T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Khuất Đẩu: Viết ngắn giữa mùa COVI (8)-NHỮNG THÁNG NGÀY BUỒN

Ấm Trà Thiu – Tranh: Thanh Châu

Ngày buồn đầu tiên trong đời tôi, là ngày cha chết, cách nay đã 75 năm. Ngày đó, tôi 5 tuổi, học vỡ lòng chỉ mới đọc được vần xuôi chứ chưa đọc được vần ngược, chẳng nhớ gì nhiều về hình ảnh người đã sinh ra mình, nhớ chăng là 3 ngọn roi mót đầu tiên (và cũng là cuối cùng) mà ông đã quất lên mông tôi vì cái tội nói ngọng.Nhưng tôi lại nhớ nhiều đến tiếng gào của mẹ giữa đêm khuya, tiếng gào tưởng chừng có dính theo máu, nghe rất thống thiết và khiếp hãi. Sau này, lớn lên, tôi hiểu được nỗi uất ức và tuyệt vọng của mẹ, từ nay một thân một mình phải nuôi đến những 3 con, đứa nhỏ nhất mới 3 tháng tuổi.

Ngày đó chính là ngày buồn nhất trong cuộc đời của mẹ!

Những ngày buồn tiếp theo, có thêm nỗi lo và sợ, là những ngày trước tháng 5 năm 1955, ngày quân đội Pháp tiếp thu tỉnh Bình Định. Lo là lo mình bị tây đen hãm hiếp, sợ là sợ con bị tây bắt xỏ xâu ném xuống biển!

Trước khi tập kết ra bắc, các ông bà cán bộ, họp cả làng ở gò đình, già trẻ lớn bé gì cũng bắt ngồi thành hàng, rồi hù dọa rằng, thằng giặc Pháp sắp đến kia, nó dã man tàn bạo là như thế, phải đấu tranh chống lại nó bằng cách không đi học, không đi chợ, cất dấu hay đốt hết lương thực không để chúng cướp giật…

Nhồi và nhét xong, các ông bà liền lên tàu Ba Lan dông tuốt ra bắc, bỏ mặc dân làng bơ vơ như gà con lạc mẹ!

Tôi còn nhỏ, nỗi lo và sợ ấy cũng chỉ lướt qua như bóng mây trên bầu trời. Sợ thì có sợ đấy, nhưng chẳng biết mặt mũi thằng tây nó xanh đỏ thế nào, nên cũng hồi hộp trông chờ ngày nó đến. Nhưng mẹ tôi, người cũng chưa biết mặt mũi thằng tây đen nó ra làm sao, nhưng đã biết tỏ tường mồm ngang mũi dọc của …cộng sản rồi, nhất là đã biết đòn và thấm đòn của nó, thì người như rũ ra, chẳng biết làm cách nào để bảo vệ chính mình và bảo vệ đàn con. Nhớ lại, thấy mẹ tội nghiệp lắm.

Đòn của nó là thế này, trước lúc đi, cộng sản đổi tiền. Không biết họ định giá thế nào mà 5000 tiền tín phiếu chỉ đổi được 1 đồng bạc Đông Dương, và ai, dù tiền nhiều đến đâu cũng chỉ được đổi 10 đồng xài đỡ mà thôi, còn bao nhiêu  họ giữ giùm, hai năm sau tổng tuyển cử, sẽ đổi trả lại. Chẳng những nghe bùi tai mà còn ngọt như mía lùi, Mía đã ngọt sẵn mà còn lùi nữa, thì đúng là bác và đảng thương dân miền nam không để đâu cho hết.

Thế là mồ hôi và nước mắt của mẹ tần tảo trong bao nhiêu năm, xếp đầy trên hai thúng đựng gạo, giờ chỉ còn đúng 10 tờ giấy mỏng manh. Không nhớ mấy mẹ con tôi sống ra làm sao, chỉ nhớ hai năm sau vào Nha Trang học, lần đầu tiên ăn được cây cà rem ngon vì ngoài nước đá còn có thêm chút sữa và mấy hột đậu đen mà phải tốn đến 1 đồng! (Trong khi ở miền bắc những thành phố họ đến tiếp thu, dường như 1 đồng Đông Dương chỉ đổi được 10 đồng tiền tín phiếu, lời quá xá!)

Đó là không nói tới nỗi đau của mẹ trong suốt 9 năm vì tuần lễ vàng, tuần lễ bạc (vét hết vàng tới vét bạc), thuế nông nghiệp, thuế công thương cao lút đầu lút cổ và những ngày đi dân công tải đạn, đói khát bệnh tật giữa rừng sâu núi thẳm!

Hai mươi năm sau, ngày buồn nhất là 30 tháng tư, ai cũng buồn không riêng gì mẹ con tôi. Lại một trận đổi tiền và mẹ cũng mất sạch số tiền suốt hai mươi năm dành dụm.

