T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngộ Không: Thuyền Con Ngược Bến… Nước Chẩy Đôi Dòng (I)

Thuyền Câu – Tranh: Mai Tâm

Canh khuya đèn tàn, sử quan dường như tối qua thức suốt đêm, sáng nay trước sân vài ba cây trổ hoa kết quả, ngậm hương mang tuyết, mờ mờ sương phủ lùm cây xa xa. Vậy mà trông mặt mũi ông ủ dột như chiếc lá ướt gặp mưa. Bởi lẽ nhìn suông đất trời như thế này với việc đời biến cải, thời gian đổi dời, hạ qua thời thu tới, đông tàn ắt xuân sang, luật biến dịch tự nhiên là thế. Tất cả như vừa mới qua giấc mộng dài, nhưng chưa chín một nồi kê…

Chẳng là với giấc mộng đồ thư nửa gánh, gươm đàn một bao, ông mang cái hoài bão lấy sở học ra kinh bang tế thế…Vậy mà con đường hoạn lộ không ngoài tiến vi quan thoái vi sư. Ông chỉ là thái tử thiếu bảo tức thầy đồ bát nháo dậy dỗ con vua, cứ như quan thái giám trông coi cung nữ, phi tần không bằng. Thiên bất đáo địa bất chi như ông thế đấy. Ấy vậy mà đến cái tuổi tứ thập nhi bất hoặc, tưởng ông không còn gì huyễn hoặc nữa! Thì nhờ ơn vua lộc nước, ông được tiến cử có chút danh vị trong triều, đó là tước vị là sử quan. Nay ông đang ngồi ở sử quán rị mọ sao chép, thêm bớt bộ thông sử của những sử thần tiền nhiệm. Vả lại bộ thông sử cần hoàn tất trước lễ đại khánh, điều đó ắt hẳn sẽ làm vua ta vui lòng.

***
Dùng xong bát cháo gà nóng, sử quan sai trà đồng bày bàn trà trước hàng hiên. Ông muốn được thảnh thơi đôi chút trước khi nhập triều. Ông đang vờn mây khuấy nước cùng chim kêu hoa nở, gió thoảng hương bay thì buổi sáng nồng nã của sử quan bỗng chấm dứt đột ngột vì có tiếng reo hò từ phía cửa Thượng Tứ vọng lại. Ông nghe rõ tiếng chân nhiều người rầm rập trên đường mỗi lúc một gần.

Đặt chén trà đang uống dở xuống, ông đứng lên trông cho rõ hơn. Qua mặt tường thành người ngựa đi được, phía ngoài là hàng rào gỗ dầy đặc, dưới hàng rào có hào sâu, trong hào thả chông, mười phần kiên cố. Ngoài tường thành là quán xá, bốn phương tám mặt, nơi nào cũng cây cối um tùm, qua hàng cây ông thấy loáng thoáng một nhóm người cầm gậy gộc đuổi theo một con chó. Họ vừa đánh vừa quát ầm ĩ: “Chó dại! Đánh chết nó đi!”. Chó và người vụt khuất sau mảng lá rậm của rặng cây ngô đồng. Tiếng kêu ăng ẳng của chó, tiếng gào la hét của người đập vào tai ông. Lát sau, đám đông tản mát ai về nhà nấy.
Chuyện vặt ngoài kia chẳng đọng lại lâu trong tâm trí sử quan. Lòng dạ ông rối như tơ vò vi bộ thông sử ông đang hiệu đính đây còn nhiều khuyết sử cần phải cẩn án, hiệu đính này kia.

Chiều về, gặp buổi mây chiều gió sớm với bữa yến thưởng trăng tại Vọng nguyệt lâu, trong khi chờ vua giá lâm, các quan nói chuyện rôm rả về cái chết của con chó hồi hôm. Sử quan dửng dưng, nhưng các mẩu đối thoại cứ nhè chui tọt vào tai ông.

Thượng thư bộ lễ răng to như bàn cuốc, chép miệng: “Hình như là chó dại…”
Đông các điện đại học sĩ không bằng lòng với đồng liêu: “Còn hình như gì nữa? Chính mắt tôi trông thấy lưỡi nó thè ra, nước bọt nhễu trắng mõm.”
Tả thừa tướng cãi um lên: “Sao lại chó hoang, phải có chủ chứ?
Hàn lâm viện học sĩ gật gù tiếp lời: “Kẻ nào là chủ con chó hè?”

Vọng nguyệt lâu ắng lặng chốc lát. Nghe thủng chuyện, sử quan trầm ngâm nhìn áng mây bay và tự hỏi sáng nay chính ông đã thấy nó chạy ngoài tường thành. Bây giờ ông không dám chắc một điều gì cả! Vua Khải Định vẫn còn đang mải mê coi hát bộ trong hậu cung. Câu chuyện lại tiếp tục với đông các điện đại học sĩ: “Nó đã cắn nhiều người, đánh chết thế là phải.”
Thượng thư bộ binh: “Đánh là thế nào? Bọn lính giản bắn mấy phát tên mới giết được nó.”
Tiền thị vệ giọng xởi lởi: “Bẩm phải.”
Hữu thừa tướng gạt đi: “Không có cung tên nào hè. Chính mắt tôi thấy con chó bị đánh bằng gậy!”

Vừa lúc vãn tuồng cải lương, vua giá lâm. Sau khi miễn lễ cho các quan, vua vui vẻ báo tin: “Các khanh biết không? Sáng nay, một ngự lâm quân của trẫm đã bắn chết con chó bằng súng điểu thương!” Không ai bảo ai, các quan đại thần nhất loạt đứng lên, nâng chung rượu khai vị bằng hai tay, đồng thanh: “Lạy thánh mớ bái, thật không hổ danh ngự lâm quân!”

***
Trên đường về sử quán, sử quan bã bười, tươi tớp về cái chết của con chó khiến ông bối rối. Như thị ngã văn, sự việc vừa xảy ra ngay trước mắt, ông còn chưa biết đâu là sự thật thì làm sao mà viết thành văn bản cho sử thi? Huống chi nhân vật lịch sử, sử tài cách ông cả chục năm mới đây thì mù mờ biết nhường nào? Ấy là chưa kể sử kiện sẩy ra trước ông cả ngàn, ngàn năm cùng gió thổi mây bay. Vì vậy những gì ông đang hiệu chỉnh trong bộ thông sử đây, với giác ngoại biệt truyền bất lập văn tự, nếu như có bậc thức giả nào đấy văn kiến súc tích, sở kiến cao minh để ông kiến văn sở thị thì hay biết mấy. Ông nghĩ thêm đêm nay ắt hẳn phải thay bấc đèn nhiều lần và quay lại thăm chừng đèn đóm…

Bất chợt ông ngước mắt nhìn lên bức truyền thần vẽ vị tiền bối của ông là cụ Phan Thanh Giản, cụ đồng thời cũng là Quốc sử viện giám tu ở đây, mà trước kia thời vua Tự Đức được gọi Quốc sử quán. Vị đại thần là người đã soạn thảo bộ Đại Nam hội điển, Khâm Định Việt sử thông giám cương mục, Đại Nam nhất thống chí. Cụ mặc áo đại triều mầu thiên thanh, đội mũ cánh chuồn, chân mang hia cánh phượng, hai tay đặt trước đầu gối thấy rõ đủ mười ngón tay. Cụ trông thật cương nghị và quắc thước với bộ râu trắng, dường như đang nhìn ông muốn…dò hỏi chuyện gì làm ông đang rối trí đây.

