn phụ nữ trong lúc họ ăn uống, chàng vẫn cho rằng những lúc ấy trông họ không lấy gì làm đẹp lắm. Ở Nga, chàng lại thấy khác. Vĩnh kín đáo quan sát từng cử động nhỏ nhặt của nàng. Bàn tay mềm mại, những móng tay cắt khéo, hai ngón tay thong thả nhón từng lát khoai, thong thả chấm nước xốt ketchup, thong thả đưa lên miệng. Đôi môi xinh xinh chúm lại, thong thả ngậm lấy chiếc ống hút. Một chiếc nốt ruồi nhỏ xíu ẩn hiện nơi khóe miệng. Chàng như mỗi ngày lại khám phá thêm ra điều gì đó mới lạ ở nàng. Giống như cách ăn uống của người Mỹ, miệng nàng vẫn khép kín trong lúc nhai. Đôi môi hơi mím lại, chiếc cằm nhỏ xinh xắn chuyển động thật nhẹ nhàng. Một dáng vẻ lơ đãng, uể oải, lại như có chút gì nghiêm nghị.

“Nhìn gì dzữ dzậy?” Nga hỏi. Đôi mắt sắc, hàng mi cong.

Vĩnh thấy đôi má nàng ửng đỏ.

“Ăn gì giống như mèo. Bộ diet chắc.”

Nga không trả lời. Vĩnh gợi chuyện:

“Sao bữa nay hiền quá vậy ta? Nhớ bồ à?”

“Hông dám đâu. Ngày mai em có cái final.”

Vĩnh dọ dẫm ít câu, sau cùng Nga cũng bộc lộ đôi chút về người yêu của nàng.

“Ảnh hiền lắm, cũng ham đọc sách như anh vậy. Em thì lười, truyện gì ngăn ngắn thì còn đọc được, dài quá thôi chịu. Ảnh cũng khá lớn tuổi, chắc cũng gần bằng tuổi anh vậy… (Em biết tuổi anh bao nhiêu đâu mà nói, Vĩnh nghĩ bụng). Ảnh hay có mặc cảm là già hơn em… (Thì anh cũng thế, Vĩnh nghĩ). Ngày em đi ảnh buồn lắm. Tội nghiệp, ảnh chỉ sợ mất em. Gia đình em lại có vẻ không thích ảnh, cứ nói em mà lấy chồng là khỏi có được xuất cảnh…” (Đúng quá rồi! Vĩnh lại nghĩ).

“Như vậy là em cũng đâu có yêu thương gì anh chàng đó. Hoặc là yêu chưa đủ ‘đô’. Chỉ mới ‘hình như, có lẽ, chắc là tình yêu’. Nếu thực tình yêu nhau là em phải tình nguyện ở lại. Anh đã thấy nhiều cô khước từ chuyện xuất cảnh, bất chấp gia đình, nhất định ‘tử thủ’ với người mình yêu. Nước Mỹ đối với họ là con số không vô nghĩa.”

“Em đâu có muốn đi, tại ảnh cứ bắt em…”

“Vừa thôi cô. Ai bắt nổi cô! Em làm như anh dễ tin lắm vậy.”

“Thật ra thì em với ảnh tính với nhau, em qua đây ít năm, học xong rồi về lại, hai đứa…”

“Không dễ gì đâu cô ơi! Lòng người…, rồi ngoại cảnh, rồi bao nhiêu thứ…”

“Anh nói em thay lòng đổi dạ chứ gì?”

“Anh không định nói như vậy,” Vĩnh nói và chàng nghĩ đến lá thư nằm trong lòng quyển sách.

“Hay là anh ấy thay dạ đổi lòng?”

“Anh đâu có mong cho em điều đó. Anh chỉ muốn nói là có những cái mà người ta không thể nào tiên liệu trước được… Có những điều mà hôm nay người ta vẫn cho là đúng, ngày mai có thể là sai, hoặc sẽ không còn hoàn toàn đúng nữa. Hoặc, đôi khi chỉ đúng vào lúc này mà không đúng vào lúc khác. Ví dụ, em có thấy là nước Mỹ ngày hôm nay khác với những gì em đã tưởng tượng khi còn ở Việt Nam, và cũng khác với cái nhìn đầu tiên của em ngày mới đặt chân đến?”

“Anh có vẻ có nhiều kinh nghiệm. Vậy anh khuyên em phải làm sao?”

