T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngộ Không : Tác Giả và Tác Phẩm – Đặng Thơ Thơ

 

Tiểu sử
Sinh năm 1962 – Sang Hoa Kỳ năm 1992 – Hiện sinh sống ở California.

Tác phẩm

Chủ trương tạp chí Da Màu, cộng tác với Văn, Văn Học, Hợp Lưu, Thế Kỷ 21, Gió Văn, Chủ Đề. Tác phẩm xuất bản: Phòng Triển Lãm Mùa Đông, Khi Phong Linh Vỡ

Mục Lục

Đặng Thơ Thơ – Nguyễn Việt Hùng

Đọc văn Đặng Thơ Thơ :

Hai tháng cho một tình yêu – 2

Khi phong linh vỡ – 12

Đặng Thơ Thơ – Như trái thông già chiều nay

Ký ức của người loạn tính

Đi tìm bản kinh thánh cuối

Đặng Thơ Thơ

Nguyễn Việt Hùng

Tôi không đọc nhiều thơ văn, thỉnh thoảng cũng ghé vài trang mạng và đọc được vài tác phẩm. Tôi có những nhu cầu rất riêng tư về văn chương, những tác phẩm tôi thích cũng không nằm ngoài phạm vi ý thích cá nhân. Dần dần sở thích về văn chương của tôi có sự chuyển hướng. Những ánh văn, giọng thơ êm đềm, lãng mạn, tư tưởng cao cả …. đa phần không làm tôi hứng thú nữa. Điều làm tôi quan tâm là những chất liệu mới lạ, độc đáo, gây nhiều ấn tượng. Có thể là bố cục hình thức hoặc tư tưởng nội dung.

Dục cảm cũng là một cách thể hiện táo bạo trong văn đàn tiếng Việt, đôi khi không chừng là yếu tố câu khách, nhất là của các nhà văn nữ trẻ. Vẫn là quan niệm cá nhân: văn chương dục tính có nhiều loại, ở đây tôi chỉ muốn nêu lên 2 điều tôi để ý đến.

1- Kích thích sự háo kỳ của người đọc như một thứ văn chương khiêu dâm, văn

chương loại này không còn xa lạ, khắp thời kỳ và khắp mọi nơi, như một cung ứng cho nhu cầu một số độc giả, mưu đồ danh lợi cao, vì người viết phần nào ảnh hưởng đến điều quan tâm của người đọc.

2- Vẫn những ánh văn mô tả về những dục cảm, nhưng điều làm độc giả theo dõi, không phải là những khoái cảm dục tính đơn điệu, mà là tư tưởng riêng tư: Có khi là sự nổi loạn bức phá niềm ức chế, có khi từ những tội lỗi ám ảnh từ quá khứ…. Loại văn chương dục cảm này, cần trân trọng và quan tâm như những điều riêng tư và chân thật của tác giả. Gần đây tôi có dịp đọc hai tác phẩm của nhà văn Đặng Thơ Thơ là “Nhà Trẻ” và “Đi Tìm Bản Thánh Kinh Cuối” Lối hành văn đều đều, không mang nhiều yếu tố sôi nổi, có thể dễ nhàm chán, nhưng tôi đã đọc hết hai tác phẩm này, cảm nhận đây là những sáng tác đặc biệt, và tác giả có cách nhìn vấn đề không bình thường. Thật sự tôi không có cái cảm giác dễ chịu khi đọc hai tác phẩm này, đây không phải là lối hành văn tươi mát, sống động, thỏa mãn tính giải trí cho người đọc, giọng văn có vẻ trầm đều, nhẫn nại, nhưng trong cái không khí kinh dị của thế giới tâm thần bao trùm, những bất ổn không lường trong cảnh trí bình an.

Tác giả đưa ra những nhân vật đạo đức mẫu mực nhưng tiềm tàng những tội lỗi. Dục tính là chuyện bình thường, như bản năng sinh lý sinh vật, có thể xảy ra cho bất cứ một ai. Nhưng câu truyện làm tôi bàng hoàng, kinh dị, có phải nhà văn đã lồng vào hoàn cảnh và vị thế các nhân vật, để tôi không thể ngờ, hoặc có thể ngờ đến nhưng trong vô thức có khuynh hướng trốn tránh ý tưởng của mình. Biết bao tội lỗi, tội ác vẫn xảy ra, một số ít được khám phá và trừng trị, đa số vẫn trong vòng bí mật, những vết nhơ này vẫn còn đó, thỉnh thoảng trở về ám ảnh kẻ tội phạm trong lốt áo chân thiện mỹ.

Câu truyện không nêu ra những nghi vấn, tác giả đã xác định rõ ràng ý nghĩ và hành động của các nhân vật, ở đây tôi không cần những giải thích về nhân vật, mà sự suy ngẫm trở ngược lại chính mình. Đặng Thơ Thơ đã làm một điều rất lạ, độc giả hồi tưởng về mình để suy ngẫm, ăn năn, sám hối … qua những nhân vật trong câu chuyện. Một người đã phạm lỗi lầm nghiêm trọng, nhưng không ai biết được, tội phạm vẫn sống qua ngày tháng và đã thành một công dân bình thường, một công dân tốt, một vị đáng kính trọng. Bỗng dưng có người biết đến bí mật này và trực tiếp chất vấn, tác giả quá cứng rắn đôi khi nhẫn tâm. Và trái với điều tôi vừa nêu lên, câu truyện lại đưa ra nhiều nghi vấn. Tại sao các yếu tố bản năng thú vật, nhân bản con người, và lý tưởng cao đẹp của thánh nhân lại có thể vùi trộn vào nhau một cách vô tình, tự nhiên và tàn nhẫn. Và lần này có phải tác giả đã khoan nhượng, chấp nhận những tội lỗi, như một điều vẫn xảy ra mọi thời mọi nơi, tác giả khoan hồng ân xá các tội phạm.

Đặng Thơ Thơ là một nữ văn sĩ có cái nhìn sự vật qua trạng thái tâm thần phức tạp. Tôi có niềm khâm phục cũng như sợ hãi sự điên loạn của tác giả.

Đọc văn Đặng Thơ Thơ

Hai  tháng  cho  một  tình  yêu

Năm ngoái, một tạp chí văn chương mời tôi viết bài cho chủ đề Yêu của họ. Yêu, đó là điều cuối cùng mà tôi muốn viết. Yêu, đề tài đó đã hết lôi cuốn từ lâu. Yêu, một đòi hỏi quá sức trong đời sống tôi không thể nào kham nổi. Yêu? -Ðã từ lâu tôi không còn muốn yêu hay suy nghĩ gì về tình yêu nữa.

Vậy mà không hiểu sao tôi đã nhận lời, để viết về yêu.

Bắt đầu ở quán cà phê

Cuối tuần đó, gặp nhau tại Coffee Factory cùng vài người bạn nữa, câu chuyện chung quay lại đề tài đang làm tôi đau đầu. Tất cả, cũng như tôi, đang trăn trở cho chủ đề Yêu. Tất cả đang nói về những truyện tình đang viết. Tình đam mê dữ dội. Tình tính toán lạnh lùng. Tình đồng tính và đa tính là điểm nóng bỏng. Tình một chiều, tình tay ba, tình tập thể, tình xác thịt, theo mô típ thật mới và bạo… Tất cả người viết đang lên đường tìm kiếm những cuộc tình khác thường cho văn chương.

Có người hỏi tôi:

“Sao, cô này đã viết gì chưa?”

Tôi lắc đầu, nói mơ hồ:

“Có thể, không chắc, chưa biết.”

Câu trả lời đi từ từ về phía phủ định. Nếu tôi nói ngược lại: “Không chắc, chưa biết, có thể !”, thì sẽ hàm ý tích cực hơn. Nhưng chính hướng đi của một câu nói bâng quơ đã khẳng định sự không khẳng định trong ý nghĩ. Anh lúc đó tình cờ ngồi cạnh tôi, hỏi nhẹ:

“Tại sao không chắc?”

“Không nghĩ ra chuyện gì để viết.”

Mọi người cười. Có người bảo hãy viết về cuộc tình cũ. Có người bảo cuộc tình đã qua rồi, cảm xúc không nguyên dạng nữa khó mà viết. Tôi buột miệng:

“Ðúng. Nếu không đang yêu khó mà viết về tình yêu cho hay được.”

Anh vẫn ngồi cạnh tôi, ghé vào tai hỏi nhỏ:

“Anh có giúp được gì không?”

Câu nói đó là một định mệnh. Tôi gọi định mệnh là hệ quả của một chuỗi liên tục những điều bất ngờ nhỏ, dẫn đến một thay đổi đột ngột thật lớn. Chuỗi liên tục bắt đầu từ  việc tạp chí văn chương đó chọn chủ đề Yêu, bắt sang việc họ rủ rê tôi, kéo theo việc tôi nhận lời trong khi tôi có toàn quyền từ chối. Chuỗi liên tục lại tiếp nối với chuyện tôi và anh cùng có mặt ở Coffee Factory sáng nay, rồi tình cờ anh ngồi cạnh tôi. Chuyện này cũng hoàn toàn tình cờ, vì trước đó anh ngồi ghế đối diện, khi anh ra ngoài hút thuốc lá thì một người khác chiếm chỗ anh. Lúc anh quay vào thì người đang ngồi cạnh tôi lại đứng dậy bỏ đi. Rõ ràng là một sự hoán vị có sắp xếp. Chuỗi liên tục chưa chấm dứt ở đó: ngay khi tôi buột miệng nói “Không đang yêu rất khó mà viết về yêu”, một người khác nữa lại xuất hiện thật ngẫu nhiên, một người rất nổi tiếng. Thế là mọi người trong bàn đứng dậy kêu gọi anh ta. Và trong tiệm chợt ồn ào không thể tả. Và đúng lúc ấy, anh nói nhỏ vào tai tôi:

“Anh có giúp được gì không?”

Vào trong không khí

Sau này, có lần anh bảo: “Ðôi mắt em lúc đó ngơ ngác lạ.” Ngay lúc ấy, tôi nhìn anh trân trân, không có phản ứng gì cả. Có thể toàn bộ ngôn ngữ chỉ là những tiếng thảng thốt: Hả? Cái gì? Cho nên anh khẽ cười, đẩy đĩa bánh lại gần, kín đáo gửi một cái nhìn đầy ngụ ý.

Chiều hôm sau có điện thư đầu tiên:

“Em đã tìm ra tình yêu chưa? Anh có giúp gì em được không?”

Tôi không trả lời. Tôi cần suy nghĩ.

Ðiện thư thứ hai gửi ngày hôm sau nữa:

“Sao suy nghĩ lâu thế?”

Tôi hỏi:

“Anh nghĩ có thể giúp được gì?”

Anh viết:

“Em muốn anh giúp gì thì bảo. Anh sẽ làm y như thế.”

Anh định đùa đấy à, tôi nghĩ. Ðùa thì đùa. Liều vậy, tôi mím môi viết:

“Em đang viết truyện tình. Cần một lá thư tình được không?”

“OK, ngày mai có.” Anh trả lời như thế.

Nhà văn này là người thế nào, tôi bắt đầu tự hỏi. Tất nhiên là thu hút và nguy hiểm. Thường xuyên gặp nhau giữa những người bạn chung, tôi ít nói chuyện với anh nhất. Tôi không thích tiếp xúc với những người đẹp trai quá, hấp lực của họ làm tôi bất an và phải đề phòng chính mình. Tôi chú ý đến truyện của anh nhiều hơn. Tôi tìm đọc lại những thứ anh viết, truyện ngắn, thơ, tùy bút…để hiểu thêm về anh; nhưng không thể kết luận gì về anh được.

Hôm sau tôi tò mò muốn biết lá thư tình của anh ra sao. Nhưng anh chỉ viết:

Anh quên chưa nói, nếu muốn anh viết thư hay thì phải thật (tức là phải “iêu” thì viết mới hay).  Vậy em muốn thư hay – hay không hay?”

Tôi trả lời mơ hồ:

“Tất cả cho tác phẩm, đó là cứu cánh của nhà văn. Nếu anh nghĩ phải yêu thư mới hay, và anh muốn viết hay, thì… tùy!”

Anh viết:

“Vậy nhé, sẽ có thư hay cho em.”

Ttrong khi chờ đợi bức thư tình tôi bắt đầu phác họa nhân vật đàn ông, nhớ lại những nét đặc thù của khuôn mặt anh, cách nói chuyện, nhất là cảm giác anh đem đến cho tôi. Thật sự tôi chờ đợi điều gì, tôi không biết. Có thể một cuộc phiêu lưu đúng nghĩa với tuyên cáo “yêu” do nhóm chủ trương tạp chí đã viết? Có thể một chuyện tình đẹp và lôi cuốn. Chắc chắn là một trò chơi nguy hiểm. Nhưng cảm giác sợ hãi kích thích trí tưởng tượng và bản năng nghề nghiệp thắng lướt sự sợ hãi. Trên hết tất cả là sự thú vị vì được tỏ tình. Ðã lâu rồi tôi quên cảm giác ấy ra sao.

Bức thư tỏ tình đến như một lời đùa giỡn:

“Anh đang viết cho em, chưa xong.

Hôm gặp em ở Coffee Factory về, anh bị ốm li bì, chưa bao giờ cảm nặng như thế. Trong mê sảng cứ chập chờn toàn hình bóng em…

Thật không xạo đâu.”

Tôi đỏ mặt:

“Viết thật đi, xạo quá em biết ngay.”

Trả lời của anh:

“Anh thề là không xạo. Anh thật tình đó.”

Ồ, thôi đi anh, đừng thề thốt.

Anh sẽ trở thành nhân vật của tôi, phải thế mất rồi.

Tôi phải viết về anh mất thôi.

Chương vừa rồi, người đọc có thể cho là chuyện nhảm nhí của những người thích đùa. Khi viết đến đó tôi cũng cho như thế. Nhưng tình yêu không cho phép người ta đùa cợt với nó. Khi viết đến đó tôi cũng cho như thế.

Vào trong ý nghĩ 

Tôi trải qua nhiều ngày suy nghĩ. Khi nhất quyết viết câu chuyện này, tôi cho mình yêu trong một thời hạn tối đa là hai tháng.  Vừa ở trong tình yêu, vừa đứng ngoài nhìn vào dò xét và mổ xẻ chính mình. Người yêu anh trong truyện thoạt đầu là tôi, sau này cô ấy có thể bước ra ngoài tôi. Cô yêu một người đàn ông đã có gia đình, người này mang một số đặc điểm của anh. Nhưng chuyện tình của họ có thể sẽ nghiêm túc hơn. Tôi chỉ định mượn tạm tình cảm giữa tôi và anh, suy nghĩ giữa tôi và anh, đôi khi đối thoại giữa tôi và anh. Tất cả trao đổi thư từ giữa chúng tôi đều có thể dùng làm tài liệu được.

Những lá thư trở nên tha thiết hơn, liều lượng cứ tăng dần hơn mỗi ngày.

“Anh xin lỗi đã làm em mất ngủ. Anh muốn em ngủ yên. Ðể mình anh mất ngủ được rồi. Trong ngày lúc nào em rảnh, nếu gọi em thì lúc nào tiện? Khi nào anh có thể gặp em?”

Gặp anh? Gặp nhau? Anh đã có vợ con. Tôi chỉ muốn yêu một cách an toàn, lấy được càng nhiều cảm xúc của tình yêu càng tốt. Tôi không muốn gặp anh. Tôi không trả lời dù lá thư làm tôi xôn xao khác lạ. Lại một thư khác:

Em,

Thôi anh mới nghĩ lại, em không cần trả lời mail vừa rồi.

Anh nhớ em, nhớ mắt môi em, con mèo nhỏ của anh ơi.

Có gì vui “meo” (mail) cho anh với.

Nhớ em. Hôn em.”

Hôn em? Hôn tôi? Cái hôn gửi qua điện thư lơ lửng hơn là hôn gió trong không khí. Cái hôn chẳng dính líu gì đến thân xác. Nhưng làm người tôi nóng bừng. Cái hôn đi thẳng vào đầu không qua trung gian nào hết. Nó mãnh liệt dữ dội không kém cái hôn trên da thịt. Dấu ấn của nó ở mọi nơi, ở môi, ở mắt, khắp người.

Tôi cũng bắt đầu hôn anh. Chỉ cần thả người vào ghế, nhắm mắt lại: môi anh sẽ đè lên môi tôi – ướt át. Cảm giác êm và đau sẽ thấm tận cùng các ngõ ngách thân thể. Tôi thường hôn anh vào giờ đi ngủ, trong bóng tối, trên chiếc giường của tôi. Hành động nhắm mắt lại trên giường đồng nghĩa với hôn anh. Và bóng tối phải thật đậm để nụ hôn thêm mê mệt. Nếu ngọn đèn đường ngoài cửa sổ thỉnh thoảng rực lên, làm tôi nhìn thấy ánh sáng yếu ớt của nó qua mí mắt đã khép chặt, tôi phải bịt mắt lại. Từ từ, hành động lấy tay bịt mắt bảo đảm một nụ hôn sâu xa đắm đuối nhất trên đời.

Tình yêu của nhân vật 

Nhân vật của tôi cũng bắt đầu yêu anh say đắm rồi. Tình yêu ấy, thật kỳ lạ, tự nó sâu sắc và bền vững hơn tôi tưởng. Cô ấy yêu một tình yêu đẹp hơn tình yêu của tôi. Khi yêu cô ta buồn bã và chờ đợi, kiên nhẫn và chấp nhận, bao dung và độ lượng. Cô ta tin vào một tình yêu thật sự không cần đền đáp lại, tự nó mạnh mẽ đủ để ban phát không ngừng nghỉ những quà tặng ái tình. Cô cho rằng tình yêu là một đóa hoa bí ẩn và kỳ ảo, chính là đóa hồng vĩnh cửu trong khúc cầu hồn tình yêu nổi tiếng một thời.

Tôi thì cho rằng đóa hoa đó không bao giờ có thực trên đời.

Trong các đối thoại giữa cô và anh, bông hoa là thứ hay được nhắc đến nhiều nhất. Ðó là thứ mà họ đi tìm, có thể một lúc nào sẽ hiện ra cho cả hai cùng thấy. Mỗi người mang trong đầu hình ảnh một bông hoa đã từng nở một lần ngày xưa. Khi cô hình dung bông hoa, hình ảnh đó thuộc về một buổi tối mùa mưa, thuộc về lần hẹn hò đầu tiên trong đời. Trên nền trời khi cô ngước mặt lên, những cánh sao nhạt nhòa rơi xuống tan thành bụi nước, những bụi cây dại run lên vì lạnh, và mùi hương hắc của những bông hoa thấm mưa ven đường bỗng dưng làm cô đau đớn. Một đóa hoa ra đời trong lạnh, ướt, đêm tối. Và cô nghĩ rằng nó phải màu đen, màu sâu thẳm, màu khó phai nhất trong tất cả các màu.

Tình yêu của cô làm tôi trở nên mềm yếu. Những lá thư của anh làm tôi mềm yếu. Tôi muốn gặp anh. Chỉ còn sáu tuần nữa thì tình yêu chấm dứt. Và câu chuyện cần thêm vài chi tiết nữa về anh.

Giữa khung cửa xe

Chúng tôi hẹn gặp nhau trong nhà sách Borders.

Buổi trưa nhà sách rất vắng. Có tiếng nhạc nhè nhẹ trong một CD soundtrack, nếu lơ đãng hơn nữa có thể tưởng mình đang ở trong phim. Ðiệu nhạc đi theo vòng tròn, nhiều vòng xoắn theo chỉ một mô típ, cứ đi lên cao mãi. Nó chính là vòng quay của cái cối xay gió. Những vòng quay đi vào chu kỳ kín – và quay mỗi lúc một nhanh hơn, vun vút…  nên sức gió tạo ra những hợp âm vô cùng phức tạp như ý nghĩ của con người.

