T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngộ Không: Chữ nghĩa làng văn (Kỳ 194)

Nói dối trong sử học với…phường chèo (3)

 Gần đây, tôi (Trần Nhuận Minh) được biết tại nhà thờ danh nhân văn hóa Chu Văn An tại Chí Linh, Hải Dương có dòng chữ sơn son thiếp vàng lớn để thờ: “Ta chưa thấy nước nào coi thường sự học mà khá lên được”.

Dưới câu đại tự đó đề Chu Văn An, như một câu danh ngôn “Hiền tài là nguyên khí quốc gia…” nguyên là của Thân Nhân Trung vậy.

Ai cũng ngạc nhiên vì chưa từng thấy Chu Văn An nói thế, viết thế bao giờ. Sau hỏi ra mới biết đó là lời đối thoại trên sân khấu của nhân vật tên…Chu An trong một vở kịch chèo. Vậy đó là lời của nhà viết chèo hôm nay đấy chứ. Chao ôi, cái nước mình nó thế (lời nhà văn Hoàng Ngọc Hiến) các nhà sử học chân chính, các nhà văn hoá thứ thật đi đâu cả rồi…

(Vấn đề nói dối – Trần Nhuận Minh)

 

Đám tang (4)

Thời xưa, xưa thật là xưa, nhà nào chẳng may có người qua đời thì người nhà chỉ  cần lấy cái chày giã mạnh vào chiếc cối không, âm thanh khác thường ấy báo cho láng giềng chạy tới hỏi thăm, chia buồn và để cùng nhau lo việc chôn cất

Tập tục này, một số người miền núi ở Việt Bắc vẫn còn bảo tồn.

 

Nọ

 Nọ: chẳng

(nọ là)

(Tự điển tiếng Việt cổ – Nguyễn Ngọc San, Đinh Văn Thiện)

 

Đất lề quê thói với phong tục cổ truyền

 Tống giỗ

Theo gia lễ: “Ngũ đại mai thần chủ”, hễ đến năm đời thì lại đem chôn thần chủ của cao tổ đi mà nhấc lần tằng tổ khảo lên bậc trên rồi đem ông mới mất mà thế vào thuần chủ ông khảo.

Theo nghĩa cửu tộc (9 đời): Cao, tằng, tổ, phụ (4 đời trên); thân mình và tử, tôn, tằng tôn, huyền tôn (4 đời dưới mình).

Như vậy là có 4 đời làm giỗ (cao, tằng, tổ, phụ) tức là kỵ (hay can), cụ (hay cố), ông bà, cha mẹ.

Từ “Cao” trở lên gọi chung là tiên tổ thì không cúng giỗ nữa mà nhập chung vào kỳ xuân tế, hoặc phụ tế vào ngày giỗ của thuỷ tổ.

 

Yên hà

Yên hà: mây và khói.

Nơi sơn lâm tịch lâu cho người thích ở ẩn dật. Thơ có câu “Nghêu ngao vui thú yên hà – Phong trần cởi bỏ, phù hoa tiếc gì”.

Yên hà cố tật: Người quen thói hút thuốc phiện (đi mây về khói).

 

Bằng hữu kim kỳ phú

Bài phú của Nguyễn Đôn Phục, ông đỗ cử nhân khoa quý dậu thời Tự Đức là một kho ngôn ngữ dân gian gồm những tục ngữ, thành ngữ, phương ngôn cúa một vùng đất, hàm súc về nhân sinh,  tình yêu, tinh bè bạn ..v..v.. Nguyễn Đôn Phục xuất thân từ cửa Khổng sân Trình, chọn lọc từ kho tàng văn học dân gian đem sắp xếp hệ thống lại một cách công phu trong  bố cục của một bài phú có vần điệu, có đối xứng theo luật bằng trắc vừa kết hợp được tính cổ  điển và tính dân gian phóng khoáng từ thời Tự Đức thứ 26 (1873).

 Đừng quen trục lợi, tham ván bán thuyền; phải nghĩ thân duyên, liệu cơm gắp mắm.

Lịch sự đủ điều lich sự để lỗ đeo hoa; đàn bà ba thứ đàn bà, mặt dường nào ngao dường ấy.

Tai nghe mắt thấy, chớ như ốc nọ mượn hồn; ăn ham chắc, mặc ham bền, mua học mua trâu vẽ bóng.

Dẫu khoe cả vú lấp miệng em, cả hèm lấp miệng hũ; song cũng làm thầy đất ta, làm ma đất người.

