T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngộ Không: Chữ nghĩa làng văn (Kỳ 140)

 

clip_image002

 

Truyện Kiều với Hoàng Xuân Hãn (II)

Theo Đại Nam chính biên liệt truyện viết: “Du trường ư thi, vưu thiện quốc âm, tự Thanh sứ hoàn, dĩ Bắc hành thi tập cập Thúy Kiều truyện hành thế”. Nghĩa là Nguyễn Du có tài về thơ chữ Hán lại giỏi về thơ quốc âm, từ khi đi sứ nhà Thanh về có cho ra đời bộ Bắc hành thi tập.

Thì rõ ràng là Truyện Kiều đã được Tố Như tiên sinh viết ra sau khi đi sứ Tàu về.

Thế nhưng GS Hoàng Xuân Hãn lại căn cứ vào châu phê của Nguyễn Lượng (trước năm 1802) mà cho rằng, Nguyễn Du đã viết Truyện Kiều trước khi đi sứ.

Nhận xét ấy cũng không xác thực vì Chiêm Vân Thị trong Thúy Kiều truyện tường chú đã cho rằng:

Kinh bản có lời phê của họ Vũ và họ Nguyễn. Có người xưng hai nhà này là bậc danh nhân, đồng thời với Hồng Sơn tiên sinh. Song xét những lời phê bình đó đều thấp kém quê mùa. Có lẽ là một tay xoàng xĩnh nào mượn tiếng đó thôi chứ không phải là danh nhân”.

Thực ra câu ấy mà ghi là lời phê của Nguyễn Lượng thì sai hẳn vì câu ấy chính là của Thanh Tâm Tài Nhân viết trong quyển Kim Vân Kiều truyện của Tàu. Câu ấy lại không có trong Đoạn trường tân thanh của Tiểu Tô Lâm – Nọa Phu – Nguyễn Hữu Lập san cải chép tay năm 1870. Vì vậy, chúng tôi cho rằng, Nguyễn Du đã viết quyển Truyện Kiều tức Đoạn trường tân thanh sau khi đi sứ về vào năm 1814 như Đại Nam chính biên liệt truyện đã ghi chép.

Chúng ta lại cũng cần biết rằng, nếu Nguyễn Du không đi sứ sang Tàu thì làm sao ông có được quyển Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân. Quyển này ở bên Trung Quốc hồi đó cũng đã rất hiếm, nay chỉ còn hai bản: một bản do Sơn Thủy Lân in đầu đời Thanh, hiện còn lưu giữ ở Thư viện Đại Liên và một bản hiện còn được lưu giữ ở Thiển Thảo văn khố bên Nhật.

(Nguyễn Quảng Tuân – Nguyễn Du viết “Truyện Kiều” khi nào?)

Lọ

Lọ: cần, cần gì

Đồng thị thiên nhai luân lạc nhân

Tương phùng hà tất hà tương thức

(…)

Cùng một lứa bên trời lận đận

Gặp gỡ nhau lọ sẵn quen nhau

(Tỳ Bà Hành – Bạch Cư Dị)

(Tự điển tiếng Việt cổ – Nguyễn Ngọc San, Đinh Văn Thiện)

Chồng như đó, vợ như hom

Đó: giỏ đan bằng tre nứa hình ống, có hom, dùng để bắt cá tôm.

Hom: nắp đậy đó hình cái phễu, đan bằng tre nứa khít với miệng

giỏ (đó) để cá vào mà không ra được.

Chồng như đó là chồng làm ra tiền. Vợ như hom là vợ biết cất giữ

tiền. Ta có câu “Của chồng công vợ” cùng nghĩa trên.

(Việt Chương – Thành ngữ, tục ngữ, ca dao VN)

Giai thoại làng văn xóm chữ

Dùng Truyện Kiều điều khiển trâu (1)

Giai thoại truyền tụng rằng có anh thư sinh nọ nhân dịp năm cũ sắp hết được nghỉ học nên về quê ăn Tết. Đi qua một cánh đồng thấy mấy cô thôn nữ đang cho trâu ăn, chàng thư sinh liền tẻ vào đến làm quen, một cô trong bọn liền ngâm một câu Kiều:
“Trông chừng thấy một văn nhân…”
Rồi cô bỏ lửng, anh chàng liền lên mặt thách thức:
– Chà, các cô thuộc truyện Kiều lắm đấy nhỉ?
Một cô nhanh nhẩu đáp:
– Anh chắc giỏi Kiều lắm nên mới hỏi thế chứ gì? Vậy nhờ anh đọc một câu Kiều bảo con trâu đang đi ở chỗ kia đứng lại dùm tụi em xem nào.

