T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngộ Không : Tác Giả và Tác Phẩm-Đặng Trần Huân

Tiểu sử
Sinh ngày 1.3.1928. Nguyên quán làng Phù Đổng Bắc Ninh.

Mất ngày 21.3.2003 tại El Monte, California.

Tác phẩm

Ngày vui (1962), Chuyện cấm đàn bà (1969), Thành phố buồn hiu (1970)

Chuyện vợ chồng (1970), Hành trình một H.O. (1995), 20 năm văn học Việt Nam hải ngoại (1975) Những người thích dấu huyền (1998), Chữ nghĩa bề bề (2000).

 

Đọc Chữ nghĩa bề bề của Đặng Trần Huân

Vĩnh Liêm


Thị trường sách báo Việt ngữ ở hải ngoại lúc này thật là khởi sắc. Đa số các nhà văn, nhà thơ, nhà báo nổi tiếng trước năm 1975 đều đang có mặt tại hải ngoại, đông đảo nhất là ở Hoa Kỳ. Mỗi người có một hoàn cảnh khác nhau. Đợt ra hải ngoại đầu tiên, trước hoặc trong ngày Dương Văn Minh đầu hàng Việt Cộng, tạm gọi là Di Tản, gồm có nhà văn Nhị Lang, nhà văn Võ Phiến, nhà văn Lê Tất Điều, nhà thơ Nguyên Sa, nhà văn Thanh Nam, nhà văn Tuý Hồng, nhà thơ Hà Huyền Chi, nhà văn Linh Bảo, nhà văn Minh-Đức Hoài-Trinh, nhà văn Vũ Khắc Khoan, nhà văn Xuân Vũ, nhà thơ Du Tử Lê, ký giả Thái Lân, nhà văn Cao Thế Dung, nhà thơ Trần Quốc Bảo, nhà thơ Hà Bỉnh Trung, nhà thơ Vi Khuê, họa sĩ Ngọc Dũng, ký giả Phạm Trần, ký giả Thái Linh, v.v
Đợt thứ hai, sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, tạm gọi là Thuyền Nhân, gồm có nhà văn Nhật Tiến, ký giả Vũ Thanh Thủy, ký giả Dương Phục, nhà văn Mai Thảo, nhà văn Trần Hoài Thư, nhà thơ Hà Thúc Sinh, nhà văn Triều Khê, nhà văn Chu Tấn, v.v Có thể nói rằng đợt Thuyền Nhân này đông đảo nhất và hùng hậu nhất. Đợt sau cùng gồm những văn nghệ sĩ kém may mắn hơn vì đã bị tù đày trong lao tù Cộng sản, ít nhất cũng phải 5 năm, cho nên đã được chính phủ Hoa Kỳ đặc ân cho đi theo diện HO. Vì vậy, đợt sau cùng này được gọi là HO. Nhà văn Đặng Trần Huân là một trong những văn nghệ sĩ nằm trong diện này.
Mặc dù qua Mỹ muộn màng, sức khỏe sa sút, tuổi tác lại cao nhưng nhà văn Đặng Trần Huân vẫn hăm hở cầm bút trở lại, viết một cách hăng say, qua nhiều thể tài khác nhau. Chỉ trong vòng 5 năm mà ông đã xuất bản 3 tác phẩm, gồm có: Hành Trình Một Hát Ô (bút ký, 1995), Những Người Thích Dấu Huyền (1998), và Chữ Nghĩa Bề Bề (chuyện văn nghệ, 2000).
Nhắc tới nhà văn Đặng Trần Huân, đa số người Việt ở hải ngoại chỉ nhớ tới truyện vui rất nổi tiếng của ông vào cuối thập niên 60 và và đầu thập niên 70, đó là Chuyện Cấm Đàn Bà 1 & 2 (1969 & 1970), chớ ít ai còn nhớ ông là tác giả tập truyện ngắn Ngày Vui (1962) và Truyện dịch Hải Đảo Thần Tiên (1963). Còn anh em ở trong quân đội thì hay gọi ông là nhà báo Đặng Trần Huân vì ông làm việc ở Cục Tâm Lý Chiến, ngành thông tin báo chí.
Cuốn Chữ Nghĩa Bề Bề có gì lạ? Tại sao gọi là chữ nghĩa bề bề? Trong bài Nỗi Sợ ở trang 212, người đọc đã bắt gặp câu:
Văn chương chữ nghĩa bề bề,
Thần lờ nó ám thì mê mẩn đời

để ám chỉ những nhà trí thức khoa bảng sợ vợ. Nhưng ở tác phẩm này thì tôi không thấy tác giả có một tiết lộ nào về việc ông sợ vợ cả!
Như tác giả đã xác định, tác phẩm này là nói về chuyện văn nghệ–phát biểu ý kiến hoặc góp ý về tác phẩm–mà ông đã có dịp đọc một cuốn sách, xem một cuốn phim hoặc nghe một bài hát Tuy nhiên, chẳng những tác giả không giới hạn thể tài ở lãnh vực này, mà ông còn bước sang các lãnh vực khác như thời sự, chính trị, xã hội, v.v Nhưng ở bất cứ lãnh vực nào, ông cũng đều có những nhận xét thật là tỉ mỉ và sâu sắc. Theo tôi, tác phẩm này có thể được gọi là tập phiếm luận, vì cái ý thâm trầm của tác giả khi bình phẩm một việc gì không đến đỗi gắt gao, mà chỉ châm biếm một cách nhẹ nhàng, đầy thú vị.

***
Cuốn Chữ Nghĩa Bề Bề gồm tất cả 19 câu chuyện đã được đăng tải trên các báo Việt ngữ ở hải ngoại, từ tháng Giêng năm 1998 cho tới tháng 7 năm 2000.
Câu chuyện mở đầu là Cũng đủ lãng quên đời. Đó là chữ nghĩa của nhà thơ Đinh Hùng mà nhà văn Mai Thảo đã mượn làm tên cho cuốn tiểu thuyết của ông. Đây là chuyện tản mạn về văn chương, nhắc tới chuyện Phạm Quỳnh ca tụng Kiều một cách khá hăng say: truyện Kiều còn, nước ta còn ( trang 12).
Một chuyện vui khác, một nhà văn ca tụng cuốn sách đầu tay của Y sĩ Đại Tá Nguyễn Tuấn Phát một cách rất nồng nhiệt: Một nhà văn có tiếng đã viết bài giới thiệu sách có một câu đại ý là Lâm Ngữ Đường viết Một Nghệ Thuật Sống thật là xuất sắc nhưng so với Anh Tuấn Nguyễn Tuấn Phát thì còn kém xa. Vị bác sĩ nghệ sĩ đọc lời phê bình, má hơi ửng đo (trang 13).
Thêm một chuyện khác, nhà văn Hà Thượng Nhân đã hạ bút khen bài Bát phở đầu đời của (cựu Đại Tá) Nguyễn Tử Đóa bằng cách so sánh như sau: Chỉ với bài thơ nhỏ tôi dám nghĩ rằng Nguyễn Tử Đóa có cái phong cách của Bạch Cư Dị lẫn Đỗ Phủ. Bạch trong sáng và Đỗ thâm sâu (trang 13). Bạn đã có dịp đọc bài thơ này chưa?
Nhà văn Vũ Thư Hiên cũng đã hết lời khen nhà văn Kim Lân ở ngoài Bắc mà độc giả miền Nam chưa hề nghe biết tới: Trong Đêm Giữa Ban Ngày, Vũ Thư Hiên kể Kim Lân có một truyện ngắn nhan đề Thằng Câm và so sánh Kim Lân với văn hào Nga Tourgueniev cho rằng nhà văn Nga này khó vượt nổi được Kim Lân (trang 13).
Và còn nhiều nhân vật nữa, chẳng hạn như nhà văn Trần Bích San khen nhà văn Hoàng Dược Thảo, chủ nhiệm báo Sài Gòn Nhỏ mà tác giả đã thuật lại như sau: Khi viết lời giới thiệu cho tập truyện Tiểu Thư Con Gái Nhà Ai? của Hoàng Dược Thảo, Trần Bích San cũng liên hệ tới nhà văn Nga Chekhov và viết: Anton Chekhov để lại cho nhân loại những truyện ngắn hoàn hảo đến độ một ngự sử văn học danh tiếng Tây Phương cho là không ai có thể thay đổi một chữ, dù chỉ một chữ thôi, trong các đoản thiên của ông (trang 14).
Nhà văn Sơn Nam cũng đã có lần bốc nhà thơ Truy Phong lên tận mây xanh: Bài thơ Một Thế Kỷ Mấy Vần Thơ của Truy Phong đăng trên tuần báo Tiến Thủ được Sơn Nam nhận xét là một trong những bài thơ đẹp nhất của thế kỷ hai mươi (trang 15).
Nhà văn Xuân Vũ cũng đã có lần hết lời ca tụng một văn hữu như sau: Xuân Vũ khi giới thiệu cuốn Qua Các Nẻo Đường Quê của Xuân Tước xuất bản năm 1994, ca tụng truyện ngắn Con Rắn Vú Nàng như sau: Trước nhất đây là một truyện ngắn kiệt xuất có thể xếp vào loại truyện hay nhất Việt Nam. Nếu có nhà xuất bản nào in một tập truyện chọn lọc Việt Nam thì xin hãy đọc truyện này (trang 15).
Rồi tác giả quay sang báo chí, nhắc tới việc nhà văn Nhật Thịnh và nhà thơ Nguyên Phương đã so sánh (quá lố) tờ Saigon Post ở Nam California với tờ báo ảnh Paris Match ở Ba-Lê.
Việc giới thiệu sách cũng được tác giả nhắc tới, mà điển hình là nhà văn Hồ Trường An viết lời bạt cho tác phẩm đầu tay của một nhà văn nữ mà ông chưa hề biết mặt, chỉ nhìn tấm ảnh cũng đủ để ông ca tụng nhan sắc và duyên dáng của nhà văn nữ này!
Sau cùng, tác giả bước sang lãnh vực ca nhạc, nhắc lại bài viết của Vũ Xuân Hùng ca tụng ca sĩ Bích Chiêu, đưa nàng lên tận mây xanh, điển hình như sau: Sang đến nhạc twist, Bích Chiêu đốt lửa chuốc rượu vào lòng khách nghe bằng lối trình diễn của loài trăn, loài cọp. Nàng hát đâu ra đó. Điệu nào cũng hay, nhạc nào cũng tuyệt. Thật là sống động hết sức!
Quả đúng là những chuyện tản mạn về văn học, vì ít khi người đọc để ý tới những chi tiết nhỏ nhặt ấy. Nhưng những chi tiết nhỏ nhặt ấy lại là những yếu tố làm cho uy tín của tác giả bị sứt mẻ phần nào hoặc tác phẩm mất đi tính trung thực của nó.
Về từ điển Việt Nam, tác giả Đặng Trần Huân đã viết hai bài về lãnh vực này: Câu chuyện từ điển Việt Nam (trang 21) và Cuốn từ điển tái bản tám lần (trang 59). Tại sao tác giả lại chú ý quá nhiều đến từ điển? Vì Bất cứ nước nào đã tự hào là có một nền văn hóa là phải có một cuốn tự điển để chuẩn xác cho ngôn ngữ của quốc gia mình hầu tránh sự dùng chữ bừa bãi, lố lăng hay lai căng, vay mượn (trang 21). Nhưng đối với Hà Nội, sự lố lăng, lai căng và sự dùng chữ bừa bãi là việc rất thường tình và đầy ắp trong các cuốn từ điển do Hà Nội tung ra thị trường. Chẳng những thế, những chữ có ý nghĩa khác hẳn nghiã thông thường cũng được bắt gặp trong các cuốn từ điển của Hà Nội, chẳng hạn như: công nghiệp, đường kính, lái xe, lô gích, hồ hỡi, quá độ, sự cố
Các soạn giả từ điển của Hà Nội còn nặng đầu óc tuyên truyền vì phải đi theo đường lối và chỉ thị của đảng Cộng Sản nên họ bất chấp những sai lầm tai hại trong lãnh vực văn hóa. Hơn thế nữa, sau hiệp định Geneva 1954, cộng sản chính thức trở về tiếp thu Hà Nội cũng chưa có thì giờ lo chuyện này. Tới sau ngày 30.4.75 chiếm được Sài Gòn cán bộ văn hóa Hà Nội vào Sài Gòn còn ào ào vơ vét các loại từ điển song ngữ Anh-Việt, Pháp-Việt, Hán-Việt mà Hà Nội không có (trang 24). À thì ra thế! Vì đói sách, đói từ điển nên cán bộ văn hóa của Hà Nội phải vào Sài Gòn vơ vét tất cả những cuốn từ điển hiếm qúi của ngụy để đem về Hà Nội xào nấu và biến chế ra những cuốn từ điển loại mì ăn liền, chẳng những thiếu phẩm chất, mà còn ngô nghê, lai căng, tối nghĩa, v.v
Tác giả Đặng Trần Huân đã đưa ra rất nhiều dẫn chứng và phân tích một cách tỉ mỉ những sai lầm của các soạn giả từ điển của Hà Nội. Những lời bình luận của tác giả Đặng Trần Huân rất có giá trị, mà người đọc muốn dành cho độc giả có cơ hội nghiền ngẫm một cách thích thú.
Tưởng cũng cần nhắc lại, khi chủ trương tờ Việt Nam Thời Báo (có ấn bản Anh ngữ là Vietnam Times) năm 1985, chúng tôi đã đặt vấn đề văn hóa qua các mục thường xuyên, như: Những vấn đề tiên quyết cho một sách lược văn hóa (do Nguyễn Đằng Vân và Bùi Giá Vũ phụ trách) và Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt ( do Triều Khê phụ trách).
Về vấn đề cải cách tiếng Việt cũng đã được tác giả Đặng Trần Huân đề cập tới một cách tỉ mỉ trong bài Chuyện cải cách tiếng Việt (trang 33). Ông nói: Nếu chỉ vì ngại khó mà cứ đọc sao viết vậy thì chữ nghĩa không còn là chữ nghĩa nữa. Hai dấu hỏi và ngã có nghĩa khác nhau, dùng trong những trường hợp khác nhau [nên] không thể đồng hóa thành một được (trang 40). Hơn thế nữa, Học chữ hay muốn nói cho đúng thì cũng phải chịu khó nên không thể ngại khó mà đơn giản hóa quá mức đến thành thiếu sót, thiếu nghĩa. Không thể viện cớ đơn giản để mà đưa đề nghị bắt chước người Mỹ chỉ cần xưng hô bằng hai tiếng I, You cho tiện để bỏ hết những từ ông, bà, cô, bác, chú, thím, cậu, dì thân thương, độc đáo của Việt ngữ (trang41).
Vấn đề này làm người đọc nhớ lại vào đầu thập niên 80, học giả Hoàng Văn Chí cũng đã đưa ra đề nghị cải cách tiếng Việt. Cụ Hoàng Văn Chí đề nghị các danh từ kép thông dụng nên viết liền với nhau và có một số chữ quen thuộc cũng không cần bỏ dấu. Cụ Chí viết:
Nước nào cũng viết liền danhtừ-kép, vì hai chữ gộp-lại chỉ có một nghĩa. Người Anh, người Pháp viết Locomotive là đầu tầu, họ không viết rời Loco Motive, hoặc Loco-motive. Chúng ta cứ viết rời chữ một vì chúngta bị ảnhhưởng chữ Hán, mà chữ Hán không có cách viết liền. Nên để-ý rằng bây giờ, khi viết bằng mẫu tự Latin, người Tầu cũng viết liền danh từ kép, như Beijing, Shanghai, Deng Xiaoping.
Người Nhật cũng viết liền Tokyo, Nagasaki, không viết rời To Kyo (Đông Kinh) và Naga Saki (Trường Thành).
Chúng tôi viết Họcgiả, với nghiã là Người có học. Nếu viết rời hai chữ học và giả thì chữ giả có thể hiểu là giả dối, không thực, chẳng khác vú giả, răng giả. Nếu danhtừ-kép nào cũng dùng vạch-nối thì lại có quá nhiều vạch-nối. Chúngtôi tin rằng đọc tới trang này các bạn đã thấy quen mắt. Viết liền cũng là một bước tiếntới việc miễn bỏ dấu những chữ quá quenthuộc, như Vietnam, Hanoi, Saigon, v.v
Tuy-nhiên chúngtôi vẫn phải dùng vạch-nối (-) mỗi lần có thể đọc lầm, như Tu-nghiệp, vì nếu viết liền Tunghiệp thì người đọc phải mấtcông nghĩ-ngợi một chút, xem là Tu-nghiệp haylà Tung-hiệp (Duy-Văn Sử-Quan, Hoàng Văn Chí, trang 16).
Theo đề nghị của Cụ Hoàng Văn Chí thì những chữ thông dụng (quá quen thuộc) không cần bỏ dấu, như vậy ta có thể kể: cakhuc (ca khúc có thể đọc là cá khúc), cakich (ca kịch cũng có thể hiểu là cả kích), casi (ca sĩ có thể hiểu là ca sì), v.v Thật khó mà phân biệt được những danh từ thông dụng với những danh từ ít thông dụng! Còn những danh từ thông dụng nhưng lại rắc rối thì sao? Chẳng hạn như: bacdau (danh từ bắc đẩu, nhưng nếu không bỏ dấu thì độc giả có thể hiểu lầm là bạc đầu, bác đau, bác dâu), danchung (danh từ dân chúng, nhưng cũng có thể đọc lầm là dẫn chứng), dongho (danh từ đồng hồ, cũng có thể đọc lầm là đong hộ hay đóng hờ), mauam (danh từ mẫu âm, có thể đọc là mau ấm hoặc mà u ám), quansu (danh từ quân sự có thể hiểu là quân sư, còn quân sư có thể đọc là quân sự), v.v Vì thế cho nên đề nghị của Cụ Hoàng Văn Chí đã không được khán thính giả và độc giả hưởng ứng.
Nhà văn Đặng Trần Huân kết thúc vấn đề này như sau: Để kết luận vấn đề ngôn ngữ, chúng tôi thiết nghĩ tiếng Việt hiện nay đã sử dụng được trong bậc đại học, đã có những thuật ngữ diễn đạt được những vấn đề chuyên môn, khó khăn mà không gặp trở ngại nên chúng ta có thể tự hào về ngôn ngữ hiện tại. Công việc cần của chúng ta là bảo tồn ngôn ngữ ấy sao cho tiếp tục trong sáng mà đừng chế ra những cải cách lai căng làm vẩn đục tiếng Việt như Hà Nội đã làm (trang 42).
Về văn học, nhà văn Đặng Trần Huân đã dành nhiều thời giờ cho vấn đề này trong hai bài Văn học Việt Nam hải ngoại (trang 71) và Lạm bàn về một bộ sách văn học (trang 223).
Trong bài Văn học Việt Nam hải ngoại tác giả đã lạm bàn về bộ (trọn bộ gồm 2 cuốn) 20 Năm Văn Học Việt Nam Hải Ngoại 1975-1995 (gọi tắt là HMNVHVNHN). Ông phân tách về bộ sách này như sau: Ngoài bìa ghi một trăm năm mươi tám tác gia nhưng bên trong có 160 tên tác giả được giới thiệu gồm các nhà văn, nhà thơ và 17 họa sĩ, 2 nhiếp ảnh gia và 1 điêu khắc gia. Sở dĩ có sự khác biệt giữa 158 và 160 vì có tác giả có tới 2 bài, trừ bài in ở đầu sách Hai Mươi Năm Văn Học Việt Nam Ở Hải Ngoại của Nguyễn Hưng Quốc dài 16 trang vì là bài tổng kết chứ không phải là một bài trong hợp tuyển. [Nguyễn Hưng Quốc cũng có một bài thứ nhì trong tập sách chung với các tác giả khác và ký tên Nguyễn Ngọc Tuấn] (trang 72).
Việc sắp xếp tên các tác giả trong bộ sách văn học cũng đã được tác giả góp ý như sau: Chưa đọc hết chỉ mới nhìn qua sự sắp xếp, người đọc đã nẩy ra nhiều ý kiến đóng góp. Trước hết sự sắp xếp tác giả theo thứ tự ABC cũng chỉ áp dụng cho các bài văn thơ được chọn mà thôi, vì tác phẩm cuả các nghệ sĩ tạo hình không theo thứ tự này.
Việc chọn thêm những tác phẩm không thuộc văn viết vào trong tuyển tập không thể tiêu biểu được cho ngành tạo hình trong văn học hải ngoại vì trong hai mươi năm mà chỉ có 20 vị vừa họa sĩ, nhiếp ảnh gia và một điêu khắc gia duy nhất thì quá nghèo nàn. Ta thấy vắng bóng nhiều họa sĩ tên tuổi như Tạ Tỵ, Trương Thị Thịnh, Thái Tuấn, Võ Đình, Mai Chửng, Hiếu Đệ, v.v (trang 72). Quả thật vậy! Các soạn giả không thể lấy lý do không liên lạc được với các họa sĩ kể trên. Ít nhất, các soạn giả cũng dư biết hoạsĩ Võ Đình đã ở tại Maryland từ trước năm 1975. Theo tôi được biết, Họa sĩ Hiếu Đệ đi theo diện HO, nhưng ông đã có mặt ở Mỹ trước khi bộ sách này ra đời.
Chưa hết! Việc bỏ sót các nhà văn tên tuổi đang ở hải ngoại cũng được tác giả nhắc tới: Các nhà văn có tên tuổi trong nước trước 1975, khi ra ngoại quốc vẫn sáng tác, đã được trích trong bộ sách nhưng còn thiếu rất nhiều. Chỉ tạm kể một số thôi mà trong số này có nhiều người rất dễ tiếp xúc. Hãy tạm kể: Bình Nguyên Lộc, Duyên Anh, Vũ Khắc Khoan, Thanh Nam, Minh Đức Hoài Trinh, Duy Lam, Cao Thế Dung, Đỗ Tiến Đức, Trùng Dương, Lê Thị Ý, v (trang 76).
Bộ sách này còn nhiều chỗ đã được nhà văn Đặng Trần Huân nhắc tới, xin để qúi độc giả tự tìm hiểu thêm. Hãy lật qua trang khác, hứa hẹn còn nhiều điều lý thú hơn. Trong bài Lạm bàn về một bộ sách văn học (trang 223), tác giả viết: Năm 1986 Võ Phiến cho xuất bản Văn Học Miền Nam Tổng Quan được độc giả đón nhận với hảo ý, rồi cuốn sách được nhật tu và tái bản hai năm sau. Đây là cuốn đầu trong bộ sách mà Võ Phiến gọi là Hai Mươi Năm Văn Học Miền Nam 1954-1975 như ghi ở trang 5 cuốn tái bản 1988 (trang 223).
Tác giả vốn biết rằng nhà văn Võ Phiến là người làm việc rất cẩn trọng, nhưng ông cũng tìm thấy rất nhiều sơ hở trong bộ sách này: Mười ba năm sau, (trong sách nói mười tám năm sau, trang 501) năm 1999, nhà xuất bản Văn Nghệ, Westminster, CA cho trình làng sáu cuốn tiếp theo của bộ sách, một công trình tỉ mỉ và lâu năm. Vì là nối tiếp cho cuốn Tổng Quan sáu cuốn sau ngoài bìa mang tên Văn Học Miền Nam cho gọn. Riêng sáu cuốn có tên là VHMN này dày khoảng 2750 trang, bắt đầu từ trang 491 và kết thúc ở trang 3238.
Tại sao sáu cuốn Văn Học Miền Nam chính thức bắt đầu bài vở ở trang 501 trong khi cuốn Tổng Quan chỉ mới chấm dứt ở trang 328? (trang 224).
Tác giả còn nhiều điều phân tách về cuốn VHMN này, thiết tưởng để qúi độc giả tìm hiểu thêm thì thích thú hơn. Để kết thúc loạt văn học này, xin mời qúi độc giả đọc lời nhận xét rất chí lý của tác giả như sau: Hơn nữa bộ sách đã mang tên Văn Học Miền Nam thiết tưởng cũng nên nói tới những trào lưu, những tác giả đã gây xôn xao một dạo dù rằng có thể sau này chìm lắng. Để người đọc cũng có thể qua đó biết được cả mặt xôn xao mà hời hợt trong một giai đoạn văn học (trang 231).
Còn rất nhiều nhận xét rất lý thú và sâu sắc về nhiều lãnh vực và khiá cạnh của văn chương, chữ nghiã, xã hội, v.v chiếm hơn nửa cuốn sách mà vì trang báo có hạn nên người đọc không thể dẫn chứng hết được. Để kết thúc bài này, người đọc xin góp ý với tác giả về Người em đồng hao của Vũ Ngọc Phan (trang 185), tức học giả Hoàng Văn Chí, để đóng góp thêm một số dữ kiện mà người đọc đã được hân hạnh biết do sự quen biết.
***
Tôi di chuyển về Hoa Thịnh Đốn vào đầu năm 1979 và được quen biết Cụ Ông và Bà Hoàng Văn Chí vào năm đó. Đầu năm 1980, Cụ Chí đề nghị tôi tổ chức lớp diễn thuyết văn hóa và Cụ sẽ đảm trách phần thuyết giảng. Vì thế, tôi đã xin phép tiểu bang Maryland để thành lập Viet Club, Inc. và tự bỏ tiền túi ra mướn trụ sở ở đường Thayer Ave., Silver Spring, nằm cạnh trụ sở của Phật Giáo Hòa Hảo do Tu sĩ Thái Hòa làm Hội Trưởng. Lớp văn hóa này sinh hoạt được hơn một năm thì ngưng vì số người tham dự càng ngày càng ít hơn; và cũng vì một số anh em trẻ ở Virginia muốn Cụ Chí sang bên đó thuyết giảng để có nhiều người nghe hơn. Thế là Cụ Chí đã nghe theo lời của các anh em trẻ và tôi cũng cất được gánh nặng.
Cụ Ông và Bà Hoàng Văn Chí vẫn thường mời vợ chồng chúng tôi và 2 cháu nhỏ tới gia đình dùng cơm vào cuối tuần. Thường thì hai Cụ vẫn dành cho chúng tôi những bữa cơm gia đình, mà ít khi có sự hiện diện của người thân ruột thịt trong gia đình như vợ chồng Hoàng Việt Dzũng, Tiến sĩ Điện Toán, con trai của ông bà cụ, hay vợ chồng giáo sư Nguyễn Tường Vân, người rất gần gũi của gia đình.
Ông bà cụ vẫn thường hay tâm tình với chúng tôi về mọi khía cạnh trong cuộc đời lăn lóc gió sương của Cụ, từ lúc trọ học ở Hà thành chung nhà với Võ Nguyên Giáp, Martin đến gặp Võ Nguyên Giáp như thế nào, thời gian ở Việt Bắc đúc tiền cho VC làm sao, Ông Hồ Chí Minh thích cái gì, đệ nhất Cộng Hòa ra làm sao, thời gian làm Phó Lãnh Sự ở Ấn Độ, năm năm lưu vong ở Pháp đói khổ như thế nào, và sau cùng là thời gian làm việc cho Đài VOA ở Mỹ.
Theo lời Cụ Bà kể, quả đúng thân sinh của Cụ Bà là Cụ Lê Dư, biệt hiệu Sở Cuồng, quê quán ở Quảng Nam. Tên của cụ bà là Lê Hằng Phấn. Nếu tôi nhớ không lầm thì Cụ Bà Lê Hằng Phấn gọi cụ Phan Khôi bằng Cậu. Tôi chỉ được biết bà chị của Cụ Bà là Lê Hằng Phương, vợ của nhà văn Vũ Ngọc Phan, chứ không hề nghe Cụ nhắc tới cô em là Lê Hằng Huân. Mặc dù Cụ Ông có nhắc tới Tướng Nguyễn Sơn nhiều lần, nhưng không hề nhắc tới Lê Hằng Huân.
Cụ Chí sinh năm 1913, thuộc gia đình Nho giáo ở Thanh Hóa. Trong các khóa giảng văn hóa, Cụ Chí đã nhiều lần nhắc tới dân tộc Mường một cách say sưa và Cụ thường đề cập tới sự lợi ích của việc ăn cơm Nếp của người Mường. Mặc dù Cụ Chí không trực tiếp nói với tôi, nhưng qua cách nói của Cụ, tôi biết chắc rằng Cụ là người có gốc Mường.
Tác giả Đặng Trần Huân có nhắc tới các tác phẩm của Cụ Hoàng Văn Chí như sau: Năm 1999, khi đọc bài đính chính đăng trên báo Ngày Nay, anh Vũ Đoàn, một người bạn cũ ở vùng Hoa Thịnh Đốn viết thư cho biết bà Lê Hằng Phấn là phu nhân của nhà biên khảo Hoàng Văn Chí, tác giả những cuốn Tâm Trạng Của Giới Văn Nghệ Miền Bắc và Từ Thực Dân Tới Cộng Sản, cuốn sau đã có bản Anh, Pháp ngữ (trang 187). Sự thật thì tên của cuốn trước là Trăm Hoa Đua Nở Trên Đất Bắc do Mặt Trận Bảo Vệ Tự Do Văn Hóa (của Cụ Chí) xuất bản tại Sài Gòn năm 1959 và tên của cuốn sau là From Colonialism to Communism (nguyên tác bằng Anh ngữ, xuất bản năm 1964 tại New York), mà người đọc đã được Cụ Hoàng Văn Chí ký tặng. Cũng theo lời Cụ Chí nói với tôi thì cuốn From Colonialism to Communism đã được dịch ra 13 thứ tiếng, kể cả bản tiếng Việt có tên là Từ Thực Dân Đến Cộng Sản .
Về tác phẩm của Cụ Hoàng Văn Chí, tôi được biết như sau: Sau khi vào Miền Nam, Cụ Chí làm việc ở Sở Văn Hóa. Nhờ cơ hội này, Cụ thành lập Mặt Trận Bảo Vệ Tự Do Văn Hóa; đồng thời biên soạn cuốn Trăm Hoa Đua Nở Trên Đất Bắc (1959). Theo chỗ tôi được biết thì cuốn Trăm Hoa Đua Nở Trên Đất Bắc do Cụ Hoàng Văn Chí biên soạn, một phần lớn nhờ tài liệu của Tòa Đại Sứ Pháp và Anh cung cấp, phần còn lại là do thân nhân của Cụ Phan Khôi, chứ lúc bấy giờ Bộ Thông Tin của VNCH cũng còn đang mù mờ về phong trào Nhân Văn Giai Phẩm ở ngoài Bắc.
Trong thời gian đó, Cụ Hoàng Văn Chí có cộng tác với một số tạp chí văn hóa bằng tiếng Việt, Anh, Pháp và Hoa; đồng thời xuất bản tập truyện Phật Rơi Lệ. Cụ có một biên khảo về phong tục học nhan đề Đính chánh một định kiến sai lầm về nguồn gốc dân tộc Việt Nam đăng trong báo Ngày Mới ở Sài Gòn năm 1958. Theo cụ Chí cho biết thì, vì một lỗi lầm nào đó, khi bài này được dịch sang Anh ngữ và đăng trong tạp chí Asian Culture của Hội Liên-lạc Văn-hóa Á-châu, năm 1961, lại được ký tên là Nguyễn Đăng Thục, Hội Trưởng của hội văn hóa kể trên! Ngoài ra, Cụ Chí cũng đã xuất bản hai tác phẩm tại Sai Gòn trước khi đi Ấn Độ, đó là The Fate of The Last Viets (Hoa Mai, Sài Gòn, 1956) và The New Class in North Vietnam (Công Dân, Sài Gòn, 1958).
Nhờ vận động, năm 1959, Cụ Chí được đề cử giữ chức Phó Lãnh Sự Tòa Đại Sứ Việt Nam Cộng Hòa tại New Delhi, Ấn Độ. Một năm sau, Cụ ông cùng gia quyến bỏ sang Pháp sống cuộc đời lưu vong mất 5 năm ở Paris trong túng quẩn và nghèo khổ, có lúc gia đình phải gặm bánh mì mốc để dằn cơn đói. Cũng trong 5 năm gian khổ đó, Cụ Chí đã hoàn tất một tác phẩm để đời và được dịch ra 13 thứ tiếng (theo lời của Cụ Chí), đó là cuốn From Colonialism to Communism, nguyên tác bằng Anh ngữ do chính tay Cụ viết. Bản Việt ngữ có tên là Từ Thực Dân đến Cộng Sản, bản dịch của Mạc Định (1962). Bút hiệu Mạc Định là của Cụ Hoàng Văn Chí. Cụ Chí còn một tác phẩm dở dang, chưa kịp hoàn tất thì Cụ ngả bịnh qua đời (không nhớ rõ năm, 1986 hay 1987). Trưởng nam của Cụ Chí, Tiến sĩ Hoàng Việt Dzũng, sau đó đã cho ấn hành với tên là Duy Văn Sử Quan (1988).
***
Tác phẩm Chữ Nghiã Bề Bề của nhà văn Đặng Trần Huân (mặc dù tác giả khiêm nhường gọi là chuyện văn nghệ) là một tác phẩm phê bình rất có giá trị trong lãnh vực văn hóa và văn học. Bất cứ ở lãnh vực nào ông cũng đều phân tách một cách tỉ mỉ và sâu sắc. Điều gì biết thì ông nói là biết; điều gì viết sai thì ông nhận là sai và hiệu đính ngay; còn điều gì chưa biết thì ông nói là chưa biết. Tôi rất thích ở chỗ ngay thẳng của tác giả, vì có như thế người đi sau nếu có dẫn chứng những lời nói của ông thì cũng không sợ bị hố.
Cuốn Chữ Nghiã Bề Bề dày 250 trang, bìa màu rất đẹp, do Văn Mới xuất bản năm 2000.

Đặng Trần Huân, tác giả & tác phẩm

Nguyễn Mạnh Trinh

Nhà văn Đặng Trần Huân là một trường hợp đặc biệt của hai mươi năm văn học miền Nam và ba mươi năm văn học Việt Nam hải ngoại. Trước năm 1975, mặc dù là một sĩ quan thuộc Cục Tâm Lý Chiến phụ trách tòa soạn các tờ báo quân đội trong một thời gian dài nhưng chỉ xuất bản có vài tác phẩm như tập truyện ngắn Ngày Vui năm 1962, truyện dịch Hải Đảo Thần Tiên năm 1963, bút ký Thành Phố Buồn Thiu năm 1979, và tập truyện vui Chuyện Cấm Đàn Bà (hai tập) năm 1969 và Chuyện Vợ Chồng năm 1970. Sau năm 1975, ông bị tù “cải tạo” đến năm 1988, được trở về rồi năm 1992 thì định cư tại Hoa Kỳ theo diện HO. Chỉ trong 5 năm ông đã xuất bản liên tiếp ba tác phẩm dù tình trạng gia cảnh khó khăn, mỗi cuốn sách ra đời là cả một công trình thành quả từ những cố gắng. Ba tác phẩm ấy là bút ký Hành Trình Một HO xuất bản năm 1995, tập tạp văn Những Người Thích Dấu Huyền in năm 1998 và chuyện văn nghệ Chữ Nghĩa Bề Bề xuất bản năm 2000. Những tác phẩm của ông cuất bản ở hải ngoại dường như là từ những kinh nghiệm sống của ông từ những năm phải vật vã sống ở trong nước của một thời đại rất đặc biệt của lịch sử Việt Nam. Đọc những điều ông viết, độc giả có cảm giác đây là những chất chứa, những nỗi niềm của một người sau một thời gian dài cam chịu nay mới có cơ hội để phát tiết ra. Đây có thể gọi là những điều nếu không viết ra, không đụng chạm đến thì không thể nào chịu đựng nổi. Những sự kiện ấy thật gần cuộc sống, có nét chân thực, và được sự chia sẻ chung mang của những người cùng chung cảnh ngộ của một thời thế hỗn độn nhiểu nhương.

Ông sinh ngày 7 tháng 6 năm 1929 tại Bắc Ninh và mất ngày 21 tháng 3 năm 2003 tại thành phố El Monte, tiểu bang California, thọ 74 tuổi.

Ông viết tác phẩm đầu tiên ở hải ngoại, Hành Trình Một HO, trong một tình cảnh đặc biệt. Vốn sinh trưởng ở miền Bắc Việt Nam, chứng kiến ngày Việt Minh cướp chính quyền tại Hà Nội năm 1945, vào Nam sau hiệp định Genève năm 1954, ông là một sĩ quan chiến đấu trong quân đội quốc gia. Sau năm 1975 ông bị giam cầm hơn mười năm trời trong các trại tù Biên Hòa, Sơn La, Yên Bái, Nghệ An, Hàm Tân. Khi ra khỏi nhà tù Cộng Sản, ông đã trở lại và thăm Hà Nội trong một tháng để chứng kiến và quan sát đời sống tại đây. Và với những điều đã nghe, nhìn, tại thành phố này, lúc sang định cư ở Hoa Kỳ ông đã có nhiều chứng liệu xác thực cho văn chương của ông. Với trên hai mươi năm sống dưới chế độ cũng như sống ở trong nhà tù Cộng Sản, ông nhìn ra được những điều sâu xa khác với những cái tuyên truyền có chất hào nhoáng bên ngoài của một chế độ đầy khiếm khuyết, vô nhân dựa trên một chủ thuyết không tưởng. Tác phẩm Hành Trình Một HO như một cuộc đối chiếu với những nhận xét và tài liệu mà bạn bè ông, những người cùng chung cảnh ngộ với ông, vừa tới Hoa Kỳ chia sẻ. Cuốn sách đã cống hiến cho độc giả những phần sự thực của thảm cảnh quê hương Việt Nam bây giờ với tư cách là một chứng nhân khả tín. Đời sống ấy, hiện thực ấy nếu những người Việt mà chế độ trong nước gọi là Việt Kiều chỉ sống một thời gian ngắn ở xứ sở của mình có thể không nhận ra. Ông đã viết Hành Trình Một HO trong những ngày vừa chân ướt chân ráo đến Mỹ nên hoàn cảnh khá khó khăn. Ông kể về những cố công ấy của mình:

“Nhà tôi ở phía Đông Los Angeles xuống Westminster để trả bài tôi phải đi ba chuyến xe buýt mất gần bốn tiếng đồng hồ và lúc trở về cũng thời gian như vậy. Trong những tháng hè ngày còn dài và còn áp dụng giờ tiết kiệm, daylight saving time, đi xe buýt còn nhàn hạ nhưng từ cuối tháng Mười vặn lùi lại giờ đúng lúc trời lạnh và chóng tối nên nên đi rất vội vã. Tuy vậy tôi vẫn phấn khởi và hy vọng sách sẽ ra mắt kịp vào dịp Tết Ất Hợi tháng giêng năm 1995”

Tâm sự của ông, nỗi niềm của ông, có khi không phải là chuyện cá nhân riêng mình mà đã thành nét chung mang của những người chung thế hệ. Trong một thời kỳ mà “cột đèn đường cũng còn muốn vượt biên” thì con đường xin đi Mỹ theo diện HO có lẽ là phương cách rời bỏ quê hương tốt đẹp nhất so với cách chọn là thuyền nhân hay bộ nhân đầy nguy hiểm. Nhưng, cũng chưa hẳn là dễ dàng mà còn đầy những trắc trở mà người HO phải vượt qua…Đoạn trường ai có qua cầu mới hay, những sự kiện ấy, những đời sống ấy chính là những biểu tượng của một thời thế mà xã hội được chấm phá toàn bằng những nét đen tối nhưng con người ở trong hoàn cảnh ấy phải vận dụng để tồn tại để sống còn. Một chế độ làm tiền công khai người dân bằng đủ mánh khóe thủ đoạn và cả một hệ thống từ trung ương đến địa phương tha hồ đặt riêng ra những luật và lệ mà mục đích giản dị là để vơ vét.
Ký giả Hồ Nam trong tác phẩm viết chung với Vũ Uyên Giang “100 Khuôn Mặt văn Nghệ Sĩ” đã kể chuyện về nhà văn Đặng Trần Huân khi ông ra khỏi tù Cộng sản sống ở thành phố Sàigòn:

“…Tôi còn nhớ rất rõ sau khi đi tù “cải tạo” về, Đặng Trần Huân làm nghề buôn bán sách truyện “con nít” tại cổng mấy trường tiểu học ở Sàigòn. Cứ sáng sáng mỗi khi Đặng Trần Huân bầy hàng là đám học trò tiểu học con nhà nghèo xúm đông xúm đỏ lại đọc “cọp” truyện của Đặng Trần Huân nhiều hơn mua, nhưng mắt Đặng Trần Huân lại sáng lên có vẻ sung sướng lắm.
Thường thường, Đặng Trần Huân làm nghề bán sách mỗi buổi sáng không tới một giờ đồng hồ và cứ một ngày đạp xe đạp tới một trường tiểu học và luân phiên bảy ngày mới trở lại trường cũ. Bán sách xong Đặng Trần Huân thu sách ế bỏ vô túi đem đi uống cà phê ăn cơm tấm bì hay gặm một khúc bánh mì độ nhật qua ngày và sau đó lại đạp xe tới mấy “vựa” ve chai mua sách cũ để “làm hàng” cho ngày hôm sau. Theo Đặng Trần Huân thì cái thời gian đáng sống nhất trong một ngày của Đặng Trần Huân là thời gian tới các vựa ve chai lục lọi tìm mua sách cũ để làm hàng cho ngày hôm sau. Thời gian này Đặng Trần Huân đã được đọc “hầm bà lằng” đủ loại sách báo đông tây kim cổ và nhất là chuyện tiếu lâm.”

