T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngộ Không : Hải bất dương ba (*)

clip_image002

Tựa:

Qua đoạn kết Đảo chìm niên biên ký truyện mới đây, người viết gọt chữ vót bút:

“…Thế là cụ len lén giấu biến xấp giấy của chú em vào cái túi xách tay và chỉ mong về đến nhà ôm lấy cái bàn viết để đục chữ đẽo câu với bài viết: Hải bất dương ba…”

Và dưới đây là đầu ghềnh cuối bãi mà người viết đã ngụp lặn với chữ nghĩa…

***

Đời nhà Nguyên thế kỷ 13, ông Châu Đạt Quang với 30 năm ngược xuôi trên biển cả và để lại tập Chiêm Thành phong thổ ký, cẩm nang hải hành cho những người đi sau. Trong Chiêm Thành phong thổ ký chỉ nhắc đến cửa Đại Chiêm (Hội An) của người Chiêm Thành chứ không đề cập đến hai quần đảo “Hoàng Sa” và “Trường Sa”.

Vào thế kỷ thế kỷ 14 và 15, hải đồ Địa trung hải phương Đông của Ba Tư cũng vậy, nếu họ có ghé chân lên hai quần đảo trên và đặt tên thì cũng như Christopher Columbus tìm ra Nam Mỹ với những tên Y Pha Nho như Dominica, hoặc Guadeloupe, v…v…

Cũng vậy, từ thế kỷ 16, người Ấn Độ, Ả Rập, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Hoà Lan, Anh, Pháp đã đề cập về các đảo trên. Trong số đó có các nhà hàng hải Pháp, họ xuống tàu từ cảng La Rochelle ngày 7 tháng 3 năm 1568 cùng với các tu sĩ Dòng Tên đã đến một hòn đảo trong quần đảo Hoàng Sa. Hòn đảo trở nên nổi tiếng trong các biên niên sử hàng hải với vụ đắm tàu “Amphitrite” dưới thời vua Louis XIV trong khi đưa các giáo sĩ Châu Âu sang Viễn Đông, và gặp nạn ở đây.

Hòn đảo trong quần đảo Hoàng Sa trở thành địa danh hàng hải quốc tế với tên Amphitrite. Tên này được đặt theo tên chiếc tàu của Pháp bị đắm chìm.

Danh từ Paracels xuất hiện lần đầu tiên trên một bản đồ Bán Ðảo Ðông Dương (Carte de la Péninsule Indochinoise) do Frère Van Langren, người Hòa Lan, ấn hành

năm 1595. Bản đồ này phác họa nhờ những tài liệu của người Bồ Ðào Nha, nối gót nhà hàng hải Vasco de Gama, đã tiên phong đông du tìm kiếm xứ Ấn Ðộ bằng đường biển (route maritime des Indes) bằng cách đi vòng mũi Hảo Vọng (Cap de Bonne Espérance) năm 1497. Nhiều tàu thủy Bồ Ðào Nha đã tới Malacca từ năm 1509, Xiêm La từ năm 1511, vào năm 1516 thì Fernando Perez d’Andrade đến cửa biển sông Mekong.

Nhưng cho đến thế kỷ 1718, người Châu Âu kể cả AnhPháp vẫn chưa phân biệt rõ vị trí khác nhau giữa hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Trên bản đồ thường ghi I de Pracell như bản đồ Bartholomen Velho 1560, bản đồ Fernao Vaz Dourado 1590, bản đồ Van Langren 1595 (Theo giáo sư Pierre Yves Manguin, danh từ Ilhas do Parcel (Paracels) do người Bồ Ðào Nha đặt ra. Trong từ ngữ của họ, danh từ Parcel có nghĩa là “đá ngầm” récif – Nhưng theo giáo sư A. Brébion, Paracels do tên một chiếc tàu của công ty Hòa Lan Ðông Ấn, tên Paracelsse, bị chìm đắm tại quần đảo này hồi thế kỷ XVI). Mãi đến năm 1787-1788, đoàn khảo sát Kergariou Locmaria mới xác định rõ vị trí của quần đảo Paracel (chính xác là quần đảo Hoàng Sa hiện nay) và từ đó người phương Tây mới bắt đầu phân biệt quần đảo Hoàng Sa ở phía bắc với một quần đảo khác ở phía nam, tức quần đảo Trường Sa.

Bản đồ trong sách Phủ biên tạp lục do Lê Quý Đôn soạn năm 1776, gọi nhóm đảo là Bãi cát vàng, hay Cồn vàng là tên Nôm do dân gian đặt cho quần đảo này. Trong sách De la Cochinchine, J.L. Taberd gọi là “des Paracels ou de Kat-vang” (Hoàng Sa là tên chữ Hán, nghĩa là “cát vàng”) gồm nhiều đảo, bãi san hô nhỏ và mỏm đá ngầm.

***

Hoàng Sa cách Đà Nẵng khoảng 150 hải lý (**) (275 km) được gọi tên chung là Achipel des Paracels. Quần đảo gồm 6 đảo lớn và những hòn nhỏ thường bị ngập dưới nước khi thủy triều dâng lên. Thời Pháp, 6 đảo lớn được chia ra làm hai nhóm.

Nhóm thứ nhất được gọi là nhóm đảo Amphitrite (tên chiếc tàu Amphitrite thời vua Louis XIV bị đắm ở Hoàng Sa). Nhóm thứ hai là nhóm đảo hình trăng lưỡi liềm (Groupe du Croissant) có đảo Hoàng Sa (Ile Pattle, Pattle Island). Hai hòn đảo lớn nhất của quần đảo này là Lâm đảo (Ile Boisée, Tree Island) có cây cối um tùm như rừng, nên mới được mệnh danh như vậy và đảo Hoàng Sa có rất nhiều dừa nước và bụi rậm. Tổng diện tích của 6 đảo lớn khoảng hơn 10 cây số vuông.

Thời Pháp thuộc, Trường Sa vừa được gọi là Spratly, vừa được gọi là Ile de (la) Tempête (tạm dịch là đảo Bão Tố). Tên gọi này bắt nguồn từ tên tiếng Anh Horsburgh’s Storm Island do James Horsburgh, nhà thuỷ văn học người Scotland đặt vì khi tới đảo, ông chỉ gặp những bão với bão. Năm 1843, nhà hàng hải Richard Spratly đặt tên cho đảo là Spratly’s Sandy Island, vì khi tới đây, ông chỉ thấy toàn những cồn cát. Quần đảo Trường Sa cách Phan Thiết 280 hải lý, tổng diện tích đất nổi rất nhỏ, không quá 5 km, gồm những đảo “rạn-đá-ngầm”, đảo “đá-bãi”, đảo “cồn-cát”.

