T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngộ Không: Chữ nghĩa làng văn (Kỳ 180)

 

clip_image002

 

Hồ Xuân Hương tân biên bản mục

Để hiểu quá trình dân gian hóa thơ được gọi là của bà Hồ Xuân Hương, hãy tìm hiểu bài Chơi đu của Lê Thánh Tông:

Bốn cột lang nha khéo trồng

đánh cái, ả còn ngong

Vái thổ địa, khom khom cật

Khấn hoàng thiên, ngửa ngửa lòng

Lang nha: đầu làng – Đánh cái: chơi đu – Ngong: là ngóng.

Bài thơ rất gợi hình lúc cái đu đánh xuống, người cúi xuống…vái đất. Khi cái đu hất lên, người ngửa ra…khấn trời.

Hai câu thơ tài tình của vua Lê bị “Hồ Xuân Hương hóa” với:

Trai cong gối hạc, khom khom cật

Gái uốn lưng ong, ngửa ngửa lòng

(Trần Nhuận Minh – Tạp chí Tân Văn)

Chữ nghĩa làng văn

Giã giò con cò biết bay
Xương xông, lá lốt làm chay cho cò.

Câu ca dao mới nghe thấy ngộ nghĩnh, thậm chí tưởng là có mâu thuẫn. Giã giò để làm chay cho cò. Dùng đồ mặn để cúng chay?

Chữ chay (Việt) là do chữ trai (Hán) mà ra. Trai nghĩa là ăn chay. Trai tăng là thầy tu ăn chay.

Chữ trai còn có thêm một nghĩa khác. Trai tiếu là sư làm đàn cầu cúng (Hán Việt từ điển Đào Duy Anh). (Hán Việt tự điển Thiều Chửu chép là chai, chai tiếu).

Làm chay của câu ca dao được hiểu theo nghĩa là làm đàn cầu cúng. Nôm na là làm cỗ cúng. Cỗ cúng của dân gian có thể là cỗ mặn, không bắt buộc phải là cỗ chay.

(Cái chày cái cối – Nguyễn Dư)

Chữ nghĩa làng văn

Cái bệnh của những học giả, nói theo Nietzsche, là không viết được gì nếu không dựa trên trích dẫn của người khác. Chứ không sáng tạo gì. Sáng tạo của viết lách là sự nấu nướng những gì có sẵn thành món ăn mới. Còn viết văn? Là bày biện món ăn với nhiều gia vị. Một phong hóa văn chương, dàn dựng nhân sinh vào mâm cỗ ngôn ngữ.

Cái chết của tác giả “Tắt đèn”

Ngô Tất Tố (1894-1954) là nhà Nho học vào giai đoạn trước năm 1954, Ông tiêu biểu cho giai đoạn giao thời, dung hoà sự tương thích giữa nền văn hoá mới và cũ. Ông còn đuợc xem là nhà văn hàng đầu của trào lưu “hiện thực phê phán” ở Việt Nam với các tác phẩm tiêu biểu như Tắt đèn, Lều chõng, Việc làng, v…v…

Tác phẩm Tắt đèn của ông đuợc đưa vào sách giáo khoa. Tuy nổi tiếng thế nhưng không có nguồn tin chính thức nào về cái chết của ông. Mãi cho đến nay, nhà văn Thái Doãn Hiển cho biết như sau:

“Gần đến chiến thắng Điện Biên Phủ. Hội văn nghệ Việt Nam họp trên đồi Nhã Nam. Cuộc đấu tố của văn nghệ sĩ diễn ra gay gắt căng thẳng. Nguời ta vu cáo những chuyện tày trời, quyết liệt dồn Ngô Tất Tố vào chân tuờng với tội “phục cổ”.

Và nhà văn Ngô Tất Tố đã qua đời vào đêm 20 tháng 4 năm 1954 do thắt cổ ở nhà riêng ở Yên Thế, Bắc Giang.

Cái chết tức tuởi của nhà văn khắc nghiệt đến mức nghĩa trang liệt sĩ ở xã địa phuơng từ chối không cho chôn”.

(Nghiệp văn, nghề báo: Ngô Tất Tô – 2014)

Dê…

Bà Hồ Xuân Hương có câu “Dê cỏn buồn sừng húc dậu thưa”.

