T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngộ Không: Chữ nghĩa làng văn (Kỳ 172)

Chữ nghĩa làng văn (2)

 Nhạc sĩ Phạm Duy, bạn thân của Hoàng Cầm, đã phổ bài thơ Lá diêu bông thành ca khúc, từng viết Hoàng Cầm trong tôi tại California, Hoa Kỳ, vào năm 1984 nêu cách giải thích:

“Trước hết chúng ta cần biết lá diêu bông là lá gì? Lá diêu bông (lá bông diêu thì đúng hơn) là thứ lá đặc biệt ở làng Đình Bảng, Bắc Ninh, phụ nữ thời xưa thường vắt ra nước rồi bôi lên mặt cho da dẻ được hồng hào tươi đẹp.

Ít lâu sau Hoàng Cầm phủ nhận những “hư cấu” của Phạm Duy.

(Phanxipăng – Diêu bông rụng xuống lòng sông Đuống)

Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ

Ngày xưa…ngày nay…

Ngày xưa đường phố long nhong,
Ngày nay ba buổi trong phòng đọc kinh.

Chữ và nghĩa (5)

Tục ngữ là sản phẩm của quá khứ. Vì vậy, khi dạy tục ngữ, tất phải đối mặt với những từ ngữ cổ hết sức xa lạ với học sinh. Giới biên soạn sách giáo khoa e dè như thế kể cũng phải, vì khó lòng có thể né tránh được những những trở ngại về ngữ pháp  đến độ từng gây lúng túng cho không ít các nhà học giả danh tiếng. Ðể dễ hình dung những gì vừa nêu đó, chúng tôi xin đưa ra một vài dẫn chứng chưa đúng lắm về cấu trúc cú pháp của tục ngữ.

Bằng chứng là nếu diễn giải câu Chó treo; mèo đậy ta buộc lòng phải cho rằng “Chó đem treo thức ăn cần cất giữ lên cao; còn mèo thì cố đậy kín thức ăn cần cất giữ lại, tuy cái nghĩa đích thực của câu ấy lại là: Ðể chó khỏi ăn vụng thì thức ăn cần cất giữ nên được treo cao lên; để] mèo khỏi ăn vụng thì thức ăn cần cất giữ nên đậy kín lại”, vì mối quan hệ về nghĩa giữa chó cũng như mèo với treo cũng như đậy là mối quan hệ giữa hai sự thể: sự thể thứ nhất nêu “cái đích cần được nhằm tới“ và sự thể sau nêu cái “hành động mà chúng ta nên làm để đạt tới đích”.

(Tạp chí Ngôn ngữ  – Nguyễn Đức Dương)

 

Bia 33 và nồng độ .33

Sau tháng Tư 1975, Việt cộng  từ Bắc vô Nam ban đầu mượn tạm mọi thứ thuộc về miền Nam để rồi sau đó mượn luôn. Tất cả công ty thuộc quyền sở hữu doanh nhân người Pháp cũng cùng chung số phận: M.I.C., Bastos, Melia, v.v. Hãng la de Brasseries-Glacières d’Indochine (B.G.I.) bị trưng dụng và đổi tên thành Hãng Bia Saigon SABECO sản xuất các loại bia Saigon Special, Saigon Export (bao gồm bia lon 333, bia Sài Gòn Đỏ, Sài Gòn Xanh.

Bia 33 tiếp tục được hãng Calsberg của Ðan Mạch sản xuất.

Năm 1909, B.G.I. sản xuất bia hai cỡ chai: chai lớn 0.66 lít nhãn Con Cọp (trên nhãn đề dung tích chỉ có 0.61 lít) và chai nhỏ 0.33 lít nhãn 33.

Có một sự trùng hợp với bia 33 là:  Mức độ hợp pháp cho người lái xe ở Mỹ và Canada là 0.08. Từ 0.33 trở lên là trọng tội.

 

Giai thoại làng văn xóm chữ

Năm 1932, báo An nam tạp chí bị đình bản lần thứ ba, ông Tản Đà mới tính sự đem báo vào Vinh. Vì thế ông phải đi Vinh luôn.

Đã có một lần, sáng ông ở Hà Nội vào Vinh, và đêm lại đi luôn xe lửa ra Hà Nội. Chuyến ấy tôi cùng đi với ông ở Vinh về.