Cảm là cảm gà nuôi con vịt, nào kẻ nâng niu; thương những thương cá bỏ giỏ cua .

Dễ chẳng muốn lời kia cặn kẽ, nóng súng – súng phải nổ, đau gỗ – gỗ phải kêu; song chi bằng lẽ nọ êm đềm, cơm mình ăn ngon, con mình dễ khiến.

Rượu chẳng say, chè say quá mức, môn không ngứa, ráy ngứa nỗi gì ?

Nói ra là sự vân vi: ấu sao tròn mà bồ hòn sao méo ?

Thiệt vậy chớ phòng khi dễ, lành làm thúng mà lủng cũng làm mê. Bảy mươi chưa què, chớ khoe rằng trọn. Ba mươi đời đĩ bợm thì mắc điếm thầy.

Sao cho lèo lái phân minh, giỏ có quai, chài có chóp, chớ để tôm cá, lộn xộn, quân vô tướng hổ vô đầu.

 

Ông tổ của rượu

 Ta: Đế vương (rượu đế)

Tàu: Lưu Linh

Tây: Napoléon không liên quan gì đến Hoàng đế Napoléon của Pháp, mà chỉ mang nghĩa là “Hoàng đế của các lò rượu”.

Anh và Mỹ: Johnnie Walker (Ông già chống gậy)

 

Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ

Bắc gọi thích ghê, Nam kêu là khoái

Bắp Nam kêu hái, Bắc bảo vặt ngô

 

Văn hóa ẩm thực (7)

Đánh giá năng khiếu ẩm thực của dân tộc, Võ Phiến mấy lần phát biểu dứt khoát:

“Rau thơm (không ăn lấy no), nó (có mặt) chỉ (vì) nghệ thuật (…) Trong một bữa gỏi cá sống chẳng hạn, hàng chục thứ rau chọn lựa công phu, tất cả đều là rau thơm: thuần túy nghệ thuật (…) mùi nọ lẫn với mùi kia, tôn nhau lên, chế hóa nhau: đó là một cuộc hòa tấu, một bản “nhạc mùi”! (…) cái thiên tài của chúng ta (…) Một dân tộc (…) bậc sư trong khoa (dùng) hương liệu (…) cái thế của các bậc sư là cô độc, lẻ loi.” (Mùi)

“Các món chè Huế (…) dần dần (…) mấy ai còn cái lưỡi tinh tế để phân biệt cái ngọt sang trọng của nó với cái ngọt phàm phu tục tử của trái cây đóng hộp ướp đá nữa.” (Chè Và Văn Minh)

“Muốn thẩm định cho đúng giá trị (…) của (…) nước mắm ngon (…) không thể dùng thứ máy móc tinh vi nào được cả. Chỉ có thể lấy cái lưỡi của một thiên tài (…) Nước mắm, cũng như rượu, cũng lại như trà” (Ăn Uống Sự Thường)

(Người Việt viết về ăn – Thu Tứ)

 

Viết hoa (1)

Nguyên tắc đơn giản nhất mà mọi người đều biết là đầu câu phải viết hoa, danh từ riêng phải viết hoa. Đến đây, thể nào cũng có người thắc mắc, định nghĩa thế nào là danh từ riêng và danh từ chung. Hai khái niệm “riêng“ và “chung“ đã cắt nghĩa phần nào cho sự phân biệt này.
Danh từ riêng là những khái niệm chỉ “chính xác“ và “duy nhất“ một người, một vật, một địa điểm, một hướng, một khái niệm đã được nhận định, xác định…., trong khi danh từ chung là những khái niệm tổng quát, tổng thể, không phân biệt riêng lẻ.
Thí dụ như:
Chữ “tiến sĩ“: sử dụng như một danh từ chung, không viết hoa, chỉ một địa vị, một trình độ học vấn, một văn bằng tổng quát cho nhiều người đạt được học vị này (Các tiến sĩ thời xa xưa…Ông ấy đậu tiến sĩ ở bên Pháp.)
Nhưng khi học vị “tiến sĩ“ đi kèm với tên một người, chỉ chính xác một nhân vật có học vị tiến sĩ, thì chữ “tiến sĩ“ phải được viết hoa. Thêm vào đó, chỉ có âm tiết “Tiến“ được viết hoa mà thôi. Thí dụ: Tiến sĩ Nguyễn văn Tốt

(Viết hoa hay không viết hoa? – Mathilde Tuyết Trần)

 

Chữ và nghĩa

Con tôi đi kiếm về đây,
Có cho nó gọi bằng thầy thì cho.

