T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngộ Không : Chữ nghĩa làng văn (Kỳ 22)

clip_image001

Về bài Hồ Trường

Hồ trường, chữ “hồ” thuộc bộ sĩ nghĩa là cái bầu, bình đựng nước hay rượu. Chữ “trường”, Tầu đọc là “thương”, thuộc bộ giác nghĩa là chén đựng rượu.

Trong văn học VN đầu thế kỷ hai mươi có một bài thơ đăng trên Nam Phong tạp chí và ngay lập tức nổi tiếng trong giới chí sĩ lúc bấy giờ. Đó là bài Hồ trường của Nguyễn Bá Trác (1881-1945) đăng trên tạp chí Nam Phong. Từ bấy đến nay, rất nhiều người đề cập đến bài Hồ trường như một tác phẩm của Nguyễn Bá Trác. Cho đến năm 1998 trên báo TS chủ nhật có đăng một bài của Đông Trình dẫn lời Nguyễn Văn Xuân cho biết bài Hồ Trường do Nguyễn Bá Trác dịch lại từ Nam phương ca khúc của Trung Quốc.

Tuy nhiên, về mặt văn bản học, do vì xuất xứ phức tạp của bài thơ Hồ Trường, nên các bản đang lưu hành tại VN xưa nay có nhiều điểm khác biệt nhau. Nay tôi (Phạm Hoàng Quân) sưu lục được nguồn gốc xuất xứ của nguyên tác lời ca tiếng Trung Quốc, và dịch sát nghĩa lại để bạn đọc có dịp đối chiếu giữa nguyên tác, bản dịch nghĩa và lời thơ. Xét về mặt tư liệu, đây là một đóng góp lớn cho việc minh định đâu là xuất xứ của Hồ Trường. Đồng thời, qua bài viết, bạn đọc thấy hé mở một phần hành trạng của Nguyễn Bá Trác qua tập “Hạn mạn du ký”. (thiên ký sự Hạn mạn du ký của Nguyễn Bá Trác đăng trên Nam Phong tạp chí phần chữ Hán số 30, trang 214 năm 1919).

Cho đến nay, có ít nhất 5 bản in Hồ Trường mà các bản có nhiều chỗ không giống nhau:

(1) Các bản được biết gồm: 1. Trong tập Hạn mạn du ký – Đông Kinh ấn quán – Hà Nội 1921 (tác giả in lại). 2. Phạm Thế Ngũ – Việt Nam văn học sử giản ước tân biên – Quốc học tùng thư – Sài Gòn – 1965 (bài ca Hồ trường in ở trang 327 – tập 3). 3. Lãng Nhân – Chơi chữ – Nam Chi tùng thư – Sài Gòn – 1960 (in lời ca Hồ Trường theo một giai thoại, trang 94). 4. Đông Trình – (bài báo) – TS chủ nhật ngày 7-6-1998. 5. Vương Trùng Dương – Nguyễn Bá Trác và bài thơ Hồ Trường – võng trạm www.xuquang.com – in lại bản của cháu ngoại tác giả công bố.

(Phạm Hoàng Quân – Hồ Trường và Nam phương ca khúc)

Thay đổi ngữ nghĩa

Nhiều trường hợp, khi vay mượn từ gốc Hán, người Việt phát triển thêm một vài nghĩa không có trong tiếng Hán.

Từ Hán đinh ninh vốn có nghĩa "dặn dò", lúc trở thành từ Hán-Việt thì có thêm nghĩa mới là "yên trí".

Hoặc từ “bồi hồi” vốn có nghĩa "đi đi lại lại", người Việt còn hiểu là "bồn chồn, lòng dạ không yên".

(Võ Ngân Vương – Tạp chí Tài hoa trẻ)

Xuất xứ của “Đàn bà nước Nam”

Báo Phụ Nữ Tân Văn do bà Nguyễn Đức Nhuận làm chủ nhiệm, xuất bản tại Sài Gòn

năm 1929 có câu phương châm “Phấn son tô điểm sơn hà – Làm cho rõ mặt đàn bà nước Nam”. Báo bị đóng cửa năm 1939.

Từ đó về sau mấy chữ “Đàn bà nước Nam” được xử dụng rất nhiều trong văn giới.