“Làm sao anh dám khuyên em điều gì,” Vĩnh nói. “Anh khuyên anh còn chưa xong. Đời anh đã là một chuỗi dài những lỗi lầm, thua thiệt trong tình yêu, thất bại trong hôn nhân. Kinh nghiệm nếu có thực ra chỉ là những bài học cay đắng rút ra từ những thất bại. Một trong những cái mà anh đã học được là phải biết tự quyết định. Dù đúng dù sai, dù hay dù dở. Phải dứt khoát, rạch ròi. Phải là chính mình, chứ không thể bất cứ ai khác, quyết định lấy mọi chuyện, trách nhiệm lấy cuộc đời mình. Cũng như chuyện năm 75 chẳng hạn, em cũng thấy đó, chỉ một phút một giây quyết định khác đi thôi, xuống tầu hay lên tầu, là cuộc đời mỗi người đã rẽ sang một hướng khác. Người ta chỉ sống có một lần thôi em à.”

Vĩnh thấy mình có vẻ dài dòng. Nga bảo chàng nói nhiều cũng là phải. Có đôi lúc chàng nói năng lung tung. Có đôi khi chàng không biết là mình đang nói gì. Chàng đang nói với Nga hay nói với chính mình? Và Vĩnh cũng không hiểu chàng nói với Nga những lời ấy để làm gì, để mong thuyết phục nàng điều gì đó chăng? Chàng muốn Nga phải quyết định cái gì đây? Chàng có thực tâm mong muốn những điều tốt đẹp đến cho nàng? Vĩnh ngờ vực cả chính mình.

Vĩnh cũng thấy dường như Nga có vẻ nghĩ ngợi. Ánh mắt nàng nhìn chàng có khác hơn mọi ngày. Chàng không thể đọc được những gì đang ở trong đầu nàng. Nàng đang suy nghĩ về những câu nói của chàng, hay nàng chỉ làm ra vẻ suy nghĩ mà chẳng suy nghĩ gì cả. Đôi lúc chàng thấy Nga có vẻ khó hiểu. Nàng kém chàng đến bao nhiêu tuổi? Vĩnh không biết. Nàng đâu có còn ở độ tuổi thơ ngây, nàng phải khôn ngoan hơn chàng tưởng. Liệu chàng có cho là chàng hiểu được nàng. Sau bao lần vấp ngã, dường như Vĩnh vẫn không tỏ ra hiểu biết gì nhiều hơn về phụ nữ, về tình yêu. Từ lúc chia tay với cô vợ sau, chàng cũng có đôi lần gặp gỡ những người đàn bà khác, cũng có những thoáng xao động vậy, thế nhưng những gợn sóng lăn tăn ấy cũng chẳng kéo dài được lâu. Sau khi hòn sỏi chìm lắng xuống đáy hồ, mặt nước lại trở nên phẳng lặng. Trái tim chàng đã chai cứng, hay sau những lần đổ vỡ, chàng buộc phải đắn đo, dè dặt.

Nga vẫn lặng yên nhìn chàng, ánh mắt vẫn có vẻ khác lạ. Dù sao thì đây cũng là lần đầu tiên hai người nói chuyện với nhau có vẻ đứng đắn một chút.

 

*    *    *

Từ sau buổi ấy, Vĩnh đã không gặp Nga suốt hơn hai tuần lễ. Chàng không hiểu và không đoán được chuyện gì xảy ra. Có phải vì những điều chàng đã nói với Nga? Không có lẽ nào, câu chuyện đâu có gì là nghiêm trọng. Và chàng nhớ là mình cũng đâu có nói điều gì quá đáng. Hơn nữa, chàng nghĩ tính Nga dễ quên, nàng đâu có phải là dạng người dễ bận tậm về những chuyện lỉnh kỉnh như vậy. Cho đến một hôm Vĩnh nhận được một cái postcard gửi đến thư viện cho chàng. Vĩnh đọc thấy tên chàng. Rồi hàng chữ White Center Library. Rồi hàng địa chỉ ghi sai một con số. Vậy mà cũng tới được. Tấm ảnh chụp chiếc cầu Golden Gate. Mấy dòng chữ ngoáy, có vẻ như người viết đang vội vã: “Gửi cho anh chiếc cầu mà anh thích. Em đang ở San Francisco. Tuyệt lắm! Lúc nào về em kể cho nghe. Em đi với mấy nhỏ bạn. Tính rủ anh đi cho vui mà sợ anh bị mất job tội nghiệp. Đừng ham làm việc quá. Phải relax như em vậy. Nhớ tìm cuốn sách đó cho em nghe, sẽ có quà cho anh để thưởng công…

Chỉ thiếu dòng chữ cuối, “nhớ anh” hoặc “hôn anh” thì đúng là thư của một người tình viết cho một người tình. Như vậy là Nga hiện không có mặt ở thành phố này. Nàng đang ở xa chàng. Dù sao nàng cũng đã nhớ tới chàng. Ý nghĩ Nga không còn ở cạnh chàng và nàng đang vui chơi cùng bạn bè làm lòng Vĩnh se lại.

