T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Phan Trà: Thơ Nguyễn Minh Phúc – miệt mài góp nhặt tinh khôi


Nhà thơ Nguyễn Minh Phúc

(Chúng tôi bàng hoàng nhận được tin nhà thơ Nguyễn Minh Phúc, một nét thơ rất độc đáo của trang TV&BH, vừa qua đời ngày 4 tháng 10 năm 2020 tại Rạch Giá, Kiên Giang, hưởng thọ 64 tuổi. Xin được chia buồn cùng gia đình nhà thơ. Từ nay, chúng ta sẽ không còn được đọc những vần lục bát ngậm ngùi của anh nữa. Mong người thơ sớm về nơi thảnh thơi thơ túi rượu bầu. TV&BH)

 

Cứ mặc cho dòng đời trắc trở, thơ của anh Nguyễn Minh Phúc, đặc biệt những vần lục bát, có một sức hút kỳ lạ, như mời gọi người đọc chúng ta, cùng nhau về lục tung quá khứ, cùng đến gõ cửa tương lai, miệt mài góp nhặt tinh khôi.

Trong chuyến lữ hành xa xăm, dường như phiêu lãng đó, dù có tìm được những reo vui, như:

“ừ nhỉ… hình như là tình yêu
tôi nghe nồng ấm khói lam chiều
có em tha thướt về trong nắng
và gió… hay là hương tóc theo…”
(Hay Bởi Tình yêu)

Hoặc, dù có gặp phải những buồn bã, như:

“em về phơi mỏng hồn tôi
mùa thu hoa cải hiên trời xôn xao
gửi trên môi một câu chào
đã nghe thương nhớ đậu vào tim nhau

giờ em tay bế tay bồng
bùi ngùi tôi nhớ tình nồng năm xưa
mà thu cũng đã sang mùa
còn chăng tiếng vọng gió lùa qua song…”
(Gõ Cửa Mùa Thu)

Nhưng vẫn trở về, kết một bông hoa lòng không có tuổi cũng chẳng đặt tên, “thao thiết” dâng tặng cho thế gian nầy.

“không gì cả, chỉ còn vùng nhang khói
rụng giữa chiều xơ xác bóng hư vô
con chim hót lời tình buồn khan cổ
thả vào đêm thao thiết mộng sông hồ”
(Một Khúc Kinh Buồn)

Để làm nền, ngõ hầu hiểu rõ khối tình mà thơ Nguyễn Minh Phúc góp nhặt được, mang đến cho cuộc sống, hãy cùng nhau yết kiến câu 6 chương 8 sách Nhã Ca lừng danh của Vua Sa-lô-môn:

“Xin đặt em như chiếc ấn nơi tim anh, Như con dấu trên cánh tay anh; Vì tình yêu say đắm mạnh như sự chết, Lòng ghen mãnh liệt như âm phủ. Lửa tình bùng lên rực sáng, Như ngọn lửa của Đức Giê-hô-va.”

Trong câu trích ở sách Nhã Ca trên đây, mọi chữ mọi nghĩa, chúng ta đều hiểu được, không thắc mắc; duy chỉ có mệnh đề: “Như con dấu trên cánh tay anh” là còn chút ngỡ ngàng.

Vậy để tường tận, xin hãy đọc qua cặp câu ca dao Việt Nam, rất đỗi quen thuộc, này:

“Gối mền, gối chiếu không êm
Gối lụa không mềm bằng gối tay em”

Và:

“Than rằng gối gấm không êm
Gối lụa chẳng mềm bằng gối tay anh”

đó tương xứng với câu 3 chương 8 sách Nhã Ca, không phải là vô cớ khi Vua Sa-lô-môn viết ra rằng:

“Tay trái chàng kê cho tôi gối, Còn tay phải chàng ôm lấy tôi.”

Dẫn chứng như vậy, cốt để thấy tình yêu của loài người, tuy khác nhau về chủng tộc, về dòng thời gian, nhưng thảy đều có chung mùa bông trái tinh khôi, tuy khác cành nhưng có cùng một gốc rễ nhân văn.