Lần này, rút kinh nghiệm, mẹ gửi cho những người thân đi tập kết vừa trở về, mỗi người đổi giúp một ít. Ai cũng vui vẻ nhận, sau đó mặt lạnh như tiền bảo đổi không được, nhưng tiền thì không đưa lại vì đó là tiền của Mỹ ngụy!

Cái buồn này cứ âm ỉ đau cho đến tận cuối đời, rồi cùng với bệnh ung thư đã đưa mẹ qua khỏi bên kia cuộc đời, coi như giải thoát khỏi cái kiếp người hèn mọn dưới thời cộng sản.

Qua cuộc đời của mẹ, tôi đau xót nhận ra rằng, đàn ông sống dưới thời cộng sản, ngoài việc cho sống là được sống, bảo chết là phải chết, hy sinh cả máu xương  để bảo vệ đảng, thực ra là bảo vệ những tên quan lại kiểu mới, khốn nạn thật đấy, chó má thực đấy, nhưng chính những người đàn bà, mới thực sự phải chịu nhiều đau khổ hơn, bị bóc lột nhiều hơn, ngoài mồ hôi nước mắt, còn bị cướp cả những đứa con của họ. Mai đây, các nghệ sĩ thực tài và chân chính sẽ dựng tượng Mẹ Việt Nam Đau Khổ, chứ không phải mẹ anh hùng!

Đời của mẹ tôi buồn như thế, đời của tôi cũng chẳng vui gì hơn. Nỗi buồn chiến tranh, nỗi buồn vì sống trong một đất nước không chịu tiến bộ, không chút xấu hổ vì đứng cuối bảng xếp hạng trên toàn thế giới, thì ngòi bút nào mà viết cho hết được. Thôi thì đành vui với lão giả an chi, tức là bằng lòng với cái mình đang có dù rất ít, như đã sống được đến 80 tuổi này, chẳng vui sao? Hạnh phúc nhất là mẹ chết trước rồi mới đến lượt con! Còn được thuận theo mệnh trời như thế, xem ra cũng chưa đến nỗi buồn lắm.

Thế rồi từ ngày được giải phóng (nói lái bị cắt lưỡi đó), đang tuổi con dê (35) cường tráng vậy mà sáng bo bo, trưa bo bo, chiều bo bo, người quân tử ăn chẳng cần no, nên ốm lòi xương, loét bao tử phải cắt bỏ hai phần ba, chưa chi mà đã già háp, già và hư hao đến nỗi ai trông thấy cũng tưởng chết chưa chôn!

Nhưng rồi nhờ ơn đảng và bác, tôi cũng sống lây sống lất đến tận ngày hôm nay, tính ra cũng đã bốn mươi nhăm năm, gần nửa thế kỷ.

Tôi sinh tháng 3, nhưng ông già lười làm giấy khai sinh, mãi đến tháng 8 ngày 16 mới làm, thành ra tôi phải sống thêm hơn tháng nữa mới được phép (và được quyền) nhận lãnh ân huệ đầu tiên của nhà nước, là được “bồi dưỡng” 300 nghìn đồng một tháng, tức là hơn 10 đô. (nếu ăn kem ngon cũng đặng hai chục cây, quý hóa quá) Buồn thì không còn buồn nữa rồi, vì sắp hưởng lợi tức tuổi già, nên “sức mấy mà buồn”, nhưng lo, (đúng chính tả đàng hoàng, lạng quạng viết thành no là đói bỏ mẹ!).

Lo, bởi vì con covid bảy màu từ Vũ Hán (không g) tràn sang đợt thứ hai này, được hỗ trợ bởi hỏa tiễn tầm xa của ông anh bốn Tốt và thằng em sáu Ngu, từ Đà Nẵng đã theo một em thực tập y tá nào đó về tận quê hương của người đẹp Hờ Nê, thế là từ Đắc Lắc xuống quê ngoại của các con tôi, chỉ hơn 100 cây số, nó tới lúc nào mà chẳng đươc!

Thế nên lạy giời có mắt, hãy thương giùm cái thân già của tôi mà bảo nó chầm chậm ít bữa để lần đầu tiên tôi được mút hai mươi cây kem ngọt ngào mà nhà nước sắp ban cho (người răng rụng ăn kem là nhất)!

Chỉ có vậy, nguyện ước cuối cùng của tôi là được ngồi mút kem với tiện nội trước hiên nhà, vừa thưởng thức vừa nói chuyện ngày xưa chúng mình có yêu nhau nhiều không nhỉ… Dù rằng cảnh ấy không đẹp và nên thơ bằng Kiệt Tấn ngồi mút kem (mà quên mút để chảy ướt áo) với em điên Evelyne xỏa tóc dài trên ghế đá công viên ở kinh thành Paris hoa lệ.

Khuất Đẩu

Viết giữa mùa ôn dịch

 

 

 

 

©T.Vấn 2020

Bài Mới Nhất
Search