Tàu có câu “Đê dương húc phiên” nghĩa “dê đực húc giậu”.

Chữ và nghĩa (9)

Tục ngữ là sản phẩm của quá khứ. Vì vậy, khi dạy tục ngữ, tất phải đối mặt với những từ ngữ cổ hết sức xa lạ với học sinh. Giới biên soạn sách giáo khoa e dè như thế kể cũng phải, vì khó lòng có thể né tránh được những những trở ngại về ngữ pháp đến độ từng gây lúng túng cho không ít các nhà học giả danh tiếng. Ðể dễ hình dung những gì vừa nêu đó, chúng tôi xin đưa ra một vài dẫn chứng chưa đúng lắm về cấu trúc cú pháp của tục ngữ.

Ếch tháng ba, gà tháng bảy là câu chê bai cửa miệng của đông đảo người Việt sành ẩm thực. Vậy mà một giáo trình về văn hoá học Việt Nam phổ biến rộng khắp trong cả nước lại ngang nhiên coi đây là hai món ăn khoái khẩu nhất của đồng bào mình. Chắc tác giả ấy đã quên mất một sự thực hết sức đau lòng từng hằn trong tâm trí dân ta, ngay cả giữa thời buổi hiện nay: tháng ba và tháng bảy/tám là thời kì giáp hạt hằng năm. Vào dịp này, ngay cả con người cũng còn lay lắt vì thiếu đói, huống hồ là gà và ếch.

Nói cách khác, vào thời gian ấy, hai giống vật vốn cho thịt rất ngon kia chỉ còn da với xương thì làm sao lại có thể là những món ăn khoái khẩu được? Như dân gian từng có câu tục ngữ đáng kinh sợ, chẳng hạn, Tháng tám đói qua; tháng ba đói chết.

Ðối chiếu thêm câu Ếch tháng mười, người tháng giêng, một câu có nghĩa hoàn toàn trái ngược với câu đang phân tích.

(Tạp chí Ngôn ngữ – Nguyễn Đức Dương)

Vắng như chùa Bà Đanh (2)

Chùa Bà Đanh thứ hai ở Hà Nam đi từ thành phố Phủ Lý rẽ vào quốc lộ 21, đi cầu Quế khoảng hơn 1km, sẽ thấy chùa Bà Đanh thấp thoáng hiện ra sau những bóng cây. Ngôi chùa u tịch nhìn ra con sông Đáy trôi chảy hiền hòa.

clip_image004

Chùa Bà Đanh ở Hà Nam

Đi qua chiếc cầu treo Cấm Sơn bắc qua sông Đáy, có tấm biển bằng đá ghi “Chùa Bà Đanh và núi Ngọc”. Chùa Bà Đanh thuộc địa phận thôn Đanh, xã Ngọc Sơn, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam.

Chùa Bà Đanh từ xa xưa gắn liền với câu thành ngữ “vắng như chùa Bà Đanh”. Nhiều người cho rằng chùa ở xa dân cư, cách trở núi sông, nên ít người lui tới. Dù giải thích thế nào thì dường như nguồn gốc câu thành ngữ “Vắng như chùa Bà Đanh” vẫn là một bí ẩn!

Ri

Ri: rừng

(gà ri, heo ri)

(Tự điển tiếng Việt cổ – Nguyễn Ngọc San, Đinh Văn Thiện)

Giai thoại làng văn xóm chữ

Ăn cơm vua

Một ông thợ xẻ, gặp dịp làm nên giàu có, mua được chút phẩm hàm, mở tiệc ăn khao. Trong những câu đối và hoành phi gửi đến mừng, người ta chú ý nhất đến một bức trướng trên đề ba chữ: Ăn cơm vua
Ai đọc cũng phải tủm tỉm, nhớ lại câu hát: “kéo cưa, lừa xẻ, ông thợ nào khỏe thì ăn cơm vua, ông thợ nào thua thì về bú tí … “

(Lãng Nhân Phùng Tất Đắc – Chơi chữ 1960)

Chữ nghĩa làng văn (6)

Câu đối chết:

Những câu đối với vế ra chưa có vế đối thât chỉnh, gọi là câu đối chết. Thí dụ:

Da trắng vỗ bì bạch.