***

Đời nhà Minh thế kỷ 14 và 15 với “Con đường gốm sứ và tơ lụa trên biến” qua 7 chuyến đi về của Đô đốc Thái giám Trịnh Hòa (1371-1435) tới tận Ấn Độ, Phi Châu và Trung Đông. Trên đường đi, đoàn thương thuyền của ông tìm ra Cù lao Chàm. Ngày nay ở bãi Hương tại Cù lao Chàm có miếu cổ tên thờ Thái giám Trịnh Hòa. Ngoài ra qua Trịnh Hoà hàng hải đồ (nguyên danh Tự Bảo thuyền xưởng khai thuyền tòng Long Giang Quan xuất thuỷ trực để ngoại quốc chư phiên) ông đã tìm ra Hoàng Sa và Trường Sa. (***)

Gần đây, người Trung Hoa đưa ra Thiên hạ hải đạo toàn đồ được vẽ vào khoảng năm 1624 Ung Chính thứ 4, 200 năm sau cuộc hải hành Trịnh Hòa. Họ cho hay Thiên hạ hải đạo toàn đồ được vẽ theo Trịnh Hòa hàng hải đồ có ghi địa danh Vạn lý thạch đường. Đảo này nằm ở phía đông đảo Hải Nam và Lý Sơn. (Đảo Lý Sơn tức Cù lao Ré thuộc tỉnh Quảng Ngải cách Hoàng Sa 315 km). Từ “Thiên hạ” hải đạo toàn đồ thì cái tên “thiên hạ” đã nói lên tất cả: Đảo Lý Sơn và Hoàng Sa thuộc về…thiên hạ.

Sau đấy Trung Hoa lại trưng ra “bản đồ của Mao Kun” vào thế kỷ 17, cũng được cho là giống với Trịnh Hòa hàng hải đồ có ghi địa danh Vạn lý thạch đường mà họ cho là Hoàng Sa. Đồng thời họ đưa ra một hải đồ khác nữa gọi là Hỗn nhất cương lý lịch đại quốc đô chi đồ vào thời nhà Minh có đánh dấu vị trí của Vạn lý thạch đường..”khác nữa”. Vị trí này hiện được phía Trung Hoa cho là…“tương ứng” với Trường Sa. Tuy nhiên Vạn lý thạch đường này được vẽ nằm ở phía đông đảo Hải Nam. Vì “đường” có nghĩa là “đàng”, đi bên đàng gặp đảo hoang nào đó họ đánh dấu và ghi chú một cái tên.

Như người Âu Châu, cho đến thế kỷ 17: Người Trung Hoa cũng vẫn không phân biệt rõ vị trí giữa hai quần đảo Hoàng Sa với Trường Sa.

Trên đường đi tìm những địa danh và dấu tích của hai đảo trên, đầu thế kỷ 21, một nhà biên khảo ở Hà Nội tìm thấy một tấm đồ thị có tên là Việt Nam địa dư đồ. Tấm đồ thị này cũng được lưu trữ tại thư viện Đại học Oxford ở Anh Quốc, cũng vào thời nhà Thanh, do Xa Khâu Từ Diên Húc sọan vào thời Gia Long.

Bản đồ ghi: “Việt Nam quốc tòan đồ thuật lược”, nghĩa là ghi chú tóm tắt và đánh dấu đất đai của ta thời ấy: Như “Nguyễn Quang Trung phụ tử cư” là thổ ngơi của cha con Nguyễn Quang Trung. Tới “Thử Việt vương Nguyễn Phúc Ánh diệt chi tọa độ thử” là Vua Nguyễn Phúc Ánh diệt họ rồi lấy đó làm kinh đô. Đặc biệt, tác giả vẽ một vòng tròn ở Phú Xuân, tô đậm và viết “VN quốc kiến đô” tức chỗ đóng đô của VN.

Theo bản đồ có ghi chú các tỉnh của nước ta vào thời Nguyễn lúc bấy giờ như Cao Bằng, Tuyên Quang, Sơn Tây, Quảng Yên, Nam Định, Thanh Hóa, Phú Xuân, Quang Ngãi, Biên Hòa, Gia Định. Đường biên giới phía bắc phân định Trung Hoa với VN gần giống với hiện tại, riêng bờ biển không giống lắm. Trên vùng biển có hàng chữ rất quan trọng, phía đông nam của biển đề “Tiểu Trường Sa hải khẩu”, phía dưới xa hơn đề “Đại Trường Sa hải khẩu”. Theo một số nhà bản đồ học cổ, tiểu Trường Sa là chỉ Hoàng Sa, còn đại Trường Sa chỉ Trường Sa hiện nay.

Năm 2012, tại Hoa Kỳ, thêm một người Hà Nội tìm ra Trung Hoa bưu chính dư đồ. Tổng cục Bưu chính thuộc Bộ Giao thông của Trung Hoa Dân Quốc xuất bản lần đầu năm 1919 ở Nam Kinh bằng 3 thứ tiếng Trung-Anh-Pháp. Năm 1935, Trung Hoa Dân Quốc đã xuất bản “Biểu đối chiếu tên gọi Hoa-Anh các đảo thuộc Nam Hải Trung Quốc”, trong đó gọi Hoàng Sa là Tây Sa/Xishá dǎo) và Trường Sa là Nam Sa/Nánwēi dǎo.

***

Hoàng Sa và Trường Sa qua những bộ chính sử của Trung Hoa như Tiền Hán thư, Đường thư, Tống sử, Nguyên sử, Minh sửThanh sử được đề cập đến như sau.

1. Tiền Hán thư (76 – 84)

Vào thời kỳ này, có thể nói người Trung Hoa chưa biết gì về các quần đảo ở vùng dưới biển nam Trung Hoa. Những ghi chép trong bộ Tiền Hán thư chỉ nhắc đến sự kiện chinh phục đảo Hải Nam, chứng tỏ đảo này không thuộc nhà Hán. Người dân bản xứ được nhắc đến ở đây là các bộ tộc đã chống lại ách đô hộ, buộc quân Hán xâm lược phải rời bỏ đảo vào thời gian đó. Tuy nhiên, sau cái chết của Hán Vũ Đế, nhà Hán bắt đầu suy thoái. Đời Hán Nguyên Đế, quân nhà Hán đã phải rút khỏi đảo Hải Nam cho đến đời Lương, Tùy mới đặt lại nền cai trị. Nếu nhà Hán đã bỏ đảo Hải Nam thì cũng không lý vấn đến các đảo Hoàng Sa Trường Sa tại Đông Hải.

