T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Khải Triều: LỀU TRANH – MỘT SÁNG MÙA THU

 

clip_image002

(Thay lời nói cuối)

Buổi sáng hôm ấy, một ngày cuối thu, cả ba người bạn đều dậy sớm. Họ ngồi tĩnh tâm một lúc, rồi bước ra ngoài, hít thở sâu, tiếp nhận làn khí trong lành của một buổi sáng ở miền xa thành thị. Sau đó, họ rửa mặt bằng sương đêm đọng trên lá cây và đi lượm trứng của chim rừng, đủ ăn trong ngày. Người bạn tâm giao của lữ hành hái một vài cánh hoa, sắc vàng rực rỡ, mang về cắm trong bình đặt trên bàn thờ, lấy một cục trầm đốt lên, đặt trong lư hương. Mùi trầm tỏa hương thơm, quyện với hơi gió se lạnh từ ngoài vào, nhè nhẹ bay cao…tỏa ra khắp lều tranh.

Họ lặng lẽ ngồi vào vị trí của mình.

Trong và ngoài, trời và đất hòa vào nhau, nên một ý.

Người lữ hành kín đáo quay sang người bạn tâm giao, ngồi bên tay phải mình, như một dấu hiệu: Hãy bắt đầu.

Họ hát kinh Chúa Thánh Thần rồi hát Thánh vịnh theo cung cách của những kẻ xuất thế sống ở núi cao hay nơi thanh vắng.Tiếp theo, họ đọc Lời Chúa theo cung trầm. Lời Chúa trong Tin mừng ngày hôm đó nói đến điều kiện của các môn đệ đi theo Chúa: như sống từ bỏ, phục vụ, khiết tịnh, vâng phục và khó nghèo.

Lời Chúa đọc vừa dứt, thì từ phía sau họ, một vị tu sĩ mặc áo dòng nâu, đã bước vào lều tranh từ trước, cũng ngồi theo cách của ba người bạn kia. Ông chia sẻ với họ về đoạn Tin mừng này, rồi ông khiêm cung, phong cách như một thiên thần, lặng lẽ bước lên phía trước, đặt hộp đựng Mình Thánh Chúa trên bàn, rồi ông lui xuống dưới quỳ phía sau ba người bạn kia.Họ thinh lặng chầu Mình Thánh Chúa. Lều tranh tỏa hương trầm, làn hương hòa quyện vào không gian êm ả, nhiệm mầu. Nửa giờ sau, vị tu sĩ áo nâu nhẹ nhàng cất lên tiếng hát, bài thánh ca Quỳ bên cung thánh, rồi tất cả họ bắt nhịp theo. Lều tranh lung linh ánh nến, tiếng hát của họ vang ra ngoài xa, và nghe như có tiếng hát của ca đoàn Thiên thần từ trời cao vọng xuống lều tranh. Gió lạnh bên ngoài lùa vào khiến người lữ hành run rẩy, không vì gió lạnh, nhưng ông chợt nghĩ đến nơi ông sẽ tới đó sau một thời gian dài ở lều tranh này, để cùng các bạn ông sống và làm việc trong tinh thần sám hối, chay tịnh. Kết quả thế nào thì các ông tín thác vào Chúa. Chúa sẽ hoàn chỉnh những việc các ông làm còn chưa toàn bích. Sau bài thánh ca vừa rồi, tu sĩ áo nâu bước lên phía trước để bắt đầu thánh lễ.

Sau khi thánh lễ kết thúc, cả bốn người cùng đứng lên. Vị tu sĩ áo nâu cất lên bài thánh ca Bao la tình Chúa:

Êm như làn gió đưa mây, đôi tay con hướng lên trời. Nguyện cầu cho đời con mãi, giữ trọn lời hứa trung kiên. Trọn đời con xin tận hiến, Chúa là hơi ấm mẹ hiền. Trọn đời con nương thân, trọn đời con nương thân.

Hồng ân Chúa như mưa như mưa, rơi xuống đời con miên man miên man, nâng đỡ đời con trong tay trong tay, vòng tay thương mến. Đời có Chúa êm trôi êm trôi, Chúa dắt dìu con luôn luôn không thôi, có Chúa cùng đi con không đơn côi, ôi tình tuyệt vời.