Chuyện là sử quan đang nổi trôi bồng bềnh như con thuyền gặp sóng với mấy cái tựa đề sử thi của cụ Phan gì mà lằng nhằng quá thể! Trong một giây phút yên sĩ phi lý thuần, ông bật ra ý đồ hay là hãy tránh dẵm lên những bước chân sói mòn của tiền nhân dựng sử theo “kỷ truyện” của Tư Mã Thiên với tiểu sử nhân vật. Hay như cụ Phan chẳng hạn với “sử biên niên”, sử liệu viết theo theo niên hiệu, niên đại mà Khổng Phu Tử là người tiên khởi. Hoặc giả như với “sử cương mục” của Chu Hy với tiểu đề ở đầu chương là đề mục rồi dàn trải dông dài hồi sau.

Vì vậy ông chẳng rỗi hơi lặp lại toàn bộ thông sử vì ai cũng biết rồi, nhiều khi chỉ làm rối ren thêm. Những gì ông đang lu bu đây, tất cả chỉ là những mảnh rời của những đoạn tạp bút, nói cho ngay là…tạp sử. Trong tập tạp sử này, ông không bản lai diện mục như với cái chết của con chó sáng nay để đi tìm đâu là sự thật. Ông chỉ đề mục một vài khúc ông chưa thấu đáo của triều Nguyễn mà ông đang là bề tôi. Rồi cứ thế mà ngược dòng lịch sử khoắng mái chèo dăm ba uẩn khúc của khuyết sử vẫn còn tồn nghi. Hay nói khác đi, ông muốn đối thoại với lịch sử một nghìn năm trước, một trăm năm sau…Ấy vậy mà nước sông ba trăm năm mới đổi dòng một lần, thế nên chẳng hẳn là suôi chèo thuận mái. Rõ ra sử quan như chiếc thuyền con ngược bến Văn Lâu về một một vùng hoang vu vạn lý…

***

Với tay lấy bộ tứ bảo… Gia dĩ ông là thái tử thiếu bảo, ông chấm cái bút lông vào nghiên mực và bắt đầu với con vua trước vốn là ấu đồ của ông…

“…Thái tử Bửu Đảo ăn ở với nhiều cung phi, cung tần mà vẫn chưa có người nối dõi, thì trong cung sẩy ra chuyện cô gái hầu của công chúa Ngọc Lâm, con vua Đồng Khánh, xuất thân từ gia đình dân giả, tên Hòang thị Cúc.

Một hôm trong cung khám phá ra cô hầu Cúc có thai.

Đức thái hậu, chánh phi của vua Đồng Khánh, nghi vua tằng tịu với con hầu, bèn cho đào một cái hố sâu, đổ nước, bắt cô Cúc đứng ở dưới đó, để cho lính tra khảo. Nhưng cô vẫn một mực không chịu khai, Bửu Đảo thấy vậy, thương hại nên nhận là “tác gỉa” của bào thai này.

Vua Đồng Khánh băng hà, Bửu Đảo vì không có con trai nối dõi nên bị hội đồng hòang tộc lọai ra ngòai. Nhưng bà Hòang thị Cúc, tuy xuất thân từ giới dân giã, nhưng rất khéo léo, vận động thẳng với Khâm Sứ Trung Kỳ và Tòan Quyền Đông Dương để Bửu Đảo lên nối ngôi tức vua Khải Định. Còn cái bào thai sau là thái tử và sẽ là người kế vị vua…”

Chuyện Hoằng Tôn Tuyên hoàng đế Khải Định chỉ có vậy, nếu vẽ rết thêm chân chăng nữa không ngoài là ông vua mê đào hát. Ngay chính ông múa bút tự trào với khẩu khí chẳng biển ngẫu chút nào: “Xuân xanh tuổi ngoài đôi chục, chơi đục trần ai, khi bài khi bạc, khi tài bàn vác, khi tổ tôm quanh, khi năm canh ngồi nhà hát, khi gác cổ ả đào, khi ghẻ tầu con đĩ xác, khi nằm rạp thuốc phiện tiêm, hoang ra dáng, rạng ra rồng, ngông ra phết, cóc biết chi tồi, miệng én đưa qua mùi gió thoảng”.

Thế nên vua thường tuần du vào Sài Côn để xem hát bộ. Sài Côn ở đâu sử quan cũng chẳng tường. Huống chi Bắc thành ngoài Bắc bộ, hay Nam Kinh mãi ở bên Tầu, sách địa dư, địa chí không có nên viết sử nhiêu khê không phải là ít. Còn vua kế vị là ai, vương hiệu gì là chuyện của sử quan kế tiếp, như ông đang làm cái công việc của Quốc sử viện giám tu đây. Tiếp đến, ông mò mẫm theo lịch triều những triều vua nhà Nguyễn thuộc Pháp như Duy Tân, Thành Thái, Hàm Nghi, Kiến Phúc, Hiệp Hòa, Dục Đức…Va chạm tới những triều vua nhà Nguyễn thuộc Pháp, ông khựng lại với truyền kỳ bốn tháng ba vua. Thêm câu dân gian “Một nhà sinh được ba vua – Vua còn, vua mất, vua thua chạy dài” nên ông ngán ngẩm quá đỗi.

Ngán ngẩm hơn nữa là đụng tới những triều đại nhà Nguyễn thời kỳ độc lập là gặp ngay Dực Tông Anh hoàng đế Tự Đức. Vua Tự Đức không có con nên nhà nước Bảo Hộ Pháp chọn con nuôi Tự Đức đưa lên ngôi là với đế hiệu Dục Đức. Cứ theo ông: Nhà Nguyễn chính thống hay chính danh thì ngừng lại ở triều Tự Đức hay quá lắm là Khải Định. Mò mẫm ở thời Tự Đức, ông bắt gặp Bùi Viện, Phan Thanh Giản đã xuất dương nhiều nơi. Ông như chiếc đèn dầu đang muốn soi rọi những bước đi của hai vị tiền nhân này thì…

…Thì bỗng cái đèn hạt đậu đang leo lét bỗng lóe lên một cái như muốn phụt tắt. Ông chồm người khều cái tim dầu, và quay lại, ông thuỗn người ra vì vừa nhắc đến “triều vua nhà Nguyễn thuộc Pháp” thi ông thấy rõ mồn một…một ông Tây mặt như lá chuối hơ lửa, đang đứng trong thư phòng tự lúc nào. Ông dụi cái đóm lửa và thần ra nhìn ông khách lạ như gặp lại “người về tự trăm năm”. Người khách lạ ngó lơ như không có ông ở đấy, lẳng lạng kéo cái ghế trông ngồi xuống, bình thản săm soi bản trước tác mà ông đang rị mọ…