Chúng tôi ngồi đối mặt nhau. Hai ly cà phê nhìn nhau, hai cuốn sách đối diện nhau. Hai cái điện thoại cầm tay cũng thế, có thể chúng đang nói với nhau: đối mặt.

Tất cả xảy ra không giống như tôi tưởng tượng ở nhà. Nói bằng lời không dễ chút nào. Anh không được thoải mái, tôi cũng vậy.

“Sao em trông tiều tụy vậy, không ngủ được à?”

Tôi khẽ gật, như có một người khác đang nhập vào mình, tôi không nói được những gì mình muốn. Cổ khô, miệng khô, dấu hiệu của thần kinh căng thẳng.

“Anh không muốn em buồn, hay bất cứ rủi ro nào xáo trộn cuộc sống của em bây giờ. Anh muốn em vui và hạnh phúc. Thật đó, em còn muốn anh nói gì nữa không?

“Nếu anh có thể cho em thêm một chút hạnh phúc nhỏ nhoi nào trong cuộc sống, anh sẵn sàng để em vui. Anh không dấu những suy nghĩ của anh về em.”

“Anh không muốn em có mặc cảm sợ hãi và tội lỗi.”

“Anh không có quyền đòi hỏi gì ở em hết. Nếu em muốn có một tình yêu lý tưởng, để viết truyện, nếu em muốn, anh sẽ làm như vậy.”

Anh nói vừa đủ tôi nghe, giọng chân thành; nhưng tôi linh cảm anh đang cố gắng. Như một màn kịch đóng khéo người diễn có thể vận dụng tất cả, ngay tình cảm cũng chỉ là vấn đề kỹ thuật. Tại sao vậy, một điều không thuận lợi đến từ phía tôi chăng. Có thể hôm nay, như anh nói, trông tôi tiều tụy, hốc hác, nhìn kỹ không đẹp như anh tưởng. Vì đang xúc động, tôi không nói được nhiều, thỉnh thoảng chỉ nhếch một nụ cười gượng gạo.

Tôi không ngạc nhiên về anh, tôi ngạc nhiên về mình. Tôi tưởng làm chủ được tình cảm mình như trong những lá thư, nhưng tôi nhầm. Cái mà tôi gọi là trò đùa đang nhăm nhe phản bội tôi, nó như con thú trong gánh xiếc đang trở mặt hăm dọa người thuần phục nó. Bây giờ nó cưỡi trên tôi, toàn thân tôi cứng lại vì sợ hãi.

Tôi có thể đã yêu anh. Anh có thể hết yêu tôi.

“Em đang nghĩ gì?”

Tôi bừng tỉnh:

“Em thích CD này, nó làm em chóng mặt …”

“Vì dòng nhạc cứ quay như chong chóng tạo ra gió đập mạnh vào đầu…”

Tôi ngập ngừng giải thích.

Bãi xe buổi trưa cũng vắng. Bóng hai người nhập thành một khối bên cạnh bóng xe. Anh đưa tôi cái CD chong chóng mới mua, cười bằng mắt. Ðôi mắt có đuôi đa tình làm lòng tôi chao động. Tôi cảm nhận tất cả sự vô lý của tình yêu này, tại sao anh, tại sao anh chứ ? Ðiều gì đã làm người tôi nóng rực khi nhìn thấy anh? Phản ứng hóa học và những luồng điện chập lại?  Cảm giác đó bùng lên đậm đặc, ngọt ngào như cam thảo, và đau xót như cường toan, cùng lúc.

Kính xe hạ xuống cho gió lùa đi hơi nóng. Anh nhoài người vào trong, hơi thở hừng hực như buổi trưa trên mặt tôi.  Nơi đó là một từ trường rất mạnh, nó bắt buộc cái hôn đầu tiên giữa chúng tôi phải xảy ra như thế: ở giữa khung cửa xe.

Tiếng anh bên ngoài:

“Nhớ viết thư cho anh. Nhớ lái xe cẩn thận.”

Sau đó là cảm tưởng say rượu khi phóng xe đi, cảm tưởng buồn đắm đuối đang bay trên đường phố, cảm tưởng một khối hơi trôi bồng bềnh cách biệt hẳn mọi thứ trên đời. Cảm tưởng sắp được nhìn thấy tận mắt một điều bí mật, nhưng hiện hữu của nó luôn rình rập kẻ đi tìm.

Nhắm mắt – Mở mắt

Có lúc tình yêu gõ cửa dồn dập. Có lúc tình yêu đi vắng. Khi ấy, tâm hồn trở thành ngôi nhà lạnh lẽo, một bãi biển bị sóng đánh tan hoang. Những chiều không có thư của anh, không có việc để làm, mở ra những khoảng trống lặng ghê người. Càng nghiêng về tối, buổi chiều càng để lộ những lỗ hổng đáng sợ. Chúng nằm dưới cầu thang hun hút, chúng ẩn trong vòm cây, chúng nấp vào những góc tối trong vườn.

Tôi sợ những lỗ hổng hơn là sợ thiếu anh. Nếu anh biến đi với những lỗ hổng thì tôi không còn phải nhớ mong nữa, nhẹ nhàng biết bao.

Ba ngày rồi chúng tôi không liên lạc với nhau.

Tại sao, tôi hỏi, và đi tìm câu trả lời.

Ấn tượng của lần hẹn đó là một cảm giác khó chịu. Tôi khó chịu với chính mình vì đã tỏ ra bối rối.  Bối rối là dấu hiệu của yếu đuối. Tôi không muốn làm người yếu đuối trong tình yêu. Lòng kiêu hãnh không chấp nhận điều này.

Và cái hôn giữa khung cửa xe cũng làm tôi suy nghĩ.

Tại sao cả hai chúng tôi đều mở mắt khi hôn?

Tôi vẫn hôn anh mỗi tối, và nhắm mắt. Tôi tin rằng khi nhắm mắt mình sẽ như ngất đi trong một vũng đen, không biết gì nữa hết. Khi hai người hôn nhau, họ tan vào nhau, và người này trở thành vô tận của người kia. Hai linh hồn và thể xác nhập lại, từ đó mở ra sự trở về của đóa hoa vĩnh cửu.

Chính đôi mắt mở cho thấy sự tồn tại của người kia, cùng lúc cho thấy ranh giới giữa hai người. Ðôi mắt mở là ý thức đang quan sát, không ai ngất đi được. Và điều bí mật sẽ không hiện ra. Ðóa hoa cuối cùng của tình yêu sẽ không bao giờ tìm thấy.

Trò đùa ở đâu?

Làm sao khác được bây giờ. Chúng tôi đang đùa mà? Và nếu tôi đùa với anh, thì tôi cũng đang đùa với chính tôi, đùa với lòng kiêu hãnh của tôi. Vấn đề là: tôi có thể đùa với tất cả, nhưng không thể đùa với câu chuyện của tôi. Câu chuyện, đó mới là đích hướng, chứ không phải tình yêu. Còn tình yêu, thật hay giỡn, chỉ là phương tiện.

Tôi không dối lòng rằng tôi nhớ anh không nguôi. Ngày và đêm, viết hay không viết, thức hay ngủ, nỗi nhớ bám riết theo tôi không rời. Chỉ uống một ly sữa mà lỡ nghĩ về anh, cổ họng sẽ nghẹn lại, ngụm sữa nuốt không trôi. Nửa đêm tỉnh giấc đã thấy tình yêu nằm bên cạnh đòi một nụ hôn trong bóng tối.

Ðiều gì đã không cho tôi thanh thản, không một phút giây thanh thản? Tình yêu à? Tình yêu không nên có mặt trong quan hệ giữa chúng tôi. Dù tôi cộng tác với ý đồ riêng tư chăng nữa, trách nhiệm chính vẫn thuộc về anh, kẻ chủ mưu. Anh im lặng, anh muốn rút lui? Nếu anh muốn rút lui thì vẫn còn quá sớm – tôi không cho phép điều đó xảy ra, lúc này. Anh phải tiếp tục vai trò của anh trong truyện của tôi. Anh không tìm tôi? -Tôi sẽ tìm anh. Ít ra là một tháng nữa. Một tháng nữa thôi.

Trong lúc thật sự nổi giận, tôi gửi anh một lá thư tha thiết:

“Anh sao rồi? Cuối tuần thế nào? Chắc là vui lắm nên chẳng viết gì cho em cả. Có biết là em buồn không? Em nhớ anh.”

Một lá thư khác:

“Anh đang làm gì? Viết cho em vài dòng đi. Em muốn đọc thư anh. Nếu không, phải chỉ em cách nào cho đỡ nhớ.”

Ðấy là một cảm giác tuyệt diệu khó tả khi gửi những lá thư  đi. Một mặt, tình yêu có thể nói điều nó muốn. Mặt khác tự ái vẫn không bị va chạm, vì ý thức đã bảo đảm rằng đấy chỉ là một cách chơi. Dù tôi có tung hứng trái tim mình thì vẫn có thể lấy lại, không sao. Như thể tôi và tình yêu là hai thứ tách biệt, và đối chỏi.

Chiến thuật này tỏ ra hiệu nghiệm. Anh trả lời ngay:

“Anh nhớ em. Anh nhớ em ghê gớm.

Làm thế nào cho em khỏi buồn bây giờ? Anh có làm gì thì em cũng vẫn buồn thôi, có đúng không, nhà văn của anh?

Ðiều gì đang làm em buồn, nói cho anh nghe được không. Tại em viết truyện tình yêu không được hay sao?”

Tôi đang cần anh nói thật nhiều, để tìm ra lối vào tâm hồn anh. Lối nào đi thẳng vào tâm hồn anh: yêu thương, dò xét, đùa giỡn, tìm kiếm, mổ xẻ? Tôi ao ước có thể đọc được, nhìn được những góc tối ẩn khuất của anh, vừa thú vị vừa đáng sợ, có thể bất ngờ, có thể làm tôi thất vọng. Nhưng còn hơn là im lặng, nó làm lòng tôi rỗng không, làm lòng tôi lạnh lẽo như bãi tha ma khi chiều xuống.

“Em có nhiều điều muốn hỏi anh, nhưng chắc em phải tự đoán thôi.”

Anh trả lời:

“Thì hỏi đi. Không nên tự đoán, vì em có thể đoán sai.”

Tuyệt vời. Tôi viết:

“Giờ em hỏi thật:

1.     Khi anh nói “yêu em”, “ nhớ em” là anh thật hay giỡn?

2.     Nếu vừa thật vừa giỡn, thì bao nhiêu phần trăm mỗi thứ?

3.     Giữa khung cửa xe (nhớ không), anh nghĩ gì?

4.     Khi hôn người yêu anh nhắm mắt hay mở mắt?

Tại sao nhắm? Tại sao mở?

Nếu anh không thể nói thật, thì đừng trả lời.

Nếu anh nói thật, em không bao giờ giận.”

Tôi vừa viết vừa cười rũ rượi. Tại sao mình không nghĩ ra cái trò này sớm hơn nhỉ? Trong tình yêu nên dùng cái đầu hơn là trái tim, nếu không muốn trái tim đau.

Anh viết:

1.     Khi anh nói nhớ em, là nửa đùa nửa thật.

2.     Tỷ lệ đùa thật: 50/50         

3.     Giữa khung cửa xe làm sao quên được, thấy cô bé cũng như anh, và thấy thương em vô cùng.

4.     Khi hôn em anh mở mắt, để nhìn được môi em, để thấy tình yêu trong mắt em. Không nhắm vì anh sợ [lầm] là hôn người khác.

Anh nói thật, em giận thì ráng chịu.”

Thật thú vị, tôi đọc đi đọc lại bức thư, và phân tích tình cảm mình. Có gì đâu mà giận, thì tôi cũng mở mắt, cũng không chắc về mình. Có thể cả hai đều thích đắm mình trong cảm giác yêu đương hơn là yêu nhau.

Anh lại gửi một lá thư bổ xung:

“Anh chưa trả lời rõ câu hỏi của em:

Khi hôn em nhè nhẹ thì anh mở mắt. Nếu em cho anh hôn đắm đuối thì chắc chắn nhắm mắt. Không phải để nhớ người khác đâu, mà tự nhiên nó vậy…

(đố em lần này anh nói thật bao nhiêu phần trăm…)

Thật ra em có thật tình với anh không?

Anh rất sợ làm “nhân vật tiểu thuyết”. Nếu đùa với anh thì nhớ cho anh biết để anh chuẩn bị…

Hôn em.”

Nhắm mắt hôn đắm đuối, tôi khẽ cười với ý tưởng thú vị này, và viết:

“Sẽ có lúc em bắt anh nhắm mắt, không cho anh nhớ tới người khác nữa.”

Tôi không nói gì về câu hỏi “nhân vật tiểu thuyết”. Một ngày nào anh cũng phải biết thôi. Ngày đó bao giờ tới? – Ngày tôi đặt dấu chấm hết cuối câu chuyện, ngày trò chơi kết thúc, ngày tôi không còn bị bất cứ điều gì dằn vặt nữa.

Tình yêu ở đâu?

Khi tôi nghĩ tới cái ngày tận đích đó, tôi quên không nghĩ tới tình yêu, số phận cuối cùng của tình yêu. Nó sẽ giải quyết ra sao?

Nhưng nhân vật của tôi thì nhớ, và đang tìm về ngày đó.

Cô đã biến thành kẻ nô lệ tự động cho tình yêu, ngoài ý muốn của tôi. Kẻ nô lệ này dâng hiến tất cả thời gian và muộn phiền cho hạnh phúc. Một kiểu yêu tôi vẫn cho là ngu dại: không chờ đợi, không đòi hỏi một đền đáp nào – không ép buộc bất cứ điều gì từ người mình yêu – không so sánh điều mình cho đi và điều mình nhận lại.

Với một người thông minh, nhạy cảm và đam mê như thế – cô biết mình sẽ bị tình yêu làm cho điêu đứng. Ðể chặt đứt nguồn đau khổ và bi lụy, cô tự đặt mình vào vị thế kẻ nô lệ tự động để từ khước vĩnh viễn những thất vọng của tình yêu.

Cô đã từng đau đớn rất nhiều trước khi tìm ra con đường giải thoát này. Tôi đã khóc khi viết đoạn cô lang thang trong bãi đậu xe: “mái tóc thẳng, mặt vô hồn, mắt trống rỗng, toàn thân toát ra một vẻ lạnh lẽo của những người mẫu thời trang hiện nay, nhưng lạnh hơn như thể một xác chết đã đóng băng.” Trời mùa đông nhưng cô chỉ mặc áo thun ngắn tay và quần shorts, vì anh nói kiểu trang phục này hợp với cô. Cô mặc đồ theo ý thích của anh cho lần hò hẹn, nhưng anh không đến. Cô gọi anh, nhưng anh bận. Cuối cùng cô im lặng.

Tình yêu mãnh liệt nơi cô làm tôi kinh sợ, bởi nó lôi cuốn và mời gọi tôi đi vào trong nó. Nó là thứ rượu độc mạnh. Chất men say từ từ ngấm vào mình lúc nào không hay – và nếu không kiềm chế, kẻ nô lệ tự động sẽ bắt đầu đứng dậy, vượt qua vòng kiềm tỏa của tôi.

Tôi sợ mình sẽ yêu anh mất. Tình yêu bắt đầu trở thành một vấn đề nan giải. Bởi nó không chấp nhận công việc tôi đang làm. Có lúc tôi mong mỏi cho chóng xong câu chuyện. Có lúc tôi sợ hãi ngày kết thúc câu chuyện. Bởi đó cũng là ngày tình yêu tận.

Bí mật ở đâu?

Tôi tiếp tục viết, nhưng câu chuyện không ăn nhập với cảm giác thật nữa.

Mấy tuần nay, tình yêu lại đi vắng. Anh không viết thư, cũng chẳng gọi điện thoại. Chúng tôi hẹn gặp nhau, rồi anh hủy buổi hẹn. Ðã mấy lần như thế.

Tôi phải nhắc nhở chính mình: trong tình yêu không nên dùng trái tim, mà phải dùng cái đầu, nếu không muốn trái tim đau. Mỗi lần anh hứa đến rồi không đến, dù rất đau – rất đau, tôi vẫn kềm lòng. Tôi tiếp tục viết thư cho anh, dễ thương hơn bao giờ hết:

“Em biết anh bận, em không giận anh. Nhưng đợi đến tuần sau thì em chết mất. Mai ra với em một chút đi.”

Và một dòng chữ vô tình của anh:

“Nhưng anh bận quá mà.

Thôi để tuần tới rảnh anh đưa em đi uống cafe, được không?”

Tôi viết lại, theo kiểu nô lệ tự động, chẳng còn đường nào khác:

“Anh bận thì thôi. Ðừng dụ em bằng cafe.

Em thích uống thứ khác hơn, biết không?”

Viết thế, nhưng tôi hiểu cần phải tìm một lối thoát cho mình. Không nên kéo dài tình trạng này nữa. Ðọc lại từ đầu những lá thư, rõ ràng là giọng điệu đùa cợt. Ðã biết thế rồi, sao tôi vẫn còn tiếp tục?

Tôi yêu thật à?  Chưa phải tình yêu. Vì nếu thật là tình yêu thì không cần đặt câu hỏi nữa. Vì câu chuyện à? Không hẳn. Một truyện ngắn viết theo chủ đề chẳng đáng gì cho tôi hao tổn tâm hồn đến thế. Ngay bây giờ, dù có nghĩ đến những người bạn viết văn vẫn ngồi uống café với mình rất thân đi nữa, tôi vẫn có thể ném câu chuyện vào thùng rác. Nếu tôi hiểu được vì sao, và động lực nào đưa đẩy tôi đến tình huống này.

Một điều gì khác đang nằm ẩn dưới mọi hành động, mọi suy tính, mọi tình cảm của tôi.

Cảm tưởng một bí mật đang rình rập, giữa tôi và tình yêu.

Trở lại Coffee Factory

Bây giờ anh đang ngồi rất gần tôi, nhưng không cùng bàn.

Tôi ngồi với những người bạn viết cho chủ đề Yêu. Anh thuộc về một nhóm khác. Anh và tôi thỉnh thoảng có chạm mắt nhau, cái nhìn dừng lại ở một điểm xoáy nóng bỏng, rồi lảng đi. Cúi đầu nhìn cuốn sách như thể đang đọc, tôi để ý cách anh nói chuyện, xem ý tưởng đi như thế nào, đo lường chiều sâu trong đó. Và trong một thoáng, nhân vật hiện hình rất rõ là một người bất định, lưng chừng, tùy hứng – điều này hoàn toàn phù hợp với những lô gíc trong tác phẩm của anh. Cũng trong một thoáng, tất cả những gì anh đã viết trở về trải rộng trước mắt tôi, toàn bộ là sự không nhất quán, những tư tưởng luôn đi lạc hướng, ngoài tiên liệu của người đọc.

Một nhà văn hỏi:

“Cô này viết truyện xong chưa?”

Tôi cười, lắc đầu:

“Chưa tìm ra đoạn kết.”

Thật thế. Chưa kết được. Bỏ qua những đợi chờ, buồn bã, dằn vặt (tôi tự gây cho mình) thì anh vẫn còn nợ tôi một nụ hôn nữa. Tôi nhớ lại cái hôn giữa khung cửa xe, có cái gì không đúng. Khi môi chạm vào môi thì mắt sẽ tự nhiên khép lại, chắc chắn đó là phản xạ không điều kiện. Cũng chắc chắn như khi ăn uống và đánh nhau thì người ta mở mắt, tôi chưa thấy ai cầm súng bắn người khác mà nhắm mắt, hay nhai miếng bò bít tết mà nhắm mắt bao giờ.

Vâng, anh còn nợ tôi một cái hôn đắm đuối, có nhắm mắt hẳn hoi. Một cái hôn dữ dội.