Giữa một cảnh trí thiên nhiên thanh tịnh của một buổi sáng mùa thu, bốn người họ đã một thời nhập thế, và giờ đây trong lều tranh này, họ ngồi bên nhau, trao đổi với nhau những bước đi trong đời sống đấu tranh để rồi làm sao mà họ lại cùng nhau cùng bước đi trong đời sống thiêng liêng như thế. Quả thật, đấy cũng là một hạnh phúc của họ, một hạnh phúc thật. Người đời không thể ban cho họ, ngoại trừ Thiên Chúa.

Vị tu sĩ áo nâu, sau lúc ăn xong một trứng chim rừng, ông nhẹ nâng tách cà phê còn nóng lên môi, thưởng thức vị ngọt pha chút đắng, rồi lại dịu dàng đặt xuống trước mặt. Những người bạn thấy thế, đều biết rằng, người anh em đan sĩ sắp nói gì đây với họ. Cho nên, cả ba người đều kín đáo nhìn ông. Họ đợi chờ một sứ điệp mà ông đã chuẩn bị để trao cho họ.

Sứ điệp của ông hôm ấy là một dụ ngôn về chim cánh cụt không biết lạnh khi nó sống ở nam cực, nhưng nó rét run lên lúc nó tới vùng xích đạo. Vị đan sĩ áo nâu mở đầu sứ điệp như thế. Rồi ông nói, qua dụ ngôn này ông liên tưởng đến những vị giáo sĩ, những thầy dạy chân lý là những người lẽ ra phải là …Đột nhiên đan sĩ áo nâu ngừng lại, rút ra từ cái túi vải mang theo một quyển sách. Ông cẩn thận đọc tên cuốn sách để các bạn ông hiểu rằng câu chuyện ngụ ngôn mà ông sắp đọc cho các bạn ông nghe, có xuất xứ của nó. Đó là cuốn: “Chuyện ngụ ngôn cho thời hiện nay”, trong đó có chuyện “Chim cánh cụt không biết lạnh

“Chim cánh cụt đi bên bờ biển xích đạo, tứ cố vô thân, chỉ cảm thấy gió biển lặng lẽ, khí lạnh kinh người, một cảm giác thê lương tận đáy lòng của nó tự nhiên bùng lên.

Đến nam cực, nó cùng các bạn cùng lớp vui đùa đánh đáo, tương thân tương trợ “liền một khối”, mà không cảm thấy mình đứng trên tảng băng nguyên vẹn lạnh như cắt, nó hỏi Chúa tạo vật:

“Lạ thật, khi con ở nam cực không cảm thấy lạnh, vậy mà tại sao lúc ở xích đạo toàn thân cứ run lên cầm cập?”

Chúa tạo vật không nín được cười:

“Bé con, có những lúc lạnh, không nhất thiết phải liên quan tới thời tiết, nhưng có quan hệ với sự cô đơn”.

Chuyện ngụ ngôn chỉ có thế, thật đơn sơ. Tác giả là nữ văn sĩ Hạnh Lâm Tử, người Đài Loan. Linh mục Giuse Maria Nhân Tài, Đại chủng viện thánh Tôma Aquinô Đài Loan, chuyển sang Việt ngữ, Sài Gòn 2004, (trang 145). Ngài đã diễn giải về ngụ ngôn này như sau:

Xích đạo thì nóng vô cùng, nhưng cảm thấy lạnh lẽo, vì sự cô đơn.

Nam cực thì lạnh vô cùng, nhưng cảm thấy ấm áp dễ chịu, bởi vì không cô đơn, bởi vì có bạn bè vui đùa.

Con người ta khi vắng người tình thì không phải cảm thấy cô đơn lạnh lẽo đó sao? Mùa xuân trời đẹp, chim ca bướm lượn, ai ai cũng vui vẻ đón xuân, mà mình thì lại rĩ rã ca bài: “mùa xuân cô đơn”, có phải là thời tiết không? Chắc chắn là không.

Tâm hồn của chúng ta cũng có lúc cảm thấy cô đơn, không phải vì thất tình, vì vắng xa người yêu, mà là vắng bóng Thiên Chúa ở trong tâm hồn mình. Ở đâu vắng bóng Thiên Chúa, ở đó sẽ có óc hận thù ghen ghét, mà hận thù ghen ghét không phải là bóng đêm của tội lỗi sao?