Đèn đóm đã sáng lại, sử quan ngắm ông Tây kỹ hơn rõ ra đại nhân này cao lớn như quan Khâm Sứ Trung Kỳ vẫn thường đến gặp bà Hòang thị Cúc: Ông liếc trộm thấy quan đội mũ chùm hụp như cái nồi. Lưng đeo cái hồ lô. Áo không có cánh tay, hai túi có nắp đậy như cái liếp cửa trái bếp, hai cầu vai có mảnh vải như con cá rô con nằm bẹp dí. Áo bỏ trong quần. Quần không có ống, chân quấn vải giống cái rọ bắt cua và mang giầy da bò. Người quan ngoại có nét mặt đồng nhan, nghiễm nhiên như tùng bách. Như có linh tính, sử quan quay lại nhìn bức truyền thần đằng sau lưng, và đập vào mắt là cái khung trống trơn…

Ông đang trơ mắt ếch thì nghe cười khủng khỉnh:

– Bản chức là Phan Thanh Giản đây.

Sử quan như Từ Hải chết đứng vì chẳng hiểu là người hay…ma. Vừa ngây người nhìn bộ áo quần cụt ngủn, ông vưa suy nghĩ ngôi có tôn ti, lễ có cấp bậc nên bối rối ra mặt và lắp bắp:

– Đại…đại nhân là…là cụ…cụ…

– Cụ cố gì. Tiên sinh cứ khách sáo bày vẽ.

Rồi “cụ” chỉ vào bộ đồ đang mặc:

– Hồi qua Tây nhờ nhìn cái đèn đường chổng ngược nên bản chức sắm được đấy.

Sử quan líu lưỡi:

– Cụ đi…đi…Tây.

Cụ Phan cười cười:

– Thì còn ai trồng khoai đất này, sử của tiên sinh chép rành rành như thế đấy.

Thủ lễ vấn danh xong nhưng trong cái đầu đất của sử quan như dầu tẩm bột gạo vì với cụ Phan, ông một lòng tác dạ ngưỡng mộ đã lâu. Nay nhân giải vong niên, thật là tam sinh hữu hạnh mới được hội kiến nên ông cứ đực ra như ngỗng đực. Vừa lúc cụ chỉ vào dòng chữ “…Còn cái bào thai sau là thái tử và sẽ là người kế vị vua…” ngay trước mắt ông và dậy:

– Hoàng tử Vĩnh Thụy vốn người ngoại tộc, được Khải Định nhận làm con nuôi. Khi Khải Định hoàng đế qua đời ở tuổi 41. Các quan phụ chính đại thần như Tôn Thất Hân , Nguyễn Hữu Bài vội vàng ra bản thông tri đưa lên nối ngôi, lấy hiệu là Bảo Đại, mới 13 tuổi.

Rồi ông tiếp:

– Năm 1949, Bảo Ðại đã chọn Sài Gòn làm kinh đô của Việt Nam.

Câu nói len lỏi chui vào tai sử quan, cụ nói giọng mũi lơ lớ…như quan Tòan Quyền Đông Dương và cho ông hay thái tử sau này là…vua. Nghe vậy, ông hân hoan ra mặt nhưng sẽ tham vấn sau. Nhân nghe đến địa danh Sài Côn mắc chứng gì lại là kinh đô Sài Gòn, trong khi ông đang ngồi bí rị ở sử quán kinh đô Huế. Một công đôi chuyện có cụ đây, ông định biện giải là bấy lâu nay ông lạc vào mê hồn trận với những nhà biên khảo, học giả cùng địa danh bắc giáp địa dư, tây giáp địa chí như lạc vào bát quái trận đồ. Chưa hết, những sử quan đi trước với mỗi người mỗi niên đại, niên hiệu khác nhau nên ông chả biết đâu mà lần với sử nước nhà. Thêm nỗi huyền hoặc, huyền sử nữa là sao cụ lại biết quá khứ vị lai ấm sinh Vĩnh Thụy của ông. Ấm sinh ông nay mới ba tuổi, mười năm nữa sẽ làm vua, chạy trời không khỏi nắng ông sẽ chẳng là…quan phụ chính đại thần.

Thế nên ông càng líu ríu tợn và đâm ra nói chữ:

– Sao các hạ hay mà tại hạ chẳng…hay.

Cụ nói giọng khàn khàn, tịt tịt:

– Hay ho gì đâu…Chẳng dấu gì tiên sinh, bản chức vốn là người thiên cổ, tức người cõi trên ở chốn thiên đàng. Bản chức giống thiên thần suốt ngày bay tới bay lui. Lắm khi bản chức bay tới cả nghìn năm trước, trăm năm sau mà chữ nghĩa sau này gọi là “lỗ hổng thời gian” ấy mà, thưa tiên sinh. Vì vậy có một số người vượt thời gian không gian, ngược lại quá khứ và tìm thấy tiền kiếp của mình ở một góc làng xa xôi hẻo lánh nào đó. Thỉnh thỏang họ lại mang về dăm cái nồi, cái chảo hoen rỉ, cũ kỹ cả trăm năm. Hoặc họ lạc đường tới hậu kiếp, mang về…cái máy nói cầm tay, cái máy vi tính. Như bản chức đây…

***

Nói xong, cụ lôi trong túi áo ra bao giấy bóng kính to bằng bàn tay có hàng chữ Tây Phillips Morris để lên bàn…Sử quan thần ra chẳng biết là cái của nợ gì? Giọng cụ khừng khực: “Thuốc lá của ông Hồ đấy”. Sử quan lại thêm lụi đụi vì chưa hết lạ lẫm với cái tên Bảo Đại, nay lại đến ông Hồ! Thêm nữa, ông thấy cụ xuất dương có khác, đúng là ý tại ngôn ngoại, học thuật tinh vi, hình mạo nham cổ, ắt có cái hiểu biết hơn người. Nhân khi nghe cụ dậy có thể quay về tới cả nghìn năm trước, sử quan đang có những khúc mắc về thời Hùng Vương dựng nước. Đang định thao tác thì cụ đã dông dài:

– Như trên đã thưa thốt, bản chức chẳng hay ho gì. Thế nên có chuyện mọn muốn bộc bạch rằng cái đám quan chức của ông Hồ vừa rồi là Trần Huy Liệu, Viện trưởng viện sử học Bắc bộ phủ đã quấy hôi bôi nhọ bản chức như thế này đây, tiên sinh nghe có nhi nhĩ thuận chăng: “Tất nhiên khi chép về sử kiện vua quan nhà Nguyễn như Phan Thanh Giản cắt đất ba tỉnh miền Đông, rồi ba tỉnh miền Tây Nam Kỳ và dâng cả đất nước Đại Nam cho xâm lược Pháp thì các sử gia miền Nam coi đó không phải là chuyện…phản quốc và vô liêm sỉ”.

