T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngộ Không : Phi Lạc đi…Tây

clip_image001

Nhè chuyện ăn uống với củi lửa, lão chạm phải…“ngòi nổ” kho đạn Gò Vấp.

Ngồi trước mặt lão có một anh già vung vít chuyện vượt biển lạc vào đảo Hoàng Sa, anh già tranh luận chủ quyền biển đông với tướng Võ Nguyên Giáp có mặt tại đây. Tướng Giáp chịu “thua” phải để anh già vượt biển tiếp và trả lại ba thẻ vàng đóng dấu nổi hiệu Kim Thành.

Nói cho ngay, chuyện bịa cứ như thật của anh già trong quán nhậu trên nhiều như tủ lạnh chạy đầy đường. Thế nhưng ngẫm chuyện nhân sinh với đất sinh cỏ già sinh tật, cái tật một tấc tận giời của mấy anh già với càng già càng nói dài, nói dai, nói dại. Bởi chó dại từng mùa, người dại quanh năm nên nhãn kiến vi thật tức nhìn thấy mới cho là thật, thật tình lão đang hong hanh đi tìm một hậu thân của Cống Quỳnh ”nói như trạng”. Hay một chuyện nào đó “cứ như đùa” để lão đưa vào làng văn xóm chữ. Nào ai biết ma ăn cỗ, lớ quớ lão dám lạc đường vào văn học sử cũng không chừng. Nếu vậy lão phải về thăm quê nhà một chuyến. Chuyện dễ hiểu thôi vì nước Việt ta có tới gần một trăm triệu dân, là đất địa linh nhận kiệt với tiền rừng bạc biển. Thêm nữa, lúc này người Việt ở trong nước rất tự hào, hãnh diện vì được cả thế giới biết đến qua chuyện Phi hành gia đầu tiên trên thế giới bay lên mặt trăng và hiện còn ở đó là…chú Cuội. Chuyện này cụ Nguyễn Khuyến đã có câu thơ: Đầu đường ngang có một chỗ lội, có miếu ông Cuội cao vòi vọi – Cho nên làng ấy sinh ra người, sinh ra rặt những thằng nói dối.

Ha! Quá đã! Thế là lão leo lên lưng cá chép bay về Sài Gòn đúng ngày ông Táo về trời.

Về Sài Gòn, nhớ đến miếu ông Cuội cao vòi vọi, lão ghé miếu cụ Lê Văn Duyệt có hai con voi chầu hai bên mộ chí. Lão “liên hệ” được ông thầy bói mù sờ voi xoi xói chỉ qua bên kia Cầu Bông. Bèn qua cầu trong một ngày sáng nắng chiều mưa, lão láo ngáo đi tìm hâu thân cụ Cống Quỳnh là nhà bác vật thâm niên cổ đại đang co cỏm đâu đây. Cuối cùng lão cũng mò mẫm ra “thảo lư” và bấm chuông. Con thằn lằn chọn nghiệp thò đầu ra tặc lưỡi một cái tách cho hay nhà bác vật đang ngồi ở quán Hiển Khánh cạnh rạp Đa Kao. Bèn ra quán chè ới “cái nồi ngồi trên cái cốc”. Ngó dáo dác chả thấy ai có dáng thông kim bác cổ sất! Lão nhấp một ngụm và nhăn mặt vì cà phê đăng ngắt, hốt nhiên có ông khách chõ mồm qua hóng hớt đó là “cà phê đểu”. Khách kéo ghế sang ngồi nói ấy là…cà phê giả. Tiếp đến, khách tự xưng danh tính là “Phi Lạc”, con nuôi nhà bác vật. Thế là lão đan lồng nhốt kiến với khách rằng đang đi tìm một kỳ nhân nói phét thành thần thuộc dạng nhất Bắc kỳ nhì Đông Dương. Hay kỳ tích của ai đấy mà ít người biết đến. Khách lực đực rằng kỳ nhân này đang nằm ấp ở Hàm Tân. Còn kỳ tích như…” huyền sử, huyền thoại” là đang tào lao thiên tôn với Lê Đưc Thọ để đưa Phạm Hùng hay Võ Văn Kiệt làm Quang Trung chống Tàu. Kỳ nhân dị sĩ này đây sẽ là Ngô Thời Nhiệm giúp ông Kiệt hoặc ông Hùng trong cơ nghiệp tạo cơ đồ chống Hà Nội xâm lược miền Nam.