Vắng bóng Thiên Chúa là vì chúng ta chọn vật chất, danh vọng, quyền uy, đem Thiên Chúa quăng ra ngoài đường, rước ma quỷ vào làm chủ trong tâm hồn của mình.

Khi trong lòng chúng ta có Thiên Chúa, tràn ngập ân sủng của Ngài, thì chúng ta sẽ không còn cô đơn, không còn cảm thấy lạnh lẽo dù thời tiết nóng như thiêu, lạnh như cắt.

Khi tâm hồn chúng ta vắng bóng Thiên Chúa, thì dù sống trên đống của cải, trên mọi danh vọng, thì cũng cảm thấy cô đơn và bất an.

Và khi chúng ta có Chúa ở trong lòng, thì dù bị đày ra ngoài nam cực hay xích đạo, thời tiết nóng hay lạnh, hoặc nghèo rớt mồng tơi, cũng chẳng nhằm nhò gì với chúng ta.

Thiên Chúa là ánh quang huy chiếu rọi tâm hồn mọi người. Vắng Thiên Chúa thì tâm hồn lạnh lẽo, bất an, cô đơn và sợ hãi. (Sđd, tr.146-147)

Người lữ hành nói: Giáo hội của chúng ta vẫn luôn có lúa tốt và cỏ lùng. Chúng ta đang sống trong một thế giới tục hóa, một giáo hội tục hóa, một giáo hội mà hàng giáo sĩ sống cách biệt, xa cách người nghèo và không đấu tranh cho người bị áp bức, cho người tù tội vì lương tâm. Giáo hội chúng ta đang có những giáo sĩ, một chân ở trong nhà thờ, một chân ở trụ sở Mặt trân, hoặc là đại biểu Quận, Thành phố. Có vị ở cả hai nơi! Đặc biệt, có tu sĩ là Đại biểu Quốc hội thống nhất (khóa VI – 1976), một vị trí chỉ dành cho người làm chính trị, còn linh mục, tu sĩ thì bị cấm tham gia, nhưng ông bất chấp. Ông đã đọc bản tham luận, đặt hết niềm tin của mình vào đảng Lao Động. Ông bảo, con người mới, xã hội mới mà mọi người đều mơ ước, mà mọi người tin vào Chúa Kitô Giêsu mãi mơ ước, con người mới đó, xã hội mới đó không thể có được, không bao giờ có được nếu không có Đảng Lao động Việt Nam…(Báo Công giáo và Dân tộc số 58 ngày 8-8-1976, tr.6).

Hình ảnh mấy vị giáo sĩ ngả về phía những kẻ cầm quyền có chủ trương triệt hạ tôn giáo như vị trên đây, gây chia rẽ trong Giáo hội và cũng tự biểu hiện tư cách “kẻ nội thù” của mình trong suốt mấy chục năm, kể từ ngày 30 tháng 4 năm 1975, cho đến năm 1998, khi một vị trong số này là Linh mục Vương Đình Bích, gửi thư cho Thường trực Ban Dân vận Thành ủy, Thường trực Mặt trận Tổ quốc Thành phố, Thường trực Ban Tôn giáo Thành phố, Các ủy viên Đoàn Chủ tịch UBĐKCG/Tp, liên quan đến những tiêu cực, mâu thuẫn và mất đoàn kết trong nội bộ, gồm 4 vị Linh mục. Đó là: Trần Bá Cường (tên thật của Linh mục Trương Bá Cần), Vương Đình Bích, Phan Khắc Từ, Huỳnh Công Minh.

Trên một tờ tuần báo, phổ biến đầu năm 2014 (dl), có in ở trang 1 một bài, tựa đề: “Một tình hình có nhiều khủng hoảng về các giá trị”.