Và thơ Nguyễn Minh Phúc, cứ mặc cho dòng đời trắc trở, cứ miệt mài đi góp nhặt những tinh khôi của nhân văn từ rất nhiều linh hồn đang lưu lạc.

Chẳng hạn xin nhặt ra ít câu, từ bài Mang Lại Giùm Tôi như sau:

“có phải mùa xưa vương gót chân
mà tôi còn vướng những nợ nần
nghe cõi tình đau chăn chiếu gọi
ngơ ngác ôm một trời phù vân

chiều nay ai có về ngang phố
mang tôi giùm tình đã phôi pha …”

“mang lại giùm tôi” là lời khẩn nài từ trong hoàn cảnh bế tắc, không thể nào với tới được, không thể nào vượt qua những hố cách ngăn trong cõi nhân tình thế thái bẽ bàng. Dù mối tình độ ấy đã nhạt phai nhưng nợ nần trong cõi tình xưa vướng bận còn nhiều. Thiết tha và gắn bó đến mức là “chăn chiếu”:

“nghe cõi tình đau chăn chiếu gọi”

Cũng thật lạ lùng thay, khi anh Nguyễn Minh Phúc muốn để cho nhân vật của thơ mình, lấy lá cây mà lót chỗ nằm cho người được yêu. Xin trích ra một đoạn như sau:

“……
thơm dịu dàng dấu tình yêu
thênh thang tỏa bóng mây chiều thướt tha
và em áo lụa đôi tà
chạm mùa ân ái ngọc ngà tình tôi
…….
tôi xin lót lá em nằm
nghe tình yêu vọng trăm năm nồng nàn…”

Chắc hẳn người đọc sẽ không khỏi boăn khoăn tự hỏi rằng tại sao trong tình yêu, cứ phải nguyện xin lấy lá cây để lót chỗ nằm, như thơ anh Nguyễn Minh Phúc đã bày tỏ ?

Phải chăng tinh khôi của tình yêu đã từng hiện hữu, đã từng bắt đầu cội rễ nhân văn từ chỗ vườn Địa Đàng của thuở hồng hoang Sáng Thế?

Hãy đến với câu 18 chương 2 sách Sáng Thế Ký. Văn bản này có ghi đành rành, không thể chối cãi, rằng:

“Giê-hô-va Đức Chúa Trời phán: ‘Con người ở một mình thì không tốt. Ta sẽ tạo nên một người giúp đỡ thích hợp với nó.’”

Tuy nhiên, phải đến câu 23, cùng chương cùng sách trên, Vườn Địa Đàng mới có đủ một lứa đôi theo ý muốn của Đức Chúa Trời; rằng:

“A-đam nói: ‘Bây giờ mới có người nầy, là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi. Nàng sẽ được gọi là người nữ, Vì từ người nam mà có.’”

Cũng vì vậy, vẫn theo ý muốn của Đấng Sáng Thế như đã kể trên, mà dòng thơ của anh Nguyễn Minh Phúc đã phải chảy cho đến tận nơi-phải-đến của lứa đôi. Đó là giấc uyên ương hồ điệp mộng, chỗ gọi là tận cùng của mọi lứa đôi.

Dưới đây là một đoạn trích trong bài thơ Buổi Ấy Xuân Nồng, xin minh chứng cho điều đã kể trên:

“mong manh sương khói bên đời
tôi cầm tay níu mùa rơi khẽ khàng

ơi em thuở hái mây trời
có hay tôi đứng gọi mời bước em

nầy đêm nến thắp hai hàng
làn hơi em thở mơ màng trong nhau
mây chiều chạm khói ngàn sau
môi chênh chao nhớ tình say nụ hồng…”

Trong đoạn trích nầy, với bốn câu lục bát: “nầy đêm nến thắp … nhớ tình say nụ hồng” nếu không phải là giấc uyên ương hồ điệp mộng thì còn là gì nữa, hở bạn đọc mình ơi?!?!?!

