T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngộ Không : Chữ nghĩa làng văn (Kỳ 10)

 

Lộn

Lộn là lầm, là sai, là không đúng.

Nhưng “đánh lộn” là đánh…đúng. Chứ không…sai.

“Cãi lộn” là cãi lung tung. Không phải là cãi…lầm lộn.

(Nguyễn Hữu Nhật – Tiếng Việt hay quá)

 

Sách Tầu

Đời xưa, khi nói tới học rộng, người ta thường ví là học hết năm xe sách. Thực ra, cái năm xe mà người Trung Hoa nói tới là năm xe chở những thanh tre, thanh gỗ kết với nhau. Những thanh tre đó có viết chữ và đó là sách của người xưa.

Chữ “sách” của người Tàu nay vẫn còn dùng là một tượng hình của loại sách đó. Và nếu thế, năm xe sách có lẽ cũng chỉ bằng vài chục cuốn sách của chúng ta ngày nay.

Tre được cắt thành từng phiến đều đặn, cật (tức phần ngoài cùng) được cạo đi rồi đem hong lửa cho chảy mồ hôi (hãn thanh) và ám khói ngõ hầu ít bị mối mọt. Người ta sẽ khắc hay viết bằng bút lông trên các thanh tre này và buộc lại thành sách. Một cuốn sách kiểu đó không những đã cồng kềnh, nặng nề mà lại chẳng viết được bao nhiêu. Chính thế mà cổ nhân viết hết sức cô đọng và hàm súc, lời thật ít mà ý thật nhiều chứ không dài dòng như chúng ta ngày nay.

 

Người Việt sửa thơ Tầu

Bùi Hữu Nghĩa (1807-1872) quê Vĩnh Định, An Giang, đỗ thủ khoa thi Hương tại trường thi Gia Định.

Thủ khoa Nghĩa nổi tiếng là người hay thơ, một hôm trong lúc nhàn đàm chuyện văn chương, cầm tập thơ Đường thi tam bách thủ đọc lên bài Nhân gian tứ hỷ:

Cửu hàn phùng cam vũ

Tha hương ngộ cố tri

Động phòng hoa chúc dạ

Kim bảng quải danh thì

Dịch nghĩa là “Hạn lâu gặp mưa rào, xa quên gặp bạn cũ, đêm động phòng hoa chúc, bảng vàng đề tên”. Mọi người khen hay, nhưng Thủ Khoa Nghĩa lắc đầu vì chưa hẳn là hay nếu thêm mỗi câu đầu 2 (hai) chữ:

Thập niên cửu hàn phùng cam vũ

Thiên lý tha hương ngộ cố tri

Hòa thượng động phòng hoa chúc dạ

Mộc nho kim bảng quải danh thì

Thủ Khoa Nghĩa dẫn giải: “Mười năm nắng hạn mới gặp mưa rào, xa quê ngàn dặm gặp bạn cũ, nhà sư có được đêm động phòng hoa chúc, học trò dốt đi thi bảng vàng đề tên…thì hay hơn.

(Trương Quang – báo Ngày Nay)

 

Cái và con

Cái gì có chân mà không có đầu: Cái ghế

Con gì có đầu mà không có chân: Con chim

 

Văn hóa ẩm thực: quán Bà Cả Đọi

Khách nhìn món ăn rồi chỉ. Ấy là quán cơm chỉ đầy hương vị Bắc kỳ, những bát canh rau đay nấu cua, đĩa cà pháo chấm mắm tôm, đĩa dưa cải chua, đĩa thịt đông, đĩa rau muống xào, đĩa đậu rán…

Tên nguyên thủy là quán Bà Cả Đại (người làng Đồng Nhân). Ban đầu ở Chợ Cũ, sau về con hẻm đường Nguyễn Huệ. Theo giai thoại vì khách đến ăn thường là nghèo và “đói” nên Bà Cả Đại được Nguyễn Thụy Long gọi chệch đi là…Bà Cả Đọi.

(Trà Lũ – báo Thời Báo)

 

Chữ nghĩa trong câu đối

“Xuất đối dị, dị đối nan” hiểu theo nghĩa là “ra đối dễ, đối lại khó” như dưới đây:

Thầy lang “băm” thầy lang băm, thầy lang băm “hăm” băm thầy lang – Ông thầy “hù” ông thầy hù, ông thầy hù “chù” hù ông thầy.

