T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Bích Huyền: Dấu Tích Thương Đau (nhân xem PPS “Dấu Tích Thương Đau” của HKL)

clip_image002

“Dấu Tích Thương Đau”

Khởi đầu bằng những nốt nhạc như giọt nước mắt rơi từng giọt trên phím dương cầm…, rồi tiếng saxo ngân dài như tiếng thở than, mở ra bức ảnh “Chiều Đã Xuống” nơi không gian mùa xuân vùng Hoa Thịnh Đốn, được ghi lại qua ống kính Hương Kiều Loan.

Vâng, chiều đã xuống, dòng sông “Lặng Lẽ” yên bình, lấp lánh chút nắng cuối cùng của một ngày sắp hết. Một người đang chậm rãi “Đếm Bước Thời Gian” trên chặng cuối cuộc đời. Tôi như nghe được cả tiếng gõ nhẹ của chiếc dù chống xuống từng viên gạch dưới chân. Người ấy chậm bước dọc theo hàng cột đá trắng lặng lẽ. Ống kính của Hương Kiều Loan không dừng lại nơi hình ảnh “Cô Độc” ấy mà tiếp tục chiếu thẳng lên cao, lên cao, nơi có những vòng hoa tưởng niệm màu tang đen. “Trên Cao” nữa…

clip_image004

(“Vòng Tưởng Niệm”)

Màu đen ấy hóa thành khối tròn nằm giữa những cột đồng đen tạo thành một quần thể mạnh mẽ và hài hòa với hai cánh phượng hoàng chụm vào nhau “Đâu Cánh”. Và khi “Những Ngôi Sao Đã Tắt” vô tình như “Dòng Thời Gian Trôi” để lại khoảng trời thinh lặng, bức tượng những người lính bắt đầu hiện ra…

Những dáng người ngồi ủ rũ, người ngửa mặt lên trời, người ôm vào lòng xác đồng đội vừa mới hy sinh.

Những người lính, gương mặt họ còn trẻ quá.

Những bông hoa cẩm chướng tươi đẹp màu đỏ thắm của ai đó đặt trên vai, trên tay người chết. Lác đác vài cánh hoa rơi. Bất động. Chỉ có hình ảnh cô bé con xinh xắn, trong trang phục màu đỏ, đầy nét sống động. Hình như cô bé đang chơi với những đóa hoa rơi…

clip_image006

“Hoa Màu Máu”

     Tất cả được Hương Kiều Loan ghi lại trong tác phẩm “Hoa Màu Máu”.

Bức màn quá khứ được Hương Kiều Loan mở ra…

“Anh Phải Sống…!” Rồi…“Thượng Đế Ơi!”, tiếng kêu gào thống thiết, tuyệt vọng. Có ai nghe thấy không? Có ai thấu chăng? Người lính ngước mặt nhìn trời cao mênh mông… Ống kính chuyển sang bàn tay “Mỏi Mệt” của người lính. Những ngón tay đen đủi, im lìm trên bậc thềm đá lạnh lẽo. “Bây Giờ Sao Đây???”, “Không Thể Lùi”, “Ta Phải Thắng!” “Nhưng…!!!” “Mất Rồi”, “Mất Hết Rồi!!!…” Chỉ còn đôi chân “Rã Rời…!” của người lính duỗi ra, bất động… Ôi, “Thương Đau” quá!

“Người Bỏ Ta Đi” nhưng “Tên Người Bia Đá Khắc Sâu”…

Ống kính của Hương Kiều Loan thật tài tình, bén nhậy. Mọi góc cạnh nắm bắt chỉ trong khoảnh khắc nhưng mối xúc cảm thật mạnh mẽ và đọng lại rất lâu trong ánh mắt, trong trái tim người xem. Lòng tôi như chùng xuống, trái tim như có khối nặng đè lên, nghẹt thở…

Những người lính ấy đã nằm xuống trên giải đất quê hương tôi. Họ đã hy sinh thân mình để bảo vệ mảnh đất miền Nam Việt Nam tự do tươi đẹp. Tên tuổi họ chi chít trên bức tường đá đen. Ôi, “Dấu Tích Thương Đau” một thời… Hương Kiều Loan nắm bắt được hình ảnh phản chiếu người thiếu nữ đang quỳ xuống, gục đầu, chiếc bóng soi mờ ảo qua bức tường. “Đau Thương Đời Đời” chẳng sao quên… Và cái “Dấu Ấn Thương Đau” trên bức tường đá đen ấy ngày lại ngày soi bóng lớp lớp người đến viếng thăm. Như trong một cõi mộng, họ đang tìm nhau….

