T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngộ Không: Chữ nghĩa làng văn (Kỳ 158)

 

Câu đố tình tự I

Xưa kia em trắng như ngà

Bởi chưng ngủ lắm em đà đen thâm

Lúc bẩn chàng đánh chàng đâm

Đến khi rửa sạch chàng nằm lên trên

(Giải đáp: Cái Chiếu)

 Sự khác nhau giữa Sài Gòn và Hà Nội

Vào nhà hàng

Sài Gòn: Vâng em làm ngay đây.
Hà Nội: Gì mà cà cuống lên thế! Muốn nhanh sang hàng khác!

Hèm và hội

Hèm là một hành động nghi lễ nhằm diễn lại một quãng đời “đặc biệt” của thần hay thần hoàng lúc sinh thời như thần hoàng “ăn mày” (làng Xối Đông, Nam Định), “ăn trộm”, v…v…

Hội là sinh hoạt dân dã phóng khoáng, dân làng bình đẳng vui chơi trò chơi, trò diễn.
Vui xem hát
Nhạt xem bơi
Tả tơi xem hội.

(Viện Văn hóa Dân gian – Lễ hội cổ truyền)

Địa danh miền Nam

Chợ Lớn

 Trần Thượng Xuyên cầm binh giúp Chúa Nguyễn đánh dẹp Cao Miên, mở rộng biên cương miền Nam lại trở thành một tai họa khi xãy ra cuộc chiến giữa Tây Sơn và Nguyễn Ánh. Khoảng năm 1776- 1779, Cù Lao Phố đã bị tàn phá trong các cuộc giao tranh. Nhà cửa, tiệm buôn, phố xá, kho chứa hàng đều bị thiêu đốt. Đường xá bị đào bới, các cơ sở thủ công tan tành. Dân chúng bị tàn sát, thây lấp hết giòng sông quanh cù lao, nước đỏ ngào vì máu. Đến cả tháng sau, những người sống sót không ai dám dùng nước ở sông vì ô nhiểm! Cả một vùng thương cảng sầm uất đã thành chiến địa tan hoang. Những người Hoa còn sống sót đã bồng bế nhau lánh nạn về Bến Nghé và là những người đã gầy dựng lại sự nghiệp, thành lập vùng Chợ Lớn về sau này!
(Trần Ngươn Phiêu – Cù Lao Phố)

Thơ Bút Tre mới

Người đi một nửa hồn tôi mất
Một nửa hồn kia…đứng chửi thề

Phẩm hàm

 Ngày xưa còn ở miền Bắc, các vị hương chức, mỗi lần có hội hè đình đám gì thì ăn rồi còn được chia phần mang về một đĩa xôi, một miếng thịt, gọi là miếng thịt làng, tuy nó ít nhưng còn hơn cả một sàng thịt mua ở chợ. Đó cũng là một cái danh, cái lợi. Vì thế nên cái mầm mống mua danh mua chức mới phát sinh. Nhỏ thì mua nhỏ, lớn thì mua lớn. Ở thôn quê làng, xã thì mua Lý Trưởng, Phó Lý, còn giàu hơn một tí thì mua Hàn lâm, Cửu phẩm

Thậm chí có những người không có địa vị trong họ, ngoài làng, thì người ta gọi bằng cái nghề của người đó, như nghề thợ mộc, thợ may, đóng cối… Cũng dược gọi là phó mộc, phó may, phó cối …

Có người bảo trong làng có cả đống ông lý, ông phó, thì làm sao mà phân biệt được?

Vâng! vì thế mới có danh xưng ông lý cựu, ông lý mới, ông lý cửu, ông lý bá…Cụ Trùm Lý cũng vậy người ta gọi cụ là cụ Trùm Lý, để phân biệt với với cụ Trùm Chánh, cụ Trùm Chỉ, cụ Trùm Phó…

Công việc làng, việc nước chỉ làm việc sau năm năm là mãn hạn. Còn nếu có khả năng, có sức làm mà “cố đấm ăn xôi” làm thêm năm, ba năm nữa để kiếm tí phẩm hàm, được gọi là ông Lý Cửu, hay ông Lý Bá. Tùy ở bằng sắc nhà vua ban.

Thí dụ không có bằng cấp gì, thì được thưởng hàm Cửu phẩm Bá hộ. Còn nếu có bằng cấp như anh nhiêu, anh khóa (sau này là bằng sơ học trở lên), thì được thưởng hàm Cửu Phẩm Văn Giai.