2. Đường thư (1060)

Sách Đường thư đề cập tới cuốn Giao Châu dị vật chí của Dương Phu chép những chuyện kỳ dị tại Giao Châu (VN). Sách này chép tại Thất châu dương ( Hoàng Sa) là nơi có nhiều đá nam châm khiến các thuyền ngoại dương có đóng chốt sắt đi qua không được. Điều này đã khẳng định quần đảo Hoàng Sa thuộc về Giao Châu xưa (VN).

3. Tống sử (960-1297)

Sử gia Triệu Nhữ Quát đời Tống trong Chư phiên chí cho biết vùng quần đảo Vạn Lý Trường Sa là nơi nguy hiểm, tàu thuyền Trung Hoa không nên đến gần vì chỉ đi sai một tí là có thể chìm đắm. Nhan đề sách là Chư phiên chí, có nghĩa là chép chuyện các phiên quốc, nước ngoài. Vạn Lý Trường Sa nằm ở phiên quốc, có nghĩa là không thuộc về Trung Hoa mà thuộc về phiên quốc Nam Việt. Như vậy, biên giới trên vùng biển phía nam Trung Hoa vào đời nhà Tống cũng chỉ tới đảo Hải Nam.

Đời Nam Tống, cuốn Lĩnh ngoại đại đáp của Châu Khứ Phi cũng xác nhận: “Vạn Lý Trường Sa (Hoàng Sa) tọa lạc tại Giao Chỉ Dương”. Như vậy, các thư tịch cổ Trung Hoa từ đời nhà Tống đã cho thấy Hoàng Sa và Trường Sa không thuộc về Trung Hoa mà thuộc về nước khác mà Trung Quốc gọi là phiên quốc hay Giao Châu, Giao Chỉ.

4. Nguyên sử (1206-1368)

Sau 3 phen thất bại, nhà Nguyên không còn dòm ngó Đại Việt cả trên lục địa đến các hải đảo. Trong Dư địa đồ đời Nguyên của Chu Tư Hiện năm 1561 phần cực nam lãnh thổ Trung Hoa là đảo Hải Nam.

Đời nhà Nguyên thế kỷ 13, ông Châu Đạt Quang với tập Chiêm Thành phong thổ ký chỉ nhắc đến cửa Đại Chiêm của người Chiêm Thành.

5. Minh sử (1369-1648)

Dưới đời nhà Minh, Minh Thành Tổ cử Đô đốc Thái giám Trịnh Hòa chỉ huy những đoàn thám hiểm nhằm khai thác con đường tơ lụa trên biển qua Ấn Độ, Phi Châu và Trung Đông. Trên thực tế trạm trú chân của đoàn thuyền này là Đồ Bàn (Chaban) thủ phủ Chiêm Thành bấy giờ. Chính sử nhà Minh cho biết, từ thế kỷ XV, các đảo Hoàng Sa nguyên là địa bàn ngư nghiệp của Chiêm Thành đã trở thành lãnh thổ của Đại Việt.

Đại Minh nhất thống chí gọi vùng biển Hải Nam là “Biển nam Trung Hoa” và vẽ phần cực nam Trung Hoa là đảo Hải Nam. Trong khi cuốn Vũ bị chí của Mao Nguyên Nghi gọi “Biển Đông” là Giao Chỉ Dương. (Sau này qua cuộc tranh chấp về hải phận giữa Trung Hoa và VN, tên “Biển Đông” bao gồm hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa).

(“Hạm đội” của Trịnh Hòa gồm 4 “Đại thuyền” và cả trăm thuyền nhỏ bao quanh để bảo vệ. Đại thuyền cao ba, bốn tầng, có tầng để chứa đà điểu, lạc đà cao cổ. Theo sách khảo cổ, Trịnh Hòa ghé “Bạch Địch Trường”, tức bến Vân Đồn ở vịnh Hạ Long, ghé Cù Lao Chàm gần Hội An (Cửa Đại Chiêm) để mua đồ gốm Bát Tràng, Chu Đậu, Thổ Hà.

Trịnh Hòa chỉ huy những cuộc hành trình tại Ấn Độ Dương mệnh danh là “Thất Hạ Tây Dương” (Tây Dương là Ấn Độ Dương). Điều đáng lưu ý là về 7 chuyến công du tại trên 30 quốc gia trong 28 năm (từ 1405 đến 1433. Trong Hải trình ký của Trịnh Hòa ghi chép những chuyến hải hành đi về Trịnh Hòa đã dừng chân tại hải cảng Chaban (Trà Bàn hay Đồ Bàn) thủ phủ Chiêm Thành. Như vậy không có chuyện phái bộ Trịnh Hòa đến các đảo Hoàng Sa và Trường Sa để chiếm hữu và hành sử chủ quyền.

Chính sử Trung Hoa là cuốn Lịch sử Trung Quốc thời trung cổ, Hsieh Chiao-Min nhận định: “Suốt chiều dài lịch sử, dân tộc Trung Hoa không tha thiết với đại dương”. Thảng như triều đình Trung Hoa gửi những đoàn thám hiểm đến Ấn Độ, Ba Tư và Phi Châu trong thế kỷ XV. Điểm rõ nét nhất là những tài liệu trên biển Thái Bình Dương có rất ít, gần như là không có từ đời nhà Tần đến nhà Thanh từ thế kỷ XVII đến thế kỷ XX.

Sau khi Minh Thành Tổ mất, triều đình nhà Minh đã phê phán những cuộc hải trình nặng phần trình diễn của Trịnh Hòa đã góp phần làm suy yếu nền kinh tế nhà Minh).

6. Thanh sử (1649-1916)

clip_image012

 Đời nhà Thanh, từ thế kỷ thứ XVII đến XX, theo bản đồ Hoàng Thanh nhất thống dư địa bản đồ ấn hành năm 1894 thì đến cuối thế kỷ XIX: “Lãnh thổ của Trung Quốc chỉ đến đảo Hải Nam là hết”. Sự kiện này còn được xác nhận như sau: “Điểm cực nam của Trung Quốc là quận Châu Nhai thuộc Hải Nam tại vĩ tuyến 18”.

Hải Nam, Giao Chỉ và Đài Loan

Quận Châu Nhai kéo dài từ vĩ tuyến 20 (ngang Thanh Hoá) đến vĩ tuyến 18 (ngang Nghệ An – Hà Tĩnh). Trong khi quần đảo Hoàng Sa tọa lạc về phía nam, từ vĩ tuyến 17 đến vĩ tuyến 15 (Quảng Trị, Thừa Thiên, Quảng Nam, Quảng Ngãi) và quần đảo Trường Sa tọa lạc tại các vĩ tuyến 12 đến vĩ tuyến 8 (Cam Ranh – Cà Mau).