Sinh sống như thế thì thu nhập chắc cũng không khả quan gì mấy và chính từ chuyện kể của ký giả Hồ Nam để chúng ta thấy được những cuộc sống lây lất không ngày mai của những người tù cải tạo trở về sống trong một xã hội không hứa hẹn một chút gì tươi đẹp cho bản thân họ và gia đình họ. Tuyển tập tạp văn Những Người Thích Dấu Huyền tác giả vui chân đi từ đề tài này sang đề tài khác. Có chất văn học như bài viết về huyền thoại Tự Lực Văn Đoàn hay những hạt sạn trong văn chương phê bình nhẹ nhàng nhưng chính xác. Cũng có chất hiện thực cuộc sống như thắc mắc hai chữ HO từ đâu mà có hoặc những chuyện đầu Ngô mình Sở, hay có thể là những trang tự sự như chuyện những hạt sỏi trong hành trình HO hay “Trên xa lộ 10 Đông, ba mươi tám giờ ngồi,” một bút ký du lịch. Văn phong của tác giả Đặng Trần Huân nhẹ nhàng, ngôn ngữ ôn tồn nhưng sâu lắng. Thí dụ như khi ông viết Hà Nội Sáng Tạo Tiếng Việt có những đoạn như:

“Thành ra với văn tự Hà Nội thì người và vật dùng lẫn lộn hòa hợp hòa giải rất là đề huề. Người và vật đồng hóa với nhau, chung đụng với nhau. Lãnh tụ là Người, voi cũng là người. Có phải thế chăng mà những người Cộng sản từ Liên Xô cũ, từ Đông Âu sụp đổ cho tới Trung Cộng, Cuba, Bắc Hàn, Việt Nam đang hấp hối đều tôn thờ thuyết Darwin là loài người thoát thai từ khỉ. Và cũng vì thế mà một tạp chí Việt ngữ sống dai nhất trong lịch sử báo chí Việt Nam tự do khi nói về Cộng sản Hà Nội đã xếp vào chuyên mục Từ Người Xuống Vượn, Từ Vượn Lên Người.”

***

Tác phẩm Chữ Nghĩa Bề Bề có những bài viết liên quan đến văn học và tác giả đã nói rõ tâm cảm cũng như mục đích của ông:
“Trong những lá thư độc giả cũng có nhiều vấn đề được nêu lên, người viết xin có đôi lời trần tình. Có vị nói viết như mục này không phải là phê bình văn học. Xin thưa, ngay mấy tiếng phê bình văn học nghe đao to búa lớn quá kẻ này không đủ khả năng và không dám nhận.
Mục đích của người viết – nằm ở một nơi xa thị tứ thiếu tài liệu tham khảo – chỉ tình cờ đọc được cuốn sách hoặc xem được cuốn phim, nghe được bài hát nào thấy là lạ thì phát biểu ý kiến về tác phẩm đó, ý kiến của một độc giả, một khán thính giả có trình độ kiến thức trung bình như đa số. Vì vậy có khi chỉ nói lên sự thích thú hay nỗi bực mình chủ quan với cả tác phẩm, có khi chỉ là góp ý cho một câu, một đoạn mà thấy cần phải nêu lên. Cũng không câu nệ là tác phẩm mới ra hay đã cũ mèm. Không cứ mới mà hay và cũ như Kiều mà dở. Cũng như bây giờ mới được đọc thì cũ người mới ta, coi xong phải xuýt xoa hay nhăn nhó. Cũng như không phải một ca khúc được chính tác giả trình bày thì hay hơn người khác. Có khi tác giả chỉ giỏi về sáng tác mà không có giọng ca trời cho. Mà người đi xem vì ái mộ nhà soạn nhạc nên muốn thấy cái dung nhan mùa hạ.
Chính khi nói với vài bạn trong giới văn nghệ về mục này có bạn thân chỉ ở cách vài dặm đã cười hề hề và nói:
– Ông viết như thế thì bố ai dám gửi sách cho ông để ông mang ra diễu hả!”

Đúng là ngôn ngữ nửa thật nửa chơi. Nhưng trong cuốn Chữ Nghĩa Bề Bề có nhiều bài viết rất đứng đắn. Tác giả đặt vấn đề với sự cẩn trọng nhất là có sự nhận định về những cuốn sách hay đề cập đến những tác giả. Rõ ràng, với sự công tâm và cố gắng bớt đi sự chủ quan thiên kiến. Tác giả cũng là một người đi tìm cái đẹp cho văn chương và cái hay cho ngôn ngữ. Và ông cũng sẽ lắng nghe những phê phán nếu có.…
Thời gian mà nhà văn Đặng Trần Huân mất, thì trước đó nhà văn Long Ân cũng đã qua đời. Chỉ trong vài tháng, tôi mất đi hai người khá gần gũi. Một người là anh Long Ân, thường hay chuyện trò bù khú với nhau, sau một tai nạn, đã ra đi, đột ngột và đau xót.
Ngày cúng thất tuần của anh ở chùa Việt Nam, thì gặp anh Đỗ Tiến Đức cho biết là anh Đặng Trần Huân vừa vào bệnh viện và chắc không qua khỏi được trong vài ngày gần đây. Tự nhiên, tôi thấy có một cái gì mất mát. Trước đây tôi đã biết anh Đặng Trần Huân từ lúc còn ở Saigòn. Anh là người hàng xóm của ông anh cả tôi ở trong cư xá ở bên cạnh trại cảnh sát dã chiến mà tụi tôi hay gọi là thành Amac. Lúc đó anh là một ông sĩ quan già lọc cọc chiếc Honda sớm chiều đi về. Mấy người trong cư xá thì gọi ông là ông nhà báo lính hay ông “Chuyện cấm đàn bà”. Sở dĩ ông có biệt hiệu ấy là bởi vì những bài viết mang nhan đề ấy trên báo chí quân đội như Chiến Sĩ Cộng Hòa và sau tuyển chọn lại in thành một cuốn sách bán rất chạy, tái bản vài ba lần và làm ông nổi tiếng.
Có lẽ, tụi trẻ tụi tôi lúc ấy cũng chưa để ý lắm. Chúng tôi còn bận làm dáng với sách triết học Phạm Công Thiện hay lãng mạn với thơ Nguyên Sa, Thanh Tâm Tuyền, hoặc mơ mộng với văn xuôi Võ Phiến, Mai Thảo.…Tuổi trẻ thường nhìn văn chương như những cánh cửa mở vào những khung trời lạ, đôi khi chỉ có trong tưởng tượng.
Chiến tranh càng ngày càng khốc liệt, năm Mậu Thân, tôi vào lính. Sau đó, chúng tôi mới có dịp làm quen với những tờ báo như Lý Tưởng, Tiền Phong hoặc Chiến Sĩ Cộng Hòa. Đặc biệt trên tờ Chiến Sĩ Cộng Hòa, tôi đã đọc những chuyện vui cười, cũng thấy hay hay, và hiểu thêm được cái ngôn ngữ Trạng Quỳnh mà nhà văn Đặng Trần Huân hiển lộng. Và, hình như tôi cũng rất lạ lùng là một nhà xuất bản cực kỳ đứng đắn là nhà xuất bản “Sáng Tạo” của một nhà văn cũng cực kỳ mô phạm là nhà văn Doãn Quốc Sỹ, đã in “Chuyện cấm đàn bà” rồi tái bản tới bốn lần. Có lẽ, đó là một chuyện khá độc đáo thời đó. Nhà văn Đặng Trần Huân thật thà kể lại trong sự hồi nhớ của mình:

“Năm 1969 tôi gom những chuyện đắc ý nhất để in thành sách. Tôi bàn với Duyên Anh, anh rất tán thành nhưng lại không khoái cái tên Chuyện Cấm Đàn Bà mà tôi chọn. Cả hai trang truyện tiếu lâm mà Duyên Anh yêu cầu tôi viết cho Con Ong số xuân năm đó khi đăng anh cũng không đề tên Chuyện Cấm Đàn Bà mà đổi nhan đề thành Chuyện Cấm Cười.
Tôi thì rất thích tên mà tôi đã chọn vì cho đó là một cái tên úp mở gợi sự tò mò của nữ độc giả và cũng là một cái mộc che những chuyện dâm. Năm 1962 và 1963 tôi đã xuất bản hai tập truyện nhưng bán chậm nên lần này muốn có tên một nhà xuất bản cho thêm uy tín. Lúc đó, Tô Thùy Yên là trưởng phòng văn nghệ Cục Tâm Lý Chiến và chủ trương nhà xuất bản Hồng Lĩnh (do tên thực Nguyễn Thị Băng Lĩnh bút danh Thụy Vũ, đệ nhị phòng của anh) Tôi đề nghị anh xuất bản Chuyện Cấm Đàn Bà thì anh nói với tôi điều kiện kiểm duyệt không bị bỏ bài nào. Tôi còn phân vân thì anh đổi ý trả lời là Hồng Lĩnh chỉ xuất bản sách văn nghệ không thể in truyện tiếu lâm.

Tôi gặp anh Doãn Quốc Sỹ chủ nhà xuất bản Sáng Tạo, một nhà xuất bản lâu năm nhưng ít vốn. Sau khi chuyện trò. Biết anh không có đủ khả năng in một số lượng lớn tôi đề nghị mượn tên nhà xuất bản của anh. Doãn Quốc Sỹ cười:
– Nếu anh có tiền in thì đâu có hề gì, anh cứ việc để tên Sáng Tạo miễn là phải in ấn cho đẹp như sách của Sáng Tạo. Rồi anh cười ha hả:
– Tiếu lâm cũng là văn hóa chứ sao!”
Tháng Tư đen, rồi cả nước vào tù, không ở trong hộp lớn thì cũng hộp nhỏ. Như tất cả các sĩ quan VNCH anh Đặng Trần Huân cũng rời cư xá ở đường Trần Quốc Toản để đi “cải tạo” tới hơn chục năm. Tôi thì cũng vậy, dù đi tù ít năm hơn và vượt biên tới Mỹ trước hơn. Mười mấy năm sau, những đợt HO đã mang anh tôi cũng như anh Đặng Trần Huân định cư xứ người. Và, chúng ta có thêm “Hành Trình Một Hát Ô”, một bút ký ghi lại trung thực những mảnh đời sống của những người chậm bước đến sau. Đọc những trang sách, như một chứng tích ghi lại một thời thế mà ở đó, chúng ta đã có những chọn lựa bất ngờ cho cuộc đời. Làm lại cuộc đời giữa tuổi về chiều, dĩ nhiên, ai mà chẳng xao động. Con đường nhân sinh chắc chắn không phải trải toàn gấm hoa. Áo cơm sinh kế đã mệt nhoài huống chi còn nghiệp văn chương đeo đuổi. Một thời những tâm tư được giãi bày, không mặc cảm và chân thành. Người sau đọc lại những trang sách này sẽ hiểu thêm được những khó khăn của những người đi tìm đất sống.
Sau bữa cúng thất tuần anh Long Ân, tôi và anh Hoàng Khởi Phong cũng là một người cũng có lúc ở cư xá Trần Quốc Toản lên thăm anh Đặng Trần Huân ở nhà thương. Anh Đỗ Tiến Đức đã dặn là nếu chậm thì không kịp nữa. Anh Huân vẫn còn tỉnh táo và vẫn hứng khởi khi nói chuyện sách vở văn chương. Anh nhắc đến cuốn sách của nhà văn Hoàng Hải Thủy vừa xuất bản và dù anh bệnh hoạn vẫn viết một bài đọc sách nhiều chia sẻ. Anh cũng nhắc đến bài viết “Cắt chỉ văn chương” mà anh có đụng chạm đến nhiều người. Anh nhấn mạnh rằng chính vì quý mến và trân trọng nên anh mới có những góp ý chân tình như thế. Hình như trong bài phỏng vấn của tôi về cuốn sách “Chữ nghĩa bề bề” anh cũng tỏ bày tương tự.
Trong khi nói chuyện, tuyệt nhiên tôi không tìm được một nét nào của một người sắp xuôi tay đi về cõi khác. Anh vẫn hăng say nói về những suy nghĩ của mình cả tiếng đồng hồ. Chúng tôi nhận được sự nâng niu văn chương của anh qua những diễn tả. Cũng như khi đề cập đến hiện trạng trong nước, anh đã mang kinh nghiệm sống của mình để thấy tiếc nuối cho một đất nước bị quá nhiều nghịch cảnh.
Tôi biết anh nặng lòng với bút mực hơn ai hết. Anh đã in được 3 cuốn sách khi sống ở hải ngoại: Hành Trình Một Hát Ô, Những Người Thích Dấu Huyền, Chữ Nghĩa Bề Bề. Không biết với những tác giả khác ra sao chứ tôi biết rõ mỗi cuốn sách của anh là cả những công trình. Như chuyện anh cư ngụ ở xa khu vực Tiểu Saigòn, không có xe phải đón bus mỗi lần đi từ sáng sớm đến tối mịt mới về. Rồi không kể sự chật vật tiền bạc, những tác phẩm ra đời với anh là một sự hy sinh ghê gớm. Tôi nghĩ văn học Việt Nam ở hải ngoại mà còn tồn tại được đến bây giờ là do những đóng góp và hy sinh của những người cầm bút mà anh Đặng Trần Huân là một người trong đó. Ở đời sống này, ngồi vào bàn viết, trước những tờ giấy trắng, sao cô đơn quá đỗi. Có lúc, trong suy tư là một bãi sa mạc cô liêu không người hưởng ứng. Có phải chúng ta đang ở trong chợ chiều của chữ nghĩa? Có một nền văn học lưu vong hay không và chúng ta còn tồn tại được bao nhiêu thập niên? Những câu hỏi làm buồn lòng những người có tâm huyết. Nhưng mỗi ngày vẫn có những cuốn sách ra đời và những bàn viết vẫn sáng đèn đến tận buổi khuya. Dù rằng có tình trạng vàng thau lẫn lộn nhưng nhìn thêm một cuốn sách mới ra đời là chúng ta lại có cảm tưởng gốc rễ của cây văn chương hải ngoại có thêm nhựa sống.
Anh Đặng Trần Huân, bài viết này có hơi muộn màng. Những cuốn sách vẫn nằm im trên kệ, có một lớp bụi mỏng. Đã gần tám năm anh đi vào cõi miên viễn. Bây giờ, cảm xúc đã lắng đọng sau một thời gian, em viết những dòng chữ này không ngoài một mục đích nêu lên một trường hợp của một người cầm bút yêu văn chương và bất chấp những khó khăn để theo đuổi cái nghiệp của mình.
Hình như, ngày anh khởi hành đi vào một thế giới khác có tiếng hát “opera” đưa tiễn anh. Tiếng hát đã vút cao trong ngày tiễn đưa hôm đó. Trời đang xanh nắng và ở mút tầng trời có những cụm mây. Em chắc anh đang lãng đãng ở trên ấy. Những cuốn sách ngàn trang đang giở ra. Và ở trong đó, có phần nào ghi chép từ “Chuyện Cấm Đàn Bà “, “Hành Trình Một Hát Ô”, “Những Người Thích Dấu Huyền”, hay “Chữ Nghĩa Bề Bề.”…Chắc là phải có? Bởi, những dòng chữ như vậy phát xuất từ một trái tim rất Việt Nam và yêu đất nước dân tộc như yêu chính bản thân mình.

Đọc văn Đặng Trần Huân

Lạm bàn về một bộ sách văn học

Năm 1986 Võ Phiến cho xuất bản Văn Học Miền Nam Tổng Quan được độc giả đón nhận với hảo ý, rồi cuốn sách được nhật tu và tái bản hai năm sau. Đây là cuốn đầu trong bộ sách mà Võ Phiến gọi là Hai Mươi Năm Văn Học Miền Nam 1954 – 1975 như ghi ở trang 5 cuốn tái bản 1988.
Lý do cuốn Tổng Quan được hoan nghênh và nghe đâu đang sắp in lần thứ ba vì trong đó Võ Phiến cho độc giả những nhận xét tổng quát mà khá đủ về mọi sinh hoạt văn học Việt Nam Cộng Hòa từ độc giả, tác giả, ngành xuất bản cho tới các giai đoạn, các bộ môn văn học. Phần cuối ông đã dành hơn ba chục trang tiểu sử và tác phẩm của nhiều nhà văn khiến ta nhớ tới cuốn Tiểu Truyện Các Tác Gia Hiện Đại của Trần Phong Giao do nhà xuất bản Lá Bối đang in dở dang vào đầu năm 1975 thì giữa đường đứt gánh.
***

Biên khảo là một loại sách kén chọn độc giả nhưng với thành công ban đầu như vậy là một điều phấn khởi và độc giả chờ đợi những cuốn kế tiếp mà Võ Phiến hứa hẹn với sự làm việc cẩn trọng vốn có của ông.
Mười ba năm sau, (trong sách nói mười tám năm sau, trang 501) năm 1999, nhà xuất bản Văn Nghệ, Westminster, CA cho trình làng sáu cuốn tiếp theo của bộ sách, một công trình tỉ mỉ và lâu năm. Vì là nối tiếp cho cuốn Tổng Quan sáu cuốn sau ngoài bìa mang tên Văn Học Miền Nam cho gọn. Riêng sáu cuốn có tên là VHMN này dày khoảng 2750 trang, bắt đầu từ trang 491 và kết thúc ở trang 3238.
Tại sao sáu cuốn Văn Học Miền Nam chính thức bắt đầu bài vở ở trang 501 trong khi cuốn Tổng Quan chỉ mới chấm dứt ở trang 328? Theo chúng tôi nghĩ có thể tác giả chừa lại một số trang để sau này nếu cần bổ túc cho cuốn Tổng Quan thì khỏi phải có những trang bis hay ter. Sống ở Mỹ, ảnh hưởng văn hóa Mỹ thì cách đánh số trang cũng theo cách đánh số nhà rất thực dụng của Mỹ. Ta không lạ khi thấy có những con đường mà nhà đầu mang số 1, nhà cuối mang số 500 chẳng hạn nhưng đếm chỉ có 400 nhà vì số nhà đánh cóc nhẩy để chừa cho những nhà sắp xây hoặc chẳng bao giờ xây (* 4).
Cũng như ở Mỹ người Giao Chỉ phải nói pha trộn tiếng Mỹ. Như một diễn giả sinh trưởng tại Việt Nam tuổi cũng quá tứ tuần diễn thuyết cho đồng bào Việt lại mở đầu rằng: ATôi xin trình bày sáp dếch này nó liên quan tới pô ly tích và ê cô nô mích, để chứng minh là Việt cộng không tôn trọng cái hiu mân rai của người dânA. Sống ở Mỹ nói pha tiếng Mỹ cho ra vẻ thời thượng. Và nói như ngôn ngữ Việt cộng thì: “Cũng tốt thôi!”
Sáu cuốn Văn Học Miền Nam gồm ba cuốn 1, 2, 3 nói về truyện, cuốn 4 ký, cuốn 5 tùy bút, kịch và cuốn 6 thơ. Sáu cuốn sau này là một hợp tuyển, trích những bài văn của nhiều tác giả để người đọc vì thiếu sách có thể thưởng thức được một mẫu tác phẩm của đa số tác giả mà nay không có điều kiện tái bản. Chủ yếu của soạn giả là giới thiệu những tác phẩm cho nên trong gần 3000 trang sách phần trích tác phẩm chiếm khoảng trên 65%, phần còn lại soạn giả phê bình nhận xét từøng tác giả trước khi trích đăng tác phẩm của họ.
Có những bài Võ Phiến viết cách đây chừng vài chục năm từ 1962, 1963, 1973 khi giới thiệu Linh Bảo, Đỗ Tấn, Trần Thị NgH . . . (869, 2852, 1531) nhưng đa số là những nhậân xét viết sau 1975 khi ông đã ra hải ngoại, có những bài viết ngay đầu năm 1999 như khi nói về Vương Hồng Sển, Nguyễn Đình Toàn . . .(2283, 2953).
Khi giới thiệu mỗi tác giả từng bộ môn cũng có sự dài ngắn khác nhau. Viết về Doãn Quốc Sỹ, Võ Phiến đã bỏ ra tới 44 trang (573), Thế Uyên, Thanh Tâm Tuyền, Nhất Linh. . . . đều trên hai chục trang trong khi nhiều văn, thi sĩ khác chỉ được nhắc tới trong hai trang như Nguyễn Mạnh Côn, Nguyễn Thị Vinh, Giản Chi, Văn Quang . . . (1037, 1137, 2879, 1655) thậm chí Dương Hùng Cường, Tuyết Hương . . . chỉ có vài câu (688, 1627).
Về điểm này Võ Phiến đã nói ngay từ đầu là chuyện viết về một người dài hay ngắn không nhất thiết phản ảnh một sự đánh giá nào (504). Tuy nhiên rất nhiều người đọc – có thể vì thiếu tinh thần tự lập chăng – nên vẫn cứ bị ám ảnh với cách đánh giá của nhiều soạn giả từ điển Tây phương.
Đã có những soạn giả cân nhắc rất kỹ sự lựa chọn người để ghi vào sách và tính toán từng giòng khi nói về một nhân vật. Nếu tôi không lầm thì cuốn từ điển nhỏ Petit Larousse Illustré rất phổ biến của Pháp, mỗi năm in lại một lần, bốn năm có bổ sung, khi phát hành ấn bản 1960, có tờ báo văn học Pháp đã tỏ ra mừng rỡ khi thấy trong cuốn mới này đã có hai tài tử điện ảnh Fernandel và Brigitte Bardot. Nhưng cô đào khêu gợi không có tên chung với các danh nhân khác mà chỉ có tên dưới bức tranh in cạnh tên họa sĩ Van Dongen là tác giả bức chân dung. Người Pháp rất dè dặt trong việc lựa chọn nghệ sĩ điện ảnh trong khi lại rộng lượng với các diễn viên kịch nghệ. Cho tới ấn bản kể trên hình như tài tử điện ảnh chỉ có hai người trong từ điển Petit Larousse Illustré là Charles Chaplin và Fernandel.
Người đọc sách cũng như người nghe hát thường hay có thói quen so sánh với những tác phẩm đi trước, trình bày trước và đó cũng là một trong những bất lợi cho người sáng tác sau khi mà tác phẩm trước xuất hiện lúc thể loại đó còn hiếm hoi và đã từng gây ấn tượng mạnh tới người thưởng ngoạn.
Võ Phiến sắp xếp các tác giả được đề cập theo thứ tự ABC và phân loại theo các bộ môn. Khi Vũ Ngọc Phan viết Nhà Văn Hiện Đại ông xếp theo tác giả, vì vậy mỗi tác giả chỉ được kể tới một lần trong bộ môn xuất sắc nhất, rồi ở cuối bài mới nói tới những bộ môn khác mà ông cho là kém quan trọng. Hoài Thanh, Hoài Chân viết Thi Nhân Việt Nam sau gần năm chục trang giới thiệu tổng quát Một Thời Đại Trong Thi Ca mới lần lượt nói từng nhà thơ với lời nhận xét tiểu sử, trích thơ và có cả ảnh các tác giả. Nhiều tuyển tập thi ca sau này gom các tác phẩm của người khác không giới thiệu, không tiểu sử thì cuốn sách chỉ thuần túy là một hợp tuyển, soạn giả chỉ có công gom và chọn theo ý riêng mình để đem in.
Sáu cuốn VHMN cũng giống như một hợp tuyển bổ sung cho cuốn Tổng Quan nhưng Võ Phiến có công phu đọc và giới thiệu từng tác giả trước khi trích in. Có những tác giả được nói tới trong ba cuốn khác nhau như Vũ Khắc Khoan, Thanh Tâm Tuyền, Nguyễn Đình Toàn, Nhã Ca . . . hay trong hai cuốn khác nhau như Mai Thảo, Lê Tất Điều . . . trong khi có nhiều vị cũng viết nhiều thể loại nhưng Võ Phiến chỉ lựa chọn một bộ môn như Nhất Linh, Nguyễn Thị Hoàng, Hà Thúc Sinh . . . Do đó trong phần truyện nói tới 50 tác giả, ký 22, tùy bút 4, kịch 10, thơ 32 nhưng không thể đơn giản cộng những con số đó lại để nói rằng Võ Phiến đề cập tới 118 tác giả.
Sự lựa chọn của Võ Phiến khiến ta nhớ tới một câu trong bài Những Chuyến Xe Trong Đời của nhạc sĩ Lê Mộng Bảo mô tả cuộc đời từ đứa trẻ nằm trong xe nôi tới người từ giã cõi thế nằm trong xe tang. Đoạn giữa cuộc đời chuyến xe mà người phụ nữ mong đợi là chiếc xe hoa mà nàng hồi hộp bước lên. Nhưng có phải ai cũng bước lên vui vẻ đâu. Bởi vì: Duyên tơ, có người chỉ một xe đầu, có người vài lần thương đau, có người chẳng bao giờ đâu!
Khi giới thiệu Mai Thảo và Thế Uyên, Võ Phiến đã nhấn mạnh về khía cạnh phóng túng trong tác phẩm của hai tác giả này. Oâng phân tách thái độ những nhân vật trong Mười Đêm Ngà Ngọc và Cửa Trường Phía Bên Ngoài mà Mai Thảo đã tuyên ngôn ca tụng tình yêu với nhân vật là những người chồng, người vợ bỏ người hôn phối, bỏ con cái đểâ bay lên trời cao, ca hát giữa vùng ánh sáng với những người tình mới (900, 901, 902). Khi nói về Thế Uyên, Võ Phiến tốn nhiều giấy mực về khía cạnh dục tình. Ôâng dẫn chứng bằng những sự kiện của nhân vật trong truyện Thế Uyên như con gái dậy đứa nào cũng dâm nhưng sợ đau, những chuyện liên quan tới giao hợp hay không giao hợp giữa những cặp nhân tình, với em nhỏ mười sáu tuổi, trong hầm trú ẩn nấp bom đạn, dưới gầm giường v . v . . . (1481).
Bởi đâu Võ Phiến lại thắc mắc nhiều đến thế? Phải chăng vì là một người đã lớn tuổi, đã quen cái đạo lý trọng những nền tảng tinh nhần của Việt Nam xưa cũ ông đã không thể thích hợïp với lối sống của xứ sởû mới mà ông đang sống. Giở báo ra ta thấy súng ống là trò chơi hợp pháp, trẻ lên ba mang súng của bố ra chơi, mười một tuổi xách súng bắn chết năm người, đàn ông lấy đàn ông, đàn bà lấy đàn bà được hợp pháp hóa ở một số tiểu bang, một trăm năm mươi phụ nữ cởi truồng giữa đường phố đông người qua lại. Mở ti vi thì thấy những chuyện loạn luân, dâm dục, sa đọa của trai gái vị thành niên, chuyện đổi vợ đổi chồng công khai, chuyện không quen biết bỗng nhiên được giới thiệu và cấp tiền cho đi ngủ khách sạn với nhau, chuyện triệu phú tuyển vợ khi hàng vài chục thiếu nữ chưa quen biết lượn trước mặt để ông lựa chọn như một chợ gà trong các chuơng trình ti vi chiếu trên cả nước như Jerry Springer, Change of Heart, Blind Date, Who Wants to Marry a Multimillionaire v. v . . . Phải chăng vì lo sợ cho thế hệ thiếu niên Việt Nam quên nền đạo lý Việt Nam cũ nên ông đã nhắn khéo các tác giả Việt Nam đừng đổ dầu thêm nữa.
Khi nói tới một tác giả, Vũ Ngọc Phan theo cách viết mà các tác giả ngoại quốc áp dụng từ lâu nghĩa là viết nguyên tên họ hay biệt hiệu Nguyễn Du, Tú Xương, Khái Hưng mà không có những chữ cụ, ông, bà hay anh, chị đi kèm đằng trước vì nhà văn đủ mọi lứa tuổi và giới tính. Nên khi gọi đủ tên họ là một vinh dự cho danh nhân rồi giống như khi lấy tên những vị đó đặt tên đường hay những công trình to lớn. Hầu hết nhà văn, nhà báo của ta mặc nhiên chấp nhận điều đó.
Võ Phiến nói ông chỉ gọi các nhà văn bằng hai tiếng ông, bà khi đứng một mình không kèm theo tên họ hay bút hiệu trừ Lê Tất Điều, Nguyễn Mộng Giác ông gọi trống không là Điều, Giác vì là bạn thân lâu năm (819, 824). Quy định này ông áp dụng ngay cả với nhà văn đã quá cửu tuần Vương Hồng Sển (2283- 2288). Tuy nhiên ông cũng phá lệ rất nhiều lần khi thêm những tiếng ông, cụ trước họ tên với khá nhiều nhà văn trẻ hơn như ông Bình Nguyên Lộc, ông Mai Thảo, ông Phan Tùng Mai, cụ Vi Huyền Đắc v. v . . . (515, 896, 2563)
Nhưng cái phần của VHMN khiến cho một số độc giả không mấy hài lòng có lẽ chính ở sự lựa chọn tác giả nào để đưa vào sáu cuốn VHMN. Có người thắc mắc vì sao còn thiếu nhiều nhà văn, nhà thơ đã có những tác phẩm xuất sắc chẳng hạn như Đoàn Thêm, Cung Trầm Tưởng, Hà Huyền Chi, Du Tử Lê v. v . . .
Cũng biết trước là sẽ có người phiền trách về điều đó nên ở trang 506, 507 ông đã trình bày sự thiếu sót sẽ có của ông. Ông viện dẫn người đi trước là Vũ Ngọc Phan và Hoài Thanh. Thực ra thì bộ Nhà Văn Hiện Đại hay cuốn Thi Nhân Việt Nam không phải là toàn bích, (mà làm sao có được một tác phẩm toàn bích dù rằng viết bởi nhiều người?). Đã có dư luận cho rằng Vũ Ngọc Phan thiếu vô tư khi bỏ quên Nguyễn Bính mà chọn Nguyễn Giang. Khi chọn Tô Hoài mà quên Nam Cao dù rằng khi đó tài của hai người không biết ai hơn ai khiến nhiều người nói Vũ Ngọc Phan thiên vị vì Tô Hoài khi đó viết cho báo Hà Nội Tân Văn mà ông là chủ bút.
Võ Phiến đã lựa chọn những tác giả để giới thiệu vào bộ sách của ông theo nhận xét chủ quan và theo những sách mà ông đọc được. Vì thế cũng có thể có những tác giả thân quen được ông đọc đầy đủ, thấy được cái hay, mà có những cuốn sách hay mà ông vô tình không được biết. Chắc chắn là ông đọc đầy đủ tác phẩm của Nguyễn Mộng Giác, Hoàng Ngọc Tuấn, Lê Tất Điều, Võ Chân Cửu . . . là những người cộng tác thân thiết với ông hoặc là cùng quê hương Bình Định. Thì cũng như Vũ Ngọc Phan hiểu sâu sắc những người cộng tác trong Hà Nội Tân Văn hay Nhất Linh phát hiện sớm và hiểu sâu sắc các cộng tác viên Phong Hóa, Ngày Nay hay những người thân trong đại gia đình.
Hơn nữa bộ sách đã mang tên Văn Học Miền Nam thiết tưởng cũng nên nói tới những trào lưu, những tác giả đã gây xôn xao một dạo dù rằng có thể sau này chìm lắng. Để người đọc cũng có thể qua đó biết được cả mặt xôn xao mà hời hợt trong một giai đoạn văn học.
Có thể nói một trong những khó khăn nhất của người viết phê bình văn học vẫn là sự lựa chọn ai để đưa vào sách, đánh giá sao vừa ý mình mà lại hợp lòng đại đa số độc giả, được độc giả cho là hợp ý. Đó cũng là chuyện làm dâu trăm họ, mang lấy nghiệp thì đành chịu mọi búa rìu.
Phương tiện truyền thông tân tiến hơn thì ý kiến, dư luận cũng phổ biến nhiều cách hơn và sâu rộng hơn. Sau khi bộ sách ra đời hẳn Võ Phiến đã đọc nhiều bài nói về công trình của ông, trên báo chí, phát thanh, trên internet. . .
Lời khen, lời giới thiệu dè dặt thường xuất hiện trên báo chí nhưng lời lẽ mạnh bạo nặng nề thường xuất hiện trên internet, phương tiện truyền thông không ai phủ nhận được là tối tân nhất hiệân nay. Ngoài những công dụng hữu ích vô tiền khoáng hậâu, internet cũng là con dao hai lưỡi vì cái tự do tuyệt đối của nó. Không ai kiểm duyệt, không có ông chủ bút, chủ nhiệm nào có quyền ý kiến gì về bài của mình cả. Mình là tác giả kiêm chủ nhiệm, chủ bút tự mình phóng bài lên mạng lưới chả ai ngăn cấm. Thế nên mới có những chuyện làm tình, chuyện kiểu bảy đêm khoái lạc như vụ Monica Lewinsky được những người đại diện dân cho phép phóng lên, những tuyên ngôn đao to búa lớn chẳng biết thực chất ra sao kêu gọi thế giới, những quảng cáo khoác lác, những bài chửi nhau chát chúa tay đôi, tay ba của các đoàn thể hay cá nhân tung hoành qua không gian. Phải chăng người phát minh ra máy điện toán đã nhìn thấy mặt xấu của nó nên phải ngăn ngừa lạm dụng khi đặt ra nút delete và một thùng rác điện tử mang tên tiếng Anh là recycle bin.
Với cuốn Tổng Quan ra đời mười ba năm trước và 6 cuốn tiếp theo gần đây bộ Văn Học Miền Nam dù sao vẫn cần có trong tủ sách để chúng ta có một số tài liệu tìm hiểu về văn học quốc gia giai đoạn đệ nhất và đệ nhi cộng hòa ở miền Nam.
Cộng sản tịch thu, đốt bỏ các tác phẩm của miền Nam. Bây giờ họ còn khôn khéo hơn, cho in lại một số rất nhỏ những văn phẩm cũ cho ra vẻ tự do, hòng xóa đi tội đốt sách sau 30. 4. 75 nhưng trong kế hoạch trường kỳ, họ vẫn ngấm ngầm triệt hạ nền văn học miền Nam.
Trong thực trạng ấy nếu phía chúng ta không có người làm công việc soạn thảo những sách về một nền văn học đã qua và nếu không có người góp ý, ai ai cũng thờ ơ, chẳng làm gì cả mà chỉ ngồi chỉ trích thì lớp trẻ sau này lấy gì để biết về văn học miền Nam đã kéo dài và rạng rỡ suốt hơn hai chục năm ở phần đất chưa rơi vào tay cộng sản.