(Thúy Sơn – Bên dòng sông Trà)

Sự khác nhau giữa Sài Gòn và Hà Nội

Văn hóa ẩm thực

Sài Gòn: đi ăn tiệm
Hà Nội: cả gia đình quây quần nấu nướng ăn tươi

Hàm súc và ý vị

Theo tôi, để văn chương hàm súc và ý vị, nhà văn phải viết trong giả thiết là người đọc của mình là những người cực kỳ thông minh và uyên bác: hắn không cần phải viết những gì, thứ nhất, độc giả có thể đã biết rồi; thứ hai, độc giả có thể chưa biết nhưng có thể tìm hiểu ở những nguồn tài liệu khác.

Với những người đọc thông minh và uyên bác ấy, hắn phải viết những điều thông minh và uyên bác tương xứng, nghĩa là, ít nhất phải thông minh và uyên bác hơn chính bản thân hắn. Lâu nay, trong những cách nghĩ thông thường, chúng ta có khuynh hướng xem tác phẩm chỉ là một phần của tác giả: nếu tác phẩm ấy có điều gì thông minh và uyên bác thì đó chỉ là một phần trong sự thông minh và uyên bác của tác giả.

Sự thật ngược lại. Những tác phẩm thành công nhất của một tác giả bao giờ cũng thông minh hơn, uyên bác hơn, do đó, giàu có hơn và cũng cao hơn hẳn tác giả ấy. Những tác phẩm ấy trở thành một thách thức đối với chính cái kẻ đã tạo ra chúng. Đối diện với thách thức ấy, nhiều người đã đầu hàng: họ buông bút, không viết nữa.

(Nguyễn Hưng Quốc – Nhà văn…không là ai)

Ca dao tình yêu miền Nam

 Sự mộc mạc hồn nhiên ở từ ngữ, cách thể hiện dung dị, hóm hỉnh thường thấy trong ca dao tình yêu miền Nam. Trước hết là chất hóm hỉnh không cố tình, qua những từ ngữ mộc mạc, chân thật nhưng cũng lại “nhát gan”…:

“Gá duyên chẳng đặng hội này

Tôi chèo ghe ra sông cái, nước lớn đầy… tôi chèo vô”

(Đoàn thị Thu Vân – Chất hóm hỉnh trong ca dao miền Nam)

Tên gọi: người Tàu

Tên gọi “người Tàu” có thể từ Trịnh Hoài Đức (1765-1825) mà ra. Ông là người Việt gốc Hoa làm quan cho nhà Nguyễn, đi sứ nhà Thanh hai lần trong Gia Định thành thông chí, ông viết: “Người Phước Kiến, Quảng Đông, Triều Châu, Hải Nam, đi tầu biển buôn bán qua lại ở nơi đô hội lớn Gia Định không đâu sánh bằng…”.

Và có ghi chú: Tục gọi thuyền đi biển chạy bằng hơi nước là “tàu”.

 Có thể vì vậy người Nam gọi người Hoa là “Tàu” chăng?

(Phan Anh – Chùa Hoa)

Phê bình

 Nói chung trong phê bình văn học vấn đề lớn hiện nay có lẽ là ở chỗ: sách thì hay dở không giống nhau thế mà các bài phê bình thì mức độ khen chê bài nào cũng giống bài nào cái điều người đọc muốn biết trước tiên và biết thật rõ là: tập thơ này, quyển truyện này hay hay dở và hay dở đến mức nào. Có khi chỉ nghe một người quen phê bình cuốn sách bằng một câu, một chữ mà người ta lại thấy thỏa mãn hơn là đọc cả một bài dài trên báo.

(Tuyển tập Hoài ThanhVăn Học Việt Nam)

Khác biệt giữa Hà Nội và Sài Gòn

Cơm sườn
Hà Nội: những miếng sườn nhỏ xào chua ngọt, ngon kinh hoàng
Sài Gòn: một tảng thịt nướng to đùng

Chữ và nghĩa với địa danh miền Nam

Chợ-lớn chỉ ngôi chợ xưa kia nằm trên địa điểm hiện tại của Sở Bưu điện Chợ-lớn kéo dài tới tận Đại Thế Giới cũ. Chợ này lập song song với chợ nhỏ còn tồn tại với tên chợ Thiếc ở phía trường đua Phú Thọ.

Sau Chợ-lớn dời tới Chợ-lớn mới do nhà đại phú Quách Đàm xây tặng, tượng họ Quách vẫn còn ở giữa đỉnh chợ Bình Tây.

Hồi xưa tên Sài Gòn chỉ áp dụng cho khu vực Chợ-lớn hiện thời, còn chính Saigon bây giờ thì khi ấy là Bến Nghé (theo Trịnh Hoài Đức, theo các nhà hàng hải Âu Mỹ, theo bản đồ do ông Trần Văn Học vẽ ngày mùng 4 tháng chạp năm Gia-Long thứ 14 (1815) ghi trên vùng Chợ-lớn hiện tại chỗ nhà thương Chợ-Rẫy ba chữ “Saigon xứ”, khoảng gần Cây Mai và Phước Lâm.