Khởi đầu, bài báo viết: “Theo nhận định của nhiều người có thẩm quyền, thì nguy hiểm lớn nhất hiện nay trong Giáo hội là rất nhiều nơi đang đánh mất những giá trị căn bản mà lại không cho là nguy hiểm.” Sau đó, tác giả bài báo, ĐGM.GB Bùi Tuần, đã kể ra một số hiện tượng phổ biến hiện nay. Có tất cả 11 đoạn, trích dẫn và ghi theo số đoạn trong bài báo:

2. Đức khiêm nhường là giá trị nền móng của đạo đức Phúc Âm. Nay nó đang bị xóa đi bằng tinh thần háo thắng tôn giáo, coi phô trương các hình thức đạo là làm sáng danh đạo, coi cạnh tranh hoành tráng trong các công trình là phát triển lòng đạo, coi cao sang lộng lẫy của các tổ chức đạo là cách lôi cuốn người ta vào đạo. Hiện tượng kiêu ngạo không phải ở đâu cũng có. Nhưng thực sự nó đang lan rộng. Có nơi nó đang biến dạng thành một tinh thần muốn tách người tín hữu khỏi Chúa Giêsu và thánh giá của Người.

3. Đức bác ái chia sẻ là một giá trị căn bản của người tin theo Chúa. Nay đang bị yếu đi do khuynh hướng phân các thứ giai cấp: Giầu và Nghèo, quyền lực và yếu kém, trung tâm và bên lề, với những khoảng cách xa. Thêm vào cảnh phân giai cấp lại đang phát triển khuynh hướng cục bộ dưới nhiều hình thức với những quyền lợi riêng. Tất cả đều bị chi phối mạnh bởi chủ nghĩa cá nhân và lối sống quan tâm đến công trình công việc hơn là đến con người.

4. Hoạt động của cái tâm theo bài giảng trên núi, như tâm hồn nghèo khó, hiền lành, xót thương, trong sạch, khao khát sự công chính, xây dựng hòa bình là một giá trị cốt yếu của đời sống đức tin. Nay nó đang bị coi nhẹ, do sự coi nặng hoạt động của tay chân hướng về hưởng thụ. Sự thánh thiện nội tâm đang bị xuống cấp một cách trầm trọng. Kinh tế hóa một số hoạt động tôn giáo đang là một xu hướng mạnh.

5. Nhìn nhận mình là kẻ có tội, để sám hối trở về, nhờ ơn Chúa cứu chuộc, là một giá trị cao quý của con người tín hữu. Nay nó đang bị lãng quên do thói quen mất ý thức về tội…

6. Phương hướng nội tâm tập trung vào Đức Giêsu Kitô, tin nhận Người là ánh sáng, là con đường, là sự thật, để bước theo Người vốn được coi là giá trị không thay thế được. Nay nó đang bị khủng hoảng nặng nề, do thiếu khuynh hướng đó, hoặc mất khuynh hướng đó. Hậu quả là con người bỏ những trách nhiệm thực của mình, để tự bó buộc mình vào lợi ích phù du trước mắt. Hiện tượng đó còn được nhận ra do sự mất trật tự trong tâm hồn, đi quờ quạng trong bóng tối, lao mình vào những hướng sống với những kiếm tìm không bao giờ thỏa mãn, mà không biết đi về đâu và không biết lối thoát ra.

7. Bình tĩnh giữ lập trường theo thánh ý Chúa với sự quy chiếu vào Lời Chúa và gương Chúa vốn là một giá trị vững chắc cho người môn đệ Chúa. Nay nó đang chao đảo bởi những lập trường do thành kiến sai, do dư luận sai, do những áp lực sai trong đạo ngoài đời. Thói đời của chủ nghĩa tục hóa đang hoành hành khắp nơi. Kể cả nơi thờ tự và các nhà tu.

Ở đoạn 10, tác giả rút lại hai điều chính, được cho là đáng lo ngại hơn cả:

Một là khủng hoảng được thành hình do sự xâm nhập từ từ của những yếu tố xấu. Xâm nhập từ từ, đó là một chiến lược khôn khéo cùa Satan.

Hai là ở giữa khủng hoảng đầy nguy hiểm mà không nhận ra nguy hiểm. Coi khủng hoảng hiện nay là bình thường của cuộc sống hiện tại, không ảnh hưởng gì đến phần rỗi linh hồn.