Bảy vì tinh tú

clip_image004

Tranh Nhất Linh

Chỉ mới thành lập năm 1933 mà tổ chức Tự Lực Văn Đoàn tưởng như đã xa xưa lắm vì cho tới nay có lẽ vẫn chưa có ai trả lời ngay được là văn đoàn này gồm có những ai? Về sau có thêm bớt ai không? Những người liên quan tới TLVĐ có một số còn sống nhưng mỗi người nói một cách có khi mâu thuẫn nhau chẳng biết đâu mà tin. Một văn đoàn có tác phẩm để đời quá nhiều ảnh hưởng sâu đậm tới văn hóa Việt Nam, thế mà thành phần nhân sự của nó tới nay vẫn mù mờ như huyền thoại. Độc giả giở sách báo cũ hay một vài hồi ký ra để tìm hiểu thì càng mung lung hơn và bắt đầu đi vào mê lộ.
Điều mà ta biết chắc chắn là TLVĐ chính thức thành lập khi tôn chỉ đường lối hoạt động được công bố trên báo Phong Hóa số 87 ra ngày 2. 3. 1933 và căn cứ trên dòng chữ Trong Tự Lực Văn Đoàn dưới tên tác giả mỗi cuốn sách, độc giả đếm thấy TLVĐ gồm có sáu người là Nhất Linh, Khái Hưng, Hoàng Đạo, Thạch Lam, Thế Lữ và Tú Mỡ.
Sau 30. 4. 1975 nhiều người Việt chạy ra hải ngoại nhưng sách báo không mang theo được bao nhiêu, tài liệu ít ỏi, trí nhớ suy mòn nên khi viết về TLVĐ có những tác giả tự ý cho thêm nhiều tên vào danh sách theo ý thích của mình.
Trong cuốn Việt Nam Niên Biểu III: Nhân Vật Chí do nhà Văn Hóa xuất bản tại Houston, Texas năm 1993, tác giả Chính Đạo (bút hiệu khác của Nguyên Vũ tức tiến sĩ sử học Vũ Ngự Chiêu) viết rằng TLVĐ có cả ông Lý Đông A, lãnh tụ đảng Duy Dân (339).
Trên tuần báo Saigon Times Rosemead, CA ngày 24. 9. 1995 trong bài giới thiệu tác phẩm Trên Sông Hồng Cuồn Cuộn của Nguyễn Tường Bách, giáo sư Lưu Trung Khảo viết TLVĐ có 12 thành viên kể cả Nguyễn Gia Trí, Trần Tiêu, Nhật Tiến. Và ông đề nghị thêm Nguyễn Tường Bách. Không thấy ông đề nghị bỏ bớt ai?
Trong bộ 20 Năm Văn Học Việt Nam Hải Ngoại 1975 – 1995 do Trương Đình Nho chủ trương , nhà xuất bản Đại Nam, Glendale, CA in năm 1995 về Nguyễn Thị Vinh sách ghi “Sinh ngày 15. 7. 1924 . . . Đầu thập niên 30 được chính thức kết nạp vào Tự Lực Văn Đoàn” (cuốn II, trang 1467 )
Nguyệt san Làng Văn (Canada) số 137 – tháng 1. 1996 viết TLVĐ có 11 người vì có thêm Xuân Diệu, Đỗ Đức Thu, Nguyễn Thị Vinh, Duy Lam và Tường Hùng.
Trong cuốn sách có cái tên dài của bà Nguyễn Thị Thế, em ruột Nhất Linh, tái bản tại Cali cuối năm 1996, Hồi Ký Về Gia Đình Nguyễn Tường: Nhất Linh, Hoàng Đạo, Thạch Lam tác giả viết về TLVĐ rằng: về sau có thêm họa sĩ Nguyễn Cát Tường tức họa sĩ Le Mur (117)
Tạp chí Con Ong Texas, ở Houston, số 65 ra ngày 11. 6. 99, trong bài viết về Đoàn Phú Tứ, nhà báo Đông Ngàn không hiểu theo tài liệu nào mà viết Phạm Văn Hạnh cũng là đoàn viên Tự Lực Văn Đoàn.
Trong cuốn Tác Giả Tác Phẩm của Trần Tuấn Kiệt in từ thời VNCH có tái bản ở hải ngoại còn ghi thêm một người cháu khác của Nhất Linh là Thế Uyên cũng là thành viên TLVĐ.
Trong khu rừng sách báo hải ngoại và quốc nội mà chúng tôi không thể theo dõi hết chắc chắn còn nhiều tác giả khác viết về TLVĐ cũng ghi thêm những thành viên cho TLVĐ như đã dẫn trên đây.
Để truy nguyên những danh sách huyền thoại này, ta hãy tìm một số sách biên khảo văn học trong thời gian Nhất Linh còn sống xem các tác giả cùng thời viết ra sao? Bộ Nhà Văn Hiện Đại của Vũ Ngọc Phan không nói tới thành phần TLVĐ, Việt Nam Văn Học Sử Yếu của Dương Quảng Hàm thì chỉ kể tên bốn người là Nhất Linh, Khái Hưng, Thế Lữ, Tú Mỡ rồi thôi.
Hãy tạm tham khảo bộ sách mới hơn, khá công phu Việt Nam Văn Học Sử Giản Ứơc Tân Biên của Phạm Thế Ngũ do Quốc Học Tùng Thư, Sài Gòn xuất bản năm 1962 – 1965. Bộ sách gồm ba cuốn được nhà Đại Nam ở Hoa Kỳ in lại. Trong cuốn III, Phạm Thế Ngũ viết TLVĐ công bố ra mắt, đường lối hoạt động và dấu hiệu Con Ó trên báo Phong Hóa nhưng không công bố thành phần. Sau này trong tiểu thuyết Những Ngày Vui, Khái Hưng viết khi đó nhóm định thành lập văn đoàn như một Pleiades gồm bảy người trong đó có Nguyễn Gia Trí (433).
Tìm đọc lại Những Ngày Vui, dò từng giòng nhưng không thấy đoạn nào nói tới chuyện Pleiades cả. Hơn nữa Những Ngày Vui chỉ là tiểu thuyết thì ta có nên coi là một tài liệu tham khảo nghiêm chỉnh không? Theo thiên văn và thần thoại thì Pleiades là bẩy người con gái của thiên thần Atlas biến thành bảy vì sao nhưng chỉ có sáu vì là có thể trông thấy bằng mắt trần mà thôi. Có nên tán ra rằng Nguyễn Gia Trí chỉ là ngôi sao không thấy trong thất tinh, ẩn hiện, mờ ảo và vì là họa sĩ không thể để dòng chữ Trong TLVĐ dưới chữ ký trên mỗi họa phẩm, mỗi tranh trang trí cho bài nên chuyện hội viên của ông trở thành nghi vấn.
Trong bài Nhiệm Vụ Của Người Cầm Bút của nhà biên khảo Trần Bích San đăng Sài Gòn Nhỏ, số Xuân Đinh Sửu 1997 cũng viết TLVĐ gồm bảy người trong đó có Nguyễn Gia Trí. Nhưng khi đọc ở cuối bài thì mới biết Trần Bích San đã tham chiếu nơi trang 433 Việt Nam Văn Học Sử Giản Ước Tân Biên.
Thực ra câu chuyện Pleiades được kể trong cuốn Chân Dung Nhất Linh của Nhật Thịnh chứ không phải trong tiểu thuyết Khái Hưng. Chân Dung Nhất Linh do nhà Sống Mới in tại Sài Gòn trước 1975 và nhà Đại Nam ở Cali in lại và cũng chỉ là bản chụp của nhà Sống Mới vì thế coi bản Đại Nam cũng như coi bản Sống Mới vậy.
Trong Chân Dung Nhất Linh in tại Mỹ ở trang 127 và 130 Nhật Thịnh tả cuộc đi chơi Lạng Sơn đầu năm 1932 của Nhất Linh, Khái Hưng, Thế Lữ và trong cuộc đi chơi này họ bàn chuyện thành lập TLVĐ gồm có bảy người. Khi Thế Lữ cãi lại chỉ có sáu thôi thì Nhất Linh nói:
“Các cậu quên Nguyễn Gia Trí rồi à ? Thiếu hắn thì bọn mình bất trí hết”. Nhưng ở trang 129 Nhật Thịnh lại viết: Nguyễn Gia Trí biết Nhất Linh năm 1933 (một năm sau chuyến đi chơi Lạng Sơn). Như vậy làm sao Nhất Linh đề nghị một họa sĩ vào tổ chức của các nhà văn, nhà thơ nhất là khi ông cũng chưa quen biết để phục tài họa sĩ này. Hơn nữa câu chuyện Pleiades của Nhật Thịnh cũng có vẻ hư cấu như một tiểu thuyết mà thôi. Ấy là không kể ngay trong cuốn Chân Dung Nhất Linh cũng có những sai lầm nhỏ mà quan trọng chẳng hạn như nêu tên các họa sĩ Tô Ngọc Văn (hai lần), Lê Thị Liệu, Trần Đình Lộc ở trang 36 mà thực ra tên các vị này là Tô Ngọc Vân, Lê Thị Lựu và Trần Bình Lộc.
***
Trong cuốn Nhất Linh Trong Tiến Trình Hiện Đại Hóa Văn Học (Nxb Văn Hóa, Hà Nội), Vu Gia viết theo cuốn Tiếng Cười Tú Mỡ thì TLVĐ bổ xung thêm hai người để trở thành bát tú. Mới đây ca sĩ Duy Trác cho mượn cuốn Tiếng Cười Tú Mỡ của Nxb Hội Nhà Văn in năm 1993 thấy ở trang 30 ghi TLVĐ có tám người. Nhưng ở nhiều trang kế tiếp chính Tú Mỡ viết năm 1939 cái thất tinh hội ấy bắt đầu lu mờ (37), thất tinh hội TLVĐ tan tác (44), thất tinh hội rơi rụng mất ba (45 ). Thì ra Tú Mỡ khi về già trí nhớ cũng phần nào thiếu minh mẫn.
Hơn nữa ngay trong cuốn NLTTTHĐHVH cũng có những sai lầm khiến mức chính xác của cuốn sách làm ta ngờ vực. Chẳng hạn khi nói tới báo Phong Hóa, Vu Gia viết báo này do Phạm Xuân Ninh chủ trương (137 ). Thực ra người sáng lập báo Phong Hóa là Phạm Hữu Ninh, giám đốc trường tư thục Thăng Long mà Nhất Linh và Khái Hưng là giáo sư; còn Phạm Xuân Ninh là trung tá Quân Lực Việt Nam Cọâng Hoà làm thơ với bút hiệu Hà Thượng Nhân không liên quan gì với TLVĐ.
Có lần chúng tôi điện thoại hỏi bác sĩ Nguyễn Tường Bách về vai trò của Nguyễn Gia Trí và Xuân Diệu thì bác sĩ Bách nói TLVĐ có Xuân Diệu nhưng không có Nguyễn Gia Trí.
Nữ thi sĩ Cao Mỵ Nhân trong loạt bài Chốn Bụi Hồng ít ra đã hai lần nói rằng khi bà còn ở Việt Nam bà đã gập nữ sĩ Anh Thơ và được coi tận mắt quyết định trao giải thưởng cho tập thơ Bức Tranh Quê của nữ sĩ Anh Thơ có chữ ký của ba nhà thơ Thế Lữ, Tú Mỡ và Xuân Diệu. Sự kiện này cũng không chứng minh được Xuân Diệu là đoàn viên TLVĐ. Để chấm giải thơ, ngoài hai thi sĩ đoàn viên, TLVĐ vẫn có thể mời thêm một thi sĩ thân hữu vào trong ban gíam khảo lắm chứ. Xưa nay thiếu gì những giải thưởng mà ban tổ chức mời thêm người ngoài vào thành phần giám khảo, có khi cả những người thuộc khuynh hướng không giống nhau, cho giải thêm vô tư và giá trị hơn. Trường hợp Anh Thơ, trên giấy chứng nhận tặêng giải cho Bức Tranh Quê cũng không có chữ ký của các đoàn viên TLVĐ khác.
Trên bán nguyệt san Kiến Thức Ngày Nay số 193 đề ngày 1. 12. 95 xuất bản tại thành Hồ (nay phát hành 10 ngày một số) nữ sĩ Mộng Tuyết – hiện sống ở Hà Tiên – có xuất trình lời khen của TLVĐ tặng cho bà về tập thơ Phấn Hương Rừng bà gửi dự Giải Văn Chương Tự Lực Văn Đoàn 1939. Lời khen tặng đề ngày 11. 6. 1940 có chữ ký sáu thành viên TLVĐ là Nhất Linh, Khái Hưng, Hoàng Đạo, Thạch Lam, Thế Lữ và Tú Mỡ.
Không thấy tên Xuân Diệu và Nguyễn Gia Trí trong tài liệu này. Năm 1938 khi nhà xuất bản Đời Nay của TLVĐ in Thơ Thơ và đoản văn Phấn Thông Vàng không biết đã có dòng chữ Trong TLVĐ ghi dưới tên tác giả Xuân Diệu chưa? Còn thời gian sau này Xuân Diệu phản tỉnh hay bị cưỡng ép phản tỉnh, phủ nhận dĩ vãng văn nghệ của mình khi đi theo cộng sản thì không kể.
Về chuyện hoạ sĩ Nguyễn Cát Tường được mời vào TLVĐ cũng là một điều mà trước nay có lẽ ít độc giả nào nghe thấy. Có giống trường hợp lãnh tụ Lý Đông A chăng? Bà Nguyễn Thị Thế có lầm lộn không? Ngay trong bài cảm nghĩ của Nguyễn Tường Bách (em ruột bà Thế) in trong cuốn sách tái bản của bà Thế, ông Bách cũng nhận xét là: Với vị thế của tác giả, nhiều dữ kiện về các nhân vật trong gia đình về phương diện văn hóa, xã hội, đấu tranh chị không biết rõ.
Hơn nữa Nguyễn Cát Tường cũng chỉ là họa sĩ có công vẽ kiểu áo tân thời cho phụ nữ. Nếu kể những họa sĩ có công với TLVĐ thì Tô Ngọc Vân còn sáng giá hơn nhiều, để ở đâu? Và nếu muốn tri ân những nghệ sĩ có công trong phong trào xây nhà Ánh Sáng cũng do TLVĐ chủ xướng thì không thể bỏ quên kiến trúc sư Võ Đức Diên. Còn nếu cứ thấy tên tuổi nào nổi danh thì kéo vào TLVĐ cho đông vui bất kể bộ môn thì có nên ghi thêm Lê Thương, Hoàng Thi Thơ, Nguyễn Thanh Thu, Kiều Chinh, Kim Chung, Thanh Thúy, Tạ Duy Hiển cho trăm hoa đua nở.
***
Qua cái mốc 1940 với Giải Thưởng TLVĐ mà nữ sĩ Mộng Tuyết còn tài liệu chính thức, ta có thể nhảy vọt một đoạn đường 17 năm tới bài khai bút của Nhất Linh đăng trên nguyệt san Văn Hóa Ngày Nay, Sài Gòn, số xuân 1957 mặc dầu bài này ông viết từ ngày mồng một Tết năm Quý Tỵ (14. 2. 1953). Trong bài này có câu:
Trong bảy tám nhà văn mới chọn lọc được hai năm nay, tôi thấy có ba nhà văn chắc chắn xứng đáng là nhân viên TLVĐ và tôi tin anh Đỗ Đức Thu cũng như mấy anh mất tích sau này trở về, cũng như tôi sẽ bỏ phiếu bầu khi ba nhà văn đó có đủ một số sáng tác để sự quyết định có căn cứ. Ba người đó là Nguyễn Thị Vinh, Tường Hùng và Duy Lam.
Như vậy lời Nhất Linh chỉ có giá trị như một lời dặn dò, lời dặn dò khá thận trọng rằng “khi ba nhà văn đó có đủ một số sáng tác” chứ không phải là một quyết định vì TLVĐ không phải là một văn đoàn cha truyền con nối kiểu như thời vua chúa. Viện Hàn Lâm Pháp, văn đoàn Goncourt v. v . . . khi có một đoàn viên chết hay vắng mặt vĩnh viễn vì lý do nào đó sẽ được những đoàn viên còn lại biểu quyết tuyển chọn đoàn viên mới. TLVĐ hẳn cũng làm việc không ra ngoài khuôn mẫu đó nghĩa là khi thâu nhận đoàn viên mới phải do kết quả bầu phiếu của đa số thành viên. Khi Nhất Linh công bố lời khai bút thì Hoàng Đạo, Khái Hưng, Thạch Lam đã mất. Ở miền Nam, Nhất Linh chỉ có một mình, ở miền Bắc thì Tú Mỡ, Thế Lữ đã khước từ dĩ vãng, hai phía không chính thức liên lạc với nhau cho tới ngày Nhất Linh qua đời.
Trong số người mà Nhất Linh đề nghị thâu nhận vào TLVĐ chỉ có Nguyễn Thị Vinh là người ngoài còn Duy Lam và Tường Hùng là hai người cháu gọi Nhất Linh bằng bác ruột. Nếu chỉ kể sáu hội viên nguyên thủy thì một nửa thành phần đã là ba anh em ruột Nhất Linh, Hoàng Đạo, Thạch Lam.
Cuốn 20 Năm Văn Học Việt Nam Hải Ngoại 1975 – 1995 ghi Nguyễn Thị Vinh là thành viên chính thức của TLVĐ từ đầu thập niên 30 có thể là sự lầm lộn về ấn loát. Vì đầu thập niên 30 (1933) TLVĐ mới thành lập Nguyễn Thị Vinh mới lên chín tuổi và năm 1953 Nhất Linh mới đề nghị Nguyễn Thị Vinh mà thôi. Sự thực năm 1995 khi xuất bản cuốn Na Uy Và Tôi ở hải ngoại, Nguyễn Thị Vinh chính thức nhận là đoàn viên TLVĐ khi tuyên bố rằng bà làm như vậy vì thấy chủ trương của TLVĐ hay (Phụ Nữ Diễn Đàn số 132 – tháng 2. 1995). Khi in các tác phẩm Hai Chị Em (1953), Thương Yêu (1955) bà đã cộng tác với TLVĐ mà bà chưa thấy hay mãi hơn bốn chục năm sau bà mới nhận ra điều đó.
Trường hợp Duy Lam sau khi sang Mỹ tái bản các tác phẩm cũ và in tác phẩm mới đều ghi thuộc TLVĐ cũng là căn cứ trên lời nhắn gửi của Nhất Linh trong bài khai bút mà nay đã trở thành di chúc.
Trường hợp Tường Hùng chỉ xuất bản hai cuốn Gió Mát (1959) và Bướm Lạ (1966) rồi không thấy tên ông xuất hiện trên văn đàn nữa, hoặc có viết nhưng quá ít, không nổi tiếng hoặc dùng một bút hiệu khác mà chỉ có Nhất Linh và một số ít người biết mà thôi. Mãi tới năm 1996 khi Duy Lam cho tái bản Gia Đình Tôi mới thấy mấy tranh vẽ của Tường Hùng minh họa đệm cho cuốn tiểu thuyết này, những tranh còn quá non tay có lẽ chỉ là những tranh vẽ đã in trong Gia Đình Tôi từ mấy chục năm về trước nay được Duy Lam cho in lại.
Trong bài khai bút Nhất Linh viết ông tin Đỗ Đức Thu đồng ý với đề nghị của ông. Vậy nhà văn Đỗ Đức Thu đóng vai trò gì trong TLVĐ, là một tổng thư ký thường trực nhưng không là đoàn viên? Hay nếu Đỗ Đức Thu đã là đoàn viên thì được tuyển chọn bao giờ, theo thể thức nào? Cuốn Vỡ Lòng của Đỗ Đức Thu do nhà Đời Nay của TLVĐ in năm 1940, nhưng tới Bốc Đồng và Nhà Bên Kia thì do hai nhà Nguyễn Du và Cộng Lực xuất bản năm 1942 không liên quan gì với TLVĐ nữa. Theo nhà văn Nguyễn Thạch Kiên, TLVĐ có mời Đỗ Đức Thu gia nhập nhưng khi đó ông Thu không có mặt ở Hà Nội mà đang làm việc tại Sở Thiên Văn, thành phố Quảng Châu, Trung Hoa nên kể như không có chân trong TLVĐ ( Về Những Kỷ Niệm Quê Hương, Phượng Hoàng, CA xuất bản năm 1996, trang 38 ).
Trong một loạt bài viết về Nguyễn Gia Trí của Duy Lam khởi đăng báo tháng 8. 1997, thì vào những năm 44 – 45 khi Đời Nay xuất bản tuyển tập truyện ngắn Đứa Con thời với sự đồng thuận của các thành viên, dưới tên bác Đỗ Đức Thu đã có ghi Tự Lực Văn Đoàn (Saigon Times 5. 9. 1997). Nhưng đó chỉ là theo ký ức của Duy Lam. Riêng chúng tôi thì chưa được thấy cuốn nào của Đỗ Đức Thu có in dòng chữ Trong TLVĐ cả. Ngày chủ nhật 7. 9. 97 trong buổi họp mặt thân hữu tại tòa soạn Saigon Times tôi có hỏi nhà văn Duy Lam có còn giữ được cuốn Đứa Con có ghi Đỗ Đức Thu là thành viên TLVĐ không thì ông nói ông không có nhưng chắc thư viện trong nước có giữ. Giờ đây thì cả hai nhà văn Đỗ Đức Thu và Nhất Linh đều không còn nữa và bí mật vẫn bao trùm.
Về vai trò Trần Tiêu ta có thể khẳng định rằng ông không hề là thành viên TLVĐ dù tác phẩm của ông rất có giá trị. Tiểu thuyết phong tục Con Trâu nhiều độc giả thích thú và say sưa khen hấp dẫn và gần gũi độc giả Việt Nam hơn những tiểu thuyết viết về phong tục Trung Hoa của Pearl S. Buck, nữ sĩ Mỹ trúng giải văn chương Nobel năm 1938. Từ øCon Trâu và Chồng Con do nhà Đời Nay xuất bản đến Năm Hạn, Truyện Quê, Sau Lũy Tre của Trần Tiêu đều không có tiêu đề Trong TLVĐ dưới tên ông, chẳng lẽ là đoàn viên mà ông lại khước từ danh hiệu đó. Mặc dầu văn tài của Trần Tiêu như vậy và dù ông là em ruột của Khái Hưng nhưng không có gì chứng tỏ Trần Tiêu thuộc TLVĐ.
Nhật Tiến thì đã trả lời rõ ràng trong bài phỏng vấn đăng trên báo Ngày Nay ở Kansas, số 25 – tháng 3. 1983 rằng dư luận nói ông thuộc TLVĐ là một chuyện sai lầm, không có.
Như vậy hiện nay chỉ có hai nhà văn thuộc TLVĐ là Nguyễn Thị Vinh và Duy Lam, người trước ở Na Uy, người sau ở Hoa Kỳ. Trên Saigon Times ngày 5. 9. 97 Duy Lam nói ông là thành viên thế hệâ hai của TLVĐ. Như vậy rồi ra có thể có thế hệ ba, thế hệ bốn. Không rõ đường xá xa xôi hai nhà văn Nguyễn Thị Vinh và Duy Lam có thường xuyên họp mặt với nhau để bàn bạc, duy trì đường lối, tôn chỉ của văn đoàn không hay đều sinh hoạt độc lập.
Tháng 8. 1998, trên nguyệt san Hương Quê xuất bản tại Houston, TX, nhà văn Nguyễn Thị Vinh trả lời phỏng vấn của Anh Vân về TLVĐ, nói bà cũng có một số tài liệu về các thành viên TLVĐ nhưng không bảo đảm sự chính xác nên không dám phổ biến. Trong một câu khác bà Vinh nói cuốn Na Uy Và Tôi của bà là cuốn duy nhất bà ghi giòng chữ Trong TLVĐ dưới tên. Bà khẳng định: Trong tương lai, những cuốn sách tôi sắp in, sẽ như mọi cuốn khác của của tôi từ thập niên 50 tôi không ghi TLVĐ nữa. Tại sao? Để chứng tỏ rằng có chân trong TLVĐ hay không, chẳng phải là chuyện lớn lao đối với một người cầm bút. Quan điểm này phần đông các nhà văn đều có. Tôi yêu mến TLVĐ song lại thích “tự lập” hơn.
***
Mặc dầu không phải văn tài của các nhà văn trong TLVĐ đều siêu việt bằng nhau, hễ gia nhập TLVĐ thì văn tài rạng rỡ thêm lên và không phải ngoài TLVĐ không có những văn hào lẫy lừøng sự nghiệp, nhưng không ai phủ nhận được công lao to lớn của TLVĐ với văn học Việt Nam. Và vì lý do đó khi tìm hiểu chính xác về TLVĐ chúng ta chỉ có thể căn cứ trên những tài liệu cụ thể đã công bố bởi sáu hay một trong sáu đoàn viên nguyên thủy mà mọi độc giả đều biết. Nếu chỉ dựa theo lời kể lại, nhớ theo ký ức e cũng mắc sai lầm. Dựa theo những sách biên khảo thì đã xẩy ra chuyện cuốn biên khảo có giá trị đáng tin cậy nhưng vài chi tiết sai sót của nó mà được tham chiếu lại thì sai sót đó sẽ lớn dần và phổ biến rộng thêm như trường hợp Trần Bích San mà chúng tôi kể ở đoạn trên.
Những cuốn hồi ký cũng cũng giúp ích cho người sưu tầm tìm hiểu nhưng cần lựa chọn, cân nhắc thật thận trọng. Không thiếu gì những hồi ký đã xuất bản có những sai lầm có khi vô tình, có khi do cố tình của tác giả.
Cộng sản Việt Nam khi chiếm trọn miền Bắc năm 1954 đã lên án TLVĐ là phản động cấm đoán các tác phẩm của văn đoàn này, mãi những năm gần đây mới một phần phục hồi giá trị của họ. Với chủ trương đốt sách kiểu Tần Thủy Hoàng như vậy việc kiếm được những tài liệu chính thức về TLVĐ không dễ dàng gì ngay cả phía chính quyền.
Chúng ta chỉ còn hy vọng vào những tài liệu mà các cá nhân còn cất giữ, lọt lưới cộâng sản như tài liệu của thi sĩ Mộng Tuyết. Chẳng hạn tìm hỏi những nhà văn khác đã trúng giải văn chương TLVĐ hay thân nhân họ như Mạnh Phú Tư (Làm Lẽ), Hàn Thế Du (Bóng Mây Chiều), Nguyễn Khắc Mẫn (Nỗi Lòng) v. v . . . Hoặc may ra một vài tài liệu còn lưu trữ ở thư viện các nước tự do. Nếu có được những tài liệu này thì mới có câu trả lời chính xác rằng TLVĐ có những vị nào?
***
Tài liệu chính xác nhất hiện nay về thành viên TLVĐ có thể nói là phác thảo hồi ký của Nhất Linh được công bố trên nguyệt san Văn Học Nghệ Thuật số 3 phát hành tháng 7. 1985 do Võ Phiến làm chủ nhiệm và Lê Tất Điều chủ bút. Số báo này là số đặc biệt về Nhất Linh. Ngoài những bài nhận định, truyện, thơ của nhiều tác giả phần tài liệu là những bài của chính văn hào Nhất Linh.
Đáng nói là hai trang đăng bài Đời Làm Báo của Nhất Linh mà có in vài giòng bút tích của Nhất Linh. Võ Phiến đã cho tôi xem hai trang phóng ảnh trọn vẹn bài viết tay của Nhất Linh mà ông nói do anh Nguyễn Tường Thiết, con trai út của nhà văn Nhất Linh đã trao cho ông.
Chúng tôi phân tách kỹ hai tờ phóng ảnh: đây chỉ mới là bản phác thảo một cuốn hồi ký chứ chưa phải là những trang đầu của cuốn hồi ký dự định. Chữ của Nhất Linh không đẹp, không rõ ràng lắm và dập xóa, sửa chữa nhiều chỗ nhưng là một tài liệu quý giá.
Theo bản thảo, Nhất Linh chia những người cộng tác với nhà xuất bản Đời Nay và hai tờ Phong Hóa, Ngày Nay thành từng nhóm rõ rệt. Nhóm chủ lực thuộc tòa soạn hai tờ báo gồm tám người mà Nhất Linh ghi rõ sáu người A có chân trong TLVĐ A là Nhất Linh, Khái Hưng, Hoàng Đạo, Thạch Lam, Tú Mỡ và Thế Lữ.
Nhóm thứ hai Nhất Linh ghi là những người không có tên trong tòa soạn nhưng cộng tác và có bài đăng trên hai tờ báo gồm mười lăm người trong đó có cả Nguyễn Công Hoan, Tô Hoài, Đinh Hùng, Nguyễn Khắc Hiếu, Đỗ Đức Thu, Xuân Diệu.
Nhóm thứ ba ghi tên các vị đã từng vẽ giúp cho TLVĐ có sáu họa sĩ trong đó có Nguyễn Gia Trí, Tô Ngọc Vân, Nguyễn Cát Tường . . .
Trong số những nhà văn, nhà thơ, họa sĩ mà Nhất Linh ghi trong nhóm thứ hai và thứ ba, đằng sau tên Xuân Diệu ông ghi rõ Acó chân trong TLVĐ (thơ mới)A. Đằng sau tên các ông Nguyễn Gia Trí, Đỗ Đức Thu, Nguyễn Cát Tường không ghi thuộc TLVĐ.
Xem xét phóng ảnh hai trang di cảo của Nhất Linh chúng tôi có hai thắc mắc nhỏ.
Thứ nhất là trong nhóm đầu Nhất Linh ghi tên thật của Thế Lữ là là Nguyễn Đình Lễ. Ghi xong, nghĩ sao ông đã xóa đi cả mấy tên Nguyễn Tường Long, Nguyễn Tường Lân, Nguyễn Đình Lễ . . . Để rồi ông viết lại những giòng sau vẫn những vị nói trên và lại giữ nguyên tên Nguyễn Đình Lễ tức Thế Lữ, Lê Ta.
Cho tới nay hầu như ai ai cũng nghĩ rằng bút hiệu Thế Lữ là nói lái hai chữ Thứ Lễ trong tên thật của Thế Lữ là Nguyễn Thứ Lễ, giống như trường hợp đảo hai chữ Khánh Giư thành Khái Hưng vậy. Trong Nhà Văn Hiện Đại của Vũ Ngọc Phan và hầu hết những tài liệu đã xuất bản đều ghi tên thật ông là Nguyễn Thứ Lễ. Nhà văn Xuân Vũ cho biết con trai Thế Lữ là một đạo diễn kịch tại miền Bắc cũng mang tên đệm là Thứ, ông Nguyễn Thứ Nghi. Chúng tôi chỉ thấy thêm giáo sư Lê Kim Ngân ghi tên thật Thế Lữ là Nguyễn Đình Lễ trong đoạn nói về tiểu sử nhà thơ này trong cuốn sách giáo khoa Văn Học Việt Nam Thế Kỷ Thứ XX (phần kim văn) do nhà xuất bản Văn Hiệp, Sài Gòn in năm 1960 (288). Tuy nhiên ngay chính trong cuốn sách giáo khoa này ở phần nói về TLVĐ, giáo sư Lê Kim Ngân lại ghi tên thật Thế Lữ là Nguyễn Thứ Lễ. Và cũng trong phần này có quá nhiều lầm lẫn như ghi tên Khái Hưng là Dư với chữ D và về thành phần TLVĐ thì sau sáu đoàn viên nguyên thuỷ còn ghi thêm luôn cả ba họa sĩ Nguyễn Gia Trí, Tô Ngọc Vân, Nguyễn Cát Tường cho tiện việc, rồi tiếp theo là những dấu chấm cuối giòng là ký hiệu để chỉ rằng còn rất nhiều nữa mà kể ra không hết. Như vậy tài liệu của giáo sư Lê Kim Ngân có nên coi là tài liệu chính xác đáng tin cậy không? Cũng có người nói rằng tên khai sinh của Thế Lữ là Nguyễn Đình Lễ nhưng sau khi hoạt động báo chí ông mới đổi tên là Nguyễn Thứ Lễ.
Ở nhóm thứ ba trong di cảo Nhất Linh có ghi họa sĩ Trần Bình Lộc mà trong báo Văn Học Nghệ Thuật in là Trần Vinh Lộc. Như đã nói ở trên chữ Nhất Linh không đẹp, khó đọc và chữ Bình thiếu dấu huyền nên tòa soạn Văn Học Nghệ Thuật đã in lộn là Trần Vinh Lộc . Thực ra Nhất Linh muốn viết là Trần Bình Lộc, một họa sĩ cộng tác với nhóm Đời Nay lâu năm và nhiều người còn rất thích thú bức tranh Trần Bình Lộc vẽ chú tiểu Lan trong Hồn Bướm Mơ Tiên (Khái Hưng) đã từng được chọn làm phụ bản cho một kỳ báo Ngày Nay số Tết.
Ngoài hai chi tiết nhỏ kể trên thì những nét lớn về nhóm Đời Nay hẳn là Nhất Linh ghi đúng. Di cảo của Nhất Linh không ghi viết ngày nào nhưng có thể nói chắc là ông viết trong thời gian sống dưới chế độ cộng hòa ở miền Nam, vào lúc sự nghiệp của ông đã rạng rỡ chứ không lẽ định viết hồi ký từ khi mới vào nghề thì đã có gì đâu mà nhớ lại.
Trở lại vai trò của Xuân Diệu ta tự hỏi nhà thơ trữ tình ấy được kết nạp vào TLVĐ bao giờ? Năm 1940 số thành viên ký vào giấy khen tập thơ của nữ sĩ Mộng Tuyết chưa có tên Xuân Diệu. Thế nhưng trong bức thư đề ngày 25. 6. 98 của Huy Cận gửi cho một người bạn ơ û Sài Gòn, mà chúng tôi có phóng ảnh, ông viết rằng Xuân Diệu là thành viên chính thức của TLVĐ từ 1938. Ở trang đầu quyển Thơ Thơ (của XD) xuất bản 1938 có in rõ “Xuân Diệu trong TLVĐA. Tại sao lại trang đầu mà không ở ngoài bìa? Huy Cận là bạn thân của Xuân Diệu, Mộng Tuyết còn giấy trắng mực đen, người nào đúng?
Năm 1944 khi cho in thi phẩm Trường Ca, không rõ dưới tên Xuân Diệu có giòng chữ Trong TLVĐ không nhưng năm 1945 Xuân Diệu cho in hai tập thơ Ngọn Quốc Kỳ và Hội Nghị Non Sông để làm thành tích với mặt trận Việt Minh (tức cộng sản khi đó) chắc chắn là ông đã chối bỏ tư cách thành viên TLVĐ rồi.
Như vậy còn hai chi tiết về tên thật của Thế Lữ và ngày Xuân Diệu gia nhập TLVĐ vẫn chưa được sáng tỏ. Quý vị nào có tài liệu chính xác về hai chi tiết trên xin vui lòng cho chúng tôi mượn để làm sáng tỏ hai chuyện nhỏ nhưng cần thiết để tránh những sai lầm về sau.
Về thành phần TLVĐ chúng tôi nghĩ di cảo của nhà văn Nhất Linh là tài liệu khả tín nhất, không thể bàn cãi nữa vì không ai có thẩm quyền hơn người đứng đầu văn đoàn.
Với tài liệu đó bây giờ ta có thể kết luận thành viên TLVĐ có sáu vị nguyên thủy khi thành lập năm 1933 là Nhất Linh, Khái Hưng, Hoàng Đạo, Thạch Lam, Thế Lữ, Tú Mỡ và một nhà thơ kết nạp sau là Xuân Diệu. Với những công lao của họ đóng góp cho văn học Việt Nam, các thành viên Tự Lực Văn Đoàn xứng đáng là thất tinh dù rằng trên bình diện văn học ngôi sao Hoàng Đạo chưa sáng lắm.
Tới đây cũng cần ghi thêm là để phục hồi danh dự TLVĐ, nhà xuất bản Hội Nhà Văn tại Hà Nội năm 1999 cho in bộ Tuyển Tập Tự Lực Văn Đoàn gồm ba cuốn nhưng lại khá lơ mơ về văn đoàn này. Trong bài Lời Nói Đầu in ở đầu cuốn thứ nhất ngoài những thành viên đúng của TLVĐ họ còn ghi thêm Trần Tiêu, nhà thơ Tân Việt và họa sĩ Đông Sơn vì họ không biết Đông Sơn và Tân Việt chỉ là hai biệt hiệu khác của Nhất Linh mà thôi.
Một hội nhà văn gần cả ngàn hội viên mà làm ăn như thế thì cũng “ ưu việt “ thật!

***

Nguyệt san Thế Kỷ 21 số 159 phát hành tháng 7. 2002 tại Nam California, số đặc biệt tưởng niệm Nhất Linh, là một số báo giá trị, công phu và hữu ích. Vài mươi năm sau khi viết tới những vấn đề văn học liên quan tới Tự Lực Văn Đoàn và các đoàn viên, không thể không tham khảo số báo đặc biệt này.

Vì thế nội dung những bài trong Thế Kỷ 21 số 159, trừ những bài về kỷ niệm và thiên tài Nhất Linh viết theo ký ức hay cảm tính có thể tùy hứng của các tác giả, nhưng những bài có tính chất biên khảo có tham chiếu tài liệu thì cần thật chính xác, chính xác chừng nào hay chừng ấy để người viết sau có thể tin cậy.

Riêng trên phương diện đó, sau khi đọc không sót một bài nào trong Thế Kỷ 21 số 159 (tưởng niệm Nhất Linh) tôi xin góp ý mấy điểm như sau:

1 – Ông, bà Nhất Linh có bao nhiêu con?

Trong bài Những Kỷ Niệm Riêng… , Trương Bảo Sơn viết về bà Nguyễn Tường Tam: “Tuy sinh 13 lần nhưng chỉ nuôi được có bảy con, 5 trai và 2 gái” (tr. 26).

Trong bài Nhất Linh, Tự Lực Văn Học… Lê Đình Thông chú thích “nhà văn Nguyễn Tường Tam có năm người con” và cẩn thận ghi tên cả năm người và nơi họ đang sinh sống (tr. 69).

Trong bài Nữ Sĩ Anh Thơ Viết Về Nhất Linh, bà Tam đã trả lời về việc cho anh Triệu làm con nuôi nhà văn Khái Hưng “… anh Khái Hưng là bạn thân nhất của nhà tôi mà lại không có con trong khi chúng tôi có những bảy cháu” (tr. 93)

Tiếc thay cả ba bài của ba tác giả dẫn trên không cho biết thời gian viết là năm nào, trừ bài Nữ Sĩ Anh Thơ… ghi theo hồi ký Từ Bến Sông Thương xuất bản năm 1986. Thiết tưởng khi viết về địa danh, nhân danh, hay số liệu nên ghi thật đúng, nếu những điều không chắc chắn xin ghi có lẽ, khoảng chừng mà không khẳng định.

2 – Báo Ngày Nay đình bản năm nào?

Trong bài Cười Cợt Để Sửa Đổi Phong Hóa…, Động Đình Hồ nói tham chiếu bài Thư gửi cô Mai, cô Loan của Nguyễn Thị Vinh thì tuần báo Ngày Nay đình bản năm 1939. Nhưng ngay dòng dưới (tr. 52), Động Đình Hồ cho in hình bìa tờ Ngày Nay số 222 phát hành ngày 24. 8. 1040 để chứng minh là năm 1939 báo Ngày Nay chưa đình bản và gián tiếp cho Nguyễn Thị Vinh là sai. Có thể bà Vinh sai thật vì ngay khi trả lời cuộc phỏng vấn của Anh Vân đăng trên nguyệt san Hương Quê số 47 tháng 8. 1998 xuất bản tại Houston, TX, bà cũng nói rằng ” hiện nay tôi cũng có một số tài liệu về việc ấy (TLVĐ) nhưng không bảo đảm sự chính xác. Do đó không dám phổ biến”. Tôi đề nghị tòa soạn Thế Kỷ 21 nên mượn chính tờ bìa Ngày Nay số 222 của Động Đình Hồ để coi tận mắt và đính chính lại ngày khai tử của Ngày Nay.

3 – Tên thật của Thế Lữ.

Cho tới nay hầu như đa số nhà văn, nhà báo hải ngoại vẫn tưởng tên thật nhà văn Thế Lữ là Nguyễn Thứ Lễ và bút hiệu Thế Lữ là sự đảo lộn các chữ cái Thứ Lễ như trường hợp đảo lộn Khánh Giư thành Khái Hưng. Kể cả Thế Kỷ 21 nơi trang 65. Tôi cũng đã lầm như vậy cho tới năm 2000. Sau khi dò hỏi và nhờ tiếp xúc với con trai nhà văn Thế Lữ là ông Nguyễn Đình Nghi được xác nhận tên thật Thế Lữ là Nguyễn Đình Lễ tôi đã viết bài kèm phóng ảnh đăng trên Thế Kỷ 21 số 144, phát hành tháng 4. 2000

4 – Sai lầm từ Phạm Thế Ngũ.

Hồi còn ở Việt Nam, cho tới năm 1975 có lẽ bộ sách Việt Nam Văn Học Sử Giản Ước Tân Biên của Phạm Thế Ngũ do Quốc Học Tùng Thư, Sài Gòn in năm 1962 – 1965 là công phu nhất về văn học Việt Nam và được nhiều người tham khảo. Trong cuốn III, Phạm Thế Ngũ viết về TLVĐ khá đầy đủ nhưng không nói tên các đoàn viên mà chỉ nói TLVĐ gồm 7 người và được Khái Hưng kể trong tiểu thuyết Những Ngày Vui. Lầm lẫn nhỏ này khiến Trần Bích San đã lầm theo khi viết bài dăng trên tuần báo Sài Gòn Nhỏ số Xuân Đinh Sửu, 1997. Trong Thế Kỷ 21 sốâ đặc biệt về Nhất Linh, tác giả Lê Đình Thông cũng ghi Khái Hưng đã viết về 7 đoàn viên TLVĐ trong Những Ngày Vui. Tôi may mắn không lầm theo Phạm Thế Ngũ vì đã tìm Những Ngày Vui đọc lại, dò từng giòng không hề thấy giòng nào nói về thi đoàn Pleiade ở Anh, Pháp hay các vì sao Pleiades trong thần thoại. Điều đó cho thấy chi tiết trong biên khảo khá quan trọng.

5 – Ai là cha đẻ Xã Xệ?

Trong bài viết về Lý Toét, Xã Xệ, Động Đình Hồ thắc mắc không biết Lý Toét, Xã Xệ do ai sáng tác (tr. 52).

Lê Đình Thông viết Nhất Linh ” là cha đẻ của Lý Toét, Xã Xệ” (tr. 66). Thực ra Nhất Linh không nhận điều này vì trong di cảo viết tay của Nhất Linh nói rõ. Ông ghi: “Bút Sơn, ở Sài Gòn (người đã vẽ ra Xã Xệ – tên thật chưa biết). Xin ông Bút Sơn (nếu ông còn sống) hay các bạn ông cho biết tên thật”. Như vậy đã rõ cha đẻ của Xã Xệ nhưng ông thân sinh của Lý Toét là ai thì chưa có lý lịch.

6 – TLVĐ có bao nhiêu đoàn viên?

Vấn đề gai góc nhất là thành viên TLVĐ. Trong TK 21 số 159 trang 10 và trang 65 đều viết thành viên TLVĐ khi thành lập năm 1933 có 7 người trong đó có Nguyễn Gia Trí.

Từ năm 1997 tới năm 2000 tôi đã kê cứu nhiều tài liệu để tìm hiểu về thành viên TLVĐ và kết luận văn đoàn chỉ có 7 người căn cứ trên bản phác họa hồi ký do chính Nhất Linh viết tay và đã được in trên nguyệt san Văn Học Nghệ Thuật số 3 phát hành tháng 7. 1985 tại Cali do Võ Phiến làm chủ nhiệm. Trong tờ phác họa này Nhất Linh ghi rõ Xuân Diệu là đoàn viên, Nguyễn Gia Trí chỉ là cộng tác viên. Và ông cũng ghi tên thật của Thế Lữ là Nguyễn Đình Lễ.