Hành lý của ông là một cái chai, một cái cốc, dăm quả nem và một cái khăn mặt ướt, đựng trong cái rỏ tròn, bằng tre đan, có quai xách. Thường lúc buồn ông vẫn uống rượu trên tầu.

Xe chạy được vài ga, ông trùm vạt áo lên mặt để ngủ cho đỡ gió. Tôi hết chỗ nằm, phải ngồi cạnh ông để ngủ gật.

Đến một ga, một ông soát vé lên đánh thức hành khách rầm rĩ để làm bổn phận. Ông ta gắt người nọ, cự người kia. Đương đêm, ai phải dậy không khó chịu, và ai có thể nhanh nhẩu lấy được vé ra cho ông ta khám ngay.

Nhưng lạ một nỗi là ông ta không đánh thức ông Tản Đà, mà chỉ ngó nhìn vào cái rỏ, có lòi cái cổ chai ra mà thôi, rồi yên trí, hỏi vé tôi là người bên cạnh.

Thấy sự kỳ quặc, tôi hỏi, thì ông ta trả lời:

– Thôi, để ông ấy ngủ, ông ấy say đấy mà.
– Ông nào mà ông biết đích thế?
– Ông Nguyễn Khắc Hiếu chứ ai! Lần nào đi tầu không thế.

(Tao Đàn, số đặc biệt – Nguyễn Công Hoan)

 

Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ

Ngày xưa…ngày nay…

Ngày xưa như tướng như vương ,
Ngày nay thất thế như phường hát rong.

Giai thoại làng văn xóm chữ

Năm 1963, tôi có về làng Đại Hoàng, quê Nam Cao, để tìm hiểu những nguyên mẫu nhân vật của tác phẩm Nam Cao. Hồi ấy tôi có hướng dẫn một sinh viên làm luận văn thạc sĩ, đề tài là: “Từ nguyên mẫu đến nhân vật truyện của Nam Cao”.

Chí Phèo không phải là người cùng thời với Nam Cao. Đó là một nhân vật truyền thuyết của làng. Ngày xưa có một anh Chí Phèo, làm nghề mổ lợn, giỏi bắt phèo nên người ta gọi là Chí Phèo. Anh ta thường uống rượu say, đi trên đường làng, chửi trời chửi đất lung tung. Chí Phèo không đâm chém ai cả.

Còn Bá Kiến thì có nguyên mẫu tên là Bá Bính, gần giống như Bá Kiến: bóc lột dân, dâm ô, cướp cả vợ bố, ngủ với con dâu. Có bốn vợ. Tôi có ghi lại mấy câu vè về Bá Bính của dân Đại Hoàng:

Nam Sang nhất tổng Cao Đà

Có thằng Bá Nghị tên là sọc nhăng

Ông mà lại hoá ra thằng

Khôn ngoan nhất mực, nói năng ai tày

Bốn đời lý trưởng trong tay

Bao chiếm điền thổ xưa nay đã nhiều

Nghe nói vợ ba Bá Bính bị ta thủ tiêu vì hay ra vào đồn giặc. Còn vợ tư Bá Bính thì lúc chúng tôi về Đại Hoàng, vẫn còn sống. Chí Phèo và Bá Bính chẳng liên quan gì đến nhau cả. Bá Bính chẳng bị ai đâm chém, còn sống mãi sau cách mạng tháng Tám, và có chân trong Hội Liên Việt.

Vậy là truyện Chí Phèo hư cấu nhiều, nhất là nhân vật Chí Phèo. Còn Thị Nở có người nói có, có người nói không.

Cô Hồng, con Nam Cao, thì nói dứt khoát: “ông ấy bịa”.

(Hồi ký Nguyễn Đăng Mạnh)

 

Tục ngữ Tầu

Vô tửu bất thành lễ

Một tửu một tương bất thành đạo trường

(Không rượu không tương, không thành đạo trường)

(Nguyễn Lập Sơn – Dư Phát Linh)

 

Đêm năm canh ngày sáu khắc

Thời gian, thì giờ là một đề tài xưa như trái đất và to như cái đình.