(Tuần báo Công giáo và Dân tộc số 1940, tuần lễ từ 10.1 đến 16.1.2014, tr.1tt)

Người bạn tâm giao của lữ hành lên tiếng: Điều này xem ra là hậu quả tất yếu trong một xã hội vô thần, không tin có Thiên Chúa hoặc chối từ sự hiện hữu của Thiên Chúa, tôn giáo bị chi phối bởi quyền lực chính trị. Các nhà lãnh đạo tôn giáo giữ thái độ im lặng một cách thái quá ngay trước cả những hành động thô bạo của nhà cầm quyền đương thời, như triệt phá các ảnh tượng, tiêu biểu của đạo, im lặng trước những tệ nạn xã hội, ngược với giáo lý của đạo. Người ta tự hỏi: Các ngài im lặng như vậy để đổi lấy tự do xây dựng các cơ sở tôn giáo, như nhà thờ, nhà giáo lý, trung tâm hành hương v.v… và mỗi năm được tuyển ứng sinh cho hàng linh mục sau 8,9 năm tu học? Nhưng lại không theo kịp đà tiến của xã hội, mất nhiều hơn là được, như bài báo của ĐGM.GB. Bùi Tuần cảnh báo trên kia. Một số chủng sinh sau 8,9 năm học tập, vẫn chưa gột sạch ảnh hưởng của xã hôi của thời kỳ họ học tại các ngôi trường, từ cấp tiểu học đến đại học. Cho nên, sau ngày chịu chức linh mục, một số vẫn còn những rơi rớt của tình trạng đời sống bên ngoài không nhân bản, tự mãn và không có đối thoại, không gặp gỡ, sống giả dối. Nó khiến con người có đạo càng ngày càng xa rời Thiên Chúa, càng ngày càng mất đức tin, vốn đã yếu ớt. Phần đông những người này vẫn đi tới nhà thờ các ngày Chúa nhật và các ngày lễ trọng hay “lễ buộc”. Nhưng chỉ vậy thôi, còn trong cuộc sống, họ như người thuộc thành phần vô thần. Một số khác thì như người vô tín. Xã hội chúng ta ngày nay còn một lỗ hổng rất lớn và sâu về văn hóa, nên bị các phương tiện của thời kỳ cách mạng khoa học thứ ba, thứ tư gọi là văn minh cơ tâm, bắt đầu từ việc phát minh Internet v.v… lấn lướt, chiếm hầu như toàn bộ tri thức của các thành phần tuổi trẻ Việt Nam hiện nay. Đây mới là thời kỳ đầu, nên có lẽ phải mất cả thế kỷ mới hy vọng lúc đó Việt Nam mới xuất hiện một quốc gia như đã từng tồn tại trong lịch sử hàng ngàn năm. Chúng ta còn ở rất xa những tiêu chuẩn của người môn đệ Chúa. Chúng ta vẫn là mình, ít nhiều còn mang bản năng của tổ truyền, mà điều này lẽ ra chúng ta đã được giải thoát từ ngày lãnh phép thanh tẩy rồi. Nhưng vì chúng ta phạm tội mất ơn Chúa lại không sám hối, không nhận mình có tội. Cộng thêm vào cái văn minh cơ tâm kia, nên đã biến chúng ta thành tinh quái. Những tín hữu ngoan đạo, chân chính thì lại dửng dưng trước những cạm bẫy đầy nguy hiểm, như thể nó không ảnh hưởng đến mình. Như vậy, lối sống ấy tiêu biểu cho chủ nghĩa cá nhân và chủ nghĩa tương đối. Con đường tiến hóa của nhân loại vẫn còn ở điểm khởi hành. Cho nên, tác giả bài báo trên đây đã kết luận như một cảnh báo. Ngài viết: “Tôi sợ rằng: Các khủng hoảng về đạo đức và về đức tin hiện nay, nếu vẫn cứ mãi mãi phát triển, đẩy con người xuống hố diệt vong đời đời, đem lại thắng lợi cho Satan, thì Chúa sẽ buộc lòng phải giải quyết một cách quyết liệt. Cũng là để cứu con người thôi”.

