T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngộ Không: Chữ nghĩa làng văn (Kỳ 197)

 

clip_image002

Tiếng nói xưa và nay

Sư ni: Đây là từ gốc Ấn Độ. Ở Ấn Độ, nam giới đi tu gọi là bít-sư, nữ giới đi tu gọi là bít-sư-ni. Khi các từ này nhập vào nước ta, chỉ còn giữ các âm tiết cuối: sư, ni (và sau đó nhân dân ta thêm cách gọi khác: sư ông, ni cô (Giải thích của cụ Trần Văn Giáp).

Chữ nghĩa làng văn

Truyện Kiều, câu 1160:

“Một tay chôn biết mấy cành phù dung”

Nó cũng xuất hiện trong Chinh Phụ Ngâm:

Vẻ phù dung một đoá khoe tươi.

Phù dung lại đã bên sông bơ sờ.

Phù dung có 2 loại:

– Mộc phù dung (mộc liên) mọc ở trên đất tức hoa dâm bụt (hibiscus).

– Thảo phù dung mọc ở dưới nước tức hoa sen (lotus).

Phù dung trong câu thơ Kiều và Chinh Phụ Ngâm kể trên không thể là hoa sen, vì sen chỉ có cuống lá, cuống hoa, không có cành. Vả lại sen nở hoa trong hồ, trong đầm, chứ không trên sông.

Như vậy, phù dung trong Truyện Kiều là một loài hoa dâm bụt.

(Trần Văn Tích – Cỏ cây trong truyện Kiều)

Triết lý củ khoai

Lúc còn bé, tưởng yêu một người thì dễ, quên một người mới khó. Giờ thấy mình quên đi nhiều người cũng dễ dàng, nhưng để yêu, mới khó làm sao.

Buôn tảo bán tần
Tảo, tần là tên hai loại rau mọc ở dưới nước, ven bờ. Trong bài thơ “Thái tần” có câu:

Vu dĩ thái tần,
Nam gián chi tân
Vu bỉ thái tảo
Vu bỉ hàng lạo
Nghĩa là: đi hái rau tần, bên bờ khe phía nam, đi hái rau tảo, bên lạch nước kia. Trong văn hóa Tàu, tảo, tần tượng trưng cho đức tính siêng năng, chịu khó, hay làm của người phụ nữ.

Thành ngữ “buôn tảo bán tần” đã có trong Kinh Thi.
Ở Việt Nam, ý biểu trưng của tảo, tần cũng được sử dụng nhiều trong văn học cổ. Chẳng hạn như “Sớm khuya chăm việc tảo tần – Thờ cha kính mẹ đôi lần chẳng sai”. Sau này, “buôn tảo bán tần” chỉ đức tính đảm đang việc nhà của người phụ nữ.

Ống

Ống: súng

(súng ống)

(Tự điển tiếng Việt cổ – Nguyễn Ngọc San, Đinh Văn Thiện)

– Súng ống: tiếng Thái, ống cũng là súng.

Nón đội

Khi ta lên tám chín tuổi, thấy các ông già đội nón ngoan xác, tục gọi là nón “mền giải” hay là nón “tam giang”; con nhà quan và học trò các học hiệu thì đội nón phương đẩu đại, tục gọi là “nón lá”; họ hàng nhà quan và các ông già thì đội nón cổ châu, tục gọi là “nón dâu”; người lớn và trẻ con đội nón liên diệp, tục gọi là “nón lá sen”; con trai con gái, đàn ông đàn bà ở chỗ kinh kỳ đội nón cổ châu, trẻ con đội nón tiểu liên diệp, tục gọi là “nón nhỡ khuôn”; đàn ông đàn bà thôn quê, đội nón xuân lôi tiểu lạp, tục gọi là “nón sọ nhỏ”; lính tráng đội nón trạo lạp, tục gọi là “nón chèo vành”; người hầu hạ và vợ con lính tráng đội nón viên đẩu, tục gọi là “nón khua”; nhà sư và thầy tu đội nón cẩu diện, tục gọi là “nón mặt lờ”; người có tang đội nón xuân lôi đại, tục gọi là “nón cạp”; người có chửa một năm trở xuống đội nón cổ châu, quai mây, nhà quan và nhà quyền thế có tang đội nón cẩu diện để phân biệt, người trong Thanh, Nghệ đội nón viên cơ, tục gọi là “nón Nghệ”.