Người làm nghề “đè đầu đè cổ thiên hạ”ngoài Bắc gọi là phó cạo.

Trong Nam kêu là thầy hù.

Theo Vương Hồng Sển ngoài cắt tóc còn lấy ráy tai, người cắt tóc thổi “..hù..hù..” (tiếng Bắc: phù phù) quanh vành tai để cứt hay ráy tai bay ra nên được gọi…thầy hù.

(Nguyễn Kiến Thiết – báo Thời Báo)

 

Văn hóa ẩm thực: cơm Âm phủ

Cơm Âm phủ ra đời đâu đó vào năm cuối của đệ nhị thế chiến 1914-1918 do ông Tống Phước Kỷ là chủ. Đó là một loại cơm đĩa thập cẩm trộn đủ thứ được xắt nhỏ như nem, chả, thịt nướng, tôm chẩy, thịt heo, dưa chuột bóp với chén nước mắm pha loãng.

Một phần vì có người cho là món xà bần của những thứ hàng rong Huế bán ế còn lại và ông Tống Phước Kỷ mua rẻ, xắt nhỏ trộn với cơm cho những người đi đêm về khuya.

Một phần khác nữa vì quán dựng lên ở mảnh đất hoang vu, tên là Đất Mới, vùng ngoại biên hẻo lánh của phía đông Tòa Khâm. Quanh Dinh có đồn lính Tây, lính khố xanh, khố đỏ, lính tập, lính kèn. Do đó khu Đất Mới trở thành xóm Bình Khang có nhiều nhà chứa gái làng chơi. Thế nên ông Bửu Thụ có câu thơ:

Muốn ăn cơm đĩa trữ tình

Có quán Âm Phủ, mà rình phía trong

Trong không khí đêm khuya, đèn đuốc hiu hắt của một quán bình dân ở một vùng không có nhiều cột đèn điện vào đầu thế kỷ…Nên khách hàng đặt tên là: cơm Âm phủ.

(Lê văn Lân – Xưa và nay)

 

Tiếng Việt khó khăn

Có người cho rằng tiếng Việt phát âm khó khăn quá, như câu dưới đây:

Nguyễn Tuyển chuyên quyền huyênh hoang.

Hoặc giả như âm “oay” đọc và nghe như muốn “oải” rồi với 8 từ:

“loay hoay”, “hí hoáy”, “ngoáy”, “xoay”, khoáy, “toáy”.

Và vần “uay” với “quay”, “quây”, “quẩy”, “”quấy”, “quây”, “quẫy”.

(Đỗ Quang Vinh – Tiếng Việt tuyệt vời)

 

 

Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ

Nhận được thư em lúc nhá nhem

Mừng mừng tủi tủi mở ra xem

Trong thư em viết dăm ba chữ

“Anh ơi ngày mai “nó”…lấy em!!!”

Biến đổi từ vựng trong tiếng Việt

Sự biến đổi của ngôn ngữ là hiện tượng tượng tự nhiên bởi lẽ bản chất của nó là đổi mới. Nhưng không tạo ra ngôn ngữ mới mà chỉ hoàn thiện những cấu trúc và chức năng đã có…Một hiện tượng bình thường như vậy có ảnh hưởng đến ba bộ phận cấu thành một ngôn ngữ:

Ngữ âm, ngữ pháp và từ vựng.

Hệ thống ngữ âm của ngôn ngữ biến đổi chậm và không đều. Trong khi hệ thống ngữ pháp biến đổi chậm nhất.

So với ngữ âm và ngữ pháp, bộ phận từ vựng phát triển nhanh nhất và nhạy cảm nhất. Vì nó gắn liền với những biến đổi trong tư duy của con người.

Vì vậy những từ ngữ mới luôn luôn xuất hiện nhằm đáp ứng sự nhận thức và tư duy của chúng ta.

(Nguyễn Hữu Trí – Sự biến đổi từ vựng…)

 

Chữ nghĩa Bắc – Nam

Hỏi :

– Con lợn khác con heo ở chỗ nào?

