T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

T.Vấn: Buồn tàn thu

clip_image002

Muốn một lần tạ ơn với đời

                             Chút mặn nồng cho tôi

                             (Như một lời chia tay – Trịnh công Sơn)

●Viết thêm của tác giả :

Tôi nhận được tin thầy Vũ Ký, giáo sư Việt Văn của trường Petrus Trương vĩnh Ký, cũng vừa mới qua đời hôm 14 tháng 11 năm 2008 tại Vương Quốc Bỉ, hưởng thọ 88 tuổi. So với thầy Nguyễn sĩ Tế, thầy Vũ Ký sống thọ hơn đến 5 tuổi. Và nếu so với thầy Tạ Ký, tác giả “Sầu Ở Lại”, thì đúng là thầy Tạ Ký chết non. Nhưng non hay gìa, đằng nào thì “thân cũng nhẹ nhàng như mây”.

Lũ học trò chúng tôi năm xưa, ít  đứa nào có “cảm tình” với môn Việt Văn của hai thầy Ký (Tạ và Vũ). Nhưng vẫn nhớ đến Thầy.

Tôi cũng lại vừa được đọc một bài viết của thầy Nguyễn xuân Hoàng, giáo sư Triết năm xưa, viết về một vị thầy vừa qua đời của ông: Giáo sư Cung Giũ Nguyên. Thầy Hoàng viết:

Đừng choàng hoa cho một người đã chết.
Hãy yêu một người đang sống.

(Thầy tôi- Nguyễn xuân Hoàng)

Tôi không biết mình có đang choàng vòng hoa cho các vị thầy khả kính đã vừa trả nợ xong trần thế, thân nhẹ nhàng như mây rong chơi chốn thơ túi rượu bầu hay không, nhưng những ngày tàn thu, trong cái bùi ngùi của đất trời đang chuẩn bị thu mình lại tránh ngọn gió khắc nghiệt mùa đông, tôi xin một lần nữa “mượn  khoảnh khắc  tuyệt diệu của đêm tàn thu tĩnh lặng mà tiễn hồn những người thầy học cũ khẽ khàng bước qua những hệ lụy của cuộc đời mà trở về cõi hư không của  bốn phương  mây trắng**.”

Riêng thầy Nguyễn xuân Hoàng, tôi vẫn yêu ông như đã từng yêu văn của ông. Như tôi đã yêu thơ của thầy Tạ Ký. Như tôi đã từng yêu văn của thầy Nguyễn sĩ Tế.

T.Vấn

21-11-2008

1.

Tháng Mười Một qua đi thật nhanh. Thời tiết năm nay hơi khác thường, tháng mười một rồi mà ban đêm đi ngoài đường vẫn không phải cụ bị chiếc áo ấm, dù là một người không còn trẻ nữa như tôi. Thế rồi, trời bỗng trở rét ngọt ngào những ngày chuẩn bị cho Lễ Tạ Ơn. Tôi có cảm tưởng mình trở tay không kịp với những đổi thay của thời tiết. Thực ra, tháng mười một vẫn còn là mùa Thu. Trên nguyên tắc,  một năm có 4 mùa và mỗi mùa kéo dài khoảng  3 tháng. Mùa Thu, bắt đầu từ điểm Thu Phân (Autumnal Equinox – khoảng 23 tháng 9 cho vùng Bắc Bán Cầu) và sẽ chấm dứt vào điểm Đông Chí (Winter Solstice – khoảng 21 tháng 12). Thực tế, tháng 9 vẫn còn những ngày nóng chảy mỡ, kèm theo cái nhớp nháp khó chịu của độ ẩm cao. Và bây giờ mới cuối tháng mười một, dư âm Lễ Tạ Ơn  vẫn còn phảng phất  trong không khí với mùi gà tây nướng thơm lừng, vậy mà vườn hoa trước nhà tôi đã hoàn toàn rũ lá ngủ đông vì nhiệt độ ban đêm đã xuống tới dưới  độ không. Sự chuyển mùa vội vã, gấp gáp của thời tiết làm tôi lính quýnh thực sự. Những chậu cây kiểng lẽ ra phải mang vào trong nhà để tránh cái lạnh độc ác của mùa đông vẫn còn nằm run rẩy ở một góc vườn. Bộ bàn ghế mùa hè lẽ ra phải được cất vào nhà kho trước khi Đông đến, vẫn còn chỏng chơ cam chịu nằm ở sân sau. Cái lính quýnh  đã làm tôi quên trước quên sau nhiều thứ. Lính quýnh đến độ tôi quên cả những lời cảm ơn cuộc đời, như thường lệ hàng năm vào những ngày tháng mà tinh khí của vạn vật muốn lui về, muốn thu mình lại như chuẩn bị tư thế chống trả những ngày mưa gió rét buốt sắp tới. Rồi khi bình tâm ngồi lặng yên giữa đêm cuối tháng mười một  tĩnh lặng, nhìn ra bên ngoài cửa sổ hiu hắt ánh đèn năng lượng ánh sáng mặt trời yếu ớt vì ngày nắng bây giờ rất ngắn ngủi, nghe tiếng phong linh treo trước hiên nhà leng keng  lọt qua khe hở của cửa sổ, tôi lại thấy lòng mình tràn ngập hạnh phúc, cái hạnh phúc còn được sống sót sau bao dâu bể của lòng người, của cuộc đời, của thứ thời tiết khắc nghiệt như hồi chuông cảnh báo nhân loại về ngày phán xử cuối cùng đang đến gần.