Từ đó, bước chân của họ nhẹ tênh như các bậc hiền sĩ thuở xa xưa, lãng du trên các triền núi cao để đàm đạo với các bậc tiên ông, học ở các vị này tinh thần giải thoát, hoặc lặng lẽ đi trong rừng vắng, nghe tiếng lá khô xào xạc dưới chân hay tiếng hót của các loài chim rừng mà biết được bước đi của thời gian. Có lúc họ như Lã Vọng ngồi buông câu trên bờ, có lúc lại như Tam Nguyên Yên Đổ ngồi thuyền nan, mặc cho gió thu nhẹ đưa con thuyền câu đi trong ao hồ xanh ngắt mầu da trời, mà không cầu được cá. Cũng có khi một con cá đi lang thang gặp mồi, nó tham ăn đớp lấy. Thế là dính câu. Họ đưa cá lên, nhẹ gỡ miếng mồi ra, rồi thả cá về lại cuộc sống thiên nhiên của nó. Con cá được thả, vẫy đuôi và hai cái vây bên mang như tỏ dấu cám ơn người phóng sinh nó, rồi sung sướng lặn sâu xuống, như thể tìm về nơi “ẩn mình”.

Con người cũng có vùng sâu để “tu” hay “ẩn mình” vậy.

Ký giả hỏi: Này người lữ hành anh em, sao anh biết là con cá vừa mắc mồi được thả ra, nó đi tìm nơi “ẩn mình”?

Người lữ hành nhìn sang người bạn tâm giao. Nhưng vừa lúc ấy ông đã đi vào bên trong, nấu ấm nước trà ủ hoa lan rừng và thêm mấy tách cà phê. Ông cũng đã nghe câu hỏi của ký giả và biết người lữ hành đã muốn ông trả lời câu hỏi này. Tuy vậy, sau khi pha xong mấy tách cà phê và đặt bình trà xuống bàn, ông kín đáo nhìn người lữ hành như hỏi ý. Người lữ hành hiểu cái nhìn ấy, nên khẽ gật đầu mỉm cười. Người bạn tâm giao bèn nói:

– Câu hỏi của ký giả lẽ ra là của người còn luẩn quẩn trong chốn bụi trần, họ bế tắc và lạc đường. Anh hỏi câu này, phải chăng anh còn vấn đề gì nữa?

-Đúng là tôi còn vấn đề: vấn đề của ký giả, của người chứng. Khi tôi đi với các anh vào lều tranh này, là tôi rất thanh thoát. Nhưng dù Gia Cát Lượng hay Lã Vọng tìm nơi thanh tịnh hay u cốc mà ẩn, song các ông này có được sử sách nói đến, không phải vì các ông đã xuất thế mà vì hành động nhập cuộc sau đó. Tôi không có ý ví mình như hai bậc cao minh này, vì tôi biết mình là ai khi chấp nhận bước vào lều tranh này, và sau đó sẽ làm gì khi người lữ hành anh em từ giã lều tranh để đi vào một khu rừng mùa thu có thảm lá vàng. Ông sẽ ở đó một mình, như ông đã định. Ông ở bao lâu thì không biết, để gặp gỡ tác giả bài thơ Ân Nghĩa, người nữ tu của lòng ông, từ bao nhiêu năm rồi.

Về câu hỏi của tôi, con cá mắc mồi được thả ra, vội lặn sâu xuống tìm nơi “ẩn mình”. Câu này lại đưa tôi nhớ câu: Cung kinh chi điểu. Đấy là một kinh nghiệm sống, loài vật không khác chi con người. Nhưng, đấy cũng là cách đặt tên cho hai trường hợp của con cá và con chim. Và, phải chăng là cách áp đặt của con người về hành vi của hai con vật này mà thôi, chứ đã có ai hóa thân thành con cá mắc mồi và con chim thoát tên bắn đâu mà biết.

Cả ba người kia bất ngờ cùng cười. Thấy vậy, ký giả cũng cười theo, dù không biết ba vị kia cười vì điều gì. Mình nói sai hay ngớ ngẩn quá. Ông bèn nhìn sang người bạn tâm giao của lữ hành, ra ý hỏi duyên cớ.

Người lữ hành nói:

-Trong sách Nam Hoa kinh, chương XVII, Trang tử cùng với Huệ tử đi dạo trên cầu sông Hào. Trang tử bảo:

– Đàn cá trắng kia thung dung bơi lội, đó là cái vui của cá.

Huệ tử bẻ:

– Ông không phải là cá, làm sao biết được cái vui của cá?