Sau khi viết bài về các thành viên TLVĐ đăng trên Thế Kỷ 21 số 102 – tháng 10. 1997, tôi lại đọc được một số bài về TLVĐ ghi thêm nhiều tên vào văn đoàn này.

Chẳng hạn như Hội Nhà Văn Việt Nam Hà Nội viết rằng TLVĐ có Trần Tiêu, thi sĩ Tân Việt, họa sĩ Đông Sơn vì họ không biết Tân Việt và Đông Sơn chỉ là hai bút hiệu khác của Nhất Linh (Lời Nói Đầu trong bộ Tuyển Tập TLVĐ do Nxb Hội Nhà Văn, Hà Nội xuất bản năm 1999).

Trên báo Con Ong TX số 65 phát hành ngày 11. 6. 99, tr. 91, Đông Ngàn viết “Phạm Văn Hạnh là một nhà văn trong nhóm Tự Lực Văn Đoàn “. Điều này hoàn toàn sai.

Trong cuốn Thơ Và Đời do Lữ Huy Nguyên biên soạn , Nxb Văn Học, Hà Nội thực hiện năm 1995 ở trang 229 viết đoàn viên TLVĐ nòng cốt là 6 nhà văn trong tòa soạn Phong Hóa và Nhất Linh đề nghị kết nạp thêm Trần Tiêu làm đoàn viên thứ bảy cho đủ thất tinh.

Trong bài của tác giả Lê Văn Thông thì Tú Mỡ viết rằng có nhận thêm Xuân Diệu vào TLVĐ để thành bát tú (tr. 69). Trong cuốn Tiếng Cười Tú Mỡ do Hội Nhà Văn, Hà Nội xuất bản năm 1993, Tú Mỡ viết ở trang 37 “năm 1939 cái thất tinh hội ấy bắt đầu lu mờ”, trang 44 ông viết “thất tinh hội TLVĐ tan tác”, trang 45 ông bồi thêm “thất tinh hội rơi rụng mất ba”.

Tôi được nhạc sĩ Duy Trác ỏ Houston, TX gửi cho phóng ảnh về những đoạn tôi cần trong cuốn Tiếng Cười Tú Mỡ. Cuốn sách đó tôi chắc chắn tế tử của nhà thơ Tú Mỡ là nhà văn Doãn Quốc Sỹ cũng ở Houston đang có.

Đầu năm 2002 tôi nhận được từ nhà văn Duy Lam bản phóng ảnh trang báo Văn Hóa Ngày Nay số 1 đăng truyện Cúng Cơm của Đỗ Đức Thu. Trong lời giới thiệu bằêng chữ nhỏ in trên tên truyện có câu “Sau hơn mười lăm năm nhà văn lão thành Đỗ Đức Thu trong TLVĐ mới lại có truyện đăng…” . Theo tôi lời giới thiệu này có thể do một người trong tòa soạn viết và Nhất Linh không coi lại kỹ trước khi cho in.

Trước những bài viết theo ký ức rối mù như vậy tôi nghĩ ta nên tin di cảo của Nhất Linh đã phổ biến trên nguyệt san Văn Hóa Nghệ Thuật số 3.

Không tài liệu nào có thể chính xác và khả tín hơn tài liệu do chính người đứng đầu TLVĐ viết tay đ? lại cho chúng ta. Vậy ta hãy cứ tin TLVĐ có 7 đoàn viên là Khái Hưng, Nhất Linh, Hoàng Đạo, Thạch Lam, Thế Lữ , Tú Mỡ, Xuân Diệu và chúng ta không đủ thẩm quyền tùy tiện thêm hay bớt tên ai cả.

***

Phụ đính:

Cái khó khăn của người biên khảo

Trong bộ Văn Học Miền Nam xuất bản năm 1999, Võ Phiến điểm tất cả bộ môn văn học như tiểu thuyết, kịch, thơ, ký v.v… nhưng ông bỏ qua biên khảo vì ông cho là bộ môn này không có tính cách sáng tạo mà thuộc về học thuật.
Thực ra khi hoàn tất một cuốn biên khảo thường mất nhiều công phu và những tác phẩm biên khảo có giá trị dù rằng chỉ là công việc đúc kết, tóm lược, phán xét đi chăng nữa cũng là những tác phẩm rất hữu ích và cần thiết khi mà số sách vở xuất bản thời nay bề bộn về số lượng khiến độc giả không biết đâu vàng thau để mà mò. Các tác giả biên khảo thường là những người viết có học vị cao, nghiền ngẫm hàng trăm, hàng ngàn cuốn sách để cô đọng nên tác phẩm của họ. Nhưng không phải những công trình khổ cực ấy không có những sai sót mà những người viết sau căn cứ vào những chi tiết sai lầm đó để viết thành một tác phẩm khác sẽ trở nên một dây chuyền sai lầm mãi mãi.
Chúng ta có thể kể vài sự kiện để chứng minh nhận xét.
Trong cuốn Mảnh Vụn Văn Học Sử do nhà xuất bản Chân Lưu, Sài Gòn in năm 1974, Bằng Giang đề cập tới nhiều nghi vấn liên quan tới các nhà văn học Tản Đà, Phạm Quỳnh, Huỳnh Tịnh Của… đã được viết trong các sách thời tiền chiến. Ông cũng tìm ra rất nhiều sai lầm văn học trong một số tác phẩm nổi danh nhưng chưa rõ xuất xứ.
Trong cuốn Thi Văn Bình Chúù của Trúc Khê xuất bản thời thập niên 1940 có bài Chùa Hương Tích mà khi bình giải ông ghi tác giả bài thơ là vua Lê Thánh Tông. Thực ra căn cứ theo thần phả của nhà chùa thì chùa được xây dựng thời Chính Hòa (1680 – 1705) và vua Lê Thánh Tông mất từ năm 1497 không thể là tác giả bài thơ đượïc. Trần Văn Tích đã nêu lên sự sai lầm này và rất nhiều sai lầm khác của nhiều tác phẩm đáng tin cậy của ông cha chúng ta trong cuốn Sự Muôn Năm Cũõ do NXB Làng Văn in năm 1992.
Bộ Việt Nam Văn Học Sử Giản Ước Tân Biên gồm ba cuốn của Phạm Thế Ngũ do Quốc Học Tùng Thư xuất bản năm 1962 – 1965 là một bộ sách văn học công phu có giá trị sau những cuốn thuộc loại này trước ông. Chúng tôi đã tham khảo bộ sách trên khi tìm hiểu lai lịch Tự Lực Văn Đoàn, thì đọc thấy rằng Khái Hưng có kể chuyện thành lập TLVĐ trong tiểu thuyết Những Ngày Vui. Lần theo dấu vết để đọc lại Những Ngày Vui của Khái Hưng nhiều ấn bản khác nhau chẳng thấy đoạn nào nói về chuyện đó cả.
Trong lãnh vực từ điển biên soạn bởi một người khó tránh được lỗi lầm nhưng ngay cả những cuốn biên soạn do nhiều nhà chuyên môn đủ ngành nghề chung lưng làm việc cũng không tránh được sai sót. Cuốn từ điển về chiến tranh Việt Nam, Dictionary of the Vietnam War, soạn bởi mấy chục nhà chuyên môn của nhà xuất bản từ điển lừng danh nước Mỹ là Webster đã lầm lộn rất nhiều chi tiết vì họ không am hiểu Việt Nam. Không kể khi họ định nghĩa rất dài nhưng sai lạc về Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa mà ta có thể cho là cố tình, nhưng những chi tiết về ông Ngô Đình Nhu hay các tướng Nguyễn Viết Thanh, Đỗ Cao Trí cũng không đúng. Theo từ điển thì hai tướng Thanh và Trí tử nạn cùng một ngày và ông Nhu là bộ trưởng nội vụ. Sự thực ông Nhu dù quyền uy rất lớn nhưng chức vụ chỉ là cố vấn chính phủ và hai tướng Thanh, Trí chết vào hai thời điểm khác nhau là những sự kiện cụ thể như toán học chứ không phải những chuyện trừu tượng mà có thể sai do suy diễn.
Cuốn Từ Điển Anh Việt của Hà Nội do một tập thể thuộc chính quyền là Viện Ngôn Ngữ Học biên soạn hẳn phải đáng tin cậy. Cuốn sách in từ năm 1975 rồi tái bản nhiều lần. Nhưng tới ấn bản 1993 khi định nghĩa chữ okra cũng vẫn thấy còn giảng là cây mướp tây. Sự lầm lộn này có lẽ vì những nhà ngôn ngữ học của cộng sản mặc dù có học vị cao nhưng chỉ ngồi trong phòng sao chép từ sách vở tài liệu nên đã xa rời thực tế. Nếu các vị đó có thì giờ đặt chân vào nơi chợï búa hay bước vào một siêu thị khỏi công du nước ngoài chắc hẳn sẽ biết ngay okra chỉ là trái của cây đậu bắp. Phải chăng khi nhìn tranh vẽ trái đậu bắp trong một cuốn sách tham khảo nào đó giống hình thù trái mướp nên gọi đại nó là trái mướp tây cho tiện việc mặc dù cây đậu bắp là loại cây nhỏ còn mướp thuộc loại dây leo. Nếu chỉ đoán theo tranh vẽ hay suy luận theo tên gọi thì quý vị ấy sinh trưởng ở miền Bắc Việt Nam dám nói cây măng cụt và măng tây là hai loại cây cùng họ với loài tre trúc, hay cây tầm vông cùng họ với cây vông mà không phải thuộc họ tre.
Trong cuốn Văn Học Và Thời Gian của Nguyễn Vy Khanh, xuất bản cuối năm 2000, ở trang 111, tác giả viết về nguồn gốc tên họ của ta có đoạn như sau:
Nhiều gia đình mang họ kép như Vũ – Đỗ Thìn, Đặng-Trần Huân, Trần-Lê Quang v.v… Tuy nhiên cần phân biệt hai loại họ kép:
– Họ + tên đệm…
– Họ kép hợp bởi hai họ: Đây là những họ kép chính thức. Thường thấy có: Vũ-Đỗ, Nguyễn-Trần, Trần-Lê, Hồ-Đặng, Lê-Phan, Vũ-Phạm, Đặng-Trần…
Tôi cám ơn Nguyễn Vy Khanh đã dẫn tên tôi trong bài khảo luận nhưng thực ra trường hợp của tôi hơi khác với trường hợp chung như tác giả Nguyễn Vy Khanh nêu ra. Theo tộc phả họ Đặng Trần thì nguyên thủy thuộc giòng tôn thất cùng thời Trần Quốc Tuấn nhưng vì quá lâu không có tộc phả lưu truyền chỉ có từ thế tổ Du Phúc Công Trần Văn Vy mà trong tộc phả họ Đặêng Trần ghi là đời thứ nhất.
Tới đời thứ năm Ngạn Hòa Công đổi họ các con ra họ Đặng Trần không nói rõ lý do tại sao nhưng chắc chắn không ở trường hợp ghép họ vợ vì người vợ chính thất và hai thứ thất của Ngạn Hòa Công tất cả dều họ Nguyễn. Tới đời tôi là đời thứ mười sáu vẫn giữ họ Đặng Trần từ đời thứ sáu truyền lại và là một chi họ định cư ở xã Phù Đổng thuộc Kinh Bắc tức là Bắc Ninh sau này. Do vậy nếu nói khi tên người có hai họ là do ghép từ hai họ khi đi làm con nuôi, được vua ban hay ghép chung họ mẹ tuy đúng nhưng không phải là một định luật mà cũng có ngoại lệ.
***
Thiếu thực tế và suy luận chủ quan vô căn cứ là hai nguyên nhân dẫn tới sai lầm. Nhưng nguyên nhân quan trọng chính là sự tin tưởng hoàn toàn vào sách cũ, thu mình trong thư viện, do không đánh giá, chọn lọc, không cân nhắc kỹ càng các tài liệu tham chiếu.
Ở phần cuối mỗi cuốn biên khảo thường thường có danh sách dài dằng dặc những sách được kê cứu để chứng minh. Chúng tôi đã đọc thấy một cuốn biên khảo liên quan tới Việt sử mà trong danh sách tham chiếu mấy chục cuốn sách thì đa số là sách xuất bản tại Việt Nam nhiều cuốn sau năm 1975. Thử hỏi nếu viết về sử cận đại mà lại tham khảo và tin tưởng hoàn toàn ở những sách của nhà xuất bản Sự Thật của đảng cộng sản Việt Nam thì đúng được bao nhiều phần trăm. Tham khảo những cuốn sách của Mỹ hay Pháp viết về cuộc chiến Việt Nam còn cần lựa chọn, cân nhắc các dữ kiện hơn nữa vì đa số tác giả Mỹ, Pháp nhìn cuộc chiến Việt Nam bằng một cái nhìn thiên lệch. Lấy ví dụ như cuốn Vietnam, a History của Stanley Karnow nói về cuộc chiến Việt Nam. Cuốn sách này đã được quay thành phim truyền hình với sự xuất hiện nhân chứng hầu như tuyệt đại đa số là các cán bộ cộng sản. Bộ phim 7 tập được Việt cộng cho chiếu trong các nhà tù gọi là cải tạo ở Việt Nam sau 1975 cho các tù nhân là các chiến sĩ quốc gia xem thì đủ biết nội dung nó thiên lệch và có lợi cho cộng sản đến thế nào.
Trên tạp chí Đi Tới xuất bản tại Quebec, Canada từ số 33 +34, phát hành tháng 4 -5. 2000, một chuyên viên ngành thư viện đã có thiện chí giới thiệu 100 cuốn sách Anh, Pháp ngữ nói về Việt Nam để cho các sinh viên gốc Việt trẻ tuổi, không thạo tiếng Việt nên tìm đọc để hiểu về quê hương cũ. Danh sách 100 cuốn sách đăng trong bảy tháng nhưng chỉ riêng tên 26 cuốn đầu giới thiệu trong số báo dẫn trên đã có cuốn thứ 8 là cuốn Vietnam, a History mà ông giới thiệu Karnow là một đại ký giả Hoa Kỳ (grand journalist american) cho thêm phần thuyết phục.
Với những sinh viên Việt Nam sinh trưởng tại Mỹ sau 1975 am hiểu rất ít về nguồn gốc và lịch sử Việt Nam mà lại chỉ đọc và tin vào những sách kiểu như của Karnow thì việc giới thiệu những tác giả loại này có thể là một con dao hai lưỡi.
***
Muốn thực hiện một công trình mang tính chất lịch sử, sự thận trọng và không tự mãn có lẽ là những đức tính cần thiết. Cách làm việc này có thể lấy ví dụ cụ thể là bức tường vinh danh những chiến binh Hoa Kỳ hy sinh trong cuộc chiến Việt Nam tại thủ đô Hoa Thịnh Đốn. Tổng số tên ghi trên bức tường này là 58202 người và thời gian tính bắt đầu 1959 là năm hai cố vấn Mỹ hy sinh tại Biên Hòa ngày 8 tháng 7 và cuối cùng là năm 1975 khi 18 quân nhân Mỹ hy sinh trong trận giải cứu thương thuyền Mayaguey tại đảo Thổ Tang, vịnh Thái Lan ngày 15.5.75 sau khi cộng sản Việt Nam đã chiếm Sài Gòn.
Nhưng con số và ngày tháng ghi trên không bất di bất dịch. Những người hoàn thành bức tường đã phòng hờ để dấu quả trám để chỉ người đã hy sinh và những dấu chữ thập để chỉ người mất tích bên cạnh tên của họï. Khi một người mất tích trở về thì dấu chữ thập được khoanh một vòng tròn xung quanh và nếu tìm thấy hài cốt được xác nhận thì dấu thập tự được đổi thành quả trám. Tuy đã thận trọng như thế nhưng sau khi hoàn thành bức tường, đã phát giác ra người chiến sĩ đầu tiên hy sinh không phải vào năm 1959 mà từ năm 1957 là đại úy Harry Cramer. Vàø trong số trên 58 ngàn người có tên trên đài kỷ niệm đã ghi lộn 15 người còn sống. Để giữ sự chính xác, những sai lầm này đã được đính chính mà không hề ngượng ngùng, tự ái.
***
Trở lại vấn đề biên khảo, nếu muốn tránh khỏi mắc những lỗi lầm là một chuyện vô cùng khó khăn dù là cuốn sách được soạn thảo bởi nhiều người chứ đừng nói là do sự biên soạn của một người. Theo chúng tôi nghĩ cách duy nhất để cho một cuốn biên khảo có giá trị chính xác là người hay nhóm soạn thảo phải có tinh thần trách nhiệm với tác phẩm của mình, phải theo dõi nuôi nấng tác phẩm như một đứa con. Các tác giả lắng nghe và sửa đổi, bổ sung những sai lầm khi được biết rõ ràng với một tinh thần cầu tiến mà không bỏ qua, không thèm đính chính hay cáo lỗi. Và phía người đọc không nên có thái độ dễ dãi, thờ ơ mà cần có sự đóng góp vô tư và tích cực khi chứng minh được sự sai lầm.
Nếu sự cộng tác chặt chẽ, thành thực giữa độc giả và tác giả thực hiện được tốt đẹp, những tác phẩm biên khảo chắc chắn sẽ càng giá trị và chính xác hơn.

 

Cũng đủ lãng quên đời

Người Việt có câu ca dao: Lời nói chẳng mất tiền mua. Liệu lời mà nói cho vừa lòng nhau. Vì thế đi đâu đâu, mọi cơ hội giỗ Tết, cưới hỏi, tiệc tùng, tiếp tân, mừøng con đỗ đạt, ra mắt sách, khai trương ta nghe tràn đầy những lời chúc tụng tốt đẹp, văn hoa, những lời giới thiệu, những câu tâng bốc, khen ngợi nhau ngọt hơn mật ong.
Trong lãnh vực văn chương thì những lời khen ngợi còn lên cao độ, siêu đẳng vì các nghệ sĩ là gì nếu chẳng phải là những chuyên viên làm cho mọi sự đời thêm hồng, thêm thắm. Đây không phải là chuyện mới lạ mà là chuyện từ ngàn xưa. Còn nhớ khi văn Nôm bắt đầu có, và truyện Kiều của Nguyễn Du ra đời thì đã có biết bao nhà văn nhà báo ca tụng tác phẩm này. Số sách báo ca tụng Kiều chắc dầy gấp mấy chục lần chính cuốn Kiều. Tuy cũng có người chê Kiều nhưng chỉ chê một khía cạnh nào đó như trường hợp học giả Huỳnh Thúc Kháng.
Điển hình về những lời ca tụng Kiều chắc phải là nhà văn Phạm Quỳnh. Khi đó, ngày 8. 9. 1924, Phạm Quỳnh tổ chức một cuộc nói chuyện về truyện Kiều ở trụ sở Hội Khai Trí Tiến Đức, Hà Nội với hai diễn giả làTrần Trọng Kim và chính ông. Phạm Quỳnh ca tụng Kiều với một giọng say sưa, xuất thần như trong mộng. Ông nói Kiều là một áng văn hay nhất thế giới, không nói đâu xa chỉ so sánh với văn học hai nước trực tiếp ảnh hưởng tới Việt Nam hồi đó là Pháp và Trung Hoa thì Kiều cũng xếp hạng trên cơ rồi.
Ông thao thao ca tụng Kiều vừa là kinh vừa là truyện vừa là thánh thư Phúc âm của dân tộc là quốc hồn quốc túy. Phạm Quỳnh nói như hát rằng:
Thử hỏi cổ kim đông tây đã có một áng văn chương nào cảm người được sâu và được rộng như thế chưa?. . . Than ôi mỗi lần nghĩ tới mà không khỏi rùng mình, chột dạ sửng sốt rụng rời, tưởng như hòn ngọc trên tay bỗng rơi xuống vỡ tan tành. Rồi mới tỉnh ra sực nhớ đến mấy câu Kiều, vỗ bàn đập ghế, gõ nhịp rung đùi, lớn giọng cao ngâm: Lơ thơ tơ liễu . . . bỗng thấy trong lòng vui vẻ, trong dạ vững vàng, muốn nhảy muốn múa, muốn reo muốn hò, muốn ngạo nghễ với non sông mà tự phụ với người đời: truyện Kiều còn, nước ta còn . . .
Nghe đã thấy mê ly ngây ngất chưa?
Những lời văn của Phạm Quỳnh có ảnh hưởng chăng tới các thế hệ phê bình đi sau không? Hay là những linh hồn lớn gập nhau, các nhà phê bình giới thiệu những thế hệ sau cũng luôn luôn có những lời mật ngọt.
Hồi sinh thời y sĩ đại tá Nguyễn Tuấn Phát, ông có viết những bài phiếm về y học trên vài tờ báo Sài Gòn. Ông cũng vẽ và làm thơ. Ông viết có duyên, ngoài đời ông rất vui vẻ, cởi mở, có cảm tình với anh chị em nghệ sĩ. Có lần người viết bài này tặng sách ông đề nghị đề tặng: “Tặng anh Nguyễn Tuấn Phát, người nghệ sĩ lạc đường vào y học”, ông dẫy nảy lên đáp “Đừng đề thế, mày! Chẳng gì nghề bác sĩ cũng nuôi sống mình, không nên bội bạc”. Khi xuất bản cuốn sách đầu tay và duy nhất Một Vài Cảm Nghĩ Của Người Thầy Thuốc, Anh Tuấn Nguyễn Tuấn Phát được đón nhận với nhiều nồng nhiệt, và những nhà văn quen biết ông cũng dành cho ông những cảm tình đặc biệt. Một phần cũng nhờ các đơn vị cảm mến ông y sĩ trưởng của ngành, cuốn sách được tái bản ngay vài tháng sau đó. Một nhà văn có tiếng đã viết bài giới thiệu sách có một câu đại ý là Lâm Ngữ Đường viết Một Nghệ Thuật Sống thật là xuất sắc nhưng so với Anh Tuấn Nguyễn Tuấn Phát thì còn kém xa. Vị bác sĩ nghệ sĩ đọc lời phê bình, má hơi ửng đỏ.
Trên Sài Gòn Nhỏ số ra ngày 17. 1. 1997, Tố Mai kể rằng nhà thơ Hà Thượng Nhân viết bài khen bài Bát Phở Đầu Đời của Nguyễn Tử Đóa như sau:
Chỉ với bài thơ nhỏ tôi dám nghĩ rằng Nguyễn Tử Đóa có cái phong cách của Bạch Cư Dị lẫn Đỗ Phủ. Bạch trong sáng và Đỗ thẳm sâu.
Trong Đêm Giữa Ban Ngày, Vũ Thư Hiên kể Kim Lân có một truyện ngắn nhan đề Thằng Câm và so sánh Kim Lân với văn hào Nga Tourgueniev cho rằng nhà văn Nga này khó vượt nổi được Kim Lân.
Lúc thanh niên, Kim Lân có dịp tới thăm tôi vì quê anh ở Phù Lưu (Bắc Ninh) cách làng tôi chỉ một cánh đồng, và anh em vẫn thường gọi là Tài Rỏm (tên thật Nguyễn Văn Tài) vì anh ốm yếu gày gò, lúc đó mới bắt đâu tập viết. Nếu tôi không lầm thì hình như Kim Lân chỉ có một tác phẩm khá là Vợ Nhặt. Bây giờ mới thấy Vũ Thư Hiên ca tụng Kim Lân với truyện Thằng Câm viết nhưng chưa bao giờ đăng báo, còn ở trong vòng bí mật.
Khi viết lời giới thiệu cho tập truyện Tiểu Thư Con Gái Nhà Ai? của Hoàng Dược Thảo, Trần Bích San cũng liên hệ tới nhà văn Nga Chekhov và viết:
Anton Chekhov để lại cho nhân loại những truyện ngắn hoàn hảo đến độ một ngự sử văn học danh tiếng Tây phương cho là không ai có thể thay đổi một chữ, dù chỉ một chữ thôi, trong các đoản thiên của ông.
Khi đọc đoạn văn này, có người bạn ngồi bên cạnh tôi đã nói đùa:
– Thay đổi luôn cả câu hay bỏ luôn cả truyện cũng được. Có chết ai đâu?
Thói quen dẫn chứng quá nhiều bằng văn học ngoại quốc, ít tự tin vào văn tài của mình, mà thích dựa vào bóng một cây cổ thụ sẵn có khiến người ta nhớ đến những đoạn văn của nhà phê bình Trương Tửu viết trong cuốn Kinh Thi Việt Nam từ hơn năm chục năm trước.
Đại ý Trương Tửu thắc mắc sao hồi đó có thể có những con người Việt Nam từ đầu móng chân đến cuối sợi tóc mà lại chỉ đi tìm thú văn chương, thú tinh thần ở những thơ Quan Thư, Cát Đàm, Thảo Trùng, Hàng Lộ của Kinh Thi là một tác phẩm thuần chất Trung Hoa.
Ông cũng dẫn chứng câu Khổng Tử nói Bất học Thi vô dĩ ngôn, không đọc Kinh Thi thì không có chuyện gì mà nói và cho rằng câu đó chỉ đúng với đồng bào Tàu của ông Khổng Tử chứ đâu đúng với chúng ta. Từ xưa hàng chục triệu người Việt không hề biết tới Kinh Thi trong ngũ kinh Trung Quốc thì họ không nói được hay sao? Có hay không có Kinh Thi với người Việt có hề chi?
Khi không muốn dẫn chứng bằng văn phẩm ngoại quốc để so sánh, một vài tác giả có tinh thần độc lập đôi khi lại chủ quan thổi phồng giá trị tác phẩm.
Bài thơ Một Thế Kỷ Mấy Vần Thơ của Truy Phong đăng trên tuần báo Tiến Thủ được Sơn Nam nhận xét là “một trong những bài thơ đẹp nhất của thế kỷ hai mươi”.
Xuân Vũ khi giới thiệu cuốn Qua Các Nẻo Đường Quê của Xuân Tước xuất bản năm 1994, ca tụng truyện ngắn Con Rắn Vú Nàng như sau:
Trước nhất đây là một truyện ngắn kiệt xuất có thể xếp vào loại truyện hay nhất Việt Nam. Nếu có nhà xuất bản nào in một tập truyện chọn lọc Việt Nam thì xin hãy đọc truyện này . . .
Theo tôi, nói về cuộc sống nông thôn ở Nam Kỳ chưa có một truyện ngắn nào hay bằng truyện “Con Rắn Vú Nàng” của Xuân Tước tính cho đến nay. Nó có thể xếp ngang với bất cứ truyện ngắn hay nào của thế giới . . . Về bố cục thì thật là tài tình. Nó chuyển biến nhanh chóng, khoa học và đưa tình cảm của người từ thấp lên cao chót vót, rồi đổ lộn nhào một cách khoái trá, bất ngờ nhưng rất lô gích.
Có những áng văn phải hay như thế nào thì mới có người la lên mà ca tụng tận tình như thế chứ mà lại bị chìm lấp trong bóng tối thật là phí uổng. Có nên lập lại đề nghị của nhà văn Xuân Vũ rằng có nhà xuất bản nào in tuyển tập hãy nhớ đừng quên những áng văn này. Ít nhất để chúng trình diện với độc giả xem độc giả có đồng ý là những áng văn được ca tụng vào hàng quốc tế không, có làm cho văn học Việt Nam nở mày nở mặt hay không? Nếu không thì cũng được biết chân giá trị của tác phẩm theo khiếu thưởng ngoạn của riêng mình và lần sau không nghe lời giới thiệu của các vị đó nữa. Chúng ta đã có hàng chục tuyển tập xuất bản ở hải ngoại rồi mà các nhà sưu tầm, phụ trách tuyển chọn đã bỏ quên những tác phẩm lớn kể trên hay là đã tuyển chọn theo cảm hứng, theo sự thân quen, sự thù tạc hàng ngày.
Trong bài phỏng vấn luật sư Nguyễn Văn Chức đăng trên báo Con Ong Texas ngày 10. 10. 97, ông Chức cho biết ông nhận được năm cuốn Đêm Giữa Ban Ngày của Vũ Thư Hiên của những người đề nghị ông viết bài ca tụng. Trong số những người đó có cả những bậc đàn anh có nhận thức cao về văn hóa và chính trị đã ca ngợi Đêm Giữa Ban Ngày là một kiệt tác của thế kỷ thứ hai mươi. Những lờiø tâng bốc ngọt như mía đó hẳn ẩn dụ một ý đồ chính trị, đón gió trở cờ.
Những lời khen quá đáng, cũng có khi rất thành thực vì quá chủ quan, quá hài lòng về những điều mình thấy, mình đọc và vì cảm tình đã lấn át lý trí, lấn át sự vô tư?
Trong làng báo Nam Cali cũng có một hiện tượng một tờ tuần báo sinh sau nhưng đã nổi lên và đứng vững là tờ Saigon Post. Số đầu tiên ra mắt cuối năm 1995, nhờ kỹ thuật ấn loát tờ báo trông đẹp mắt, rực rỡ nhất là cái bìa, tiếc rằng tấm bìa in công phu chỉ là một tờ quảng cáo, với cái tên báo nhỏ xíu.
Thường thường bìa một tờ báo tuần giá trị phải là một bức ảnh, một họa phẩm, hay đơn giản là mục lục nhưng không để cho quảng cáo lấn lướt. Nhưng tiếc thay quảng cáo lại là lẽ sống còn của nhiều tờ báo.
Ở xứ Mỹ này ngay đối với những tờ báo thâm niên nhiều khi quảng cáo vẫn nắm sự sinh tử của chúng, trừ khi được tài trợ bởi những thế lực giấu tên. Tờ tuần báo ảnh lâu đời của nước Mỹ (hình như Saturday Evening Post) đình bản chỉ vì bị truyền hình tranh mất quảng cáo sau cả trăm năm làm mưa gió trên thị trường báo chí. Tờ Life cũng ngắc ngoải phải ra khổ nhỏ hơn, xuất bản khi trồi khi sụt vì lý do như thế.
Tờ báo in đẹp như Saigon Post đứng vững được hơn một năm phải là lý do để cho anh em tòa soạn hài lòng. Trong bài xông đất đăng số Xuân Đinh Sửu nhà văn Nhật Thịnh và nhà thơ Nguyên Phương đã tỏ ra phấn khởi khi so sánh Saigon Post với tời báo ảnh Paris Match ở tận Paris, Pháp quốc.
Paris Match có cả trăm tuổi thọ vẫn cải tiến liên miên để mong tiến thủ. Có thời tờ báo này đã đổi mới bằng cách thay vì khuôn khổ hình chữ nhật thì báo in vuông như hòn gạch bông cho lạ mắt, mục lục thì đảo lộn thông lệ thay vì in ở cuối hay đầu thì cho vào giữa các trang báo cho độc giả mất thì giờ lần mò cho vui. Loanh quanh rồi cuối cùng trở về dạng bình thường thôi. Và tờ báo đứng vững, có uy tín quốc tế chính vì nội dung của nó hơn là báo đẹp và đổi mới lố lăng, lập dị.
Khi nghe các bạn so sánh báo nhà với Paris Match tôi cũng hơi chột dạ, hơi ngượng vì mình cũng có chân trong ban biên tập mà không đóng góp đựơc là bao nhưng vẫn phải chia sẻ hoài bão của các bạn mình dù thấy rằng so sánh hơi quá đáng.
***

Việc giới thiệu sách nhiều khi cũng đưa đẩy người viết say sưa, xa rời thực tế. Một trường hợp điển hình là nhà văn Hồ Trường An khi viết lời bạt cho tác phẩm đầu tay của một nhà văn nữ khoan khoái quá, ca tụng tác phẩm chưa đủ còn ca tụng cả nhan sắc và duyên dáng của tác giả cuốn sách mặc dầu ông chưa gập mà chỉ nhìn qua ảnh. Ông viết:
Ở bìa sau quyển sách có in tấm ảnh màu của chị . . . Có lẽ nếu đem thơ của cụ Tiên Điền Nguyễn Du khi cụ mô tả Thúy Vân ở hai câu:
Vân xem trang trọng khác vời
Khuôn trăng đầy đặn nét ngài nở nang
thì đúng diện mạo chị . . . ngay. Khuôn mặt chị tròn nét mày hơi dầy và đậm nhưng tỉa gọt rất thanh nhã. Thúy Vân có thêm Hoa cười ngọc thốt đoan trang. Trên tấm ảnh kia, nụ cười của tác giả . . . tươi ơi là tươi, như hoa hồng buổi sáng tinh mơ với cặp môi rõ nét và thanh tú được tô hồng đào ngọt lịm. Nụ cười rất tự nhiên không chút điệu đà, không chút nắn nót để phô bày đôi hàm răng ngọc trai khít khao và đều đặn. Đó là hoa cười . . .
Còn tới mười hai giòng nữa tả giọng nói và mầu áo của tác giả nhưng xin thôi không trích nữa. Chẳng trách gì người thưởng ngoạn khi gập áng văn hay, hợp gu mình thì ngất ngư khoan khoái như ca dao: Chim khôn thì khôn cả lông. Khôn cả cái lồng người xách cũng khôn.
***

Trên lãnh vực văn thơ báo chí thì vậy, nhưng trên lãnh vực ca nhạc còn du dương gấp trăm lần vì ca nhạc bản chất vốn đã du dương. Chỉ xin cử một đoạn – coi như lạc lõng – để mời quý vị thưởng lãm thêm. Đoạn này trích trong bài viết về ca sĩ Bích Chiêu của Vũ Xuân Hùng khi nàng tới thăm Cali, đăng trên nguyệt san Hồn Việt số158, tháng 11. 1996:
Phải nhìn và nghe Bích Chiêu hát mới thấy hết được chất quyến rũ, sinh động của nàng. Ở Bích Chiêu lúc đó là nam châm, là giòng điện cao thế, là cái ngọt của đường phèn. Hát Nỗi Lòng thì chẳng ai có thể ngậm ngùi, chua sót như Bích Chiêu. Hát Em Đến Thăm Anh Một Chiều Mưa thì chưa tiếng ca nào ăn đứt được cái đằm thắm, nũng nịu, tình tứ của Bích Chiêu. Ca Gái Xuân thì chao ôi, lẳng tơ tình ái đến độ ta muốn ôm chằm mà cắn một cái cho đã cái hàm răng.
Sang đến nhạc twist, Bích Chiêu đốt lửa chuốc rượu vào lòng khách nghe bằng lối trình diễn của loài trăn, loài cọp. Nàng hát đâu ra đó. Điệu nào cũng hay, nhạc nào cùng tuyệt.
Quý vị hết bàng hoàng chưa?
Sống tha hương nơi xứ lạ, ngày đêm lăn lóc với nhiều công việc hai ba ca không ngừng nghỉ để có tiền trả tiền nhà, tiền xe, tiền bệnh viện, thì giờ nghỉ ngơi hạn hẹp có khi cả ngày chỉ có vài chục phút không có lúc nào rảnh để đọc sách, thưởng văn, không có thì giờ đi phòng trà ca nhạc thì cứ nghe kể lại cũng đủ lâng lâng, thả hồn lên tận Thiên Thai rồi.
Tiết kiệm gì một lời khen, không mất lòng ai cả. Người được khen, cũng có khi biết là hơi quá nhưng vui mừng trong bụng, người khen viết xong cũng thở phào khoan khoái. Và người đọc thì cũng được vài phút mê ly, lâng lâng như đang mừng đám cưới, như đang uống rượu trước giờ hợp cẩn và nói như mấy chữ trong thơ Đinh Hùng mà Mai Thảo đã mượn làm tên cho tiểu thuyết của mình: Cũng Đủ Lãng Quên Đời.

