T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngộ Không: Chữ nghĩa làng văn (Kỳ 202)

clip_image002

 

Đình
Đình làng là nhà làng ở trong có bàn thờ một hay nhiều vị Thành hoàng hay thần bảo trợ làng.

Chung quanh đình là chùa thờ Phật, là Văn chỉ thờ chư hiền Nho giáo, xa xa là điện là miếu thờ chư vị lão giáo. Duy đình thờ thành hoàng của làng là tín ngưỡng chung bắt buộc tất cả dân làng. Đủ tỏ thần đạo là tôn giáo chính, bản lai của dân tộc.

Đình còn là nơi hội họp việc làng, cử ngôi thứ trong ban kỳ mục để cai quản tất cả công việc chung. Tóm lại Đình là một công sở của làng.

(Văn hóa đình làng – Nguyễn Đăng Thục)

 

Chữ nghĩa làng văn…hàng xóm

Trang Tử (1)

 Nếu lý lịch Lão Tử vừa mờ ảo, vừa chất chứ đầy huyền thoại từng là đề tài thảo luận cho học giả uyên thâm, thì lý lịch Trang Tử tương đối rõ ràng hơn với Tư Mã Thiên.

Như Trang Tử tên Chu, người  nước Tống, v…v…Trong học thuyết trong Nam Hoa kinh của mình không gì là không bàn tới, tuy nhiên gốc gác thì vẫn là học thuyết của…Lão Tử.

(Tiến tình văn hóa Việt Nam – Nguyễn Khắc Thuần)

 

Khái Hưng, Trần Tiêu

Người đầu tiên gia nhập nhóm Tự Lực Văn Đoàn là Khái Hưng, khi ông này viết một bài về truyện Kiều được Nhất Linh khen ngợi và mời gia nhập nhóm. Trong bấy nhiêu người được mời trong nhóm TLVĐ lúc ban đầu thì đây là một lời mời hợp tác mang nhiều ý nghĩa nhất, đem lại vinh dự nhất cho TLVĐ và cho văn học VN nói chung. Theo tôi, ngoài Thạch Lam, khó có ai trong TLVĐ có thể sánh bì với Khái Hưng. Nói ông là nhà văn hàng đầu, thật không quá đáng.

Rất tiếc ông đã bị Việt Minh thảm sát vào năm 1947, tại phủ Xuân Trường, tỉnh Nam Định dịp tết Đinh Hợi. (tài liệu của cộng sản nay cũng xác nhận Khái Hưng chết ở bến Đò Cựa Gà).
Tóm lại, nay thì TLVĐ tạm gọi là đã có thất tinh (hay thất hiền?): Nhất Linh, Hoàng Đạo, Thạch Lam, Khái Hưng, Tú Mỡ, Thế Lữ và Xuân Diệu. Nguyễn Gia Trí không được nhắc tới nữa. Tuy là có bảy nhân vật chính, nhưng thực ra họ có mặt trong TLVĐ một cách tự nhiên, như anh em, không có nội quy, cũng chẳng có điều lệ gì. Nhưng đối với bên ngoài thì có 7 người là thành viên của TLVĐ. Chữ Tự Lực xuất phát từ ý chí muốn tự lập về tài chánh. Nói đúng ra không muốn lệ thuộc vào bất cứ ai. Vì thế, quyết định rằng, mỗi thành viên phải đóng góp 500 đồng để gây quỹ. Nên nhớ, lương công chức thời đó không quá 20 chục đồng. Vì thế, có cái cảnh Khái Hưng phải vay tiền bà chị để ra làm báo.

Sau này, theo lời đề nghị của Khái Hưng có thêm Trần Tiêu, em của Khái Hưng với các tác phẩm Con Trâu, Năm Hạn, Chồng con.

 

Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ

Bắc ngồi bia bọt, Nam nhậu lade

Bắc bùi bùi lạc rang, Nam thơm thơm đậu phụng

 

Chữ nghĩa làng…nhậu: Bia

 Nguồn gốc của bia

 Bia theo truyền thuyết phát sinh từ Ai Cập:

Khi nô lệ bị bắt tới Ai Cập xây Kim tự tháp cho các Pharaoh, họ được cấp cho một thứ cháo trái cây. Một lần họ để quên mấy ngày, nước trái cây lên men. Họ nếm thử thấy có mùi nồng như Cocktail ngày nay.