Trang tử đáp:

– Ông không phải là tôi, làm sao biết được rằng tôi không biết cái vui của cá.

– Tôi không phải là ông, dĩ nhiên tôi không biết được ông, nhưng ông không phải là cá thì hiển nhiên là ông không biết được cái vui của cá.

Trang tử bảo:

-Xin trở lại câu hỏi đầu tiên. Ông hỏi tôi làm sao biết được cái vui của cá. Như vậy tức là ông nhận rằng tôi đã biết cái vui đó rồi (nên mới hỏi làm sao tôi biết được?) Làm sao tôi biết được ư? Thì đây: tôi đứng trên cầu sông Hào này nhìn mà biết được.”

Thấy ký giả như còn vướng víu một điều gì đó, nên người bạn tâm giao của lữ hành hỏi:

– Này người ký giả anh em, có phải anh đang nghĩ đến con cá mắc mồi được thả ra vội lặn sâu xuống và đàn cá trắng của Trang tử dưới cầu sông Hào thung dung bơi lội, mà Trang tử bảo là cái vui của cá, là hai trường hợp khác nhau?

Nói xong ông quay sang người lữ hành như muốn nói điều gì. Nhưng lữ hành hiểu ý nên mỉm cười, khẽ gật đầu. Lúc đó, phong thái của ông như bảng lảng mây trôi, thoáng mờ thoáng hiện. Còn vị tu sĩ áo nâu vẫn ngồi trầm tư, thỉnh thoảng nhẹ tay nâng tách cà phê đặc biệt. Hôm nay cũng là buổi sáng khác thường đối với ông, vì cứ thường lệ là vào mỗi buổi chiều trong ngày, ông đến lều tranh tham dự giờ kinh chiều với ba người bạn tâm phúc của ông, học hỏi Lời Chúa theo lịch phụng vụ và trao Mình Thánh Chúa cho họ, rồi ông ra đi, trở về Đan viện. Lúc đó cũng là thời gian của “tắt lửa”. Không bao giờ ông ở lại lều tranh qua đêm với họ mà không có phép của Đan viện trưởng của mình. Bởi vì, ba người kia, họ có những kinh nguyện về đêm lúc 3 giờ sáng. Những đêm có trăng thì đặc biệt hơn.Trăng ở đây không bao giờ sáng tỏ vằng vặc, vì luôn luôn có sương rừng bao phủ. Tuy nhiên, đêm ở đây còn là thời gian tuyệt diệu. Vì là lúc các loài hoa rừng đua nở bên các hốc đá, cành cây. Hương thơm của hoa lan tỏa cùng khắp, thấm đượm cả lều tranh. Đấy cũng là lúc các loài côn trùng gọi nhau cất lên lời ca ngợi Chúa tạo vật. Đấy cũng là lúc họ suy niệm về lời Kinh thánh: “Hãy ngắm xem hoa huệ ngoài đồng mọc lên thế nào mà rút ra bài học: chúng không làm lụng, không kéo sợi; thế mà, Thầy bảo cho anh em biết: ngay cả vua Salômôn, dù vinh hoa tột bậc, cũng không mặc đẹp bằng một bông hoa ấy.” (Mt 6, 28-29). Cho nên, đấy cũng là lúc tiếng của không gian và thời gian cùng muôn vẻ huy hoàng của vũ trụ, như hội tụ nơi khu rừng này, gọi ba người trong lều tranh bước ra ngoài để cùng tạo vật dâng lời chúc tụng, tôn vinh Chúa tạo vật. Lúc ấy, giữa họ và thiên nhiên, vạn vật trở nên một. Không có đối lập giữa phạm trù này với phạm trù khác, nên không có loại trừ.

Nghe lữ hành nói thế, ký giả không lộ vẻ băn khoăn gì nữa. Mặt ông trở nên sáng hơn, thanh thản hơn.

Vị tu sĩ áo nâu lặng lẽ rời ba người bạn của ông, trở về trụ sở của mình. Người lữ hành tiễn ông rời lều tranh, qua khỏi rừng cây rồi mới trở về lều.

Khải Triều

(Chuyện Nội Tâm Của An)

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2019

Bài Mới Nhất
Search