Thêm một lần, sử quan lại nghe lẻng xẻng những cái tên kim tiền gì mà với “vô liêm sỉ”,  “Bắc bộ phủ”, “sử gia miền Nam”, “Trần Huy Liệu”. Nhưng lần này sử quan nhất định giựt gọng cụ cho ra nhẽ, thế như chưa kịp rọ rạy, cụ đã đỡ nhời:

– Nay tiên sinh đã biết hậu sự của Bảo Đại rồi. Nhưng nhiều sử gia miền Nam vẫn chưa hay nguồn gốc thế tục, bản quán thổ ngơi của người đứng đầu Bắc bộ phủ là Hồ Chí Minh.

Óc ách xong, cụ lụi cụi lấy hai hòn đá cuội trong túi áo thuộc địa xoẹt vào nhau cái xọet…làm ra lửa, rồi châm vào nhúm bùi nhùi để mồi điếu thuốc, cụ lặng lờ thở một đụn khói. Tiếp, cụ moi trong cái hồ lô đưa cho sử quan một tập thư kinh có cái tựa là “Vào Cõi”. Sử quan mừng quá đỗi nhưng có ý hồ nghi, vì có túc duyên mới được sách qúy. Ắt hẳn là “dâm thư” đây? Mà dâm thư chẳng hẳn là theo nghĩa dân gian, cứ theo Hán tộc thì ấy là sách quý, dậy khôn cho nhân tình thế thái điều hay lẽ phải hay chuyện quốc sự sẽ có lợi cho trăm họ…

Bỗng sử quan nghe cụ dậy: “Tư liệu này là của một trong tứ trụ sử gia miền Bắc có tên là Trần Quốc Vượng. Tiên sinh dở trang 252 đọc thử xem sao”. Cụ đằng hắng tiếp: “Trần quân hao tổn công sức về chuyện này mà mất hết công danh bổng lộc. Vậy mà may, may mà không thành thái giám như Tư Mã Thiên”.

Sử quan râm ran, được cụ biết đến lại cho đọc kỳ thư nên thực là thiên tải kỳ phùng nên bất giác mừng rỡ, vục mặt vào mấy trang sách bập vào truyện và nín thở đọc thẳng một hơi…

“…Trở lại câu chuyện một người tuy có tên tưổi nhưng không lấy gì làm nổi tiếng lắm, hay đúng hơn cả là đã trở nên có tên tuổi nhờ gắn bó máu thịt với một người có tên tuổi: Đó là câu chuyện về cụ thân sinh ra Hồ Chí Minh, cụ phó bảng Nguyễn Sinh Sắc hay Nguyễn Sinh Huy.

Phó bảng là một học vị dưới tiến sĩ, chĩ mới xuất hiện ở Việt Nam từ đời vua Minh Mạng nhà Nguyễn. Trong một lá đơn bằng tiếng Pháp gởi Bộ Thuộc địa Pháp, Nguyễn Tất Thành (sau là Hồ Chí Minh) đã khéo dịch tên học vị của phụ thân mình là sous docteur như ngày nay ta gọi là phó tiến sĩ.
Quê hương cụ, là làng Kim Liên, tên Nôm là làng Sen huyện Nam Đàn tỉnh Nghệ An. Nhưng đậu phó bảng rồi cụ đã làm Thừa biện Bộ Lễ ở Huế rồi Tri huyện Bình Khê, Bình Định. Rồi bỏ quan hay bị mất chức quan, cụ phiêu dạt vào Sài Gòn, ngồi bắt mạch kê đơn ở tiệm thuốc bắc Hoa kiều, để có chút cơm rượu… Lại phiêu lãng tới Cao Lãnh, Sa Đéc. Mộ cụ phó bảng được xây lại cuối năm 1954 sau sự kiện Genève tạm thời chia đôi đất nước Việt Nam.
Người ta làm như thế vì ông Hồ. Cũng như mộ bà Hoàng Thị Loan vợ cụ phó bảng và là thân mẫu Hồ Chí Minh mới được xây lại vài năm nay ở Nam Đàn, Nghệ An. Người ta làm thế cũng vì ông Hồ. Hai ngôi mộ này, cũng như bản thân lăng Hồ Chí Minh giữa lòng Ba Đình, Hà Nội.

Cũng đã có dăm cuốn sách nói về gia thế ông Hồ Chí Minh, nhưng câu chuyện tôi sắp kể dưới đây thì chưa từng ai viết.
Chỉ là lời truyền miệng dân gian, ở Kim Liên, Nam Đàn, ở một số người gốc Nghệ hiện sống tại Hà Nội và nhiều nơi khác trên mảnh đất Việt Nam. Nếu trong Folklore, có hiện tượng mà các nhà nghiên cứu gọi là lan truyền thì từ lâu câu chuyện này cũng đã lan truyền từ làng Kim Liên ra khắp huyện Nam Đàn rồi khắp tỉnh Nghệ Anh rồi rộng ra hơn nữa… Nhưng phạm vi lan truyền và số người biết câu chuyện này phải nói là hạn hẹp. Vì người ta SỢ.

Sợ động chạm đến ông Hồ. Một cái sợ vô nghĩa nhưng người ta cứ gán cho nó cái ý nghĩa chính trị giả tạo. Vì như bà Trịnh Khắc Niệm viết trong cuốn truyện bằng tiếng Anh Life and Death in Shanghai, đã được dịch ra tiếng Việt: Ở xã hội xã hội chủ nghĩa, cuộc đời của các lãnh tụ cộng sản được coi là “bí mật quốc gia“. Nhưng đây không phải là chuyện ông Hồ, tuy cũng có dính dáng đến ông Hồ. Mà vì đây là chuyện cụ thân sinh ra cụ Hồ, cụ Nguyễn Sinh Huy, mà cũng là chuyện truyền miệng thôi, nghĩa là thuộc phạm trù giai thoại, Folklore, chứ không thuộc phạm trù lịch sử.

Người dân Kim Liên đồn rằng Nguyễn Sinh Huy không phải là thuộc dòng máu mủ của dòng họ Nguyễn Sinh làng này. Mà là con của một người khác: ông đồ nho, cử nhân Hồ Sĩ Tạo.
Cử nhân Hồ Sĩ Tạo thuộc dòng họ Hồ nổi tiếng ở làng Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An, đây là quê gốc của Hồ Quý Ly, nhân vật lịch sử cuối thế kỷ XIV đầu thế kỷ XV. Đây cũng là quê gốc của anh em Tây Sơn thế kỷ XVIII, vốn họ Hồ ở xứ Nghệ. Khoảng đầu những năm 60 của thế kỷ XIX cử nhân Hồ Sĩ Tạo có thời gian ngồi dạy học ở một nhà họ Hà, người làng Sài, cùng một xã Chung Cự, tổng Lâm Thịnh, huyện Nam Đàn, với làng Sen, Kim Liên. Đó là một nhà nghệ nhân dân gian, trong nhà có “phường hát ả đào”.

