T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

T.Vấn: Hậu Người Tình Khói Sương

clip_image001

LỐI VÀO HỆ LỤY

Ai đẩy Thúy Kiều vào lầu xanh? Ai đưa Alisha (1) vào khung cửa hẹp? Cố Trung Niên Thi Sĩ Bùi Giáng đã đặt ra những câu hỏi này và cũng đã … đặt ra những câu trả lời. Đi theo “vết chân điên” của người qúa cố, tôi cũng tự “đặt cho mình” những câu hỏi: Ai đã đưa tôi vào con đường nghiện ngập thuốc lá? Ai đã đẩy tôi vào trò chơi đánh bạc với chính cuộc sống của mình? Trí điên” và “Lực điên” của tôi không thể sánh được với bực Tiền Bối họ Bùi nên tôi không thể “đặt” được những câu trả lời. Dẫu sao, tôi cũng biết mình muốn gì khi đặt ra những câu hỏi đó.

Từ nhiều năm qua, tôi đã bỏ hút. Nhưng hình như cái “Hiện thực” quái ác ấy vẫn chưa hẳn đã buông tha tôi. Tiền bối Mark Twain (2) đã từng “đại ngôn“: “Bỏ thuốc ư? Chuyện nhỏ. Ta đã từng bỏ cả trăm lần”. (Giving up smoking is easy. I’ve done it hundreds of times).

Tôi cai thuốc một cách “chay tịnh” (cold turkey). Không cần phải nhờ vả đến Nicoderm (3). Dù là thuốc dán (patches) hay thuốc cao (gum). Bỏ một cách ngon ơ. Như gã sở khanh quất ngựa truy phong khi đã chán ngấy bộ mặt sầu thảm của người tình gìa hay khi biết rằng trương mục tiết kiệm của cụ bà đã cạn. Vậy mà, nhiều năm sau tôi vẫn còn “ngửi” được cái “quyến rũ chết người” của khói thuốc. Tôi vẫn còn cảm được “phút yêu mê rờn rợn khắp châu thân” của ma lực “tình yêu sương khói”.

Hôm nọ, tôi gặp một người bạn cũ từ thuở cùng nhau tập tành hút thuốc. Sau khi tay bắt mặt mừng, anh móc túi lấy ra gói thuốc và mời tôi (như ngày xưa chúng tôi vẫn làm). Một phản xạ rất tự nhiên, tôi móc một điếu và châm lửa từ tay anh. Điếu thuốc kẹp giữa hai ngón tay. Động tác thật quen thuộc và vô cùng thiện nghệ. Rít một hơi thật mạnh vào buồng phổi trong như thủy tinh vì đã mấy năm không bị vẩn đục bởi khói thuốc, tôi lâng lâng với cảm giác dễ chịu đến chết người. Đột nhiên, tôi sực nhớ mình đã nói lời vĩnh biệt với “người tình khói sương” từ lâu lắm rồi, hình như từ một tiền kiếp nào đó thật xa xăm. Trước đôi mắt ngạc nhiên của người bạn cũ, tôi vội dí nát điếu thuốc dưới chân, như Eva tàn nhẫn đạp nát đầu con rắn tội lỗi nhiều ngàn thế kỷ trước.

Và sau đó, tôi dập mình ăn năn. Mea Culpa, Mea Culpa, Mea maxima Culpa . Lỗi tại tôi, lỗi tại tôi, lỗi tại tôi mọi đàng.

HÃY NHÌN VÀO NHỮNG DỮ KIỆN

Khoa học đã chứng minh, cũng như Cocaine và Heroin, chất Nicotine có tác dụng gây nghiện (addictive). Ngày thứ Năm của tuần lễ thứ ba trong tháng Mười hàng năm là ngày toàn nước Mỹ từ bỏ thuốc lá (Great American Smoke Out). Cho đến nay, người ta đã làm lễ kỷ niệm lần thứ 31 ngày phát động phong trào khuyến khích việc bỏ thuốc. Phong trào này đã có những sự thành công đáng kể. Chỉ trong một thế hệ thôi – về mặt xã hội – thuốc lá đã bị loại ra ngoài bảng chuẩn mực những hành vi. Những người chủ xướng đã không qúa cường điệu khi nói rằng thành tựu này chính là kết quả của một cuộc cách mạng văn hóa (cultural revolution). Hiện nay ở nước Mỹ đã có 45 triệu người bỏ thuốc trong tổng số khỏang chừng 90 triệu người hút. Một con số rất đáng khích lệ. Ngoài ra, những nỗ lực này đã cứu sống hàng chục ngàn người và chứng minh rằng, một cao trào xã hội có thể tạo nên những thay đổi đáng kể. Là một người đã từng cùng với cái gạt tàn thuốc bầu bạn lâu năm như hình với bóng, tôi toàn tâm toàn ý ủng hộ sự thay đổi này.