Khu Saigon cao, nằm phía Đồn Đất tức là cái đồn thâu hẹp năm 1836 sau khi Lê Văn Khôi nổi loạn. Khu thấp thường gọi là Bến Nghé hay Bến Thành.

Bến Thành là cái tên ở gần hào thành Gia-Định, nguyên trước có cái rạch nối liền hào thành với sông Bến-Nghé và có cái chợ gọi là chợ Bến Thành. Cái rạch ấy về sau lấp đi thành Đại lộ Nguyễn Huệ và đến bây giờ có câu ca dao như sau:

Chợ Bến Thành đèn xanh đèn đỏ,

Anh nhìn cho tỏ thấy rõ đèn màu;

Lấy em anh đâu kể sang giàu,

Rau dưa mắm muối có nơi nào hơn em!

(Hồ Đình Vũ – Nguồn gốc một số địa danh miền Nam)

Mạng lưới văn học đầu tiên

Có thể nói cô Phạm Chi Lan là người đầu tiên (7/1995- 4/2001) khai mở trên internet sinh hoạt văn chương và báo chí tiếng Việt với tạp chí Văn học nghệ thuật.

Thời gian đầu Văn học nghệ thuật với diễn đàn Ô thước được viết bằng font VIQR, phát hành mỗi tuần. Sau nhờ tiến bộ của kỹ thuật điện toán với Unicode nên càng ngày càng được nhiều văn hữu góp mặt như: Trịnh Thanh Thủy, Cỏ May, Thận Nhiên, v..v..

Phạm Chi Lan, bút hiệu Phan Trầm Thư, sinh năm 1961 ở Sài Gòn. Đến Hoa Kỳ năm 75 lúc 13 tuổi với đôi chân tật nguyền và bị bạo bệnh từ nhỏ. Mất ngày 21.9.2009, tại Dallas.

(Đinh Yên Thảo- báo Sài Gòn Nhỏ)

Cảm nhận của một người Hà Nội về người Sài Gòn

Người Sài Gòn có vài món ăn quen, món đặc biệt nhất là cơm tấm. Sáng cơm tấm, tối đêm cơm tấm. Lâu đi nhậu về là lại thèm một dĩa cơm sườn bì chả, ghé vào vỉa hè, ăn rồi mới leo lên giường ngủ được…

Tiếng Việt chữ Tàu

 Hán tự, là chữ Nho, là tiếng Tàu là lối viết tượng hình. Người Việt còn hay lẫn lộn khi họ gọi chữ Hán là chữ Nho.

Thực ra “Nho” là một thứ đạo làm người phát xuất từ người Tàu. Bởi vì Nho đạo truyền bá qua Hán tự, thành ra thiên hạ dễ lẫn mà gọi chữ Hán là chữ Nho. Vì vậy mới có cụm từ “ông đồ Nho viết chữ Nho”.

Người mình trung thành với lối văn cổ điển; hơn nữa chúng ta phát âm Hán tự theo lối riêng của chúng ta nên người Tàu họ chịu chết. Giả dụ các cụ ta xưa làm một bài Đường thi bằng Hán tự như ngâm lên thì họ không hiểu. Cũng vậy, khi người Tàu ngâm nga bài thơ của Lý Bạch, Thôi Hộ, thì người mình cũng không hiểu luôn. Thế nên xưa kia, sứ bộ ta đi sứ phải mang theo thông dịch là vậy.

Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ

 Năm nay tôi 24 tuổi, đã thành hôn với một phụ nữ goá chồng, 44 tuổi, có con gái riêng 25 tuổi.

Trước đó cha tôi đã cưới cô gái này, do đó bây giờ ông trở thành con rể của tôi.

Vì con gái riêng của vợ tôi là vợ của cha tôi, nên cô ấy trở thành mẹ tôi.

Tháng giêng vừa qua, vợ tôi sinh cho tôi một thằng con trai. Nó trở thành em vợ của cha tôi. Vậy tôi phải gọi con trai tôi bằng cậu.

Vào mùa Giáng sinh, vợ của cha tôi lại sinh một thằng con trai. Thằng bé này vừa là em trai tôi vì nó là con trai của cha tôi, vừa là cháu ngoại tôi, vì nó là con của con gái vợ tôi.

Vậy tôi là anh của cháu ngoại tôi. Vì tôi là chồng của mẹ vợ cha tôi, nên tôi là cha vợ của cha tôi. Vậy tôi là ông ngoại của tôi.

Ngộ  Không

(Sưu Tập)

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2019

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Bài Mới Nhất
Search