Trong bộ sách địa lý Đại Thanh nhất thống chí do Quốc sử quán nhà Thanh biên soạn năm 1842 với lời tựa của Hoàng đế Thanh Tuyên Tông, không có chỗ nào ghi Thiên Lý Trường Sa hay Vạn Lý Trường Sa. Đại Thanh nhất thống toàn đồ vẽ đảo nhỏ ở phía dưới là Hải Nam, gần đó bên trái là Giao Chỉ, đảo lớn bên phải là Đài Loan.

Hơn nữa, trong Hải quốc đồ ký, chép: “Vạn Lý Trường Sa là dải cát dài ngoài biển được dùng làm phên dậu che chắn mặt ngoài bờ cõi nước An Nam”. Những sự kiện trên được minh chứng từ chính sử của nhiều triều đại Trung Hoa đã mặc nhiên thừa nhận chủ quyền của người Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trong suốt hơn 22 thế kỷ từ thời Hán cho đến nhà Thanh đầu thế kỷ XX.

(Ngoài ra cuốn Hải ngoại kỷ sự (1695) của Thích Đại Sán một nhà sư thời Khang Hy đã đến đất Thuận Hóa của chúa Nguyễn ngày 29 tháng giêng năm Ất Hợi (13-3-1695) thuật lại chuyến hải hành và ghi nhận chủ quyền của Đại Việt trong việc kiểm soát vùng biển đông với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ít nhất từ thế kỷ thứ XVII).

***

Hoàng Sa và Trường Sa xuôi dòng sử Việt qua sử phẩm:

Đời Lý (1009-1225)

Năm 1075, Lý Nhân Tông sai Lý Thường Kiệt vẽ hình thế núi sông 3 châu Ma Linh, Địa Lý và Bố Chinh. Theo Lê Quý Đôn vào năm Tân Mão 1172, Lý Anh Tông đi chơi “Xem sơn xuyên hiểm trở, đường sá xa gần và sự sinh hoạt của dân gian…”. Năm Nhâm Thìn 1173, Lý Anh Tông “Sai quan làm quyển địa đồ của nước Nam…”.

Đó một quyển địa lý học Việt Nam gọi là Nam Bắc phiên giới địa đồ.

Thực ra dựa vào tấm sơ đồ của Lý Thường Kiệt cho người vẽ những địa danh trên đường đi đánh Chiêm Thành và ngừng chân ở Bố Chánh. Nên chưa tới vùng biển.

Như vậy là ngành địa lý đã xuất hiện chính thức ở nước ta từ đời nhà Lý.

Đời Trần (1225-1400)

Suốt đời Trần, không thấy sử sách ghi chép gì về bộ môn địa lý.

Đời Lê (1428-1788)

Qua đời Lê có Nguyễn Trãi (1380-1442) hiệu Ức Trai, người xã Nhị Khê (Hà Đông) là người viết quyển địa dư lấy tên là Địa dư chí. Quyển này lược khảo địa dư các triều trước đời Lê Thái Tổ, chép địa dư buổi Lê sơ, kể rõ các đạo trong nước, rồi cứ mỗi đạo xét về núi sông, sản vật và liệt kê các phủ, huyện, châu, xã. Địa dư chí của Nguyễn Trãi là quyển địa lý học xưa nhất còn lại cho đến ngày nay. Và cũng là lần đầu tiên, các hải đảo ngoài khơi phía đông được gọi là Đại Trường Sa đảo.

Năm 1490, Hồng Đức thứ 21, Lê Thánh Tông sai hiệu đính Địa dư chí để soạn Hồng Đức bản đồ. Năm 1653, đời Lê Hiển Tông và Trịnh Cương, có Dương Nhữ Ngọc người Lạc Đạo (Gia Lâm), soạn Thiên Nam lộ đồ thư viết: “Vua Lê Chúa Trịnh mỗi năm vào cuối mùa đông, đưa 18 chiếc thuyền đến đảo gom nhặt súng đạn của tàu đắm trôi dạt vào nhặt được phần nhiều là vàng bạc, tiền tệ. Chỗ bãi cát ấy cũng có đồi mồi”.

Vì vậy qua Địa dư chí của Nguyễn Trãi, người sau biết đến những hải đảo được gọi tên chung là Đại Trường Sa đảo. (Như khúc đầu đã đề cập, riêng Hoàng Sa qua bản đồ trong Phủ biên tạp lục, Lê Quý Đôn gọi nhóm đảo này được gọi là Bãi cát vàng, hay Cồn vàng).

Đảo danh Trường Sa đã thấy có từ lâu trong cuốn Thiên Nam tứ Chí Lộ đô thư của Đỗ Bá vào cuối thế kỷ 17. Sách này gồm có 4 quyển, trong mỗi quyển có một số bản đồ với những lời chú thích viết một trang hoặc được viết liền trên phía trên bản đồ. Những bản đồ này vẽ lại đường lối đi từ Thăng Long đến nước Chiêm Thành, từ Kinh Kỳ cho đến Quảng Đông, từ phủ Phụng Thiên cho đến Quảng Tây, Vân Nam, và từ Kinh thành cho đến cửa Bắc Quang (Lạng Sơn).

Theo nhà khảo cổ Pháp, Dumoutier soạn giả khảo cứu nhan đề Etude sur un portulan Annamite du 15ème siècle đăng tải trong kỷ yếu Bulletin de Géographie historique et descriptive (1896) thì những bản đồ này đã được vẽ theo những tài liệu thâu lượm được vào cuối thế kỷ 15, trong khi vua Lê Thánh Tôn thân chinh đi đánh Chiêm Thành năm 1470.

clip_image014

Hồng Đức bản đồ

(thuộc đời Lê)

Chính ở trong một số bản đồ này đã thấy có ghi đảo danh Trường Sa (tham chiếu Hồng Đức Bản Đồ của Viện Khảo Cổ Sài Gòn năm 1962 dịch theo bản vi phim (microfilm) của Đông Dương Văn Khố (Toy Bunko, Tokyo, vi phim số 100.891).

Vậy là Trường Sa đã được đặt tên sau khi Lê Thánh Tôn bình định Chiêm Thành.

Thời Hậu Lê, năm Cảnh Hưng thứ 36, Lê Quý Đôn (1726-1784) được cử làm Tổng tài Quốc tử quán, coi việc tục biên quốc sử và địa dư. Cùng với Nguyễn Hòan, ông sọan tập Phủ biên tạp lục khi ông được cử làm Hiệp trấn tham tán quân cơ ở phủ Thuận Hóa. Trong sách biên chép khá tường tận về xứ Đàng Trong, nhất là xứ Quảng Nam.

