T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngộ Không : Chữ nghĩa làng văn (Kỳ 21)

clip_image001

Những tác giả tiên phong của thơ mới

Khi nói đến phong trào thơ mới, thường văn học sử hay nhắc đến bài Tình già của Phan Khôi xuất hiện trên tờ Phụ Nữ Tân Văn số 122 ra ngày 10 tháng 3 năm 1932. Sẽ là thiếu sót nếu không kể thêm các tác giả khác như Nguyễn Thị Manh Manh (*) với bài Hai cô thiếu nữ năm 1933 và Hồ Văn Hảo với bài Con nhà thất nghiệp cũng năm 1933.

Manh Manh tên thật là Nguyễn Thị Kiêm, người Gò Công sinh năm 1914, ngoài làm thơ còn là một nữ diễn giả thời kỳ đó. Bài Hai cô thiếu nữ nói về hai cô gái, một ở quê, một ở tỉnh thành. Họ cùng gặp một bà lão nghèo khổ đang tự nuôi thân và đứa cháu mồ côi. Cô ở quê cho bà lão giỏ cá, cô tỉnh thành cho bó hoa.

Cô ở đồng tay đưa giỏ cá

Bà ơi, cá tui bán được giá cao

….

Hai cô thiếu nữ đi khỏi đồng

Cô áo hồng mang nặng cái giỏ bông

Hồ Văn Hải xuất hiện trên Phụ Nữ Tân Văn ở Sài Gòn và nổi danh với bài Tình thầmCon nhà thất nghiệp:

Ngọn đèn leo lét

Xơ xác một nóc nhà tranh

Ngọn đèn tàn

Hết dầu nên lu lạt

(Nguyễn Thị Vinh – Cỏ bồng lìa gốc)

Tiếng Việt d và…d thương

Mèn quơi ! Trung tui già rầu mà còn đòi biết "hôn" là chi ta clip_image002
Ứa , mà " hôn " với " hun " có khác nhau không ta ?

Hôn nhau trên cầu gọi là cầu hôn
Hôn chẳng rời nhau gọi là đính hôn
Hôn liên tù tì 7 phát gọi là thất hôn
Hôn người nào đó gọi là hôn nhân
Hôn con vật nào đó gọi là hôn thú
Hôn thêm cái nữa gọi là tái hôn
Hôn 2 cái một lượt gọi là song hôn
Hôn từ giã gọi là từ hôn
(Trau giồi tiếng Việt – ĐatViet.com sưu tầm)

Tam muội

Ba điều tối tăm mê muội là tham, sân, si.

Trong Sãi vãi của Nguyễn Cư Trinh có câu “Ước siêu tam muội, ngõ thoát cửu tuyền”.

Chữ nghĩa tiếng Việt

Với phát hiện của Võ Phiến, ông nêu lên sự giàu có của lớp từ vựng chỉ việc chế biến bằng lửa các món ăn mặn trong tiếng Việt: nấu, nướng, chiên, kho, hầm, hâm, ninh, hấp, rán, ran, chưng, luộc,chần, trụng, lùi, trui, phi, xào, xáo, quay, um, tráng (chả), đổ (bánh bèo), rim, tiềm, đồ, xôi, thổi, đun, hun, nhúng, khử, đồ, chấy, thắng, đúc (bánh), bung, sao, hui, (thịt) hon, khìa, thưng, thuôn (thịt), om (cà), tần, ám (cá), v.v…

Sau đó, ông nhận xét: “hầu hết là tiếng thuần Việt” và bàn tiếp: “Trong các lãnh vực văn học, triết học, hành chánh, kỹ thuật nông nghiệp… ta phải mượn vô số tiếng của người, kho ngôn ngữ ta lổn nhổn đầy tiếng Hán Việt. Nhưng khi vào bếp thì ta ngẩng cao đầu, không cần học theo ai, không mượn tiếng nói của ai cả.”

(Nguyễn Hưng Quốc – Đi tìm Võ Phiến)

Tao nhân mặc khách

Tao nhân: Khuất Nguyên người nước Sở có bài Ly tao. Từ đó có từ “tao nhân”. Rồi đến câu tao nhân mặc khách với “mặc” là mực.

Tao nhân mặc khách chỉ người tao nhã, người văn chương.