2.

clip_image003

Đôi khi, cái bản năng ích kỷ của con người khiến  người ta chỉ cảm thấy ấm áp khi chung quanh có những đồng loại chịu đói rách, chỉ cảm thấy hạnh phúc khi biết có  người phải đau khổ. Tôi biết rõ điều đó, nhưng vẫn không cưỡng được cảm tưởng an ủi khi nghĩ đến những người bạn đã chẳng may vắn số, hay tuy còn sống nhưng đã không còn được sức khỏe mà ngồi lâng lâng trong đêm tháng mười một, nhấp nháp chút men ruợu nho chát chát ngọt ngọt, rồi thả hồn theo nỗi buồn tàn thu của Văn Cao và tiếng hát cao vút của người nữ ca sĩ đang nhỏ từng giọt lệ trên phím dương cầm nằm sừng sững giữa căn phòng.

Tôi nhớ đến hình ảnh của Văn Cao trong một cuốn băng Video nói về ông. Người nhạc sĩ gập người trên chiếc dương cầm cũ kỹ khi ánh nắng ban mai vừa nhú lên chiếu xiên qua cửa sổ căn phòng mà ông đã ngồi đó suốt đêm. Âm thanh cuồng nộ từ cõi lòng người nghệ sĩ già uất ức. Ông không còn sống bao lâu để hưởng hết những niềm vui – tuy mong manh  – của trần gian. Mỗi bước đi đã phải có người dắt. Chén rượu đã làm cháy lồng ngực thay vì cảm giác lênh đênh như những ngày ông còn khỏe mạnh. Cái tàn thu của đất trời bốn mùa chuyển động, cũng  là cái tàn thu của đời một con người. Ai lướt đi ngoài sương gió. Ông  nghe tiếng chân vọng trên những xác lá khô mà thầm oán trách đời sao hững hờ. Không dừng chân đến em bẽ bàng.

3.

Có lẽ, đến một khoảng tuổi nào đó của đời một con người, sẽ rất là mệt mỏi khi người ta phải tập cho mình quen với ý niệm rằng cái chết đến sao quá dễ dàng, còn cuộc sống thì dù đã bao nhiêu năm kinh nghiệm (40, 50, 60, 70 hay kể cả 80 năm làm người), không ai dám vỗ ngực tự nhận rằng mình đã từng trải, kinh qua. Cái ảo tưởng lừa phỉnh là sợ sống đến lúc phải lộ nguyên bản chất dối trá của nó. Tên gọi đúng nhất của nó phải là sợ chết. Càng đến gần cuối đường, người ta lại sợ viễn ảnh tối đen của hư vô thăm thẳm. Nhưng sợ thì sợ, rồi thì đi mãi cũng phải đến đích. Đến đích rồi thì bỗng nổi  điên mắng cuộc đời sao ngắn ngủi. Tôi cho rằng đó là tâm trạng của Văn Cao khi ông dang hai tay lấy sức bổ xuống những phím dương cầm vô tri vô giác mà ông đã cả một đời truyền cho chúng sự sống buồn nhiều hơn vui. Trong một bài viết trước đây, tôi có đề cập đến cái chết của một người bạn và câu kết thúc chưa biết giữa tôi – kẻ còn đang đi trên đường – và anh bạn – kẻ đã đến đích – ai may mắn hơn ai?