Phủ biên tạp lục có thể được xem là sách địa dư chí, hay bút ký chép lẫn lộn những điều thấy nghe, từ một cõi biên thùy đến thành quách, núi sông, đường sá, v…v…Theo Lê Qúy Đôn thời Hồng Đức thứ 21 đầu thế kỷ 17, nhà Hậu Lê đính kèm vào thêm bản đồ cuộc nam chinh bằng đường biển của Trịnh Sâm qua Thuận Quảng. Nhà chúa có vẽ thêm đảo Trường Sa vào chuyến hải hành. Nhưng rất tiếc tấm chiến đồ nay bị thất lạc.

Đời Nguyễn (1802-1945)

Thời Chúa Minh Nguyễn Phúc Chu (1691-1725), vào năm 1695, nhà sư Thích Đại Sán (16331704), hiệu Thạch Liêm, quê ở tỉnh Giang Tây, đến Phú Xuân theo lời mời của nhà chúa đã nhắc đến địa danh Vạn lý Trường Sa trong cuộc hải hành vào thời nhà Thanh năm 1695 trong tập 3 của 6 tập sách của Hải ngoại kỷ sự.

Trích một đoạn ở trang 19 trong Hải ngoại kỷ sự:

“…Khách có người bảo: mùa gió xuôi trở về Quảng Đông chừng vào độ tiết lập thu; xuôi chừng bốn năm ngày đêm có thể đến Hổ Môn. Ở đấy có những cồn cát nằm thẳng bờ biển, chạy dài từ đông bắc qua tây nam, bãi thấp cũng ngang mặt nước biển; mặt cát khô rắn như sắt, rủi thuyền chạm vào ắt tan tành; bãi cát rộng cả trăm dặm, chiều dài thăm thẳm chẳng biết bao nhiêu mà kể, gọi là Vạn lý Trường Sa, mù tít chẳng thấy cỏ cây nhà cửa. Nếu thuyền bị trái gió trái nước tất vào, dầu không tan nát, cũng không gạo không nước, trở thành ma đói mà thôi. Quãng ấy cách Đại Việt bảy ngày đường, chừng bảy trăm dặm. Thời Quốc vương trước (Chúa Ngãi Nguyễn Phúc Thái), hằng năm sai thuyền đánh cá đi dọc theo bãi cát, lượm vàng bạc khí cụ của các thuyền hư tất vào. Mùa thu nước dòng chảy rút về hướng đông, đưa thuyền có thể trôi xa cả trăm dặm; sức gió chẳng mạnh, sợ có hiểm hoạ Trường Sa…”.

Thời Chúa Ngãi Nguyễn Phúc Thái (1687-1691) có Hải đội Hoàng Sa, là tên gọi đội tàu hàng hải với mục đích hàng năm đi thuyền từ Quảng Ngãi ra các đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa. Theo Lê Quý Đôn ghi chép trong Đại Nam thực lục vào năm 1754:

“…Ngày trước, họ Nguyễn có thiết lập đội Hoàng Sa gồm 70 suất, lấy người ở xã An Vĩnh bổ sung vào. Mỗi năm luân phiên nhau đi, tháng giêng nhận giấy làm sai dịch, được cấp phát mỗi người sáu tháng lương, chèo năm chiếc thuyền câu nhỏ ra ngoài biển, phải mất ba ngày ba đêm mới đến đảo. Ở đó họ tha hồ bắt chim, bắt cá mà ăn. Họ thu được những đồ vật của tàu (bị đắm) như gươm và ngựa bằng đồng, hoa bạc, tiền bạc, vòng bạc, đồ đồng, thiếc khối, chì, súng, ngà voi, sáp ong vàng, chiêng, đồ sứ.

Ðến kỳ tháng tám, thì đội thuyền đi biển ấy mới trở về cửa Eo, rồi họ tới thành Phú Xuân trình nạp các vật đã lượm nhặt được. Người ta cân và định đẳng hạn các sản vật, rồi mới cho đội này bán riêng những con ốc vân, hải sâm, hải ba. Bấy giờ đội ấy nhận lãnh thưởng trở về nhà, những vật hạng lượm nhặt được ngoài biển có khi nhiều, có khi ít không nhất định, cũng có lần họ ra đi rồi trở về không…”.

Lê Quý Ðôn viết tiếp: “Hải đội Hoàng Sa kiêm quản đội Hải đội Bắc Hải ở phía nam, trong đó có Trường Sa. Hải đội Bắc Hải xuất phát từ Bình Thuận có nhiệm vụ tuần tiễu từ đảo Côn Lôn, đảo Phú Quý và quần đảo Trường Sa”.

Và ông cho hay thêm: “Tôi đã từng thấy một đạo công văn của quan chính đường huyện Văn Xương, Quỳnh Châu gửi cho Thuận Hóa nói rằng: Năm Càn Long thứ 18 (1753), có 10 tên phủ Quảng Ngãi nước An Nam, một ngày tháng 7 đến Vạn lý Trường Sa tìm kiếm các thứ, có 8 tên lên bờ tìm kiếm, chỉ để 2 tên giữ thuyền, bị gió đứt dây thuyền, giạt vào Thanh Lan cảng nhà Thanh, quan ở đấy xét thực, Tổng đốc nhà Thanh hậu cấp cho rồi cho đưa đưa trả về nguyên quán. Chúa sai viết thư cảm ơn…”.

Vì vậy có thể nói địa danh quần đảo Hoàng Sa, Vạn Lý Trường Sa (Trường Sa) đã chính thức được ghi vào văn bản thời Chúa Nguyễn Phúc Thái và Nguyễn Phúc Chu.

***

Gia Long (1802-1819) bồi đắp thêm đất đai vào địa dư chí của Đại Việt bằng vào năm 1813, truyền quan Binh bộ thượng thư Lê Quang Định soạn bộ Đại Nam nhất thống địa dư chí, gồm 10 quyển. Từ quyển 1 đến quyển 4, tả đường bộ từ Quảng Đức (kinh đô Huế) vào Trấn Biên (Biên Hòa) và tả đường thủy từ Gia Định (Sài Gòn) đến Vĩnh Trấn (Vĩnh Long).

Việt Nam thực lục chính biên chứng minh điều này:

“Năm Bính Tý, năm thứ 15 đời Gia Long, nhân cuộc đo khoảng cách đường biển giữa các dinh trấn. Vua ra lệnh cho lực lượng thủy quân và đội Hoàng Sa đổ bộ lên Hoàng Sa để thanh tra và khám xét thuỷ trình và cho dựng cờ Hoàng triều trên đó”.

Jean Baptiste Chaigneau là một trong hai người Pháp làm quan dưới thời Gia Long đã ghi nhận thêm điều trên trong cuốn hồi ký về Giao Chỉ Chi-Na (Memoires sur la Cochinchine) J.B. Chaigneau (1769-1825) là xứ Nam Việt gồm cả quần đảo Paracels cũng có chép về sự chiếm hữu chính thức của vua Gia Long:

“….Nam Kỳ, mà nhà vua hiện nay là Hoàng đế bao gồm bản thân xứ Nam Kỳ, xứ Bắc Kỳ, một phần của Vương quốc Campuchia, một số đảo có người ở không xa bờ biển và quần đảo Paracel gồm những đá ngầm, đá nổi không có người ở.