Đặc biệt cặp câu kết của đoạn trích trên đây:

“mây chiều chạm khói ngàn sau
môi chênh chao nhớ tình say nụ hồng…”

Đã đưa cảm xúc người đọc say la đà theo hướng hoàn toàn ngược chiều với sự vỡ vụn bẽ bàng lừng lẫy của nhà thơ Yến Lan.

Xin hãy đọc lại bốn câu cuối cùng trong bài Đường Xưa (bản in năm 1939) của nhà thơ Yến Lan, như sau:

“Đường vẫn nao dòng cũ,
Ngựa vào bước chân xưa.
Áo chàng xanh lam lũ,
Trời ơi, trời đừng mưa !”

Hãy để ý, câu cuối cùng đầy đau đớn:

“Trời ơi, trời đừng mưa !”

Đã kêu lên từ thi đàn vùng đất Bình Định. Và rồi tiếng ngân vang dội đến tận hôm nay trên thi đàn Việt Nam. Đó là nỗi đau điển hình của thơ ngay trước cái mất đi. Từ cái thắc thỏm vì không được rơi vào cái mất đi mãi mãi.

Còn cảm xúc của Nguyễn Minh Phúc thì khác:

“mây chiều chạm khói ngàn sau
môi chênh chao nhớ tình say nụ hồng…”

Ở đây, ta có mùi vị hiện sinh của đương đại. Lấy cái say la đà đang được “môi chênh chao” để làm đà rơi vào cái mất đi vĩnh viễn “khói ngàn sau”.

Tuy mang hai dáng vẻ khác nhau, như hai ngôi sao băng xẹt qua bầu trời đêm mùa hạ oi nồng, vội vã đến, vội vã biến mất; nhưng cả hai đều phải tuân theo một quy luật nghiệt ngã, đó là hư không theo luồng gió thổi.

Gần 3 ngàn năm về trước, như vua Sa-lô-môn đã cất công đúc kết kinh nghiệm tất cả các đời Vua trước
mình và cả đời mình, rồi viết ra câu 14 chương 1 trong sách Truyền Đạo (Ecclesiastes), rằng:

“Ta đã quan sát mọi việc xảy ra dưới ánh mặt trời; kìa, tất cả đều là hư không theo luồng gió thổi. ”

Có một điều khá hấp dẫn ở thơ anh Nguyễn Minh Phúc, không thể không kể ra đây. Đó là cảm giác mất hút
và tiếc nuối.

Tựa như trẻ nít nghịch chơi, ném một hòn sỏi nhỏ xuống mặt hồ mùa thu đang phẳng lặng. Hòn sỏi biến mất dưới hun hút thâm sâu diệu vợi của mặt nước hồ. Chỉ còn lại những vòng nước gợn xôn xao đầy tiếc nuối. Điều đó đủ để tác giả bày tỏ những lời rao cho trái tim trần gian đã bầm dập mùi đời cay nghiệt.

Xin hãy đọc bốn đoạn trích ngẫu nhiên tuỳ chọn sau đây. Cũng xin nhớ rằng không phải thơ Nguyễn Minh Phúc chỉ gói trọn trong chừng ấy thôi đâu, bạn đọc mình ơi !!!

Một là:
“…
như hồn tôi tha thiết
vấp bóng người trăm năm
chờ môi em hé nguyệt
mơ trăng đậu hiên rằm

tôi xin làm đá sỏi
trên dốc đời cheo leo
theo em về bến đợi
dẫu trần gian bọt bèo…”
(Theo Tình Đá Sỏi)

Hoặc thêm nữa, hai là:

“thì thôi vậy, về ngồi mà tiếc nhớ
em xa xưa hun hút một phương trời
tôi khờ dại vụng về nên đành lỡ
đem một đời đuổi chiếc bóng mù khơi

em là khói mà tình tôi giăng lưới

bởi yêu người nên máu cũng long đong”
(Không Giữ Được Người)

Hoặc chịu đựng đớn đau đến tội nghiệp vì đa đoan như đoạn trích thứ ba này:

“thì thôi người đã đi rồi
như con sóng vỗ lở bồi tôi mang

có gì chiếc lá rụng rơi
mà đau đến tím một trời thu sang

tôi về nhặt những chiều buông
dặn lòng nguôi nỗi nhớ thương thuở nào…”
(Dặn Lòng Nguôi Nhớ)