Câu hỏi thật ngớ ngẩn khi giờ đây, trong lòng tôi tràn ngập cái cảm giác sung sướng của một đêm cuối thu, ngồi ngắm mùa thu bên song cửa, đủ khỏe mạnh để nhấm nháp liên tục chút rượu đời chát chát ngọt ngọt, nghe nhạc Văn Cao mà tội nghiệp cho Văn Cao thân xác giờ đã chỉ còn là những mẩu xương xấu xí đen đủi, và cũng tội nghiệp cho cả người bạn mình suốt một đời chưa hề biết những khoảnh khắc hạnh phúc tuy ngắn ngủi nhưng lại khiến con người ta sợ chết chứ không sợ sống.

Như tôi trong đêm tĩnh lặng, vừa phấn khích vừa không dám nhìn đoạn cuối con đường đời đang . . . sừng sững trước mặt.

4.

clip_image005

Tôi đã từng có một cảm xúc thật đặc biệt khi nghe nhạc sĩ Trịnh công Sơn bằng chính giọng hát ướt đẫm cognac của mình cùng cây đàn guitar gỗ hát bài Như một lời chia tay. Cái giọng hát vốn chưa bao giờ được gọi là hay, đã vỡ òa ra một cách thật hòa điệu với lời nhạc:

Những hẹn hò từ nay khép lại

Thân nhẹ nhàng như mây

Chút nắng vàng giờ đây cũng vội

Khép lại từng đêm vui

. . . . . . . . . . . . . . . .

Muốn một lần tạ ơn với đời

Chút mặn nồng cho tôi

Có những lần nằm nghe tiếng cười

Nhưng chỉ là mơ thôi

Tiếng thì thầm từng đêm nhớ lại

Tưởng chỉ là cơn say

Đóa hoa vàng mỏng manh cuối trời

Như một lời chia tay

(Như một lời chia tay – TCS)

Còn có lời chia tay với cuộc đời nào đẹp hơn, trọn vẹn hơn, lãng mạn hơn lời chia tay của người hát rong thế kỷ gởi đến cuộc đời trước khi nhắm mắt nằm xuống để  ra đi (hay trở về) vào cõi ở phía bên kia con đường ai cũng một lần được đi qua đoạn cuối.

Văn Cao nói lời chia tay buổi tàn thu bằng tiếng gầm gừ ấm ức của mười ngón tay ném mạnh trên mặt phím dương cầm, Trịnh Công Sơn đến giây phút cuối vẫn tưởng chỉ là cơn say, thấy Đóa hoa vàng mỏng manh cuối trời  bỗng muốn một lần tạ ơn với đời, chút mặn nồng cho tôi. Liệu có thể coi đó như một lời chia tay không?

5.

Nghe Trịnh Công Sơn cất tiếng hát  những hẹn hò từ nay khép lại  tôi chợt hiểu tại sao mình lại lính quýnh quên trước quên sau những việc phải làm khi đối diện với những đổi thay đột ngột của thời tiết (xứ người). Chẳng qua chỉ là phản ánh cái tâm thức tàn thu  buồn bã của một đời người. Con người, dù tầm thường vô danh tiểu tốt như tôi, hay tiếng tăm lừng lẫy phi thường như  Văn Cao hay Trịnh công Sơn, cũng không thoát ra ngoài được vòng kềm tỏa của kiếp người. Hoảng hốt vì viễn ảnh không xa lắm của sự khép lại  những hẹn hò, nên tôi đâm ra lính quýnh. Y hệt như những ngày xưa, mỗi lần chia tay ở một góc phố vắng nào đó với nhà tôi (bây giờ), tôi đều hỏi cô gái trẻ (ngày đó) bao giờ thì mình sẽ lại gặp nhau nữa (lần hẹn hò kế tiếp). Thuở ấy, tôi sợ lắm những ngày không có hẹn hò. Cũng may, cô gái trẻ ngày ấy cũng sợ hãi cô đơn như tôi. Và những hẹn hò giữa chúng tôi không bao giờ phải khép lại, dù đến lúc không cần hẹn, chúng tôi vẫn cứ gặp nhau. Và tất nhiên, sẽ phải có một ngày.