Bàn về thời gian thì có thể bàn…hết năm này sang năm khác, bàn cho đến khi ” Trai trẻ bao lâu mà đầu bạc “…cũng chưa chắc đã đi tới đâu. Nhưng vẫn thích bàn. Triết gia, nhà khoa học, văn nghệ sĩ ngày ngày thi nhau bàn.

Thời gian là cái gì mà làm cho người ta say mê bàn như vậy?

Chả là cái gì cả ! Chưa ai thấy mặt mũi thời gian ngang dọc ra sao. Nhưng phải nhắm mắt thừa nhận rằng thời gian rất hấp dẫn, rất quan trọng. Chả thế mà khắp đông tây nam bắc, từ thời thượng cổ đến tận bây giờ, người ta thi nhau sáng chế máy này máy nọ để đo thời gian. Người ta rủ nhau đi đo cái vô hình vô ảnh. Đo cái mà mắt trần không thấy được. Các thứ máy đo thời gian, thô sơ hay tinh xảo, to hay nhỏ, ta đều gọi chung là đồng hồ.

Theo truyền thuyết thì người Trung Quốc đã biết dùng đồng hồ nước từ đời Hoàng Đế (khoảng 2500 năm trước tây lịch). Một nghìn năm sau (1500 năm trước tây lịch), người Ai Cập mới sáng chế đồng hồ cát (clepsydre). Phải chờ thêm hơn 2000 năm nữa, vào khoảng năm 1300 tây lịch, người Âu mới có đồng hồ có bánh xe. Năm 1904 xuất hiện đồng hồ đeo tay, và mới từ vài chục năm nay lại có thêm đồng hồ quartz, đồng hồ điện tử, v..v...

Vậy xin hỏi nước ta biết dùng đồng hồ từ bao giờ?

Dạ, không biết! Rốt cuộc, bàn về thời gian chỉ…mất thì giờ!

(Nguyễn Dư – Chimviet.free.fr)

 

Tục ngữ và thành ngữ

– Tục ngữ: Là một câu tự nó diễn trọn vẹn một ý, một nhận xét, một kinh nghiệm, một luân lý, có khi là một sự phê phán.
– Thành ngữ: Là một phần câu sẵn có, nó là một bộ phận của câu, mà nhiều người đã quen dùng, nhưng tự riêng nó không diễn được một ý trọn vẹn.

Thí dụ như: “Cá bể, chim ngàn” hay “Người chửa, cửa mả”…

Có người nói tục ngữ là ngạn ngữ, là lời nói đã lưu hành từ xưa.

Chữ ngạn có nghĩa là lời nói của người xưa.

 

Quái

Quái: quay trở lại

(nắng quái chiều hôm)

(Tự điển tiếng Việt cổ – Nguyễn Ngọc San, Đinh Văn Thiện)

 

Chùa Quán Sứ

Nguyên xưa ở phường này chưa có chùa, chỉ có mấy gian nhà tranh ở phía Nam, dân làng dùng làm chỗ tế thần cầu yên gọi là xóm An Tập. Theo sách Hoàng Lê Nhất Thống Chí, vào thời vua Lê Thế Tông, các nước Chiêm Thành, Ai Lao thường cử sứ giả sang triều cống nước ta. Nhà vua cho dựng một tòa nhà gọi là Quán Sứ để tiếp đón các sứ thần đến Thăng Long. Vì sứ thần các nước này đều sùng đạo Phật nên lại dựng thêm một ngôi chùa cũng nằm trong khuôn viên Quán Sứ để họ có điều kiện hành lễ. Thời gian đã xóa đi dấu khu nhà Quán Sứ nhưng ngôi chùa thì vẫn tồn tại.

Chùa Quán Sứ được xây dựng vào thế kỷ XV nằm trên địa phận thôn An Tập, phường Cổ Vũ, huyện Thọ Xương, ngày nay là phố Quán Sứ.

 

Nhân văn giai phẩm (2)

Người tố giác cả  “hệ thống những sai lầm xấu xa”, những “dụng ý rất đen tối” của Tử Phác là nhạc sĩ Lương Ngọc Trác.

Người lột “cái mặt gian xảo” của Lê Đạt như “một kẻ ẩn núp, tàng hình, đã từng quay quắt được một thời gian, nhưng rốt cục cái bản chất phản lại giai cấp vô sản lòi ra mồn một” là nhà thơ Xuân Diệu, cũng chính là người phát hiện Văn Cao “gài mìn chống phá Đảng và nhân dân”.