Chỉ đến năm 1816 Hoàng đế hiện nay mới chiếm lĩnh những đảo ấy…”.

Vào thời Gia Long, đặc sứ người Anh Sir Robert Macarthay thương thuyết với triều đình nhà Nguyễn để thuê Vạn Lý Trường Sa làm trạm ngừng chân trước khi đến Quảng Châu và các nước lân cận nhưng thất bại.

Minh Mạng (1820-1840), cuốn Hoàng Việt địa dư, ấn hành năm 1835 ghi:

“…Về phía đông-bắc, làng An Ninh (huyện Bình Sơn) ở ngoài biển khơi có một quần đảo gồm có chừng 130 hòn đảo, hòn này cách hòn kia từ vài giờ cho tới suốt một ngày đi thuyền. Ở nơi thấp nhất trong quần đảo này có một giếng nước ngọt. Trên một hòn đảo ở trung tâm quần đảo có một thứ cát màu vàng, bởi vậy mới đặt tên cho là Hoàng Sa. Trên quần đảo có nhiều loại chim biển khác rất dạn người, đến gần chúng, mà cũng không bay đi; lại có nhiều hải sản quí như đồi mồi, vỏ ốc xà cừ, ba-ba, hải đởm, v.v…”

Cùng thời Minh Mạng, Phan Huy Chú (1782-1840) quán Nghệ An xứ Nghệ Tĩnh soạn Hoàng Việt địa dư chí. Trong Hoàng Việt địa dư chí, Phan Huy Chú có bản phác họa bản đồ Đại Nam nhất thống toàn đồ năm 1834 tức Minh Mạng thứ 14. Đại Nam nhất thống toàn đồ gom hai quần đảo vào làm một. Tên Hoàng Sa và Vạn Lý Trường Sa (Trường Sa) được ghi chú bằng chữ Nho vào bản đồ vẽ năm 1838, Minh Mạng thứ 18.

clip_image018clip_image020

Đại Nam nhất thống toàn đồ Hoàng Sa & Vạn Lý Trường Sa

Bản đồ này mới nhìn hơi giống bản đồ trong quyển tự vị của Giám mục Jean Louis Tabert tên Dictionarium Latino-Anamiticum, được ấn hành năm 1838 ở Serempore, Pondichery, Ấn Độ. Bản đồ mang tên An Nam đại quốc họa đồ (Tabula Geographica Imperii Anamitici) với hình thể sông núi, duyên hải, cù lao rõ ràng. Trong đó có Hoàng Sa và Trường Sa như trong bản đồ của Phan Huy Chú đã phác họa 4 năm trước trong Đại Nam nhất thống toàn đồ. (Cùng năm 1838 trùng vào thời Minh Mạng thứ 18, cũng năm 1838 sách De la Cochinchine, J.L. Taberd gọi là “des Paracels ou de Kat-vang”)

Nhằm phục vụ việc thờ cúng thần linh cũng như để thuyền bè qua lại dễ nhận ra đảo. Minh Mạng đã chuẩn y lời tâu của Bộ Công, vào tháng 6 năm Minh Mạng thứ 16, sai Cai đội Thủy quân Phạm Văn Nguyên đem thợ Giám thành cùng phu thuyền hai tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định chuyên chở vật liệu đến đảo xây ngôi miếu Hoàng Sa Tự, bên hông chùa còn thấy một cột đá ghi việc dựng chùa đó. Và trồng cây thủy nam trên đảo Phú Lâm vào năm 1836. (nguồn khác là đảo Bản Na, năm 1932)

“…Miếu có một gian theo thể chế nhà đá. Bên trái miếu, phía trước miếu xây bình phong. Ba mặt miếu Hoàng Sa bên trái, bên phải và đằng sau đều trồng các loại cây do trấn hải quân đến đảo đem theo hạt giống gieo trồng như hạt quả thủy nam.

Cửa vào miếu khắc hai bên hai câu đối: “Cô hồn miếu, cô hồn diễu diễu” và “Hoàng sa tự, bích huyết Hoàng sa”. Trong miếu, ở bệ thờ phía trên là bức hoành phi có ghi “Hải bất dương ba” (*) có nghĩa là “Biển không nổi sóng…”.

Sau khi Trung Hoa đổ quân chiếm đóng Phú Lâm năm 1974, các nhà khảo cổ Trung Hoa đến Hoàng Sa đã phát hiện ra Hoàng Sa Tự. Trong tạp chí Lữ hành gia quyển 6 xuất bản năm 1975 tại Bắc Kinh đã có bài mô tả về Hoàng Sa Tự như đã nêu ở trên. Hoàng Sa Tự tồn tại ít nhất đến năm 1975 dường nay không còn nữa.

(Thời Chúa Nguyễn Phúc Nguyên, theo nhà sư Thích Đại Sán thì Hoàng Sa, Trường Sa xa mù tít chẳng thấy cỏ cây. Tới thời Gia Long qua ông tây Jean Baptiste Chaigneau thì quần đảo không có người ở. Nhưng Hoàng Sa gần đất liền hơn Trường Sa nên có thế vì vậy Minh Mạng đã cho mang cây cối từ đất liền trồng trên đảo Phú Lâm và những đảo khác nữa. Như đảo Sinh Tồn ngày nay dưới đây chẳng hạn)

Sau Đại Nam nhất thống chí toàn đồ và những sách địa dư, địa chí của nhà Nguyễn sau này, phần lớn dựa theo Phủ biên tạp lục của Lê Quí Ðôn mà viết, thảng như:

”…Xã Yên Vĩnh, thuộc huyện Bình Sơn, phủ Quảng Nghĩa. Về hướng đông bắc, ngoài biển có nhiều đảo cát vàng (tức đảo Hoàng Sa), chiều dài ước chừng hơn ba mươi dặm, bằng phẳng và rộng lớn, nước trong veo nhìn suốt đáy. Ở bên các hòn đảo, có vô số tổ yến, còn các thứ chim thì kể đến hàng nghìn con, hễ thấy người chúng vẫn đậu quanh người, không hề tránh né. Kề bên bến, có rất nhiều hải vật lạ lùng. Có thứ ốc nhiều rằn mang tên là ốc tai voi, lớn như chiếc nong. Vỏ ốc ấy, nếu người ta vót đẽo, có thể làm thành bia, cũng như dùng vỏ ốc làm thành vôi để sơn quét nhà cửa…”.