Tương truyền là vế ra của bà Đoàn Thị Điểm thách ông Trạng Quỳnh đối, nhưng Trạng không đối được! Khó đối ở chỗ dùng chữ Hán “bì bạch” là da trắng trong nghĩa tiếng Việt, bì bạch còn là tiếng tượng thanh rất ấn tượng diễn tả tiếng động của bàn tay khi vỗ vào da.

Đã có vế đối:

“Trời xanh màu thiên thanh”, nhưng chưa được chỉnh vì thiên thanh không tượng thanh.

Trời mưa đất thịt trơn như mỡ, dò đến hàng nem chả muốn ăn.

Chữ dò có nghĩa hỏi han, mò mẫm để biết tình hình. Nếu phát âm theo kiểu miền Nam nước ta thì dò cũng có nghĩa là món giò! Chả là không, chả còn là món ăn. Vế ra gồm đủ các món ăn thật hấp dẫn: thịt, mỡ, giò, nem, chả.

Cha con thầy thuốc về quê, gánh một gánh hồi hương, phụ tử.

Vế này khó đối vì hai từ ngữ “hồi hương”“phụ tử” vừa là tên hai vị thuốc bắc, vừa có nghĩa là “về quꔓcha con”.

(Khuyết danh – Tiếng Việt lý thú)

Hiện tượng phản ngôn ngữ (3)

Thứ hai, hiện tượng dùng chữ “vô tư”. Lúc ở Hà Nội, một trong những từ tôi nghe nhiều nhất là từ “vô tư”. Nó được dùng một cách lạm phát.  Cái gì cũng “vô tư”. Bạn bè, gồm toàn các giáo sư và nhà văn nổi tiếng ở Hà Nội, rủ tôi vào quán thịt cầy. Thấy tôi thoáng chút ngần ngại, họ liền nói: “Cứ vô tư đi mà! Thịt cầy ở đây ngon lắm!” Sau khi uống vài ly rượu, cảm thấy hơi chếnh choáng, tôi xin phép ngưng, họ lại nói: “Không sao đâu, cứ vô tư uống thêm vài ly nữa cho vui. Rượu này ngâm thuốc, bổ lắm!” Cuối tiệc, tôi giành trả tiền, họ lại nói: “Không, bọn tôi đãi, anh cứ vô tư đi!”. Cứ thế, trong suốt bữa tiệc hai ba tiếng đồng hồ, tôi nghe không dưới vài chục lần từ “vô tư”.

Chữ “vô tư” ấy phổ biến đến độ lọt cả vào trong thơ Nguyễn Duy:
Mình vô tư với ta đi
Vô tư nhau chả cần chi nhiều lời
Vô tư thế chấp đời người
Trắng tay còn chút coi trời bằng vung
Luật chơi cấm kị nửa chừng
Vô tư đặt cọc tận cùng chiếu manh
Liền em vô tư liền anh
Không ngây không dại không đành phải không

(Nguyễn Hưng Quốc – Hiện tượng phản-ngôn ngữ ở Việt Nam)

Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ
Câu ”Văn là người” của Baffon cách đây ba thế kỷ.

Nguồn gốc tộc Việt (1)

Gần đây cũng đã có nhiều nỗ lực trong việc tìm hiểu nguồn gốc dân tộc. Một trong những thành tích về vấn đề này cần được lưu ý là quyển Nguồn Gốc Dân Tộc Việt Nam của Nguyễn Khắc Ngữ do Nhóm Nghiên Cứu Sử Địa Việt Nam xuất bản tại Montréal (Canada) năm 1985. Nói là đáng lưu ý bởi quyển sách nhỏ này (172 trang) trình bầy những dữ kiện và áp dụng một lối lý luận rất khoa học. Theo Nguyễn Khắc Ngữ thì: “đại để có thể chia các giả thuyết (nguồn gốc dân tộc Việt Nam) thành bốn loại tiêu biểu:

– Giả thuyết con Rồng cháu Tiên

– Giả thuyết Bách Việt

– Các giả thuyết của các tác giả miền Nam

– Các giả thuyết của các tác giả miền Bắc”.