(Nguyễn Thị Vinh – Cỏ bồng lìa gốc)

Văn hóa cà phê

Qua đường Hàng Sanh, qua đường Hàng Bàng, qua đại lộ Hai Bà Trưng, rồi đổ ra Chợ Cũ. Kỳ đi thật là lòng vòng, do các nẻo xa nhứt để đi tới đích. Chợ Cũ còn dụi mắt, trừ các tiệm cà-phê. Kỳ sung sướng như về quê nhà và vào ngay tiệm nước ở hai góc phố bên đường. Chàng ngồi trước chiếc bàn con đặt sát vách…

Kỳ lơ đãng ngó những anh phổ ky hô món ăn hoặc hô số tiền, mà khách phải trả, không phải bằng văn xuôi, mà bằng lời hát có ca, có kệ đàng hoàng. Khi một người khách đứng lên, hắn hát to cho anh thủ quỹ nghe: “Ạ …a… người đội nón nỉ đen á…à…à…sáu đồng lẻ bảy cắc ạ…a...”. Lẽ cố nhiên, hắn hát bằng tiếng Tàu, thổ ngữ Quảng Đông, nên câu hát thành dài lê thê, vì những á…a, á…à, nghe rất thú vị. Có một câu ngắn: bạc tẩy tảl tống mùl mà hắn làm được một bài hát nhỏ, nghê nga đến lúc tách sữa trứng gà bưng ra tới bàn khách, bài hát mới dứt. Mùi bánh bao hấp từ các xửng dưới lò bốc lên, mùi cà-phê rịn ra từ những chiếc vợt đầu tiên trong ngày, tất cả những tiếng và hơi ấy tạo thành một không khí, mà Kỳ rất thích.

Chàng bắt gặp hai cha con ngồi lại bàn. Người cha kêu cà-phê đen cho mình, nhưng kêu bằng thổ ngữ Quảng Đông là “xây chừng”, nên thằng bé không hay biết. Chừng phổ ky đem món uống lại, nó mới nói: “Ba ơi, con muốn uống cà-phê như ba!” – “Ê, trẻ con không nên uống cà-phê”. Người cha vừa nói, vừa xé cái bánh tiêu, nhét xíu mại vào để làm nhưn, rồi trao cho con.

Thình lình Kỳ ngây người ra: Chàng vừa thấy người cha gọi cho đứa bé cái “pạc xẩy” tức cà phê có sữa. Rồi rót cái “xây chừng” của mình ra dĩa nông tè cho mau nguội, rồi nâng dĩa lên mà uống.

Cảnh nầy, chàng đã thấy rồi…trời ơi…lâu lắm…những hai mươi năm về trước. Đó là lối uống trong dĩa của ông ngoại chàng, một ông cụ nhà quê, thỉnh thoảng dắt cháu ra chợ để hưởng thú thị thành. Hình ảnh uống cà-phê bằng dĩa nầy, những người của dĩ vãng như hồn ma, lũ lượt kéo qua trước mặt chàng.

Hồn ma cũ ấy chỉ hiện về như hôm nay: thời gian, nơi chốn, màu sắc, hình ảnh, mùi vị, âm thanh; tất cả những thứ ấy, khi dủ mặt, họp nhau để huy động ký ức của chàng.

(Bình Nguyên Lộc – Hồn ma cũ)

Tiếng Việt diệu kỳ

Tiếng Việt của chúng ta thật đa dạng, tiếng Anh, Pháp chỉ có một chữ thì tiếng Việt có nhiều chữ tương đương để diễn tả. Như diễn tả sự chết:

“chết, mất, trăm tuổi, qua đời, từ trần, tạ thế, tắt nghỉ, thở hơi cuối cùng, về dưới suối vàng, về với tiên tổ, về với trời Phật, về với Chúa, quy tiên, trút linh hồn, an giấc ngàn thu, nhắm mắt, vĩnh biệt trần gian, ăn xôi, leo lên bàn thờ ngồi, ngỏm, ngủ với giun, mặc áo sáu tấm, hai thước ba thước, mặc áo sơ mi gỗ, hai tấm bốn tấm..v..v..”

(Chữ nghĩa của Ta hay nhỉ!)

(Nguyễn Triệu Việt – tạp chí Tân Văn)

Tục ngữ Ta và Tầu

Ghét của nào trời trao của nấy

Thuyết Tào Tháo, Tào Tháo tựu đảo

(Nhắc Tào Tháo, Tào Tháo đến ngay)

(Nguyễn Lập Sơn – Dư Phát Linh)

Chữ nghĩa tiếng Việt sao khó thế

Hỏi : Xưa nay bản thân tôi vẫn thường viết quằn quại, nhưng thỉnh thoảng lại thấy có nhiều sách viết là oằn oại. Vậy xin hỏi ai biết nhóm chữ nào đúng xin xác nhận giùm.