Đáp :
– Con heo ăn bắp còn con lợn ăn… ngô!

(Trau giồi tiếng Việt – ĐatViet.com)

 

Truyện cực ngắn hay truyện chớp: Vưu vật

Từ đó về sau, mỗi lần đi tắm, Tiên Dung lại ra lịnh Chử Đồng Tử cởi truồng nằm ngửa dưới lớp cát ngay nơi nàng xối nước.

 

Nguyễn Du sinh năm nào?

Xưa nay có nhiều thư tịch, văn bản đưa nhiều giả thuyết về năm sinh của Nguyễn Du nhưng tựu trung ở hai năm 1765 và 1766. Vậy thực tế Nguyễn Du sinh năm nào?

Theo Nguyễn Lộc “Từ điển Văn học” Nguyễn Du tên chữ là Tố Như, hiệu Thanh Hiên. Sinh năm Ất Dậu, niên hiệu Cảnh Hưng. Có tài liệu ghi ngày sinh của Nguyễn Du là 23 tháng Mười một, tính ra Dương lịch là 03.I.1766. Quê Nguyễn Du ở làng Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, trấn Nghệ An, nay thuộc tỉnh Nghệ Tĩnh, nhưng lại sinh ở Thăng Long, và thời niên thiếu cũng ở Thăng Long…”.

Trong tác phẩm “Truyện Kiều và hiện thực”, Lê Đình Kỵ lại viết: “Nguyễn Du sinh ngày 3 tháng giêng năm 1766 tại làng Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh, trong một gia đình đại quí tộc và có truyền thống khoa cử lâu đời. Họ Nguyễn Tiên Điền là họ danh vọng nhất thời Lê Mạt, cho nên đương thời có lời truyền tụng:

Bao giờ Ngàn Hống hết cây
Sông Rum hết nước họ này hết quan

Rõ ràng năm 1766 là giả thuyết được nhiều nhà nghiên cứu chấp nhận. Nhưng năm 1765 lại được nhiều người công nhận hơn. Như Nguyễn Q. Thắng, Nguyễn Bá Thế trong “Từ điển Nhân vật lịch sử” viết: “Nguyễn Du tự Tố Như, hiệu Thanh Hiên và có nhiều biệt hiệu như Hồng Sơn liệp hộ (về năm sinh, năm Ất Dậu là 1765, nhưng có sách ghi ngày 23 tháng 11 âm lịch: 3-1-1766 mới đúng). Con Xuân Quận Công Nguyễn Nghiễm và Trần Thị Tân, quê làng Tiên Điền, huyện Nghi Xuân trấn Nghệ An (nay là Hà Tĩnh), nhưng sinh ở Thăng Long”.

 

Giá sách cũ thập niên 30

Thập niên 1930 là thời kỳ văn học Việt Nam phát triển mạnh. Nhiều nhóm văn học hay văn đoàn đã được thành lập với chủ trương khác nhau. Nổi bật nhất là nhóm Tự lực văn đoàn của Nhất Linh, Hoàng Đạo, Khái Hưng hô hào cải cách xã hội.

Nhóm Hàn Thuyên với Trương Tửu, Nguyễn Bách Khoa, Nguyễn Đức Quỳnh chủ trương theo đường lối của đệ tứ quốc tế.

(Tạ Quang Khôi – Sơ lược nền văn học Việt Nam thế kỷ 20)

 

Câu đối tự thuật

Chị em ơi! ba mươi sáu tuổi rồi, khắp đông, tây, nam, bắc bốn phương trời, đâu cũng lừng danh công tử xác.

Trời đất nhẻ! gắng một phen này nữa, xếp cung, kiếm, cầm thư vào một gánh, làm cho nổi tiếng trượng ềnh

(Nguyễn Công Trứ, câu đối tự thuật)

 

Tiếng Việt phong phú

Từ Hà Nội, trứng vịt ngao du vào đến Huế được gọi là trái vịt lộn.

Vào đến Sài Gòn được kêu là hột vịt lộn

Xuống tới Cà Mâu, nếu trứng vịt còn sống nhăn, được gà ấp ra…con dịt.

 

©T.Vấn 2011

Bài Mới Nhất
Search