Khi nhóm tôi giải tán, anh vẫn còn ngồi đó hút thuốc. Tôi đi ngang qua mặt anh, tránh không nhìn. Xe vừa ra khỏi bãi đậu thì điện thoại reo.

Giọng anh dịu dàng:

“Anh đây.”

“Anh đang ở đâu?”

“Anh đang ở sau xe em.”

Ngừng một chút, giọng nhỏ lại, gần gũi hơn:

“Ði với anh một chút, được không?”

“Ðược.”

“Em đậu xe ở lề đường đi, rồi qua xe anh.”

Tôi đậu xe cạnh một khu chung cư hai tầng. Những ô cửa sáng mở to mắt nhìn tôi qua bóng lá lưa thưa. Lúc đó ngực tôi thắt lại dưới sức ép căng thẳng của những điều đang nằm chờ trong bóng đêm phía trước. Tôi nói với mình, như dặn dò:

“Thôi, cứ đi. Không biết mình sẽ làm gì, nhưng phải đi. Ði để nối dài thêm những điên cuồng vô lý mình đã làm từ hai tháng nay.”

Tôi leo lên xe anh, đóng cửa. Tiếng cánh cửa sập gây một chấn động mạnh trong đầu, rất lâu nó vẫn làm tôi choáng váng. Tôi phải ngả đầu vào ghế, nhắm mắt lại. Anh phóng xe đi, tôi đoán về phía biển. Khi tôi định thần nhìn qua cửa, mùa đông đã đứng sững bên ngoài. Sương mù bay ngược từ cuối đường đập vào mặt kính. Những ngọn đèn đã mất đi tia sáng thường thấy trong đêm, chúng chỉ còn là những quả cầu lu mờ chập chờn dọc theo con đường. Bây giờ tồn tại của chúng tôi là một vũng tối, tôi có thể nghe được tiếng thở gấp của anh.

“Mình đi đâu?”

Xe ngừng lại trên một đỉnh dốc, vì bên dưới gió hun hút gây cảm giác đứng gần vực thẳm.

“Anh hôn em, được không?”

“Không được, em hôn anh.”

Anh cười. Rồi tràn sang. Bóng tối đè lên người tôi, làm nệm ghế bật ngửa ra sau. Tôi nhắm nghiền mắt, nhớ những lần hôn anh tưởng tượng trên giường. Tưởng tượng và thực tế không ăn khớp với nhau. Những lần hôn kia dò tìm những mê mải trong hồn.

Cái hôn bây giờ đắm đuối sục sạo trên thân thể. Khác như một dòng nước ngầm và lúc triều dâng. Hơi thở anh dồn dập:

“Anh muốn yêu em. Anh muốn yêu em.”

“Hôn em nữa đi. Nhắm mắt! Nhắm mắt đi!”

Tôi lướt tay trên mắt anh, dò tìm.

“Anh phải nhắm mắt, biết không?”

Anh cười. Rồi lại hôn. Tôi bắt đầu quen với cường độ của anh, mạnh bạo và hối hả, nóng bỏng và chiếm đoạt.

“Ra băng sau đi.”

Tôi lắc đầu.

“Ra băng sau đi. Rộng hơn.”

Tôi vẫn lắc đầu, nhưng cũng nghĩ ra băng sau thoải mái hơn, ít ra có chỗ co duỗi, chứ người anh nãy giờ đè nặng lên đùi làm hai bắp chân vừa tê vừa mỏi.

Cuối cùng thì cũng ra băng sau, chúng tôi ôm riết nhau. Nhưng mà để cho đỡ mỏi chân thôi, tôi nói vậy với mình. Cảm giác rất dễ chịu, như nằm trong một cabin nhỏ trôi lênh đênh giữa biển sương mù. ý nghĩ này làm tôi buồn ngủ. Thân thể anh ấm, cánh tay anh gối đầu êm, tim anh đập biến thành bè nhạc trầm… Tôi muốn nằm yên như vậy mãi.

Nhưng vuốt ve của anh không cho tôi ngủ. Tôi co người lại.

“Ðừng.”

“Anh muốn yêu em…Anh muốn yêu em…”

Hơi thở nóng rực, anh cắn vào môi tôi. Tôi ghì lấy anh, thì thào:

“Ở ngoài đi.”

“Ở trong sướng hơn.”

Kiểu nói rất đàn ông làm tôi ôm riết lưng anh.

“Không, ở ngoài đi.”

“Không!”

Anh nói như la lên.

Tiếng  “không” này làm tôi đau đớn. Nó đi như  đinh nhọn đâm thốc vào cơ thể. Vào ngay thời điểm đó tôi nhớ lại tất cả những sự cố trong hai tháng qua: từ khi anh nói nhỏ vào tai tôi, trò chơi đuổi bắt tình yêu, những mưu toan của riêng tôi, dẫn đến chữ  “không” này. Dù người đang tan chảy vì gần gũi, tôi vẫn chưa hiểu vì sao mình điên như thế.

Không phải vì anh. Không phải vì cái truyện ngắn rất dở kia.

Có thể là một mắt xích nữa của định mệnh, nó cho biết mọi thứ đều có thể xảy ra, mà chỉ là hệ quả. Như việc từ xe tôi qua xe anh, từ băng trước xuống băng sau, từ ở ngoài đến vào sâu…

Kết

Tôi cho rằng mình đã đi đến tận cùng.

Anh hôn tôi một lần nữa, cái hôn coi chừng đã đuối. Bàn tay kéo lại áo quần ngay ngắn, bàn tay vuốt ve đã mỏi. Ðiều tôi tìm kiếm khao khát bây giờ đã thỏa. Tôi thở hắt như vừa bước ra khỏi cơn hoan lạc (tôi không cảm thấy hoan lạc). Thật ra đó là tiếng thở của một người khác.

Một người đang đứng bên ngoài nhìn vào.

Hình ảnh vừa hiện ra đó làm tôi kinh sợ.

Cô đứng rất gần, như mới vừa mở cửa bước ra.

Chúng tôi nhìn nhau, trừng trừng. Lần này tôi thấy cô rất rõ dù chung quanh sương mù, có thể vì đôi mắt rực sáng và mê hoảng. Cô đẹp đến nỗi làm tôi rùng mình, một vẻ đẹp ở giữa chừng toàn vẹn và bắt đầu tả tơi – vẻ đẹp của đóa hoa vĩnh cửu có lần cô đã nhắc cho tôi. Tôi nhìn thấy nỗi cô đơn rất liều lĩnh, rất bất chấp và vô cùng điên loạn làm tôi xúc động. Trong cô, tình yêu và lý trí đã nhập thành một, hay tất cả lý trí đã đầu hàng tình yêu.

Tôi nhìn ngắm cô, tràn đầy yêu dấu và thương xót. Chưa bao giờ người tôi nhẹ như thế – như cô vừa đi ra khỏi tôi – một người đàn bà ở trong tôi, khác tôi, tự mình tôi không lôi ra được, bây giờ đã thoát đi rồi.

Anh bây giờ không quan trọng nữa. Những gì anh làm chỉ là gõ cửa. Mỗi người đàn ông đến gõ cửa sẽ lôi ra, từ tôi, một người đàn bà riêng của hắn

Khi phong linh vỡ

Ðó là cuộc hẹn với cô độc bằng cách đón giao thừa một mình.

Cuộc hẹn với bất trắc bằng một hành động kỳ quặc.

Một cách phóng mình vào tương lai với một khao khát điên rồ.

Cô mở cửa nhà lúc mười một giờ rưỡi tối, nhìn thấy gió khuya đi ngang qua cành lê dại trắng. Không ngừng lại giữa những đóa cúc hương, gió tiếp tục chạy vòng quanh căn phòng lạnh mùa đông. Tới quầy rượu, cô khui một chai lâu đời nhất, chọn một cái ly kiểu mới nhất, và đi thẳng lên lầu. Ngang qua tầng hai, cô dừng lại trước phòng ngủ: những đứa bé và bà Mễã đã ngủ say? Cô leo tiếp tục lên lầu ba. Căn phòng này nằm sát mái nhà, trần là mặt phẳng nghiêng tuột hẳn xuống sàn. Ở đây có hai cửa sổ nhỏ trổ ra ngoài trời, một ống khói, và một cánh cửa hẹp bước ra bao lơn.

Bao lơn chỉ là một chỗ đứng nhỏ đủ cho một người, hơi giống cái vành móng ngựa với thành sắt lạnh. Mỗi lần đứng vào đây, cô lại nghĩ:

Bao lơn là điểm nối giữa nhà và không nhà. Nó là cửa mở ra không gian, hay mặt phẳng để phóng mình xuống cái hồ bên dưới. Mình cũng đang đứng giữa nhà và không nhà. Thật ra, chỉ có hai bàn chân là còn thuộc về nhà. Chúng đang run rẩy vì sợ độ cao nhưng vẫn ráng không quỵ xuống. Vì ráng chống đỡ nên càng run rẩy sợ. Và vì run rẩy sợ mà mình được an toàn.

Rồi cô tự hỏi: Mà tại sao lại sợ?  Khi đêm đen thế này, sợ độ cao là điều vô lý, vì có thấy gì đâu? Bóng tối hầu như đã xóa nhòa độ cao theo chiều thẳng đứng. Nói chung chỉ có ba tầng lầu. Không cao lắm, nhưng đủ để lao xuống…

Mà thật sự, đây chính là nơi ẩn náu an toàn nhất. Những người mà cô chạy trốn khỏi dạ tiệc cuối năm, kể cả Sơn – chồng cô, bây giờ không can dự gì nữa. Thật ra, những người đó chẳng có vấn đề gì. Cô cũng mến họ, nhưng ngồi với họ làm cô thấy cô đơn không sao chịu nổi.  Cô đơn và tức giận đến độ muốn la lên hay đập vỡ cái gì.

Cô uống cạn chỗ rượu còn lại, và nghĩ: Ðiều nào kiêng kỵ không được làm trong năm mới?  Không say sưa, không đập phá, không điên cuồng, không mặc áo trắng, không khóc, không phiền muộn…

Còn một phút nữa, cô đếm thầm. Tự dưng lúc đó toàn thân nổi da gà và bàn tay lạnh toát, người run lên kích động vô cùng. Cố kềm hãm cơn buồn tiểu vì uống nhiều nước quá, cô nhìn đồng hồ. Kiểm điểm thật nhanh trong đầu: cái chai đã trút hết rượu, không còn là nó nữa – cái ly đã cạn, nhẹ bâng. Cô vung tay ném mạnh vào quãng không trước mặt.

Cô lắng nghe, khẩn thiết. Nghe. Chưa bao giờ nghe khẩn thiết như thế.

Tiếng vỡ vụn từ dưới sâu vẳng lại. Sắc và thanh, như có ngón tay lùa vội qua những phím dương cầm.  Cô nổi gai ốc khắp người. Ðó còn là một tiếng gọi. Tiếng gọi của tan vỡ. Và tên cô là Ly.

Cái ly đã vỡ tan khi chạm vào nền đá lát quanh bờ hồ. Chắc chắn.

Thế là cả ba dạng hiện diện tại bao lơn đã thay đổi hẳn.

Hay một cách khác, không còn nữa. Tuy rằng cô vẫn đứng ở đây với cái chai không. Thật may mắn, bởi vì cô không nhìn thấy gì và chỉ sợ ném cái ly lên cỏ hay một bụi hoa trong vườn. Thật lâu, sau khi tiếng vỡ trong suốt đã tan hẳn, cô vẫn còn đứng ngây ngất một mình. Cảm giác ngây ngất khi làm việc gì lần đầu tiên trong đời, như yêu lần đầu, phản bội lần đầu, hôn lần đầu, làm tình lần đầu…

Giao thừa là lúc tan vỡ, chắc chắn, khi hai thứ va chạm nhau mãnh liệt như thế. Cô nhìn thấy trước mắt mình: quá khứ là một khối đen nặng trược, tương lai là một chấm sáng chập chờn nhẹ nhõm. Giao thừa là lúc thời gian bị nén lại, và thế là vỡ toang. Thời gian vỡ ghim vào nhận thức những mảnh cực kỳ long lanh. Trong người cô cũng có sự tan vỡ – nó vô hình và nó đã vỡ – tuy không rõ nó là gì. Cô biết rõ khi nó thoát ra thành tiếng khóc, không nguyên do gì cả, chỉ vì đó là giao thừa.

Chùm phong linh treo dưới sâu bắt đầu thả lên trời những tiếng vang thanh thoát, khi gió ngoài trời nổi lên cuồng loạn.  Gió phải cuốn cái ly bay vào những lùm cây um tùm mới phải. Tại sao gió không thảy cái ly trên mặt nước hồ? Sau này cô mới biết: cơ hội để cái ly vỡ tan là một phần mười hai. Bởi vì cô ném hết tá ly còn lại trong suốt một năm sau đó (đều vào ngày cuối tháng), và không bao giờ nghe được chuỗi âm thanh lạnh người vậy nữa.

Vào lúc đó cô gọi Linh Ðằng (cái ly vỡ là mệnh đề điều kiện, và gọi cho Linh Ðằng là mệnh đề hệ quả).

“Hello! Linh Ðằng?”

“Ðằng đây.”

Giọng nói mạnh, khẳng định. Nghe tự cao nhưng không kiêu ngạo. Như nói rằng“Tôi đây, tôi thế đấy”.

“Ngày em mai đến. Chiều nhé.”

“Ðến đi. Mấy giờ?”

“Em sẽ gọi lại.”

“Ừ nhé. Happy New Year.”

“Happy New Year.”

“Năm mới.”

“Vâng, năm mới.”

“Bye.”

“Bye.”

Nhắm mắt lại, Ly bám vào thành sắt, bật người ra sau. Nhắm mắt lại và tan vào bóng tối. Ðứng ngoài không gian nhìn xuống, thân hình cô vắt lên lan can như một mảnh áo mềm. Mảnh áo có hình dáng của người đàn bà, bất động, không linh hồn bên trong.

Cuộc hẹn chưa đến nhưng có thể biết điều gì sẽ xảy ra.

Nó là nối tiếp của lần đầu tiên khi cô đến nhà anh.

Lần đó là một cuộc tỏ tình chóng vánh.

Một cuộc đuổi bắt vòng quanh trong nhà, giữa những bức tranh.

Lần đầu tiên bước chân vào căn phòng đó, cảm giác rất khác với bước chân vào những nơi chốn khác, không bỡ ngỡ như người khách lạ. Trong đó là thế giới của cô. Một tiếng nói quen thuộc nói với cô điều đó. Tất nhiên cô chưa biết bên trong có gì, nhưng có sự hứa hẹn rằng cô sẽ tìm được điều đang tìm kiếm. Sự hứa hẹn rằng những khám phá trong đó không làm cô thất vọng. Sự hứa hẹn rằng sẽ có vô số điều mở ra từ từ, như mỗi căn phòng lại mở ra một căn phòng khác, cứ thế, mãi mãi.

Cô nhìn anh từ phía sau. Bàn tay mở khóa, xoay nắm cửa từ tốn. Mọi hành động hết sức thận trọng, như thể chính anh đang mở cửa một ngôi nhà lạ. Và hai người bắt đầu đột nhập vào.

Tiếng gót giầy gõ lên sàn gỗ, tiếng cửa rít lên nhè nhẹ và tiếng chốt khóa đập vào khung sắt. Lối vào phòng khách phải đi ngang qua bếp (kiểu apartment những năm 1970), studio vẽ nằm ở góc trái chỗ trông ra vườn. Họ đang đứng giữa những bức tranh. Cô nhìn quanh, quan sát – không cần dấu rằng mình đang quan sát (đó là thói quen từ khi mắc phải bệnh tâm thần ám ảnh). Sau đó thì mọi thứ hiện lên dần dần, những đồ đạc, những vật dụng nhỏ nhặt, những mặt người trong trạng thái khủng hoảng dưới ánh nắng chiều. Ðấy sẽ là nhân chứng cho các ý nghĩ của cô lúc đó, sau này khi muốn tìm hiểu lại.

Linh Ðằng gỡ những lớp vải che, đặt tranh lên giá, từng bức một…

Ly ngắm tranh với vẻ dè dặt, kỹ kưỡng. Kinh nghiệm cho cô biết đây là loại tranh phải xem nhiều lần, và mỗi lần xem phải áp dụng nhiều phương cách nhìn khác. Khi cảm thấy đủ, cô quay sang anh khẽ hất đầu, ra dấu hãy tiếp tục. Và anh lại chồng lên đó một bức tranh khác. Cứ như là vô tận. Ly định nói lên vài nhận định, nhưng vẻ im lìm của họa sĩ khiến ý tưởng cô trở nên chìm lặng. Từ một dáng vẻ hoạt bát lúc đầu, giờ cô chuyển sang thụ động. Linh Ðằng có vẻ đang bận tâm suy tư và hoàn toàn không để ý đến xã giao. Ly hơi hối tiếc vì đã đến đây, nhưng làm sao rút lui? Hành động xem tranh với Linh Ðằng như đi trên đường một chiều, càng đi càng khó thoát.

“Vào trong này, còn nữa.”

Họ đi vào studio. Những bức tranh đi hẳn vào nội tâm. Một cuộc triển lãm những chân dung quái lạ. Nhiều tiếng nói câm lặng đang nhăn nhó trên những bệt màu. Vẻ đau khổ toát ra từ đó. Cô cảm tưởng mình biết những người này, và họ cũng đang chào đón cô.

“Cách nhìn của họ làm Ly khó chịu.”

Cô nói to, ngạc nhiên vì lối nói của mình.

Mắt anh lóe lên ánh sáng thích thú. Bất chợt anh chăm chú nhìn cô:

“Họ điên đấy.”

Kỳ lạ, cô chấp nhận ngay điều này, là họ tất cả đều điên. Nhưng điều đáng ngạc nhiên là không phải Linh Ðằng mới vừa nói câu đó. Sau này thì cô biết người nào đã nói.

“Họ là anh phải không?” Ly bâng khuâng tự hỏi.

Câu hỏi là một chuyển mạch trong câu chuyện.

Một bàn tay ôm ngang lưng cô. Cách đặt tay rất nhẹ, nhẹ đến nỗi có thể lờ đi như không có.

“Anh không vẽ khỏa thân à?”

“Có. Ở trong này.”

Cô đi theo anh. Họ vào trong phòng ngủ.

Lúc đi vào phòng ngủ của họa sĩ, cô biết mình có thể đi ra an toàn, không suy xuyển gì cả. Cô điềm nhiên quan sát những bức tranh treo ở vị trí khuất, khó nhìn. Những câu nói của cô có thể hiểu theo nghĩa táo bạo. Thật ra chúng chỉ tự nhiên thôi. Khi tự nhiên ngưòi ta sẽ nói thẳng những gì họ nghĩ. Tuy nhiên, vì ở trong phòng ngủ, cô nghĩ sự tự nhiên của mình cần được thử thách nhiều hơn. Vì vậy trước mỗi bức tranh cô cố đứng lâu hơn một chút.

Ðó là những hoang tưởng dục tính, hay giải phẫu thân xác, hơn là khỏa thân.  Những mảnh cơ thể tung tóe trên tường.  Cách vẽ như cầm một thân người quẳng vào khung vải, và sự ngẫu nhiên sẽ ghim lên đó từng bộ phận. Những con người được miêu tả trong trạng thái cực lạc khi hình hài bị xé tan nát. Con mắt và đôi môi di chuyển trên đường thẳng là những ý nghĩ phóng từ bộ phận này sang bộ phận khác. Nằm dưới bề sâu của bức tranh là những đường gấp khúc rối loạn mà Linh Ðằng muốn dùng để mô tả sự tiến hành cấp tốc của thời gian.

Suốt thời gian trong phòng ngủ Linh Ðằng giữ một khoảng cách chính xác là ba bước. Anh lặng lẽ theo sau, trong khi cô di chuyển qua lại trước những bức tranh. Khi ở phòng ngủ ra anh thấy Ly đứng nhìn những bức chân dung với vẻ thắc mắc khó hiểu.