Từ đó có…rượu và bia.

Phụ chú: Ngày nay người ta tìm thấy trên vách tường Kim Tự Tháp có những bức hình vẽ người ta tế lễ trời đất bằng rượu, và các vị vua Pharaoh uống rượu mặt đỏ ké.

(Nguồn: Mường Giang & Nhật Vy)

 

Đất lề quê thói với phong tục cổ truyền

Chết yểu

Có hai trường hợp:

Những người chết đã đến tuổi thành thân, thần nhân nhưng khi chết chưa có vợ hoặc mới có con gái, chưa có con trai, hoặc đã có con trai nhưng ít lâu sau con trai cũng chết, trở thành phạp tự (không có con trai nối giòng). Những người đó có cúng giỗ. Người lo việc giỗ chạp là người cháu (con trai của anh hoặc em ruột) được lập làm thừa tự. Người cháu thừa tự được hưởng một phần hoặc toàn bộ gia tài của người đã khuất. Sau khi người thừa tự mất thì con cháu người thừa tự đó tiếp tự.

Những người chưa đến tuổi thành thân (dưới 16 hoặc dưới 18 tuổi, tuỳ theo tục lệ địa phương) sau khi hết lễ tang yết cáo với tổ tiên xin phụ thờ theo tiên tổ (gọi chung trong các bài văn cúng các bậc tiên gia là: Phụ vị thương vong tòng tự, không đặt linh vị từng vong hồn). Những người đó không có lễ giỗ riêng, ai có cúng giỗ chỉ là ngoại lệ. Có những gia đình bữa nào cũng xới thêm một bát cơm, một đôi đũa đặt bên cạnh mâm, coi như người thân còn sống trong gia đình. Điều này không có trong gia lễ nhưng thuộc vào tâm linh, niềm tưởng vọng đối với thân nhân đã khuất.

 

Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ

 Vợ là…“cơm nguội” của ta

Nhưng là…“phở tái” của cha láng giềng!!!

 

Lịch sử phở (25)

Phở “Không người lái”

 Tên này xuất hiện thời không quân Mỹ dội bom ở miền Bắc, phở do mậu dịch quốc doanh quản lý. Muốn ăn phở người ta phải xếp hàng dài chờ một bát phở…không người lái. Cụm từ ngụ ý bôi bác bát phở chỉ có bánh mà không có thịt, nước lèo là bột ngọt ngọt của Tàu và chút hành lá. Người ăn phở phải mang từ nhà theo: trứng gà, hành tây…

 (Giai thoại phở Tầu Bay – Lê Quang Sinh)

 

Gian nhân di mặc

Nguyễn Hữu Tiến, bút hiệu Đông Châu Nguyễn Hữu Tiến, sinh năm 1875, quán Từ Liêm, Hà Đông, tạ thế năm 1941. Ông cộng tác với Nam Phong của Phạm Quỳnh 17 năm, vừa biên khảo, vừa dịch thuật và sáng tác. Năm 1915, ông đã xuất bản tập biên khảo nổi tiếng về nữ sĩ Hồ Xuân Hương với tựa đề Gian nhân di mặc (Nét mực giai nhân để lại), Trong tập biên khảo này, ông kể lại nhiều giai thoại về nữ sĩ này nhưng không dẫn chứng nguồn tài liệu chuẩn mực nào. Nên tác phẩm của ông được coi như truyện ký hơn là là một biên khảo có giá trị.

(Nguyễn Hữu Tiến và việc bảo tồn văn hóa cổ – Hoàng Yên Lưu)

 

Mai táng (5)

Ở huyện Quỳnh Lưu, tỉng Nghệ An vẫn còn giữ tập tục từ cả ngàn năm về trước: Người chết được chôn theo thế ngồi xổm, họ bị trói trong tư thế này trước khi đem đi chôn

Đó là tập tục mai táng xưa, thể hiện hai mặt với người chết:

Mặt thứ nhất vì sợ người chết hiện hồn về quấy phá nên trước khi chôn phải trói lại. Khi khâm liệm, bao giờ người ta cũng lấy một miếng vải liệm, xé ra làm dây để buộc hai ngón chân cáivà hai ngón tay cái của người chết.