Hút thuốc là một thói quen chết người. Dẫu cho đã có những tiến bộ trong quan niệm về con người xã hội, thói quen này vẫn còn bám rễ sâu xa ở các nền văn hóa. Hiện nay, có ước lượng khỏang độ 47 triệu người Mỹ hút thuốc. Mỗi năm, có 400 ngàn người chết vì các chứng bệnh liên quan đến thuốc lá, gây phí tổn khoảng 50 tỉ Mỹ kim về chăm sóc y tế (so với Anthrax, lẽ ra thuốc lá phải gieo rắc kinh hoàng hơn mới phải). Trên phạm vi thế giới, khoảng 3 triệu người chết hàng năm vì thuốc lá, chiếm tỉ lệ 20 phần trăm trong con số tử vong. Bất kể các sự kiện này, các tổ hợp sản xuất thuốc lá vẫn tiếp tục bành trướng thị trừơng trên thế giới. Châu Á dự trù sẽ gia tăng 20 phần trăm số người hút thuốc trong thập niên tới. Phần lớn là ở giới trẻ.

Nhiều người nghĩ rằng mình có quyền làm bất cứ điều gì mình muốn, miễn là không gây phương hại đến người khác. Nhưng thực ra, sự “gây phương hại cho người khác ấy “, đôi khi đã không được quan tâm đúng mức hoặc bỏ lơ. Khói thuốc (secondhand smoke) là một thí dụ. Đã từ lâu, khói thuốc đã được chứng minh là nguy hiểm chết người. Người không hút thuốc, khi hít thở phải khói thuốc, đôi khi bị ảnh hưởng nặng hơn chính người hút thuốc. Và công chúng (trong đó có chúng ta) phải trả phí tổn bảo hiểm sức khỏe ngày một tăng. Trong đó có một phần trách nhiệm gây ra bởi những người hút thuốc.

Các tổ hợp thuốc lá khổng lồ đã che giấu từ lâu những khám phá của họ về ảnh hưởng độc hại của việc hút thuốc. Tờ Wall Street Journal gọi đó là “chiến dịch đánh lạc hướng dư luận trường kỳ nhất trong lịch sử thương mại Hoa Kỳ “.

Mặc cho sự trừng phạt của pháp lý với số tiền phạt vạ khổng lồ, các hãng thuốc lá vẫn bình chân như vại. Họ tiếp tục làm giàu bằng cách buôn bán tử thần. Họ vẫn tìm cách chỉa thị trường vào giới thanh niên bằng những phương cách uyển chuyển hơn.

Đối với tuổi mới lớn, làm dáng thời thượng phải là hút thuốc. Trên phim ảnh, người ta lại thấy các ngôi sao trẻ tuổi phì phà khói thuốc. Lớp trẻ mới lớn dễ bị lôi cuốn sớm vào những cạm bẫy, và sau đó – hơi trễ – đã khám phá ra rằng, tập hút thuốc thì rất dễ, nhưng từ bỏ nó thì quả là chuyện gian nan.

E LÒNG CÒN NẶNG NỢ

Tôi đã bỏ thuốc. Bởi vì tôi không muốn tiếp tục ném cuộc đời mình vào một canh bạc mà phần thua hầu như nắm chắc. Hồi đó, mỗi buổi sáng thức dậy, sau cái “tuyệt vời của hơi thuốc đầu ngày là cảm giác nặng nề khó thở đè nặng lên ngực.” Tôi đã hiểu rằng, nếu cứ tiếp tục như thế này, tai hoạ sẽ bắt tôi phải trả giá. Tôi muốn được ở bên cạnh vợ tôi … lâu lâu hơn một chút (vì chúng tôi yêu nhau qúa muộn màng). Tôi muốn được nhìn thấy các con tôi lớn lên, trưởng thành trưóc khi tôi nhắm mắt.

Nói một cách khác, tôi muốn được sống. Sống vui sống khỏe. Vì có khỏe mới vui được.

Dẫu có thế nào, tôi cũng chỉ là con người với những vĩ đại và nhỏ bé. Và sự mềm yếu. Thỉnh thoảng tôi sẽ bập bập vài hơi xì-gà. Hoặc tệ hơn nữa, trong những giây phút yếu lòng, tôi sẽ lén vài hơi thuốc lá. Nếu tôi có làm vậy, cũng chỉ chứng minh rằng, thuốc lá làm con người ta nhu nhược biết chừng nào. Hoặc nói ngược lại, thuốc lá có cái sức mạnh của “Sinh tử phù”. Một khi đã bị cấy vào cơ thể, anh hùng hào kiệt cỡ nào cũng bị sa cơ. Huống gì là tôi.

Nhưng dẫu sao, tôi cũng biết được là tôi muốn gì.

CHÚ THÍCH :

(1) Alisha, tên một nhân vật trong tác phẩm “Khung Cửa hẹp” của nhà văn Pháp André Gide. Bản dịch tiếng Việt của Vân Mồng (tức Bùi Giáng)

(2) Mark Twain, Đại văn hào Mỹ

(3) Nicoderm, tên thương mại của một loại thuốc dùng giúp người cai thuốc lá.

© T.Vấn 2008

Bài Mới Nhất
Search