“Uống rượu nhé?” Linh Ðằng hỏi đột ngột.

Cô nhìn anh, và hiểu đấy là lời mời: “ Hãy ở lại lâu hơn với tôi.”

“Rượu? Rượu đỏ?

Anh không trả lời. Hơn thế nữa, anh trả lời bằng cách không trả lời.

Tại sao cô ghi nhận điều này?  -Không hiểu nổi.

Khi Linh Ðằng đi lấy rượu, có vẻ như anh đang thầm lặng lách qua những dấu hỏi. Tại sao nhận thức của cô lại chú ý đến việc anh không nói gì, mà không phải là những gì anh nói? – Ðiều đó cũng không quan trọng. Chính thắc mắc của cô mới là quan trọng. Một nỗi thắc mắc triền miên. Và sau này hệ thống ngôn ngữ của hai người bao gồm cả những điều họ không nói với nhau.

Một mình trong phòng vẽ, cô nghe tiếng đá rơi lục cục, tiếng cửa tủ lạnh ập lại, và tiếng cổ chai va chạm thành ly. Trong một tấm gương lớn phản chiếu những mặt người ở vách tường đối diện, cô khoanh tay đứng nhìn họ, và nhìn chính mình giữa họ. Thấy Linh Ðằng xuất hiện từ phía sau, mỗi tay cầm một ly rượu, cô giạât thót mình. Tại sao lúc đó cô hoảng hốt vậy, giống như anh cầm hai khẩu súng chĩa vào lưng cô.

Anh thích thú trước thái độ của cô. Thoạt tiên cô nhìn cái ly với vẻ quái lạ – như thể có thuốc mê, rượu độc – nhưng vẫn đưa tay đón lấy. Họ đứng xéo nhau, ngăn cách bởi cánh tay cô cầm ly rượu. Cô nhìn cái ly, rồi nhìn anh – nghi hoặc. Thật sự cô muốn nhìn xuyên qua mắt anh.

Ấn tượng lúc mới gặp đã bị xóa đi.

Ly không phải như bề ngoài của cô, không phải như người ta tưởng.

Khi hai người mới gặp ở phòng triển lãm mùa đông, cô gần như đâm xầm vào Linh Ðằng, vì mắt cô không nhìn thực tại mà dán vào những bức tranh trên tường. Trông cô ngơ ngác. Cô gợi nhớ một đứa bé đi lạc, như nó sẽ bấu víu vào bất cứ người nào nó gặp, và ai cũng có thể lừa gạt nó. Ðó là do đôi mắt lạc loài của cô.

Nhưng bây giờ, anh nhìn thấy một ống kính tò mò, kiểu tò mò muốn biết những điều không thể biết. Ðó là một đôi mắt nguy hiểm, bởi nó đánh lừa người khác. Cô tạo cho người khác một ấn tượng rất mạnh mẽ và sai lạc về mình. Theo anh, cô không hẳn ý thức điều đó, mà dùng nó làm lợi khí một cách tùy nghi mơ hồ.

Khi gọi Linh Ðằng, cô hiểu mình sẽ phải làm tình với anh ngay buổi hẹn đầu tiên. Vì đó là vấn đề đặt ra, rất bức thiết. Anh đã nói: “Anh muốn ngủ với em”, sau khi hai người hôn nhau.

Từ thời điểm cô nhấp nháp ly rượu mạnh với sự hoài nghi đó, một loạt diễn biến xảy ra nhanh cấp kỳ – nhanh hơn tốc độ thu của máy điện tử, nên chắc chắn cô đã bỏ sót nhiều chi tiết đáng ghi nhớ. Chẳng hạn lúc nào bắt đầu bị gợi tình?  -Khi anh vuốt ve cuối sống lưng làm cô rợn người, hay trước đó nữa? – Rồi cảm giác tê rợn đi theo vào phòng vẽ?  -Lúc Linh Ðằng vào bếp pha rượu, cái vuốt ve vẫn ở lại và làm cho ẩm ướt? Từ đó dẫn đến lúc hai người hôn nhau, họ đã nói gì, làm gì, tính toán gì…, cô chỉ có thể tạm cho vào một tóm lược như sau:

Linh Ðằng thấy cô uống gần nửa ly rượu, và anh nghĩ rất nhanh: Chỉ một phút nữa cô ấy sẽ nốc cạn ly và đòi về. Anh lấy một tập phác họa bằng bút chì đưa cho Ly, nói vài câu mà cả hai người đều không nhớ là gì, thậm chí nói xong anh cũng không hiểu mình đã nói gì.

Ly cầm trong tay những phác họa đa tầng, nhiều hình thể ẩn nấp trong nhau. Những đường cong run rẩy và những đường thẳng không thể tách rời hay kết thúc. Ðường này bắt nguồn từ đường kia và chuyển hướng vô tận. Ly dừng lại trang cuối cùng, đề ngày hôm qua. Và hiểu vì sao anh muốn cô xem.

Hình vẽ hai người đang ômï quấn lấy nhau. Trông toàn thể hỗn độn và nhập một. Khi để cái nhìn ngưng đọng lại, một loạt chuyển động sẽ hiện hình trên mặt giấy. Có đè nén vội vã, có nâng đỡ êm ả, luân phiên tạo thành một xoắn suýt mê loạn…Càng nhìn, sức lực trong mỗi động tác càng bạo liệt: bấu cứng, ghì xiết, co quặp…

“Mới vẽ đấy.” Linh Ðằng nói từ phía sau.

“Ðẹp.”

Ly vẫn chăm chú nhìn những chuyển động, và chúng bắt đầu quấn lấy cô.

“Thế à?”

“Anh vẽ thành tranh đi.”

Cô nghĩ:  Mình sẽ mua bức này. Một lúc nào đó mình sẽ rơi hẳn vào trong.

Một căn phòng riêng, không cần người đàn ông nào hết.

“Thế à? Vẽ thành tranh cho em nhé !”

Linh Ðằng đã đứng rất gần.

Giọïng nói như mê man. Câu nói và cách nói của anh tạo ra hai bản nghĩa khác nhau. Câu nói nằm trong đối thoại. Cách nói đi ra ngoài ý thức, nó có vẻ kỳ lạ và báo động, khiến cô bất giác nhìn lên.

Linh Ðằng cũng đang nhìn cô. Thấy cô ngước lên, anh nghiêng mình xuống gần hơn. Trước đó một giây thôi, cô không hề có ý định hôn anh. Nhưng bây giờ một thôi thúc khó hiểu đang xúi bẩy. Cô muốn vươn tới một thứ đang treo lơ lửng giữa hai người. Chính điểm treo đó kéo họ lại gần nhau hơn nữa.

Cái hôn đó không phải do ý muốn.

Nó chỉ tình cờ rơi đúng vào khoảng khắc (…) mà mọi thứ đều có thể xảy ra.

Sau khi ở nhà Linh Ðằng ra, cô nhận được lời nhắn của Sơn từ điện thoại cầm tay: “Không về nhà tối nay. Cấp cứu ở Fountain Valley”. Và thấy nhẹ nhõm hẳn.

Cô lái xe với những câu hỏi rối loạn trong đầu:

Ðiều gì vừa mới xảy ra?

Tại sao mình làm vậy?

Mình có làm vậy không?

Tại sao mình điên vây?

Có phải vậy điên không?

Cô vừa lái xe, vừa lắc đầu quầy quậy. Cô tìm cách chối bỏ điều đó bằng sự hoài nghi. Và lái xe với tâm trạng nửa tỉnh táo nửa lãng đãng. Vì vậy cô đã vượt qua những con đường quen thuộc dẫn về nhà. Mỗi lần lắc đầu cô lại bỏ quên một khúc rẽ, một ngã tư đường, và càng lúc càng đi xa hơn.

Cô vào xa lộ. Vượt ra những lane ngoài. Qua mặt những chiếc xe đang trở thành chướng ngại. Freeway là nơi lý tưởng để lái xe và nghĩ ngợi. Hai công việc vừa tiến hành song song, không cản trở nhau, không đụng chạm nhau; mà còn hỗ trợ nhau.

Cô vừa lái vừa nghĩ vậy.

Cô nhấn thêm ga. Tốc độ ảnh hưởng vô cùng lên suy nghĩ của người lái. Khi xe chạy, nó đẩy luồng tư tưởng đi nhanh hơn. Như một cái búng tay, nó bật ra những suy nghĩ mới, và cứ thế chạy miên man trong quán tính.

Cô vượt qua những thành phố xô bồ, với nỗi khao khát không cùng muốn vươn tới dãy núi nằm chắn cuối đường. ý nghĩ bây giờ đi nhanh hơn những đám mây đen trên đầu, nhanh hơn tốc độ xe đời mới. Nếu tiếp tục cuộc đua, chiếc xe sẽ đâm xầm vào khối mây khổng lồ đang từ từ cất lên ở chỗ mặt trời đang rơi.

Mặt trời biến mất ở tận cùng xa lộ. Dãy núi ở cuối đường lúc trước, bây giờ đang từ từ vây lấy cô. ý tưởng và tốc độ đi chậm lại trên con đường vòng vèo dẫn tới một bãi xe thênh thang. Toàn cảnh biến đổi rất kỳ lạ, như tất cả xe đang chạy trên xa lộ cuối cùng đều đổ hết về đây.

Ðấy là một cuốn phim hay.

Cô chọn nó không lưỡng lự giữa những phim khác vừa được Oscar, vì đã đọc bài giới thiệu phim mới tuần rồi, có một đoạn làm cô chú ý:

“Lấy từ một tiểu thuyết, kể về những người đàn bà cô đơn, và liên hệ giữa họ chỉ toàn do ý tưởng.

Người đầu tiên là một nhà văn. Người thứ hai là nhân vật của nhà văn, mà cũng viết văn, nên gọi là nhà văn thứ hai, để phân biệt. Người này viết về một người đàn bà thứ ba nữa. Trong phim, vai diễn này đã không phân biệt được người tạo ra mình là nhà văn thứ hai, hay nhà văn thứ nhất. Vì cả hai người đàn bà này cuối cùng đều tự tử nên rất khó xác định.

Một vai diễn khác, tương đối đỡ rắc rối là người đọc. Nhưng rồi chính người đọc cũng không phải là tận cùng, mà lại trở thành nhân vật của cuốn sách người ấy đọc.”

Cô yêu thích cuốn phim này. Chuyện không khó hiểu, nhưng cũng không dễ hiểu, thế mà hay. Nó không hẳn như những gì mình thấy. Nó khác thế, nó hơn thế, và nó đi ra ngoài những cái tưởng là thế.

Cảnh cuối cùng hứa hẹn rằng sau cuốn phim sẽ còn nhiều điều khác xảy ra:

Một người đàn bà về nhà, cởi hết quần áo, đem treo ngoài cửa sổ. Rồi đứng bên trong nhìn ra, với thân thể trần truồng. Người ấy cúi nhìn một phần ngực trắng thấp thoáng bên khung cửa tối và ẩm. Trên nền những nóc nhà xám trơ, chiếc áo màu sặc sỡ đu đưa trong gió. Toàn cảnh toát ra vẻ buồn bã – bởi chiếc áo đã từng là người ấy, đã khoác lên thân thể ấy.

Và nó trở thành biểu tượng của chia lìa trong cùng một con người.

Tối giao thừa sau khi hẹn xong với Linh Ðằng, cô ngủ lại trong phòng viết tầng ba. Sơn chưa về là lý do rất tốt để cô làm vậy. Ðến ba giờ sáng tiếng cửa garage cuốn lên vọng vào trong giấc mơ – lúc đó cô đang đứng trên thành bao lơn, sắp sửa ném cái ly và lao mình xuống, xem thứ nào vỡ trước.

Người cô rơi vào khoảng không, lặng hút đi.

Khi rơi xuống cô nghe một tiếng gọi dài  Ly…, Ly…, Ly…xuyên lên từ vòm cây bên dưới. Ly, Ly, Ly… mà cũng có thể là Ði, đi, đi

Tiếng kêu đúng tên mình vào giây phút đó khiến độ rơi không thể chạm vào cực điểm. Nó hất dội cô trở lại. Hãy hình dung một tấm lưới có độ nhún thật mạnh giăng ra giữa trời, Ly cứ bị tung lên hất xuống giữa độ sâu của bao lơn và tiếng vọng tha thiết đó. Lời kêu gọi hãy tiếp tục trò chơi với nó: đi đi Ly…, Ly đi đi…, đi đi Ly… Ly đi đi…, Thoạt đầu cô rơi xuống và nó thảy cô lên. Sau đó nó hút cô xuống và cô tìm cách vọt lên để thoát ra. Nhưng cô không thể thoát ra khỏi trò chơi lưỡng cực này, nó là vô tận.

Qua ô cửa nhỏ trên trần, người đó thấy những mảng không gian lồng lộng gió bay vùn vụt trên đầu. Rồi chúng vụt xà xuống thấp, di chuyển theo chiều ngang. Khi đập vào chiếc phong linh, chúng vỡ thành những mảnh vụn không gian nhỏ. Khi phong linh cất tiếng kêu, đó là lúc không gian vỡ nát rơi lả tả. Người ta vẫn tưởng gió làm phong linh kêu. Không phải! – Khi cái gì bị đập vỡ nó kêu vang như thế. Như khi cô ném cái ly vào bóng tối tạo thành tiếng dương cầm sắc lạnh. Như khi một người khác đi vào thân thể mình và tiếng kêu thoát ra báo hiệu một nứt rạn bên trong.

Tiếng kêu của phong linh hôm đó vật vã và đau đớn. Nó bị hành hạ suốt đêm. Càng kiệt sức nó càng kêu lớn tiếng. Chưa bao giờ nó chơi hết mình như vậy.

Phụ Đính :

Như trái thông già chiều nay

Khi tôi về, vừa mở cửa phòng đã nghe mùi hoa chết sực lên khắp nơi.

Tôi thấy trong căn phòng này, một tiếng thét vang rền rĩ và phá nát cửa sổ. Hình như ai đó cố gắng để lại cho tôi một câu chuyện nào đó. Tôi nghe thấy sóng biển ầm ì vọng lại qua những cửa sổ này, ẩn dưới những âm thanh cuồng nộ đó là một lời thì thào, yếu ớt.

Em về chưa, em về chưa. Ngày mai là ngày không bao giờ đến, là ngày không hề tồn tại, không có thật. Ngày mai là ngày không dành cho những kẻ như mình, vì mình có thể chết trước khi ngày mai tới. Chúng ta vừa mòn mỏi vừa lớn mạnh trong hoang dã. Chúng ta là loài thú biết yêu và bò trườn trong bóng tối. Chúng ta cố vươn tới người kia bằng một tâm tưởng nỗ lực không ngừng, chúng ta tìm cách làm giãn những sợi thần kinh, làm chúng dài ra, dầy lên thêm như một đường truyền khổng lồ chứa đầy sợ hãi, cuồng nhiệt, si mê, dày vò, man dại, giày xéo trên những cổ họng đỏ lòm, đã gào tên nhau khản tiếng, gào mải miết trên màn đêm đó, trên bóng đêm đặc quánh làm mắt ta bỗng mù loà: ta không nhìn thấy nhau được nữa, ta phải tru lên thống thiết những tiếng băng qua đại dương, xuyên qua mấy con tàu đêm, qua biết bao mái đầu đen nhấp nhô vùng vẫy trên biển bất lực, tiến về đất liền, vượt qua đỉnh nhà cao chót vót và đồng không mông quạnh: ta thấy nhau trong hình thù một con quạ đầu rụt sâu vào cổ: bên gốc cây khô cằn, ta nhận ra nhau qua sự lở loét của bộ cánh: em ạ, chúng ta là hai con quạ sẽ gặp nhau khi mà lồng ngực vỡ nát và gục lên nhau trong ngày đã tàn.

Tôi đã bỏ đi biền biệt suốt năm suốt tháng. Tôi mang trong người những giấc mơ, những lời thì thầm, mà khi đặt lưng nằm xuống, từng hình ảnh cứ xuất hiện, tra tấn, dày vò tôi.

Tôi thấy người đàn bà đen đi thơ thẩn trong một chiều lộng gió, người cứ di chuyển tới lui trong căn nhà độc thân của mình.

Tôi biết tôi đang giữ một hình ảnh, một rắp tâm, một quyết định quan trọng cho tôi những ngày sắp tới.

Tôi đang chuẩn bị đi đến một nơi để thực hiện việc đó.

Đó là một căn phòng sơn trắng. Xung quanh không có bất cứ đồ vật nào ngoài chiếc giường đơn kê sát trong góc. Loại giường dành cho kẻ độc thân hoặc giống như những chiếc giường đơn giản và buồn thảm của các sơ. Nó cũng chỉ có một cửa sổ duy nhất. Một ngọn đèn sơ sài được thòng xuống bằng mẩu dây điện ngắn. Đó cũng là ánh sáng duy nhất được thắp lên trong toàn bộ khung cảnh này. Qua cửa sổ rộng hướng ra biển đó, chúng tôi sẽ nghe được âm thanh từ thiên nhiên, sẽ vọng lên lần cuối.

Thật kì lạ là trước đó, trong suốt quãng thời gian còn sống, chúng tôi luôn thích mang nhiều hình ảnh, vật dụng gì đó có liên quan đến mình. Thiếu những vật đó thì ngôi nhà không phải là nhà nữa, cũng không thể ở yên trong phòng riêng nếu không có gì gợi lên sự gần gũi, đời sống bí mật, thân thiết.

Vậy mà giờ đây chúng tôi đã chọn một căn phòng, như một ốc đảo hoang vu nằm xa tất cả hoạt động người đời. Trên ốc đảo đó, chỉ có một ngôi nhà. Trong ngôi nhà đó, duy nhất một phòng mà vật dụng không được quyền có mặt. Nó đã được làm sạch sẽ những dấu vết thuộc về ký ức. Hay nói đúng hơn, đây là một căn phòng trống không của chúng tôi, đã nằm trong lồng ngực từ năm này sang tháng nọ. Chúng tôi đã lưu lại quá khứ ở những nơi khác nhau nhưng riêng nơi này thì phải được để trống. Và lớp bụi trên sàn nhà, đọng trên thành cửa sổ mờ mờ cũng chỉ là vết tích thời gian, điều cuối cùng sẽ sót lại và chứng thực rằng câu chuyện này đã có bao nhiêu năm trôi qua và cái chết của chúng tôi đã được bao nhiêu tuổi.

Đêm đi đến thưởng thức thứ rượu cực độc và cực ngon cũng là một đêm hoang đường.

Chúng tôi đã lần mò từ nơi xa, trong túi chỉ có một lọ thuốc, một chai rượu. Khi bước chân lên ốc đảo này, chúng tôi đã trút bỏ hết những gì liên quan đến đất liền, đến một cuộc đời trước. Chúng tôi giũ thật sạch đất cát lấm lem, tháo hết vòng tay và những gì gợi nên sự quyến luyến.

Và chúng tôi đi bộ lên những con dốc thoai thoải. Lúc này đã hơn hai giờ đêm. Sóng cứ đập rì rào không ngớt ngoài kia. Và bóng đêm làm cho những rặng cây càng ẻo lả, quện chặt vào nhau thành một cái đầu khổng lồ với búi tóc xũ xượi.

Em thấy đó, mình đang tiến đến nó, mình đến đây rồi. Mình vui sướng và phấn khích biết bao.

Chúng tôi đã thấy ánh đèn duy nhất đang tỏa ra yếu ớt trong ngôi nhà ấy. Nhưng khi vào được đến nơi thì mọi thứ đã rõ ràng hơn. Chúng tôi được ấm áp khi đứng nép sát vào nhau bên dưới ngọn đèn hết sức cô độc này.

Lúc này, chị bỗng lên tiếng.