Chàng thư sinh hơi chột dạ, nhưng cũng mạnh dạn đọc:
“Tần ngần “đứng” suốt giờ lâu,
Dạo quanh chợt thấy mái sau có nhà.”

Anh ta cố ý đọc to chữ “đứng” để con trâu đứng lại nhưng con trâu vẫn lững thững bước đi.

Một cô liền nói:
– Thôi, anh chả bảo nó được đâu, để em bảo dùm cho.

Đoạn cô ngâm:
“Họ” Chung có kẻ lại già,
Cũng trong nha dịch lại là từ tâm.”

Cô đọc to và kéo dài chữ “họ”, quả nhiên con trâu đứng lại ngay.

Triết lý củ khoai

Ta cứ ngỡ xuống trần chơi một thoáng
Nào ngờ ham.. mua bán đến hôm nay!

(Thích Tánh Tuệ)

Đất lề quê thói với phong tục cổ truyền

Gia phả 1

Gia phả là lịch sử của một dòng họ, một gia đình lớn. Thiết tưởng không cần phải nói nhiều về ý nghĩa mà mỗi cuốn gia phả của từng dòng họ đều đã nói rõ trong từng lời tựa. Đành rằng cái ăn, cái mặc để nuôi sống gia đình và bản thân là việc hàng đầu. Nhưng có thấy nỗi day dứt của những người có tâm huyết muốn truyền cho con cháu biết đời cha mình do ai sinh ra, từ đâu đến, tổ tiên công đức ra sao, ngặt vì gia phả đã mất; có thấy được nỗi niềm của những người trú ngụ ở phương xa không được cha ông truyền cho biết gốc gác của mình từ đâu, họ hàng là ai, khi đó mới thấy đầy đủ ý nghĩa của hai chữ “Gia phả-Gia bảo”.

Thời trước họ nào cũng có gia phả, có họ từng nhà còn có gia phả. Nếu vì thuỷ, hỏa, đạo tặc để mất vàng bạc- của cải gì thì mất, chứ không để mất gia phả. Ngặt vì gia phả ngày xưa viết bằng chữ Hán, hơn nữa từng chi từng nhà chỉ nối phần trực hệ của chi mình, nhà mình, thảng hoặc mới có một cuốn gia phả ghi đời tiếp nối của chi anh, chi em, đến đời hai đời ba là cùng, do đó nếu một chi mất gia phả thì chi khác không thể bổ cứu. Hiện nay, do mất gia phả nên nhiều họ tuy cùng ở với nhau trong một địa phương vẫn không biết nhau, không nhận được quan hệ họ hàng. Về một ý nghĩa khác, gia phả sở dĩ gọi là gia bảo vì đó là lịch sử của tổ tiên nhiều đời truyền lại, là điều tổ tiên muốn gửi gắm lại cho đời sau. Bất cứ họ nào, bất cứ con người nào trong họ, có tài năng lỗi lạc đến đâu, cá nhân cũng không thể viết được toàn bộ gia phả mà chỉ có kế thừa đời trước và truyền dẫn đời sau.

Gia phả các họ có thể là các nguồn bổ sung tư liệu rất quý, rất dồi dào cho quốc sử, nếu các nhà sử học biết khai thác cũng có khả năng từ gia bảo trở thành quốc bảo.

Tam Tự Kinh

clip_image004

“Nhân chi sơ Tính bản thiện. Tính tương cận Tập tương viễn. Cầu bất giáo Tính nải thiên. Giáo chỉ đạo Quí dĩ chuyên. Tích Mạnh mẫu Trạch lân xứ. Tử bất học Ðoạn cơ chữ, v……”

(Người lúc đầu Tính vốn lành Tính giống [thì] gần Thói khác [thì] xa Nếu không dạy Tính thay đổi Chuyên cần [là] quí Chuyện mẹ thầy Mạnh Chọn xóm giềng Con không học Chặt khung cửi…)

(Viên Linh – Những ông thầy thời niên thiếu)

Rượu ta…ngoại truyện (1)

Khó có thể biết được rượu ra đời từ lúc nào, ở đâu, song nói về rượu, về tác dụng chữa bệnh, về văn hóa uống rượu thì tất cả các dân tộc trên thế giới đều có. Ở Việt Nam, rượu gắn với sinh hoạt cộng đồng, với các nghi lễ, hội hè, đình đám, với những lời thề ước…

Rượu và lịch sử hình thành vùng đất này gắn liền với bước chân những người đi mở cõi thế kỷ XVII – XVIII

Tới đây xứ sở lạ lùng

Con chim kêu cũng sợ con cá vùng cũng kinh

Gắn liền với đời sống sinh hoạt hàng ngày thức uống của họ ngoài nước mưa, nước giếng. Rượu cũng là loại đồ uống không thể thiếu, nhưng không phải là nước, và đương nhiên rượu cũng được chế biến kỳ công hơn là…nước.