Bỗng dưng không đâu khách lậu bậu “khôn ngoan quỷ quyệt chết lao chết tù, lủ khủ lù khù chết già chết rỗi”. Hơ! Hay là khách nói lão!? Thế nên lão trộm vía khách chứ…chứ khách “mặt tái mét nói phét thành thần” là cái chắc. Thế nhưng “nổ” bậy theo các cụ nho ta xưa phải có căn với nhị sự bất tri: Một là phải bản lai diện mục người nghe là ai. Lớ ngớ đụng phải kho đạn Gò Vấp khác văng miểng tứ tung, từ chết đến bị thương là cái cẳng. Ấy là xử bất tri kỳ nhân. Hai là nói những gì mình biết chứ đừng nói những “cóc nhái” mình cóc biết gì ráo! Lạng quạng có ngày không có đất mà chôn với bất kiến quan tài bất hạ lệ là chưa thấy quan tài chưa đổ lệ. Đó là tri chi vi tri chi, bất tri vi bất tri. Chả là lão ăn đong ăn vay tác giả Huỳnh Văn Phú nên mới lân la với “ngòi nổ” và…“nổ”. Ông nhà văn luận rằng phe ta nổ vì đẻ ở gần kho đạn Long Bình, kho đạn Cát Lái. Hay vì bẩm sinh, tạm hiểu là mới…phọt ra là đã nổ như lựu đạn rồi. Khỉ thế đấy!

Bởi những lý sự trên, lão trộm chia nổ bậy làm hai thể loại: Một là hay bốc cái tôi của mình. Hai là khoa trương kiến thức. Lụi đụi theo Freud thì những người hay bốc phét đều có tật hay quên. Vì vậy họ hay kể lại chuyện cũ, với những chi tiết hỡi ơi khác nhau nghe muốn khùng luôn. Họ bốc vì tự ty. Họ bốc cái tôi của mình như gà ấp bóng, vì dưới bụng gà có quả trứng quái nào đâu. Họ nấp bóng nên chỉ thích quảng giao với người có danh vị như nhà thơ, nhà văn, chứ họ không khoái….nhà quàn, nhà xác. Thể loại hai: Họ bốc vì tự tôn. Họ tự cho mình là người biết hết, và thông thái như Aristote, hay Rabelais. Họ khoa trương kiến thức như ba ba ấp bóng vì ba ba đẻ trứng vùi xuống cát có biết cái trứng nở ra…con khỉ gì. Họ thường nói chuyện cao siêu, siêu thực từ Chúa, Phật đến Socrates, Nietzsche. Họ như con bò nhai lại mớ kiến thức tủn mủn, họ say sưa nói nhưng…Lạy Chúa tôi! Họ chả biết mình nói khỉ mốc gì cả.

Lão đang phê như con tê tê đến đây, bỗng người Phi Lạc ngoả nguê rằng chuyện huyền thoại, huyền sử như “quân sư” Ngô Thời Nhiệm với Quang Trung phải ra Hà Nội gặp sử gia, sử nhân. Ngốc như con ốc cách mấy, lão vắn hai dài một rằng người “ăn ốc nói…mò, ăn măng nói …mọc, ăn cò nói…bay” đông như tổ đỉa, nhưng bởi có voi voi to, không voi bò là lớn nên lão cũng đành theo…voi ăn bã mía. Trong phiếu hốt người ư hử: Dù hôm nay tôi chưa nhìn Sài Gòn, dù hôm nay tôi chưa thấy Hà Nội, nhưng sao lòng tôi chưa mất niềm tinVì niềm tin với nỗi niềm nào đấy của ông họ Trịnh, người móc cái iPhone 7X gọi “xe con” đi Hà Nội. Bởi muốn tinh vi sờ ti con lợn, lão hỏi mắc chứng gì phải có mặt ở Thăng Long nghìn năm văn vật? Người như thánh nhai ra chữ mà rằng với sử gia, sử nhân viết huyền thoại, huyền sử để dựng sử nào khác gì lão viết…văn bia đá, chữ bia ôm để thành chuyện “phét lác” như thằng mõ làng.