Nhà họ Hà có cô con gái tên là Hà Thị Hy, tài hoa, nhan sắc, đàn ngọt, hát hay, múa khéo, đặc biệt là múa đèn (đội đèn trên đầu, để đèn trên hai cánh tay, vừa hát vừa múa mà dầu trong đĩa không sánh ra ngoài) nên người làng thường gọi là cô Đèn. Người ta thường bảo: má hồng thì mệnh bạc. Vì cô Đèn, Hà Thị Hy tài hoa nhan sắc là thế mà rồi ba mươi tuổi vẫn chưa lấy được chồng. Mà trong nhà thì lại luôn có bậc văn nhân: ông cử Hồ Sĩ Tạo. “Lửa gần rơm lâu ngày cũng bén” là lẽ thường theo tâm lý dân gian, huống chi là giữa văn nhân – tài tử – giai nhân. “Trai tài gái sắc” mà! Và cô Hà Thị Hy bỗng dưng “không chồng mà chửa”. Mà ông cử Tạo thì đã có vợ, có con rồi! Lệ làng ngày trước phạt vạ rất nặng nề, sỉ nhục hạng gái “chửa hoang”, hạng “gian phu dâm phụ”. Để tránh nỗi nhục cho con gái mình và cho cả ông cử Tạo đang làm “thầy đồ” được hết sức kính trọng trong nhà mình, họ Hà phải bù đầu suy tính…

Lúc bấy giờ ở làng Sen cùng xã có ông Nguyễn Sinh Nhậm, dân cày, tuổi cao mà góa vợ. Nhà họ Hà bèn cho gọi ông Nguyễn Sinh Nhậm đến điều đình, “cho không” cô Hy làm vợ kế ông này, như một người con gái xướng ca, quá lứa, lỡ thì, lấy ông già góa vợ, mong ém nhém việc cô gái đã “to bụng”. Công việc rồi cũng xong. Cô Hy ôm bụng về nhà chồng, có cưới có cheo cẩn thận. Việc phạt vạ của làng không xảy ra. Nhưng cô gái tài hoa nhan sắc thì bao đêm khóc thầm vì bẽ bàng, hờn duyên tủi phận. Và ông lão nông dốt nát tuy được không cô gái đẹp nhưng cũng buồn vì đâu có đẹp đôi, lại cắn răng chịu đựng cái tiếng ăn “của thừa”, “người ăn ốc, kẻ đổ vỏ”. “Miệng tiếng thế gian xì xầm”, ai mà bịt miệng nổi dân làng.

Chỉ ít tháng sau, bà vợ kế này đã sinh nở một mụn con trai, được ông đặt tên là Nguyễn Sinh Sắc. Việc ấy xảy ra vào năm Quý Hợi, đời vua Tự Đức thứ 16 (1863).

Vì trọng tuổi, lại vì lo phiền, vài năm sau cụ Nhậm qua đời và cũng chỉ ít lâu sau đó, bà Hy cũng mất. Nguyễn Sinh Sắc trở thành đứa trẻ mồ côi. Lên bốn, về ở với người anh gọi là “cùng cha khác mẹ” mà thật ra là “khác cả cha lẫn mẹ”, cùng với bà chị dâu ngoa ngoắt, khó tính, lúc nào cũng chỉ muốn tống cổ cái thằng “em hờ” của chồng này đi cho “rảnh nợ”. Không cần nói, ta cũng hiểu Nguyễn Sinh Sắc khổ tâm về tinh thần, khổ cực về vật chất như thế nào .
May có ông tú đồ nho Hoàng Xuân Đường, người làng Chùa, Hoàng Trù gần đó, xót thương đứa trẻ, dù sao cũng là hòn máu rơi của một nhà nho khác, lại có vẻ sáng dạ, nên đã đón về làm con nuôi, cho ăn học. Và đến khi Nguyễn Sinh Sắc 18 tuổi, ông bà đồ họ Hoàng lại gả cho cô con gái đầu lòng, Hoàng Thị Loan, mới 13 tuổi đầu, cho làm vợ, lại làm cho căn nhà tranh ba gian ở ngay làng Chùa, để vợ chồng Nguyễn Sinh Sắc ăn ở riêng.
Ta dễ hiểu vì sao Nguyễn Sinh Sắc gắn bó với họ hàng làng quê bên vợ, làng Chùa, hơn là với làng Sơn “quê nội”, quê cha “hờ”. Con cái ông, từ người con gái đầu Nguyễn Thị Thanh, qua người con trai đầu Nguyễn Sinh Khiêm (tục gọi là ông cả Đạt) đến người con trai thứ Nguyễn Sinh Côn (hay Nguyễn Tất Thành, sau này là Nguyễn Ái Quốc rồi Hồ Chí Minh) đều được sinh ra và bước đầu lớn lên ở quê ngoại. Khi cụ Tú Hoàng mất, vợ chồng con cái Nguyễn Sinh Sắc lại về ăn ở chung với bà đồ Hoàng. Các cháu đều quấn quít quanh bà ngoại.

Qua giỗ đầu cụ Tú Hoàng, Nguyễn Sinh Sắc đi thi Hương khoa Giáp Ngọ và đậu cử nhân (1894). Ông được nhận ruộng “học điền”, ruộng công của làng Chùa chia cho nhằm khuyến khích để học thêm – chứ không phải nhận ruộng học của làng Sen. Khoa thi Hội Ất Mùi (1895), ông thi trượt. Nhờ sự gửi gấm của ông Hồ Sĩ Tạo, người cha thực của Nguyễn Sinh Sắc, với các quan lại đồng liêu quen biết ở triều đình Huế, Nguyễn Sinh Sắc được coi như ấm sinh, để được nhận vào học Quốc Tử Giám ở kinh đô. Nếu không có sự can thiệp của ông Hồ Sĩ Tạo là bậc khoa bảng cáo quan thì làm sao Nguyễn Sinh Sắc được nhận? Thế là dù sao Hồ Sĩ Tạo vẫn còn có một “cử chỉ đẹp” với đứa con mà mình không dám nhận.

Nguyễn Sinh Sắc, đổi tên là Nguyễn Sinh Huy, đem vợ và hai con trai vào Huế và đi học Quốc Tử Giám. Khoa thi Hội Mậu Tuất (1898), ông lại trượt. Ngày 22 tháng Chạp năm Canh Tý (10-2-1901) bà Hoàng Thị Loan ốm mất ở kinh đô Huế, sau khi sinh đứa con trai út (đứa con trai này ít ngày sau cũng chết). Nguyễn Sinh Côn (Nguyễn Tất Thành – Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh ngày sau) trở thành con trai út….”

Đọc rối cả mắt, nhưng là sử quan phải hanh thông, nên cái lưỡi đá miệng:

– Thưa các hạ, vậy chứ ông Hồ Sĩ Tạo có họ với Hồ Quý Ly, Nguyễn Huệ?

Cụ Phan lắc đầu:

– Chẳng hẳn cùng quê, cùng họ là họ hàng với nhau. Tiên sinh thong thả, đâu sẽ vào đó.