Không có xe nằm nhà đọc hồi ký

Mấy ông già Việt ở Mỹ không có xe hay không biết lái xe, mà con cái đi làm suốt cả ngày thì cũng kể như đi ở tù. Đi xe buýt thì ngại quá, tuy giá rẻ nhưng lập cập trượt chân ngã một cái, động một giây thần kinh nào đó dễ liệt nửa người rồi vào nhà dưỡng lão như chơi. Đành nằm nhà đọc báo hay tiểu thuyết. Tiểu thuyết thì chuyện vẩn vương cũng chán mớ đời, thành ra loại sách các cụ thích lại là hồi ký mặc dầu loại sách này không được coi trọng như nhiều thể văn khác. Người ta gọi tiểu thuyết gia, kịch tác gia, thi sĩ rồi ký mục gia. Có ai gọi người kể chuyện đời là những văn hào hồi ký bao giờ.
Không phải các cụ bây giờ mới đọc loại sách này. Xa xưa lắm các cụ cũng từng giở những hồi ký của thủ tướng Anh, tổng thống Mỹ, Pháp như Churchill, Truman, De Gaulle xem họ kể chuyện thế chiến ra sao?
Thời Việt Nam Cộng Hòa thì cũng đảo qua những hồi ký của tổng thống Nixon, của tiến sĩ Kissinger (chưa có chức vụ gì đáng khoe thì khoe tiến sĩ vậy!) nhưng dầy quá chỉ lật lật những đoạn liên quan tới Việt Nam xem mấy chính khách Mỹ này nhận xét về giọng nói tiếng Anh của tổng thống Thiệu ra sao, Hoàng Đứùc Nhã có dáng dấp như thế nào mà nói giống tài tử địện ảnh Humphrey Bogart v. v…
***

Đọc hồi ký của Tô Hoài ta cũng thấy có cái đặc biệt. Tác giả viết như tiểu thuyết, xáo trộn thời gian, không cần ngày tháng.
Cuốn Cát Bụi Chân Ai? của ông do nhà xuất bản Hồng Lĩnh, Westminster, CA tái bản năm 1993 được nhiều người khen là khá, trung thực, can đảm nhưng khi viết về vụ Nhân Văn Giai Phẩm ông chỉ nói phớt qua tới các bạn văn của ông nhưng tránh né không nói tới số năm khổ nhục trong tù mà họ đã trải qua.
Trong lúc xã giao gập nhau ở sở làm, đám tiệc tùng người ta tay bắt mặt mừng, văn hoa, lịch thiệp. Nhưng khi hoạn nạn, nghèo túng hay tù đầy con người mới lộ chân tướng của mình. Với nhà văn Tô Hoài thì không thế mà lộ ngay cả khi chiến thắng, lúc hòa bình. Cái đoạn mà Tô Hoài viết về Phan Nhật Nam, nhà văn Việt Nam Cộng Hòa đối nghịch với ông cũng đáng được kể lại.
Phan Nhật Nam theo phái đoàn Việt Nam Cộng Hòa ra Bắc chứng kiến cuộc trao trả tù binh Mỹ; khi trở lại Sài Gòn nói rằng lúc tới sân bay ngoài Bắc ông không thấy một nhà văn miền Bắc nào có mặt. Tô Hoài trả lời trong Cát Bụi Chân Ai? như sau:
Rõ hồ đồ, Nguyễn Tuân và ông đây từ sáng sớm đã uống bia Trúc Bạch trong quầy nhìn ra đám tù binh giặc lái áo xanh lá cơi, cổ đeo tràng hạt gộc tre, sắp hàng chui vào bụng máy bay. Và xem mày ngọ nguậy lên xuống, giơ máy ảnh (309, 310).
Trong văn chương nếu có đả kích nhau thì cũng dùng những câu nhã nhặn, nếu cần thì chua cay mặn chát thôi, đều tỏ ra là con người có văn hóa (theo lối nói của Hà Nội) mà ít khi xách mé, hằn học. Đằng này Tô Hoài đã không còn bình tĩnh khi tự tôn xưng mình là ông và gọi đồng nghiệp bằng mày khi cùng Nguyễn Tuân lén lút nấp ở phía trong như hai kẻ gian phi rình dập. Con người cộng sản Tô Hoài dù có viết đi, viết lại cũng không còn giữ được bình tĩnh nữa, chân tướng cũng lộ ra. Còn đâu cái văn phong duyên dáng của những Dế Mèn Phiêu Lưu Ký, O Chuột, Quê Người của một thời xa xưa.
***

Nhưng nói tới hồi ký của các tác giả quốc gia xuất bản ở hải ngoại thì thật là phong phú. Đủ loại, đủ cỡ, đủ đề tài, xum xuê như một rừng hoa lá trên một trang trại mầu mỡ đầy đủ gió, nắng, nước và hóa chất dinh dưỡng.
Chỉ riêng hồi ký về tù cải tạo của các cựu tù nhân thôi cũng có cả hàng chục cuốn. Nào Đại Học Máu của Hà Thúc Sinh, Đáy Địa Ngục của Tạ Tỵ, Trại Kiên Giam của Nguyễn Chí Thiệp cuốn nào cũng tái bản, Nhà Tù của Duyên Anh v. v. . . rồi Những Bước Chân Tù của Chánh Trung mỏng và nhỏ xíu nhưng khá chính xác bởi tác giả của nó chính là một thiếu tá ngành an ninh quân đội.
Mỗi tác giả tù ở mỗi nơi, có cái nhìn khác nhau, theo từng góc cạnh khác nhau. Những độc giả Việt rời khỏi nước từø 1975 hay sau này, may mắn không nếm mùi tù cộâng sản nhưng đọc tất cả những hồi ký tù đầy đó, ráp nối chúng với nhau, loại bỏ những phần khoác lác anh hùng tính quá đáng, loại những đoạn bi thảm hóa tột cùng không chính xác thì cũng có thể hình dung đúng đắn được phần nào cảnh tù và thông cảm với các tác giả. Trong loại sách về cải tạo có một cuốn cần được nói kỹ phải chăng là cuốn Trại Cải Tạo của Phạm Quang Giai do tác giả xuất bản tại Houston, TX nạp bản tại thư viện Quốc Hội Hoa Kỳ năm 1986. Cuốn sách chúng tôi có dưới tay ghi là tái bản lần thứ tư, không rõ năm nào. Nội dung cuốn sách mô tả nhiều cực hình mà tù nhân gánh chịu, nhiều hành động can đảm bất khuất của tù nhân nhưng cũng có nhiều chỗ khiến ta đâm ra phân vân khi thấy tác giả phạm khá nhiều sai sót. Là một trung tá nhưng tác giả đã viết sai tên nhiều bạn đồng đội thậm chí sai cả tên một trong những cấp chỉ huy của mình là đại tá phụ tá tổng cục trưởng Tổng Cục Chiến Tranh Chính Trị (trang 20).
Khi bị tù cộng sản tại Sơn La chúng tôi không biết là anh Giai cũng bị nhốt chung một trại vì khác khu . Thế mà ở trang 247, anh Giai viết mỗi lần từ vườn rau khu B về anh lại tạt vào vườn rau khu A để nói chuyện với Văn Quang và tác giả Chuyệân Cấm Đàn Bà vì tôâi làm tổ trưởng tổ vườn khu A và Văn Quang là tổ viên của tôi.
Sự thực khi bị giam giữ tại Sơn La tôi là một tổ viên thuộc toán rau ngày ngày ra làm cỏ ở vườn, có một lần trông thấy Phan Lạc Phúc (Ký giả Lô Răng) làm ở khu vườn kế cậân nhưng cách nhau bởi một hàng rào kẽm gai, mừng quá nên chúng tôi giả bộ ra làm cỏ ở hai góc vườn sát nhau nhưng cũng chỉ chuyện trò được vài phútù. Do đó tôi biết Văn Quang cũng ở cùng khu với Phan Lạc Phúc nhưng tôi không gập lần nào. Vì khu trung tá Phan Lạc Phúc và khu thiếu tá chúng tôi riêng biệt không được tiếp xúc với nhau chứ không phải chiều chiều nói chuyện với nhau thanh thản.
Phạm Quang Giai cũng hồi tưởng lại khi anh bị công an bắt đi trong đoạn văn tả lúc anh được tha như sau:
Cả nhà reo mừng khi được tin tôi trở về. Vợ và các con tôi ôm cứng người tôi, thổn thức giữa sân, nhưng lần này là thổn thức trong hanïh phúc đoàn tụ, chứ không phải cảnh gào thét cách đây sáu năm, lúc tôi bị tên CA chĩa súng sau lưng tống tôi ra khỏi sân để đi nằm ụ (543).
Thế nhưng khi tác giả trình diện đi tù thì lại khác. Hãy nghe:
Tôi bước đi thật nhanh xuống nhà dưới, thoát đi thật lẹ ra khỏi cánh cổng, không đủ can đảm nhìn lên ban công nơi vợ con tôi đang sụt sùi nhìn những bước tôi đi.
Tôi đi thẳng ra đầu đường hẻm, ghé vào nhà một bạn thân là trung tá Nguyễn Thái Đồng, nguyên Liên Đoàn Trưởng Liên Đoàn Địa Phương Quân & Nghĩa Quân tỉnh Ninh Hòa để rủ anh cùng đi.
Hai chúng tôi ra đường Trương Minh Ký thuê một chiếc xe xích lô máy để trực chỉ Trường Kỹ Thuật Don Bosco, Gò Vấp (52).
Thì ra lúc đầu vào sách tác giả còn mô tả như chuyện kể, đúng sự thực là tác giả thủng thẳng cùng bạn dùng xích lô tới trình diện đi tù nhưng về cuối sách chắc là nghĩ tới những ngày tù đầy cay đắng, hoặc say sưa trong mạch văn cảm hứng tác giả đã vui tay hư cấu cho anh công an dí súng vào lưng thành tiểu thuyết phiêu lưu để thêm phần hấp dẫn.
***

Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa và cuộc chiến Việt Nam trong giai đoạn 1954 – 1975 được khá nhiều tác giả kể lại trong các hồi ký nặng về quân sự. Bên cạnh Lịch Sử Chiếùn Đấu Của QLVNCH của Phạm Kim Vinh, không thể không nói tới công trình của Phạm Huấn từ 1987 tới 1990 qua những cuốn Cuộc Triệt Thoái Cao Nguyên 1975, Tướng Phạm Văn Phú Và Những Trận Đánh, Những Uất Hận Trong Trận Chiến Mất Nước, Điện Biên Phủ 1954 Ban Mê Thuột 1975 và Trận Hạ Lào 1971. Với nội dung khá đầy đủ chi tiết của các trậân đánh, nói riêng vềø hình thức theo nghĩa đen thôi đây là một bộ sách nặêng ký vì cuốn nào cũng khổ lớn hơn khổ tiểu thuyết bình thườøng, cuốn nào cũng giấy tốt bìa các tông dày như sách Mỹ, loại sách đồ sộ để bày trong những tủ sách nhà giàu. Khổ những người nghèo mà yêu sách không biết chứa vào đâu vì ở chung cư quá chật chỗ chứa dưa cà mắm muối còn chưa đủ. Ước gì có những cuốn sách nhà nghèo, bìa mỏng cho gọn nhẹ.
Cũng có cuốn gọn nhẹ chứ! Cuốn sách nhỏ thôi, mỏng thôi nhưng tác giả và tên sách lại vô cùng đao to búa lớn. Như cuốn hồi ký có cái tên dài kỷ lục: Hồi Kí 25 Năm Khói Lửa Của Một Tướng Lãnh Cầm Quân Tại Mặt Trận với tên tác giả là tướng Lý Tòng Bá. Bạn nào thích sách gọn nhẹ hẳn phải hài lòng. Và cũng sẽ hài lòng khi đọc những đoạn mô tả đời sống của tướng lãnh quốc gia trong nhà tù cộng sản.
Năm 1996, 1997 khi nói tới chiến sử Cao Nguyên, có nhiều bài báo xuất hiện nhắc lại những sự kiện liên quan tới tướng Phú và trậân chiến Ban Mê Thuột, trận mở màn cuộc sụp đổ VNCH.
Cũng dịp này nguyệt san Hồn Việt số tháng tư 1997 có đăng đoạn trích dịch hồi ký của tướng Westmoreland viết về sự thất thủ Ban Mê Thuột khiến ta vô cùng ngạc nhiên. Tác giả viết trong thời gian này tướùng Phạm Duy Tất là tư lệnh Sư Đoàn 23 Bộ Binh, tỉnh trưởng Darlac tử trận và hai tiểu đoàn dù Việt Nam bị tiêu diệt do máy bay Việt Nam bắn lầm. Sợ báo in lộn, tìm đọc cuốn Bản Tường Trình Của Một Người Lính do Duy Nguyên dịch và nhà Thế Giới, San Jose, CA xuất bản 1997ø cũng thấy ở trang 587 và trang 583 viết đúng như vậy.
Chưa tin ở bản dịch, chúng tôi tìm nguyên bản A Soldier Reports của tướng Westmoreland do nhà Double Day and Company Inc., Garden City, NY xuất bản (ấn bản 1976) thì quả tác giả viết như thế thật:
Before daylight on Monday, March 10, the commander of the 23d Division, General Phan Duy Tat, radioed from Ban Me Thuot to Saigon (485).
Although the South Vietnamese planes knocked out several of the enemy tanks, they also knocked out the ARVN division’s headquarters, killing the province chief and severing all communications to Saigon (486).
Then another of those “unfortunate incidents”: planes of the South Vietnamese Air Force mistakenly bombed an strafed two battalions of the ARVN airborne regiment, virtually wiping them out (488 ).
Thực ra tư lệnh Sư Đoàn 23 Bộ Binh là tướng Lê Trung Tường, đại tá Phạm Duy Tất (không phải Phan) được thăng chuẩn tướng để chỉ huy cuộc rút quân khỏi Pleiku, Kontum, Phú Bổn. Và đại tá Nguyễn Trọng Luật, tỉnh trưởng Darlac đóng tại tòa tỉnh Ban Mê Thuột chỉ bị bắt trong trậân đánh, bị cộng sản đưa đi tù và sau khi được tha ông đã sang định cư tại Hoa Kỳ. Chuyện hai tiểu đoàn dù bị phi cơ Việt Nam bắn lầm trong trận Ban Mê Thuột cũng không có vì Ban Mê Thuột thất thủ ngày 11. 3. 75 mà Lữ Đoàn 3 Nhảy Dù từ Vùng I Chiến Thuật về tăng cường cho Quân Đoàn II mãi ngày 19. 3. 75 mới tới Nha Trang và hôm sau mới nhận trách nhiệm phòng thủ tuyến Khánh Dương (Khánh Hòa).
Tướng Westmoreland chỉ huy quân đội Mỹ tại Việt Nam là vị tướng hết lòng với Việt Nam Cộng Hòa và được người Việt cảm mến. Sau 1975 nếu có cơ hội ông còn bênh vực và ca tụng Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Nhưng ông đã rời chiến trường Việt Nam từ sau trận Mậu Thân (1968) và cuốn sách của ông được xuất bản ngay từ 1976 khi mà tin tức về Việt Nam còn mù mờ và có thể ông đã viết theo lời kể của những cộng sự viên để khiến có những sai lầm đáng trách. Cuốn sách của ông đã tái bản, có hàng chục triệu người khắp năm châu đọc và tin tưởng vì tác giả là một viên tướng đã trực tiếp tham chiến tại Việt Nam.
Sự kiện tỉnh trưởng Nguyễn Trọng Luật và vài trăm chiến sĩ dù bị khai tử sớm hay chuẩn tướng Tất chuyển sang Sư Đoàn 23 Bộ Binh tới bây giờ chẳng còn quan trọng gì. Lời đính chính trên vài tờ báo Việt ngữ của một người lính thất trận cũng chỉ là một giọt nước trên đại dương, chìm lấp trong hàng trăm tờ báo và đa số báo cả Mỹ lẫn Việt ở xứ Mỹ này thì phần bài vở cũng bị chìm lấp trong đa số trang báo là quảng cáo thương mại. Nhưng dù sao cũng cần có lời nói lại.
***

Nhưng những hồi ký viết về tinh hình Việt Nam trong hai thời kỳ đệ nhất và đệ nhị cộng hòa cả chính trị lẫn quân sự là những cuốn sách sôi nổi nhất, có lẽ nhiều người tìm đọc nhất.
Tuổi già đọc hồi ký để tiếc nuối dĩ vãng, để may ra tìm thấy hình bóng mình trong đó dù chỉ là một hình bóng nhỏ như đầu tăm, một nhân vật được gọi là đồng bào trong một đám đông.
Không kể những cuốn viết ra bởi những nhà báo, nhà văn, những nhân chứng cấp nhỏ như Nhật Ký Đỗ Thọ, Làm Thế Nào Để Giết Một Tổng Thống, Bên Giòng Lịch Sử v v . . . nhiều cuốn được viết ra bởi những nhân vật chóp bu góp phần nắm vận mạng của chế độ và quân đội. Nào là Le Dragon d’ Annam (Con Rồng Việt Nam) của hoàng đế Bảo Đại, nào Việt Nam Nhân Chứng của trung tướng phó thủ tướng Trần Văn Đôn, Từ Tòa Bacïh Ốc Tới Dinh Độc Lập của tổng trưởng Nguyễn Tiến Hưng, Việt Nam, Một Trời Tâm Sự của tướng Nguyễn Chánh Thi ,Việt Nam Máu Lửa Quê Hương Tôi của tướng Đỗ Mậu . . .
Cuốn Twenty Years and Twenty Days của phó tổng thống Nguyễn Cao Kỳ thì còn được cộâng sản Việt ưu ái cắt xén, dịch và in lại tại Việt Nam tới hai lần với hai tên sách khác nhau là Chúng Ta Đã Thua Trậân Ở Việt Nam Như Thế Nào? (Nxb VNTTX, 1985) và Lời Thú Nhận Của Tên Tướng Cao Bồi (Nxb Thông Tin, 1990).
Nhiều như thế nhưng mỗi người viết có một chủ ý riêng nên có nhiều vấn đề vẫn còn nằm trong sự mập mờ.
Ai ra lệnh giết tổng thống Diệm? Câu trả lời vẫn chưa có mặc dầu nhân chứng trong hồi ký khá nhiều.
Mười sáu tấn vàng của VNCH đã đi đâu? Tờ tuần báo lớn của Mỹ Newsweek, không biết nghe ai mà viết rằng ông Thiệu thuê một hãng máy bay chở đi mà viên phi công từ chối với một lý do nghe có vẻ khôi hài là số vàng quá nặng sợ phi cơ mất thăng bằng. Tướng Nguyễn Chánh Thi viết tổng thống Thiệu đã cướp mười sáu tấn vàng. Tướng Đỗ Mậu thì viết rằng ra ngoại quốc ông Thiệu đã thú nhận có lấy. Một nhân chứng từ phía cộng sản là Bùi Tín lại nói Trường Chinh đã cho mang vàng ra Hà Nội một phần chi viện cho Căm Bốt và phần còn lại chia nhau dùng hết rồi.
Dùng hồi ký để khoác lác, để tự ca tụng mình, để bênh vực mình và bạn bè phe nhóm của mình hay là cũøng có khi dùng để tấn công kẻ mình không ưa là chuyện chủ quan, khó tránh. Thế nên trong rừøng hồi ký của các tác giả Việt Nam nói về những cuộc binh biến thời VNCH, cũng phải chọn những cuốn nào có ít nhược điểm vừa nói.
Đôi Dòng Ghi Nhớ của Phạm Bá Hoa do nhà xuất bản Ngày Nay, Houston, TX phát hành năm 1994 là một cuốn sách ít nhược điểm, đáng đọc. Tác giả đã từng là chánh văn phòng, là tham mưu trưởng nhiều đại đơn vị nên biết khá nhiều chuyện thuộc loại thâm cung bí sử.
Qua cách kể giản dị, Phạm Bá Hoa đã cho là tướng Trần Thiện Khiêm do thời cuộc đưa đẩy vào chính trị trong khi mô tả tướng Nguyễn Khánh là một người nhiều thủ đoạn, không tình nghĩa, đầy tham vọng chính trị nhưng đã thất bại đau đớn trong mê lộ này. Qua ông Hoa độc giả được biết về số phận của 52 kí lô vàng tịch thu của gia đình họ Ngô sau 1. 11. 63 (79, 81), tính nóng nẩy của đại tá Nguyễõn Chánh Thi khi ông tát một thiếu tá ngay chỗ công chúng (126), cái khôn ngoan của tướng Huỳnh Văn Cao khi chỉ huy Sư Đoàn 7 Bộ Binh đã ép được 90% quân sĩ trực thuộc gia nhập đảng Cần Lao và trong báo cáo dám nhận là sư đoàn ông xuất trận trăm lần là trăm lần thắng (68, 163), từ bữa tiệc Giáng Sinh 1974 tướng Smith đã tiết lộ là Mỹ dự trù di tản sĩ quan Việt Nam và gia đình ra khỏi Việt Nam (192).
Lý thú là đoạn tả về tinh thần trách nhiệm của tướng Dương Văn Minh:
Trung tướng Dương Văn Minh người lãnh đạo quốc gia tròn ba tháng. Đó là thời gian quá ngắn để ngườøi lãnh đạo thi thố khả năng và bản lĩnh của mình. Nhưng với câu nói của ông vào chiều 2. 11. 63 – tức là cuộc lật đổ ông Diệm và ông Nhu thành công – với các tướng lãnh có mặt:
– Các “toa” có cần gì “moa” không để “moa” còn đi đánh tennis.
Lúc bấy giờ tôi không hiểu là ông nói thật hay ông nói đùa sau khi ông tự mãn về chức vụ mà ông vừa nắm trong tay là chủ tịch Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng tức quốc trưởng của VNCH? (81, 82).
Như vậy khi đại tướng Minh nói chính đại sứ Martin đưa cho ông bản văn yêu cầu quân Mỹ rút khỏi Việt Nam để đọc trên đài phát thanh ngày 29. 4. 1975 (235) hoặc là hồi tháng tư 1997 ông tuyên bố sẽõ vềâ Việt Nam để xây dựng dân chủ (báo Nhân Bản, Paris) chắc cũng chỉ là lời nói đùa mà thôi.
Cuốn Đôi Dòng Ghi Nhớ của Phạm Bá Hoa khá thành thực khi ông kể lại chuyện hối lộ trong quân đội và chính ông cũng nhiều lần nhận những khoản này. Ông không khoe khoang, không phô trương, khá nhũn nhặn và dè dặt trong sự phán xét. Do đó người đọc có thể tin được nhiều điều ông kể lại là trung thực.
Cũng hiếm có một cuốn hồi ký như vậy (* 3).
***
Dù là hồi ký viết cẩn thận đến đâu cũng không thể tránh được khuyết điểm nhưng vẫn là những cuốn sách hấp dẫn, cần đọc. Đọc để giải trí, để tìm tài liệu, để nghe người ta nói dóc, để phần nào biết chân tướng từng tác giả và cũng để biết thêm những chuyện mà ta chưa biết, dù đúng dù sai, nếu sai ta cũng hiểu được tác giả vô tình hay có dụng ý gì?
Miễn là khi đọc vẫn phải thận trọng, suy xét mà chớ vội tin tất cả những điều được kể. Vì nếu dễ tin quá mà gập một cuốn hồi ký dỏm thì cũng như là tin ở lời quảng cáo dầu cù là có thể làm giảm tử vong, tăng tuổi thọ,ï chữa được cả ung thư, sida và bán thân bất toại.

 

Chuyện cải cách tiếng Việt

Kể từ khi tiếng Việt được hình thành tới nay biết bao nhiêu nhà ngôn ngữ học và không ngôn ngữ học đề xướng thay đổi nó. Nhiều quá kể ra không xuể.
Theo Vũ Ngọc Phan những nhà văn lớp trước muốn cải cách tiếng Việt được nhiều người biết đến có lẽ là Nguyễn Trọng Thuật và Trần Trọng Kim. Với cuốn Việt Văn Tinh Nghĩa xuất bản năm 1928, Nguyễn Trọng Thuật có nhiều nhận xét về tiếng Việt thời đó và đồng thời đề nghị một số cải cách nhưng những cải cách của ông bị văn phạm Pháp ảnh hưởng khá sâu đậm.
Thấy tiếng Pháp có số nhiều, số ít, giống đực, giống cái, ông đề nghị tiếng Việt cũng nên có những chữ câm đằng sau để phân biệt khi nghĩa khác nhau. Ví dụ chữ kinh có nhiều nghĩa khác nhau nên mỗi khi viết chữ kinh theo nghĩa nào phải viết khác nhau cho chính xác như viết kinhs sợ, kynhp đô, kynh Thánh, kinh nghiệm v. v . . Những đề nghị của Nguyễn Trọng Thuật chỉ gây thêm rắc rối phức tạp vì tất cả mọi nghĩa của chữ kinh khi đọc nguyên một câu văn hoặc nó có kèm theo một chữ khác là đủ nghĩa rồi. Do đó cuốn Việt Văn Tinh Nghĩa của ông dù có nhiều nhận xét, phân tách Việt ngữ rất hay nhưng những đề nghị của ông không được mấy người tán thành.
Ngoài Việt Văn Tinh Nghĩa của Nguyễn Trọng Thuật, Trần Trọng Kim soạn cuốn Việt Nam Văn Phạm (chung với Phạm Duy Khiêm và Bùi Kỷ) có những tiến bộ rõ rệt. Ngay trong bài tựa, Trần Trọng Kim đã công bố đường lối minh bạch rằng Việt ngữ là một ngôn ngữ đơn giản, không nên mô phỏng văn phạm Pháp để áp đặt cho tiếng Việt. Nhưng xét về nội dung Việt Nam Văn Phạm cũng phân chia ra danh từ, động từ, tính từ . . . Một ví dụ: ba chữ cái nhà ở, Trần Trọng Kim cho là động từ vì có chữ ở. Thế nhưng khi cuốn Việt Nam Văn Phạm được dịch sang tiếng Pháp với tên Grammaire Annamite do Lê Thăng xuất bản thì cái nhà ở được dịch là maison d ‘ habitation thì không thể coi là động từ được nữa.
Thành ra chủ trương không theo văn phạm Pháp khi soạn tiếng Việt nhưng vô hình trung các tác giả đã bị ảnh hưởng nặng nề văn phạm Pháp mà không hay. Y như bây giờ có khá nhiều nhà văn, nhà báo hải ngoại mặc dầu biết Việt cộng đã đặt ra những chữ rất ngô nghê, lố bịch nhưng khi viết thì vẫn vô tình bị lôi cuốn và dùng những chữ lố lăng mà cộng sản đã chế ra.
Sau Nguyễn Trọng Thuật và Trần Trọng Kim, nhiều lần vấn đề cải cách ngôn ngữ được đề ra. Cái trở ngạïi của tiếng Việt là năm dấu và những chữ cái mà vần Pháp ngữ không có trong khi chúng ta đang sống dưới thời thuộc Pháp. Có một dạo ngành bưu điện đã đề nghị và áp dụng thử những chữ Việt mà tiếng Pháp không có như ưng ý, ăn cháo . . . thay bằng uung ý, aan cháo để dùng khi gửi điện tín. Ngành in cũng muốn bỏ năm dấu và thay những tiếng thuần túy Việt bằng chữ cái Pháp nhưng không thực hiện nổi mà vẫn phải dùng con chữ đúc riêng cho tiếng Việt không tinh xảo lắm để chờ tới khi kỹ thuật đúc chữ Việt tinh vi hơn.
Tới nay máy điện toán (computer) được phát minh, các nhu liệu tiếng Việt được sáng chế kịp thời vấn đề sắp chữ không còn nữa. Nhưng tới thư điện tử (e-mail) thì không đọc được hết các loại tiếng Việt từ các nhu liệu ở nhiều vùng khác nhau trên trái đất. Người dùng đành tùy tiện gửi cho nhau với nhu liệu tiếng Anh không dấu. Nhưng cũng có trở ngại. Ví dụ đánh thieu phu dam dang ta có thể lầm đảm đang với dâm đãng. Hoăc khi nhận một thư điện tử có câu: Bac Duong cuoi vo cho chau Hung ngay 7 thang 3 vua qua. Tuy o xa nhung cô chu Duong cung ve du dam cuoi. Người ngoài có thể biết có một người tên Duong mới làm đám cưới cho con nhưng chỉ người trong gia tộc mới hiểu được người anh tên là Đường, người em là Dương và chú rể là Hưng chứ nếu đoán sẽ có thể lộn hai tên Duong và Hưng với Hùng hay húng . . . quế.
Biết khi đề nghị cải cách có thể gặp chống đối nên những người đề xướng phải tự thực hành lối viết của mình để làm gương.
Vào thập niên 1960, khi in tập phiếm luận Chuyện Vô Lý của Lãng Nhân, nhà xuất bản Nam Chi Tùng Thư, Sài Gòn đã áp dụng lối viết các từ kép bỏ dấu nối và viết liền vào nhau như ânái, hạnhphúc, chínhchuyên, giađình. . . Lối viết này mới trông cũng thấy ngồ ngộï nhưng không phải là không có trở ngạïi. Nếu những từ kép ô mai, phát hành, bác sĩ thú y mà viết liền thành ômai, pháthành, bácsĩ thúy người ta cũng có thể lộn với ôm ai?, phá thành, bác sĩ Thúy. Phải chăng thấy chuyện thí nghiệm này cũng gian nan nên bút ký Chuyện Vô Lý lần đầu chỉ in 160 bản tặng bạn bè và chuyện dính liền cũng rơi vào quên lãng một thời gian khá dài.
Nguyễn Hữu Ngư một mình một chợ đưa ra nhiều thay đổi cách viết trong tiếng Việt như bỏ Y dài thay thế bằng I ngắn, bỏ phụ âm H trong GH, NGH v . v . . . Không ai nghe theo thì ông tự thực hành một mình. Ông bỏ tên Nguyễn Hữu Ngư của cha mẹ đặt để ký biệt hiệu là Nguiễn Ngu Í, Ngê Bá Lí đơn thương độc mã áp dụng lối viết ấy trong các tác phẩm của mình.
Sau 1975 ở hải ngoại cũng có nhiều tác giả đưa ra những cải cách có khi mới, có khi không. Về việc viết I ngắn thay thế Y dài hai nhà biên khảo Lê Hữu Mục và Nguyễn Đình Hòa nêu lại vấn đề này và hỗ trợ nó. Có nhiều người không đồng ý chuyện thay đổi này nhưng có người yểm trợ và người yểm trợ mạnh mẽ nhất là Dương Đức Nhự.
Theo một bài đăng trên tuần báo Sài Gòn Nhỏ, Westminter, CA , số xuân Kỷ Mão của Đỗ Hữu và Diên Nghị (sau đăng lại có sửa chữa trên tạp chí Tinh Hoa, Minneapolis, MN, số tháng 10. 99 với tên Đức Cố & Diên Nghị), hai tác giả cho biết Dương Đức Nhự không những yểm trợ chuyện thay thế Y dài do Lê Hữu Mục và Nguyễn Đình Hòa theo đuổi mà còn đề nghị cả chuyện viết dính liền, bỏ phụ âm H, du nhập chữ cái F, J, W, Z. Ông đề nghị viết ngẫm ngĩ, ngễnh ngãng, gồ gề thay cho ngẫm nghĩ, nghễnh ngãng, gồ ghề; viết zễ zàng, zu dương thay cho dễ dàng, du dương.
Nhà thơ Diên Nghị và Đức Cố hẳn là cũng không tán thành lối cải cách của ông Nhự khi đưa ra thí dụ chép truyện Kiều như sau:
Trăm năm trong kõj người ta
Cữ tài, cữ mệnh qéw là gét nhaw .
Trải kwa một kuộk bể zâu
Những diềw trông thấj mà daudớn lòng
Lạ jì bỉsắc tưfong,
Trời xanh kwen thój má hồng dánh gen.
Kảw thơm lần jở trướk dèn
Fongtình kổlụk kòn trwiền sử xanh . . .
Có thể bị ám ảnh về kiến thức uyên bác của mình, về những điều đã dày công học hỏi và nghiên cứu nên thạc sĩ ngôn ngữ học Dương Đức Nhự thấy cần phải thay đổi một cái gì mà ông cho là mới chăng? Nhưng thực ra những cải cách của giáo sư Nhự tưởng là mới lại không có gì là mới cả. Viết toàn I ngắn thì đã có từ khi Paulus Của viết tên ông là Hùinh Tịnh Của vào cuối thế kỷ thứ 18. Nguyễn Hữu Ngư cũng chỉ làm công việc lặp lại. Còn cộng sản Hà Nội thì quen cách cai trị theo lối độc tài nên đãø ra hẳn một pháp lệnh về việc thay đổi I ngắn, Y dài.
Cách viết tiếng Việt với những chữ cái la tinh F, J, W, Z thì ông Hồ đã thực hiên và lần cuối cùng là trong chính di chúc viết tay của ông đã có những chữ nhân zân, fe xã hộïi chủ nghĩa, fục vụ, Đỗ Fủ . . . Lối viết đó được các đàn em bợ đỡ, điển hình nhất là Nguyễn Kim Thản, viện trưởng Viện Ngôn Ngữ Học đã tâng bốc như sau:
Ngay từ khi viết Đường Kách Mệnh người đã dùng F thay Ph, Z thay D và G , dùng K thay cho C, bỏ H trong GH và NGH. Những người làm công tác ngôn ngữ học ở nước ta ngày nay vô cùng khâm phục những sự sửa đổi nói trên của Bác. Thiên tài và sự vĩ đại của Bác biểu hiện ở từng việc làm, từng chủ trương cụ thể như vậy đó . . . (Tiếng Việt Của Chúng Ta, Nxb Thành Phố Hồ Chí Minh, 1983, tr. 40).
Di chúc viết tay của ông Hồ với cách viết lố lăng như trên đã được chụp lại in trong báo Nhân Dân sau khi ông chết và năm 1976 cũng bút tích ấy trong cuốn Chủ Tịch Hồ Chí Minh, Tiểu Sử Và Sự Nghiệp do Ban Nghiên Cứu Lịch Sử Đảng Trung Ương biên soạn. Sự thay đổi chữ nghĩa đó sau này đã được ban hành bằng một pháp lệnh của chính quyền và được thực hiện trong Từ Điển Tiếng Việt (Hoàng Phê) từ ấn bản 1988 và trong Đại Từ Điển Tiếng Việt (Nguyễn Như Ý) do Bộ Giáo Dục và Đào Tạo xuất bản năm 1998.
Cách viết dính liền những từ kép thì cũng là lập lại điều mà Nam Chi Tùng Thư đã làm từ năm 1962 mà không ai theo.
Sống ở Mỹ ảnh hưởng lối viết cắt xén chữ nghĩa trong ngôn ngữ nên đã có khá nhiều người lên tiếng hoặc tự cải cách viết tiếng Việt theo một lối riêng mà mạnh mẽ nhất là viết tắt. Nhà thơ Du Tử Lê sau những sáng kiến về thơ gạch chéo cũng đã cho in hẳn ngoài bìa sách của ông cái tên với chữ thật lớn K. Khúc Của Lê mà không viết ca khúc như thường lệ.
Báo Văn Nghệ Tiền Phong đã từng lên tiếng châm biếm lối viết tắt này khi đưa ra những “dự phóng“ (đao to búa lớn cho nó oai):
K nhac, H hong, C xich
Chan minh nhung lam b b
Lai cam bo đuoc ma d chan nguoi
Những người ủng hộ lối viết tắt lý luận rằng người Mỹ viết Toys R Us (chữ R viết ngược), BBQ, U R here, Open on Nite thay cho Toys are us, Barbecue, You are here, Open all night mọi người vẫn hiểu. Không những viết mà khi đọc họ cũng bỏ những khuôn mòn sáo cũ. Khi nói về Quân Đoàn Một họ viết chữ số La Mã I Corps nhưng khi đọc họ đâu cần đọc First Corps hay Corps One mà đọc là Ai Co. Nước Mỹ là cường quốc bậc nhất thế giới tại sao ta không bắt chước họ cho tiện lợi?
Nghĩ cho cùng thì những cách viết lạ lùng khác thường ở Mỹ cũng thường chỉ thấy trong những bảng hiệu, trong những quảng cáo. Ở một quốc gia tư bản tự do, cạnh tranh kịch liệt thì một số chuyên viên quảng cáo chỉ nghĩ làm sao cho mọi người chú ý, làm sao lôi kéo được sự tò mò, lôi kéo nhiều khách hàng nghĩa là mang lại nhiều lợi lộc bằng mọi cách. Nếu không có luật lệ hạn chế hay quần chúng phản đối thì quảng cáo thương mại có thể sử dụng mọi hình thức dù lố bịch, vô luân, bạo lực, dâm đãng để làm sao kiếm được nhiều tiền. Nếu đúng như vậy có lẽ ta ta chẳng nên du nhập vào văn chương chữ nghĩa tiếng Việt để coi như một cải cách tân kỳ.
Tiếng Việt có ưu điểm của nó nhưng cũng làm cho những người ngoại quốc muốn nghiên cứu phải bối rối về việc sử dụng uyển chuyển các từ ngữ mà chẳng cần văn phạm và năm dấu Việt độc đáo không có trong ngôn ngữ nào trên thế giới.
Có thể vì lẽ đó tác giả Phụng Nghi trong cuốn 100 Năm Phát Triển Tiếng Việt (Nxb Văn Nghệ, 1999) đã dành hẳn một chương để bàn chuyện có nên bỏ một trong hai dấu hỏi (?) ngã (~) trong tiếng Việt không? (tr. 137).
Ông dẫn chứng ba khuynh hướng khác nhau về vấn đề này là khuynh hướng chỉ dùng một dấu trên toàn quốc, khuynh hướng dùng một dấu riêng tại miền Nam và khuynh hướng giữ nguyên trạïng không cần thay đổi.
Vấn đề đáng nói nhất là khuynh hướng đầu được nêu lên trên báo Tuổi Trẻ Chủ Nhật, xuất bản tại Sài Gòn từ năm 1990 là hai dấu hỏi ngã nên nhập chung làm một cho tiện, hỏi ngã gì cũng được. Ý kiến của tác giả bài báo thật dễ dãi nhưng khó chấp nhận và thực tế thì đã chín năm trôi qua chưa có ai tán thành đề nghị đó. Nếu chỉ vì ngại khó mà cứ đọc sao viết vậy thì chữ nghĩa không còn là chữ nghĩa nữa. Hai dấu hỏi và ngã có nghĩa khác nhau, dùng trong những trường hợp khác nhau không thể đồng hóa thành một được.
Nếu câu nói: Anh nỡ bỏ cô ấy mà không nghĩ tới tình nghĩa những năm qua sao? mà viết toàn một dấu hỏi là Anh nở bỏ cô ấy mà không nghỉ tới tình nghỉa nhửng năm qua sao? thì chắc cả trăm năm nữa cũng khó có thể quen tai. Nếu báo thành Hồ chủ trương chỉ viết một dấu cho dễ thì cũng nên theo những anh bộ đội nói ngọng không phân biệt được hai chữ L và N, mà bỏ một chữ L đi. Khi đó học trò viết Nu na nu nống cái Bống nằm trong cái Ong nằm ngoài hoặc là Não nính nệä nàng Náng nên nàng Nủ nấy nòng nợn nuôn nuôn đều đựợc coi là đúng chính tả. Và nhân tiện cũng bắt chước giọng đọc của người miền Nam tất cả những chữ bắt đầu bằng V đều viết thành D cho tiện việc mặc dầu trong Nam đồng bào dù đọc là D nhưng vẫn viết V trúng phóc (la ve).
Cũng như không thể viện cớ thông tin trung thực, vô tư để khi rỗi rãi ngồi ghi âm hai người nói chuyện gẫu rồi cứ thế chép lại nguyên văn in thành sách, chắc chắn tác phẩm kịch này phải dày cả nghìn trang với đầy rẫy thì, mà, à, ờ, ừ và nhiều khi còn chửi thề, nói tục.
Học chữ hay muốn nói cho đúng thì cũng phải chịu khó nên không thể ngại khó mà đơn giản hóa quá mức đến thành thiếu sót, thiếu nghĩa. Không thể viện cớ đơn giản để mà đưa đề nghị bắt chước người Mỹ chỉ cần xưng hô bằng hai tiếng I, You cho tiện để bỏ hết những từ ông, bà, cô, bác, chú, thím, cậu, dì . . . thân thương, độc đáo của Việt ngữ.
***

Vấn đề cải cách một ngôn ngữ không phải là một chuyện dễ dàng. Người Trung Hoa hẳn cũng biết chữ viết của họ phức tạp, bất tiện nhưng không hề nghĩ tới chuyện la tinh hóa chữ Hán mà chỉ thay đổi Hán tự từ văn ngôn ra bạch thoại cho đơn giản hơn thôi. Người Nhật mạnh dạn hơn đã đặt ra một cách viết tiếng Nhật bằng chữ cái la tinh gọi là romanji được chính quyền tích cực truyền bá nhưng cho tới nay có lẽ vẫn chưa có sách Nhật in bằng tiếng Nhật cải cách romanji. Họï vẫn yêu thích lối chữ Nhật hiện hành, hình thức hơi giống chữ Hán nhưng ít nét và không rườm rà.
Việc thay đổi chữ viết có ảnh hưởng tới kho tàng thư tịch của các dân tộc nên khó bề thực hiện. Giả thử có một nền văn học lâu đời như Trung Quốc, nếu thay đổi chữ Hán bằng chữ la tinh thì phải có một đội ngũ hùng hậu người mình dịch các áng văn của mình sang chữ mới của chính mình.
Học giả Hoàng Xuân Hãn chắc chắn đã nghiên cứu những đề nghị cải cách tiếng Việt của các tác giả trước ông, đã biết sự khó khăn khi cải cách nên năm 1942 ông đã viết trong cuốn Danh Từ Khoa Học rằng: Tiếng hiện thời của các nước đều đầy những sự vô lý. Nhưng đố ai cải cách nó được.
Để kết luận vấn đề ngôn ngữ, chúng tôi thiết nghĩ tiếng Việt hiện nay đã sử dụng được trong bậc đại học, đã có những thuật ngữ diễn đạt được những vấn đề chuyên môn, khó khăn mà không gặp trở ngại nên chúng ta có thể tự hào về ngôn ngữ hiện tại. Công việc cần của chúng ta là bảo tồn ngôn ngữ ấy sao cho tiếp tục trong sáng mà đừng chế ra những cải cách lai căng làm vẩn đục tiếng Việt như Hà Nội đã làm.
Việc thay đổi chỉ nên thực hiện khi thật sự cần thiết cho việc diễn đạt tư tưởng, hay cải đổi những phi lý rõ rệt mà không nên quá dễ dãi để a dua, mô phỏng nhất thời ngôn ngữ nước ngoài với mục đích làm duyên khiến cho mất sự đơn giản nhưng phong phú và uyển chuyển của tiếng Việt chúng ta.