clip_image004

Đến khoảng năm Nhâm Dần (1782) quân Tam phủ biến loạn, cậy công làm càn, nhiều người đội nón viên cơ, để lẫn với quân lính. Đến năm Bính Ngọ (1786) trong nước có biến, lại bỏ nón viên cơ, đội nón cẩu diện, người có tang một năm trở xuống, buộc quai sợi trắng để phân biệt. Ở thôn quê, theo dáng nón ngoan xác mà làm thấp đi, gọi là nón toan bì, tục gọi là “nón vỏ bứa”, thỉnh thoảng lại có người đội nón xuân lôi tiểu; còn những thứ nón tam giang, ngoan xác, phương đẩu, viên đẩu, cổ châu, liên diệptrạo lạp thì không thấy nữa.

(Phạm Đình Hổ – Vũ trung tùy bút)

Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ

Ăn mặn nói ngay hơn ăn chay nói dối

(Bùi Kim Chi – Khảo luận về ca dao, thành ngữ)

La de Con Cọp

Và đời lính mang lại cho tôi những buồn vui kỷ niệm, những tình bạn đồng ngũ đầy hy sinh không tính toán, và những trang trải tâm tình qua bữa nhậu la de Con Cọp mờ khói thuốc. Vâng, tôi nhậu, tôi hút thuốc ngay đêm đầu tiên của đời lính trong câu lạc bộ với mấy đứa bạn mới làm quen. Tiền trong túi ba đứa chung lại chỉ đủ mua một dĩa tôm khô củ kiệu, một dĩa đậu phọng rang, một con khô mực nướng và hai chai bia Con Cọp. Sau nầy thì khá hơn, nhằm lúc đầu tháng mới lãnh lương, bọn tôi cũng nhậu với bò lúc lắc, cánh gà chiên bơ, gỏi sứa tôm thịt, bê thui như ai. Chỉ nhậu đơn sơ vậy thôi mà sao thấy ngon cách gì!

clip_image006

La de Con Cọp hoặc 33. Chai Con Cọp 0.66 lít; chai 33 0.33 lít, vì vậy mới có tên là 33. Lính nghèo làm gì dám rớ tới mấy loại Cognac của Pháp. Hơn nữa, uống bia lành mạnh hơn uống rượu mạnh. Ông tổ y học Hippocrates từ 2,380 năm trước đây đã công nhận bia có thể chữa được bệnh mất ngủ, bệnh viêm gan, tiểu đường, bướu độc và bệnh mất trí nhớ. Trí nhớ của tôi kém lắm, không biết tại tôi uống chưa đủ “liều lượng” hay là tôi từng uống quá đà và quá đã.

(Nhậu – Phan Hạnh)

Viết hoa (7)

Sau cùng, có ý kiến cho rằng sau các dấu ngắt câu như dấu hai chấm (:), dấu chấm phẩy (;), dấu chấm lửng (…), trong ngoặc đơn () hay trong ngoặc kép (“…“) đều phải viết hoa, nhưng tôi đề nghị không nên viết hoa một cách nguyên tắc tự động sau các dấu ngắt câu trên, mà chỉ viết hoa trong các trường hợp đã nêu trên.

(Viết hoa hay không viết hoa? – Mathilde Tuyết Trần)

Bộ đồ vãng sanh

Kế đến là lễ nhập quan. Sau khi người thân vừa chết, tang chủ cho người đến chùa nhờ các sư thầy coi ngày giờ khâm liệm và chôn cất. Theo Phan Kế Bính, phải coi ngày giờ trước khi nhập quan là để tránh kỵ tuổi cho những người thân còn sống của người quá cố.

