T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngộ Không : Chữ nghĩa làng văn (Kỳ 54)

clip_image001

Đoạn Trường Tân Thanh

Đoạn Trường Tân Thanh, sáng tạo dựa vào tác phẩm cổ của đời Minh có tên là Kim Vân Kiều, truyện của Thanh Tâm Tài Nhân (hoặc Thanh Tâm tài tử), cuốn truyện nầy bản sao chép tay hiện còn lưu giữ tại Thư Viện trường Viễn Đông Bác Cổ, Pháp. Kim Vân Kiều Truyện của Thanh Tâm Tài Nhân là câu chuyện có thật do Mao Khôn, một người trong quân đội Hồ Tôn Hiến ghi lại trong sách Ký Tiểu Trừ Từ Hải Bản Mạt.

Câu chuyện về sau có nhiều tác giả viết lại thêm nhiều tình tiết hơn, chẳng hạn như Lý Thúy Kiều Truyện của Đại Sĩ Lâm, Vương Thúy Kiều Truyện của Dư Hoài…

Nói tóm lại, cốt truyện của Kim Vân Kiều Truyện có nhiều điểm giống Truyện Kiều của Nguyễn Du. Với nhận định của Phan Khôi thì cụ Nguyễn Du “Không phải hoàn toàn sáng tác, lại càng không phải là một truyện dịch…”. Nhưng Kim Vân Kiều Truyện của Thanh Tâm Tài Nhân không phải là một tác phẩm xuất sắc trong văn học cổ Trung Hoa, còn Đoạn Trường Tân Thanh là một kiệt tác.

(Thái Tú Hạp – Sứ trình mùa xuân phương Bắc)

Lá diêu bông là gì?

Tôi đã không cầm nổi nước mắt khi viết những dòng này:

Lá Diêu Bông là gì? Có cái gì trên đời này gọi là lá Diêu Bông? Vậy thì tìm đâu cho thấy lá Diêu Bông? Nhưng chính cái ý nghĩa mơ hồ của nó và cái âm hưởng của nó sao cứ văng vẳng như là tiếng gọi, tiếng kêu, tiếng khẩn cầu của ai đó trên cánh đồng trống vắng của một buổi chiều đông bị gió đồng thổi bạt đi thành ra càng trở nên xa vắng hơn và nghe mơ hồ như là tiếng gió: “gió quê vi vút gọi”.

Có phải là linh hồn của đồng quê ta cất lên thành tiếng đó không? Có phải là linh hồn của các thôn nữ ngày xưa, của những cô Tấm, những Ngọc Hoa, Cúc Hoa, những Xuý Vân đến chết vẫn còn vương vấn trên mảnh đất này với niềm khao khát yêu thương đó chăng? Hay là chính linh hồn ta đó, hoà cùng linh hồn đất nước, cất lên thành tiếng gọi thiết tha trên đồng chiều bạt gió:

 

Diêu Bông hời!… ới Diêu Bông!…

(Hồi ký Nguyễn Đăng Mạnh)

Sở cuồng

Đời Xuân Thu có người ở nước Sở tên Tiếp Dư tính tình hay tị thế. Một hôm Khổng Tử gặp anh ta và muốn nói chuyện, nhưng anh ta thản nhiên vừa hát vừa đi. Và tự xưng mình là anh cuồng nước Sở.

Do đó mọi người gọi Tiếp Dư là “Sở cuồng” (tên điên nước Sở).

Tục ngữ Tầu

 

Biện tửu bất nan thỉnh khách nan

Thỉnh khách bất nan, khoản khách quan

(Bày tiệc không khó, mời khách khó

Mời khách không khó, đãi khách khó)

(Nguyễn Lập Sơn – Dư Phát Linh)

Giai thoại làng văn 54-75

Về thiên tài thi ca Bùi Giáng phải chờ đến hơn một năm sau, tờ Nghệ Thuật đình bản, tôi (Mai Thảo) sang trông coi tờ Văn chung với Nguyễn Xuân Hoàng mới thực hiện được. Cũng nhờ số Văn này mà tôi mới nhìn thấy và hiểu được sự không hiểu của tôi với sự ngược nghịch giữa Bùi Giáng tháng ngày rong chơi với Bùi Giáng một tuần lễ cả ngàn câu thơ, cả ngàn trang sách. Số Văn ấy, phần nhận định nhờ Thanh Tâm Tuyền, Ninh Chữ, Tuệ Sỹ, Trần Tuấn Kiệt… viết. Bài phỏng vấn Nguyễn Xuân Hoàng thực hiện. Phần giới thiệu những bài thơ mới nhất là tôi. Chưa biết kiếm tìm Bùi Giáng ở đâu, thi sĩ bất ngờ ghé thăm tòa soạn. Ông ấy chỉ còn là da bọc xương trong quần áo thùng thình, mái tóc dài đạo sĩ, cái túi vải còn thêm cây gậy. Kéo ông ra trước báo quán chụp chung tấm hình làm kỷ niệm rồi tôi hỏi xin ông những bài thơ mới nhất.