Thế là sử quan đành lụi đụi tiếp…

”…Nguyễn Sinh Huy đem hai con trai về làng Chùa gửi mẹ vợ nuôi nấng rồi trở vào Kinh thi Hội. Khoa Tân Sửu (1901) này, ông đậu phó bảng và được “vinh quy bái tổ” về làng. Theo thể thức triều đình, lễ vinh quy này phải diễn ra ở quê nội, dù là quê nội danh nghĩa, tức là làng Sen – Kim Liên. Hội đồng hương lý và dân xã đã dựng nhà tranh năm gian trên một khoảnh đất vườn làng Sen, để đón quan phó bảng tân khoa Nguyễn Sinh Huy về làng. Thế là buộc lòng ông phải về “quê nội”. Ông cũng đón hai con trai về ở cùng ông. Lần đầu tiên Nguyễn Sinh Côn (Hồ Chí Minh ngày sau) về ở quê nội nhưng lòng ông vẫn hướng về quê ngoại là cái gì “đích thực” và gắn bó với tuổi thơ ông. Ông phó bảng có đến thăm cụ Hồ Sĩ Tạo.

Chưa đầy ba năm! Sau khi mẹ vợ mất, ông vào kinh đô nhận chức quan (1904) ở Bộ Lễ, đem theo hai con trai vô Huế học. Năm 1907, ông bị đổi đi Tri huyện Bình Khê … Rồi sau khi bỏ quan (hay mất quan), khoảng 1910, ông phiêu bạt vào Sài Gòn rồi Lục tỉnh Nam Kỳ. Không bao giờ ông về làng Sen trở lại nữa…
Ở làng Sen sau này, chỉ có bà Thanh và ông Cả Đạt (Khiêm), cả hai đều không lập gia đình riêng. Người ta bảo lúc sau, khi cụ Hồ Sĩ Tạo đã qua đời, năm nào bà Thanh cũng qua Quỳnh Đôi góp giỗ cụ Hồ Sĩ Tạo. Thế nghĩa là cái “bí mật” về cội nguồn của cụ phó bảng Huy, trong số các con cụ, ít nhất có bà con gái đầu biết. Người ta bảo: ông Cả Đạt cũng biết, tuy không bao giờ ông sang Quỳnh Đôi nhận họ. Còn Nguyễn Sinh Côn – Nguyễn Tất Thành – có biết không? Từ khoảng 11 đến 14 tuổi, ông ở làng Sen, có nhẽ nào không ai nói cho ông? Hay là sau đó nữa chả lẽ cụ phó bảng Huy, bà Thanh, ông Cả Đạt lại không kể với ông về “bí mật” gốc tích thân phụ mình?
Không có chứng cớ gì về việc ông Nguyễn Tất Thành – Nguyễn Ái Quốc – biết hay không biết chuyện này… Sau này, khi hoạt động cách mạng, ông còn mang nhiều tên khác nữa. Nhưng đến đầu thập kỷ 40 của thế kỷ này, thì người ta thấy ông mang tên Hồ Chí Minh.

Sau 1945, khi tên tuổi Hồ Chí Minh trở thành công khai thì cũng bắt đầu từ đó từ trí thức đến người dân quê, lại âm thầm bàn tán: vì sao Nguyễn Ái Quốc lại đổi tên là Hồ Chí Minh? Và tên này ông giữ mãi cho tới khi “về với Các Mác, Lê-nin” năm 1969. Cuộc đời thực của Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh – còn quá nhiều dấu hỏi chứ phải đâu riêng gì một cái tên! Và biết làm sao được khi ông Hồ, tôi nói lại một lần nữa theo cảm thức của người dân, đã trở thành “huyền thoại”. Huyền thoại Hồ Chí Minh được hình thành trong vô thức dân gian mà Carl Gustav Jung gọi là vô thức tập thể. Nhưng nó cũng có phần được hình thành một cách hữu thức, bởi cán bộ gần gụi ông Hồ. Nghĩa là một phần cuộc đời ông Hồ đã được huyền thoại hóa.
Ngay sau đó, người ta còn in cả cuốn sách (mỏng thôi) về sấm Trạng Trình có những câu vận vào ông Hồ và sự nghiệp Cách mạng tháng Tám. Và sấm Trạng Trình vẫn được vận vào công Hồ còn lâu về sau nữa, ở miền Nam Việt Nam và hiện nay ở một số người Việt lưu vong, dù là với hậu ý không ưa gì công Hồ… Nhưng đó lại không phải là chủ đề của bài viết này.

Trở lại với cái tên Hồ Chí Minh, lời truyền miệng dân gian bảo rằng: Nguyễn Ái Quốc sau cùng đã lấy lại họ Hồ vì ông biết ông nội đích thực của mình là…cụ Hồ Sĩ Tạo, chứ không phải cụ Nguyễn Sinh Nhậm.

Và dân làng Sen cũng bảo: Thì cứ xem, lần đầu tiên về thăm quê hương, sau mấy chục năm xa quê, từ thị xã Vinh, tỉnh lỵ Nghệ An, ông Hồ đã về làng Chùa trước, rồi sau mới sang làng Sen “quê nội”!  Riêng tôi nghĩ, thì cũng phải thôi. Vì như ở trên ta đã thấy, cả một thời thơ ấu của ông Hồ là gắn bó với quê ngoại làng Chùa, nơi ông sinh ra và bước đầu lớn lên. Chứ đâu phải làng Sen, là nơi ông chỉ ở có vài năm. Còn viết lách, thì bao giờ chẳng là chuyện: “Thư bất tận ngôn, ngôn bất tận ý“. (Viết không hết lời, lời nói không hết ý…)

***

Đến ngôn từ…ngôn bất tận ý, sử quan lấy đó làm tâm đắc vì cái thế tất phải như thế chẳng cưỡng lại được…Nhân bắt được câu “Đây cũng là quê gốc của anh em Tây Sơn…”, và đã hỏi cụ Phan. Cụ lại khiên cưỡng, bất bình tắc minh, ông chí cho cụ phần ông xập xòe về nhà Tây Sơn để biến cải càn khôn với cụ một phen:

“…Sử quan trở thành người viết sử cung đình. Nó thiếu tính cách khách quan và khá xa sự thật lịch sử. Dưới mắt sử quan chỉ còn có hai loại người: hoặc minh quân hoặc là ngụy quân. Minh quân là những kẻ ngồi trên ngai vàng. Phần còn lại là những phản thần. Họ chỉ là những “giống chó dê”, “thằng mọi đen ở đất Tây Sơn” giống “quân mọi rợ”, “giống cõng rắn cắn gà nhà”. Đó là trường hợp những Hồ Quý Ly, Mặc Đăng Dung, Lê Chiêu Thống, tuỳ theo cái nhìn của sử quan mỗi thời? Như thế thì viết sử trung thực được bao nhiêu? Phần người đời sau, tựa vào đâu mà kê cứu, trích lục? Cho nên, lịch sử vẫn còn đó, nhưng đâu là sự thật?