Đúng giờ quy định, tang chủ cùng những người thân và đạo tỳ tiến hành nghi thức khâm liệm người chết. Trước khi nhập quan, bên trong quan tài, dưới đáy được lót bằng chiếu mới, trà,.. Bên trên các thứ ấy đặt thi hài người quá cố. Phủ lên trên thi hài là quần áo, ít vật dụng lúc sinh tiền người chết đã sử dụng. Sau khi những người thân nhìn mặt người quá cố lần cuối cùng, quan tài được đóng kín lại. Cùng với đó, tang gia chính thức báo tang bằng bảng cáo phó.

Sau lễ nhập quan, linh cữu được khiêng ra giữa nhà, đặt trên linh sàn. Ở nóc linh cữu có dàn đế đặt sáu cây đèn cầy, dưới linh sàn đốt ngọn đèn cầy. Đầu quan tài đặt linh tọa có bát hương, bông hoa trái cây. Phía trước đặt ba chén cơm cúng theo hàng ngang. Hai chén hai bên, trên đặt một chiếc đũa, chén cơm ở giữa đặt đôi đũa. Một số ý quan niệm cho rằng, người quá cố là “ma mới” hay bị “ma cũ” ăn giành nên chén cơm ở giữa (của người mới chết) có hai chiếc đũa để ăn cho nhanh, còn hai chén cơm ở hai bên (của các vong khác) chỉ có một chiếc đũa, không thể ăn nhanh được, và như thế người quá cố sẽ không bị đói.

Tiếp sau nhập quan là lễ thành phục (cũng gọi là lễ phát tang). Mở đầu, tang gia quỳ trước linh cữu khấn lạy theo sự hướng dẫn của sư tăng. Sau một thời kinh đầu tiên, “người chủ tang, thường là con trưởng hoặc một người đại diện của gia đình, đốt nhang vái và lạy trước bàn thờ , rồi lấy một vòng khăn sô bịt lên đầu. Xong chủ tang sẽ gọi lần lượt từng người một trong gia đình, từ thân đến sơ, từ già đến trẻ, vào thắp nhang, vái lạy và vấn khăn tang.”

Đồ tang của người vắng mặt được đặt trên linh cữu. Khi lễ thành phục đã xong, thân bằng quyến thuộc mới được vào cúng tế, trong đó có thông gia.

(Tế thông gia – Đỗ Kim Trường)

Sách giáo khoa

Theo tinh thần Đổi Mới. Lúc đó tôi quan niệm rằng chương trình cũ cũng như cả nền văn học trước 1975 chủ yếu nhằm phục vụ đất nước trong hoàn cảnh chiến tranh. Yêu cầu hàng đầu là phục vụ chính trị, cổ vũ chiến đấu. Văn học lúc đó vì thế phải theo sát từng nhiệm vụ chính trị: kháng chiến chống Pháp, cải cách ruộng đất… Khi đất nước bị chia cắt thì chuyển sang phục vụ hai nhiệm vụ chiến lược: Đấu tranh thống nhất đất nước, và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc. Văn học cứ phục vụ sát từng bước một. Khi Mỹ đánh ra miền Bắc thì văn học cùng với chương trình văn học lại phải tập trung cổ vũ cao trào cả nước chống Mỹ. Tất cả mọi ngành đều như vậy, văn học và giáo dục cũng như vậy. Do phải phục vụ chính trị, cổ vũ chiến đấu, nên tiêu chuẩn chính trị trong văn học đặt lên hàng đầu, tiêu chuẩn nghệ thuật đặt ở hàng thứ hai hay thứ ba gì đấy. Do ưu tiên hàng đầu là phải phục vụ chính trị, cho nên có nhiều tác phẩm không có giá trị nghệ thuật gì, nhưng cũng được chọn vào chương trình.

