T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

T.Vấn: Con có cha như nhà có nóc

Cha và Con – Tranh: HOÀNG THANH TÂM

Con có cha như nhà có nóc

Con không cha như nòng nọc đứt đuôi

(Tục Ngữ)

Hình ảnh người cha, đứng bên cạnh người mẹ, thường thì rất mờ nhạt. Không chỉ trong văn chương, thơ phú, ca nhạc mà còn cả ở trong đời thường. Hàng năm, người Việt mình có Lễ Vu Lan – tức mùa báo hiếu – hiểu theo nghĩa nhớ ơn công lao nuôi dưỡng, dậy dỗ của cha mẹ -, nhưng, phần lớn vẫn là nói đến hình ảnh người mẹ. Từ ngày hình thành cộng đồng Việt ở Hải Ngoại, chúng ta lại cùng với người bản xứ kỷ niệm ngày Hiền Mẫu (Mother’s Day vào tháng Năm) và ngày của Cha (Nghiêm Phụ? tức Father’s Day vào Tháng Sáu). Tuy vậy, thực tế cho thấy, chúng ta – và cả người bản xứ – có khuynh hướng kỷ niệm ngày Hiền Mẫu long trọng hơn, nhiều mầu sắc hơn là ngày Của Cha. Thậm chí, các công ty điện thoại, các cửa hàng mua sắm cũng dồn nỗ lực quảng cáo cho việc tiêu thụ, mua sắm rộn ràng hơn vào dịp Mother’s Day, vì theo con số thống kê khá chính xác, các đứa con ở xa gọi điện thoại về chúc mừng, thăm hỏi mẹ mình vào dịp này nhiều gấp đôi số lần chúng gọi về thăm cha trong ngày Father’s Day. Số lượng tiêu thụ các thiệp chúc mừng hay tặng phẩm liên quan đến người cha cũng chỉ bằng hai phần ba khi so sánh với những dịch vụ tương tự liên quan đến người mẹ. Tuy nhiên, như vậy không có nghĩa là các đứa con thương mẹ nhiều hơn cha hay công lao của người cha không lớn bằng người mẹ.

Bởi vì, tuy “Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chẩy ra” nhưng “công cha như núi Thái Sơn“. Người ta hay nói “mồ côi mẹ liếm lá đầu đường” nhưng lại thừa nhận “con không cha như nhà không nóc“. Có lẽ sự khác biệt trong cách biểu lộ tình cảm của các đứa con đối với hai người sinh thành ra mình lại do ở sự khác biệt trong cách biểu lộ tình cảm của hai vị này đối với con cái.

Một người là Ông Thiện. Người kia là Ông Ác. Theo nghĩa âm dương tương tác, tương trợ của triết lý Đông Phương .

Ở người mẹ, mối quan hệ mẹ con hết sức hình tượng và thân ái: mẹ chia sẻ thân xác mình với con qua việc mang con trong bụng 9 tháng 10 ngày, cho con bú, bồng bế chăm sóc tất cả mọi việc cho đến khi con có thể tự mình làm lấy như ăn uống ,tắm rửa, đi đứng… Mẹ tuy cũng góp phần cùng cha dạy dỗ con, nhưng do bản chất người phụ nữ, ít la mắng, ưa dịu dàng. Bà đến với con bằng sợi dây tình cảm. Do đó, tình mẹ con hiện hữu một cách cụ thể, có thể sờ được, ngửi được, ôm ấp được. Mai sau tuy con đã khôn lớn, trưởng thành, vẫn thường có thể về ngồi lại bên mẹ mình làm nũng như ngày xưa còn bé nhỏ. Hay nói cách khác, đó là sự đáp ứng tình cảm cho một biểu lộ tình cảm, nằm ngoài cái thiêng liêng tất yếu của ruột thịt mẹ con.