Xét về góc độ văn hóa, rượu đã tạo nên một đặc trưng thú vị!

(Nguồn: Bùi Túy Phượng)

Chữ và nghĩa

Lờ đờ, lừ đừ – Lờ đờ nói đến vẻ thiếu tinh khôn, dáng điệu không nhanh nhẹn. Còn lừ đừ có thêm nghĩa là dáng nặng nề chậm chạp, nhưng vẫn có thể còn tinh khôn. Trong một truyện ngắn trên Thế Kỷ 21, tác-giả viết: ‘Bên tay phải, cầu Trà khúc nhộn nhịp xe cộ, dưới cầu dòng nước cạn chảy lừ đừ.’’ Có lẽ “lờ đờ” chính xác hơn chăng: lờ đờ là chậm chạp, uể oải.

Thí dụ: nước chảy lờ đờ, cặp mắt lờ đờ (glassy eyes), con sông lờ đờ trôi (sluggish river). Lờ-đờ như gà ban hôm. Lừ đừ cũng có nghĩa là uể oải, mệt mỏi, nhưng hay dùng để tả dáng điệu một người. Thí dụ: Người lừ đừ muốn bệnh; lừ đừ còn có nghĩa không linh hoạt: bộ lừ đừ dễ bị ăn hiếp. Lừ đừ như Ông Từ vào đền. Lừ đừ có khi dùng như lừ khừ hay lừ thừ.
(Ngô Nhân Dụng – Phiếm khảo)

Tam Thiên Tự

(Ba nghìn chữ)

“Thiên trời Ðịa đất. Cử cất Tồn còn. Tử con Tôn cháu. Lục sáu Tam ba. Gia nhà Quốc nước. Tiền trước Hậu sau. Ngưu trâu Mã ngựa. Cự cựa Nha răng. Vô chăng Hữu có. Khuyển chó Dương dê. Quy về Tẩu chạy. Bái lậy Quị quỳ. Khứ đi Lai lại Nữ gái Nam trai. Ðái đai Quan mũ. Túc đủ Ða nhiều. Ái yêu Tăng ghét. Thức biết Tri hay. Mộc cây Căn rễ. Dị dễ Nan khôn. Chỉ ngon Cam ngọt. Trụ cột Lương rường. Sàng giường Tịch chiếu. Khiếm thiếu Du thừa, v…v…”

(Viên Linh – Những ông thầy thời niên thiếu)

Nguyễn Mộng Giác…Dương Nghiễm Mậu

Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam đã xuất bản “Nhà văn Việt Nam hiện đại”, dày 1200 trang khổ lớn, tập hợp chân dung trên một ngàn nhà văn các thế hệ, từ các cụ Ngô Tất Tố, Phan Khôi… cho đến lớp nhà văn vừa được kết nạp như Nguyễn Danh Lam, Phan Huyền Thư…

Điều quan trọng hơn là cuốn sách đã mang một cái tên không xứng hợp. Vì rõ ràng là khiếm khuyết, khi cuốn sách mang tên “NVVNHĐ” mà lại không có các nhà văn sống và viết ở miền Nam trước 1975, trong đó có một số tên tuổi gần đây đã được báo chí và Nhà xuất bản trong nước giới thiệu như Nguyễn Mộng Giác, Thanh Tâm Tuyền, Dương Nghiễm Mậu…

Như vậy, một là chọn cách làm “an toàn”, tránh điều ra tiếng vào, chỉ đóng khung trong phạm vi “Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam”; còn nếu đã là một công trình nghiên cứu về “Nhà văn Việt Nam hiện đại” và“với lòng mong mỏi được trở thành một tài liệu tham khảo cho tất cả những ai quan tâm tìm hiểu nền văn học Việt Nam hiện đại” thì không thể tránh né những vấn đề phức tạp do lịch sử để lại, phải thấy rõ khuynh hướng “mở rộng” như trên là tất yếu, đồng thời là một đòi hỏi chính đáng và cấp thiết của nhiều người, nhất là khi đất nước đã thống nhất hơn ba chục năm. Một số ít nhà văn từng có tên trong lần xuất bản trước, nay “vắng mặt” thì lại vì những lý do ngoài văn chương.