 

Lịch sử phở (24)

Câu đối phở

 Cũng như phở Tầu Bay ở chợ Chổ Hậu Hiền có bài thơ viết ở trên tường ngoài quán, đứng cả chục thước cũng trông thấy.

Ông Nguyễn Đình Toàn ở khu thương mại Eden, tiểu bang Virginia thì ai ai cũng nhìn thấy hai câu đối dưới đây đuợc trang trọng treo trên tường ở trong quán: Nạc mỡ nữa làm chi, em nghĩ đã chín rồi, đừng nói với em câu tái giá
Muối tiêu không đáng ngại, lão thấy còn gân chán, hãy vui cùng lão miếng gầu dai 
Theo ông luật sư Toàn, thì:

Câu đối trên là của Cụ Bùi Văn Bảo (đã từ-trần 03/1998).

Cụ Bùi Văn Bảo cũng có một bài viết về Lịch sử Phở như sau:

Báo Ngày Nay mấy chục năm về trước
Ở trang “Giòng nước ngược” mục thơ vui,
Đã có phen chàng “Tú Mỡ” rung đùi
Làm thơ tếu, hết lời ca-tụng Phở.
“Phở Đức-Tụng”, món quà ai cũng nhớ,
(…)

Vẫn nhớ hòai về món Phở quê-hương.
Một-chín-năm-tư, Phở lại lên đường
Vào miền Nam, vượt Trường-sơn, Bến-Hải,
Theo gót di-cư, hóa thành Phở Tái,
Chín, Nạm, Gầu, Gân, Sách, Sụn, thêm rau
Húng quế, ngò gai, giá sống, tương tàu,
(…)

Nào “Phở Hòa”, “Công-Lý”, “Phở Tương-Lai”,
“Trần Cao Vân”, cùng “Bảy-Chín”, “Tàu Bay”,
Rồi “Mụ Béo” đến “La-Cay”, “Tầu Thủy”.
Tô Xe lửa đầy, ăn no bí-tỉ,
Khiến Vũ-Bằng cũng tuý-lý, say-sưa,
Viết Miếng ngon Hà-Nội thật nên thơ,
Và Phở Gà được tôn thờ số một…

Tháng Tư, Bảy-lăm, người người hoảng-hốt,
Rời bỏ Sài-gòn, mong dzọt thật xa,
(…)
Tại quận Cam, người Việt mấy trăm ngàn,
Theo nhu-cầu, việc buôn-bán mở-mang,
Nên lại có biết bao hàng Phở mới,
Nhưng hầu hết dùng tên xưa để gọi
Lại “Phở Hòa”, “Công-Lý”, “Phở Tương-Lai”,
“Trần Cao-Vân” cùng “Bảy-Chín”, “Tầu Bay”
Thêm “Nguyễn-Huệ” với “Hiền-Vương”, “Tầu Thủy”,
(…)

(Nguồn: Nguyễn Trung Trực & Bùi Mỹ Trang)

 

Tao khang

Truyện Kiều có câu “Mặn tình cát lũy nhạt tình tao khang”.

Tao: bã rượu. Khang: cám gạo, ý nói những thức ăn hèn mọn chỉ người vợ lấy từ buổi nghèo túng nên cần thủy chung qua câu “phu thê là nghĩa tao khang” hay “tao khang chi khê bất hạ đường”.

Tao khang chứ không là “tào khang”.

 

Nguồn cội và tiếng Việt (2)

Về phía nam, họ thiên di đến trên thềm Sunda, khi đó còn nối liền lục địa với các đảo phía nam đến tận Úc Châu. Tất cả đều là người thuộc chủng Australoid (da đen, tóc quăn, mũi to…). Tính chất di tố các dân tộc toàn vùng Đông Nam Á do Oppenheimer nêu ra, kết hợp với nghiên cứu sọ cổ, đưa đến kết luận là “người hiện- đại” đến từ Phi Châu đã sống trong Đông Nam Á từ sáu mươi ngàn năm trước, thuộc chủng Australoid- Melanesian cổ.

Theo Oppenheimer riêng trên đất Việt, vào thời đồ đá, cư dân thuộc chủng Australoid ban đầu nói cùng tiếng gốc Austric, dần dần phân thành hai nhóm dân nói tiếng khác nhau theo vùng họ ở, vì cách sinh sống khác nhau. Nhóm nói tiếng “Tiền-Nam- Á” sống trong lục địa, trú trong hang động vùng cao (Hoà Bình). Nhóm thứ hai nói tiếng “Tiền-Nam-Đảo” sống vùng đồng bằng ven biển vịnh Bắc Việt, dọc từ bờ biển Móng Cái xuống Quảng Ngãi.