Mặt khác, mối quan hệ cha con, tự bản chất vẫn là tình cảm ruột thịt, nhưng cách biểu lộ tình cảm ấy lại dựa trên lý trí. Người cha, trụ cột trong nhà, lúc nào cũng phải cố gắng đáp ứng lại sự trông cậy ấy của gia đình, nên luôn gồng mình cứng cỏi. Sự chăm sóc con cái ở người cha nặng về giáo dục hơn chiều chuộng, nặng về hình phạt hơn biểu lộ lòng thương yêu, người cha nhắm vào cái phần thưởng lớn lao cho con mình ở ngày mai khi con lớn lên vào đời hơn là phần thưởng nhỏ nhoi trước mắt. Đó là vai trò gia đình, và cả xã hội, của người cha, với tư cách người đàn ông trong nhà, người chủ gia đình. Có cứng mới đứng đầu gió. Điều này đúng cả về mặt sinh học lẫn tâm lý. Do đó, tình cảm cha con, vẫn có đó, vẫn đậm đà, vẫn thiêng liêng, nhưng trừu tượng, ẩn nấp sau những nhiệm vụ. Tình cảm ấy, khi còn nhỏ, con cái không nhận ra được, tưởng rằng nó không có, vì không cụ thể, hình tượng. Chỉ khi lớn lên, va chạm với bao sóng gió cuộc đời, con mới thấy tình cha to lớn sâu sắc chừng nào.

Cuộc sống hàng ngày khiến người cha phải nhìn ra bên ngoài, quan sát những bất trắc có thể xảy ra cho gia đình mình, đôi khi khiến ông không có nhiều thì giờ dành cho con cái mình. Ông phải bươn chải, lam lũ, mong bảo đảm rằng, các con của ông có cơm ăn áo mặc, có chỗ nghỉ ngơi, có điều kiện cắp sách đến trường học hành, có thuốc men, sự chăm sóc khi con đau bệnh. Ngoài ra, ông còn phải đảm đương những vai trò xã hội mà một người đàn ông không thể có lý do gì từ chối. Ngần ấy sức nặng của cuộc nhân sinh đè lên vai ông, vì thế, buổi chiều, khi ông bước chân trở về nhà, ông đã như người kiệt sức. Trong khi đó, người mẹ, tuy trong cuộc sống mới vẫn phải đi làm kiếm tiền phụ với chồng, nhưng việc kiếm sống của bà vẫn chỉ là phụ thuộc so với nỗ lực của chồng. Vai trò của bà là ở trong gia đình. Tầm mắt của bà theo dõi từng sự việc nhỏ nhặt xảy ra trong căn nhà của bà, kể cả việc đi đứng ăn nói của các con.

Hai con người, hai vai trò khác hẳn nhau ấy, tạo nên sự hiện hữu, và tồn tại, của một gia đình. Họ cùng chia với nhau những âu lo, những hạnh phúc về những gì xảy ra trong tổ ấm của họ. Tất nhiên, trong đó, quan trọng nhất là cuộc sống và tương lai của con cái. Họ cùng đóng góp hết khả năng của họ cho mục tiêu đó. Sự khác biệt chỉ là cách biểu lộ. Một người là tình cảm. Người kia là lý trí. Cả lý trí và tình cảm ấy đều dựa trên nền tảng là lòng yêu thương. Trong thực tế, con cái chỉ nhận ra được điều ấy một cách sâu sắc sau khi chính mình đã trở thành cha thành mẹ. Có nuôi con mới biết lòng cha mẹ. Lời tục ngữ ít khi sai.

Ngày xưa, ở quê nhà, hình ảnh người cha thậm chí còn xa cách với các con hơn bây giờ. Trong bữa cơm, nếu bố chưa cầm đũa, thì không một đứa con nào được phép hó hé. Miếng thức ăn ngon nhất, là để dành cho Bố, hay chính mẹ sẽ là người gắp món ấy vào chén cơm của Bố. Khi Bố ngủ, tất cả phải giữ yên lặng, kể cả mẹ (để làm gương cho con cái). Người cha, trong xã hội Việt Nam 30 năm về trước, mang hình ảnh ông quan trong nhà. Nhưng ngược lại, người cha, khi thụ hưởng những ưu đãi ấy, phải chứng tỏ rằng – và bị bắt buộc phải chứng tỏ rằng – mình có tinh thần và có khả năng bảo vệ gia đình của ông an toàn no đủ trong mọi tình huống. Trách nhiệm ấy không phải là nhẹ trong một gia đình Việt Nam truyền thống đông con (từ 6 đến 12), và chỉ có một người đi làm, vì người mẹ phải ở nhà để chăm sóc con cái. Vì thế, để cai quản một tập thể hơn 10 con người lau nhau giành ăn, giành mặc, hướng chúng vào một kỷ cương trật tự của gia đình, của xã hội, tất nhiên, người cha phải cứng rắn, phải lý trí và nhất là phải giữ một khoảng cách cần thiết với các con (nếu không chúng lờn mặt).