(Nguyễn Khắc Phê – Nhà văn hiện đại)

Chó đen giữ mực

Đây là lối chơi chữ của các cụ ta xưa vì chó đen màu lông

phải đen để khỏi lẫn lộn với con chó khác. Nghĩa bóng chỉ

mỗi người một nết, đến chết cũng không chừa.

(Việt Chương – Thành ngữ, tục ngữ, ca dao VN)

Chữ và nghĩa

Rất nhiều từ ngữ mà chúng ta cho là của người trong nước sau 75, thực ra là của Việt Nam trước đó. Vậy tiếng nào là tiếng của người Việt trước hay sau 75?

Xác tín là tin chắc, “chính xác” là đúng y, hai chữ không liên quan gì tới nhau, và được dùng đề huề ở cả hai miền (thậm chí có thể Miền Nam dùng “xác tín” nhiều hơn Miền Bắc), miền Nam còn dùng “thâm tín” nữa.

Ðộng thái “Ðộng tháiđộng lực hoàn toàn khác nhau, nhất là trong lãnh vực tâm lý, một đàng biểu lộ ra, một đàng tiềm tàng bên trong.

“Ðộng thái” hay “tác phong”: (Anh: behavior): hành vi biểu lộ ra bên ngoài quan sát được; ta có chữ “trường phái tâm lý học động thái/tác phong” (behaviorism)

Ðộng lực: (Anh: motive) là sức ngầm thúc đẩy hành vi.

Thí dụ: “Cảnh sát chưa tìm ra động lực của vụ giết người”. Cả hai chữ đều được dùng tại Miền Nam; nếu chúng không được phổ biến, là vì chúng thuộc lãnh vực chuyên môn chăng.

(Tâm Thanh – Chiêu hồi ngôn ngữ)

Câu đố

Xét trong quan hệ với vật đố, tức cách biểu thị vật đố ra sao, hình ảnh ở lời đố thường được sử dụng theo tính quan niệm của hình ảnh/ Có một số hình ảnh lặp đi lặp lại trong một số câu đố khác nhau. Chúng cho thấy việc dùng những hình ảnh này đã phản ánh một sự nhìn nhận, một quan niệm về đối tượng được đề cập. Dưới đây là một số các hình ảnh này:

“Một mẹ sinh được trăm con,
Con nào con nấy vuông tròn như nhau.
Bởi con ăn ở qua cầu,
Mẹ tức mẹ đánh cái đầu con văng”

(Hộp diêm)

Hình ảnh “mẹ – con” của vật không phải người hay động vật mà là dụng cụ gồm hai loại bộ phận rời, thì bộ phận lớn là “mẹ”, bộ phận bé là “con”.

(Triều Nguyễn – Cách sử dụng hình ảnh trong câu đố)

Chữ nghĩa làng…nhậu

Bắc nấu thịt cầy, Nam thui thịt chó
Nam nhậu nhẹt thịt chó, Bắc đánh chén cầy tơ

Chữ và nghĩa

“Hoành tráng”, với nghĩa là “có quy mô đồ sộ”. Từ này bị lạm dụng rất nặng. Bất cứ một điều gì cũng có thể được gán ghép với thuộc tính này. “Sân khấu” cũng “hoành tráng”, mà vòng một hay vòng ba của một “nữ nhân” cũng có thể “hoành tráng”.

Trong một số văn cảnh, đôi khi, “hoành tráng” cũng có thể được dùng theo nghĩa “đẹp nức nở” , như: “Bức chân dung của em trông ‘hoành tráng’ quá”. Nó cũng có thể là “căng đầy”, “mập mạp”, như “Thân hình ‘hoành tráng’ của bà chủ, sau khi nạp vào bữa điểm tâm cũng ‘hoành tráng’ không kém, uốn éo đi ra khỏi cửa”. Và, còn gì ‘hoành tráng’ nữa trong cuộc sống hôm nay?!!

(Bùi Vĩnh Phú – Trên những đường bay của chữ)

Ngộ  Không

(Sưu Tập)

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2018

Bài Mới Nhất
Search