Xuất phát từ một nhóm người với cùng ngôn ngữ gốc Austric, nhưng sống trên một vùng quá lớn, những nhóm cư dân này tất nhiên có những ngôn ngữ khác nhau. Từ tiếng nói chung lúc đầu, hai nhóm tiếng chính thành hình: nhóm nói tiếng Nam Đảo (austronesian), như tiếng Indonesia và thổ ngữ các đảo Thái Bình Dương, và tiếng Nam Á (austroasiatic) là tiếng nói của người Việt Nam, Munda, Khmer, Môn và một số thổ dân Thái Lan, Mã Lai.

Phương pháp ngôn ngữ tỉ hiệu không chỉ xét những tiếng giống nhau trong những ngôn ngữ, mà còn xét giọng nói, cấu trúc và thứ tự từ ngữ trong câu. Bởi thế mà tiếng Việt được xếp vào nhóm tiếng Nam Á. Tiếng Nam Á là một âm tiết có nghĩa không “dấu” (atonal), như tiếng Khmer. Nhưng do ảnh hưởng tiếng Tàu, tiếng Việt trở thành có “dấu” (tonal). Ngoài tiếng nói, người Việt còn chịu nhiều ảnh hưởng khác của văn hoá Nam Đảo. Yếu tố Nam Đảo trong phong tục người Việt gồm tục xâm mình, ăn trầu, việc trồng khoai từ, khoai môn, và gồm cả những chuyện cổ tích gốc Nam Đảo như chuyện Sơn Tinh, Trầu Cau…

(Nguyễn Quang Trọng – Nguồn gốc tộc Việt & Ðịa đàng phương Ðông của Oppenheimer)

 

Bách hoa tề phóng, bách gia tranh minh

 Trăm hoa đua nở, Trăm nhà đua tiếng là dịch nôm câu chữ Hán: Bách hoa tề phóng, bách gia tranh minh, trong cổ văn.

Đây là một câu mà các học giả đời Hán đặt ra để vừa ca tụng vừa tỏ ý luyến tiếc nền văn học cổ điển của Trung Quốc, sáng ngời trong mấy thế kỷ trước, về thời Đông Chu.

Văn học Trung Hoa về thời Đông Chu quả thật xứng đáng cho các thế hệ sau ca ngợi, vì trong vòng ba thế kỷ (từ thế kỷ thứ 6 đến thế kỷ thứ 3 trước Tây lịch kỷ nguyên), các học giả thời Đông Chu đã đưa nền văn học Trung Quốc từ chỗ thấp nhất đến chỗ cao nhất mà hai nghìn năm sau, không tài nào vươn tới.

Gần như cùng một lúc, Lão học, Khổng học và Mạc học đua nhau ra đời, tiếp theo là những học thuyết uyên thâm của Mạnh Tử, Tuân Tử và Dương Chu. Có thể nói được rằng hầu hết các lý thuyết hiện nay còn đương tranh giành ảnh hưởng trong nhân loại, như chủ nghĩa dân chủ, lãng mạn, vô chính phủ, duy vật, xã hội, quân chủ chuyên chế, quân chủ lập hiến, phát xít, v.v… đều đã có đại diện từ thời bấy giờ. Tính theo thời gian thì nền văn học Trung Quốc đã bỏ xa nền văn học Âu châu vào khoảng 20 thế kỷ.

Vì vậy nên ngày nay, những học giả nghiên cứu về lịch sử văn hoá Á đông đều phải thắc mắc về một điểm: Tại sao một nền văn hoá đương phát triển một cách tốt đẹp như vậy lại bỗng nhiên đứng dừng lại, khiến trong suốt hai nghìn năm về sau, Trung Quốc chỉ có lùi mà không có tiến về phương diện tư tưởng?

Ông Tibor Mende, một nhà học giả Tây phương, chuyên nghiên cứu về các vấn đề Á đông, đã ví nền văn hoá Trung Quốc và Ấn Độ như hai con sông lớn, đã mang sinh lực tưới khắp miền Đông Nam Á, bỗng dưng bị cạn hết nước. Nguyên nhân gì đã làm tịt ngòi? Ông nêu ra câu hỏi mà không trả lời.

(Trăm Hoa Đua Nở Trên Đất Bắc – Hoàng Văn Chí)

Ngộ  Không

(Sưu Tập)

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2021

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Bài Mới Nhất
Search