Mặt thứ hai là thương nhớ người chết nên không lỡ chôn ở xa mà chôn ngay trong vườn nhà.

 

Tục ngữ Tầu

Nhân lão cân xuất, thụ lão căn xuất

(Người già nổi gân, cây già lộ rễ)

(Nguyễn Lập Sơn – Dư Phát Linh)

 

Làng
Cơ cấu tổ chức căn bản của xã hội nông dân Việt Nam là cái Làng do chữ Lang là bộ lạc cổ xưa để lại. Lang vốn là một thị tộc, góp thị tộc lại thành Làng. Làng là đơn vị xã hội công cộng nguyên thủy sót lại, cho nên nguyên tắc tổ chức căn cứ vào tinh thần dân chủ công cộng nguyên thuỷ. Trong làng ấy, tất cả sinh hoạt tinh thần và vật chất công cộng đều tập trung chung quanh cái “nhà chung” gọi là Đình làng, hay là cái Đình. Cái Đình trong tâm hồn nông dân có một hình ảnh thân mật, một ý nghĩa linh động như thế nào, thì chỉ xem như nó phản chiếu qua những câu ca dao sau đây đủ biết:
Đêm qua tát nứơc đầu đình
Bỏ quên chiếc áo trên cành hoa sen
Em được thì cho anh xin
Hay là em để làm tin trong nhà…

(Văn hóa đình làng – Nguyễn Đăng Thục)

 

Chữ nghĩa làng văn

 Hai câu thơ cấu tứ rất hay, rất sáng tạo vào đầu thế kỷ 15 qua bài Văn xuân trong Nguyễn Trãi toàn tập tân biên:

Cướp thiến niên đi, thương đến tuổi

Ốc dương hòa lại, ngõ dừng chân

Ốc: tiếng Việt cổ, nghĩa là gọi.

Ngõ: tiếng Việt cổ, nghĩa là để.

Nghĩa hai câu thơ trên là thời gian đến rất nhanh, nó cướp tuổi trẻ của ta, nghĩ mà thương mình. Ta muốn gọi tuổi xuân trở lại để dừng chân trên dòng thời gian.

(Trần Lê Văn – Xưa nay)

 

Báo cáo văn học

 Lúc làm viện trưởng Viện văn học, Hoài Thanh phân công cho một nhà văn làm báo cáo về văn học của năm vừa qua. Sau khi đọc báo cáo cả mấy chục trang của nhà văn ấy nộp.

Nhà phê bình văn học Hoài Thanh…phê bình:

– Bài viết của anh có nhiều điểm đúng và nhiều điều mới.

Nhưng…những điểm đúng thì nhiều người đã nói rồi.

Còn những điều mới thì lại…sai.

(Xuân Tùng – Giai thoại làng văn VN)

 

Viết hoa (2)

Ngay trong khái niệm danh từ riêng như tên của một người, cũng có hai trường phái đối nghịch:
Cách thứ nhất: Phải viết hoa tất cả chữ trong tên người: Nguyễn Văn Tốt hay Lê Thị Mùi
Cách thứ hai: Chỉ viết hoa họ và tên, vì hai chữ đệm trong tên “văn“ và “thị“ dùng để xác định giới tính nam hay nữ của người mang tên ấy, không thuộc về “họ“ mà cũng không thuộc về “tên“, cho nên không cần phải viết hoa: Trần thị Toét hay Lê văn Bướng.

Lý luận thứ hai này, riêng tôi thấy đúng hơn, vì tôi hay phải cãi lại với các cơ quan hành chánh nước ngoài rằng chữ “thị“ không phải tên tôi (prénom, Vorname) mà cũng không phải là họ của tôi (nom de famille, Familienname). Cách đặt tên có “văn“ và “thị“ là cách đặt tên theo lối dân giã, thông thường. Gia đình có văn hóa cao hơn thì đặt tên con hoành tráng hơn.