Theo chân những tiếng hát

Tôi khá khó tính khi mua sách mà thường đọc sách tại thư viện, sách một vài nhà xuất bản thân gửi tặng, hay sách trao đổi với bạn bè. Nhưng lần này gặp cuốn Theo Chân Những Tiếng Hát của Hồ Trường An tôi không chờ được đã nhờ mua ngay, nằm đọc trong nhà thương và thấy cuốn sách 20 đô la còn rẻ.
Tôi muốn theo dõi các bộ môn văn học Việt Nam qua những cuốn biên khảo nhẹ nhàng, tương đối đủ vì sợ mai đây không còn ai đủ sức viết loại này nữa khi mà trong nước cộng sản cố tình xóa bỏ mọi thành tích văn học của các nghệ sĩ Việt Nam thời kỳ quốc gia cuối thập niên 40 tới 1975. Về nhạc ta đã có sách của Phạm Duy, về văn ta có Võ Phiến.
Về nghệ sĩ trình diễn có lẽ chưa có cuốn nào đáng chú ý. Ta chỉ có thể theo dõi sinh hoạt này qua những bài báo, những tạp chí chuyên về ca nhạc nhưng các bài viết tiếc thay đa số chỉ để quảng cáo, tâng bốc hời hợt bên ngoài, những điều mà ai lưu tâm đến ca nhạc đều đã biết cả rồi.
Theo Chân Những Tiếng Hát do Tổ Hợp Xuất Bản Miền Đông Hoa Kỳ, Virginia, phát hành cuối 1998. Sách khổ nhỏ in đẹp, dày 392 trang, bìa 4 màu của Võ Đình. Nội dung gồm 11 chương bao trùm khoảng thời gian dài từ lúc mới hình thành chính quyền quốc gia cho tới ngày đứt phim 30. 4. 75 và nói tới hàng ngàn ca sĩ, nhạc sĩ, kịch sĩ, vũ công, nghệ sĩ ngâm thơ v . v . . . kèm theo phụ bản hình 42 ca, nhạc sĩ và một hình tác giả .
Mới đọc lướt qua chưa đọc kỹ ta thấy ký ức của tác giả quả là phi thường. Tôi nhớ khi còn học tiểu học ở Hà Nội, tôi rất ghiền xi nê, nhịn quà để coi phim hay mua sách. Không có tiền vào rạp thì đi dạo các rạp xin các tờ quảng cáo nâng niu đóng tập, dày cộm như từ điển. Tôi nghĩ Hồ Trường An ngoài ký ức phi thường có thể cũng ôm nặng những từ điển quảng cáo như tôi chăng?
Khác với một vài cuốn biên khảo của các đấng học giả, tiến sĩ, giáo sư dầy cộm với những danh từ cao siêu khó hiểu mà đôi khi cũng chẳng thuyết phục nhiều, tưởng tượng khi đọc phải ngồi nghiêm chỉnh trên bàn tôi sợ quá và tôi càng thích Hồ Trường An hơn.
Tác giả Theo Chân Những Tiếng Hát viết như chơi, như kể chuyện mà súc tích, lôi cuốn độc giả đi theo. Hồ Trường An phê bình nhận xét vui vẻ, không khô khan và thẳng thắn không sợ mất lòng ai. Ông cũng nhiều lúc đi vào những đời sống riêng tư của nghệ sĩ mà nhiều người viết loại này thường né tránh. Tại sao phải né tránh nhỉ? Một ca sĩ một nhạc sĩ lừng danh chinh phục trái tim hàng triệu khán thính giả, thì khán giả cũng có quyền biết sơ sơ về gia đình, về cuộc sống riêng tư, về những thăng trầm của họ bên ngoài sân khấu. Họ nổi lên nhờ quần chúng thì quần chúng cũng có quyền biết về những cuộc sống riêng mà không riêng của họ. Nếu mất công hoan hô cả đờøi một nghệ sĩ để rồi chỉ được coi những hoạt động của họ trên sân khấu, coi những quần áo đẹp họ mặc, đọc toàn những lời tâng bốc thì cứ xem các tờ quảng cáo là quá đủ rồi.
Hồ Trường An sinh sống trong Nam nên phần ca sĩ miền Bắc hồi đầu quốc gia tôi thấy ông không nhắc tới hai ca sĩ được nhiều người ưa thích. Người thứ nhất là Thanh Hằng, không đẹp lắm nhưng khi ra sân khấu với cặp mắt lờ đờ trắng như mắt cá trôi và giọng ca truyền cảm đã làm nhiều người say đắm. Bản hát tủ của cô là bài Tan Tác của Tu Mi, sau này nghe đồn tác giả ca khúc trở thành chồng ca sĩ và nàng bỏ nghề luôn.
Người thứ hai tôi không còn nhớ tên nhưng chắc nhiều vị cao niên còn nhớ. Nàng nổi tiếng đồng thời với Lệ Thanh. Hai nữ ca sĩ này tài ngang ngửa nhưng nàng chỉ hát khoảng một năm rồi vào Nha Trang kết hôn với một bác sĩ và cũng bỏ nghề.
Tôi nhớ những buổi trưa hè Hà Nội nóng cháy, ngồi trên gác ba học bài mà vẫn nghe giọng ca của mấy ca sĩ nói trên từ những máy thu thanh từ các lầu ba khác mở lớn phóng lên bầu trời oi bức đã cuốn hút hồn tôi từ đó và còn gây ấn tượng tới tận bây giờ.
Một thiếu sót dễ sửa của Theo Chân Những Tiếng Hát là cuốn sách nói tới hàng ngàn danh nhân còn sống mà thiếu một cái mục lục têân người. Khi đọc qua vài chục trang độc giả gặp một chi tiết muốn so sánh tác giả phê bình hai ca sĩ khác nhau ở chỗ nào thì lại khá ngại ngùng nếu phải giở lại từ đầu để mò mẫm từng giòng.
Như cuốn hồi ký Đêm Giữa Ban Ngày của Vũ Thư Hiên cũng nói tới vài trăm người cộng sản đóng góp vào cuộc điêu linh hóa nước Việt cũng thiếu một mục lục tên người.
Cuốn hồi ký A Soldier Reports của tướng Westmoreland, theo cách làm cẩn trọng của nhiều tác giả Mỹ có một mục lục tên người đầy đủ nhưng khi nhà Thế Giới ở San Jose, CA in bản dịch Việt ngữ đã quên béng cái mục lục mà có lẽ bị coi là lẩm cẩm này đi cho tiện việc. Thật là đáng tiếc. Ấy là chưa kể chuyện chẳng cần tôn trọng nguyên bản ngay cái tên sách nữa. Tên sách của Westmoreland đặt là A Soldier Reports, có thấy bản tường trình nào đâu, chữ report là động từ ngôi thứ ba đang chia thì phải là Người Lính Báo Cáo chứ sao bản Việt ngữ lại mang cái tên Bản Tường Trình Của Một Người Lính mà chắc ông tướng khiêm nhường Westmoreland chẳng muốn.
Việc làm một mục lục tên người cho kỹ không tốn công nếu ta chịu khó bỏ thì ra một hay hai ngày cho một cuốn sách 500 trang khi sách đã trình bày xong và có số trang đầy đủ.
****

Trở lại với Hồ Trường An điểm lướt hàng ngàn nghệ sĩ suốt mấy chục năm hẳn là phải tìm ra rất nhiều ngọc quý tuy không phải tất cả đều toàn bích.
Khi cần chê ông cũng ngập ngừng nghĩ tới bạn bè nên có lúc mượn tay kẻ khác. Phê bình Chế Linh, ông đã mượn lời hai nhà văn Túy Hồng và Phạm Quốc Hùng:
– Giọng Chế Linh là giọng nửa trong nửa đục, nửa âm nửa dương, nửa trống nửa mái, nửa đực nửa cái . . Giọng hát Chế Linh như giọng con heo nái đang lúc động cỡn được chủ nhà lấy cọng dọc mùng thọc vào bí huyệt khoái lạc của nó cho nó đỡ ngứa ngáy tình dục (tr. 272).
Dần dà chính ông chê bai thẳng cánh. Khi chê một ai ông cũng nói thẳng ý nghĩ của mình không sợ ai buồn, không cần chi xã giao đãi bôi.
Xin trích vài câu tác giả nhận xét về vài ca sĩ:
– Khuôn mặt cô là khuôn mặt trứng ngỗng, đôi mắt lá răm hơi nhỏ, giọng hát hơi lu chìm. Suốt quãng thời kỳ mới lớn với tấm nhan sắc thịt không ra thịt cá không ra cá ấy, không ai nghĩ rằng Phương Hồng Hạnh có thể tiến xa trên đường sự nghiệp (278).
– Thanh Lan có cái bậy là cô thích khỏa thân trên màn bạc, dù trong những màn ấy cô vẫn che ở ba chỗ cần phải che trên thân thể. Nhưng cái ức của cô không mịn, sủng ngực cô không báo hiệu một nét gồ ghề của cặp nhũ hoa, đôi chân cô không dài, đùi cô không săn chắc, mông cô không vun cao và tròn trặn (286).
Nhưng phải nói là tác giả khen nhiều hơn chê. Chê làm sao được khi một nền ca nhạc trải dài trên 20 năm với hàng ngàn nghệ sĩ tự do phát triển không gò bó.
Những nhận xét của Hồ Trường An về Tâm Vấn, Kim Chung, Bích Hợp, Thanh Hùng, Elvis Phương, Quang Minh hẳn phải làm các ca sĩ ấy hài lòng, phập phồng cánh mũi khi đọc những giòng văn hoa chải chuốt nói về mình (66, 90, 196, 310, 385).
Ông không tiếc lời khen mà có lẽ chỉ oán hận tiếng Việt quá nghèo nàn tính từ cho ông sử dụng khi viết về những người ông yêu thích. Cũng phải cần trích thêm một vài câu cho cụ thể:
Về Lệ Thủy:
– Luôn luôn chị lấy màu xanh làm chuẩn trong cách chọn áo dài: thiên thanh, lam ngọc, hồ thủy, thanh tùng, bích liễu, thúy trúc, bích ngọc, uất lam, tĩnh thanh v.v . . . (43, 44)
Về Tâm Đan:
– Những màu đỏ mà cô mặc gồm màu phi hồng tươi sáng ánh ráng chiều, màu hồng đan gồm mầu hồng tươi pha chút xám bạc, màu hồng hạnh gồm màu đỏ ửng ánh vàng kim nhũ, màu yên chi thắm thiết sắc đỏ bông vang (238).
Về Băng Tâm :
– Đó là màu tể thanh như màu da trời sau cơn mưa. Đó là màu cát thúy của lông chim trả hoặc của ngọc xa phia. Và đó là màu hoàng yến của hoa mướp trong miền quê thơ mộng (239 ).
Về Hồng Vân:
– Những chiếc áo dài để diện với khăn vành giây thường có màu thúy ngọc trông ngọt cả mắt, màu yên chi thật thắm rỡ rỡ, màu hoàng yến sóng sánh ánh nắng mai, màu lục ngọc thắm biếc như mạ non, như đọt chuối . . .(304, 305 )
Độc giả đọc một số lời ca tụng đã thấy mệt chưa? Riêng tôi thấy Hồ Trường An đã tìm ra và sáng tạo ra nhiều tính từ để đưa ta vào mê hồn trận. Vừa đọc ta vừa lâng lâng nghĩ ông vừa là họa sĩ, vừa là thợ nhuộm, vừa là nhà vẽ kiểu y phục, vừa là chủ tiệm kim hoàn, vừa là người chơi hoa kiểng. Có nhiều chữ, nhiều màu mà giá kê cứu trong sách vở chẳng tìm ra nhưng chúng có tác dụng lừa người vào cõi mộng để lim dim hai mắt không còn phân biệt nổi thật hư. Hàng ngàn ca sĩ mà chỉ có vài chục tính từ tưởng làm cho tác giả bó tay. Những tiếng rựa ràng, ngân nga, vàng ròng, ngọc báu, cuồn cuộn, láng lai . . . cứ phải nhắc đi nhắc lại là vì thế.
Tuy chỉ là một cuốn sách văn nghệ không nặng mầu sắc chính trị nhưng bàng bạc trong từng câu văn ta thấy lập trường của tác giả rõ ràng qua nhiều nét: chống xâm lăng, chống độc tài gia đình trị, chống cộng, chống nhân danh văn nghệ để mập mờ giao lưu văn hóa theo cộng sản…
Cuốn sách lấy 30. 4. 1975 làm mốc cuối nhưng tác giả nhiều lúc vượt qua mức thời gian này khi có những sự kiện cần liên hệ. Tuy nhiên tác giả không viết một chữ nào tới Paris by Night của nhóm Thúy Nga một nhóm có những đóng góp đáng kể. Phải chăng vì cái thân cộng của băng Paris by Night 40, rồi tới sự thiếu phục thiện của nhóm này đã khiến lòng bao dung của khán giả mệt mỏi. Độc giả và thính giả nhiều nơi vô cùng thán phục lập trường dứt khoát của một số nhà báo tuyên bố không đăng quảng cáo cho Paris by Night và đã làm như vậy. Còn nhiều cơ quan truyền thông khác cũng có những hành động tương tự. Người quốc gia không hẹp hòi mà mong mỏi chuyện khó khăn là dìm một cơ sở thương mại như Thúy Nga nhưng cần phải có thái độ một thời gian một năm, hai năm, vừa đủ để cho họ tỉnh ngộ.
Nhiều nhà văn lớn, tờ báo lớn đã ngang nhiên xài những từ ngữ sai hay ngô nghê hay có dụng ý tuyên truyền do Việt cộng đặt ra như hồ hởi, quân hàm, giải phóng Sài Gòn, chính quyền cách mạng, quá độ, hộ khẩu . . . thì ta ít thấy bóng dáng những chữ loại này trong sách của Hồ Trường An. Có một lần – có thể là để mỉa mai – ông không gọi máy computer là com puy tơ, máy điện toán, hoặc là máy vi tính như cộng sản dùng mà ông đặt ra tiếng mới là máy vi toán (80).
***

Cuốn sách có khá nhiều lỗi lầm nho nhỏ mà chúng tôi thấy cần nêu ra ở đây không với ý bới lông tìm vết. Nhưng mong ước tác giả lưu ý sửa lại những sai lầm nếu ông chịu thừa nhận để cho cuốn sách khi tái bản càng có giá trị hơn.
Một vài lỗi nhỏ :
– . . . ngồi trong quán cà phê ở đường Pellerin (về sau gọi là đường Nguyễn Công Trứ) (tr. 28) (Ý kiến ĐTH, chữ nghiêng): Đường Pellerin Sài Gòn chưa bao giờ đổi là đường Nguyễn Công Trứ cả. Đường Pellerin đổi thành đường Pasteur từ trước. Sau 1975, trong đợt đổi tên đầu tiên cộng sản thay tên Pasteur bằng Nguyễn Thị Minh Khai. Năm 1991 chiều lòng người Pháp lại phục hồi tên đường Pasteur và Nguyễn Thị Minh Khai chuyển sang nửa đường Hồng Thập Tự. Đường Công Lý đổi thành Nam Kỳ Khởi Nghĩa. Đường Nguyễn Công Trứ nằm xa khu Lê Lợi, lối sang Khánh Hội gần sông Sài Gòn , nơi có những cao ốc như ngân hàng Anh The Chartered Bank, nhà hàng ăn Nhật Bản King v. v . . . Cũng vì chuyện cộng sản đổi tên hai đường Tự Do và Công Lý nên dân Sài Gòn đã truyền khẩu nhau hai câu thơ châm biếm: Nam Kỳ Khởi Nghĩa tiêu Công Lý. Đồng Khởi vùng lên mất Tự Do.
– Nói về các đĩa hát tác giả viết: . . . giọng Ai Liên, Kim Chung và Lê Thương được phân phối như sau (tác giả liệt kê ba đĩa) (24) . . . Còn những đĩa Oria từ bên Pháp gửi về với các nam ca sĩ Văn Lý, Hải Minh (một biệt hiệu của Trần Văn Khê), Hoàng Lan và Bích Thuận ( tác giả liệt kê tám đĩa (25) . . . Những đĩa hát từ ngoài Bắc đem vào Nam có (tác giả liệt kê bốn đĩa) (24) (Người ta không tin là những hãng đĩa hát lớn kể trên chỉ phát hành được một số đĩa nhỏ nhoi như tác giả khẳng định. Cuối những câu này nên để hai chữ vân vân thì hơn. Thử hỏi ngay như Phạm Duy đã sáng tác hàng ngàn ca khúc, liệu ông có thể một lúc nhớ được tác phẩm của ông gồm bao nhiêu không mà người ngoài dám khẳng định ông sáng tác được 997 hay 1003 ca khúc?).
– Giọng hát sao mà hùng dũng như thác Cam Ly (43) . . . cái dũng mãnh ào ạt của thác Cam Ly (196) (Du khách tới Đà Lạt nếu muốn coi những thác hùng dũng thì đi các thác Pongour, Gougah chứ không ai coi Cam Ly là một thác hùng dũng hay dũng mãnh ào ạt cả. Thác Cam Ly tiện lợi là nằm ngay trong thành phố, có các quán hàng đẹp đẽ nhiều mầu sắc, thế thôi. Mùa mưa thác Cam Ly cũng chỉ như một con suối, mùa khô nước rỉ rách yếu ớt du khách đi qua thác như không. So sánh với thác Tuyền Lâm khai thác sau này, Cam Ly cũng còn kém.)
– Hai bản nhạc ngoại quốc thịnh hành nhất là Hà Nhật Quân Tái Lai (có nghĩa là Ngày Nào Chàng Trở Lại) và bản Shina no Yoru (Tô Châu Dạ Khúc) (49, 50) (Ca khúc Nhật Shina no Yoru không phải là Tô Châu Dạ Khúc mà là Trung Hoa Dạ Khúc hoặc Đêm Trung Hoa. Tiếng Nhật Shina là Trung Hoa, No là của, Yoru là ban đêm. Bài này rất phổ biến đi đâu cũng nghe hát lời Việt: Đêm trường thanh vắng gió lướt qua ngàn thông. Lắng nghe như ru lòng. Một mình trong đêm tối, chờ một hình bóng ai. Luôn luôn đắm đuối trong u sầu riêng. Ta luyến tiếc thương cho người tình xưa. Nhớ hồi nào cùng với nhau , . . Ca khúc Nhật khác là Tô Châu Dạ Khúc cùng thời nhưng không nổi lắm.)
– . . . Bài dân ca Đan Mạch mà Thông Đạt đặt lời Việt có cái tựa là Trên Đồng Trong Rừng (108) (Nhiều người nói bài này là dân ca Phần Lan. Những bản nhạc phổ biến trong vùng kháng chiến chỉ ghi Trên Đồng Trong Rừng của Phan Lan, không thấy ghi Thông Đạt nên khá nhiều người tưởng tác giả là Phan Lan)
– Còn đài Philco Radio là của tư nhân người Pháp đặt ở đường Catinat (sau đổi là đường Nguyễn Huệ (118). . . Lại có tiệm Ménestrel ở đường Catinat (sau đổi là đường Nguyễn Huệ) (121) (Đường Catinat, Sài Gòn chưa bao giờ mang tên là Nguyễn Huệ cả. Thời cộng hòa đường Catinat đổi là đường Tự Do, khi cộng sản chiếm miền Nam họ đổi là đường Đồng Khởi. Còn đường Nguyễn Huệ là đường song song với đường Tự Do, đổi từ tên Pháp của đường Charner, khi cộng sản chiếm Sài Gòn vẫn giữ nguyên tên Nguyễn Huệ chứ không xóa bỏ để thay bằng một tên cán bộ cắc ké như ở vài tỉnh lẻ)
– Tiệm Harmonia ở đường Lagrandière (về sau đổi là đường Gia Long) (121). (Nếu kể cả tên hiện thời do cộng sản đổi thì là đường Lý Tự Trọng).
– Dòng Sông Xanh của Johann Strauss (tức Le Beau Danube mà do Phạm Duy phổ lời Việt) (183 ) (Phải ghi đủ tên bản nhạc là Le Beau Danube Bleu. Nếu thiếu chữ Bleu sẽ chỉ là Dòng Sông Danube Đẹp)
– Túy Hồng có đóng ba phim: Gác Chuông Nhà Thờ (do Lê Hòang Hoa đạo diễn), Nhà Tôi (do Lê Dân đạo diễn) và sau hết là phim hài hước Lệnh Bà Xã (194) (Không nên khẳng định là chỉ có ba phim. Có chắc không? Nên viết với chữ vân vân ở cuối câu.)
– Từ năm 1969 đã có đài truyền hình ở Việt Nam (322) (Sài Gòn có đài truyền hình từ cuối năm 1966. Cuối năm ấy đài phát dưới đất chưa xây xong nên mỗi đêm phát hình từ máy đặt trên phi cơ bay trên không phận Sài Gòn suốt mấy tiếng đồng hồ. Khi đó máy truyền hình tư nhân cũng còn ít nên chính quyền thành phố cho đặt nhiều máy công cộng ở nhiều góc đường phục vụ cho nhân dân lao động. Năm 1967 đài phát dưới đất đã xong và nhiều gia đình có máy truyền hình nên các máy công cộng giảm dần. Người Sài Gòn hẳn không quên là đã coi hình ảnh chiến sĩ ta diệt cộng trong cuộc tổng công kích Tết Mậu Thâân, tháng 1.1968, của Việt cộng trên đài truyền hình Sài Gòn chứ đâu phải chờ tới năm 1969)
– Những ca sĩ thời trang dần lấn chiếm đài Quân Đội (322) (Hai chữ thời trang do từ tiếng Pháp mode và từ tiếng Hán có nghĩa là kiểu y phục, trang phục chứ không hề có nghĩa là ăn khách, thịnh hành, đang nổi tiếng như Hồ Trường An muốn nói. Có thời kỳ nhạc sĩ Bảo Thu có một chương trình ca nhạc trên đài truyền hình Sài Gòn mang tên Thờøi Trang Nhạc Tuyển khiến thi sĩ Hà Thượng Nhân đã lên tiếng phân tách cái sai của cái tên Thời Trang Nhạc Tuyển trên nhật báo Tiền Tuyến)
– Vào dịp tết Mậu thân có 7 văn nghệ sĩ cộng sản hồi chánh . . . Về bên âm nhạc có giáo sư Lê Ba (322) (Theo chúng tôi biết giáo sư âm nhạc cộng sản về hồi chánh là Lê An chứ không phải là Lê Ba. Chính chúng tôi đã phỏng vấn ông trên đài truyền hình Quân Đội vào dịp đó. Cũng xin kể thêm là cùng thời kỳ chúng tôi còn phỏng vấn nhạc sĩ cộng sản miền Nam hồi chánh là Phan Thế. Khi thông báo cho nhạc sĩ Phan Thế là ông chuẩn bị trả lời phỏng vấn, ông đã đề nghị với Cục Tâm Lý Chiến là xin được phỏng vấn bởi nhạc sĩ Phạm Duy hoặc nhà văn Văn Quang. Cục trả lời rằng chỉ chấp thuận cho anh Đặng Trần Huân phỏng vấn ông. Cục sẵn sàng để nhà văn Văn Quang hay nhạc sĩ Phạm Duy phỏng vấn nếu người hồi chánh là Lưu Hữu Phước chẳng hạn.)
– Kim Xuân có đóng một vai quan trọng trong phim Loan Mắt Nhung . . . dựa theo cuốn tiểu thuyết cùng tựa của Duyên Anh (365) (Tác giả tiểu thuyết Loan Mắt Nhung là Nguyễn Thụy Long chứ không phải là Duyên Anh)
***

Trang cuối sách tác giả tâm sự: Dù nhớ nhiều hay nhớ ít tôi cũng ghi lại những gì mắt thấy tai nghe về các bộ môn văn nghệ, không sợ viết sai, không sợ viết thiếu. Tôi chỉ sợ mình không đủ tấm lòng bền sắt son để viết về chúng mà thôi (385).
Tôi không đồng ý với ông là khi cầm bút cứ viết bừa mà không sợ viết sai. Trái lại đã cầm bút thì phải thận trọng, chịu trách nhiệm về những điều mình viết. Nhưng với tình trạng thiếu thốn tài liệu ở ngoại quốc như hiện nay viết được một cuốn như Theo Chân Những Tiếng Hát là một nỗ lực đáng khen. Tác giả sẽ lắng nghe những đóng góp của bạn bè, của chính những nhân vật được nói tới, của độc giả để bổ sung vào lần tái bản, cuốn sách càng có giá trị thêm.
Nhà văn Võ Phiến khi in xong Văn Học Miền Nam Tổng Quan vẫn tiếp tục dò hỏi bạn bè để bổ sung cho cuốn sách khi in lại lần hai và sắp in lại lần thứ ba. Và bây giờ ông vẫn thường xuyên liên lạc với những người am hiểu để bổ sung, sửa chữa thêm những sai sót dù rất nhỏ. Cách làm việc thận trọng của Võ Phiến, Nguyễn Hiến Lê. . . thật là đáng khen. Sự thận trọng của người cầm bút rất cần thiết vì độc giả tin ở họ nên không thể đánh lừa họ bằng sự cẩu thả.
Tôi tin cuốn Theo Chân Những Tiếng Hát sau mỗi lần in lại sẽ càng có giá trị hơn nữa, giá trị của một cuốn biên khảo vui tươi cho các thế hệ sau cất trong tủ làm tài liệu chứ không theo số phận những cuốn tiểu thuyết tầm thường xem qua lúc đi xe tàu rồi liệng bỏ.
Ngày nay chúng ta đã có những cuốn tự điển Việt Nam tương đối có giá trị như của Lê Văn Đức, của Hội Khai Trí Tiến Đức, những cuốn mới soạn sau 1975 của Hà Nội nhưng các nhà soạn tự điển lớp sau không thể không tham khảo và quên ơn cuốn từ điển Việt Nam mở đường đầu tiên của Huỳnh Tịnh Của dù rằng cuốn này không còn giá trị phổ thông và chẳng còn bày bán trên thị trường.

Người em đồng hao của Vũ Ngọc Phan

Giữa năm 1997, trong bài nhận xét về một số hồi ký Việt, Mỹ đăng trên nguyệt san Diễn Đàn Phụ Nữ xuất bản ở Virginia, Hoa Kỳ tôi có nói tới cuốn Những Năm Tháng Ấy của nhà văn Vũ Ngọc Phan trong đó có viết Vũ Ngọc Phan đã lờ đi không nói gì tới chuyện con gái ông bị tướng Nguyễn Sơn lấy làm vợ. Bài này sau được đăng trên nhiều báo và cuối cùng in trong cuốn Những Người Thích Dấu Huyền xuất bản đầu năm 1998.
Trong giai phẩm Người Việt số xuân Kỷ Mão, 1999, tác giả Nguyễn Hoàng Lưu trong bài Tướng Nguyễn Sơn Và Hồi Ký Những Năm Tháng Aáy đã trách tôi xuyên tạc hoặc có hậu ý chính trị gì đó khi viết rằng tướng Nguyễn Sơn cưỡng hiếp con gái nhà phê bình Vũ Ngọc Phan. Và vợ tướng Nguyễn Sơn không phải là con ông Phan mà là em bà Lê Hằng Phương (tức bà Vũ Ngọc Phan) là Lê Hằng Huân. Tôi coi lại những bài báo mà tôi còn giữ và bài đã sửa kỹ in trong sách thì thấy tôi chỉ dùng hai chữ cưỡng ép chứ không dùng chữ cưỡng hiếp như ông Lưu phiền trách.
Chi tiết về con gái nhà văn Vũ Ngọc Phan, tôi đã viết theo hồi ký của Đông Ngàn đăng trong tạp chí Con Ong Texas số 17 phát hành ngày 5. 9. 1996 ở Houston, TX. Tôi tin ở tài liệu của Đông Ngàn vì đã đọc nhiều hồi ký ngắn của tác giả đã gần 80 tuổi này hơn là bài viết của Nguyễn Hoàng Lưu là tác giả tôi mới được đọc lần đầu không biết rõ là ai vì báo Người Việt chỉ giới thiệu tổng quát là người đã nắm nhiều chức vụ quan trọng trong nền đệ nhị cộng hòa ở Nam Việt Nam. Muốn tìm hiểu chính xác tránh những chi tiết sai lầm tôi đã điện đàm với nhà báo Đông Ngàn ở San Antonio, TX. Đông Ngàn cho biết ông là bạn với ông Vũ Minh Thiều, em ruột Vũ Ngọc Phan, làm việc cùng một sở với ông Thiều và chính ông Thiều đã kể với ông về chuyện con gái Vũ Ngọc Phan và tướng Nguyễn Sơn. Đông Ngàn cũng cho biết là em gái bà Vũ Ngọc Phan là Lê Hằng Phấn chứ không phải Huân vì bà Đông Ngàn là bạn học của bà Phấn.
Sau đó tôi nhờ bạn bè tìm địa chỉ ông Vũ Minh Thiều định để hỏi thêm vì thời gian 1953 – 1955 ông Thiều là đại úy đồng hóa và tôi là chuẩn úy có quen nhau, cùng làm việc với nhau trong ngành tác động tinh thần nhưng không tìm được.
Tôi điện thoại hỏi thêm nhạc sĩ Phạm Duy về người vợ của tướng Sơn thì ông nói vợ tướng Sơn là em bà Vũ Ngọc Phan và tên là Lê Hằng Phấn. Tôi tin vào Phạm Duy vì trong thời kháng chiến chính tướng Sơn khi đó là tư lệnh Liên Khu 4 (vùng Thanh Hóa) đã tác hợp và chủ hôn đám cưới Phạm Duy – Thái Hằng.
Khi đọc lại bộ Hồi Ký (cuốn II) nói về thời Cách Mạng Kháng Chiến, Phạm Duy kể hơi khác một chút:
Tướng Nguyễn Sơn đang bị Trung Ương ép phải lấy vợ chứ không được giao du với cô Hoài . . . Thế nhưng người vợ trẻ này lại không phải là cô Hoài mà là cô Lê Thị Hằng Phân (tức là mảnh trăng chia đôi), con gái của cụ Lê Dư, một nhà nho thường viết báo duới bút hiệu Sở Cuồng. Người chị của cô Hằng Phân đã kết duyên từ lâu với kỹ thuật gia Hoàng Văn Chí . . . (204, 205)
Có thể khi nói chuyện điện thoại, Phạm Duy đã lộn tên Phân và Phấn.
Do những tìm hiểu nói trên tôi đã viết lại về chi tiết sai sót dính dáng tới con gái Vũ Ngọc Phan đăng trên nhiều báo và xin lỗi hai gia đình Vũ Ngọc Phan và tướng Nguyễn Sơn nếu có sự lầm lẫn.
Năm 1999, khi đọc bài đính chính đăng trên báo Ngày Nay, anh Vũ Đoàn, một người bạn cũ ở vùng Hoa Thịnh Đốn viết thư cho biết bà Lê Hằng Phấn là phu nhân của nhà biên khảo Hoàng Văn Chí, tác giả những cuốn Trăm Hoa Đua Nở Trên Đất Bắc và Từ Thực Dân Tới Cộng Sản, cuốn sau đã có bản Anh, Pháp ngữ. Ông bà Hoàng Văn Chí sống tại Hoa Thịnh Đốn rất nhiều người Việt quen biết. Tôi thắc mắc nhờ anh bạn dò hỏi xem bà Phấn lấy tướng Sơn thời gian nào và lấy học giả Hoàng Văn Chí bao giờ thì anh cũng không giúp chúng tôi được vì ông bà Chí đã mất cách đây vài năm.
Nỗi thắc mắc này tôi vẫn ôm mãi trong lòng. Có lúc tôi tin vào ông Nguyễn Hoàng Lưu khi ông viết bà Nguyễn Sơn là Lê Hằng Huân. Nhưng do một sự tình cờ tôi được đọc bản thảo bài của ông Lưu thì thấy lúc đầu ông cũng đánh máy nhiều lần là Lê Hằng Phấn, sau này mới chữa tay là Lê Hằng Huân nên chúng tôi nghĩ ông Lưu cũng chưa nhớ rõ lắm, mà phải trông tìm một tài liệu khác chính xác hơn.
Tới tháng giêng năm 2000 thì thắc mắc của tôi về tướng Nguyễn Sơn, em đồng hao của Vũ Ngọc Phan, được giải tỏa khi đọc một bài trên internet gửi đi từø Hà Nội nói về những người vợ viên tướng cộng sản này. Tác giả bài báo ký tắt là Đ. V. H. và đăng trên báo An Ninh Thế Giới số 161 không ghi rõ ngày nào.
Nội dung bài báo đại ý kể tướng Sơn có người vợ đầu tiên là bà Hoàng Thị Diệm khi ông mới 16 tuổi và người vợ lớn hơn ông bốn tuổi. Bà Diệm có một con gái với ông tên Vũ Thanh Các vì ông Sơn khi đó còn mang tên thật là Vũ Nguyên Bác. Cưới nhau một năm thì Vũ Nguyên Bác bí mật sang Trung Quốc để học khóa chính trị do ông Nguyễn Aùi Quốc chủ trì. Bà Diệm tưởng ông mất tích nhưng cũng chờ bảy năm sau mới lấy chồng khác. Năm 1945 Việt Minh cướp chính quyền ông Các trở về Việt Nam với tên mới là Nguyễn Sơn và coi bà Diệm như bạn qua người con gái cho đến khi bà qua đời.
Năm 1938 ông Sơn lấy một người vợ Tàu và đổi tên vợ thành Trần Kiếm Qua có một con gái đầu là Phong Ba nhưng bé gái chết khi mới được mấy tháng. Đứa con trai thứ hai sinh năm 1944 và bà đang mang thai đứa trai thứ ba thì ông Sơn về nước và dặn bà đặt tên con là Tiểu Việt. Hai vợ chồng mất liên lạc và sau có tin là bà Qua chết trong một vụ máy bay oanh tạc. Khi làm tư lệnh Liên Khu 4 ông Sơn sống vài tháng với bà Huỳnh Thị Nội người Cần Thơ và có một con gái là Nguyễn Mai Lâm. Sau đó bà Nội tái giá và mang con vào miền Nam.
Người vợ thứ tư của ông Sơn là bà Lê Hằng Huân, con gái nhà nho Lê Dư bút hiệu Sở Cuồng. Ba người con gái ông Lê Dư nổi tiếng khắp Hà thành là xinh đẹp và có học thường được gọi là các cô Hằng. Cô chị là Lê Hằng Phương lấy nhà văn Vũ Ngọc Phan, cô em kếâ là Lê Hằng Phấn lấy nhà biên khảo Hoàng Văn Chí, người đã theo Việt Minh nhưng khi rõ họ chỉ là cộng sản nên đã bỏ vào Nam sau hiệp định Geneva 1954. Em bà Phấn là Lê Hằng Huân theo gia đình từ Hà Nội tản cư vào Thanh Hóa và lấy tư lệnh Liên Khu 4 Nguyễn Sơn đúng một năm sau ngày ông được phong tướng. Sau đó tướng Sơn biết tin bà Trần Kiếm Qua và hai con trai còn sống. Năm 1950 khi tướng Sơn trở lại Trung Quốc, bà Huân mang hai con theo chồng mà đứa gái đầu là Nguyễn Thanh Hà và thời gian ở Trung Quốc bà sinh với tướng Sơn hai con nữa. Cũng thời gian đó tướng Sơn đã gặp lại bà Qua ở Bắc Kinh như người bạn cũ. Cuối năm 1956 bệnh nặng tướng Sơn trở về Việt Nam và chết ngày 21 tháng 10 khi bà Huân mới 30 tuổi.
Trước khi chết ông tướng đa thê này ước nguyện một ngày nào đó tám đứa con khác giòng của ông được gặp nhau và ước nguyện của ông được thực hiện vào tháng ba năm 1998. Hiện diện trước mộ ông tại nghĩa trang Mai Dịch, Hà Nội hôm đó có chị Vũ Thanh Các (con bà Hoàng Thị Diệm), chị Nguyễn Mai Lâm (con bà Huỳnh Thị Nội) từ sài Gòn ra, bà Trần Kiếm Qua và hai con trai từ Trung Quốc sang, bà Lê Hằng Huân mất năm 1991 nên chỉ có mặt Nguyễn Thanh Hà và hai em trai đang sống ở Hà Nội.
Trong bài báo trên internet cũng có những sai sót nhỏ như người con thứ hai của tướng Sơn và Trần Kiếm Qua khi viết là Trần Tiểu Phong khi viết là Trần Hàn Phong, không hiểu bà Nội còn sống hay đã mất vì trong bài ghi A chị Lâm sống của mẹ tại thành phố Hồ Chí Minh” (có lẽ là cùng mẹï chăng?) và theo tên liệt kê chỉ thấy 7 người con trước mộ cha.
Ngoài những lời ca tụng vuốt đuôi viên tướng cộng sản bị thất sủng Nguyễn Sơn của tác giả Đ. V. H. mà chẳng nên kể lại nhưng qua sự kiện về những cuộc tình của ông Sơn nay chúng ta biết chắc là bà Lê Hằng Huân là vợ tướng Nguyễn Sơn và là em bà Lê hằng Phấn tức bà Hoàng Văn Chí. Về bà Phấn chính nhạc sĩ Phạm Duy cũng ghi lầm là Lê Hằng Phân. Như trên đã nói do một sự tình cờ chúng tôi được đọc bản thảo đánh máy bài Tướng Nguyễn Sơn Và . . . thì chính tác giả Nguyễn Hoàng Lưu cũng lộn bà Nguyễn Sơn là Lê Hằng Phấn ở trang 2 rồi sau mới xóa đi viết tay lại là Huân, ở phần chú thích trang 15 vẫn giữ nguyên tên Lê Hằng Phấn. Cũng ở phần chú thích ông Lưu ghi tên nguời vợ Tàu của ông Sơn là Trần Kim Thu thay vì Trần Kiếm Qua.
Trong mục đích tìm hiểu những chi tiết liên quan tới tác phẩm hay cuộc đời những nhà văn hóa như Vũ Ngọc Phan, câu chuyện người em vợ và người em cọc chèo Nguyễn Sơn của ông kể như đã đầy đủ và chính xác.
Mãi tới tháng sáu năm 2000, tôi tiếp xúc được với bà Vũ Minh Thiều mới được biết gia đình bà ở Hoa Kỳ, ông Thiều cũng mất năm 1998.
Về người con gái Vũ Ngọc Phan tên Vũ Giáng Hương lấy chồng là một bác sĩ, cả hai theo kháng chiến hiện nay vẫn sống thuận hòa với nhau ở Việt Nam và bà Hương cũng đã ở tuổi thất tuần.
Một lần nữa chúng tôi xin cám ơn quý vị và bạn bè đã giúp tài liệu để làm sáng tỏ những chi tiết mập mờ và thành thực xin lỗi thân nhân của những nhân vật chúng tôi đã nói tới mà lầm lẫn vì tham chiếu những tài liệu sai sót.