(Theo Phủ biên tạp lục, ốc tai voi ở đảo Ốc Tai Voi nằm phía nam Hoàng Sa, trong bụng có nhiều hạt châu to như ngón chân cái lớn . Ốc không đồng loại với trai sò sinh ra ngọc trắng mà là đen. Nên được gọi là huyền trân của người Chàmpa phương nam.

Theo như dân chài ra đảo tìm ngọc thì trong hàng trăm con ốc, may ra một con có ngọc tai voi to bằng quả trứng gà. Vua Lê, chúa Trịnh mỗi năm vào cuối mùa đông, đưa thuyền đến đảo gom nhặt súng đạn của tàu đắm trôi dạt vào. Chỗ bãi cát ấy cũng có đồi mồi, ốc tai voi. Năm 1780, vua Lê Chiêu Thống cống cho vua Thanh Cao Tông Càn Long hai viên trân châu ốc tai voi).

Trở lại với Sir John Crawfurd thất bại với Gia Long về Vạn Lý Trường Sa, sau tiếp xúc với Minh Mạng để thương lượng về Cù Lao Chàm làm trạm ngừng chân nhưng cuối cùng cũng không thành. Đến khi chiến tranh nha phiến, qua hiệp ước Nam Kinh, người Anh thuê được Hồng Kông thay vì Cù Lao Chàm.

Khi người Pháp đặt nền bảo hộ trên toàn cõi Đông Dương, vào thời Thành Thái, họ lãnh nhiệm vụ bảo vệ Hoàng Sa. Thời đó có hai chiếc tàu lâm nạn, chiếc tàu Bellona ở ven Bắc đảo vào năm 1895 và chiếc tàu kia có tên Nhật Iruezi Maru chở đồng cho người Anh bị đắm tại nhóm đảo An Vĩnh vào năm 1896. Cả hai chiếc tàu này đã bị đắm và xác tàu đành bỏ lại đó. Một bọn người Hải Nam đã tới cướp mất số đồng họ vớt lên được đem về Hải Nam rồi đánh tiếng muốn bán lại cho chủ nhân hai chiếc tàu bị nạn. Đại diện người Anh tại Bắc Kinh đòi nhà Thanh phải bồi thường vì có một số đồng được đem về bán tại đảo Hải Nam. Tuy nhiên, chính quyền nhà Thanh không chịu bồi thường, viện cớ quần đảo Hoàng Sa không thuộc chủ quyền của Trung Hoa. Họ đưa ra Đại Thanh đế quốc toàn đồ xuất bản năm 1805, tái bản lần thứ tư năm 1810 chỉ vẽ đế quốc Đại Thanh chỉ đến đảo Hải Nam.

Năm 1909, Tổng Đốc Quảng Đông cho hai chiến thuyền tới thăm thú trộm quần đảo Hoàng Sa. Hai chiến thuyền này đã tới quần đảo ngày mồng 6 tháng 6, đậu lại ở đó 2 ngày để vẽ bản đồ địa thế của quần đảo.

***

Năm 1884, Hòa ước Patenôtre 1884 buộc triều đình Huế chấp nhận quy chế bảo hộ.

Năm 1920, chính quyền Pháp với danh nghĩa là nhà nước bảo hộ Đông Dương, dựa vào biên bản phân giới mặt biển tính theo đường ranh giới Brevié cũ của hiệp ước Pháp-Hoa năm 1887. Chính quyền Pháp đã tuyên bố chủ quyền trên cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Năm 1929, phái đoàn Perrier Rouville tiến hành khảo sát Hoàng Sa.

Năm 1930, ba tàu Pháp, La Malicieuse, L’Alerte và L’Astrobale, tới chiếm quần đảo Trường Sa và cắm cờ Pháp trên quần đảo này và nhận Trường Sa là của Pháp.

Năm 1932, Pháp tuyên bố Việt Nam có chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa.

Vào thời này, có vài công ty Nhật xin phép chính quyền Pháp đến khai thác phốt-phát trên đảo Cam Tuyền (Roberts Island) và Lâm đảo (Ile Boisée). Vì có nhiều công ty ngoại quốc ở trên đảo, nhiều vấn đề hành chính đã được đặt ra, nên Pháp ra sắc lệnh ngày 15-6-1932 đặt quần đảo Paracels thuộc địa hạt hành chánh tỉnh Thừa Thiên.

Năm 1935, lần đầu tiên Trung Hoa Dân Quốc chính thức công bố một bản đồ thể hiện cả 4 quần đảo trên biển phía đông là của Trung Hoa. Công hàm của Công sứ Trung Hoa ở Paris gửi Bộ Ngoại giao Pháp năm 1932 còn viết rằng: “Các đảo Tây Sa là bộ phận lãnh thổ Trung Hoa xa nhất về phía Nam”. Tưởng Giới Thạch ký một sắc lệnh đặt tên Trung Hoa là Tây Sa và Nam Sa cho hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và đặt chúng thuộc lãnh thổ Trung Hoa.

Năm 1946, quân đội Pháp đưa quân kiểm soát Hoàng Sa.

Cùng năm 1946, quân đội Tưởng Giới Thạch đổ bộ lên đảo Phú Lâm thuộc Hoàng Sa và đảo Itu Aba thuộc Trường Sa. Năm 1950 họ rút quân về.

Ngày 14.10.1950, theo Công pháp quốc tế, chính quyền Pháp chuyển giao Hoàng Sa, Trường Sa cho chính phủ Quốc Gia Việt Nam, khoảng thời gian này Bảo Đại là quốc trưởng. Dụ số 10 ngày 30-3-1938 của Bảo Đại tái xác nhận sắc lệnh của Pháp ngày 15-6-1932.

clip_image026

Hoàng Sa

Trường Sa

Năm 1951, Mao Trạch Đông đặt vấn đề “bảo lưu chủ quyền” của Trung Hoa về hai quần đảo dưới đảo Hải Nam với chính phủ miền Bắc, đại diện là Hồ Chí Minh.

Vì tự biết yếu kém về phương diện pháp lý, Trung Hoa đã chuẩn bị rất kỹ lưỡng vụ này. Họ đã cho ấn hành những bản đồ mới cùng những sách địa lý mới dựa vào bản đồ năm 1909, Tổng Đốc Quảng Đông cho hai chiến thuyền tới để vẽ bản đồ địa thế của quần đảo Hoàng Sa. Trong đó có các địa danh đã được sửa đổi như Hoàng Sa, Trường Sa, Paracels, Spratleys thường thấy được ghi trong các bản đồ cùng các sách địa lý phổ thông đã bị đổi ra là Nansha, Hsisha, Chungsha, Tungsha, v.v…

Năm 1954, theo Hiệp định Genève, Hoàng Sa thuộc phía nam vĩ tuyến 17, đương nhiên thuộc về chính phủ miền Nam dưới quyền Ngô Đình Diệm.