(Nguyễn Đăng Mạnh – Dạy văn thì phải đúng là dạy văn)

Thổ thần

Thường thấy giữa đồng ruộng Bắc Việt một cái gò, cái đống đất có cây cổ thụ che phủ một cái bệ xây làm nền. Nhà nông chung quanh đem hương hoa, rượu, xôi, gà đến cúng tế, vì đấy là một đền hay nền thờ Thổ Thần. Ngừơi ta kiêng xâm phạm vào khu vực này, cây không được chặt, đất không được cuốc. Nhiều khi nền thờ xây cũng không có, cây với gò bằng với mặt bờ ruộng.

(Văn hóa đình làng – Nguyễn Đăng Thục)

Chữ nghĩa làng văn

Nhu cầu sáng tạo ra những từ ngữ mới là của nhà văn là ngôn từ và việc nhà văn nào cũng khát khao. Từ xưa đến nay đều như vậy. Như trong hai câu thơ nhằm cực tả cảnh tù túng, quẩn quanh của Kiều ở lầu xanh khi mà trong lòng thì ngổn ngang trăm mối, Nguyễn Du viết:
“Song sa vò võ phương trời
Nay hoàng hôn đã lại mai hôn hoàng”

Vào thời ấy mà dám lật ngược từ “hoàng hôn” thành “hôn hoàng” thì quả là một sự táo bạo.

(Anh Ngọc – Tản mạn về từ mới)

Triết lý củ khoai

Lúc bé, thích định nghĩa về tình yêu, tình yêu là X, là Y, là A, B, C. Bây giờ lớn lại cuống cuồng, vì hoang mang, không biết tình yêu thật sự là gì cả

Vũ Trọng Phụng

Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam đã xuất bản “Nhà văn Việt Nam hiện đại”, dày 1200 trang khổ lớn, tập hợp chân dung trên một ngàn nhà văn các thế hệ, từ các cụ Ngô Tất Tố, Phan Khôi… cho đến lớp nhà văn vừa được kết nạp như Nguyễn Danh Lam, Phan Huyền Thư…Điều quan trọng hơn là cuốn sách đã mang một cái tên không xứng hợp. Vì rõ ràng là khiếm khuyết, khi cuốn sách mang tên “NVVNHĐ” mà lại không có Vũ Trọng Phụng, Khái Hưng, Phạm Duy Tốn, Hồ Biểu Chánh,…

Đã đành, trong điều kiện Việt hiện nay, việc đánh giá tác giả, tác phẩm văn học khó tránh được sự chi phối của ý thức hệ, nhưng chúng ta đều biết, văn học còn có những giá trị trường tồn, vượt qua ý thức hệ. “Truyện Kiều” của Nguyễn Du, hay “Chí Phèo” của Nam Cao là những bằng chứng hiển nhiên rằng: Trong một chế độ phản tiến bộ, vẫn có nhà văn viết nên những tác phẩm có giá trị lâu bền. Đã đến lúc, cần phải đặt thẳng vấn đề: Chẳng lẽ suốt 20 năm (1955-1975), những sáng tác văn học ở miền đều là thứ “vứt đi”, không đáng đếm xỉa gì đến?

Dù biết đây là vấn đề “nhạy cảm” và phải cân nhắc thận trọng, nhưng nhất thiết không thể né tránh vì nếu “khoanh vùng” trong phạm vi các nhà văn là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, do nhận thức ấu trĩ, đã có thời muốn “vứt đi” những di sản văn hoá tiền nhân để lại, muốn “vứt đi” cả những tiểu thuyết của Vũ Trọng Phụng!

(Nguyễn Khắc Phê – Nhà văn hiện đại)

Phật giáo và Đạo giáo

Trong một ngôi chùa Bắc Việt người ta thường thấy chia ra làm 2 khu thờ lớn nhỏ khác nhau, và ngoài cửa còn có một vài cây cổ thụ như cây Bồ đề, hay cây Đa, cây Gạo.