Tôi thực sự không hề nghĩ đến điều rất sợ hãi ấy cho đến cái đêm cuối tháng mười một ngồi nhìn  mùa thu chết bên cửa sổ.

6.

clip_image006

Nói đến một lời chia tay, tôi lại nhớ lại cũng độ này năm ngóai nhà văn, nhà giáo Nguyễn Sĩ Tế  qua đời ở tuổi 83. Tôi là học trò của ông dạo trường tư thục Trường Sơn (mà ông là hiệu trưởng) ở thời kỳ cực thịnh. Tọa lạc ở góc đường Lê văn Duyệt (Cách mạng tháng 8 bây giờ) và đường Trần Quý Cáp (Võ Văn Tần bây giờ), đối diện với khu Chợ Đũi (nơi hằng đêm nhà thơ nhà giáo Tạ Ký ngất ngưởng bên chai bia để cố quên đi mối sầu ở lại*), trường Trường Sơn là nơi hẹn hò của những chàng trai thấp thỏm đợi ngày đi thi Tú Tài, để hoặc tiếp tục lên lớp Đệ Nhất làm học trò hoặc giã từ bút nghiên, người yêu bé bỏng (nếu may mắn có một mảnh tình vắt vai) lên đường nhập ngũ tòng quân với chiếc cánh gà trung sĩ  khiêm tốn trên tay áo trận. Những năm ấy, thầy Nguyễn sĩ Tế còn phong độ lắm. Ông luôn đến trường bằng xe xích lô đạp, bước khẽ khàng qua những quầy  sách cũ bày bán ngổn ngang  trước cổng trường và những anh học trò khép nép cúi đầu với tiếng chào lí nhí trong cổ họng. Vậy mà những anh chàng học trò ngày xưa nay cũng đã hai thứ tóc trên đầu, có anh đã nằm xuống trước cả người thầy già nua của mình. Bây giờ thì đến lượt ông. 83 tuổi cũng là đủ dài để chia tay với cuộc đời. Và cũng đủ đẹp để thân nhẹ nhàng như mây  vào cái thời khắc tàn thu hiu hắt. Rất nhiều những học trò của ông không được hưởng ân sủng đủ dàiđủ đẹp như ông. Thôi thì cũng xin mượn  khoảnh khắc  tuyệt diệu của đêm tàn thu tĩnh lặng mà tiễn hồn người thầy học cũ khẽ khàng bước qua những hệ lụy của cuộc đời mà trở về cõi hư không của  bốn phương  mây trắng**.

7.

Đêm cuối tháng mười một dài thật. Tôi mụ đi vì những tiếng thì thầm nhẹ như tiếng lá rơi của buổi tàn thu. Cái mụ mị khiến tôi không thể đứng dậy nổi. Chợt muốn bắt chước Văn Cao dang tay ném mạnh mười ngón tay trên bàn phím chiếc Laptop trước mặt. Cùng lúc, tôi lại thấy mình thật vô lý. Cuộc đời đã cho tôi nhiều thứ quá, bấy nhiêu chưa đủ sao mà còn ấm ức gầm gừ như những kẻ chết non .

Vả chăng, thân nhẹ nhàng như mây vào cái thời khắc tàn thu hiu hắt chẳng phải là điều mong ước thầm kín của tôi đó sao?

T.Vấn

_______________________________________

Chú thích:

* Sầu ở lại là tên một thi phẩm của nhà thơ Tạ Ký xuất bản năm 1970 ở Sài Gòn. Nhà thơ Tạ Ký cũng đã qua đời từ nhiều năm trước.

** Bốn phương mây trắng là tên tác phẩm cuối cùng của nhà văn Nguyễn sĩ Tế .

© T. Vấn 2006

Bài Mới Nhất
Search