Oằn oại : Vặn mình nhè nhẹ
Quằn quại : Vặn mình dữ dội…I think

Đáp : Theo "Từ điển Việt Nam" của Thanh Nghị xuất bản năm 1958: clip_image002
Oằn oại : Vẹo cong, vẹo thân mình lại (thương binh nằm oằn oại trên vũng máu).
Quằn quại : Vặn cong mình (bịnh nhân quằn quại trên giường).
Theo "Từ điển tiếng Việt" của Hoàng Phê xuất bản năm 1990:
Oằn oại : Oằn oại vì đau đớn; quằn quại (đau bụng, nằm oằn oại suốt đêm).
Quằn quại : Vặn mình, vật vã vì quá đau đớn (lên cơn đau quằn quại trên giường).
Theo định nghĩa của hai cuốn từ điển trên, thì Phạm tui nghĩ oằn oại & quằn quại giống nhau.clip_image003 Sử dụng chữ nào cũng được, không phân biệt Nam Bắc.

(Trau giồi tiếng Việt – ĐatViet.com)

Chữ nghĩa làng văn

Nhân đọc cuốn Từ và vốn tiếng Việt hiện đại và tác giả Nguyễn Văn Tu, giáo sư ngôn ngữ học ở Hà Nội cho là hai từ “vua” và “bố” là chữ Hán cổ.

Theo tôi thì “vua” là tiếng Việt mà âm cổ từ chữ “vương”.

Và “bố” cũng là tiếng Việt mà âm cổ từ chữ “phụ”.

Còn “bố” theo tiếng Tầu là vải mà ta thường gọi là…vải bố.

(Thiếu Khanh – Văn hóa Việt Nam)

Góp nhặt sỏi đá

Đức Phật kể một ngụ ngôn trong một kinh: Một người đi ngang qua một cánh đồng và gặp một con hổ. Anh chàng chạy trốn, con hổ đuổi theo anh. Tới một bờ vực sâu, anh nắm được vào rễ một cây nho dại và đu mình xuống qua bờ vực. Con hổ đánh hơi anh ở phía bên trên. Run sợ anh chàng nhìn xuống, phía xa bên dưới, lại thấy một con hổ khác đang chờ ăn thịt anh. Chỉ có cây nho giúp đỡ anh. Hai con chuột, một con trắng và một con đen, đang bắt đầu gậm nhấm bứt cây nho dần dần từng chút một.

Anh nhìn thấy một quả dâu ngon gần bên anh. Một tay nắm cây nho, tay kia anh hái quả dâu. Dâu nếm sao ngon ngọt đến thế.

(Phụ chú: Góp nhặt sỏi đá thì chuột biết…ăn nho. Hổ thì không) J

Tầu nói, Ta nói

Nếu ta phát âm “nhất, nhị, tam” theo chữ Nho nghĩa là “một, hai, ba” người Tầu nghe không hiểu gì hết. Vì họ phát âm khác với ta, thí dụ như người Quảng Đông nói là “dách, xì, xám” còn tiếng Quan Thoại là “í, ứ, san”.

(Nguyễn Hữu Nhật – Tiếng Việt hay quá)

Về một tác giả nữ thời danh

Tác giả nữ Mộng Sơn tên thật là Vũ Thị Mai Hương, sinh ngày 20 tháng 12 năm 1920 tại Nam Định. Từ năm 1936 cùng Nguyễn Vỹ, Trương Tửu thành lập Tao đàn Bạch Nga. Năm 1937 làm chủ bút tờ Việt Nữ. Năm 1940 phụ trách “Đàn bà đọc sách” cho tờ Đàn Bà của Thụy An.

Bà làm thơ, viết văn, bút ký, khảo luận về văn học và triết học:

“Văn học & triết luận”, “Lược luận về phụ nữ Việt Nam”, “Vài tác phẩm Việt Nam dưới mắt một người đàn bà”.

(Nguyễn Thị Vinh – Cỏ bồng lìa gốc)

Tiếng Việt cổ

Nhà Hán cai trị nước ta, họ mang xe sang để di chuyển.

Nên từ “xe” của ta xuất hiện vì chữ Hán là “xa”.

(tiếng Quan Thoại đọc là “xẻ” hay “xé”).

(Hiếu Thiện Nguyễn Chu Hậu – Tiếng Việt, tiếng nước tôi)

Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ

Chồng già hay ho. Khi nghe tiếng ho, vợ trẻ biết mùa đông đã về.

 

 

 

©T.Vấn 2012

Bài Mới Nhất
Search