Câu chuyện từ điển Việt Nam

Bất cứ nước nào đã tự hào là có một nền văn hóa là phải có một cuốn tự điển để chuẩn xác cho ngôn ngữ của quốc gia mình hầu tránh sự dùng chữ bừa bãi , lố lăng hay lai căng, vay mượn. Chữ quốc ngữ sau khi thành hình không lâu đã có ngay một cuốn từ điển tiếng Việt đầu tiên của Paulus Huỳnh Tịnh Của, cuốn Đại Nam Quốc Âm Tự Vị xuất bản cuối thế kỷ 19.
Dựa theo cuốn tự điển đầu tiên này nhiều tự điển và từ điển Việt Nam khác được các tác giả sau này biên soạn. Trước 1975, hai cuốn thông dụng trong Nam là Việt Nam Từ Điển của Hội Khai Trí Tiến Đức và Việt Nam Từ Điển của Lê Văn Đức. Phía nhà cầm quyền cộng sản sau 1946 không biên soạn tự điển tiếng Việt ngay. Cho tới khi cộng sản chiếm hoàn toàn miền Nam Việt Nam năm 1975 cuốn từ điển thông dụng của họ chỉ có Từ Điển Tiếng Việt do Văn Tân chủ biên. Bộ Bách Khoa Tự Điển Việt Nam mà Hà Nội quảng cáo từ lâu chưa biết đến bao giờ hoàn tất.
Có nhiều tác giả thường khen Hà Nội có những công trình khảo cứu văn học công phu hơn Việt Nam Cộng Hòa vì nhà cầm quyền cộng sản chịu bỏ ra những ngân quỹ lớn cho việc biên khảo và huy động nhiều nhân lực. Điều này có thể đúng với một số tác phẩm nhưng không đúng với tất cả vì các nhà biên khảo Hà Nội vô tình hay cố ý còn nặng về tuyên truyền, và phải hướng mọi nghiên cứu của họ theo đường lối chỉ thị của đảng cộng sản nên trở thành thiếu vô tư.
Ví dụ đơn giản là cuốn biên khảo Người Anh Hùng Làng Dóng của Cao Huy Đỉnh nói về huyền thoại thánh Gióng (Phù Đổng Thiên Vương) cả hàng nghìn năm trước mà cũng xen kẽ vào những đoạn tuyên truyền chống Mỹ cứu nước khiến ta có cảm tưởng như ăn cà rem mà lại thêm gia vị . . . mắm tôm.
***
Trong cuốn Từ Và Vốn Từ Tiếng Việt do nhà xuất bản Đại Học Và Trung Học Chuyên Nghiệp, Hà Nội phát hành năm 1986, tác giả Nguyễn Văn Tu viết rằng từ trước tới nay Việt Nam chỉ mới có 6 cuốn từ điển tiếng Việt mà ông gọi là từ điển một ngôn ngữ. Tác giả liệt kê những từ điển có trước 1945 như cuốn từ điển của Huình Tịnh Của, Việt Nam Tự Điển của Hộâi Khai Trí Tiến Đức tới Từ Điển Học Sinh của nhà xuất bản Giáo Dục, Hà Nội và kể thêm một cuốn thờøi Việt Nam Cộng Hòa của Đào Văn Tập xuất bản tại Sài Gòn.
Sau đó, cũng tác giả Nguyễn Văn Tu cho nhà xuất bản Đại Học Và Trung Học Chuyên Nghịệp, Hà Nội in cuốn Các Nhóm Từ Đồng Nghĩa Trong Tiếng Việt, khi liệt kê các từ điển Việt Nam có ghi thêm Từ Điển Tiếng Việt Phổ Thông của Viện Ngôn Ngữ Học nhưng cả hai cuốn sách của ông Tu đã dẫn đều không hề nói tới cuốn từ điển của Lê Văn Đức .
Việt Nam Từ Điển của Lê Văn Đức được biên soạn trong mười năm với sự hiệu đính của nhà ngôn ngữ học Lê Ngọc Trụ, ấn hành trong ba năm và tới năm 1970, nhà xuất bản Khai Trí mới cho ra mắt tại Sài Gòn. Bộ từ điển gồm hai cuốn khổ lớn, chữ nhỏ dày tổng cộng 2515 trang có đầy đủ phần định nghĩa thông thường và các phần nhân danh, địa danh, tục ngữ, thành ngữ, điển tích . . .
Chẳng lẽ Nguyễn Văn Tu là một giáo sư nhiều năm, đã từng viết sách về ngôn ngữ mà không biết tới bộ từ điển đồ sộ Lê Văn Đức. Thực ra thì ông Tu biết nhưng hoặc là theo chỉ thị hoă.c là tự ý ông muốn dìm những tác phẩm của miền Nam chăng vì cho rằng cái gì xuất hiện ở miền Nam đều vô giá trị.
Điều nhận xét này không võ đoán mà chỉ là nhận xét về đường lối của cộng Việt xưa nay vẫn cố tình lờ đi những công trình của miền Nam.
Ví dụ về truyền hình, Việt cộng phổ biến và giảng dạy rằng truyền hình Việt Nam chỉ có từ năm 1970 là năm Hà Nội bắt đầu có đài, một tuần phát hình hai ba lần, mỗi lần vài chục phút. Trong khi tại Việt Nam Cộng Hòa đã có truyền hình từ năm 1966 khi đài phát đặt trên một phi cơ lượn trên không phận Sài Gòn trong thời gian chờ đài dưới đất đang xây cất dở đang.
Nói tới lịch sử điện ảnh thì cộng sản chỉ kể từ những phim đèn chiếu (phim tranh vẽ chỉ có hình, không cử động) sau 1946 khi họ chạy vào rừng, rồi tới phim phóng sự vài chục phút Nước Về Bắc Hưng Hải mà không nói gì tới những phim Việt Nam vùng quốc gia như Cánh Đồng Ma, Trận Phong Ba hay Kiếp Hoa.
Sách viết về lịch sử mỹ thuật hay âm nhạc chẳng hạn, họ sẵn sàng bôi tên những họa sĩ, những nhạc sĩ có tên tuổi từ trước 1945 nếu những nghệ sĩ tài danh đó đã ở lại hoặc trở về vùng quốc gia không theo họ, cùng ở với họ trên rừng già Việt Bắc.
***
Trở lại chuyện tự điển, sau hiệp định Geneva 1954, cộng sản chính thức trở về tiếp thu Hà Nội cũng chưa có thì giờ lo chuyện này. Tới sau ngày 30. 4. 75 chiếm được Sài Gòn cán bộ văn hóa Hà Nội vào Sài Gòn còn ào ào vơ vét các loại từ điển song ngữ Anh – Việt, Pháp – Việt, Hán – Việt mà Hà Nội không có.
Về tiếng Việt mãi tới năm 1963, Hà Nội mới soạn xong cuốn từ điển tiếng Việt đầu tiên, rồi tới năm 1967 mới phát hành. Cuốn Từ Điển Tiếng Việt này do Văn Tân chủ biên với thành phần biên soạn gồm 13 người trong đó có những nhà trí thức, học giả quen tên từ lâu như Nguyễn Tấn Gi Trọng, Ngụy Như Kontum, Trần Văn Giáp, Hoa Bằng . . .
Kể từ khi Việt cộng rút vào rừng thì ngôn ngữ Việt tại miền Bắc đã có nhiều tiếng mới rất xa lạ với tiếng Việt bình thường. Lấy ví dụ ngay trong cuốn Từ Điển Tiếng Việt của Văn Tân ta đã bắt gập những chữ lạ tai có nghĩa khác hẳn nghĩa thông thường mà người Việt đã dùng trước khi cộng sản Việt ra công khai năm 1945. Xin đan cử vài ví dụ:
– lô gích: hợp với luận lý.
– quá độ: thời gian chuyển tiếp giữa hai thời kỳ.
– hồ hởi: cởi mở, vui vẻ, phấn khởi.
– đường kính: thứ đường ăn đã tinh chế thành tinh thể màu trắng.
– lái xe: người điều khiển tay lái cho xe ô tô chạy. ( dùng độïng từ làm danh từ )
– sự cố: nguyên nhân sinh ra việc biến .
– công nghiệp: phương thức dùng máy móc biến hóa nguyên liệu thành vật dụng hoặc thành công cụ.
Có lẽ vì những ngôn ngữ mới chế, ép buộc ấy ăn sâu vào tim óc các soạn giả tự điển, nên nhiều khi tiếng Việt trở nên rất ngô nghê.
Trong Từ Điển Tiếng Việt (Văn Tân) nhiều tiếng Việt gốc Hán đã Việt hóa cho ngôn ngữ thêm phong phú thì các tác giả tự điển lại cho là lộn xộn và chủ trương loại bỏ nhiều từ thông dụng. Về điểm này các tác giả viết trong Lời Nói Đầu: “Cái hiện tượng thiếu ngăn nắp trong tiếng Việt kể ra thì còn nhiều“. Cũng trong bài này, khi giải thích cách xếp đặt từ theo thứ tự nào, họ viết: Về trật tự A B C chúng tôi theo đúng trật tự của vần chữ quốc ngữ Việt.
Ngôn ngữ của một dân tộc có phải là một cái tủ áo đâu mà gọi là một ngôn ngữ thiếu ngăn nắp. Và khi sắp xếp chữ theo vần A B C sao không gọi là theo thứ tự mà lại dùng hai chữ trật tự như khi sắp xếp ngôi vị các đảng viên trong Bộ Chính Trị, hay hô hào trật tự trong một đám biểu tình tiền chế để hoan hô lãnh tụ. Họ hô hào làm cho tiếng Việt trong sáng nhưng chính những người làm tự điển lại làm mù mờ và nghèo nàn thêm tiếng Việt.
***
Cho tới trước năm 1967, ở trong Nam và có thể cả ngoài Bắc khi cần kê cứu tiếng Việt vẫn phải dùng tạm cuốn Việt Nam Tự Điển do Hội Khai Trí Tiến Đức (Ban Văn Học) Hà Nội biên soạn và nhà in Trung Bắc Tân Văn in năm 1931. Cuốn này dày khoảng 700 trang, được tái bản nhiều lần và được dùng rộng rãi vì cuốn từ điển Huìønh Tịnh Của thì quá cổ cả về định nghĩa và cách viết nên chỉ còn dùng để nghiên cứu mà thôi.
Việt Nam Tự Điển của Hội Khai Trí Tiến Đức còn thiếu sót nhiều (Ví dụ chữ sen chỉ có định nghĩa là một loài cây dưới nước mà thiếu định nghĩa thông thường nữa là cô giúp việc trong gia đình) nên miền Bắc năm 1967 có Từ Điển Tiếng Việt (Văn Tân) và miền Nam năm 1970 có Việt Nam Từ Điển của Lê Văn Đức thay thế.
Viện Ngôn Ngữ Học của Hà Nội xúc tiến việc soạn thảo một cuốn tự điển Việt Nam mới, và tới năm 1988 nhà xuất bản Khoa Học Xã Hội in xong tại thành phố Hồ Chí Minh với tên là Từ Điển Tiếng Việt. Sách dày 1206 trang do Hoàng Phê chủ biên. Theo lời giới thiệu ở đầu sách Từ Điển Tiếng Việt là một cuốn từ điển đầu tiên của Việt Nam do một tập thể cán bộ ngôn ngữ biên soạn. Tập thể này gồm 17 người so với cuốn Từ Điển Tiếng Việt (Văn Tân) thì tập thể của Từ Điển Tiếng Việt (Hoàng Phê) đông hơn tới bốn người nhưng không có những học giả quen tên lâu đời như trường hợp từ điển Văn Tân mà toàn là những tên lạ hoắc có thể là những đảng viên được cử vào làm thành viên của Viện Ngôn Ngữ Học.
Trong lá thư đề ngày 7. 3. 1987 in trên đầu sách, thủ tướng Phạm Văn Đồng khen ngợi bộ biên tập, tán dương cuốn sách này là chuẩn hóa tiếng Việt và giữ gìn sự trong sáng cho tiếng Việt.
Cho tới nay từ điển Hoàng Phê đã được tái bản nhiều lần và cuốn mới nhất chúng tôi được thấy là ấn bản 1996. Khi biên sọan Từ Điển Tiếng Việt (Hoàng Phê), các tác giả đã tham chiếu các từ điển trong Nam, ngoài Bắc nên có một số ưu điểm và mới mẻ hơn nếu so với Từ Điển Tiếng Việt (Văn Tân) hoặc Việt Nam Từ Điển (Lê Văn Đức).
So với cuốn Văn Tân, từ điển Hoàng Phê có nhiều từ hơn. Chẳng hạn hai từ thanh nhạc và lâm sàng là hai từ mà báo chí cộng sản thường dùng, từ điển Hoàng Phê có giải nghĩa nhưng từ điển Văn Tân không có và từ điển Lê Văn Đức cố nhiên không có vì hình như trong Nam không ai dùng hai từ này. Về thành ngữ có từ “ đầu “ đứng trước Văn Tân có 14 thành ngữ như đầâu cua tai nheo, đầu trâu mặt ngựa . . . nhưng thiếu đầu Ngô mình Sở. Hoàng Phê có đầây đủ hơn nhưng nếu so với Lê Văn Đứùc thì không thấm vào đâu vì trong Việt Nam Từ Điển (Lê Văn Đức) có tới 44 thành ngữ với từ “ đầu “ đứng trước.
Về cách định nghĩa, trong từ điển Hoàng Phê được biên soạn gọn gàng và chính xác. Tuy nhiên cũng còn nhiều trường hợp cần bàn bạc. Chẳng hạn từ trước tới nay khi định nghĩa chữ “ cây “ các tác giả thường thường theo cách định nghĩa chữ tree hay arbre trong tiếng Anh và tiếng Pháp. Và ghi cây là thực vật có lá, thân mộc, thẳng. Định nghĩa như thế thì hồng, cúc, bầu, bí không được gọi là cây nữa vì chúng làm gì có thân mộc và không thẳng. Trong từ điển Hoàng Phê và Văn Tân cây được định nghĩa là thực vật có thân lá rõ rệt. Vậy nếu tra chữ “tơ hồng“ trong từ điển Hoàng Phê thì giống thực vật không có lá rõ rệt này vẫn được gọi là cây. Theo Lê Văn Đức thì cây là tất cả loài thực vật biết ăn phân, chịu sương nắng, sống, lớn và sinh sản. Định nghĩa như thế thì lại quá dài dòng.
Từ “ly“ trong Nam thay từ “cốc“ ngoài Bắc, từ điển Văn Tân định nghĩa ly là cốc pha lê nhỏ. Từ điển Hoàng Phê định nghĩa là cốc nhỏ để uống rượu. Thực ra cốc và ly chỉ là hai tiếng của hai miền Nam và Bắc chỉ chung một đồ dùng, chứ cốc và ly không hề khác nhau như mèo và hổ. Trong trường hợp này ở từ ly có thể ghi “xem từ: cốc“ và khi ở từ cốc sẽ mô tả rõ ràng và chính xác hơn tránh rườm rà mà làm sai nghĩa.
Văn Tân giảng là cốc pha lê nhỏ, Hoàng Phê thêm cốc dùng để uống rượu. Vậy thì những cái cốc làm bằng nhôm, bằng chất dẻo, bằng thủy tinh và mang ra uống nước cam, nước trà mà không uống rượu thì không được gọi là “ly“ hay sao?
Về chính tả, tự điển Hoàng Phê viết li với chữ I ngắn và có giải thích là sở dĩ họ dùng I ngắn là tuân hành quyết định ngày 5. 4. 1984 của Bộ Giáo Dục. Cái kiểu ra sắc lệnh bắt phải viết thế này thế nọ là một lề thói quen dùng của các chế độ cộng sản. Tuy nhiên có lẽ thấy cách dùng I ngắn nó ngô nghê quá và quyết định của Bộ Giáo Dục cũng phi lý nên nhiều tác giả chẳng nghe theo. Trong cuốn Từ Điển Chính Tả Thông Dụng của Nguyễn Kim Thản do nhà xuất bản Đại Học Và Trung Học Chuyên Nghiệp, Hà Nội in năm 1985 (sau quyết định của Bộ Giáo Dục) tác giả vẫn viết và khuyên nên viết ly, cụng ly với chữ y dài như dân ta vẫn dùng từ xưa tới nay, và cũng là mặc nhiên không coi quyết định của Bộ ra sao cả.
Một điểm nữa là từ điển Hoàng Phê còn rất nhiều từ nguyên văn Anh, Pháp. Từ volt trong từ điển Hoàng Phê được giữ nguyên tiếng Anh với định nghĩa đơn vị đo hiệu thế, điện thế. Ta cũng thấy nhan nhản những từ nguyên văn ngoại quốc khác rồi giảng nghĩa bằng tiếng Việt như logarithm, clinker, logic v . v . . . xếp thẳng hàng với những chữ Việt trong một cuốn từ điển mang danh là Từ Điển Tiếng Việït. Chúng tôi nghĩ việc định nghĩa những tiếng Anh, Pháp như trên là công việc của từ điển song ngữ Anh Việt và Pháp Việt chứ không phải là công việc của nhóm Hoàng Phê. Trừ những tiếng Anh, Pháp đã Việt hóa và viết theo lối Việt như ô tô, sà bông, xe tăng chẳng hạn, chúng tôi thấy cách làm của từ điển Văn Tân khi ghi theo lối Việt như ga men, lô ga rít, vôn, vôn kế, lô gích, ác mô ni ca . . . rồi giảng nghĩa những từ này bằng tiếng Việt hợp lý hơn. Còn nếu làm như Hoàng Phê là ghi cả clinker, logic . . . sao chẳng ghi luôn shool, book, maison, amour . . . cho từ điển Việt Nam phong phú, nhiều từ nhất thế giới.
Một điểm khác cần bàn cãi là địa vị tiếng Việt miền Nam mà Hoàng Phê có ý muốn loại bỏ. Trong Từ Điển Tiếng Việt ( Hoàng Phê ) có rất ít từ miền Nam. Khi giảng giải những từ vô (vào), mền (chăn), mùng (màn) . . . các nhà soạn từ điển thuộc Viện Ngôn Ngữ Học đã ghi chú là phương ngữ tức là thổ ngữ địa phương. Thiết nghĩ một từ nếu chỉ thông dụng ở một địa bàn thật nhỏ hẹp như cấp tỉnh chẳng hạn thì gọi là thổ ngữ được, nhưng trường hợp những chữ như vô, mùng, mền được đồng bào trên cả một lãnh thổ bát ngát từ Quảng Trị tới Cà Mau đều nói và hiểu mà chỉ coi là thổ ngữ thì người ta có thể ngờ rằng tập thể soạn giả từ điển Hoàng Phê có tinh thần tự tôn, địa phương hay kỳ thị. (Trong từ điển Văn Tân có các từ vô, mùng, mền . . . mà không hề ghi là phương ngữ).
Ngoài Bắc ai ai cũng hiểu những từ vừng, lạc, bít tất, hoa đại . . . mà đồng bào trong Nam chỉ hiểu được khi gọi là mè, đậu phộng, vớ, bông sứ . Tuy vậy trong Việt Nam Từ Điển của một người, Lê Văn Đức, vẫn có những chữ vừng, lạc, tất . . . ghi như là tiếng nói chung của quốc gia. Nếu Lê Văn Đức mà lại ghi vừng, lạc, tất . . . là thổ ngữ thì độc giả miền Bắc sẽ nghĩ sao?
Có thể vì quan niệm phương ngữ của nhóm Hoàng Phê quá khắt khe nên rất nhiều từ thông dụng trong Nam bị coi như không có trong ngôn ngữ Việt. Có thể dẫn chứng là trong Từ Điển Tiếng Việt ấn bản đầu tiên từ la ve mà đồng bào trong Nam thường đọc là la de, dùng thay cho từ bia của miền Bắc đã bị loại bỏ không được nhắc nhở. Sau khi từ điển phát hành, trên báo Văn Nghệ Thành Phố Hồ Chí Minh số 528 – 15. 4. 1988 đã có người nêu lên sự bất công này nên ở ấn bản 1994, 1996 của từ điển Hoàng Phê mà chúng tôi được thấy đã bổ túc sự thiếu sót đó. Tuy nhiên từ la ve và tất cả từ miền Nam thông dụng khác nếu có trong các ấn bản mới của tư điển Hoàng Phê vẫn được các soạn giả giữ vững lập trường coi là chúng là những thổ ngữ chẳng đáng lưu tâm.
Vì người ngoài Bắc không lưu tâm tới thổ ngữ la ve nên khá nhiều nhà văn có tiếng miền Bắc đã phạm lỗi chính tả sơ đẳng khi viết là la de hai từ quá thông dụng này của miền Nam. Vũ Thị Thường trong Câu Chuyện Bắt Đầu Từ Những Đứa Trẻ do nhà xuất bản Tác Phẩm Mới, Hà Nôi in năm 1977, Dương Thu Hương trong Những Bông Bần Ly cũng do Tác Phẩm Mới xuất bản năm 1981 và bao nhiêu nhà văn miền Bắc khác cho tới bây giờ vẫn viết la de với chữ D như những văn hào lói nghọng.
Nếu từ la ve và những từ miền Nam khác được ghi trong từ điển, trong các sách văn phạm chắc nhiều tác phẩm hay đã tránh được những viên sạn, cắn phải ê răng.
***
Soạn một cuốn từ điển cho có giá trị không phải là chuyện dễ mà đòi hỏi công sức của nhiều người, thời gian của nhiều năm.
Nhưng vẫn phải làm vì tương lai của một ngôn ngữ luôn luôn phải chuẩn hóa, phải gìn giữ cho trong sáng, chọn lọc thêm từ ngữ cho chính xác và phong phú. Người Pháp, người Mỹ hãnh diện với những Petit Larousse, Petit Littré hay Webster, American Heritage không cồng kềnh như các bộ từ điển bách khoa chỉ khoảng hai ngàn trang mà đầy đủ và chính xác, lẽ nào Việt Nam không có một cuốn từ điển cho đầy đủ dùng được cho toàn quốc, cả ba miền Nam, Trung, Bắc.
Việc đó chúng tôi nghĩ Hà Nội có thể làm được với một Viện Ngôn Ngữ Học trong tay miễn là các soạn giả chịu lắng nghe những ý kiến xây dựng và gạt bỏ sự tự tôn, gạt bỏ tư tưởng địa phương hay kỳ thị.

Cuốn từ điển tái bản tám lần
Cuốn Từ Điển Việt Anh do nhà xuất bản Thế Giới, Hà Nội tung ra thị trường đầu năm 1998 mới thoạt nhìn ta thấy có cảm tình ngay. Sách dày 2296 trang, khổ trung 16 và 24 phân (6, 25 và 19, 25 inh) in trên giấy trắng tốt, bìa cứng, dày nhiều màu. Điều đáng nể hơn nữa là giòng chữ A 220.000 từ A ghi ngay bìa sách.
Nhưng khi thấy tên tác giả Bùi Phụng, độc giả khựng lại và hoài nghi. Đây là một cuốn từ điển có một quá trình cẩu thả từ nhiều năm nay bây giờ được bổ sung và in lại. Từ Điển Việt Anh của Bùi Phụng xuất bản lần đầu năm 1977, phát hành tại Hà Nội và một tờ báo xuất bản tại Hà Nội đã chê trách nặng nề. Nhưng phải mãi tới năm 1986 Sài Gòn mới thấy cuốn Từ Điển Việt Anh do nhà xuất bản Trường Đại Học Tổng Hợp in lại và bán tại miền Nam. Trong cuốn tái bản 1986 tác giả viết rằng cuốn sách đã được thành ủy cộng sản Hà Nội khen ngợi, cho phép tái bản và ông cũng đã “chỉnh lý” lại hoàn toàn so với ấn bản đầu tiên.
Liền sau đó trên tuần báo Văn Nghệ Thành Phố Hồ Chí Minh tại miền Nam số ra ngày 15. 4. 1988 đăng một bài vạch ra rất nhiều lỗi lầm sơ đẳng của cuốn tái bản 1986. Ra hải ngoại chúng tôi cũng đã nhận xét sơ qua về cuốn sách đó và đã đăng trên nhiều báo và in trong một cuốn sách xuất bản năm 1995. Chúng tôi xin phép được trích lại vài đoạn tiêu biểu:
Trước hết soạn giả lầm lẫn liên miên về những từ quân sự hay vạn vật. Hãy tạm kể ba từ theo định nghĩa trong từ điển Bùi Phụng:
– Hạ sĩ: Sergeant.
– Rau muống: Spinach.
– Thược dược: Peony.
Theo sự hiểu biết thông thường thì sergeant là trung sĩ, corporal là hạ sĩ. Dahlia là thược dược còn peony là mẫu đơn hoặc bông trang theo tiếng miền Nam. Spinach là giống rau Tây phương ta tạm so sánh với rau giền còn chấp nhận tạm nhưng không thể Việt hóa nó ra rau muống được.
Dịch sang tiếng Anh những từ có tính cách hơi chuyên môn như thế cũng tạm coi là chuyện khó. Nhưng với nhiều từ rất thông thường mà tác giả cũng chọn những tiếng Anh không tương ứng, không chính xác và sai lầm nữa. Hãy lật một số trang và lấy ra một số trường hợp điển hình trong ấn bản 1986 như sau:
– Á đông: Asian. Các nước Á đông: Asian countries.
– Hoạt họa. Phim hoạt họa: Walt Disney movie.
– Bí danh: Penname.
– Lung tung: Roll of drum.
– Tằm tơ: Silkworm.
– Tầm tang: Raising of silkworm.
– Tầm chương trích cú: Plagiarize.
– Tên cúng cơm: First name.
– Hán học: Chinese characters.
– Học thuyết. Học thuyết chủ nghĩa cộng sản: Accept the Communist doctrine.
– Gạo tám: High quality rice.
– Tám xoan: Perfume rice.
– Hoa quả: Fruits.
– Hoa trái: Flowers and fruits.
Chúng ta hãy phân tách những từ nói trên.
Trong tiếng Việt có từ Âu tây có nghĩa là châu Âu, là phương Tây nhưng từ Á đông không có nghĩa là châu Á mà chỉ có nghĩa là miền đông châu Á. Tiếng Anh từ Asian có nghĩa thuộc về châu Á nhưng không có nghĩa là miền đông châu Á. Vì vậy không thể dịch Asian countries là các nước Á đông mà chỉ có nghĩa là các nước Á châu. Nói như Bùi Phụng thì Ấn Độ, Ba Tư cũng là hai nước Á đông như Nhật Bản, Cao Ly hay sao vì đó là những Asian countries. Để nói về phim hoạt họa người Anh, Mỹ viết cartoon movie chứ không dùng Walt Disney movie. Walt Disney là người Mỹ nổi tiếng khắp thế giới về những phim hoạt họa của ông như Lọ Lem, Bạch Tuyết nhưng tên ông chưa trở thành một danh từ chung như các nhà khoa học Watt, Hertz hay Bell. Liên Xô hồi xưa cũng có một bộ phim hoạt họa khá hay Hãy Đợi Đấy mà lại gọi là Walt Disney movie thì chắc nhà làm phim Liên Xô buồn không ít.
Bí danh là một tên hiệu để dấu tung tích thật của mình, còn penname là bút danh mà các nhà văn ký trên tác phẩm. Một tổng bí thư hay một anh du kích xã cũng có quyền lấy một bí danh nhưng không thể có penname nếu không có đủ chữ nghĩa để viết sách, viết báo. Lung tung là một tính từ hay trạng từ chỉ sự bừa bãi, mất trật tự tại sao trong từ điển Bùi Phụng lại trở thành roll of drum có nghĩa là hồi trống. Tằm tơ là một nghề không thể dịch thành silkworm là con tằm, một động vật. Tầm tang dịch là raising of silkworm chưa đúng vì thiếu từ tang là cây dâu.
Tầm chương trích cú là sưu tầm những câu văn hay, câu văn lạ không thể dịch thành plagiarize có nghĩa là đạo văn, lấy văn người khác rồi ký tên mình. First name theo người Mỹ thì là tên nhưng nếu theo người Việt thì là họ. Ngày nay lưu vong trên đất Mỹ người ta viết ngược lại theo lối Mỹ như Nguyễn Thái Kỳ thành Ky Thai Nguyen thì first name là Ky được nhưng gọi tên cúng cơm chưa hẳn đúng. Học thuyết chủ nghĩa cộng sản dịch là Communist doctrine là đủ và đúng rồi can chi phải thêm chữ accept là chấp nhận vừa thừa vừa sai nghĩa. Gạo tám dịch là high quality rice (gạo thật ngon), tám xoan dịch là perfume rice (gạo có mùi thơm) thì quá mơ hồ. Nếu tác giả vào Nam sinh sống đi chợ sẽ gặp vài chục thứ gạo: Nàng Hương, Nanh Chồn, Sóc Nâu, Chợ Đào . . . thì tác giả có khả năng nào để kiếm đủ từ để dịch các loại gạo hay lại chung chung. Cũng như hoa quả và bông trái là hai từ Nam, Bắc nhưng đồng nghĩa mà sao khi thì có hoa (flowers and fruits) khi thì có quả chẳng có hoa (fruits).
Về chính tả soạn giả đã quá dễ dãi trong một cuốn từ điển. Chúng ta thấy ông dùng những từ như anh mấy tôi (you and me), gái giá (widov) răng há (whore), săn seo (wrinkled), hoi hóp (very weakly) v . v . . . Phát âm “mấy“ chỉ là phát âm sai của từ “với” mà đồng bào miền quê hay mắc phải. Trong truyện Lụa, Tô Hoài tả đôi nhân tình miền quê dùng từ A mấy lỵA thay cho Avới lại@ nhưng ông đã cẩn thận cho in chữ nghiêng. Khi nói tới các chị em ăn sương người ta mỉa mai là Agiang hồ, giang háA chứ không viết là “răng há”ù. Da người khi ngâm nước có thể săn lại và người già thì da “nhăn nheo” chứ không nói “săn seo”. Người ta cũng nói “thoi thóp” chứ không dùng A hoi hópA. Từ sau này dùng trong cổ văn hoặc ở vài địa phương hẹp. Người có chồâng hay vợ chết gọi là “góa”, đôi khi chấp nhận từ A hóaA. Ở miền Nam đồng bào nói làAở giá, gái giá, giá chồng” nhưng không viết là “giá”. Việt Ngữ Chính Tả Tự Vị của Lê Ngọc Trụ (Nxb Thanh Tân, Sài Gòn 1959) và Từø Điển Chính Tả Thông Dụng của Nguyễn Kim Thản (Nxb Đại Học Và Trung Học Chuyên Nghiệp, Hà Nội 1984) đều thừa nhận điều đó.
***
Khi mượn được cuốn Từ Điển Việt Anh tái bản lần thứ tám chúng tôi tra ngay những từ mà chúng tôi nghĩ là sai lầm ghi ở đoạn trên xem có được “chỉnh lý” như tác giả nói chưa?
Chỉ có nhóm từ học thuyết chủ nghĩa cộng sản đã bỏ chữ accept mà lần trước ông giảng là accept the Communist doctrine và từ phim hoạt họa thêm một định nghĩa animated film. Còn lại tất cả những từ mà chúng tôi phê phán như tầm chương trích cú, hoa quả, hoa trái, thược dược, Hán học, Á đông, lung tung, răng há, gái giá, anh mấy tôi, hạ sĩ, bí danh v .v . . . đều còn y nguyên không thay đổi một chữ.
Cuốn sách tái bản năm 1998, tác giả không ghi chỉnh lý nữa mà ghi là “cố gắng sửa chữa và bổ sung” thì không hiểu ông sửa chữa ở những chỗ nào? Chúng tôi hoài nghi và tra cứu thêm thì lại tìm ra quá nhiều nhược điểm mới, đếm ra không xuể.
Trước hết nói về danh từ sử địa ông sử dụng cả những từ kiểu phiên âm của Hà Nội như Philíppin, Ixraen, Indonêxia đồng thời vẫn dùng Cao Ly, Nam Hàn, Triều Tiên, Cao Miên nhưng vẫn còn thiếu Lào, Thụy Điển, Thụy Sĩ, Liên Xô, Ca Na Đa hay Gia Nã Đại v. v. . . Nhưng ông không thống nhất cách viết hoa các danh từ sử địa. Trong khi Sơn Tinh, Mỹ kim, Mỹ la tinh viết hoa thì thủy tinh và mỹ quốc lại viết chữ thường.
Đó có thể coi là những lỗi ấn loát nhưng trường hợp hai từ cùng nghĩa tằm để chỉ con tằm nhả tơ, Bùi Phụng khi thì viết với chữ ă (tằm tơ) khi thì chữ â (tầm tang) không thể đổ lỗi cho nhà in được. Cũng cóù nhiều lỗi khác không thể chấp nhận được như những từ yêng hùng, ba tui, ba tăng, hĩm . . . mà từ điển nghiêm trang ghi nhận như tiếng nói đứng đắn không chú thích đó là tiếng lóng, tiếng tục.
Những từ định nghĩa không thỏa đáng còn nhan nhản chỉ xin ghi một vài từ mà thôi:
– han: ask.
– hoa hồng bán: selling commission.
– đại hồ cầm: large Chinese violin.
– hai mắt: binocular.
– quả hạnh: almond
– me tây: Vietnamese woman married to French man.
– thủy: beginning.
Từ han đứng một mình có nghĩa là rỉ sét, chứ ngày nay không dùng với nghĩa là hỏi nên không thể giảng là ask; bán hàng thuê từng món để chia lấy công thì chỉ gọi là ăn hoa hồng chứ không ai dùng từ kép hoa hồâng bán. Đại hồ cầm mà nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát gọi đùa là đàn trâu và người Mỹ gọi là double bass khác với vĩ cầm, trung hồ cầm không phải là một nhạc cụ gốc Tàu nên không thể gọi là large Chinese violin. Nhóm từ hai mắt không thể giảng là binocular có nghĩa là ống nhòm vì không ai nói một câu tiếâng Việt là ATôi mang cái hai mắt đi xem đá banh cho rõA. Cũng như không ghi quả hạnh khi dịch là almond mà phải ghi hạnh nhân. Không ai nói Achè quả hạnhA mà chỉ nói Achè hạnh nhânA. Từ thủy muốn có nghĩa là beginning thì phải viết là khởi thủy và cũng không thể giảng nghĩa thủy chung là beginning and end như trong cuốn từ điển đang nói.
Với tiếng Việt từ me tây có một hàm ý xấu thường để chỉ những phụ nữ Việt lấy chồng Pháp thường không cưới xin, tạm bợ, không vì tình yêu chứ không thể nói chung tất cả phụ nữ lấy chồng Pháp là me Tây được. Nếu dùng từ như vậy thì tất cả phụ nữ Việt lấy chồng Mỹ cũng là me Mỹ sao? Và bà tổng thống Cao Ly Lý Thừa Vãn là người Áo chẳng lẽ trong từ điển Áo gọi bà là me Cao Ly? Dùng chữ như thế có thể bị coi là mạ lỵ.
Có những trường hợp ông phân chia ra ba bốn từ khác nhau nhưng khi giảng tiếng Anh thì chỉ có một từ mà thôi như ba từ quạ, quạ cái, quạ khoang chiếm ba giòng riêng biệt nhưng bên phần Anh ngữ ba từ đó chỉ gọn ghẽ lặp lại ba lần một tiếng crow. Cũng tương tự ông kê ra đủ thứ khoai lang, khoai ngà, khoai nghệ, khoai ngọt, khoai từ nhưng tất cả đều giảng bằng một tiếng Anh thống nhất sweet potato.
Có những từ không cần phải tách bạch ra làm nhiều từ, nhiều giòng như trường hợp các từ thủy lợi lớn, thủy lợi nhỏ, thủy lợi vừa để rồi cũng giảng chung là conservancy projects với những tính từ chỉ khối lượng đặt phía trước.
Có lẽ muốn cho từ điển được dày ông đã cho ghi những từ lạ.
Chẳng hạn trong hai trang 1248 và 1249, tác giả liệt kê tới 47 từ có từ mỹ đứng đầu trong đó có mỹ cảnh, mỹ chất, mỹ chính, mỹ hiệu, mỹ mục, mỹ sắc, mỹ tài, mỹ tú. Hoặc ở mục cà có cà nát, cà vơ. Những từ này trong Nam không ai biết, ngoài Bắc có ai dùng không nhưng không thấy ghi trong cuốn từ điển mới nhất là Đại Từ Điển Tiếng Việt do Bộ Giáo Dục Và Đào Tạo (Trung Tâm Ngôn Ngữ Và Văn Hóa Việât Nam) chủ trương, phó tiến sĩ Nguyễn Như Ý chủ biên cùng với ba phó tiến sĩ khác và nhà xuất bản Văn Hóa Thông Tin, Hà Nội in năm 1998, dày gần 2000 trang khổ lớn 19 và 27 phân.
Ở ba trang 1913 – 1915 có đến 132 từ bắt đầu bằng chữ thủy. Ta không thể so sánh tất cả 132 chữ ấy mà chỉ bắt thăm chín từ thủy cần, thủy cầm, thủy cầu, thủy chuẩn, thủy công, thủy hiểm, thủy hoạn, thủy ngọc, thủy quốc thì tới tám từ không có trong Đại Từ Điển Tiếng Việt. Riêng từ thủy công trong từ điển Bùi Phụng giảng là matelot nghĩa là lính thủy nhưng ở ĐTĐTV lại có nghĩa là công trình thủy lợi.
Cũng trong mục đích làm cho có nhiều từ để có thể trưng ra bìa trong Từ Điển Việt Anh có những từ kép như hai tay: both hands, ba cuộc cách mạng: three revolutions, hai mắt: two eyes, bốn bánh: four wheel, quả bơ: avocado, quả hạnh: almond, quả bưởi: grapefruit . . .
Trong tiếng Việt có những từ đứng một mình cũng đủ nghĩa nhưng cũng có những từ nếu không có loại từ đi kèm sẽ mang một nghĩa khác. Ví dụ nếu viết mực người Việt hiểu là một chất có màu, voi cũng hiểu là con thú lớn có vòi và ngà nhưng ở vần C ta phải có từ kép cá mực, chó mực hay cá voi để cho rõ nghĩa nhưng trường hợp những từ như rô, diếc, chép, trắm, lờn bơn thì dùng một mình là đủ.
Trường hợp từ cam người ta hiểu là trái hay cây gì rồi khỏi cần phân tách bằng những cụm từ riêng để giảng nghĩa trong từ điển như hoa cam, quả cam, nụ cam, rễ cam, cành cam nữa.
Nếu muốn làm giàu từ bằng cách đó thì tác giả nên thêm vào những từ ba mắt, bốn mắt, năm mắt, năm bánh, sáu bánh, bảy bánh, tám bánh, quả đào, quả chanh, qủa quýt . . . cứ thế mà đếm (riêng từ bốn mắt còn có thể ghi giải nghĩa thứ hai là tiếng lóng mắt đeo kính, và ngoài những quả đào, quảû chanh ông còn có thể thêm các từ trái đào, trái chanh nữa để khỏi mang tiếng kỳ thị “thổ ngữ” miền Nam)
Ngôn ngữ thường đàm của người Việt còn những dạng như nói lái (sạn cổng, cộng sản; hỗi xạ, xã hội), lặp lại bằng vần iếc (cơm kiếc, nhà nhiếc, vợ viếc), giản lược hai tiếng của miền Nam (ảnh, bả thay cho anh ấy, bà ấy) mà đem ghi tất cả vào từ điển thì biết bao nhiêu cho hết.
Phải chăng vì muốn cho cuốn từ điển 50.000 từ năm 1986 biến thành cuốn từ điển 220.000 từ năm 1998 nên Bùi Phụng đã đặt ra nhiều tiếng mà người Việt không ai biết, không ai dùng hoặc nhiều từ trùng lặp. Với cái kiểu làm con vỏi con voi cái vòi đi trước ấy thì trong lần tái bản thứ chín Bùi Phụng có thể hãnh diệân là người làm phong phú cho tiếng Việt và có thể ngang nhiên ghi ngoài bìa 500.000 từ hay một triệu từø nếu đủ giấy để in và đủ chỗ để bày.
Tóm lại cuốn Từ Điển Việt Anh tái bản lần thứ tám của Bùi Phụng chỉ có thể coi là một cuốn sách đẹp và dày mà thôi. Về nội dung sách biên soạn thiếu khoa học và quá cẩu thả, tắc trách.
Từ lần tái bản năm 1986, Bùi Phụng đã viết rằng mục đích từ điển của ông nhằm phục vụ sinh viên và người nước ngoài. Trong lần tái bản thứ tám ông không ghi rõ nhưng chắc lập trường phục vụ của ông hẳn vẫn không thay đổi. Nếu vậy thử hỏi nếu người ngoại quốc tra Từ Điển Việt Anh và tin vào những từ sai nghĩa, sai chính tả lẫn những từ ngọng, từ tục mà cho rằng đó là ngôn ngữ đứng đắn thì họ sẽ nghĩ sao về tiếng Việt mà Hà Nội vẫn luôn luôn nói là trong sáng, là ngôn ngữ của một dân tộc có bốn ngàn năm văn hiến.