Và đoạn trích thứ tư sau đây, xin làm đoạn trích cuối cùng bởi vì cơn dày vò đã lên đến đỉnh cao của niềm đau nhân thế, đã bật thành sức mạnh của nghệ thuật, rồi thăng hoa lên thành tinh khôi như một linh hồn thoát ra từ trái tim người đầy thương tổn.

tưởng rằng trầu chẳng nợ cau
hay đâu vấp một đời nhau thật rồi
vấp em, tôi ngã xuống đời
đê mê bùa ngãi nát lời yêu đương

tôi như con nước cuối mùa
loay hoay mắc cạn, gió lùa trắng tay
vấp em, ngã xuống đời nầy
mang dây buộc trói… tôi đày đọa tôi
…”
(Vấp Em)

Anh Nguyễn Minh Phúc là một con người của thời đương đại, tuy nhiên thỉnh thoảng, trong thơ anh, người đọc vẫn nhặt lại được những dấu vết của thi đàn thời cổ xưa.

Chẳng hạn ở bài thơ Sông Rồi Rẽ Nhánh. Xin trích dẫn ra một đôi câu để minh hoạ, như sau:

“nghìn sau còn một nụ cười
chơ vơ cuối gió tim người xa xôi
sông còn hờ hững đấy thôi
huống chi con sóng lưng trời đẩy đưa…
….
…giờ nhìn nhau buổi hoàng hôn
mưa xiêu tóc bạc nắng hờn nếp nhăn
sông chiều sóng vỗ lăn tăn
nhớ chăng một nhánh rẽ hằn đời nhau…”

Bài thơ được trích dẫn trên đây của anh Nguyễn Minh Phúc, dù vô tình hay cố ý gì đi nữa, thì cũng đã xô đẩy cảm xúc người đọc đụng chạm tới một câu thơ cổ trứ danh bên Trung Hoa. Và người ta cho rằng được sáng tác vào cuối thời vua Khang Hy (1661-1722).

Đó là:

“Mỹ nhân tự cổ như danh tướng
Bất hứa nhân gian kiến bạch đầu”

(美人自古如名將
不許人間見白頭)

Nghĩa là: Xưa nay mỹ nhân cũng như danh tướng, không thể để cho người đời thấy mình khi mình đã bạc mái đầu.

Vì sao ? Vì da mồi nhăn nhúm, tóc bạc phơ, đi đứng run rẩy lụm cụm, còn gì là thuở oai phong lẫm liệt, hấp dẫn tha thướt ngày xưa nữa. Vì tự trọng, vì muốn bảo toàn danh tiết nên cả mỹ nhân cũng như danh tướng đều quy ẩn giang hồ. Để che dấu thời mạt lộ. Để những người từng đã ngưỡng mộ mình không bị phản cảm trước hiện thực phũ phàng. Đơn giản chỉ vì vậy thôi mà đã thành phương châm xử thế.

Cũng một thể ấy, anh Nguyễn Minh Phúc đã đành lòng bắt nhân vật của mình nằm thao thức trong câu thơ luyến tiếc. Thà là tha hồ mơ tưởng, tha hồ hoài niệm còn hay hơn, ngàn vạn lần, phải đối diện với thực tế phũ phàng của nẽo vào cõi già-chết.

Như trích đoạn của bài thơ Một Thời Say Đắm, sau đây:

“….
sao quên được em xưa tà áo trắng
thướt tha bay ngoài cửa lớp một thời
bâng khuâng nhớ sân trường loang sắc nắng
tóc ai dài cho mây chợt ngừng trôi
trời xanh quá trong mắt người mơ mộng
lá thư tình thao thiết ép trang thơ
tiếng guốc khua để đêm dài mong ngóng
bóng ai về đầy ắp giữa cơn mơ…
…”

Tuy nhiên thực tế già nua chết chóc phũ phàng ấy, không ai có thể vượt qua được. Đã là sinh vật, bình thường thì phải già đi rồi chết. Mặc dù loài người là một linh thể được Đấng Sáng Thế ưng ý nhất, cũng không nằm ngoài quy luật băng hoại ấy.