* * *

Tôi có nhiều dịp đến Washington DC thăm nhiều thắng cảnh của vùng Đông Hoa Kỳ. Mỗi nơi một vẻ đẹp nhưng Đài Tưởng Niệm Quốc Gia, trong đó có Bức Tường Đá Đen tại thủ đô Hoa Thịnh Đốn–ghi tên hơn 58,000 cựu quân nhân Mỹ hy sinh và mất tích trong cuộc chiến Việt Nam–vẫn làm cho tôi xúc động hơn cả…

Lần đầu tiên tôi đến thăm Bức Tường Đá Đen là vào năm 1992, khi chân ướt chân ráo vừa đến Hoa Kỳ. Hai mẹ con được Hồng Thủy và Minh Trân tặng cho vé máy bay sang dự Đại Hội Trưng Vương Hoa Anh Đào. Vợ chồng Viên-Thủy  dẫn tôi và các bạn học cũ đến nơi đây. Tôi còn giữ nhiều hình ảnh hai mẹ con đứng bên những bức tượng.

Ngày ấy nhìn những bức tượng người lính tôi chỉ thấy lòng chùng xuống, thoáng cay cay trong mắt, chứ không có được những ý nghĩ tuyệt vời như trong các tiểu đề Hương Kiều Loan đã đặt tên. Mỗi dòng chữ tuy ngắn nhưng cô đọng và ngôn ngữ thì vô cùng, gợi cho người xem bao nỗi thương cảm và tri ân sâu đậm.

Hình ảnh bức tượng đồng những người lính chiến, những người nữ quân y đứng lặng lẽ trong khung cảnh xao xác lá cây cứ ám ảnh tôi mãi… Tôi cảm thấy lòng u uẩn khi nghĩ đến hàng triệu, hàng triệu cựu chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa đã hy sinh trước và sau ngày 30/4/75.

Linh hồn họ bây giờ đi đâu? Về đâu?

     Biết bao giờ họ mới có một nơi an nghỉ thực sự?

clip_image008

Hàng năm không ngớt những lượt người đến viếng thăm, tìm hiểu về Bức Tường Đá Đen được dựng lên như một đài tưởng niệm và vinh danh 58,249 binh lính Mỹ đã hy sinh trong cuộc chiến Việt Nam để bảo vệ tiền đồn thế giới tự do.   Những người cựu chiến binh ấy cũng như những người lính Việt Nam Cộng Hòa đã chiến đấu hăng say trong một cuộc chiến tuyệt vọng, tuy rạng ngời lý tưởng nhưng đã bị làm cho hoen ố vì những thương lượng trên bàn cờ chính trị nhơ bẩn tại Washington DC.

Thế nhưng những hy sinh của bao người lính ấy vẫn đời đời được tôn vinh!

Người có sáng kiến xây dựng tượng đài là ông Jan Scruggs, một cựu chiến binh đã từng tham chiến tại Việt Nam. Ông luôn suy nghĩ về cuộc chiến tranh này và ông rất mừng khi đọc được cuốn Carred To The Wall của Kristin Ann Hass, một nhà xã hội trường Đại học Michigan. Đây là tác phẩm nói lên lý tưởng cao đẹp của cuộc chiến, làm thay đổi cách nhìn sai lạc về cuộc chiến tranh Việt Nam.

Sau đó ông Jan Scruggs thiết lập được một ngân quỹ xây dựng Tượng Đài. Thời gian ấy, nhiều người Mỹ vẫn còn chán ghét và lên án cuộc chiến tại Việt Nam, nhất là sau thất bại của Mỹ tại đất nước này. Họ chống đối và ngăn cản việc xây dựng tượng đài.

Ông Jan vẫn giữ ý định và đã vượt qua bao khó khăn sóng gió để có được một ngân quỹ. Năm 1981, ông tổ chức cuộc thi vẽ đồ án. Người có đồ án được chọn trong 1,421 đồ án là cô Maya Ying Lin, người  Mỹ gốc Trung Hoa, sinh viên kiến trúc Đại học Yale.

Khi đồ án trúng giải được công bố, tác giả bị chống đối mạnh mẽ vì Đài Tưởng Niệm ấy và các Đài Tưởng Niệm Tổng Thống Washington và Lincoln tạo thành hình chữ “V”, mẫu tự viết tắt của chữ Victory (Chiến Thắng), mà nhiều nhà phân tích cho rằng làm hỏng ý nghĩa nơi chốn an nghỉ. Nhiều người đòi cô Maya Ying Lin phải sửa đổi, nhưng cô từ chối. Cuộc tranh luận và vận động kéo dài đến sáu năm, Đài Tưởng Niệm mới được khởi công xây dựng. Kể từ lúc khánh thành (năm 1982) cho đến ngày nay, gần 30 năm qua, mỗi năm có hàng triệu người đến thăm viếng. Bức Tường Đá Đen vẫn là nơi thu hút du khách nhiều nhất. Nhiều người Mỹ ngày trước vẫn tỏ ra thờ ơ khi đến thăm nơi này, nhưng bây giờ thì họ bắt đầu nói rằng, “Chúng tôi đã nhìn thấy chính con người mình qua tượng đài ấy.”