Ông gật. Tưởng lấy ở túi vải ra. Hoặc nói về lấy, hoặc nói hôm sau. Tất cả đều không đúng. Ông hỏi mượn một cây bút, xin một xấp giấy, một chai bia lớn nữa, đoạn ngồi xuống, và trước sự kinh ngạc cực điểm của chúng tôi, bắt đầu tại chỗ làm thơ. Lần đầu tiên tôi thấy Bùi Giáng viết, thoăn thoắt, vùn vụt, nhanh không thể tả. Như thơ không thể từ đầu, từ tim chảy xuống, lâu quá, mà ngay từ ngọn bút từ đầu ngón thôi.

Chai bia còn sủi bọt, ông ngồi viết không ngừng, tự dạng nắn nót chỉnh đốn, chỉ một thôi đã xong hơn hai mươi bài thơ, chúng tôi cầm lên coi, thấy bài thơ nào cũng khác lạ. Lần đó, tôi đã hiểu tại sao Bùi Giáng cứ cánh bướm rong chơi, cứ phiêu bồng lãng du mà vẫn có ngay nghìn câu một buổi. Ðúng là ngủ ra thơ, thở ra thơ, uống la-de, hút thuốc lá ra thơ. Mà thơ không ai sánh bằng, thơ không ai đuổi kịp.

Ông uống cạn chai la-de, lập lại ba tiếng bất hủ “vui thôi mà”.

(Mai Thảo – Vài kỷ niệm với Bùi Giáng)

Truyện Kim Dung

 

Vào khoảng năm 1961, 1962 báo Đồng Nai của Hùynh Thành Vị đăng liên tiếp truyện kiếm hiệp của Kim Dung. Người dịch ký tên là Từ Khánh Phụng.

Thật ra Từ Khánh Phụng là Tiền Phong. Một người anh em Minh Hương trước chuyên đóng kịch ở Hà Nội và dịch những kịch bản danh tiếng của Trung Hoa như “Lôi vũ”, “Nhật xuất” ra Việt ngữ. Và anh em văn nghệ vẫn thường họi đùa anh là “Sìn Phoóng”.

Vào trong Nam, sau “Hồng hoa hội”, “Bích huyết kiếm” anh dịch “Cô gái Đồ Long” đăng trên báo Đồng Nai…

 

(Phan Lạc Phúc – báo Ngày Nay)

Bánh da lợn

 

Đây là một loại bánh ở miền Nam.

Tại sao không kêu là bánh da heo vì heo là tiếng Nam, lợn là tiếng Bắc. Cớ sự gì người Bắc lại không “Nói toạc móng lợn” mà lại “Nói toạc móng heo”.

(Nghe cứ như là nói… chơi)

 

Thằng bù nhìn

Quyền trọng ra uy trấn cõi bờ
Vốn lòng vì nước há vì dưa
Xét soi trước mặt đôi vừng ngọc
Vùng vẫy trên tay một lá cờ
Dẹp giống chim muông xa phải lánh
Dễ quân cày cuốc gọi không thưa
Mặc ai nhảy nhót đường danh lợi
Ơn nước đầm đìa hạt móc mưa

Bài thơ này được đặt tên là Thằng bù nhìn, người cho là của Lê Thánh Tông (*), hay của Hồ Xuân Hương, người khác cho rằng của người đời sau làm (Hoàng Xuân Hãn).

Còn một thằng bù nhìn nữa, nằm trong Hồng Đức quốc âm thi tập (1470-1497). Bài thơ mang tên Cảo nhân (nghĩa là người làm bằng cành cây khô, hay bằng rơm rạ), nội dung gần giống bài thơ chép bên trên. Chỉ có thằng bù nhìn thứ ba mới đích danh là thằng bù nhìn, được chính Tản Đà (1889-1939 ) đặt tên:

Lơ láo kìa ai đứng cạnh bờ
Trần ai tri kỷ đã ai chưa?
Ba thu mưa gió người trơ mộc
Bốn mặt giang sơn áo phất cờ
Được việc thế thôi,cày chẳng biết
Khinh đời ra dáng,gọi không thưa
Lâu nay thiên hạ văn minh cả
Bác mấy ngàn năm vẫn thế ư ?
(Thăm thằng bù nhìn)