Cách đây mười năm, tôi đã đặt em nằm lên ngực tôi, để em thấy nhịp đập của kẻ thích hủy hoại người yêu bằng tâm tưởng của nó. Tôi nói rằng tôi đã hút gần hết hơi thở của em, hoặc mình đã từng chia nhau mẩu sót lại của không khí. Và tôi thấy em lịm dần đi, em gần sắp ngất trên ngực tôi thật. Tai em dán chặt lên bầu ngực nóng hổi của tôi và có lẽ em thấy một tiếng động rạo rực đang dồn lên dữ dội. Em thấy có điều gì quen thuộc ở đây không. Nó thật giống âm thanh mà em từng nghe khi tôi hát. Tôi đã moi hết những âm vực bị nén chặt và nó phải len lỏi qua nhiều khoang nhiều lớp trong ngực tôi, luồn lách qua những sợi dây, những đường hầm chật hẹp để cố thoát ra bên ngoài. Khi nó vẳng đến tai em thì cũng là lúc tôi thấy xúc động ghê gớm, như là tôi vừa đâm em nhiều nhát vừa siết em chết ngất trong âm thanh mê dại này vậy.

Giờ đây mình lại đứng nép sát bên nhau thế này, trong một căn phòng trống. Và nó sẽ hiện hữu là nhờ ta đã đến đây. Nó sẽ là câu chuyện có thật vì ta đã đứng chung nhau trên mảnh đất này và đang thực hiện nốt cái thú vui mà ta đang có.

Em đã sẵn sàng chưa.

Tôi đã sẵn sàng và chờ đợi từ lâu lắm rồi. Khi bước chân lên ốc đảo này tôi đã như người mộng du. Tôi đã trả lại ngoài kia con người tôi cho những người khác nắm giữ. Bây giờ là lúc tôi sẽ sống trong thế giới khác. Giờ đã là cuộc đời mới rồi và tôi đang chờ để được uống thứ rượu đặc biệt này. Tôi đã uống quá nhiều loại rượu khác nhau và nhìn ngắm nó trong muôn vàn trạng thái. Nhưng thứ rượu này, khác với những loại rượu trước là nó sẽ tan đi, sẽ bay hơi và tôi tỉnh táo trở lại. Nhưng tôi biết với sự chưng cất, ấp ủ và nung nấu lâu năm của chị, nó sẽ làm tôi ngất mãi mà không bao giờ tỉnh dậy được nữa. Còn bây giờ, chị hãy giết tôi đi.

Chị đã cởi bỏ áo tôi. Đã cúi xuống hôn lên vai tôi và cánh tay chị đã siết tôi thật mạnh. Đây là một sự thỏa thuận. Trước khi giết tôi, chị phải yêu tôi trong điên dại nhất. Chị đã cắn tôi. Cắn càng mạnh tôi càng cười hả hê. Chị càng cào rách da nát thịt tôi thì tôi càng thấy sự đau đớn êm đềm, một sự đê mê không cứu chữa nổi. Chị đang ăn dần ăn mòn tôi bằng hàm răng sắc cạnh, đã nuốt tôi bằng cổ họng nóng hổi, đã sờ soạng người tôi bằng bàn tay bị bỏ đói.

Trong lúc này, có đúng là mình thích trở nên như thế không. Như mình đã chờ đợi quá lâu để tiến đến nó. Mình đã yêu nhau rã rời, đã uống rượu độc trên môi nhau, mình đã nằm xuống chiếc giường đơn này, nằm bên nhau, chồng lên nhau. Trước khi tôi ngả đầu vào ngực chị một lần nữa, khi cơ thể tôi dán chặt xuống người chị, trong sự phát tán của rượu và thuốc ngủ, tôi được nghe lại bản nhạc đó, sự cuồng nhiệt và ấm áp trong lồng ngực chị. Hình như lúc đó tôi nghe chị hát đúng không. Chị đã phát ra tiếng thật. Đó là một âm động phát ra từ lồng ngực, từ ức đi ngược trở lên, cái tiếng mạnh mẽ đó sẽ rất dầy, rất đầy và tỏa ra âm vực lớn, làm rền rĩ khắp chỗ chúng ta nằm. Vì âm thanh chỗ đó là âm thanh của tình cảm, như bới móc con người mình và lộn trái nó ra, ngay cái cuống đó, ngay cái ức, để mình phơi bày, mình thả đi, cho nó chạy đi. Nó hãy chạy đi hết buổi tối này đi. Và sau đó chúng ta trả lại cho thinh không sự im lặng tuyệt đối, để nằm nghe cái buồn buồn rút thật xa khỏi người.

Và lúc chìm vào không khí êm đềm này, tôi bỗng thấy lại một cảm giác gần đây nhất. Nó xảy ra vào một buổi chiều, trong một ngày trời đầy gió, một mình chúng tôi đi giữa rừng cây bạt ngàn, chúng tôi đã tìm cách leo lên đồi cao. Và trên đỉnh mây xám vần vũ đó, chúng tôi đã nằm xuống, ôm nhau và thả người theo triền dốc, chỉ để thấy mình lăn đi lăn đi mãi, như những trái thông già cằn cỗi.

Ký ức của người loạn tính

để tưởng nhớ Teena Brandon và Lawrence “Larry” King [1]

Nhật ký của Teena Brandon – 1 tháng 1, 1993

Điều tôi sợ nhất là bị hiếp dâm. Không có gì ghê tởm hơn chuyện một đứa con trai bị hiếp qua một cái cửa mình. Tệ hại hơn trần truồng. Rùng rợn hơn cái chết.

Gọi tôi là Brandon. Teena chỉ là cái họ đeo dính vào mình mà tôi không bỏ được.

Tôi là đứa con trai. Một đứa con trai. Tôi chỉ mặc sơ mi và quần jeans. Tôi đang để dành tiền. Bằng đủ mọi nghề tôi có thể nghĩ ra, ngoài cách rửa chén nhà hàng và đi lau chùi phòng vệ sinh công cộng. Làm những công việc như vầy mà phải lấy băng dính quấn chặt quanh ngực khó chịu kinh khủng. Nhưng tôi cần tiền mua thuốc uống để khỏi có kinh hàng tháng. Nếu có nhiều tiền hơn tôi sẽ đi bác sĩ chích thêm hoóc môn.


Nhật Ký của Brandon Teena – 1 tháng 4, 1993

Hôm qua là mũi chích thứ 10. Tôi sẽ có râu trong khoảng 2 tháng nữa, mình mẩy tôi, ngực nách tôi sẽ lông rậm rạp như Pete Sampras [2].

Bây giờ giọng của tôi đã từ nốt La trầm xuống một nốt Fà rất thấp.

Da tôi thô nháp hơn.

Đi làm một năm nữa tôi sẽ có đủ tiền để cắt bỏ bộ ngực. Tôi sẽ đi tắm biển, ôi tôi thèm biển biết bao. Brandon sẽ đi tắm biển và không ngại ở trần. Brandon sẽ làm được điều nó muốn, bất kể.

Những đứa con gái nói tôi là thằng bồ lý tưởng. Vì tôi biết làm họ sướng. Chúng đòi nhìn cái ấy của tôi. Tôi nói chưa phải lúc, vì tôi vẫn còn kềm hãm được mình, vì tôi muốn giữ gìn cho họ.


Nhật ký của Larry King – 1 tháng 1, 2008

Gọi tôi là Leticia. Tôi muốn thế. Tôi là Leticia, OK! Tôi 15 tuổi. Những đứa con gái trong trường sẽ coi tôi là bạn gái của chúng. Chúng sẽ nói, Leticia thích mặc áo đỏ, bôi môi đỏ, sơn móng tay đỏ. Leticia có đôi giầy cao gót đỏ mũi nhọn mới mua ở Target [3] Chúng sẽ nói, Leticia mới highlight tóc. Chúng sẽ nói, Leticia mết Brandon McIrney rồi. Chúng sẽ nói, Brandon McIrney thật nhiều nam tính, hắn chơi bóng chày, hắn trượt sóng ở bãi biển mỗi tuần. Hắn có yêu mày không?


Nhật ký của Leticia 15 tháng 1, 2008

Đừng gọi tôi là Larry. Tôi là Leticia mà. Tôi muốn hét to lên cho cả thế giới nghe:

L E T I C I A . . .

OK, tôi không biết sợ. Tôi đã chán chuyện phải giống mọi người. OK tôi sẽ nói hết, tôi sẽ làm hết thảy để cho họ thấy tôi không hề sợ. Tôi là gay, tôi biết mình là gay mà, và tôi đã nói thế từ năm lên 10 tuổi. Tôi đã nói thế, trong trường, với cha mẹ nuôi, với cô giáo, với hiệu trưởng, với giám học, với thế giới, bất kể thế giới ấy là gì. Không ai chơi với tôi, tôi bất kể. Chỉ cô giáo Anh Văn hiểu tôi, cô gọi tôi là Leticia lúc chỉ có hai người. Cô nói tôi phải can đảm, phải can đảm hơn nữa.


Nhật ký Leticia – 30 tháng 1, 2008

Tôi phải can đảm bằng sự can đảm của một đứa con trai + sự can đảm của một đứa con gái. Những đứa con trai và những đứa con gái né tôi như tôi mắc một thứ bệnh truyền nhiễm. Tôi cóc cần. Chúng nói những điều xấu xa sau lưng tôi. Tôi cóc cần. Chúng thật may mắn và chúng lấy cái may mắn đó chà đạp tôi. Tôi cóc cần.

Chúng thật may mắn, những đứa con trai con gái đó, vì chúng sinh ra và bằng lòng với cái cơ bản nhất của chúng, trái tim của chúng, tình yêu của chúng. Linh hồn chúng ưa thích thân xác chúng. Chúng thật may mắn, vì vậy chúng không thể tha thứ cho tôi vì tôi kém may mắn hơn chúng.

Cô giáo Anh Văn tặng tôi cái áo đầm nhung xanh của con gái cô. Cô nói, để em mặc đi prom [4]. Tôi thử trong phòng vệ sinh nữ. Vừa y. Cả trường đều thấy, thân thể tôi là thân thể đàn bà. Thân thể Leticia. Da tôi mầu sô cô la, khuôn mặt thuôn, lúm đồng tiền, gò má cao, môi mọng. Như Tyra Banks. Chân tôi dài, dài hơn mọi đứa con gái khác.

Tôi nói với những đứa hay chế diễu tôi: Một ngày nào đó tao sẽ nổi tiếng, chờ mà xem.


Nhật ký của Brandon Teena – 1 tháng 6, 1993

Lana là người yêu mới của tôi, trong cái thị trấn hẻo lánh, toàn những cái đầu thủ cựu, nhìn mọi thứ như trắng và đen, chỉ có vậy. Nhưng mà Lana thì đẹp và đơn giản. Lana không tò mò về tôi.

Lana hay dẫn tôi đi nhà thờ Evangelical.

Ở đây người ta ác cảm với người đồng tính. Nhưng họ tử tế với tôi. Nhưng mà tôi đâu phải là lesbian. Tôi là con trai như mọi đứa con trai khác. Tôi yêu Lana như một người con trai yêu một cô gái. Lana yêu tôi như nó yêu một người đàn ông. Trước tôi, Lana có cặp bồ với gã John Lotter. Nhưng mà Lana thích tôi hơn. Tôi có thể làm Lana sướng gấp trăm lần gã Lotter kia. Lana nói nàng không thích ngủ với nó nữa.

Trong buổi giảng, Lana nói nhỏ vào lỗ tai làm tôi bị nhột: Họ nói mình kìa.

Ông mục sư khoác áo lễ trắng viền chỉ vàng, tóc ông màu bạch kim chải mượt, ông giở kinh ra đọc: “Ấy vì cớ đó mà Đức Chúa Trời đă phó họ cho sự tình dục xấu hổ; vì trong nhóm họ, những người đờn bà đă đổi cách dùng tự nhiên ra cách khác nghịch với tánh tự nhiên.” [5]


Nhật ký của Brandon Teena – 1 tháng 7, 1993

Tối hôm đó tôi yêu Lana theo cách không tự nhiên của ông Phao-lô.

Lana tươm nước tràn trề dưới ngón tay tôi, môi lưỡi tôi. Tình yêu tôi không làm Lana bị đau, bị trầy trụa, bị chảy máu. Lana cũng chẳng cần phải ngừa bệnh, tránh thai, nạo thai, phá thai gì ráo trọi. Lana không sợ có con ngoài giá thú. Tình yêu tôi dành cho Lana bảo vệ nàng khỏi những thứ này.

Đó là tình yêu không tự nhiên mà ông Phao Lô nói.

Tôi nói với Lana, tôi yêu nó bằng tình yêu không chút vị kỷ, vì tôi không cần sướng cho mình, tôi chỉ cần nó sướng. Mỗi lần nó sướng nó la lớn tên tôi ôi Brandon ôi Brandon ôi Brandon! Tôi muốn nó sướng để nó kêu Brandon hoài. Nhưng bây giờ mỗi lần yêu Lana, làm Lana sướng, tôi lại nghĩ tới ông Phao-lô. Ông chui vào những lần âu yếm giữa chúng tôi. Cả ông mục sư cũng tìm cách chen vào. Mỗi lần tôi thè lưỡi liếm Lana một cái thì ông mục sư nói to hơn. Ông nói căn bệnh của họ là một di chứng quái gớm. Cơ thể họ mang hai bộ phận sinh dục và cái nào cũng dị dạng. Đó là tội lỗi. Thứ tội lỗi do tình dục ham muốn quá độ hun đốt. Căn bệnh này, tội lỗi này, do con người tạo ra. Không phải Chúa tạo ra.

Nhưng những lời giảng không ngấm vào tôi. Thật ra thì chúng không đổi được hoóc môn tôi. Không thay được chromosome tôi. Không chữa được định mệnh tôi.


Nhật ký của Leticia 1 tháng 2, 2008

Tôi mặc áo đầm xanh đi học. Bà hiệu trưởng kêu tôi lên văn phòng. Bà hỏi chuyện cái áo đầm xanh. Bà hỏi tôi đi học mà không trang điểm được không? Tôi nói không. Bà nói tôi nên chơi với những đứa con trai, mặc đồ như con trai, vì tôi là con trai. Tôi nói, tôi biết tôi là ai. Tôi nói, bà không thể dạy tôi rằng tôi là ai. Tôi nhìn thẳng mặt bà, và tôi nhớ lời cô giáo Anh Văn nói, phải can đảm, phải can đảm bằng một đứa con trai cộng với một đứa con gái.

Bà hiệu trưởng nói từ nay tôi không được dùng phòng vệ sinh nữ để thay đồ, hay để đi vệ sinh, hay để rửa tay. Bà nói tôi phải đi phòng vệ sinh nam.

Tôi nói, tôi sẽ không bao giờ bước vào đó. Không bao giờ.

Nhật ký của Brandon Teena

– sau ngày 31/12/1993

Tôi thấy Leticia Larry King từ xa. Bằng một cách nào đó chúng tôi biết nhau.

Tôi nhìn thấy nó trước khi tôi chết. Còn nó sẽ nghe lời mục sư giảng về tôi nhiều năm sau khi tôi đã chết rồi.

Họ sẽ dùng tôi làm gương răn dạy nó.

Nó đang ngồi đầu dãy ghế kê ngay sát cửa nhà thờ. Đôi giày bốt màu hồng nóng. Nó mặc áo chẽn hở ngực. Nó đánh phấn có kim tuyến lấp lánh hai gò má. Ai bước vô nhà thờ đều phải đi ngang nó. Lúc ông mục sư bắt đầu bài giảng Pray Away the Gay [6] thì nó đi từ từ lên, tiếng giầy gót nhọn nghiến trên nền đá. Nó đi chậm và trang trọng như thể nó là người cử hành thánh lễ. Cả giáo đường nhìn theo cặp đùi dài màu sô cô la của nó, cái váy ngắn của nó. Nó đến để thử thách họ, thử thách lời cầu nguyện của họ, thử thách Chúa của họ. Nó ngồi ngay hàng ghế đầu, nhìn chăm chăm lên ông mục sư. Ánh mắt nó nóng và dại.

Cả nhà thờ chăm chăm nhìn nó, bị cái khối thịt da mâu thuẫn của nó hút chặt. Họ nghĩ, nó là cái quái thai trước thiên đàng và địa ngục. Chúa không tạo ra nó. Những người đàn ông và những người đàn bà bình thường giao cấu nhau không thể đẻ ra nó. Nó là một phôi thai thụ tinh từ một người đàn ông gay và một người đàn bà lesbian. Họ nghĩ, nó là một thứ đột biến ghê tởm, như vi trùng. Tự nó cấy vào người nó căn bệnh mà kinh thánh gọi là quái gớm. Bệnh loạn giới tính.

Nó làm họ không thể tập trung vào bài giảng. Ông mục sư thì ráng không ghé mắt vào khoảng không gian nó đang chiếm hữu. Ông đang cầu xin Chúa đuổi cái bệnh đồng tính đi. Ông nói anh chị em hãy cùng tôi cầu nguyện để cứu vớt họ. Ông la lên Pray away the Gay, khẩn thiết. Dường như ông có khóc.

Tôi muốn nói, nếu ông muốn cứu vớt nó, ông phải thấy được linh hồn nó trước, cái linh hồn muốn phơi bày bằng phấn son và đồ lót đàn bà. Ông sẽ phải thấy cả thân xác nó, cái dương vật cứng lên khi nó nhìn ông. Nếu ông mục sư muốn cứu nó, ông phải thấy tất cả bi kịch của nó. Ông không thể chỉ nhắm mắt mà cầu nguyện. Hay là khóc. Con trai không được khóc, nhớ chưa, boys don’t cry [7]!


Nhật ký của Leticia – 5 tháng 2, 2008

Tôi yêu ông mục sư. Dù ông nói tôi mắc bệnh quái gớm. Tôi thích nghe ông giảng đạo. Dù những bài giảng của ông xúc phạm tôi ghê gớm. Tôi vẫn muốn nhìn thấy ông. Tình yêu này khó hiểu đối với tôi. Cũng như tôi yêu Brandon McIrney dù tôi biết nó kinh tởm tình yêu của tôi.
Brandon McIrney là một đứa ngạo mạn theo kiểu cách rất đàn ông. Đàn ông một cách cực đỉểm. Tôi chỉ yêu những người đàn ông như thế, đàn ông nhất trong nghĩa thế nào là đàn ông. Những người đàn ông thù ghét dân gay. Những người đàn ông ngoài tầm tay.

Nhưng tôi cần tình yêu của họ để trở thành đàn bà. Trên con đường trở thành đàn bà, tôi phải vượt qua tất cả những trở ngại. Tôi phải tìm ra những khí giới cho tôi, ngoài son môi, ngoài áo đầm, ngoài móng tay sơn đỏ. Tôi cần nhiều thứ khác, tôi muốn có ngực bự, tôi muốn có âm hộ, tôi muốn có kinh nguyệt. Tôi muốn một bữa nào đi học, trong giờ thể dục tôi phải chạy 1 mile  và máu kinh tôi ộc ra thấm đầy quần cho cả trường nhìn thấy.


Nhật Ký của Leticia – 10 tháng 2, 2008

Những đứa con gái đang xôn xao về tháng hai, chúng mong chờ ngày 14 tháng 2, chúng mong chờ một món quà Valentine [8]. Một con gấu bông, một hộp sô cô la, một bông hồng, hay một sự trống rỗng thất vọng. Chúng sống 13 ngày đầu của tháng Hai với những câu hỏi như, tại sao Valentine lại vào tháng Hai, thánh Valentine có thật không hay chỉ là một câu chuyện thêu dệt, ai sẽ là Valentine của mày, nếu nó tặng quà mày có cho nó hôn không, hôn ở đâu, nếu nó không tặng quà mày có cho nó hôn không… Và chúng cười ầm lên.