Tục ngữ nói: Thần cây Đa, ma cây Gạo”.

Cung giữa chùa là để thờ Phật có tượng. Gian bên có 3 pho tượng Nữ thần ở trên bệ, dưới có tượng quan tướng Ngũ Hổ. Như vậy đủ thấy chùa Việt Nam thờ hỗn hợp hai yếu tố với nhau là Phật giáo ngoại lai và Thần đạo bản xứ.

(Văn hóa đình làng – Nguyễn Đăng Thục)

Chữ nghĩa làng văn…hàng xóm

Khổng Tử (3)

Hồ Quý Ly trong sách Minh đạo của mình công kích Khổng Tử ở những điểm:

– Khổng Tử cho ra mắt nàng Nam Tử. Nàng là vợ Vệ Linh Vương là người dàn bà nổi tiếng là đẹp như dâm loạn..

– Công Sơn và Phật Hất là hai kẻ phản thần cho gọi mà Khổng Tử cũng định sang giúp họ. Vì Khổng Tử hết lương ăn ở nước Trần.

Thế nên Hồ Quý Ly cho đặt tượng ở Văn Miêu: Tượng Chu Công ở chính giữa, mặt quay về phương nam (phía VN). Tượng Khổng Tử để sang một bên và mặt quay về phía tây.

(Tiến tình văn hóa Việt Nam – Nguyễn Khắc Thuần)

Chữ nghĩa làng văn

Trong văn chương hiện đại, ta cũng thỉnh thoảng gặp những từ ngữ mới được sáng tạo khá tài tình. Trong thơ ít nhiều đã có những đóng góp trong lĩnh vực này, mở rộng đất đai sử dụng cho một số từ ngữ và như thế cũng có thể gọi là sáng tạo ngôn từ.
Trong truyện ngắn Con gái thủy thần của Nguyễn Huy Thiệp, đoạn kết có một dòng nghe thật da diết:
Trước mặt tôi, dòng sông đang thao thiết chảy”.
Một từ đặt vào văn cảnh này thật tuyệt vời. Hình như nó được biến báo từ “tha thiết”, nhưng chỉ thay đi một chút thôi mà nội hàm bỗng bao trùm hơn rất nhiều, sức biểu cảm cũng mạnh, mạnh mẽ hơn hẳn, nhờ vào sự mù mờ, không rõ ràng như chính tâm trạng con người vào những giây phút ấy. Sức cuốn hút của những dòng sông trong văn Nguyễn Huy Thiệp với những từ ngữ đầy chất thơ và giàu sáng tạo như thế. Phải chăng sức huyễn hoặc ấy đã lôi cuốn được cả một dòng sông “thao thiết” mà ta vừa nói tới.

(Anh Ngọc – Tản mạn về từ mới)

Tên Nôm tên Tự (1)

Địa danh, tên sông, núi, hồ, hay các công trình tôn giáo đền, chùa, miếu, mạo đều có tên và hễ có tên thì tất phải có nguồn gốc, có lý do mà nó hình thành. Ngoài ra sự tồn tại một cách phổ biến nhiều hơn một tên gọi ví dụ Kẻ Chợ từng là tên gọi dân gian của kinh đô Thăng Long, Đông Kinh, hay Nhất Trụ Tự còn được gọi là Chùa Một cột thì có thể khẳng định rằng sự tồn tại cặp tên song hành là một quy luật. Ta gọi là cặp tên Nôm- tên Tự.

Tên Nôm là tên được đồng bào quen dùng còn gọi là tên tục, hay tục danh, hay tục hiệu hay tên dân gian. Tên Tự còn đựoc gọi là tên Chữ với một số quy luật của cặp tên Nôm-tên Tự..

(David Phùng – Sự hình thành tên Nôm một số kiến trúc tôn giáo)

Ngộ  Không

(Sưu Tập)

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2021

Bài Mới Nhất
Search