Cả hai bài thơ đều tả thằng bù nhìn đứng ngoài cánh đồng, đuổi chim. Xem vậy thì nhân vật bù nhìn đã có mặt tại nước ta ít ra cũng hơn năm thế kỉ rồi. Bàn đến nguồn gốc hai chữ bù nhìn có mặt trong ngôn ngữ Việt Nam từ lúc nào? Khó trả lời chính xác. Một điều chắc chắn là hai tiếng bù nhìn đã có mặt trong ngôn ngữ Việt Nam trễ nhất cũng là từ năm 1926, năm bài thơ Thằng bù nhìn được đăng trong sách Văn Đàn Bảo Giám của Trần Trung Viên. Cũng vào thời kì này, năm 1928, Nguyễn Văn Ngọc soạn sách Tục ngữ Phong dao, đã sưu tầm được thành ngữ bù nhìn giữ dưa. Thành ngữ này nằm chung với nhiều câu tục ngữ phong dao cổ xưa của Việt Nam, khiến nhiều người nghĩ rằng bù nhìn cũng đã có mặt trong ngôn ngữ Việt từ lâu rồi?

Rất có thể là như vậy.

(Phụ chú: * chương trình Việt văn lớp đệ ngũ của Bộ quốc gia giáo dục VNCH xếp bài này của vua Lê Thánh Tông cũng như bài “Đế miếu Chàng Trương”)

(Nguyễn Dư – Chim viêt.free.fr)

Câu đối trong ca dao

Trên đồng ruộng hãy nghe chị gái đối:

“Con công, con rùa, con cua, con rồng – Anh mà đối đặng nằm chồng trên bụng em”

Dưới đồng sâu, anh giai đáp:

“Con cáo, con sóc, con cóc, con sáo – Anh đã đối đặng, nhảy phóc lên bụng em, anh nằm”

Hội nhà văn I

 

Hội Nhà văn Việt Nam chính thức được thành lập tại Hà Nội vào tháng 4 năm 1957, thoạt đầu có 60 hội viên, đến năm 1983, tăng lên 317 hội viên chính thức và 53 hội viên dự bị. Trong danh sách hội viên ấy có hai người trước đây vốn cầm bút và nổi tiếng tại Sài Gòn, nhờ những hoạt động nằm vùng cho cộng sản, được kết nạp rất sớm sau năm 1975: Vũ Hạnh và Sơn Nam.

Giữa năm 1989, theo bản Dự thảo báo cáo của Ban chấp hành Hội Nhà văn, con số hội viên chính thức đã lên tới 477 người, trong đó, theo thể loại: về thơ có 138 người, về văn có 234 người, về kịch bản có 12 người, về lý luận phê bình có 36 người, về dịch thuật có 20 người.

(Nguyễn Hưng Quốc – Hội nhà văn Việt Nam)

Truyện chớp – Bố

 

Truyện chớp hay cực ngắn có truyện chỉ một vốc chữ, thậm chí một dúm câu. Nhưng truyện vẫn có hồn, có cốt, có tráng qua một chút văn chương. Nghĩa là đọc nó, người ta không có cảm giác ngột ngạt như bị vo nén lại rồi nhét vào trong cái ống điếu…

 

“…Về già, bố hay uống rượu. Nhà nghèo, mẹ vẫn lo cho bố đủ ngày ba bữa. Được cái, chưa bao giờ thấy bố say. Ngược lại, rượu vào hình như bố tỉnh ra…

Không hiểu bố, một lần tôi bảo: Bố uống ít thôi! Bố nhìn tôi, mặt bệch ra. Mẹ chạy vào: Ai cho phép con được nói với bố như thế ?!

… Tôi đi làm xa. Bố mất! Ngày giỗ đầu, tôi mua một chai rượu Tây trị giá tương đương hai chỉ vàng. Hết tuần nhang, mẹ bảo hạ mâm. Nhìn chén rượu rót cho bố vẫn còn nguyên, tôi khóc…”

Tiếng Việt dễ mà lại khó

Ngày xưa, các cụ khăn đóng, áo dài the, xỏ đôi guốc mộc kéo nhau ra đình làng…đánh chén! Có thể hiểu là tụ tập lại ăn & nhậu. Bây giờ mà bảo nhau đi chén, hay đánh chénthì đa phần là chỉ… đi ăn.

Chén là cái cốc nhỏ nhỏ để uống rượu uống trà đó bà con. Chứ hổng phải như cái chén ở miền Nam dùng ăn cơm (gọi là cái bát).
Ngoài Bắc không có nước tương xì dầu (hoặc ít lắm) nhưng có tương ớt clip_image002 . Còn bánh phở thì nghe nói là không có luôn nên toàn dùng…bánh hủ tiếu đó.

(Trau giồi tiếng Việt – ĐatViet.com)

Ngộ Không

 

 

 

©T.Vấn 2014

Bài Mới Nhất
Search