Người sau đọc sử riết rồi bị uốn nắn, thuần hóa vào quan điểm của sử quan. Nên sử khả tín hay không tuỳ thuộc vào sử quan của mỗi triều đại. Sử trở thành phong thần, thành dật sử? Viết về nhà Tây Sơn, mọi tình tiết, tài liệu xoay quanh thời kỳ này phần lớn căn cứ vào hai tài liệu: Đại Nam chính biên liệt truyện và cuốn Hoàng Lê nhất thống chí. Nhưng cả hai sách này đều được viết vào cuối thế 19, nghĩa là nửa thế kỷ sau mới được nhà Nguyễn sao chép. Về nhà Tây Sơn chỉ thực sự bắt đầu do quan ngự sử Bùi Đình Trí dâng sớ xin biền soạn để…’’răn đe’’ đời sau từ thời Tự Đức. Việc thuật lại về ba anh em Tây Sơn chỉ qua quýt cho xong chuyện với mục tiêu khinh miệt một thời kỳ coi là tiếm nghịch như nhà Hồ, nhà Mạc.

Thế nên cách dùng chữ cũng rất tiểu nhân nhỏ nhặt, như khi chép lại lời nói của Nguyễn Huệ khi tự xưng đã dùng chữ ‘’cô’’ với chữ nho là người đàn bà. Thay vì dùng chữ ‘’cô’’ là lời nói nhún nhường của bậc vương giả. Với hơn 2000 trang, chính yếu là họ ghi chép tiểu sử các danh thần, hoàng tử, công chúa, chính phi, hậu phi…Vì vậy chẳng giúp người sau suy ra thêm những việc khác.

Thêm nữa, sau khi Nguyễn Ánh lên ngôi, có tha gì mà không đốt sạch, phá sạch dấu vết nhà Tây Sơn còn sót lại? Tất cả những gì được gọi là “Nguỵ tây” bị nhà Nguyễn đốt hết. Việc truy quét đó không phải chỉ một lần mà còn đuợc lập lại ở những vì vua kế tiếp cho đến khi không còn một dấu tích. Lúc ấy viết sử chỉ là ngồi “nhớ lại”…truyện hàng mấy chục năm về trước.

Cuốn Hoàng Lê nhất thống chí nằm trong trường hợp này. Sau mấy chục năm, sử liệu đào đâu ra mà viết cho đến nơi đến chốn? Mặc dầu khởi đi từ Ngô Thời Chí, đến những hồi sau thì lại do Ngô Thì Dụ, Ngô Thì Thiến tục biên. Những tác giả Hoàng Lê nhất thống chí thu tập được bao nhiêu? Ấy là chưa kể những điều trong sách ấy ghi chép đúng hay sai. Hoàng Lê nhất thống chí, hoặc Annam nhất thống chí, không phải là một sách địa chí, mà chính là một cuốn lịch sử tiểu thuyết viết theo lối truyện “Tam quốc diễn nghĩa” của Tàu. Hiếm có nhà biên khảo, học giả nào không trích một vài đọan để dẫn chứng, kể cả những câu truyện phòng the giữa Nguyễn Huệ và Ngọc Hân mà ngay cả kẻ thị thần chắc cũng không am tường được như thế.

Về tài liệu của các nhà truyền giáo qua những thư của các thừa sai, họ cũng có thể sai lầm vì họ chỉ được nghe kể lại, hoặc do giáo dân nói lại. Hoặc do có cảm tình với nhà Lê chính thống hơn nên thiếu vô tư. Cũng không trách họ được, vì ở đâu thì thì tôn kính vua chúa ở đó. Các thừa sai chỉ ghi nhận, nhiều chỗ chủ quan theo sự suy nghĩ của họ chẳng hạn số lượng quân của cả hai phe. Tuy nhiên chẳng phủ nhận có một tài liệu có giá trị về thời gian, như một bức thư viết sau 10 ngày trận Ất Dậu của vua Quang Trung. Những tài liệu này giúp đính chính một số chi tiết ngày tháng trong sử nước nhà.

Vơi số lượng quân của bên phía người Trung Hoa, theo sử liệu của triều đình nhà Thanh trong đó giữ lại tất cả những thư từ, chiếu biểu của vua Càn Long và quân cơ liên lạc với các nơi.. Họ luôn luôn nhắc lại con số trong Đại Thanh thực lục là một vạn quân mặt đông và 8 ngàn quân mặt tây đưa con số 18.000 cho cả hai mặt. Vì vậy số quân Trung Hoa được gửi sang thì thấy rằng không nhiều như những sử gia ta viết với con số 30 hay 50 chục vạn… ‘’

***

Cụ Phan nghĩ ngợi một chút rồi đắng đót luận cổ suy kim:

– Tiên sinh dậy thế cũng phải. Vậy thì bản chức xin vô phép vô tắc mạn phép thưa rằng: Tiên sinh viết sử quan trở thành người viết sử cung đình với minh quân, ngụy quân! Rò ra tiên sinh đâu có hay thời vua Gia Long nào có khác gì với thời ông Hồ. Sau này, cũng trở thành sử phong thần với Hồ Chí Minh vĩ đại, cũng với ngụy quyền, ngụy quyền. Họ cũng chẳng tha gì mà không đốt sạch, phá sạch sách vở miền Nam còn lại. Hay nói khác đi, hậu thân ông Hồ học thuộc sử học 9 đời chúa, 13 đời vua nhà Nguyễn. Chúa Nguyễn dành hai vùng đất cải tạo là Thủy Xá phía đông và Hỏa Xá phía tây núi Bà Nam thuộc tỉnh Phú Yên. Họ Nguyễn cải cách họ về cách ăn mặc, đổi họ thành họ Nguyễn. Tạo dựng nơi ăn chố ở ra xá, láng, ngay cả bếp núc với nồi đồng chảo sắt, nhất nhất như người Việt. Hai chữ ‘’cải tạo’’, theo bản chức tìm thấy trong sử sách khởi nguyên từ thời chúa Nguyễn Phúc Khoát đấy,  thưa tiên sinh.

Nhưng lịch sử là một chuỗi móc xích tiếp nối, để không khỏi không nhắc đến vua Minh Mạng. Năm 1835, thừa lúc Lê Văn Khôi là con nuôi của  Lê Văn Duyệt nổi loạn ở Gia Định, quân Xiêm La đem quân chiếm Thổ Chân Lạp. Vua Minh Mạng sai Trương Minh Giảng đem quân đánh dẹp,  bắt nữ vương Ang Mey đưa về Gia Định quản thúc, toàn thể bầu đoàn thê tử cận thần quan lại của triều chính Chân Lạp bị đưa ra Bắc tập trung ở Cao Bằng, Lạng Sơn. Lịch sử là một cuộc tái diễn không ngừng với 140 năm sau, một đoàn người thất trận đang đêm bị lôi dậy, nối đuôi nhau từ phương Nam ngược về phương Bắc, tận vùng sơn lam chướng khí bên dẫy núi Hoàng liên Sơn để bị giam giữ. Nơi mà thân bằng quyến thuộc của Nặc Ông anh, Nặc Ông em đã bị tập trung ở đấy từ thế kỷ trước.