Lần thứ hai đến nơi đây vào mùa thu, tôi cảm thấy gần gũi, ấm áp hơn vì đã tìm hiểu được quá trình xây dựng khu tượng đài tưởng niệm cuộc chiến trên quê hương mình. Hơn thế nữa, ngày nay nhiều thành phố ở khắp các tiểu bang Hoa Kỳ đều có rất nhiều đài tưởng niệm cuộc chiến Việt Nam. Tượng Đài Chiến Sĩ Việt-Mỹ ở thành phố Westminster tại Little Saigon, trung tâm của người Việt tỵ nạn, là một trong những tượng đài được nhiều người biết đến và thường xuyên viếng thăm.

Các đài tưởng niệm cựu chiến binh Việt Nam và Hoa Kỳ trong cuộc chiến Việt Nam cũng như Đài Tưởng Niệm Nạn Nhân Chế Độ Cộng Sản tại DC vinh danh hơn một trăm triệu nạn nhân của chế độ cộng sản trên toàn thế giới, cho thấy người dân Hoa Kỳ luôn ghi nhớ và tôn vinh sự hy sinh cao cả của các chiến sĩ và những người đã không ngừng đấu tranh, hy sinh vì lý tưởng tự do…

* * *

Mùa thu khung cảnh nơi đây như đẹp hơn. Hàng cây như thay màu áo mới, không gian như rực rỡ hơn, bao phủ bức tường tưởng niệm tựa như những bông hoa mà thiên nhiên ban tặng. Như những tấm huy chương lấp lánh cài lên ngực áo của những người lính mà tên tuổi được khắc ghi trên Bức Tường Đá Đen. Chiến tranh Việt Nam là một cuộc chiến tranh chính nghĩa, anh hùng, tuy vẫn còn dư âm chua xót ngậm ngùi của một thời đã qua.

Dạo quanh khu Tưởng Niệm, tôi có cảm tưởng đang bước vào nơi ghi dấu một huyền thoại như thực như mơ. Chiến tranh Việt Nam, một thiên anh hùng ca bất tận!…

     Hãy khép mắt… khép mắt thật khẽ

     Có thấy chúng ta rơi vào giấc ngủ sâu vào những giấc mơ

     Hương hoàng lan lẫn mái tóc người yêu

Những câu thơ ấy của Thanh Tâm Tuyền, từ bài thơ “Khai từ của một bản anh hùng ca”.

Ôi, khép mắt lại, khẽ thôi…, ta sẽ thấy gì? Chỉ thấy những ác mộng… Chỉ thấy cánh rừng cháy, người chết phơi thân xác tan tành, những chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa “hàng hàng lớp lớp chưa về”, đứng bất động trong mưa, nghiêm chào lá quốc kỳ lần cuối… Rồi chia tay. Nhiều người đã chọn cái chết.

Pháo lấp Khe Sanh, cắt Đường Chín

     Như hung tin không kịp báo về

     Gió Hạ Lào cuốn cờ tưởng niệm

     Đá Trường Sơn đứng sững như mê

     (Khoa Hữu)

Một thiên anh hùng ca tuyệt đẹp, trong đó những người hy sinh vì Tổ quốc, vì lý tưởng tự do bất tử với thời gian.

Bỗng dưng tôi chợt mơ ước, có một ngày trở về quê hương để tìm đến những nơi chôn cất thân xác những người đã nằm xuống trước và sau cuộc chiến. Thắp một nén nhang trên mỗi nấm mộ, nhổ sạch cỏ dại, lau bụi tấm mộ bia, viết trên những nấm mộ ấy hai chữ “Biết ơn”…

Đừng để cho…

     Người lính trận bỏ tình đi đâu mất

     Bỏ trăm năm khói tụ mây thành

     Lòng nghĩa trang tiếc thương đã nhạt

     Cả vòm trời như áo nửa manh

 

     Đất ấy của ta, ta còn hiểu

     Đồng đội của ta, ta còn đau

     Giấy mực đời chép ra ví thiếu

     Lấy da này viết để tạ nhau

(Khoa Hữu)

Xin cảm ơn Hương Kiều Loan với PPS “Dấu Tích Thương Đau” ghi lại thật đậm nét những “dấu tích” không bao giờ xóa nhòa trong tâm tưởng bao người.

Ước mong ống kính Hương Kiều Loan sẽ có một ngày trở về quê hương. Tôi tin chắc rằng Hương Kiều Loan sẽ lại có thêm những tác phẩm tuyệt vời…

Bích Huyền

* Những chữ in nghiêng đặt trong ngoặc kép là các “tiểu đề”

trong PPS “Dấu Tích Thương Đau”.

 

©T.Vấn 2013

Bài Mới Nhất
Search