Chúng hỏi tôi, mày sẽ làm gì, làm gì hở Leticia? Mày có hôn Brandon không?

Tôi nói, tao sẽ hỏi Brandon, will you be my Valentine? Tôi nói, ngày Valentine tao sẽ nằm ngửa trên băng ghế, giờ ăn trưa, và Brandon sẽ nằm đè lên tao, cho cả trường thấy. Chúng ồ lên, thích thú, phản đối, khuyến khích, chúng đều thích Brandon. Tôi biết chúng đang rạo rực. Cơn nứng bất chợt làm má chúng đỏ au. Chúng đang chảy nước. Tôi cũng muốn được chảy nước như vậy, nhưng mà cặc tôi cương nhức.


Nhật Ký của Leticia- 12 tháng 2, 2008

Trưa nay coi phim Boys Don’t Cry làm tôi khóc. Cái tên Brandon  của nó làm tôi khóc. Tất cả những người đàn ông tên Brandon đều có khả năng làm tôi khóc.
Tôi có quyền khóc vì tôi không phải con trai, tôi là một đứa con gái da đen tên Leticia. Tôi xem cuốn phim về một đứa con trai da trắng tên Brandon Teena. Chưa bao giờ có người giống tôi như vậy và khác tôi như vậy. Đứa con trai đó mang thân thể tôi ao ước, và nó thì ao ước thân thể của tôi. Nhưng chúng tôi không đổi linh hồn cho nhau được.
Chúa cũng không giải thích được.
Tuy Chúa có mặt ở mọi nơi, ngay chỗ giao tiếp giữa thân thể chúng tôi và linh hồn chúng tôi, nơi đó không có Chúa. Không Có Chúa!

Nhật ký của Leticia – ngày 13 tháng 2, 2008

Nửa đêm tôi thức dậy và xem lại đoạn phim cuối đời của Brandon Teena.

Điều mà nó sợ hãi nhất đã xảy ra. Đứa con trai đó cuối cùng đã bị hãm hiếp, qua cửa mình của nó. Nó bị hiếp đúng vào đêm Giáng Sinh. Bọn họ đã tẩy xóa hiện hữu của nó bằng cách lột quần nó trước mặt người tình của nó. Nhìn đi, nhìn đi, Lana, nó là một đứa con gái. Nó không có dương vật. Nó nhồi nhét những chiếc vớ cộm lên để đánh lừa mày và đánh lừa chính nó. Bọn họ bề hội đồng nó, hậu môn lẫn cửa mình, giữa đêm Giáng Sinh trên băng sau chiếc xe. Bọn họ đánh nó, đấm nó, đá nó sau khi trút hết phẫn nộ tình dục vào người nó. Nó không được báo cảnh sát. Nó không có quyền báo cảnh sát. Vì bọn họ bề nó không phải như chúng bề một thân thể giống cái. Cũng chẳng phải chúng thèm khát tình dục với đàn ông. Chúng chỉ rửa sạch một căn bệnh. Nếu chúng bề, chúng đụ thì hành động bề hay đụ không phải vì khoái lạc, mà vì công lý. Chúng nói có kinh thánh làm chứng, đó là tội lỗi, và tội lỗi phải bị trừng phạt. Đó là ý Chúa.

Nó sinh ra là Teena Brandon và nó chết như Brandon Teena. Một sự hoán đổi giản dị như họ và tên, như nam và nữ, như sạch sẽ và tội lỗi, như Chúa và tôi.


Nhật ký của Brandon Teena

sau ngày 31 tháng 12, 1993

Tôi đứng cách Leticia một khoảng cách 15 năm. Tôi thấy nó ngồi khóc vì tôi, lúc này xương tôi đã gần mục, nhưng vết nứt ở sọ vẫn còn, vết dao găm trong ruột vẫn đau xoáy, chỉ có phát súng cuối cùng thì bứt bung, chớp nháng, ngon lành. Chết bằng súng là cái chết hạnh phúc nhất. Nếu có giết người xin giết bằng súng. Đây là lời cầu xin của tôi gửi lại thế giới: cho tôi sống hay giết tôi bằng súng.

Larry sẽ nổi tiếng, như lời nó nói. Người ta đang làm một cuốn phim về nó, như họ đã làm với tôi (và cuốn phim này khiến Lana rất bực bội vì nó miêu tả nàng như hạng Mỹ trắng cặn bã rác rưởi). Chẳng cần dài dòng, chỉ cần gom vài năm trong đời nó, chỉ cần vài ngày cuối đời nó, vào một cuộn băng nhựa chạy chậm trong 2 tiếng, là nó sẽ nổi tiếng ngay. Và tất nhiên cuốn phim phải kết thúc bằng cái chết. Luôn luôn là vậy, để người ta thấm thía một điều gì, cần có một cái chết. Chỉ cái chết mới đánh động được một điều sâu kín ngủ im trong họ.


Nhật ký của Brandon Teena

sau ngày 31 tháng 12, 1993

Cuốn phim sẽ ra mắt vào một ngày Valentine nào đó.

Bối cảnh là sân trường trung cấp thành phố Oxnard [9], những đứa con gái nhận hoa và kẹo, bong bóng và gấu bông từ bạn trai. Sân trường vui nhộn hơn với màu hồng nóng hay màu đỏ rượu, những áo thun in hình trái tim cho ngày Tình Yêu.

Một nhóm bạn gái của Leticia đang chờ nó ở cổng. Leticia sẽ xuất hiện như một trái bom trong sân trường. Leticia sẽ ăn mặc cực kỳ khiêu khích như Janet Jackson [10], sẽ trang điểm như Tyra Banks [11], sẽ làm tóc như Venus Williams [12]. Chúng hồi hợp nghĩ đến lúc Leticia và Brandon hôn nhau, Leticia sẽ nằm ngửa trên băng ghế, và…

Brandon McIrney lúc đó đang đứng với một nhóm con trai trong đội banh. Nó có nét đẹp của con trai Mỹ, da trắng, môi mỏng, mũi hơi hếch, cằm vuông, nét lì lợm. Tụi con trai cũng đang chờ Leticia tới, chọc Brandon vài câu tục tĩu, cười ầm lên. Nhưng mặt nó tỉnh bơ. Brandon nói, tụi bay sẽ không còn nhìn thấy nó nữa đâu. Nó nói dửng dưng. Lúc đó nó cười nhưng mắt nó lạnh ráo, làm cái cười như không thực, như phi lý, như chẳng liên quan gì tới câu nói đùa.

Nhưng Brandon không đùa. Đúng là không ai nhìn thấy Leticia nữa. Leticia không đến trường hôm đó.

Đúng ra là hôm đó chỉ có Larry King vào trường, bận đồ con trai, áo sweatshirt rộng, quần jeans cũ, giầy thể thao ngả màu, không son phấn, tóc bôi gel, chải rẽ. Trông nó rất bệnh, mặt tái xanh, nó nói nó mới nôn mửa. Đêm hôm qua nó thức trắng. Khi băng qua sân trường nó hay ngoái đầu nhìn lại, như có ma đuổi, như bị săn lùng. Trông nó hoảng loạn. Sau tiết thứ nhất, nó lại ói thốc tháo lần nữa, và ói trong nhà vệ sinh nam. Vâng, nhà vệ sinh nam, là nơi trước đây nó không thèm bước vào.

Leticia, what’s wrong? Một đứa bạn hỏi.

Nothing. Nó nói cộc lốc, mệt mỏi. I’ve had enough [13].

Nó và Brandon học chung tiết thứ hai, lớp Anh Văn. Brandon ngồi ngay sau lưng nó. Cô giáo Anh Văn nhìn nó ngạc nhiên, cô muốn hỏi nó nhưng cố kìm lại. Nó chỉ nhìn vào trang sách, trông nó trầm uất, cạn kiệt, như có gì đang hủy hoại nó, dần dần, từ bên trong. Brandon không đọc, chỉ nhìn vào ót nó, ngắm những sợi tóc đen xoăn như bùi nhùi. Khoảng 14 phút sau khi vào lớp, Brandon đứng dậy, rút khẩu súng lục trong backpack. Nó chỉa ngay sọ Larry, chỉ cách nó một sải tay, nổ súng. Larry giật nảy lên. Brandon bắn thêm một phát nữa. Đầu Larry vật xuống bàn. Cô giáo Anh Văn hét lên, Oh My God, What are you doing Brandon? Oh my God [14]!

Brandon quăng khẩu súng trên sàn. Nó thọc tay vào túi áo, ra khỏi lớp, trông nó điềm tĩnh dễ sợ. In hệt như diễn viên đóng xong vai diệt gian, thảy đạo cụ, bước ra ngoài sàn quay. Nó biến mất ở cổng trường. Mọi thứ xảy ra chóng vánh, như bất kỳ đoạn phim hình sự nào, chỉ có một điều khác phim, là không ai thấy máu me gì cả.


Nhật ký của Brandon Teena

sau ngày 31 tháng 12, 1993

Nó chết một cái chết sạch sẽ, không máu me, hai viên đạn nằm trong sọ. Người ta sẽ nói, vì nó chết vào đúng ngày tình yêu, nó chết dưới tay người nó yêu nên máu nó không đổ ra vô nghĩa. Người ta sẽ nói, nó chết để chứng nghiệm lời Chúa Trời: “Nếu một người nam nằm cùng một người nam khác, như nằm cùng người nữ, thì hai người đó đều hẳn phải bị xử tử, vì họ đă làm một sự gớm ghiếc; huyết họ sẽ đổ lại trên mình họ.” [15]. Máu Larry đổ lại trên người nó.

Nhưng tôi thấy trái tim Larry vẫn đi lại trên đường phố Oxnard, lang thang trên những xa lộ California, trái tim nó đập trằn trọc trên những trang dự luật viết cho công lý. Máu nó đang chảy ra ở đó, máu đồng tính, chuyển tính, lưỡng tính, loạn tính…. Không giọt nào chạm được tới thánh kinh.


[1] Teena Brandon (December 12, 1972 – December 31, 1993) và Lawrence “Larry” King (1/13/1993 – 2/13/2008), hai nạn nhân chuyển giới tính bị bắn chết trong hai vụ án kỳ thị và hằn thù ở Hoa Kỳ.

[2] Pete Sampras, vô địch quần vợt Hoa Kỳ với kỷ lục 14 giải Grand Slam.

[3] Target, tên hệ thống cửa tiệm bách hóa cho giới tiêu thụ bình dân ở Hoa Kỳ.

[4] Đêm khiêu vũ của học sinh trung học

[5] Sách Roman 1:26, 27 – Tân Ước

[6] Pray away the Gay, Cầu nguyện cho chứng đồng tính biến đi. Khẩu hiệu nhà thờ Wasilla Bible Church ở Alaska đề cao, nhà thờ mà ứng cử viên phó tổng thống đảng Cộng Hòa Sarah Palin thường đến sinh hoạt và nói chuyện.

[7] Boys Don’t Cry (con trai không được khóc), bộ phim đoạt giải Oscar 1999 về cuộc đời Teena Brandon, dựa trên phim tài liệu The Brandon Teena Story.

[8] Lễ Tình Yêu ngày 14 tháng 2

[9] Oxnard, thành phố ven biển Thái Bình Dương, tiểu bang California

[10] Janet Jackson, nữ ca sĩ nhạc rock.

[11] Tyra Banks, siêu người mẫu da đen Hoa Kỳ.

[12] Venus Williams, danh thủ quần vợt da đen Hoa Kỳ, khi mới xuất hiện hay để tóc thắt bím thành từng chùm nhỏ.

[13] I’ve had enough, tôi ớn quá rồi.

[14] Oh My God, What are you doing Brandon? Lạy Chúa tôi, làm gì vậy hở Brandon?

[15] Sách Leviticus (Lê Vi Ký) 20:13 – Cựu Ước

 

Đi tìm bản kinh thánh cuối

Ai cầm gươm sẽ chết vì gươm, ai cầm bút sẽ chết vì bút. Tôi viết kinh sẽ chết vì kinh”. Đặng Thơ Thơ – nhà văn tài hoa của Văn học Di dân Việt Nam – đã viết như vậy trong truyện ngắn “Đi tìm bản kinh thánh cuối” như một trải nghiệm cần thiết của nhân loại và dân tộc mình.

Nhân vật Marie Madeleine trong Kinh Thánh, là hiện thân của những quan niệm bất công mà con người áp đặt lên phụ nữ. Suốt chiều dài lịch sử người nữ vẫn bị xem nhẹ, về chính trị bị tước quyền, về xã hội bị chèn ép, về kinh tế thì cam chịu nghèo khổ, về văn hóa bị người nam áp đặt và trong tôn giáo thường làm vật hy sinh. Thời Trung Cổ, người nữ từng là vật dùng để tế thần như một cống vật, họ được xem là nguyên nhân của tội lỗi.

Tuy nhiên, nội dung truyện không chỉ dừng lại ở luận đề về văn chương nữ quyền, mà còn nêu lên một vấn đề quan trọng khác: đó là mối tương quan giữa Niềm tin và Tri thức. Tương quan giữa Giáo điều và Lương tri, giữa Tình yêu và Mê muội.

Chính mối tương quan giữa giáo điều và lương tri bên cạnh tình yêu sẽ quy định văn hóa sống của mỗi con người, bản chất của một thể chế xã hội, rơi vào tín ngưỡng hay vươn lên bằng lý trí… Các nền văn minh đều phải vượt qua thử thách này.

Trong truyện vừa “Đi tìm bản kinh thánh cuối”, nhân vật Tôi – một giáo sĩ chép kinh – thuộc phái Tín giáo, tượng trưng cho Tín điều. Nhân vật Mary Magdalene – giáo chủ Tri giáo – tượng trưng cho lương tri, nàng cũng là người đàn bà duy nhất trong truyện – tượng trưng cho tình yêu.

Dùng chất liệu từ Kinh Thánh, Đặng Thơ Thơ dẫn dắt người đọc vào một không gian hư cấu huyền ảo, không hiện thực huyền ảo mà thuần túy biến ảo mê hoặc theo những truyền thuyết trong Tân Ước.

Kết luận của tác giả ở cuối truyện: Hành trình đi tìm chân lý của mỗi dân tộc là phải đi ngược lại lịch sử của dân tộc đó cho đến ngọn nguồn, bằng cách tự xoay lưng đi ngược. Không chân lý nếu không xét lại và không thể trốn tránh nếu muốn tìm ra sự thật.

Một tác phẩm tầm cỡ phải chứa trong mình một nội dung sâu sắc, Văn chương Việt giới thiệu truyện ngắn xuất sắc này.

Ban Mai giới thiệu

clip_image003

 

tôi
Tôi là thầy tu dòng Tín Giáo xuất thân từ chủng viện lâu đời nhất thế giới. Tôi là người chép kinh thánh, viết bằng tay, cuốn kinh dầy cộm đi từ Cựu ước đến Tân ước. Cửa sổ chỗ tôi ngồi viết nhìn xuống quảng trường thành phố nơi có những tượng thánh đang tắm nắng. Phòng tôi ngồi viết ngay sát tháp chuông nhà thờ, ngọn tháp cao vút như một thanh gươm xuyên thủng màn trời. Nhà thờ tôi ở là giáo đường trung cổ lâu đời nhất châu Âu. Cuốn kinh thánh tôi chép nguyên thủy là bản xưa GiaoDuong-Final nhất mà loài người còn nhớ.

Tôi sống nếp sống thời trung cổ vì tôi vẫn giữ thói quen lưu trữ văn bản bằng cách chép tay, trên loại giấy làm từ vỏ cây là thứ giấy bền nhất có thể chịu đựng được sự tàn hủy của thời gian. Tôi không thể đọc được thứ chữ in trên giấy. Tôi càng sợ thứ chữ dán trên mạng, vì tôi đọc mà mất khả năng hiểu ý nghĩa. Chúng di động, chúng trôi tuột, chúng không bám được vào trí nhớ, vì chúng không cố định như văn bản chép tay. Những gì chép tay là những gì vĩnh hằng. Chữ chép tay là mật mã riêng. Chính những mật mã này khiến việc chép kinh trở nên thú vị. Cầm một bản kinh thánh chép tay có cảm giác hoàn toàn khác với cầm một cuốn sách in trên giấy. Đó là cảm giác run rẩy, như tiếp cận một sự linh thiêng, và cuốn kinh chúng ta cầm cũng đang run rẩy như một con vật sống đang ngọ nguậy.

Trên căn gác cổ này có mấy nghìn cuốn kinh viết trên giấy cói. Tôi bị đày ngồi đây chép từ ngày này qua ngày khác. Những cuốn kinh không hiểu sau này có ai tìm đọc không, nhưng chép thì vẫn chép. Thỉnh thoảng Đức Giáo Chủ đích thân trèo 360 bậc thang hẹp lên thăm tôi. Ngài lướt mắt qua những bộ kinh xếp chồng chất từ sàn lên đỉnh trần, kiểm tra cuốn kinh nguyên thủy, đối chiếu với trang giấy tôi đương chép, khen tôi vài lời khích lệ. Rồi chúng tôi sẽ cùng quỳ gối đọc kinh Sám Hối, luôn luôn là kinh Sám Hối mà không phải bài kinh nào khác. Khi ngài đi xuống, cầu thang thường đã phủ đầy bóng tối. Ngài lần theo những vòng thang xoáy, dẫn xuống chánh đường nơi những thầy tư tế đang thắp đợt nến chót trong ngày, cả trăm ngọn nến lung lay như gió hiện hình trong nhà nguyện, như những thiên thần đang trở về dưới dạng linh hồn. Đó là trước giờ cơm chiều của chủng viện. Những lần thăm viếng như thế tôi có thêm rượu đỏ trong bữa tối, và tôi đi ngủ sớm hơn lệ thường, dù không hẳn là say.

Tôi khấn nguyện ở đây trọn đời vì lòng kính mộ ngôi giáo đường này, vì nó là nguồn gốc của tôi, như thể thân xác tôi bắt nguồn từ đá, từ chất đồng của chuông, từ tiếng cầu kinh và tiếng đàn phong cầm cộng hưởng. Tôi cũng quyết định ở đây trọn đời vì Giáo Chủ. Ngài là biểu tượng của niềm tin, của sự thật, của trần thế, của thiên đàng. Uy quyền ngài không phải chỉ trong thời này, mà còn kéo dài những thế kỷ tới. Nhiệm vụ chép kinh ngài giao phó cho tôi cũng là để kéo dài niềm tin đến tương lai. Trong cái thư viện cổ xưa này, cổ xưa bằng chiều dài lịch sử Đấng Cứu Thế, chúng tôi sẽ quyết định tương lai Tín Giáo, hưng thịnh hay suy vong, thống trị hay phế thải.
Những bản kinh cổ mà tôi lưu trữ một ngày kia sẽ tan thành bụi. Chúng cần người chuyển ngữ luôn luôn, nếu không sau này chúng sẽ chỉ là thứ ngôn ngữ chết và như vậy thì niềm tin cũng chết. Không ai am tường việc dịch thuật bằng tôi. Tôi dịch kinh từ tiếng cổ Hy-lạp sang nhiều thứ tiếng khác như Do-thái, La-tinh, Ai-cập, Sy-ri để gieo giống niềm tin vào nhiều ngôn ngữ. Rồi sau này, qua nhiều thế kỷ, chúng sẽ được hiện hình và tái sinh dưới nhiều thứ chữ, Sla-vic, Ả-rập, rồi tiếng Anh, tiếng Tàu, tiếng Nhật… tất cả những ngôn ngữ xa lạ của những đô hội phồn thịnh phía bên kia biển lớn.

lời thề trên đỉnh tháp gô-tích

Lời thề của tôi với Giáo Chủ dưới tháp chuông xảy ra vào lúc giữa trưa. Lời thề nguyện bảo vệ niềm tin của Tín Giáo bằng mọi giá. Vào thế kỷ đó, chúng tôi đứng trên đỉnh chót vót của ngôi giáo đường bằng đá trắng pha những mảng xám đen loang lổ – ngôi giáo đường mà mỗi lần chiêm ngưỡng đã khiến những nung nấu điên cuồng trong lòng người dịu xuống. Sau lời thề tôi biết mình đã gắn chặt số phận mình vào căn gác, vào đỉnh cao nhất của thế giới. Sống ở đây, tôi là kẻ gần nhất với trời, với Chúa, với mây, và với vĩnh hằng. Đứng đây nhìn xuống, tôi thấy mình cao cả hơn loài người bên dưới, vì sự tồn tại của tôi không hòa chung với họ. Tôi có thể thấy trái đất đông dần lên như bột nổi bánh mì, thấy các lãnh địa lân cận lan ra những vườn nho như mạch rượu, thấy những rừng ô-liu ép mình chảy ra suối dầu vàng óng, thấy những biên giới vương triều trong nháy mắt rùng mình hóa ra những di tích muối trắng chập chùng vào bất tận. Vào những hôm trời trong vắt pha lê tôi còn thấy cả những thành phố mới mọc và sẽ mọc phía bên kia biển lớn (gọi như vậy vì đây là mặt biển lớn nhất mà loài người khám phá được, cho đến khi chúng tôi tìm ra một cái biển khác lớn hơn).