Bạn bè Nga là những ai? Vĩnh nhớ chàng có gặp một vài lần ở thư viện. Có hôm, trong lúc đang ngồi check in những sách do khách mang trả Vĩnh nghe thấy tiếng gọi:

“Hi, Nga. Làm gì ở đây vậy?”

Người gọi Nga là một thanh niên đeo kính trắng, ăn mặc kiểu cọ, trông khỏe mạnh và khá bảnh trai. Lúc ấy Nga đang ngồi ở bàn computer. Vĩnh thấy Nga ngước lên, mỉm cười, rồi lại cúi xuống tiếp tục gõ lên bàn phím. Chàng thanh niên tiến về phía Nga, đứng sau lưng nàng, xem nàng làm việc. Rồi anh ta vừa cúi xuống nói gì đó vào tai Nga vừa chỉ chỏ vào màn hình, hai người nói cười vui vẻ. Có lúc chàng thấy hai bàn tay anh ta đặt lên vai Nga, vuốt ve xoa nắn tự nhiên. Nga vẫn để yên, tiếp tục gõ gõ bàn phím. Có lúc Nga thấy đau hay nhột nhạt sao đó, nàng rướn người lên, rụt cổ lại, rồi lại tiếp tục gõ bàn phím. Khi Nga đến gần chàng, Vĩnh hỏi:

“Anh chàng nào mà ‘lả lơi’ vậy em?”

“Tuấn, học chung lớp em. Quậy lắm. Nó kém em mấy tuổi, cứ đòi làm em em. Tuấn giỏi computer lắm anh.”

Tuấn tiến lại gần, Nga giới thiệu chàng thanh niên. Anh ta chỉ ngó chàng cười cười rồi quay sang nói chuyện với Nga. Chàng nghe hai người nói với nhau ít câu tiếng Việt xen ít câu tiếng Mỹ. Nga nguýt Tuấn và nói một câu gì đó, rồi Tuấn bậm môi, đấm dứ dứ vào vai Nga. Lát sau, Tuấn quay qua hỏi chàng:

“Chú làm part time ở đây à?”

Vĩnh thấy Nga quay đi mỉm cười.

 

*    *    *

Nga vẫn chưa thấy đến. Vĩnh nghĩ thế nào nàng cũng phải đến. Nàng nói sẽ đến thư viện để mượn lại cuốn sách hôm trước. Nga cần nó cho lớp dạy tiếng Việt tuần này. Vĩnh không biết là sách gì để giữ lại cho nàng… Chàng bỗng nhớ Nga lạ lùng. Nhớ những lúc nàng chống cằm nhìn chàng, mắt chớp chớp, ngón tay cái đỡ lấy chiếc cằm xinh xắn. Nhớ những lúc nàng che miệng cười để giấu chiếc răng khểnh. Nhớ từng câu hỏi thẳng thừng, từng câu nói bắt bẻ của nàng. Nhớ lúc nàng hỏi chàng, “Vợ anh đâu?”  Nhớ đôi mắt sắc, đôi má ửng hồng khi nàng hỏi, “Nhìn gì dzữ dzậy?”  Nhớ chiếc bàn computer kia nàng vẫn thường ngồi đó, những ngón tay xinh xắn gõ nhẹ lên bàn phím. Nhớ những lúc nàng giơ cao ngón tay trỏ, gọi Vĩnh, “Help, help, please!” để nhờ chàng đến bên nàng chỉ dẫn. Nhớ chiếc ghế bành bọc nệm ở một góc khuất sau những dãy kệ sách, nơi nàng vẫn thường ngồi dựa lưng đọc những tờ báo chợ, đầu ngửa ra, hai chân bắt chéo gác lên chiếc bàn thấp. Chiếc ghế đó bây giờ trống trơn.

Vĩnh không biết Nga sẽ nghĩ thế nào khi chàng nói với Nga rằng chàng yêu nàng. Chàng không tiên liệu được phản ứng của Nga sẽ ra sao. Nàng có bị bất ngờ, có mở to mắt ngạc nhiên, có lại chăm chú ngắm nhìn chàng như thể đang quan sát một sinh vật lạ lùng nào đến từ ngoài trái đất. Dù sao, Vĩnh nghĩ chắc nàng sẽ không cho là chàng nói đùa. Nếu phải ngỏ lời với Nga, Vĩnh không biết sẽ phải bắt đầu như thế nào. Chàng thấy mình ngớ ngẩn, vụng về như chàng trai mới lớn, mới biết yêu lần đầu… Vĩnh không thể biết được chuyện gì sẽ xảy ra sau đó, sau khi chàng ngỏ lời với nàng. Chàng sẽ mất nàng, sẽ mất tất cả, chàng sẽ làm hư hỏng mọi chuyện, sẽ tự làm vuột mất chút hạnh phúc hiếm hoi đang có trong tay mình? Nàng sẽ bay vụt đi mất. Chàng sẽ tiếc ngẩn ngơ… Dù sao, chàng cũng đã có được những phút vui ngắn ngủi bên cạnh nàng. Dù sao, Nga cũng đã có những thoáng phút giây nào đó nghĩ đến chàng. Những giây phút êm đềm. Weep not for the memories. Remember the good times that we had?… (1) Nga đã chẳng hát cho chàng nghe câu hát này một lần đó sao? Vĩnh buồn rầu nghĩ đến một ngày nào đó chàng sẽ phải thực sự xa nàng.