Cụ nhíu mày như có gì suy nghĩ nung lắm rồi rạch ròi:

– Đào sâu chôn chặt với gần đây, khi việc đề cao triều đình nhà Tây Sơn được coi như là quốc sách, nhất là ẩn náu những động lực chính trị thì tài liệu và và sách vở viết về nhà Tây Sơn bỗng dưng thành dật sử. Năm 1988 đã có đến 1623 công trình viết về Tây Sơn. Số lượng này có lẽ nhiều hơn bất cứ danh nhân nào trong lịch sử các triều đại trên thế giới. Tất cả vì họ đánh lận con đen hết Hồ Chi Minh cùng gốc gác với Hồ Quý Ly, đến Nguyễn Huệ với họ Nguyễn đổi sang họ Hồ. Vì thế đã có tới 1623 công trình viết về Tây Sơn là như thế. Như tiên sinh vừa hỏi han gốc gác Hồ Qúy Ly, Nguyễn Huệ với bản chức hồi nãy.

Bản chức chẳng hiểu họ sưu tầm, sưu tra ở đâu nhiều đến như thế. Ngoài nhà Hồ với tiền giấy, súng thần công, mở mang bờ cõi. Không hiếm những sách vở miêu tả anh em nhà Tây Sơn và cận tướng võ công cao cường như các nhân vật võ hiệp. Ngay cả những nhà nho ẩn dật như Giáo Hiến, Ngô Thì Nhậm, Nguyễn Thiếp nay được đưa vào kịch bản để trở thành bản sao của Khổng Minh, Bàng Thống. Dần dà người viết cũng như người đọc coi như là sự thật, rồi đến ngàn năm sau sẽ trở thành những sự thật lịch sử. Chưa hết, ông giời có mắt xuống đây mà xem, họ còn nhập nhằng cuộc nổi dậy của anh hùng áo vải Nguyễn Huệ và người nông dân Lê Lợi với…cuộc cách mạng công nhân Mác-Lê tiên tiến đấy, thưa tiên sinh.

Sử quan lầu bầu bụng bảo dạ rằng với nhà Tây Sơn, mình chỉ hiềm sức mọn mới được dăm hàng. Còn họ tài cao học rộng, uẩn khúc kinh luân chữ nghĩa đâu mà đem Quang Trung Nguyễn Huệ ra mà ‘’tra tấn’’ nồng nã như vậy. Làm như không hay, cụ lấy hai hòn đá quẹt, nhúm bùi nhùi cầm tay, rồi tiếp:

– Gần đây, người  trong nước họ biện giải chuyện Hồ Quý Ly soán ngôi nhà Trần, Mạc Đăng Dung giành ngôi nhà Lê và nhà Mạc bị kết tội cắt đất nộp cho nhà Minh như thế này đây:

Họ dẫn giải theo sử thần Ngô Sĩ Liên nhà Lê (Đại Việt sử ký toàn thư) ghi là 6 động của châu Vĩnh An. Sử thần Trần Trọng Kim nhà Nguyễn (Việt Nam sử lược) chép là 5 động và thêm Châu Khâm, nhưng châu Khâm là đất thuộc Trung Hoa từ đời Tống cho đến nay. Ngự sử Lê Quý Đôn nhà hậu Lê (Đại Việt thông sử) chép trả lai 4 động đã xâm chiếm. Tại sao có những con số khác biệt vậy? Vậy thì việc cắt đất rõ ra chẳng…rõ ràng.

Họ thêm thắt là khảo đến sách Phương Đình địa dư chí của Nguyễn Văn Siêu thì chỉ có 3 xã, không có động. Họ lập luận thế thì 6 động nhà Mạc đem nộp ngờ là đất ở châu Khâm chỉ là tên gọi chứ không có đât. Thêm nữa, theo Minh sử thì nhà Minh chỉ đòi Mạc Đăng Dung trả lại 4 động đã xâm chiêm mà thôi.

Họ kết luận: ‘Nếu Mạc Đăng Dung có mắc tội thì không phải ‘’tội cắt đất dâng cho người’’ mà tội của Mạc Đăng Dung là ‘’đã xâm lấn đất của người rồi không giữ nổi nay phải đem trả lại’’. Họ lập luận tiếp: Điều đáng buồn là những điều chép sai ngoa vừa kể trên trong sử sách phong kiến Việt Nam cứ thấm vào tim óc thế hệ này đến thế hệ khác. Chắc chắn rằng lịch sử được nhìn theo quan điểm thực tiễn của dân tộc kết hợp với quan điểm duy vật khoa học, nếu chưa kịp khen thì cũng không thể chê những hành động ngoại giao nhún nhường, khôn khéo hạ mình trước đối phương quá mạnh, cốt sao giữ yên bờ cõi và chủ quyền. Chẳng phải chính vua Quang Trung sau chiến thắng trận Đống Đa lừng lẫy vẫn phải vờ vịt thần phục thiên triều.

Cụ ngừng lại để thở, giọng ngao ngán:

– Làm có chúa, múa có trống, họ múa như công đĩnh đạc bước ra cửa như sau: Chẳng phải chính chủ tịch Hồ Chí Minh hạ mình đến thăm tướng Tiêu Văn để đưa dân tộc thoát cảnh hiểm nghèo. Chẳng lẽ lịch sử không công bằng, chính xác? Với Hồ Quý Ly hay Mạc Đăng Dung thì việc giành lấy ngôi vua từ tay một triều đại phong kiến, một dòng họ đã suy tàn là hợp quy luật, việc trá hàng nhẫn nhục để giữ yên bờ cõi, và bảo toàn chủ quyền là khôn khéo. Còn tội ‘’cắt đât’’ dâng cho kẻ thù thật ra không có chứng cớ chính xác…

Quẹt hai hòn đá quẹt để mồi thuốc, cụ vừa thở ra khói và…thở ra:

– Tất cả những kịc bản này được dàn dựng sau khi ông Hồ ép Bảo Đại thoái vị. Rồi cũng từ đấy trong sách vở họ hay dùng hai thuật ngữ ‘’sử gia phong kiến Việt Nam’’ với ‘’sử gia duy vật biện chứng tiến bộ Mác Lê’’. Hay nói khác đi họ dùng duy vật biện chứng Mác Xít để dựng sử nước nhà. Riêng nhà Mạc, nhà Hồ họ gọi là…phong kiến chính thống, có lẽ vì nhà Hồ hàng giặc, vì nhà Mạc bị lịch sử kết tội cắt đất cho Tầu. Giống với ông Hồ qụy lụy người phương Bắc, để sau này bị cái nạn với Bản Giốc, Trường Sa, Hoàng Sa chăng?

Làm mấy hơi xong, cụ dụi dụi điếu thuốc, lặng lờ nhìn ra ngoài song cửa…

Thạch trúc gia trang

Ngộ Không Phi Ngọc Hùng

 

 

 

©T.Vấn 2018

 

 

 

             

             

 

 

 

 

 

Bài Mới Nhất
Search