Người quyết “vạch rõ tội lỗi của Phan Khôi đã bao nhiêu năm làm tay sai cho đế quốc, nịnh hót phong kiến, lừa bịp, đầu độc nhân dân để kiếm bát cơm, manh áo”, “chống Đảng, chống cách mạng, phản nhân dân, phản Tổ quốc”, “từ bé đến già bóc lột của nông dân, ăn cướp của nhân dân” là nhà văn Nguyễn Công Hoan.

(Phạm Thị Hoài – Cú giãy cuối cùng của nền phê bình chỉnh huấn)

 

Chữ nghĩa làng văn

– * Theo ông, nơi nào đáng được xem là phố cổ của Sài Gòn?

– Đó là Gò Vấp. Xét ở nhiều khía cạnh như kiến trúc, tôn giáo, ẩm thực…, Gò Vấp xứng đáng là phố cổ Sài Gòn, cần được đầu tư để là phố cổ Sài Gòn. Gò Vấp có nhiều kiến trúc cổ như các đình, chùa, miếu… Gò Vấp tập trung nhiều tu sĩ và đạo tỳ, có đủ các mónăn ngon của đất phương nam. Dân Gò Vấp làm từ thiện nhiều, nổi tiếng là bà Lệ Phát ở chùa Châu An. Thích làm từ thiện là một đặc điểm của dân khẩn hoang. Gò Vấp cũng có chùa Nghệ Sĩ, một hiện tượng độc đáo chỉ có ở Việt Nam…

(Cả đời viết về cuộc khẩn hoang Nam bộ – Miêng)

 

Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ

Theo “Tự điển tiếng Viêt dành cho học sinh” ở Hà Nội (Vũ Chất):

Ngồi: đặt đít xuống chỗ nào

 

Truyện chớp: Chết đâu phải hết ngu

Tôi đã nằm mơ. Cha tôi từ bên kia thế giới trở về thăm tôi.

“Cha ơi, thế nào?” tôi hỏi. “Cha có được gặp cụ Beethoven không?”

Cha tôi nhăn mặt lắc đầu với vẻ buồn tủi, ngán ngẩm:

“Kinh khủng lắm, con ơi!”

“Sao vậy?”

“Chả thân thiện tí nào cả.”

“Thế à?”

“Cha tiến lại phía ông ấy định choàng tay ôm siết vào lòng”, cha tôi nói tiếp: “Thế nhưng con biết ông ấy nói với cha điều gì không? Ông ấy nói: ‘Sao ngươi đã dám đánh khúc adagio của bài Hammerklavier! Sao ngươi đã dám nghĩ, dù chỉ trong một giây thôi, rằng ngươi có thể đàn bài Hammerklavier dù chỉ chơi một nốt nhỏ thôi?'”

“Xin lỗi Cụ”, cha tôi đáp: “Tôi thiển nghĩ Cụ nay đã khinh thường mấy cái chuyện nhỏ nhoi đó rồi mà…”

“Khinh thường cái con vượn!”, Beethoven to tiếng cãi lại:

Chết đâu phải là hết ngu!“.

Rồi tôi thấy ông nội đi loạng choạng về phía chân trời.

Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ

Trong ngôn ngữ, nước này vay mượn nước kia là chuyện bình thường. Có thể các từ xuất xứ ở nước này sau chuyển sang nước khác. Cũng có thể có sự ngẫu nhiên giống nhau. Các học giả thông thái đôi khi cũng chủ quan và lầm lẫn.

Như một học giả Pháp bảo rằng tiếng Việt là mẹ của các ngôn ngữ trên thế giới. Ông bảo tiếng Pháp “convoi” là do chữ “con voi” của Việt Nam.

Một học giả khác lầm lẫn giữa “dâu”, “râu” mà viết rằng “con dâu là phụ nữ có râu”.

Nhiều từ ngữ mình tưởng là tiếng Việt hóa ra là tiếng Hán Việt như: sướng, khoái, thích.

(Sơn Trung – Lịch sử Phở)

Ngộ  Không

(Sưu Tập)

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2019

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Bài Mới Nhất
Search