Vĩnh ngó ra ngoài ô cửa kính. Bóng tối đã phủ trùm từ lúc nào. Chàng nghĩ đến những buổi tối đi về một mình, như đêm nay, như lát nữa đây, chàng lại vẫn đi về một mình. Ðêm nay có phải là đêm năm cùng tháng tận, có phải là đêm trời đất giao hòa? Vĩnh nhớ khi nãy Jennifer hỏi chàng có phải đêm nay là New Year’s Eve của người Việt. Chàng như không còn nhớ được ngày tháng. Ðã mấy mùa xuân lạnh lùng, buồn tẻ đi qua nơi xứ người… Vĩnh cúi nhìn đồng hồ tay. Đã gần chín giờ tối. Như vậy là Nga đã không đến. Nàng bận chuyện gì đó, có thể hôm sau chàng sẽ biết. Nhưng còn quyển sách thì sao?… Tiếng Jennifer nói qua speakers thông báo với khách còn ít phút nữa thư viện đóng cửa. Vĩnh đánh một vòng, hạ các màn cửa, tắt bớt vài ngọn đèn, tắt các máy computers, thu nhặt những tờ tạp chí rải rác trên các mặt bàn. Những người khách cuối cùng lần lượt đứng dậy chuẩn bị rời thư viện, đứng xếp hàng một trước quầy front desk, mỗi người cầm trên tay một vài cuốn sách hoặc dĩa CD, DVD… Vĩnh thấy trong số ấy có một người đàn ông Việt Nam khá lớn tuổi, dáng cao và ốm, vẻ mặt trông khắc khổ. Chàng thấy quen quen nhưng không nhớ rõ đã gặp ở đâu. Khi sách vừa check out xong, ông ta vội vã bước ra… Tiếng Jennifer đuổi theo:

“Excuse me, sir. You forgot your book.”

Người đàn ông không nghe thấy. Vĩnh vội cầm lấy cuốn sách, rảo bước theo sau.

“Xin lỗi, ông còn quên cái này.”

Người đàn ông dừng lại khi vừa đẩy cánh cửa định bước ra phía ngoài, quay nhìn chàng nói cám ơn. Bàn tay vừa định cầm lấy cuốn sách bỗng đập mạnh vào vai chàng.

“Kìa, Vĩnh phải không?… Nhớ mình chứ? Toàn đây. Già quá nhận không ra phải không?… Khi nãy thấy cậu quen quá mình tính hỏi. Bây giờ mới nhớ ra. Trông cậu vẫn thế, ít thay đổi… Mình mới qua Mỹ được mấy tháng. Cậu đi H.O. mấy?”

Ông ta tuôn ra một tràng. Vĩnh khựng người, quên trả lời. Chàng nhìn xuống cuốn sách vẫn còn trên tay mình. Em Học Việt Ngữ.

“Mình cứ hay quên như vậy. Mượn cho nhỏ cháu. Nó dạy tiếng Việt cho mấy đứa bé ở đây ấy mà… Gặp cậu mừng quá. Chắc cậu qua trước mình lâu rồi?”

Bây giờ Vĩnh mới định thần, nhìn kỹ người đàn ông. Đúng là Toàn. Toàn “mánh”.  Trại tù A 30.  Nhưng nếu anh ta không nói, chàng khó lòng mà nhận ra được. Toàn trông ốm và già hẳn đi, tóc nhiều sợi bạc, mặt nhiều nếp nhăn, hai má móm mém, chắc không còn được cái răng nào. Kết quả của những năm dài tù tội…

Và Vĩnh, chàng bỗng thấy mình cũng già sọm đi hơn bất cứ lúc nào.

Lê Hữu

(1)  I will remember you, Sarah McLachlan

(2)  Hai mươi, bốn mươi, Y Vân

(Bài đăng lần đầu trên tạp chí Văn Học, 3/2000)

 

 

 

©T.Vấn 2018

Bài Mới Nhất
Search