Ngay cả vua Đa-vít, vị vua được Đức Chúa Trời ban cho nhiều ân điển nhất, được Ngài ban cho đặc quyền trị vì trên ngai vàng Do Thái đời đời đi nữa, nhưng cuối đời, khi thân xác đã rã mòn, vẫn phải luôn kêu cầu đến lòng thương xót của Đức Chúa Trời.

Chẳng hạn, ở câu 4 và câu 5 chương 6 sách Thi Thiên, có chép rằng:

“4 Lạy Đức Giê-hô-va, xin Ngài đổi ý và giải cứu con, cho con khỏi chết; Xin cứu con vì lòng nhân từ của Ngài.

5 Vì trong cõi chết đâu còn ai nhớ Chúa; Chốn âm ti ai sẽ cảm tạ Ngài?”

Trong hành trình dẫn dắt người đọc đi tìm tinh khôi của nhân văn, anh Nguyễn Minh Phúc có đề cập tới Lời Hứa Hẹn Của Tâm Trí Loài Người. Lời hứa hẹn dù đến từ trái tim hay khối óc của loài người chúng ta, dành cho tình yêu đôi lứa, vẫn không bao giờ thực hiện được. Bởi vì suy cho cùng đó chỉ là lời thế gian. Xảy ra trong sự tráo trở của thế gian. Vì thế gian vẫn thường hay gian đến thế.

Xin hãy đọc hai trích đoạn dưới đây, từ thơ anh Nguyễn Minh Phúc để cùng chiêm nghiệm những trắc trở không ngờ mà thế gian mang đến cho chuyện lứa đôi của chúng ta trong cõi đời này:

“vay em nghìn cõi nợ nần
ngày tôi đứng đợi giữa trần gian kia

vay tình gót nhỏ đường trơn
vay đôi môi ướt, vay hờn tóc em
vay con tim thở êm đềm
vay bờ ngực nhỏ lịm mềm đời nhau
vay bây giờ đến ngàn sau
dẫu mai đời có nát nhàu yêu em…”
(Vay Em Nghìn Cõi Nợ Nần)

Và đây là trích đoạn thứ hai:

“giữ chi tôi buổi dại khờ
niềm đau dai dẳng giấc mơ thì buồn
chờ tôi gì ánh trăng suông
yêu nhau phút chốc, dại cuồng mang theo
neo chi tôi bóng trôi vèo
mưa đêm rời rã, tình treo dốc đời
chỉ là hạt bụi vàng phơi
trăm năm hư ảo chìm trôi phận người

để tôi còn mãi nợ nần
bên đời độ lượng một lần ghé qua…”
(Xin Tôi)

Lời hứa tình yêu không thực hiện được bởi vì tất cả phải xảy ra trong vòng thế gian. Và trên tất cả, hết thảy mọi linh thể của loài người, theo như đã định sẵn, đều phải về ngủ trong cát bụi. Chờ Đức Chúa Trời gọi dậy, nhận chịu sự phán xử của Ngài.

câu 2 chương 12 sách Tiên Tri Đa-ni-ên đã ghi rõ rành rành rằng:

“Những người ngủ trong bụi đất sẽ thức dậy, người thì để hưởng sự sống đời đời, kẻ thì để chịu tủi nhục ghê tởm đời đời.”

Riêng với người làm thơ, việc không thực hiện được lời hứa đã trở thành một gánh nợ nần. Món nợ của vết thương lòng.