(Đào Duy Anh – Hán Việt từ điển)

Văn học miền Nam

Bình Nguyên Lộc có một lập trường văn học riêng, không theo Bắc, hoàn toàn theo Bắc như Ðông Hồ, cũng không giữ nguyên đặc chất Nam kỳ như Hồ Biểu Chánh, Vương Hồng Sển. Trong truyện ngắn chất Nam thường nổi bật, trong truyện dài ông ngả theo lối Bắc. Ðó là một thái độ lựa chọn: Bình Nguyên Lộc chọn thái độ trung dung trong tinh thần giao hoà Nam Bắc, kết hợp lịch sử di dân với ngôn ngữ con người.
Ngay từ đầu thế kỷ XX, Hồ Biểu Chánh đã dùng tiếng Nam như một chính ngữ; như thể Hồ Biểu Chánh muốn chống lại thành kiến của số đông người Bắc, tự cho tiếng Bắc là "chính", là "chuẩn", tiếng Nam là "phụ", là tiếng "địa phương", "quê mùa", "hủ lậu". Thành kiến này, gần đây, vì lý do chính trị, có vẻ được củng cố mạnh mẽ hơn, cho nên 30 năm sau ngày thống nhất đất nước, vẫn có người không bằng lòng khi thấy một số bảng hiệu ở ngoài Bắc đã bắt đầu dùng tiếng Nam. Ðối với môt số thành phần bảo thủ ở Bắc, tiếng Nam, vẫn tiếp tục là thứ tiếng ngoại vi "không chấp nhận" được. Dùng tiếng Nam làm chính ngữ, Hồ Biểu Chánh chỉ làm một việc tự nhiên.

Ðông Hồ Lâm Tấn Phác đi ngược lại phong cách Hồ Biểu Chánh. Tâm hồn Ðông Hồ và ngôn ngữ Ðông Hồ dường như đã bị "Bắc hoá" hoàn toàn. Dưới con mắt những người như Vương Hồng Sển, Ðông Hồ có thể bị "khai trừ" khỏi "thổ ngơi" miền Nam. Văn phong Ðông Hồ không thoát khỏi không khí Tương Phố, Á Nam Trần Tuấn Khải.
Cái "gốc Bắc", "tổ tiên" nguồn cội ngoài Bắc, được Bình Nguyên Lộc trân trọng tìm kiếm, không riêng gì khía cạnh lịch sử Nam tiến, mà còn cả về nguồn cội ngôn ngữ. Ngoài sách biên khảo, trong tiểu thuyết, khi dùng một chữ có tính chất đặc biệt địa phương miền Nam, ông thường tìm cách giải thích ngay bên cạnh, chữ này ngoài Bắc dùng chữ gì. Ðôi khi còn phê bình luôn là chữ Nam hay chữ Bắc hay hơn, có lý hơn, hoặc nói rõ xuất xứ tại sao lại có sự khác biệt như vậy. Tất cả những lý giải, nhiều khi trở thành nhược điểm làm nặng sáng tác, nhưng chúng thoát thai từ lối kể chuyện đường dài, trong truyền thống "kể", "nói" của văn chương miền Nam.
Trong hoàn cảnh thiếu tư liệu để có một cái nhìn về tiểu thuyết của Bình Nguyên Lộc, qua một vài tác phẩm đã đọc, chúng tôi tin rằng: Ông tiếp nối truyền thống tiểu thuyết Tự Lực Văn Ðoàn. Ông chưa mở ra được một hướng đi mới cho tiểu thuyết như ông đã làm cho truyện ngắn: ảnh hưởng Khái Hưng, Nhất Linh.

(Thụy Khuê – Bình Nguyên Lộc: Đất nước và con người)

Giá sách cũ

Một biến chuyển rất quan trọng cho chữ quốc ngữ là việc triều đình Huế là bài bỏ các kỳ thi Hán học. Kỳ thi Hương cuối cùng ở Bắc kỳ là năm Ất Mão 1915.

Ở Huế là năm Mậu Ngọ 1918. Trong kỳ thi Mậu Ngọ này, ngoài những bài thi bằng chữ quốc ngữ như luận, toán, sử địa còn có Pháp văn nữa trong phần khảo hạch.

Năm Kỷ Mùi 1919 khoa thi Hội cuối cùng ở Huế và trên toàn quốc.

(Tạ Quang Khôi – Sơ lược nền văn học Việt Nam thế kỷ 20)

Tiếng Việt vừa dễ vừa không dễ

Hỏi : Mình thấy câu tục ngữ “bút sa gà chết” rất hay. Ý nó muốn nói đến việc phải suy nghĩ kỹ trước khi đưa ra một quyết định nào đó. Nhưng tại sao lại là gà "chết"?. Bạn nào biết giải nghe coi.
Đáp : Có nhiều câu "tục" ngữ, tui nghĩ nó chẳng xuất xứ từ sách vở hay điển cố nào, mà tùy hứng từ bàn nhậu của mấy ông nhà báo năm nảo năm nao, nếu truy ra thì có trời mới biết được như câu tương tự “Sai một con toán, bán một con trâu”. Trong câu “Bút sa gà chết này” này sở dĩ con gà phải chịu chết, chắc chẳng qua là nó xấu số, tên của nó cùng một vần với chữ sa.