Vẫn còn chuyện hồi ký

Trong bài Không Có Xe Nằm Nhà Đọc Hồi Ký chúng tôi viết rằng hồi ký không phải là văn vì chẳng ai gọi những người viết hồi ký là văn hào hồi ký trong khi lại nhắc tới hồi ký của ngài thủ tướng nước Anh Sir Winston Churchill. Thật là dốt khi quên rằng ngài Churchill chẳng được giải thướng văn chương quốc tế Nobel năm 1953 hay sao? Dù rằng sau khi rời chính trường ông có đi làm báo, viết nhiều sách cả sách về thế chiến I lẫn thế chiến II nhưng ai cũng biết hội đồng Nobel trao giải văn chương cho ông chính là nhắm vào bộ sách The Second World War (Thế Chiến Hai) đồ sộ gồm 6 cuốn của ông.
Bộ sách rất đầy đủ, nhiều chi tiết kèm theo cả các bản sơ đồ, nguyên văn các văn kiện, thư từ v. v . . . như là một bộ sử, như một công trình biên khảo mà Churchill không nhận mình là sử gia, biên khảo gia mà chỉ ghi là hồi ký chiến tranh thôi. Vậy thì Churchill là văn hào hồi ký đấy!
Cũng có người xấu mồm nói rằng các giải thưởng nhiều khi chẳng tuyệt đối vô tư, không nhắm vào giá trị thuần túy của tác phẩm, mà thường bị chi phối bởi chính trị, bởi sự gửi gấm giới thiệu, bởi muốn hợp thức hóa tài năng một người về nhiều mặt, về nhân đạo và về uy tín của người được trao giải nữa. Họ nói nếu ngài Churchill không phải là thủ tướng, không phải là một lãnh tụ lỗi lạc trong cuộc chiến tranh chống phát xít Đức mà chỉ thuần túy là tác giả bộ Thế Chiến Hai thì chắc gì mấy ông chấm Nobel văn chương ngồi bên Thụy Điển đã nghĩ tới.
***
Cũng như hai tài tử điện ảnh James Stewart và Robert Mitchum đều có tác phẩm điện ảnh để cho đời nhưng chưa thể phân định ai đã hơn ai. Hai tài tử ra đi chỉ cách nhau có ít ngày nhưng Stewart được đương kim tổng thống phân ưu, bà cựu tổng thống phúng điếu mà Mitchum thì không, vậy phải hiểu rằng vị nguyên thủ phân ưu với một tài tử điện ảnh đấy nhưng cũng là phân ưu với thiếu tướng Stewart có công trong thế chiến II nữa chứ.
Cũng như Diana, giá nàng chỉ là một thường dân và cuộc đời không chìm nổi, nhan sắc không dễ coi thì dù có làm mười lần việc từ thiện như Diana đã làm cũng chẳng có bao người nhắc tới, có ai mua hoa thương khóc, có phóng viên nào theo sát cả lúc nàng ăn, nàng ngủ, nàng vào phòng tắm?
Nhưng nói lan man lại lạc mất đề rồi. Đang nói chuyện hồi ký mà.
Hồi ký nổi tiếng, bán chạy nếu không vì những sự kiện liên hệ tới thời sự bên ngòai mà chỉ nói chuyện riêng tư của mình thì cũng phải thế nào mới được người ta chú ý. Hồi ký của Nguyễn Thị Ngọc Dung cũng là một trường hợp đặc biệt. Cũng một bộ như Churchill nhưng Churchill sáu cuốn dày, Ngọc Dung chỉ có hai, hai cuốn mỏng. Churchill nói chuyện đao to búa lớn bao trùm thế giới, Ngọc Dung chỉ nói chuyện riêng, chuyện tình mình.
Hai cuốn Phượng Vẫn Nở Bên Trời Hà Nội và Sài Gòn Nắng Nhớ Mưa Thương vừa ra đời đã khá ồn ào. Là một nhà văn nữ mới ra sách đầu tay, bà Dung đã bị ngay mấy nhà văn cùng giới phụ nữ đánh tơi bời. Không hiểu ai khai pháo đầu tiên nhưng chúng tôi chú ý tới cuốn sách này do bài của Hoàng Dược Thảo với bút hiệu Đào Nương mở màn trên ba trang báo Sài Gòn Nhỏ số ra ngày 25. 10. 1996 sau khi cuốn Sài Gòn Nắng Nhớ Mưa Thương được ra mắt trong buổi lễ um sùm tại hội trường nhật báo Người Việt ở Westminster, CA. Nguyễn Tà Cúc tiếp theo với bài Đọc Sài Gòn Nắng Nhớ Mưa Thương đăng liền trên hai số Thời Luận ngày 21 và 28 tháng 11. 1996. Bà cũng còn một bài dự trữ rất dài nhưng chưa phổ biến. Trần Thị Vĩnh Tường thoạt đầu khen cuốn I, rồi khi cuốn II xuất hiện thì bà nghiêm khắc phê phán trong bài Giải Oan chữ nhỏ li ti đăng liền trên hai số Văn Nghệ Tiền Phong 519 và 520 phát hành hồi tháng 8 năm 1997.
Cũng có thể còn có những bài khác nữa của các cây viết nữ khác?
Phụ nữ với nhau phải hiểu nhau hơn đàn ông chứ, phải bênh nhau chứ! Cớ sao lại nặng lời? Đàn bà đều ghen chồng, chẳng ai thích người chồng lãng tử nhưng ba nhà nhà báo nữ nói trên lại thương cảm người đàn ông nhân vật chính, chồng cũ của Nguyễn Thị Ngọc Dung chính vì không đồng ý với Ngọc Dung khi bà lôi lại dĩ vãng mấy chục năm một cách quá nặng lời.
Những điểm mà Ngọc Dung bị phê phán là bà đã phạm những sai lầm khiến độc giả có thể hiểu lầm về người phụ nữ Việt Nam và những quân nhân Việt Nam Cộng Hòa nhất là khi bà Dung có ý định dịch hai cuốn hồi ký của bà sang Anh ngữ.
Có thể tóm tắt vài điểm sai lầm của bà Dung được các đồng nghiệp nữ kể ra là: đánh giá sai người dân tỉnh Quảng Nam qua một nhân vật người làm thuê mà tác giả nói rằng hỗn xược và ngu dốt, nhận xét sai về các binh chủng VNCH, sai về những con số trong chiến cuộc Việt Nam, nói sai về tư cách một vị tướng không nói tên nhưng dễ đoán là ai, mô tả sự xử sự quá đáng của tác giả trong gia đình chồng cũ khiến người ngoại quốc có thể tưởng là đa số phụ nữ Việt Nam đều như thế v. v . . .
***
Trừ những nhược điểm đã được nêu trên báo chí, về các mặt khác thì công bằng phải kể bộ hồi ký của Nguyễn Thị Ngọc Dung có nhiều ưu điểm. Chỉ là một tác phẩm đầu tay nhưng bà đã viết khá vững chãi, trí nhớ của bà thật minh mẫn, những chuyện xa xưa được bà kể lại thật là sống động.
Tuy giận chồng, nhưng vẫn đắm đuối, vẫn yêu chồng, ly thân rồi nhưng tơ tầm chưa dứt, tâm lý diễn tả như vậy phải kể là hay.
Đây là tâm trạng rối bời vừa thương vừa ghét của một người đàn bà đa cảm. Bẵng đi khá lâu sau khi hai người ly thân, tối 30. 12. 1967 Nguyễn tới rủ Dung đi chơi. Nàng rất vui, chọn chiếc áo đẹp nhất, trang điểm kỹ lưỡng rồi tới quán Thanh Thanh bên xa lộ khiêu vũ với Nguyễn:
Trong ánh nến lung linh huyền ảo của nhà hàng vũ trường đêm đó, tôi đã quên tình trạng ly thân, ly dị với Nguyễn và trao gọn hình mai dáng liễu trong vòng tay êm ái của chàng. Nguyễn ôm tôi không khoảng cách. Tim tôi rung động thổn thức như thuở mười chín, đôi mươi. Với bước nhảy kinh nghiệm vững chãi Nguyễn đưa tôi theo điệu Rumba quyến rũ, Slow khêu gợi. Tôi muốn quên không gian, thời gian tan biến vào thân thể của chàng mãi mãi. Tôi khép mắt để mơ thấy mình đi trên con đường tình yêu với Nguyễn đế tận chân trời vô tận. (Sài Gòn Nắng Nhớ Mưa Thương, trang 225)
Đắm đuối như thế đấy nhưng khi sực nhớ ra điều gì, trông thấy cái gì hay kỷ niệm buồn gì thì nữ tính của tác giả lại vùng lên, nổi sùng ngay.
Ở trang 242 SGNNMT có bức ảnh chụp năm người, thay vì chú thích từ trái sang phải như thông lệ, tác giả lại ghi: Từ phải sang trái: anh Khánh, anh Châu, bà nội, anh Uẩn. Chỉ có bốn người. Người thứ năm trong ảnh không được nhắc đến nhưng nhìn thoáng anh chàng duy nhất đứng, vận com lê thắt cà vạt sọc xéo ấy ta nhận ngay ra nhà văn Văn Quang tức nhân vật Nguyễn, người làm say sưa và điêu đứng cuộc đời tác giả và cũng trở nên một trong những đề tài chính cho cuốn sách gây nhiều sôi nổi này.
Đoạn tả Dung gặp Nguyễn trong phòng ngủ chung của trường Đại Học Quân Sự nơi Nguyễn chỉ có một giường:
Nguyễn ngả người trên giường, một tay chống đầu một tay vuốt tóc tôi:
– Em nằm xuống đây nghỉ với anh.
Tôi nhìn xung quanh:
– Kỳ quá anh, không được!
Nhưng Nguyễn đã nhanh tay kéo tôi ngã xuống bên chàng và tung chăn chùm kín cả hai. Nguyễn bắt đầu ôm hôn, sờ soạng vợ lia lịa. Tôi càng chống cự chàng càng tham lam. Tôi trở sang thế thụ động, nằm yên để Nguyễn dịu cơn sôi độâng. Tôi thì thầm:
– Đừng, anh ơi, đừng! Thấy mình lục đục trong chăn người ta cười cho. Anh làm tới, lát nữa em phải đội cái chăn này đi ra cửa đấy. Xấu hổ chết mất!
Quả nhiên ngọn núi lửa hạ hỏa dần, không đòi phun nhám thạch bất tử.
. . .
Sau cùng, tôi thoát ra khỏi cái chăn nhà binh hôi mùi len dạ. Khi ngồi dậy chải tóc, thoa chút phấn hồng, môi son, tôi thấy một người vẫn nằm chăm chú đọc sách ở một góc phòng từ lúc tôi vào. Ông ta có vẻ không để ý chuyện xung quanh, nên tôi đỡ mắc cỡ, cùng Nguyễn đi ra ngoài ba rắc. (SGNNMT 180, 181)
Trong Sài Gòn Nắng Nhớ Mưa Thương, trang 177, 178 khi tả Phạm Huấn đến giục Dung đi thăm Nguyễn đang học trên Đà Lạt, Dung nói Nguyễn đang có bồ, Huấn phản ứng:
Người bạn bất đồng rõ rệt:
– Chị nói thế không được. Chị không cần, nhưng cái gia đình bốn đứa con này cần Nguyễn.
Thấy tôi im lặng, Phạm Huấn sốt sắng hỏi tiếp:
– Chị đi ngày mai hay ngày mốt?
Tôi nói trong xa vắng:
– Đúng vậy, nếu chỉ có bản thân, tôi về với bố mẹ là yên chuyện. Nhưng còn bốn đứa con. Thôi thì nghe anh vậy!
– Phải lắm, tôi lấy vé máy bay cho chị đi ngay ngày mai và sẽ đưa chị ra phi trường.
Nghĩ đến sự tốn kém và làm phiền Phạm Huấn, tôi nói:
– Cám ơn anh, tôi sẽ đi, nhưng chưa biết mai hay mốt. Tôi phải thu xếp vài việc và đi xe Minh Trung cũng nhanh chóng.
Trước khi về, Phạm Huấn nhất mực bắt tôi hứa sẽ đi Đà Lạt và dọa:
– Ngày mốt tôi đem xe qua đây, nếu chị còn ở nhà tôi sẽ bốc chị lên phi trường.
Có lần gập Phạm Huấn tôi kể đoạn văn này, Phạm Huấn nói chuyện đó không có nhưng chúng tôi đều đồng ý là tuy là đoạn văn tưởng tượng nhưng diễn tả khá đúng tâm lý và ngôn ngữ của Phạm Huấn. Thiết tưởng đó cũng là cái tài của Nguyễn Thị Ngọc Dung vậy.
***
Đầu thập niên 1940 Thạch Lam đã bày tỏ là ông rất phàn nàn là đồng thời với ông, phái nữ lưu hình như thiếu sức, thiếu hơi để viết một tác phẩm vững chãi. Ông cho rằng không ai hiểu đàn bà hơn là đàn bà. Và ông thèm muốn được biết những ý nghĩ thầm kín nào trong vầng trán những phụ nữ kiều diễm trang nhã mà ông thường gập hàng ngày. Ông thèm muốn và phải viết thành câu trong Theo Giòng rằng:
“Những ý nghĩ của một người đàn bà!” Tôi bằng lòng đánh đổi cả một đời để được biết, vì tôi bắt đầu nghi ngờ những điều mà tôi đã tự tìm hiểu một mình.
Thạch Lam không nói rõ là những ý nghĩ thầm kín của đàn bà về chuyện gì nhưng người ta đoán chắc ông muốn nói những tình cảm thực của phụ nữ về tình yêu, về tình dục mà phong tục của ta chưa cho phép. Hồi đó đã có Tương Phố, Mộng Tuyết, Vân Đài, Hằng Phương đấy . . nhưng các bà chỉ nói chuyện mây gió, sầu tư.
Giá nhà văn Thạch Lam còn sống tới bây giờ hẳn ông phải hài lòng về hàng ngũ áp đảo của nhà văn nữ Việt Nam – nhất là ở hải ngoại – với những đề tài xông xáo của họ. Từ trước 1975, Nguyễn Thị Thụy Vũ đã táo bạo, sỗ sàng (Mèo Đêm, Lao Vào Lửa), Nguyễn Thị Hoàng cho cô giáo yêu học sinh (Vòng Tay Học Trò), Trùng Dương cho xẻo bộ phận sinh dục kẻ thù vứt vào bụi rậm (Truyện ngắn Bí Mật Của Rừng Già), Phạm Thị Hoài với nhân vật chính củ bự có thể xuyên suốt lưng người nữ như xuyên chả nướng (Marie Sến) và biết bao nhà văn nữ khác cho nhân vật của mình làm tình tưới hạt sen trên các trang văn, chồng đang đi đường cũng rên lên với vợ là muốn quá sờ coi nè, vợ mang bầu như cái trống chồng cũng đòi chui vào thăm con v . v . . . Mới đây nhất chúng ta còn được Nguyễn Thị Hoàng Bắc khuyên nhân vật của bà nếu khó tính, chán chuyện tình âm dương, nam nữ bình thường thì hãy đồng tính luyến ái. Bà viết:
Lấy chồng rồi, Hằng mới biết đàn ông không dâm đãng thì không thực là đàn ông. Ngoài ra lúc nào họ cũng là những chú nhỏ luôn luôn ủng oẳng với các đàn bà khác những khi vắng vợ nghĩa là vẫn giữ nguyên thói quen bám đít mẹ lúc bé. Không chịu được hai điều kiện đó thì tốt hơn không nên lấy chồng hoặc là nên theo kiểu mới, là hãy yêu một người đàn bà (Kéo Neo Mà Chạy, Nxb Văn Mới, Los Angeles 1997, trang 13, 14 ).
Về mặt này thì Nguyễn Thị Ngọc Dung không tinh ranh bằng các nhà văn trẻ tuổi. Hãy nghe bà kể về kinh nghiệm đàn ông của bà:
Hai cánh tay vươn ôm vai Nguyễn, tôi buông mình trong vòng tay chàng xiếùt chặt cái eo gầy, áo sát. Có một lúc tôi đã hỏi Nguyễn:
– Bữa nay anh phải đeo súng ứng chiến hay sao?
Nguyễn xích xa người vợ ly thân, đắm đuối nhìn sâu vào mắt nàng. Chàng cười rộng, không trả lời và ôm nàng chặt hơn để nàng lại chạm vào súng. Tôi nghĩ đến cái súng lục nhỏ xinh xắn, trắng như bạc của Nguyễn mà một lần tôi đã giấu đi và dọa sẽ bắn tan xác bất cứ con tình nhân nào của chồng, nhưng sau khi nghe chàng cuống quýt thề thốt, năn nỉ tôi đã trả lại. Từ đấy Nguyễn không dám đem súng về nhà. Tuy đã bốn đứa con, ở khía cạnh nào đó Ngọc Dung vẫn ngây thơ, không biết người ta chỉ đeo súng bên hông, bên đùi . . . , chứ không giữa hai đùi. ( SGNNMT tr. 227 )
***
Tóm lại hai cuốn hồi ký của Nguyễn Thị Ngọc Dung không phải là những cuốn sách dở, nhưng bị nhiều người lên án vì vài chi tiết trong nội dung của nó. Nhất là khi bà có ý định dịch sang Anh văn cho người Mỹ đọc và có tham vọng nó phổ biến khắp năm châu.
Đã cầm bút ít ai không có hoài vọng tác phẩm của mình có nhiều người đọc. Từ khi văn chương Việt Nam bắt đầu xuất hiện bằng Việt ngữ đã có những nhà văn Việt Nam viết văn bằng Pháp ngữ như Phạm Duy Khiêm, Nguyễn Tiến Lãng, Cung Giũ Nguyên v. v . . . vì họ muốn văn họ phổ biến rộng hơn trong phạm vi người đọc tiếng Việt. Nhà phê bình Vũ Ngọc Phan đã không nói tới những nhà văn viết bằng Pháp ngữ vì cho rằng đó không phải là công việc của người phê bình văn học Việt Nam mà là công việc của những nhà phê bình viết về văn học Pháp.
Trường hợp người Việt ở hải ngoại nay có khác. Đa số họ đã nhận quốc gia cư trú là quê hương thứ hai, đã trở thành người Mỹ, người Pháp, Thụy sĩ, Thụy Điển . . . vì quê hương chính đã rơi vào tay cộng sản mất rồi mà ta chưa thể trở lại. Chuyện viết văn, dịch văn sang tiếng Anh là chuyện nên, nếu chẳng nói là cần làm.
Dù người Việt có trở thành người Mỹ thì cũng không thể quay lưng quên được cội nguồn. Người Pháp, người Anh, người Ý, Đức có những người mà tổ tiên họ tới đây đã cả thế kỷ vẫn còn tự hào về nguồn gốc của họ. Có những thị trấn mang tên Pháp (Bâton Rouge, Lousianna) tên Đức (New Ulm, Minnesota) tên Nga, tên Ý v. v . . . Người Việt là một cộng đồng thiểu số tương đối mới với người Hoa Kỳ, mà cũng đã có Tiểu Sài Gòn, được chính thức công nhận, được mệnh danh là thủ đôâ tị nạn ở Cali. Người Mỹ nếu muốn hiểu người Việt qua sách vở, chắc chắn họ sẽ nghĩ rằng sách viết về Việt Nam do người Pháp hay người Mỹ viết không thể nào sâu sắc bằng do chính người Việt viết ngoại trừ sách báo cộng sản luôn luôn bị gò ép tuyên truyền.
Vì lẽ đó sách do người Việt quốc gia viết bằng Anh ngữ liên quan tới Việt Nam nếu sơ hở kiểu When Heaven and Earth Changed Places (Trời Đất Đổi Thay) của Lệ Lý Hayslip sẽ có một tác dụng tai hại. Độc giả Mỹ sẽ nghĩ người Việt đúng là xấu như thế vì đó là chính do người Việt hay người gốc Việt có quốc tịch Mỹ kể ra.
Trường hợp hồi ký Nguyễn Thị Ngọc Dung nếu bà sửa lại những khuyết điểm đã được báo chí và độc giả nêu ra, có nhiều điều chính bà đã nhận là sơ sót thì có điều kiện dịch và rồi in ra bằng Anh ngữ cũng là một điều tốt.
Một đất nước, một thành phố, một tập thể hay một con người không có gì có thể thập toàn. Phải có điều hay điều dở là lẽ đương nhiên, nhưng khi kể lại chẳng nên bịa thêm nhiều cái xấu hoặc làm nổi bật quá nhiều cái xấu và làm chìm lấp những cái hay cái tốt, tự mình vạch áo cho người xem lưng.
Tấm thân để lộ ra cho người thương chiêm ngưỡng thì thật nõn nà mát rượi, thơm như quế, mượt như nhung. Vậy thì khi vạch ra cho công chúng đều biết thiết tưởng cũng nên ý tứ, chẳng vô tình để lộ ra đúng chỗ có nốt sẹo hậu quả của chủng ngừa đậu mùa từ thời thơ ấu.

Nỗi Sợ

Trong những trạng thái tình cảm của con người, người ta hay nhắc tới thất tình là mừng, giận, thương, sợ, yêu, ghét, muốn. Cái tình cảm sôi nổi được người ta nói tới nhiều nhất là ái hay yêu tạo nên bao hạnh phúc nhưng cũng gây nhiều đổ vỡ, hận thù, bắn giết nhau . . .
Tuy vậy cái trạng thái tình cảm xếp hàng thứ tư là sợ không sôi nổi như yêu nhưng thực ra tuyệt đại đa số chúng ta đều thường xuyên biểu lộ hơn cả.
Sống dưới các chế độ độc tài và cộng sản, người dân luôn luôn nơm nớp lo sợ bị tù, bị giết, bị xiết dạ dày cho đói meo vì không tuân các lệnh phi lý là một chuyện hiển nhiên khỏi nói dài dòng.
Nỗi sợ phổ biến khác bất cứ ở đâu khi mà có hai giống đàn bà và đàn ông có lẽ là sợ vợ. Điều này ta thấy hàng ngày trong đời sống từ ông đứng đầu cường quốc tới kẻ bạch đinh chứ không ai còn lạ nữa. Nhưng với người Việt ngay cả trong thơ văn, tư tưởng, nỗi sợ cái nửa mình yêu quý cũng biểu hiện cả trên giấy trắng mực đen để lưu truyền.
Tiền bối của chúng ta là cụ nghè thi sĩ Nguyễn Khuyến đã phải la lên rằng ông sợ bà hơn cả ông Trời:
Ô hay sao vợ hơn giời nhỉ ?
Vợ chỉ hơn giời có cái trai.
Gần đây lúc sinh thời hẳn nhà thơ Nguyễn Bính cũng sợ vợ thấy mồ nhưng không nhận mà còn làm thơ nói chuyện bạn mình lấy vợ, đổ cho bạn bằng cách nói xa xôi bóng gió:
Đôi tay người đẹp trông mềm thế.
Tôi có ngờ đâu khóa được người.
Nhưng quần chúng thì thật thà hơn nói toạc móng heo ra cái sơ vơ của những nhà khoa bảng:
Văn chương chữ nghĩa bề bề,
Thần lờ nó ám thì mê mẩn đời.
Bà thần mà đã làm cho mê mẩn thì hẳn là làm cho sợ bà như đứng trước long nhan chứ còn chối cãi chi được nữa. Nhưng thôi đừng đụng tới bà thần này khiến bà nổi giận thì phiền lắm, tan cửa nát nhà như không.
***
Hãy quay sang một cái sợ khác là sợ nói thực, nói thực về văn chương. Còn nhớ khoảng thập niên 1950 hay 60 gì đó mấy cơ quan ngôn luận lớn tại Ba Lê, thủ đô nước Pháp hợp tác với nhau tuyển chọn và cho in một cuốn sách nhan đề là 56 Meilleures Nouvelles du Monde, 56 Tân Truyện Hay Nhất Thế Giới (hoặc là cuốn 54 Meilleurs Contes du Monde do nhà Gallimard, Paris xuất bản ) trong đó nhắc tới truyện Con Thằn Lằn Chọn Nghiệp của Hồ Hữu Tường tuy không in trong sách nhưng được lọt vào vòng bán kết. Truyện được chấm là hay nhất trong 56 truyện được tuyển lựa là truyện Pourquoi? (Tại sao?) hình như của nhà văn Pháp Alain Poitou. Khá nhiều người chịu khó đọc hết truyện này chẳng thấy nó hay ở chỗ nào cả, nhưng hỏi mấy ông nhà văn, nhà báo, nhà trí thức thì ai cũng gật gù nghiêm trọng nên cũng sợ chẳng dám nói cái không thích của mình.
Điều đó cũng không phải chỉ xẩy ra với Pourquoi? Vì trong lãnh vực văn chương có nhiều điều cao siêu bí ẩn lắm, người bình thường không thể biết được.
Đầu thập niên 1950 nhà văn Aùi Nhĩ lan Samuel Beckett cho xuất bản cuốn kịch mỏng tang En Attendant Godot (Trong Khi Chờ Godot) chỉ một thời gian ngắn đã được dịch sang 20 ngôn ngữ trên thế giới, và được trình diễn thành công nhiều lần trên nhiều quốc gia. Năm 1969 Beckett được trao giải thưởng Nobel văn chương. Ở Việt Nam không được xem trình diễn vở Trong Khi Chờ Godot thì cũng phải tò mò đọc vở kịch khoảng 100 trang này qua bản Pháp, Anh văn hay bản Việt ngữ vì riêng ở VNCH thôi ít nhất cũng đã có tới hai bản dịch. Xem xong thì mười người tới chín chẳng thấy nó hay ở đâu. Vở kịch trừ ba nhân vật phụ trong đó có Lucky như câm như điếc, hai nhân vật chính lúc thì gặm xương, lúc thì nói chuyện với nhau nhát gừøng, cộc lốc không có gì gây cấn, khúc mắc, không kịch tính. Kịch có hai màn thì màn hai cũng tương tự như màn một.
Khán giả khi đọc hoặc nếu được xem Trong Khi Chờ Godot chắc hẳn phải ngẩn người ra như vịt nghe sấm nhưng nó được ca tụng quá nên sợ chẳng dám phát biểu ý kiến gì. Tuy nhiên cũng gật gật cái đầu, đôi khi chép chép cái miệng, lên tiếng xuýt xoa. Những người xung quanh cũng vậy và tất cả đều tỏ ra trí óc mình cao sâu hiểu được cái thâm trầm của những đối thoại lặp đi lặp lại, nhát gừng, cộc lốc mà các ông chấm giải Nobel có khi đã hiểu.
Sau cái hướng dẫn thưởng ngoạn của các nhà đại trí thức, thái độ thưởng ngoạn của dân thì thường phải như thế. Còn nhớ một lần bên Pháp, văn đoàn Goncourt tại Ba Lê họp chấm giải văn chương, một giải thưởng tuy đứng sau giải Viện Hàn Lâm Pháp nhưng uy tín có lẽ còn hơn cả giải hàn lâm. Trong vòng bầu thứ nhất các ông hàn chọn hai cuốn tiểu thuyết A và B, nhưng cả hai cuốn chia phiếu nên không cuốn nào đủ đa số quy định. Sang vòng hai sau những giờ phút suy nghĩ đăm chiêu, kết quả cuốn B có vượt phiếu lên nhưng cũng vẫn chưa đạt được đa số cần thiết. Các ông hàn ra uống cà phê xả hơi rồi vào bỏ phiếu vòng ba thì kết quả thật bất ngờ. Hai cuốn A và B đều bị loại trên danh sách “hoa hậu” và cuốn trúng giải với đa số lại là cuốn C mà hai lần trước các ngài hàn chẳng chú tâm là bao.
Thế là thế nào? Kết quả được công bố trên báo chí, phát thanh, độc giả ào ào mua cuốn sách C, ngấu nghiến đọc xong rồi hay dở cũng chẳng dám nói thật vì nghĩ tới các ông hàn Goncourt trịnh trọng thì sợ quá rồi sao dám chê các . . . ổng.
Thập niên 1960 ở Pháp có mấy nhà văn nổi lên gây một phong trào văn chương mới đả phá những nền nếp cũ. Họ tự coi như những nhà văn tiền phong nêu cao ngọn cờ cách mạng văn tiểu thuyết. Đó là những ông, bà Alain Robbe Grillet, Michel Butor, Nathalie Sarraute . . . Họ chủ trương viết khác thường để cho độc giả bình thường chẳng sao hiểu được. Về hành văn có vị chủ trương viết những đoạn văn dài lê thê hàng hai ba trang chẳng thèm chấm câu. (Chuyện này không mới vì Marcel Proust đã làm từ lâu rồi). Vị khác thì cho rằng viết mà để nhân vật ở ngôi thứ ba “ông, bà, chàng, nàng” hay tác giả xưng “tôi” ở ngôi thứ nhất thay cho nhân vật là cổ quá rồi, phải cách tân. Và tiểu thuyết gia bèn phát minh ra lối xưng hô mới mẻ bằng ngôi thứ hai, chỉ mặt nhân vật xưng hô “anh kia, chị kia” như cảnh sát gọi can phạm.
Có một số nhà phê bình viết bài ca tụng, bốc thơm. Độc giả quen lối văn trong sáng, dễ hiểu khi đọc các nhà văn này mới thấy hụt hẫng, bỡ ngỡ, thấy không hay nhưng báo chí, truyền thanh ca tụng quá, thành ra sợ không dám nói thật cảm tưởng của họ, mà đôi khi phải khen theo, hoặc gật gù cái đầu tỏ ra hiểu biết, thông thái, có óc thưởng ngoạn cao. Chỉ có ông văn hào Francois Mauriac có lẽ nhờ mình là ông hàn trong Viện Hàn Lâm Pháp nên đã gan góc đả kích cái cách mạng văn chương của mấy nhà văn trẻ.
Ở Việt Nam cũng có Triều Đẩu công khai chê truyện Tại Sao? Và Mỹ Tín gián tiếp chê Trong Khi Chờ Godot.
Nhưng đa số độc giả bậc thường, chỉ gật gù, xuýt xoa, chép miệng thì sẽ nghĩ rằng các ông Đẩu, ông Tín, ông Riac là những người bất thường, không điên thì cũng bệnh tâm thần, đi ngược trào lưu tiến bộ của văn học thế giới.
***
Quay về xứ Mỹ nơi đứng đầu về tự do mà có người cho là tự do quá trớn cũng có nhiều nỗi sợ mà nỗi sợ lớn nhất hẳn phải là sợ súng.
Kể từ cuộc nội chiến Bắc Nam, trong nội địa nước Mỹ không hề có cuộc chiến nào lớn nữa nhưng số người chết vì súng đạn vẫn là kỷ lục. Như một cuộc chiến triền miên của thời bình trên hè phố, trong quán rượu, trong trường học, trong nhà thương, trong nhà thờ . . .
Ở Mỹ có khoảng 1200 hãng chế tạo súng mà chỉ cần đóng 150 đô la và chịu sự thanh tra một lần là có giấy phép sản xuất. Hiện nay toàn quốc có khoảng 220 triệu khẩu súng và hàng năm chếâ tạo thêm 6 triệu, chưa kể súng nhập cảng. Mua súng thật dễ dàng tại các hội chợ và số súng mất cắp hàng năm cũng tới 200.000 khẩu. Con số người chết vô duyên vì súng thì cứ mở bất cứ ti vi ở địa phương nào cũng thấy thường xuyên như cơm bữa. Riêng trẻ em thôi, theo thống kê công bố ngày 28. 3. 1998 của tổ chức Quỹ Bảo Vệ Trẻ Em (Children’s Defense Fund) cho biết ở Hoa Kỳ cứ mỗi chín mươi phút có một em bé chết vì súng.
Sau vụ ám sát tổng thống Kennedy, quốc hội Mỹ ban hành luật hạn chế súng nhưng chỉ ít năm sau nghe êm êm những đạo luật này lại được sửa lại do đa số những nhà lập pháp yêu súng hoặc bảo vệ cho cử tri thích súng hơn là chuyện khác.
Cho tới ngày 19. 4. 1999 hai học sinh vị thành niên của trường trung học Columbine, CO mang súng và bom tới trường định phá nổ trường nhưng không thực hiện nổi nên hai kẻ sát nhân trẻ tuổi này đã bắn chết 12 học sinh, một giáo viên rồi tự sát. Vụ nổ súng gây rung động nước Mỹ và cả thế giới.
Cũng trong thời gian ấy Hội Súng Toàn Quốc Hoa Kỳ đang chuẩn bị đại hội thường niên với trên 22000 hội viên tham dự chỉ cách nơi ngôi trường án mạng vài dặm. Tài tử Charlton Heston, chủ tịch hội súng khi trả lời phỏng vấn không thấy chia buồn với gia đình các em học sinh xấu số mà nói một câu cũng đáng ghi vào lịch sử rằng đó là lỗi của cha mẹ các em học sinh thủ phạm.
Câu nói của tài tử Heston khiến ta nhớ tới một danh ngôn khác tận nước Anh từ năm 1996. Năm đó một tên khùng mang súng vào trường bắn một hơi chết 16 học sinh, khiến sau đó quốc hội phải thảo luận, chấp thuận một đạo luật hạn chế súng. Đạo luật nghe cũng nhân đạo nhưng có một người Anh ham súng hơn mạng sống trẻ thơ lại phản đối và người đó chính là hoàng tế Philip, chồng của nữ hoàng Elizabeth II. Ông nói súng chỉ là một dụng cụ thể thao có làm gì nên tội, nếu bây giờ một cầu thủ bóng cricket dùng chày thể thao đánh chết một học sinh thì cũng phải ra luật cấm chày cricket hay sao. Câu nói vô trách nhiệm của ông chồng chỉ bám vào áo vợ này khiến nhiều người bất mãn, và ông chồng chỉ biết ăn chơi ấy phải công khai xin lỗi. Đúng là chồng dại vợ mang.
Trở lại nước Mỹ, sau vụ trường Colombine chỉ một tháng, ngày 19. 5. 1999 một học sinh khác ở Georgia mang súng tới trường trung học Heritage bắn loạn xạ khiến 6 em học sinh bị thương.
Tu chính án thứ hai của hiến pháp Mỹ từ năm 1791 quy định công dân được quyền mang, giữ súng. Trên báo Los Angeles Times ngày 11. 8. 1999 có thư lên tiếng muốn hủy bỏ cái tu chính án này. Chắc hẳn vì ông ta thấy mang tiếng được quyền mua súng để ngừa trộm cướp nhưng mỗi năm không nghe nói người có súng ngăn được mấy vụ cướp mà chuyện dùng súng để ăn cướp, để giết con, giết cha mẹ, giết bạn hay giết khơi khơi vì nóng giận thì xẩy ra như cơm bữa. Nhưng với một quốc hội có đa số đại diện dân thích súng thì cũng còn khó lắm. Vậy thì cái cách bảo vệ an ninh cho dân hữu hiệu là cấm súng như chính phủ Úc đã mua súng của tư nhân đem đốt hay làm như một nước con con chậm tiến là Căm Bốt thu súng của tư nhân rồi cho xe lăn cán bẹp chắc còn lâu mới có thể xẩy ra tại Mỹ. Trừ trường hợp . . . trong phim giả tưởng.
Với tình trạng gần như toàn dân võ trang như vậy, nỗi sợ của đa số nhân dân sống trên đất Mỹ càng tăng gia và chỉ còn một cách là đừng lạng quạng tới những nơi nghi là có nhiều súng đạn.
***
Sau cái sợ súng có một nỗi hoang mang, lo lắngï khác không nguy hiểm chết người nhưng cũng đáng nói. Đó là mê hồn trận của các luật gia và tu chính án thứ nhất.
Người Việt hải ngoại khắp thế giới hẳn không ai có thể quên anh chàng gàn dở Trần Trường ngang nhiên trưng cờ đỏ sao vàng và hình Hồ trong cửa hàng của y ngay ở khu Tiểu Sài Gòn, CA hồi Tết Kỷ Mão (1999) khiến cộng đồng Việt Nam biểu tình đòi y phải hạ những biểu tượng đó. Trường ngoan cố không chịu và chỉ hạ cờ máu và hình Hồ khi có lệnh tòa án Santa Ana. Trớ trêu thay chỉ ít ngày sau chính tòa án Santa Ana lại thay đổi phán quyết cũ nói là căn cứ trên quyền tự do tư tưởng quy định trong tu chính án thứ nhất của hiến pháp Hoa Kỳ.
Cảnh sát hộ tống vợ chồng Trần Trường vượt qua đám biểu tình, vào cửa hàng treo lại cờ máu và hình Hồ. Sự phẫn nộ của người Việt tỵ nạn lên cao độ, số người biểu tình lên tới hai chục ngàn người và quyết tâm phản đối cho tới khi tiệm của Trần Trường phải dẹp bỏ. Nếu cảnh sát không tìm ra bằng cớ truy tố tội sang băng lậu của Trường thì không biết đồng bào sẽ biểu tình tới bao giờ khi Trường đã được nấp sau tu chính án thứ nhất.
Hai hung thủ gây án mạng ở tường Colombine đều mang áo choàng đen. Tội ác của hai học sinh đó không thể ai bênh vực được và hình ảnh áo choàng đen gây kinh hãi cho quần chúng. Các trường học khắp nước Mỹ ban hành những biện pháp ngăn ngừa tội ác như kiểm soát võ khí, cấm mặc áo choàng đen v .v . . . Luật sư trong Hội Dân Quyền Mỹ (American Civil Liberties Union) bèn lên tiếng phản đối những biện pháp phòng ngừa đó căn cứ trên . . . tu chính án thứ nhất.
Cũng ngay sau và nhân vụ án mạng bi thảm tại Colorado, giáo sư Timothy Falls đã dạy cho sinh viên tại trường trung học ở thành phố Palm Springs, FL cách chế tạo bom và dạy nếu đặt bom ở trường đó thì phải đặt thế nào cho có hiệu quả tốt. Một thân nhân học sinh phàn nàn về sự kiện này thì được ông chủ tịch Nghiệp Đoàn Giáo Chức Jade Moore trả lời rằng chuyện giảng về bom đạn chỉ là thi hành tu chính án thứ nhất về tự do giáo huấn.
Tháng năm 1999 thành phố Arcadia, CA cho phép khai trương một tiệm vũ truổng cời gần ranh giới thành phố kế cận là El Monte. Chính quyền El Monte và nhiều người dân Arcadia phản đối, được nghị viên Bob Harbicht giải thích rằng các nghị viên Arcadia cũng đều giận dữ và bối rối nhưng họ không thể cấm cởi truồng vì hành động phơi của quý cho các đấng mày râu chiêm ngưỡng là một biểu thị tự do được bảo vệ bởi tu chính án thứ nhất.
Ngày 8. 6. 1999, hội đồng thành phố Hermosa Beach, CA đang bàn định cấm phụ nữ cởi trần khi tắm biển thì cô người mẫu Jennie J. tớùi hội nghị cởi phăng áo phơi hai vú trước các nhà làm luật và nói:@ Tôi tin tưởng hai vú là biểu tượng của tình mẫu tử A để biểu lộ sự phản đối. Các nhà làm luật của Hermosa Beach sau cùng đã chịu thua và người ta hiểu các ông nghĩ tới điều gì trong hiến pháp.
Có lẽ thấy quốc kỳ Hoa Kỳ bị lạm dụng như mang ra để lau xe, may quần lót, may quần áo tắm bikini, mang ra xé và đốt nên ngày 26. 6. 99 hạ viện Mỹ thông qua bản dự án tu chính mới cấm xúc phạm quốc kỳ với 304 phiếu thuận, nhưng sẽ còn phải qua cầu thượng viện nữa. Bản tu chính nghe cũng xuôi tai nhưng trong khi chờ đợi thì ngay trong hàng ngũ dân biểu cũng đã có tới 124 phiếu chống nó và điển hình là dân biểu Gary Ackerman và phi hành gia John Glenn. Họ viện dẫn rằng nếu cấm đoán thì tu chính mới sẽ vi phạm tự do của nhân dân ghi trong tu chính án thứ nhất.
Chao ôi cái tu chính án đầu tiên này đã khiến người ta nhớ tới một số chế độ chính trị trên thế giới đã nhân danh hai chữ tự do để làm rất nhiều điều chẳng có tự do và chẳng hiềân lành, nhân đạo. Người dân nghèo và thấp cổ bé miệng không thể mày mò để thoát ra khỏi những rắc rối, chằng chịt của luật pháp chắc chỉ còn cách kính nhi viễn chi đối với cái tu chính án thứ nhất tiến bộ và vô tội này bằng nỗi sợ. Cứ tránh xa nó đừng dính vào nó thì may ra yên thân mà làm ăn để có lương mà trả tiền nhà, tiền xe, tiền bảo hiểm . . .
Dù ở Hoa Kỳ là nước đứng đầu thế giới về tự do và dân chủ, chẳng thằng nào sợ thằng nào, nhưng lớ ngớ rơi vào mê hồn trận của những đạo luật dài dằng dặc, dám vào vòng lao lý, bỏ công ăn việc làm hàng tuần hàng tháng để đi tới, đi lui rồi có thể lãnh vài trăm năm tù như chơi đấy.
***
Trước những hình ảnh sợ hãi tràn lan khắp nơi khắp chốn – hay nói như ngôn ngữ kinh điển của các học giả, diễn giả nghiêm túc là khắp mọi thời gian và không gian – như vậy thiết tưởng ngôi vị của nỗi sợ phải được tu chính lại. Phải để nó lên hàng đầu cho hợp lý chứ không thể bị đứng hàng tư bất công như hiện nay.
Thứ tự của thất tình sau tu chính phải là: sợ, mừng, giận, thương, yêu, ghét, muốn.

Bài Mới Nhất
Search