Thí dụ “Hoàng Mạnh Hùng Dũng, v…v…“.

(Viết hoa hay không viết hoa? – Mathilde Tuyết Trần)

 

Hoành Sơn nhất đái, vạn đại dung thân ?

 Một số nhà nghiên cứu cho rằng nguyên văn câu nói của Nguyễn Bỉnh Khiêm với sứ giả của Nguyễn Hoàng (được chép lại trong bài Phả ký của Vũ Khâm Lân) phải là: Hoành Sơn nhất đái, khả dĩ dung thân. (Một dải Hoành Sơn có thể dung thân được).

Chứ không phải là: Hoành Sơn nhất đái, vạn đại dung thân. (Một dải Hoành Sơn có thể dung thân muôn đời) như tài liệu đã dẫn.

Sự sai khác này được lý giải là do các sử gia nhà Nguyễn sau này đã sửa đổi hai chữ “khả dĩ” thành “vạn đại”, với hy vọng sẽ giữ được cơ nghiệp của triều đại nhà Nguyễn tới muôn đời.

 

Chữ nghĩa làng văn: Tử

 Thời xưa với Nho học, với Khổng Tử, học trò xưng thầy mình là “tử”, khi ghi chép lời thầy mình dạy gọi là “tử viết (thày nói).

(Bút Chì – Hiểu đúng thành ngữ, tục ngữ, điển tích)

 

Giai thoại làng văn xóm chữ (1)

Câu đối

 Lê Thánh Tông, lúc còn là hoàng tử, một hôm dạo chơi trên bờ sông đào vùng Tống Sơn, tỉnh Thanh Hóa, tình cờ gặp một cô con gái xinh đẹp đang vo gạo ở dưới bến, liền đọc bỡn một câu:
Gạo trắng nước trong, mến cảnh lại càng thêm mến cả …

Cô gái tiếp tục vo gạo, khi xong, cắp rá ra về, ngoái cổ lại đọc:
Cát lầm gió bụi, lo đời đâu đấy hãy lo cho …

Hoàng tử khâm phục lời khuyên, vì bấy giờ đương buổi loạn ly, làm thân nam tử hãy lo việc lớn xong đâu đấy, rồi hãy nghĩ tới việc … kia khác.

(Lãng Nhân Phùng Tất Đắc – Chơi chữ 1960)

 

Nội

Nội: cánh đồng, khoảng đất trống

(hạc nội mây ngàn)

(Tự điển tiếng Việt cổ – Nguyễn Ngọc San, Đinh Văn Thiện)

 

Giai thoại làng văn

Mục “Tử vi của bạn” có một dạo được coi như là một mục “tủ” của tờ báo: đàn ông cầm tờ báo giở liền ra xem mình tuổi Quý Mão ra sao, và vợ mình tuổi Tỵ hôm nay xui hay là hên, có làm xong cái áp phe ấy hay không, còn đàn bà tuổi Thìn, hôm nay tốt hay xấu và có hy vọng có tiền hay không.

Tôi quen nhiều ông thầy số phụ trách về mục tử vi như thế: Có ông “bao” sáu bảy tờ, ký hai ba tên hiệu khác nhau, cứ đầu tháng lại cho người đưa đến cho mỗi báo một cuốn số, xào đi xào lại cho khác nhau, tựu trung thì nói “bố láo” hết vì tôi biết chắc có anh ham ăn ham chơi quá đã bảo thư ký lấy tử vi năm 1957 chép lại cho các báo xuất bản năm 1961 đăng tải và, hơn thế, chính tôi đã biết những ông nhà báo đăng lầm tử vi tháng 5 vào tháng 8 và tháng 1 vào tháng 11, lầm nam ra nữ, nữ ra nam, mà độc giả vẫn chịu mục tử vi của báo này, báo nọ “đoán trúng phong phóc, không chịu được”.

(Vũ Bằng – Bốn mươi năm nói láo)

 

Ngộ  Không

(Sưu Tập)

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2021

 

 

Bài Mới Nhất
Search