Thí dụ như bây giờ tui nói : Có tài mà cậy chi tài, chữ tài liền với chữ đai (die) một vần. Biết đâu vài mươi năm nữa, có khối người sẽ thắc mắc "thành ngữ" trên ở đâu mà ra…như bạn dzậy!? clip_image003

(Trau giồi tiếng Việt – ĐatViet.com)

Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ

Đàu gối cao

Em nằm coi bộ phim Tầu

Đĩa cơm nằm kế bên đầu gối cao

Ăn xong hút thuốc phì phào

Trên chăn dưới gối chỗ nào cũng hôi

Sớm mai em bỏ về rồi

Anh châm điếu thuốc anh mồi bài thơ

(Nguyên Sa)

Tiếng Việt cổ

Thời Lê Trịnh người Tầu tràn qua nước ta cả 50 chục nghìn người, hoạt động của họ ảnh hưởng tới mọi ngành kể cả ngôn ngữ. Vua Lê chúa Trịnh phải hạn chế như không cho họ buôn bán ở kinh kỳ và sống xa người Việt như ở Phố Hiến chẳng hạn.

Bản dịch của Langlet cho biết họ chi phối ngôn ngữ của ta với những từ mới của họ như: “…hoa, quả, thuyền, thìa đi vào Việt ngữ là vậy…”

(Hiếu Thiện Nguyễn Chu Hậu – Tiếng Việt, tiếng nước tôi)

Truyện chớp: Chuyện tối qua

Em đến bên anh nhẹ nhàng trong một buổi tối êm dịu như đêm qua, và những gì xảy ra trên giường của anh còn đọng lại trong anh những cảm giác khó tả. Em chợt đến từ một nơi hư vô nào đó, không hề e ngại, không hề báo trước.

Em nằm trên người anh, em làm tan biến cảm giác băng giá trong anh. Em cắn anh, không hề tội lỗi, em làm cho anh phát điên. Cuối cùng anh chìm vào trong giấc ngủ.
Sáng nay, khi anh tỉnh dậy thì em đã đi rồi. Anh tìm em nhưng không thấy dấu vết chỉ có những bức tường chứng kiến chuyện đôi ta đêm hôm qua. Cơ thể anh vẫn còn in dấu vết của em. Đêm nay, anh sẽ thức chờ em. Ngay khi em đến anh sẽ vồ lấy em, anh sẽ không để em ra. Anh sẽ giữ chặt em trong lòng bàn tay anh để em mãi mãi không biến mất. Anh sẽ giết chết em – những con muỗi đáng ghét nhất trần đời.
(Phụ chú: Truyện trích từ nhật ký của một sinh viên trọ học thường xuyên bị…muỗi cắn).

Chữ nghĩa làng văn

Nguyễn Văn Ái trong Từ điển phương ngữ miền Nam và Nguyễn Như Ý trong Từ điển đối chiếu địa phương đều xem “rờ” và “sờ” là một, là hai từ hoàn toàn đồng nghĩa

Từ điển Việt-Bồ-La của Alexandre de Rhodes và Đại Nam Quốc Âm tự vị của Huỳnh Tịnh Của chỉ có “rờ” chứ không có “sờ”.

Theo tôi (Nguyễn Hưng Quốc) “rờ” và “sờ” là hai từ tương tự, gần gũi với ngữ âm và nghĩa, chứ không phải là hoàn toàn đồng nghĩa. Trong cảm nhận của tôi, “sờ” là đưa tay chạm vào một vật gì đó, trong khi “rờ” không phải chỉ chạm mà còn xoa nhẹ.

(Sờ là tiếng Bắc, rờ là tiếng Nam?)

(Nguyễn Hưng Quốc – Tiếng Việt: sờ và rờ)

Tiếng Việt trong sáng

Trong tự điển đã có “nhắc nhở” rồi, sao lại còn đổi qua “nhắc nhớ”?. “Nhắc nhở” không khác “nhắc nhớ” bao nhiêu, dùng đã quen rồi thì đổi làm gì.

(Hiếu Thiện Nguyễn Chu Hậu – Tiếng Việt, tiếng nước tôi)

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2012

Bài Mới Nhất
Search