Phân chia như vậy e rằng vừa thiếu lại vừa dư. Quá thiếu vì nếu cứ ý kiến của một tác giả được kể như một “giả thuyết” thì bảng liệt kê trên còn thiếu nhiều giả thuyết chưa kể ra. Quá dư vì những giả thuyết mà Nguyễn Khắc Ngữ gọi là giả thuyết Bách Việt, giả thuyết của các tác giả miền Nam, miền Bắc … thực ra chỉ là con đẻ của một trong hai thuyết:

(Nguồn: Cung Đình Thanh)

Bia ngoại truyện (4)

Bia cũng xưa gần bằng như chính nền văn minh. Các sử gia tin rằng, khi người xưa tình cờ để lúa mì hoặc lúa mạch lên men – nhờ đó tạo thành bia thô sơ – là thời kỳ chỉ xảy ra không lâu sau sự ra đời của cây trồng nông nghiệp. Vậy thì câu hỏi đáng được đặt ra là: ai là người đầu tiên uống cái thứ nước lúa mì đục đục lợn cợn thiu thiu đó? Bằng chứng khảo cổ học cụ thể cho thấy bia đầu tiên đến từ Iraq, nơi mà người Sumerians cổ xưa xây dựng các thành phố lấy nông nghiệp làm căn bản đầu tiên khoảng 6.000 năm trước. Một bảng dấu bằng đá có khắc niên đại được khai quật và tìm thấy; bảng nầy thực sự có ghi rõ từng chi tiết quá trình chế tạo bia qua một bài thơ dành riêng cho Ninkasi, nữ thần nấu bia của người Sumerians.

(Nhậu – Phan Hạnh)

Chân nam đá chân xiêu

Nhờ vào từ “đá” đứng giữa hai vế mà người ta hiểu nghĩa đen của thành ngữ này là “chân nọ đá vào chân kia”, và do từ “chân xiêu” một cách đơn thuần là “xiêu xẹo” nên người ta hiểu nghĩa bóng của thành ngữ là “đi đứng không vững vàng”. Nhưng tại sao “chân nam” lại là chân này và “chân xiêu” lại là chân kia ?

Thực ra, “nam” là do “đăm”, còn “xiêu” là do “chiêu” đọc chệch mà thành. “Đăm” và “chiêu” là hai từ cổ thuần Việt có nghĩa “bên phải” và “bên trái”. Từ điển “Đại Nam Quốc Âm Tự Vị của Huỳnh Tịnh Của (1895) còn ghi : “đăm” là “tay mặt, tay hữu”; “chiêu” là “tay trái, tay tả”. “Đăm” và “chiêu” còn thấy ở nhiều câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ như :

“Tay chiêu đập niêu không vỡ” hoặc “Gà kia mày gáy chiêu đăm – Để chúa tao nằm, tao nghỉ chút nao”.

“Đăm”, “chiêu” trong “gà gáy chiêu đăm” hoặc suy nghĩ “đăm chiêu” với nghĩa đen là “phải trái” để mang nghĩa bóng là “lo nghĩ vất vả, lo nghĩ trước sau”. (Từ điển của hội Khai Trí Tiến Đức 1932). Như vậy thành ngữ “chân nam đá chân xiêu” đúng phải là “chân đăm đá chân chiêu” tức chân phải đá chân trái để chỉ “trạng thái đi đứng không vững vàng”.

“Ông cụ Bèo đi bán củi ở chợ Nghệ về, đã làm mấy chén rượu ở chợ, chân đăm đá chân chiêu về đến nhà”. (Quang Dũng – “Nhà đồi”).

Sau nữa, nếu say sưa cũng “chân nam đá chân xiêu” thì đây là nghĩa thứ hai của thành ngữ:

“Nhà Chỉn cũng nghèo thay! Nhờ được bà hay lam hay làm, thắt lưng bó que, xắn váy quai cồng, tất tả chân nam đá chân chiêu, vì tớ đỡ đần trong mọi việc”. (Nguyễn Khuyến).

Ngộ  Không

(Sưu Tập)

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2020

Bài Mới Nhất
Search