Chẳng hạn nhân vật của bài thơ Vết Thương đã bày tỏ như sau:

“năm tháng đó chôn đời anh hoạn nạn
giấc mơ xưa cũng tàn úa lâu rồi

để khi lạc vào tim người bở ngỡ
anh trở về miên viễn chẳng bình yên
anh quên mất giữa muôn trùng bão động
có nơi về yên ả trái tim em
hồn lỡ chạm từng nỗi sầu bủa sóng
anh chơ vơ như giọt nắng bên thềm

nghe tuyệt vọng trôi vào anh vất vưởng
vết thương kia sao mãi chẳng chịu lành…”

Hoặc vời vợi đau thương, chịu mức chung thân như tâm trạng của nhân vật trong bài thơ Hôn Em:

“theo em bước mỏi chân rời
cỏ thơm một dạo môi mời mọc môi
đưa nhau xuống dốc cuộc đời
gió hư vô thổi buốt thời dở dang

yêu em tàn tạ dại cuồng mắt môi
hôn em một nụ hôn mời
thương nhau cho lắm cũng rồi người dưng

hôn em lũng thấp trời gần
chung thân cùng với nợ nần môi em…”

Cái gốc của nợ nần hôm nay, hay gọi một cách kinh điển là tội lỗi, xuất phát từ sự bất lực của bản ngã loài người.

Ngay từ buổi Sáng Thế, loài người đã phạm tội. Cãi lại lời dặn của Đức Chúa Trời là:

“nhưng về trái của cây trồng giữa vườn, Đức Chúa Trời đã phán: ‘Các con không được ăn, cũng đừng đụng chạm đến trái cây ấy, kẻo các con sẽ chết’”. (câu 3 chương 3 sách Sáng Thế Ký).

Vì vậy, thật đáng thương xót thay cho nhân vật của anh Nguyễn Minh Phúc trong bài thơ Bất Lực Như Lời, được trích dẫn ngay dưới đây, đã bất lực trước mọi cám dỗ của cuộc đời.

Đó cũng chính là hình ảnh và bóng dáng của tất cả loài người chúng ta đang hiện hữu trên cõi đời này.

“…
tôi ngồi đợi mùa thu về lần nữa
sầu miên man thao thiết nụ hôn người
những buồn vui khi tay người khép cửa
giấc mơ nào ám thị một đời tôi

tôi lận đận một đời mờ cơm áo
nên yêu em cũng bất lực như lời
em là gió nên rồi về với gió
còn lại tôi ngơ ngác cuối hiên buồn
nghe đau buốt một khối tình rạn vỡ
buổi tôi về ngồi tiếc vạt chiều buông…”
(Bất Lực Như Lời)

Thôi cũng đành vậy. Vì đã trót mang bản ngã của tội lỗi thì đằng nào cũng phải đi đến chỗ hư vô.

Tâm đắc với điều này, nên gần 3 ngàn năm về trước, vua Sa-lô-môn đã cất công viết ra câu 25 chương 16 trong sách Châm Ngôn, để truyền lại cho đời rằng:

“Có một con đường dường như chính đáng cho loài người, Nhưng cuối cùng nó thành ra nẽo vào cõi chết.”

Trong mỗi Con Người đều có phần con và phần người. Phần Người gồm những tinh khôi mà thuở ban đầu Sáng Thế, chính Đức Chúa Trời đã ban cho. Phần Con gồm những tội lỗi, nợ nần do ma quỷ xúi bẩy, cám dỗ và lừa phỉnh mà ra.

Ở câu 21 chương 22 sách Phúc Âm Tin Lành Ma-thi-ơ, Chúa Cứu Thế Jesus phán rằng:

“Vậy, những gì của Sê-sa hãy trả lại cho Sê-sa; những gì của Đức Chúa Trời hãy trả lại cho Đức Chúa Trời.”

Thơ của anh Nguyễn Minh Phúc vẫn vượt qua phần Con, luôn đeo đuổi phần Người, miệt mài góp nhặt những tinh khôi trong tình yêu nhân văn của thuở Địa Đàng.

Sài Gòn, 13.7.2018

Phan Trà

 

Nguyễn Minh Phúc

Tuổi Đinh Dậu, quê Quảng Ngãi, hiện sống và làm việc tại Kiên Giang.

Trước 1975 có truyện ngắn và thơ đăng trên Văn, Khởi Hành, Ý Thức, Văn học…

Sau 1975 truyện ngắn và thơ đang trên các trang web Văn nghệ trong, ngoài nước

Đã in 10 tập truyện ngắn và 2 tập thơ

(Đăng lại từ Sáng Tạo)

Bài Mới Nhất
Search