Lời thề của tôi hẳn đã động đến trời, vì ngay sau tiếng Amen là một trận mưa chuông phủ xuống. Tiếng chuông ngân đã khuếch đại lời thề của tôi. Tiếng chuông trên đỉnh giáo đường cổ xưa u ám này, âm sắc của chúng kiêu hãnh và hối thúc, đập vào linh hồn tôi như một dấu chứng bất tử. Từ đó trở đi hồi chuông trưa trở thành thông lệ của thế gian. Chuông giữa trưa là dấu ấn của Tín Giáo chúng tôi khắc trên thời gian và gõ cửa không gian mải miết, trong một niềm tin không mòn mỏi.
giáo chủ – kinh thánh – và tri giáo

Chúa đã nói với Phêrô trước khi chết: “Hãy nạp gươm vào vỏ, vì hễ ai cầm gươm sẽ bị chết về gươm.”[1]
Đức Giáo Chủ cũng có một cây gươm, nhưng gươm của ngài vô hình. Ngài cầm nó trong tay nhưng không ai trông thấy. Người ta chỉ cảm thấy thanh gươm, như thể nó ở khắp mọi nơi. Tôi kính sợ Giáo Chủ không phải vì ngài có thanh gươm, mà vì thanh gươm ấy vô hình. Không ai biết được đường đi của nó.

Nếu phải mô tả Giáo Chủ, tôi sẽ vẽ một chiếc áo chùng trắng thêu chỉ vàng, vẽ mái tóc bạch kim óng ánh rủ xuống vầng trán khắc khoải, vẽ nét quả quyết trên khuôn mặt uy nghi. Nếu phải dùng lời diễn tả, Giáo Chủ là biểu tượng tối cao về quyền lực, thần uy hơn cả Chúa; vì mắt tôi không thấy Chúa nhưng tôi thấy ngài; vì tai tôi chỉ nghe giọng ngài thay vì giọng Chúa. Đường đi đến Chúa sẽ phải băng ngang ngài. Lời của Chúa sẽ được sàng lọc qua ngài. Kinh thánh là ý chí của ngài, tàng hình trong lời Chúa.

&
Thời gian soạn bộ kinh thánh là thời gian căng thẳng trong quan hệ giữa Giáo Chủ và tôi, vì cách chúng tôi quan niệm kinh thánh thật khác nhau. Khởi ngay từ định nghĩa “kinh thánh” chúng tôi đã không nghĩ giống nhau rồi. Giáo Chủ bảo kinh thánh là lời Chúa, vì Chúa đã phán như thế. Những vị thánh ghi lại những gì Chúa nói, những gì Chúa làm. Tôi nói với ngài, các vị thánh cũng có thể ghi lại những điều họ tưởng là họ nghe, họ nghĩ là họ thấy. Cũng có thể những điều họ ghi chép là có thật, nhưng còn rất nhiều sự thật khác mà họ không thấy hoặc không nghe. Ngay tên gọi kinh thánh đã là một điều khó hiểu, vì nó không chỉ là một cuốn kinh, nó còn mang chất “thánh”, và từ “thánh” là điều khiến tôi suy nghĩ. Tại sao “thánh”? Chỉ vì chúng được viết ra bởi những vị thánh? Ai là thánh? Các thánh Phaolô, thánh Luca, thánh Gioan khi ngồi viết kinh vẫn chưa phải là thánh. Họ chỉ là thánh sau này, khi họ đã chết, khi xác họ đã rã thối trong hầm đá sâu trăm thước dưới chân tôi. Họ chỉ là thánh sau này, khi Giáo Chủ phong thánh cho họ. Hành trình để một xác chết thành thánh có khi dài hơn thời gian sống của một con người.
Thời ấy có rất nhiều kinh sách của Tri giáo[2], giáo phái đối nghịch với Tín Giáo chúng tôi, lưu trữ trong thư viện do tôi quản thủ. Giáo phái này do Mary Mađơlen thành lập, tuy cũng bắt nguồn từ khải thị của Giêsu, nhưng lại rẽ ra một hướng khác hẳn. Họ đi một con đường khác dẫn đến cứu rỗi, họ dùng linh giác và lương tri của họ, họ không dùng lòng tin của chúng tôi… Điều này khiến Giáo chủ không vui. Giáo chủ nói bên Tri Giáo đặt nặng kiến thức và coi nhẹ niềm tin. Ngài lên án họ là ngạo mạn khi quan niệm con người có thể tự thông công với Chúa không cần thông qua giáo hội.

“Niềm tin là điều kiện cần và đủ cho sự cứu rỗi. Giêsu nói, ai tin ta sẽ đến được cùng Cha. Tri Giáo đã đi lầm đường và đã xúc phạm niềm tin của chúng ta.”

Tôi thưa với ngài:

“Thưa Giáo Chủ, nếu chúng ta thật sự có niềm tin thì không ai xúc phạm được chúng ta, vì niềm tin ở bên trên mọi xúc phạm và thương tổn.”

Lời nói của tôi khiến ngài hài lòng, nhưng tôi lại hồ nghi chính mình, vì niềm tin của tôi đang thay đổi, ngoài ý muốn của tôi. Việc đọc những cuốn kinh khiến tôi phải nhìn khác đi, nghĩ khác đi, trở nên một cái tôi khác, một thầy tu khác. Chúng thật sự là những cuốn kinh khai ngộ, hiểu theo nghĩa đó. Hay chúng là những cuốn sách tà đạo, cũng hiểu theo nghĩa đó.

Những gì tôi đọc là cánh cửa mở ra một con đường mới trong tôi. Một con đường mòn đã phủ bụi thời gian, một con đường bị treo bảng cấm vào, một con đường mà có người nói là ngõ cụt, có người nói dẫn đến thiên đàng. Giáo chủ nói đó là con đường lầm lạc. Ngài phải nói vậy, vì Phê-rô đã trở thành dòng chính và đẩy Mary đứng bên lề[3]. Thánh kinh cũng có những dòng chảy ngầm. Nó là câu chuyện do những người đàn ông kể lại.

clip_image004

cái đầu của Mary Mađơlen

Mary Mađơlen là người đàn bà có mình mà không đầu, hoặc có đầu mà không mình, và người đời sau chỉ biết một trong hai thứ. Thoạt tiên tôi chỉ biết cái đầu Mary. Cái đầu này chứa những khải thị huyền nhiệm và cả bản đồ chỉ dẫn đường đi của linh hồn. Cái đầu này thông minh xuất chúng và người ta bảo nó đã thu hết mọi lời Giêsu nói. Vì sợ nó gây thêm tổn thương cho niềm tin của chúng tôi, Giáo Chủ đã dùng thanh gươm vô hình lia ngang cổ, chặt phăng cái đầu đi. Từ đó truyền thuyết Mary người đàn bà không đầu đã biến Tri giáo thành một giáo phái huyền bí và ma quái.

Nhưng thanh gươm của Giáo Chủ chỉ có thể cắt lìa mà không thể hủy hoại, cũng không thể khiến những thứ bị cắt lìa biến mất vào hư vô. Những thứ này vẫn tồn tại, nhưng trong một thể khác, trôi chảy lung linh hơn và dịch chuyển quỷ mị hơn. Nguyên tắc chung của những bí mật là tính hữu hạn của chúng: theo một lời nguyền của dòng Tri Giáo, thời gian lâu nhất để giữ một bí mật không thể quá hai ngàn năm. Sau thời hạn đó những bí mật bị chôn dấu sẽ trồi lên và làm thế giới ngỡ ngàng. Cái đầu của Mary chẳng hạn, nó vẫn lơ lửng giữa những cuộn kinh dài như tờ sớ. Khi mở cuộn sớ sẽ thấy cái đầu nàng hiện ra, kỳ lạ như một điềm báo về nghệ thuật Phục Hưng sau này: mái tóc từng lọn loăn quăn màu hạt dẻ phủ quanh cần cổ dài, làn da trắng ngà như sữa cừu, tia nhìn thống thiết và ngời sáng, một pha trộn giữa hy vọng và vô vọng. Và giọng nói của nàng, đau đớn rỉ rả cất lên từ trang sách, là giọng nói nghèn nghẹn của một cổ họng đang chảy máu không thể nào cầm.

Còn thân hình không đầu của nàng vẫn sống cuộc sống của người dân trong thành Jerusalem. Thân hình này sẽ ra vào kinh thánh của chúng tôi 13 lần cả thảy. Hành trình của thân xác thì cả thế gian đều biết, nó như một câu chuyện điển hình của một người đàn bà tin Chúa: bắt đầu từ việc bị quỷ ám, lấy nước mắt rửa chân Chúa và lấy tóc lau chân Chúa, chứng kiến Chúa bị hành hình đến khi thấy Chúa sống lại. Rồi thôi. Nàng sẽ mất tích ngay sau đó, sẽ bước ra khỏi kinh thánh và đóng sách lại như chúng ta sập một cánh cửa sau lưng.

Thân hình Mary làm mọi việc đó mà chẳng cần có đầu. Vì cái đầu thật ra không cần thiết. Đầu và thân hình nàng là hai tự thể riêng biệt. Nàng mang thân xác phụ nữ nhưng cái đầu nàng khước từ giới tính.

Vì Giêsu không bị ràng buộc bởi cái nhìn giới tính. Vì giới tính chỉ thuộc về thân xác, nó là ảo ảnh và sẽ tan rữa khi chúng ta ngưng thở về với Chúa.

Nhưng đó là lời Chúa, tạ ơn Chúa.

Còn trong lời nguyền thì Mary sẽ bị cột chặt vào giới tính của nàng, suốt hai mươi thế kỷ về sau.
kinh của riêng tôi

Tôi cũng có một cuốn kinh của riêng tôi. Cuốn kinh phát xuất từ chính tôi, từ suy tưởng và chiêm nghiệm của tôi, một phần là chuyện của tôi với Giáo Chủ. Nếu mai này tôi chết đi, và tôi được phong thánh, thì cuốn kinh tôi viết sẽ được kể là kinh thánh.

Người đời sau cũng có thể đọc nó như nhật-ký, một thứ nhật-ký dòng tu, vì tôi để vào đó nhiều tâm sự: tôi kể những chuyện hàng ngày, như tôi đã viết kinh ra sao, đã dịch những kinh nào, những giấc mơ ban ngày và những gì xảy ra song song với lời kinh, và định mệnh kỳ lạ của những bộ kinh tôi chép.

Ở trang đầu tiên tôi đã viết như sau: “Ai cầm gươm sẽ chết vì gươm, ai cầm bút sẽ chết vì bút. Tôi viết kinh sẽ chết vì kinh.”

Từ đó việc viết kinh trở nên thú vị và mê hoặc hơn, vì những điều tôi viết ra, những dòng chữ hiện hình dưới ngòi bút của tôi sẽ là mê lộ ngòng ngoèo dẫn tôi về cái chết của mình. Tôi sẽ thành thánh nếu tôi chết khi đang viết kinh, một buổi chiều đầy sương nào đó, sau giờ đọc kinh Sám Hối, giữa những hồi chuông chiều riết róng, khi quảng trường bên dưới rực lên ánh đèn, khi loài người vẫn còn ngơ ngác giữa niềm tin nhà thờ và niềm tin Chúa; khi những cơn mưa đổ đều buồn bã lê thê trong lời nguyện, những ngọn nến cuối ngày thắp lên và Giáo Chủ leo xuống 360 bậc thang gỗ phủ đầy bóng tối.

thể xác hay tinh thần?

Luôn luôn là một câu hỏi, người đàn bà thông minh hay người đàn bà đẹp, tinh thần hay nhục thể, trí óc hay thân xác?

Đức Giáo Chủ nói, hãy chọn thân xác họ.

Tôi nghe lời Giáo Chủ, tôi chọn nhục thể, tôi yêu Mary Mađơlen. Tôi yêu nàng từ khi đức Giáo Chủ ra lệnh cho nàng đi làm điếm.

Đó là một buổi sáng mùa thu vào thế kỷ thứ sáu sau Thiên Chúa.[4]

Chúng tôi ngồi dưới ánh sáng lọc qua những vòm trần cao vút. Tiếng phong cầm và dàn nhạc thánh ca nâng tâm hồn chúng tôi bay cao hơn những mái nhà. Giáo Chủ đứng giữa điện thờ. Ngài uống nốt giọt rượu cuối đỏ bầm như máu đấng Cứu Thế. Ngài mở đầu bài giảng ngày Chúa Nhật bằng một thông điệp mới. Tiếng ngài vang khắp thánh đường:

“Vâng, các anh em, điều này đã rõ. Chính là Mary Ma-đơ-len. Người đàn bà này đã xõa tóc lẳng lơ, đã lấy dầu sáp thơm thoa mình, đã để xác thịt phạm điều cấm kỵ.”[5]

Giới tăng lữ lặng người nghe sứ điệp, nét mặt họ trầm thống và hơi thở họ phập phồng. Bên dưới lớp áo dòng những dương vật chợt cương cứng nhức nhối. Bài giảng ấy là một thử thách và một rủa xả, nó bắt chúng tôi sinh lòng thèm khát. Ngay giữa giáo đường chúng tôi chứng kiến một cảnh thoát y quái gở khi Mary thay áo đổi vai từ một tông đồ sang một gái giang hồ. Tối hôm đó nàng tìm đến giường chúng tôi, khỏa thân và tràn trề xác thịt. Chúng tôi đầu hàng và tận hưởng nhục cảm nàng đem đến. Những nhục cảm không phải trả bằng tiền. Những nhục cảm trả bằng một thứ gì khác hơn, pha trộn sự biết ơn thống hối và cả nỗi buồn đắm đuối. Mỗi người trả bằng cái giá mà họ có. Ai có linh hồn thì sẽ trả linh hồn. Ai có quyền lực thì trả bằng quyền lực.

niềm tin tuyệt đối

Cuộc sống tôi cứ thế trôi qua, lặng lẽ ngăn nắp bên ngoài và hỗn loạn nghi hoặc bên trong. Ban ngày tôi đọc và biên tập kinh, ban đêm linh hồn tôi lẻn xuống quảng trường gặp Mary. Thật khó khăn để tưởng tượng ra cách nàng đón khách thời trung cổ. Những căn phòng hẹp tối và trần thấp, áo xống và chăn gối nồng mùi đồ lót đàn bà, tiếng chuột rúc dưới gầm giường và những con bọ chét di chuyển qua lại giữa thân thể chúng tôi đang đổ mồ hôi vào nhau. Nhân dáng nàng cũng thay đổi tùy theo hứng tình của tôi. Nàng mảnh khảnh thanh tao như Donatello đã vẽ. Nàng đầy đặn vun tròn như người mẫu của Titian. Nàng hiện thân thành người đàn bà tội lỗi, cánh tay chắc nịch của nàng vít đầu tôi, ghì tôi vào bầu vú nàng căng mọng, căng đến nỗi chỉ cần bấu nhẹ thì sữa nhục cảm sẽ ứa ra tràn trề. Đường dẫn đến tuyệt cảm của tôi cũng dài như chiều cao nối căn gác này với quảng trường bên dưới. Nó như chiều không gian thứ tư, chiều của khoái lạc và sự chết. Hơn nửa thế kỷ trước một người nghệ sĩ điêu khắc đã leo ra ngoài tháp chuông để gắn bức tượng trang trí mặt tiền nhà thờ, không may anh ta tuột tay rơi xuống, thân thể tan nát và óc não văng tung tóe. Đáng lẽ chóp giáo đường sẽ còn cao hơn mấy trăm thước nữa, nhưng để tưởng niệm nhà điêu khắc, Đức Giáo Chủ quyết định giữ đúng chiều cao xây dang dở khi anh ta rơi xuống. Bây giờ dân thành phố mỗi lần băng ngang chỗ xác chết đều phải ngước lên, chiêm ngưỡng bức tượng chót vót trên không, và làm dấu thánh. Mỗi đêm khi tôi sắp rùng mình điếng ngất thì Giáo chủ lại hiện ra. Bóng ngài lừng lững trên đỉnh tháp. Ngài vung thanh gươm vô hình bổ dọc xuống, tách lìa tôi khỏi Mary. Chúng tôi văng ra hai mảnh, lúc đó hừng hực dương vật tôi vẫn còn nằm gọn trong lãnh địa âm hộ của nàng.

&
Cũng có khi tôi ngủ qua đêm với Mary ngoài vườn đá khoảng hai dặm về phía nam chủng viện. Đến hai thế kỷ sau khu vườn sẽ chỉ còn là một huyền thoại, nhưng vào thời tôi sống nó chứa đựng nỗi ám ảnh cháy bỏng nhất và nhục thể nhất của những kẻ tu hành khắc khổ – những người đàn ông sống không phải với một mà nhiều bản án chung thân, một trong những bản án là lời thề đến chết không được gần phụ nữ.

Vườn đá nằm khuất giữa những triền ô-liu bao quanh thung lũng. Những gái giang hồ lẩn khuất chờ khách sau những vách đá dựng đứng cao hơn đầu người, họ chọn nơi này hành nghiệp như một cách thách thức lại vụ án ném đá ngày xưa. Người ta đồn rằng những người đàn bà tội lỗi mỗi đêm vẫn hành hương đến đây để lấy bớt đi những viên đá cuội cho đến khi không còn đá để hành hình nữa.

Mary nằm xoải, ánh trăng chiếu qua tàng cây cằn cỗi rọi hình những chiếc lá nhọn hoắt lên thân thể nàng như những vết khâu. Tôi ngậm mút những trái ô-liu chín thẫm trên bầu vú nàng. Rồi chúng tôi làm tình trên tảng đá lộ thiên trơn nhẵn. Nơi đây tôi không gặp cơn ác mộng bị cắt phăng dương vật; nhưng sẽ luôn có một tai họa khác rình rập để trừng phạt tôi về tội tà dâm. Có điều khổ hình lại giáng xuống đầu Mary. Nàng bị trừng phạt vì tội lỗi của tôi. Tôi ôm riết Mary, tôi khao khát truyền sự sống vào nàng mà thân thể nàng cứ lạnh toát dần. Cần cổ nàng ứa máu. Nàng nấc không thành tiếng. Máu tuôn ọc từ vết cứa ngang cuống họng. Cơn khoái lạc của tôi tăng tốc theo sự mất máu của nàng cho đến khi đầu nàng lìa khỏi cổ và âm hộ nàng thắt lại lần cuối, không nhả tôi ra nữa.