Ngày nay, nhất là ở những cặp vợ chồng trẻ, do những biến đổi trong cuộc sống và nếp văn hóa, một gia đình thường chỉ có hai con. Cả vợ lẫn chồng đều đi làm, với mức thu nhập tương đối ngang nhau, cho nên, khi về nhà, trách nhiệm chăm sóc nhà cửa con cái hầu như cả hai cũng tự nguyện chia nhau, tuy không đồng đều, nhưng cũng vẫn là sự chia sẻ. Từ đó, các con có cơ hội gần gũi cả bố lẫn mẹ ngang nhau. Trong sự gần gũi và chăm sóc con hàng ngày, người cha – vô tình – cũng dễ dãi, tình cảm với con hơn là vai trò người cha trước đây 10 hay 15 năm. Và tất nhiên, hoàn toàn khác hẳn vai trò truyền thống của người cha cách đây 50 năm hay 30 năm.

Dạo trước, gia đình tôi có bảo lãnh cho bà Ngoại từ Việt Nam qua chơi với các cháu mấy tháng. Nhìn cách các con tôi nhõng nhẽo với Bố, và cách vợ chồng tôi thỏa mãn các đòi hỏi của chúng, bà cứ luôn mồm bảo rằng như thế thì anh chị chỉ làm hư chúng thôi. Dưới mắt bà, không có chỗ cho người cha gần gũi với con cái trong nhà như thế, chúng sẽ lờn mặt. Hôm đưa bà Ngoại ra phi trường trở lại Việt Nam, nhìn nét mặt các con tôi, tôi biết rằng chúng đã thở phào nhẹ nhõm.

Cuộc sống ngày một thay đổi. Một số những thay đổi là tốt đẹp hơn. Một số khác, tệ đi. Tương tự như vậy là vai trò của từng thành viên trong gia đình, với sự chi phối và ảnh hưởng hàng ngày của xã hội, của nhà trường, của ti vi phim ảnh, của sách báo, của Internet. Do đó, vai trò người cha trong gia đình sẽ trở nên khó khăn hơn, tế nhị hơn, nhiều trách vụ hơn mà quyền lợi (sự tôn trọng) dường như lại kém đi. Sự tồn tại, vừa vật chất, vừa tâm lý và vừa đạo lý, của gia đình vẫn đè phần nặng nhất lên vai ông, nhưng ông không có nhiều không gian để vung tay vung chân chống chỏi.

Ông chỉ còn một con đường thênh thang khác để đến với các con là sự hiểu biết và cảm thông.

Vậy mà, những con số thống kê về ngày của Mẹ, ngày của Cha vẫn làm tôi bâng khuâng. Điều đó, gợi cho tôi nhớ rằng, đã bao năm nay, tôi nghĩ nhiều về mẹ mình hơn là bố, và, một cách kỳ lạ, hình ảnh người Bố trong tôi cứ ngày một mờ nhạt hơn so với hình ảnh người Mẹ, mặc dù người trước (Bố) bỏ tôi đi sau người sau (Mẹ) cả 10 năm trời. Mặc dù, cả hai đều qua đời vì những căn bệnh nghiệt ngã như nhau. Chẳng trách được, từ xưa tới nay đã có rất nhiều những áng văn chương tuyệt tác về người Mẹ, còn về người Cha thì vô cùng hiếm hoi.

Với tôi, ngày của Cha chỉ nhắc tôi nhớ rằng đó là ngày sinh nhật của đứa con mà tôi rất mực yêu thương, đứa con mà tôi hứa với lòng rằng sẽ đánh đổi tất cả mọi thứ trên đời này để mưu cầu một tương lai hạnh phúc cho nó.

Và càng thấm thía hơn lời dạy của người xưa: Có nuôi con mới biết lòng cha mẹ.

T.Vấn

© T.Vấn 2006

Bài Mới Nhất
Search