Ngày 1.6.1956, Ngô Đình Diệm xác nhận lại chủ quyền của VN.

Ngày 22.8.1956, một đơn vị hải quân ra tiếp quản đảo Hoàng Sa, thì hai đảo lớn nhất đã bị “quân giải phóng Trung Quốc” chiếm mất. Trên thực tế, chính quyền VN vẫn liên tục điều hành 4 đảo chính: Pattle (Hoàng Sa), Robert (Cam Tuyền), Ducan (Quang Hòa Đông) và Drummond (Duy Mộng). Sau ngày 26 tháng 10, Ngô Đình Diệm ra lệnh Hải quân VNCH cắm cờ trên đảo Trường Sa và dựng bia chủ quyền.

***

Từ năm 1956, việc tranh chấp (****) hai đảo bị Trung Hoa chiếm đóng vẫn tiếp tục diễn ra giữa VNCH và Trung Hoa. Năm 1974, Hải quân VNCH phát hiện toán quân Trung Hoa trong hải phận đảo Ducan và Drummond. Ngày 19-1-1974 hải quân của chính phủ miền Nam khai hỏa vì Trung Hoa mang tầu chiến tới chiếm Hòang Sa.

clip_image028

(Hoàng Sa cách Cù lao Ré 315 km

và cách đảo Hải Nam 322 km)

Ngày 14-2-1988, Trung Hoa đưa 4 tàu chiến tới Trường Sa. Ngày 14-3-1988, họ khai hỏa với hải quân chính phủ miền Bắc. Sau đó đánh chiếm đảo Gác Ma và dần dần chiếm thêm một số những hòn đảo nhỏ khác.

clip_image030

(Trường Sa cách Cam Ranh 470 km

và cách Vũng Tàu khoảng 500 km)

Thạch trúc gia trang

Phi Ngọc Hùng

 

 

Chú thích :

(*) Với hồn Trương Ba, da hàng thịt, tên bài viết được vay mượn từ bức hoành phi trong ngôi miếu Hoàng Sa Tự được Minh Mạng lập trên đảo vào năm 1835. Cửa vào miếu có khắc hai bên hai câu đối: “Cô hồn miếu, cô hồn diễu diễu” và “Hoàng sa tự, bích huyết Hoàng sa”. Trong miếu, phía trên là bức hoành phi có ghi:

“Hải bất dương ba” có nghĩa là biển không nổi sóng.

(**) 1 hải lý = 1,852 km

(***) Theo Trịnh Hoà hàng hải đồ (1371-1435), nguyên danh Tự Bảo thuyền xưởng khai thuyền tòng Long Giang Quan xuất thuỷ trực để ngoại quốc chư phiên, thì:

Tháng 9 năm 2011, Thư viện Đại Học Oxford [Bodleian Library] công bố bản một địa đồ Trung Hoa với tiêu đề The Selden Map of China, phỏng định được thực hiện năm 1644 thuộc thời Minh, nội dung mang tính chất địa đồ hàng hải.

– Vạn Lý Thạch Đường là hòn đảo nằm ở phía đông đảo Ngoại La [tức đảo Lý Sơn], vượt qua Ngoại La là lục địa, hơi chếch về bắc là địa danh Quảng Nam, Thuận Hoá và hơi chếch về nam là địa danh Tân Châu [tức Quy Nhơn], Chiêm Thành.

– Vạn Lý Trường Sa, địa danh này được ghi kèm bốn chữ “Tự thuyền phàm dạng” [giống như hình cánh buồm], “Vạn Lý Trường Sa, tự thuyền phàm dạng” được viết thành hai hàng dọc liền nhau và đặt bên trong khung viền giống như mảnh vải bay lượn.

Về nguồn gốc, bản đồ nguyên thuộc sở hữu của luật sư người Anh John Selden (1584–1654), thể theo di nguyện của ông, gia đình đã tặng nó cho Thư viện Đại học Oxford vào năm 1659, từ đó được cất giữ đến nay. Các ghi chú và hình vẽ trên bản đồ cho thấy rằng có thể bản đồ này đã chịu ảnh hưởng rất nhiều từ các bản đồ Tây phương.

Về hoạ pháp, đường nét và cách tô màu trên bản đồ không mang phong cách/quy tắc vẽ địa đồ và phương pháp hội hoạ truyền thống Trung Hoa. Các điểm dễ nhận thấy là, trong cách biểu thị mặt biển, đường nét “thuỷ ba” (sóng nước) trên Hải đồ không đã định hình vốn là đặc trưng truyền thống, vật thể tự nhiên như cây, đá cùng vật thể kiến trúc đều vẽ không hợp cách. Đối với lời chú “giống như hình cánh buồm” đi kèm địa danh Vạn Lý Trường Sa cũng cho một bất ngờ, hầu hết các địa đồ cổ Trung Hoa, trước và sau đều không đính kèm lời chú giống như vậy cạnh nơi được tiêu danh Trường Sa hoặc Vạn Lý Trường Sa. (Nguồn: Phạm Hoàng Quân)

(****) Hoàng Sa và Trường Sa tại Hội nghị San Francisco
Theo Hiệp ước đình chỉ kí kết tại San Francisco, vào tháng 9 năm 1951, khoản 2, nước Nhật Bản phải rút lui khỏi các nơi mà họ đã dùng vũ lực để chiếm đóng trong thời đệ nhị chiến, lẽ tất nhiên là trong đó có hai quần đảo Paracels và Spratley.
Tại Hội nghị San Francisco, ngày 07/09/1951, Thủ Tướng Chính Phủ, Trưởng Phái đoàn Việt Nam, đã long trọng tuyên bố như sau: ‘Et comme il faut franchement profiter de toutes occasion pour étouffer les germes de discorde, nous afirmons nos droits sur les ýles Spratley et Paracels qui, de tout temps, ont fait partie du Viet Nam’.
Xin tạm dịch là: ‘Và vì chưng phải lợi dụng tất cả mọi cơ hội để chặn đứng những mầm xung đột, chúng tôi xác nhận chủ quyền của chúng tôi trên các quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, đã luôn luôn từ xưa thuộc lãnh thổ Việt Nam.’
Lời tuyên bố được Hội nghị San Francisco long trọng ghi vào biên bản và trong tất cả 51 phái đoàn phó hội, không có một phái đoàn nào phản đối gì cả. (Nguồn: Thái Văn Kiểm)

Tuy nhiên theo quy ước của Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) hiện nay không cho phép bất cứ một quốc gia nào đòi xác định chủ quyền chỉ dựa trên lịch sử của họ. (Nguồn: Mai Loan)

 

 

©T.Vấn 2016

Bài Mới Nhất
Search