Những hoang tưởng ma quái cứ thế ám ảnh tôi. Cũng có lần tôi tham gia vào vụ hãm hiếp tập thể với những người đàn ông khác trong thành phố. Họ là những nhân vật chức sắc, những người khoác áo chùng đen đạo mạo. Họ tổ chức cuộc hành lạc thành hai phần, xếp hàng chờ được ngủ với Mary, rồi sau đó lại luân phiên ném đá nàng để tăng thêm khoái cảm. Nàng nằm lả trên nền đá, băng huyết và cửa mình rách nát. Nhưng chẳng ai buồn quan tâm. Lời giảng ngày Chủ nhật đã trở nên kích thích cùng cực. Họ hành động say sưa theo tập quán, như thể họ đang mê đi và đang thực hành một nghi lễ sùng tín nhất.

&
Công việc của chúng tôi đã gần hoàn tất. Cuốn sách của loài người đang sắp thành hình. Mỗi tuần một lần Đức Giáo Chủ trèo lên đỉnh gác chuông, đưa thêm sách, dặn tôi chọn đoạn kinh này, bỏ cuốn kinh kia. Ngài vẫn kiểm tra những gì tôi viết. Tôi vẫn bị giằng xé giữa lời thề và lương thức của mình. Ngài không biết những gì tôi viết ra sẽ dẫn đến cái chết của tôi. Còn tôi thì đã chấp nhận viết cho đến chết dẫu đó là một số phận bi thảm không ai muốn.

Kinh thánh là một bài toán nhức đầu nát óc. Một bài toán có thể sai đáp số nhưng vẫn phải chấp nhận nó như đáp số duy nhất. Để soạn Kinh Thánh chúng tôi không chọn tính cộng mà làm tính trừ, trừ hết những gì khác biệt. Kinh Thánh không nên là một tập hợp của quá nhiều sự thật, như một phiên tòa là tập hợp của nhiều nhân chứng, như một bài toán là tập hợp của tất cả các phép tính. Kinh Thánh chỉ nên là 27 cuốn sách còn lại sau khi đã loại đi những kinh sách khác[6].
Nhưng tôi không thể trừ loại niềm tin và lương giác của mình. Nếu chúng ta có những định nghĩa khác nhau về niềm tin, thì mẫu số chung của niềm tin là gì? Chẳng lẽ không thể có mẫu số chung mà chỉ có hiệu số của một bài toán trừ bất tận, niềm tin này trừ khử niềm tin kia? Niềm tin nào giá trị hơn niềm tin nào? Niềm tin thắng thế của kẻ mạnh chăng? Đây là điều dễ hiểu. Đức Giáo Chủ là người mạnh vì cái nhìn của ngài thấu suốt tương lai thêm nhiều ngàn năm nữa. Còn cái nhìn của tôi bị giới hạn trong căn gác này, giữa những cuốn kinh đầy bụi và những tiếng nói tắc nghẹn của quá khứ. Tiếng nói của những cái đầu bị chặt.

Cuốn kinh thánh chúng tôi đang soạn sẽ tồn tại như một niềm tin tuyệt đối.

&
Và là niềm tin sau cùng.

Tín Giáo sẽ thiêu đốt, sẽ tận diệt Tri giáo trong một chuyến hành hương về Jerusalem, đánh dấu một bình minh mới cho niềm tin của chúng tôi. Một tháng trước lễ Phục Sinh, Giáo Chủ ra lệnh chuyển hết kinh sách tà đạo về vườn Gethsemane để chất lên giàn hỏa. Ngài nói:
“Tro sách này sẽ rải đều những gốc cây trong vườn và bón cho cây tươi tốt. Những cây ô-liu và cây dẻ sẽ lớn mạnh, chúng sẽ thành cổ thụ ngàn năm và tỏa bóng mát đến những đời sau. Bóng của chúng sẽ vượt qua biển lớn. Hạt giống của chúng sẽ lan tràn. Và niềm tin sẽ thuộc về Tín Giáo của chúng ta.”

Đức Giáo Chủ khéo chọn. Vườn Gethsemane là nơi Giuđa bán Chúa ngày trước. Việc ngài chọn nơi này để đốt kinh khiến tôi nghi ngại. Tại sao không phải khu vườn sau chủng viện, hay quảng trường bên dưới, mà lại là Gethsemane? Từ đây đến Gethsemane là một hành trình diệu vợi. Mà Gethsemane là nơi từng chứng kiến sự phản bội tối thượng trong lịch sử loài người. Tại sao lại phải quay về đó?

Tối hôm đó tôi cầu nguyện Chúa rất lâu. Tôi khóc và xin Chúa phán với tôi, xin Chúa khuyên tôi phải làm gì, tôi phải chọn lựa điều nào, để cứu vãn sự hủy hoại sắp sửa xảy ra. Tôi khóc rất lâu, vì đã lâu rồi tôi không khóc, nước mắt tôi tích lũy nhiều năm ròng để chờ một dịp như thế này đổ xuống.
Rồi tôi nghe một tiếng nói ở trong đầu, một tiếng nói ở bên trong, từ một nơi rất sâu, có thể nằm sau lồng ngực, có thể sâu hơn thế, sâu hút hoắm như biển thẳm. Tiếng nói ấy bảo: “Này người kia, chỉ có ngươi mới cứu được ngươi. Hãy dùng lương thức và tri giác của ngươi. Hãy chôn những bí mật và quên chúng đi. Hãy phó mặc chúng cho bất trắc và quên lãng.”

&
Những ngày sau đó tôi thức trắng đêm để dịch kinh. Tôi dịch tất cả những cuốn kinh Tri giáo mà Giáo Chủ chắc chắn sẽ đốt đi. Đức Giáo Chủ giỏi tiếng La-tinh, tiếng Do Thái và tiếng Hy-lạp nhưng cũng may ngài không biết tiếng Ả-rập và tiếng Ai Cập cổ xưa mà vùng này ít người thông thạo[7].
Tôi chuyển linh hồn Mary sang một thân xác mới. Một thân xác có đủ đầu lẫn mình. Thân xác này sẽ nằm ẩn trong kinh, giữa những ký tự vòng vèo mà Giáo Chủ sẽ tưởng là sách dạy về bùa chú. Tôi vừa dịch kinh dưới ánh nến vừa nghĩ tới tháp Babel của Đức Chúa Trời, tới những mâu thuẫn gay gắt giữa màu da và chủng tộc. Tôi nghĩ đến sự diệu kỳ của ngôn ngữ. Những tiếng nói đa chủng tưởng như một trừng phạt, nhưng trở thành nơi lánh nạn của niềm tin. Chúa đã tạo ra Babel và tạo ra tôi, để làm điều Chúa muốn.

câu chuyện ngoài vườn Gethsemane

Ngoài vườn Gethsemane hai ngày trước lễ Phục Sinh. Nắng ngả màu xanh úa trên bãi cỏ. Khu vườn tỏa ra vẻ già nua dù đang mùa xuân và cây lá đang hồi tươi tốt nhất.

Những chồng sách bìa da giấy cói đã xếp gọn trên giàn hỏa. Tôi đi ngang qua chúng, như đi giữa những phế thải hôm nay và lửa thánh ngày mai.

Những hàng cây ô-liu chín mọng dẫn đường đến tảng đá lấp mộ Giêsu.

Một bên tôi là Đức Giáo Chủ và bên kia là bóng ma của Mary. Chúng tôi ba người mà chỉ có hai chiếc bóng. Bóng hai chúng tôi đôi lúc nhập vào nhau lúc giữa trưa, khó tách biệt như lời thề và bội phản. Nhưng sự phản bội không đến đột ngột như tôi sợ. Nó đến từ từ, mỗi ngày nó tiến lại gần hơn. Sự phản bội biết cách ngụy trang, nó đến như một chiếc hôn bí nhiệm yêu dấu nhất.
Chúng tôi ngồi nghỉ chân trên tảng đá phẳng nằm khuất dưới những vòm cây góc vườn. Nơi đây Giêsu đã khóc và cầu nguyện trong cơn thống khổ. Chúng tôi gọi nó là tảng đá hấp hối. Ánh nắng trưa Gethsemane nhuộm màu xanh lợt của lá ô-liu, màu đen dịu của chùm trái chín, hòa thành một màu vàng ngọt óng của mật ong. Ánh sáng thiên thần đổ xuống mái tóc bạch kim của Giáo Chủ lấp lánh như tơ, rủ xuống vầng trán khắc khoải của Ngài. Bằng một giọng cực kỳ trìu mến, ngài âu yếm gọi tên tôi rồi khẽ bảo:

“Lại đây nào.”

Hơi thở ngài gấp rút.

Tôi đến gần, quỳ xuống, úp mặt vào vạt áo ngài. Một hồi lâu, úp mặt xuống nhưng tôi vẫn thấy màu nắng sáng lóa đàng sau, ánh nắng ràn rụa khắp thế gian và chảy khắp người tôi nóng ran. Tôi biết đây là lần cuối. Một cơn gió mát thoảng qua, rất nhẹ mà làm lay chuyển những cây cổ thụ ngàn năm. Những thân cây đã từng chứng kiến cảnh tượng rợn người, bây giờ chúng lên cơn giận dữ, nhấc khỏi mặt đất, đòi tự trốc gốc rễ mình. Mồ hôi tôi chảy đầm đìa lớp áo chùng. Tôi chăm chỉ hơn và tận tình hơn bao giờ, tôi hiểu ý ngài, và phục vụ ngài với tất cả nỗi tận tụy của một tên nô lệ. Ngài cũng đang yếu đuối. Bàn tay ngài uể oải lùa nhẹ vào tóc tôi, mơn man da đầu tôi. Giây phút này chúng tôi sẽ nhớ mãi, dù không ghi vào sách, cũng không ghi vào đời. Nó chỉ tồn tại giữa hai chúng tôi. Nó là gạch nối. Nó như lời thề. Những cơn co giật của Giáo Chủ cũng dữ dội như những cây cổ thụ ngoài sân. Người tôi cũng nóng hực run rẩy. Tôi nhớ Mary, nhớ những lần chúng tôi vụng trộm, tôi khao khát nàng với nỗi khát ngang hàng sự chết. Giáo chủ lần tay vào áo tôi, ngài rà soát thân thể tôi, nhưng điều ngài tìm kiếm không còn thuộc về tôi nữa. Nó đã bị âm hộ Mary giam giữ. Bàn tay Giáo chủ đè nặng, uy quyền ngài bấu nghiến bả vai tôi. Tôi cứng người, cảm nhận lưỡi kiếm mỏng tang, hơi lạnh sắc mỏng tang, sự vô hình mỏng tang đang lướt dọc theo gáy. Ngài chỉ cần buông tay…

sự phản bội tuyệt đối

Buổi tối cuối cùng trên căn gác mà tôi đã hứa nguyện cột chặt cuộc đời, tôi xếp những cuốn kinh mới dịch sang tiếng Ai Cập vào tay nải. Tôi mang theo một bộ áo thường dân để thay dọc đường và số tiền nhỏ tôi có. Bên trong lớp áo chùng đen là tấm bản đồ dẫn ra sa mạc và Biển Đỏ.
Lộ trình của tôi vòng vèo, dọc theo bờ biển Địa Trung Hải nước xanh nhức mắt. Tôi băng qua Biển Chết. Đến bờ biển phía tây bắc tôi cho kinh sách vào những bình đất nung cao cổ, chôn rải rác trong những hang động khô khan đầy hơi muối. Mười bốn thế kỷ sau một con dê nhỏ sẽ đi lạc vào đây và nhờ vậy người chăn dê sẽ tìm thấy chúng. Rồi tôi băng qua núi Sinai, đến Ai Cập. Ở đây tôi đào hố chung quanh ngôi làng Nag Hammad và giấu hết số kinh còn lại trong cát. Đến năm 1947 sẽ có người đào được tất cả những bí mật này. Những cuốn kinh lúc đó đã tả tơi, lật mạnh sẽ tan thành bụi. Những cuốn kinh sẽ qua tay nhiều lái buôn đồ cổ trước khi đến bên kia biển lớn. Ở đó sẽ có người đọc được thứ chữ này, họ sẽ nhận ra nét bút của tôi, nếu đó là ý Chúa.
&

Còn cuốn kinh của riêng tôi, tôi đã chôn nó trong khu vườn đá ở phía nam chủng viện. Sau này người ta sẽ gọi nó là cuốn Phúc âm Phản bội. Dầu sự phản bội không phải ý tôi. Nếu Chúa không cho phép thì sự phản bội không thể xảy ra. Con người sinh ra chỉ để làm điều nó phải làm. Chúa đã tạo Giuđa để làm điều Chúa muốn. Sau này, những cây dẻ ngoài vườn Gethsemane đã kể lại tôi nghe cuộc đối thoại rất cảm động giữa Giuđa và Chúa.

Chúa phán:

“Giuđa ngươi hãy bán ta đi, để giải thoát linh hồn ta khỏi thân xác này, để ta làm trọn điều ta phải

làm.”
Giuđa nói:

“Lạy Chúa, xin tha cho tôi, đừng bắt tôi phản Chúa, kẻo linh hồn tôi sẽ bị nguyền rủa đời đời.”

Chúa nói:

“Người nào giúp ta trở nên bất tử, người đó cũng sẽ bất tử cùng ta.”

Giuđa nói:

“Lạy Chúa, tôi hiểu rồi, Chúa muốn tôi hy sinh vì Chúa, để Chúa hy sinh vì người khác. Tôi xin nhận lãnh sứ mệnh này. Tôi nguyện làm cái bóng muôn đời của Chúa.”

Đó là lời cuối trước khi Giuđa đi bán Giêsu lấy 30 miếng bạc, rồi thắt cổ tự tử chết. Đó là một cái chết được sắp đặt trước. Toàn bộ thánh kinh Tân ước lấy cảm hứng từ cái chết này. Tín Giáo của tôi cũng chịu ơn sự phản bội này. Nếu không có Giuđa, Tín giáo chúng tôi biết tin vào điều gì đây?
Những cây dẻ và những cây ô-liu sẽ nói:

“Giá của một niềm tin tuyệt đối là sự phản bội tuyệt đối.”

&
Ai sẽ tin lời những cái cây này, ngoài tôi ra?

Tôi muốn đi tìm Giuđa để hỏi cái giá thật của sự phản bội, là 30 miếng bạc hay sự bất tử đời đời. Nhưng sau khi chôn xong cuốn kinh cuối thì tôi đổi ý. Việc chôn kinh khiến tôi gần mất trí. Tôi tưởng mình đã nhúng tay vào một vụ chôn cất tập thể, tôi tưởng mình đã chôn đến người thân yêu cuối cùng. Tôi tưởng tôi đã chôn chính tôi. Thần kinh tôi bị suy sụp gần như mất hết ý chí sống. Tôi không biết đi đâu, sống cách sống nào, tin vào điều gì… Một ý tưởng nào đó đang đầu độc tôi.

Thoạt đầu tôi ngồi trên vũng cát sa mạc giữa trưa, cổ họng khô rát dưới mặt trời sáng rỡ, mắt bắt đầu thấy những ảo giác đẹp đẽ. Chung quanh tôi cát vàng đang biến thành thời gian, chảy ùa đến chỗ tôi ngồi. Những con đường trên thế gian tan vào trong cát. Trái đất là một bãi mênh mông không lối đi. Tôi chẳng cần đi đâu. Tự tôi đã là khởi đầu và là kết thúc. Trong khi đó muốn tạo ra một lối đi tôi phải gượng dậy, phải lê lết, phải rạch một đường mòn bằng thân xác kiệt quệ. Tôi không còn sức để đi nữa. Tôi quay đầu nhìn lại và thấy mình đứng ở điểm khởi đầu nhìn tới – chúng tôi đối diện nhau qua chiều dọc con đường.

Cũng có khi tôi đi tất cả mọi nơi cùng lúc và sống mọi cách sống cùng lúc trong cái đầu hỗn loạn của tôi. Nhiều người cũng làm như vậy và thế giới trở nên chằng chịt những con đường cho đến khi những con đường tràn vào nhau và biến trái đất thành nhẵn thín như không có đường (như khi chúng ta dùng bút chì tô đậm một hình tròn). Tôi đi lang thang trên các nẻo đường, chờ đón thanh gươm vô hình của Giáo chủ đang bay đi tìm tôi. Thanh gươm ấy ở khắp nơi. Nó có mắt. Nó đã làm thế gian này điên đảo. Nhưng khi nó tìm thấy tôi, nó sẽ dừng lại, nó sẽ ghim vào đầu tôi và ở đó mãi mãi. Tôi sẽ sống để mà chờ nó.

Cũng có khi tất cả những con đường cổ xưa lại hiện ra, nhưng đó là những con đường chết. Không ai có thể đi tới mà chỉ có thể bước lui. Hình thức di chuyển duy nhất là xoay lưng đi ngược. Thử thách này đòi hỏi lòng tin tuyệt đối. Tôi cũng muốn thử sức nên đã quay lưng lần hồi về lại thế giới cũ. Tôi đi nghịch chiều không gian trong lúc đó thời gian vẫn đang tiếp diễn về phía trước (tôi biết điều này vì tôi vẫn đang già đi), và mọi hiện hữu ở giữa bị kéo dãn đến độ đứt lìa. Khi tôi trở lại chủng viện thì mọi thứ đã gần biến mất. Những cuốn kinh trên căn gác cổ đang trở về hư vô. Chỉ còn lại một bản kinh thánh cuối rách nát nằm chờ lửa liếm trên sàn gỗ. Để cứu vãn nó khỏi chu trình tàn hủy tôi phải học thuộc lòng hết cuốn kinh, tôi phải đọc lui từng chữ một, đọc từ cuối lên đầu, đọc từ sau về trước. Hành trình đọc hết thánh kinh để tìm ra chân lý là sáu ngàn năm đi ngược[8].

Cuối cùng tôi cũng vượt qua được thử thách này.

4/21/08
chú thích:


1. Phúc âm của thánh Mathew.

2. Gnostic – bắt nguồn từ chữ Gnosis – tiếng Hy Lạp nghĩa là kiến thức. Tri Giáo như con đường giác ngộ, quan niệm rằng con người bằng lương thức và tri giác sẽ tái hợp và hòa nhập cùng Thượng Đế, như Giêsu đã đạt được.

3 Trong sách Phúc âm của Mary Magdalene (Tri Giáo), Phê-rô đã nói với Giêsu: Hãy nói Mary đi khỏi chúng tôi, vì đàn bà không xứng đáng được sự sống.” Mary nói với Chúa: “Phê-rô làm tôi sợ. Phê-rô hăm dọa tôi và thù ghét giới chúng tôi.” (Phúc Âm Đối Thoại Pistis Sophia)

4. Việc xảy ra vào năm 591, Giáo Hoàng Gregory Vĩ Đại tuyên bố điều này trong nhà thờ Basilica San Clemente ở La Mã.

5. Lời của Giáo Hoàng Gregory trong bài giảng. Mãi đến năm 1969 Vatican mới lần đầu lên tiếng cải chính, xác nhận Mary Madaglene không phải người đàn bà tội lỗi trong sách Luke (Luca). Năm 1988 Giáo Hoàng John Paul II tuyên phong Mary Madaglene là “tông đồ của các tông đồ” trong văn bản chính thức của Giáo Hội.
Nhưng Mary vẫn tiếp tục bị xử dụng như một biểu tượng về tội lỗi và tình dục, như gái điếm trong nhạc kịch Jesus Christ Superstar; hay gần đây cuốn The Da Vinci Code của Dan Brow đã tiểu thuyết hóa Mary chỉ với khía cạnh giới tính và dục tính

6. Tổng cộng các sách Phúc Âm trong Tân Ước là 27 cuốn.

7. Những văn bản tìm thấy sau này viết bằng tiếng Cóp-tích, là tiếng Ai-cập viết bằng mẫu tự Hy-lạp.
8. Lần theo manh mối của thánh kinh thì trái đất và Adam đã xuất hiện khoảng 6,330 đến 6,576 năm, vào thời điểm 4,416 năm trước Công nguyên.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2012

Bài Mới Nhất
Search