Ha! Qua bia đá, bia ôm với của đi tìm người, ngẫu nhiên lão gặp người mà nhà bác vật viết trong tiểu thuyết theo tuồng lịch sử: Phi Lạc náo Sài Gòn, Phi Lạc bởn Nga, Phi Lạc đại náo Hoa Kỳ, Phi Lạc sang Tàu. Lại cũng dựa dẫm hơi hám ông họ Trịnh như cánh vạc bay với…”bia đá, bia ôm, bia nào cũng vậy…,làm sao em biết bia đá không say?”. Và cũng dựa hơi thằng Phi Lạc cùng những ngẫu sự dưới đây biết đâu lão viết thành truyện… Phi Lạc đi Tây.

Truyện với “Phi Lạc sang Tàu” thì Phi Lạc là một thứ Ngộ Không qua những nét đặc thù là khoác lác, ranh vặt. Nó là thằng mõ làng Phù Ninh nhưng giả danh dòng dõi họ Hồ, bà con với Hồ Thơm Nguyễn Huệ. Sự phét lác, ma bùn của nó đến tai thằng mõ làng Cổ Nhuế, một thằng ma tịt, ma gà khác. Vì muốn trả thù thằng mõ Phù Ninh, thằng mõ Cổ Nhuế bán làng Phù Ninh của nó cho ông sư Tàu Hồng Hạc, sư được sứ mệnh xuôi Nam, tìm đến “thảo lư” rước quân sư Khổng Minh về làm thánh sư, với nhiệm vụ phò Minh đuổi Thanh phục quốc. Cốt truyện là một thứ tiểu thuyết lối Tàu, mà chống Tàu. Trong đó tất cả những địa danh, tên người như Phù Ninh, Cổ Nhuế, Hồ Thơm, Hồ Thích, Phi Phúc, Phi Lạc, Hồng Hạc, và ngay như Ngộ Không đều có…thật với chính-tà, thật-giả, tiêu biểu cho thánh hiền hoặc giả hiền.

Lão so đo trong Phi Lạc sang Tàu, nhà bác vật gọi thằng Phi Lạc là “nó”, là “thằng”. Dám nó…gõ mõ cho xe mì gõ ở đường Đinh Tiên Hoàng lắm ạ. Mà thằng mõ làng Phù Ninh có mặt ở Đa Kao từ năm 1939, lão tuổi Thân, cũng là Ngộ Không. Ấy là chưa kể lão và thằng Phi Lạc cùng họ…”Phi”. Lão chắc mẩm dám đã gặp nó đâu đó ở Lăng Ông Bà Chiểu nên là bạn vong niên, là quên tuổi tác nên lão gọi là…“nó” cho rồi,…Rồi ở tinh gặp ma, ở quỷ gặp quái, lão gọi nó là…“thằng” cho dễ gọi. Thằng quái này được sư Hồng Hạc tôn như một sư phụ chuyên trị “cái biết” mà chẳng cần dựa vào “sách nào, trang mấy, tờ a, tờ b, dòng mấy, đoạn nào”. Tất cả những vòng vo rất tam quốc ấy, nói lên Phi Lạc sang Tàu là một tác phẩm chống lại tất cả khuôn mẫu bào chế tư tưởng: Thằng mõ làm đảo lộn trật tự tiên chỉ, làng xã, nó được thỉnh sang Tàu, sang Mỹ, sang Nga, như một “cố vấn”, một vị “phu tử” bằng vào sự…nói láo. Sự nói láo của thằng Phi Lạc, cũng như sự nói láo của…cụ Hành Giả, cụ đây cũng là…phu tử của lão qua những bài viết chữ như Gã thiền giả: Thật đấy giả đấy…Giả đấy nhưng cũng thật đấy.

Đối với nhà bác vật thâm niên cổ đại, sự thần phục người Tàu trên hơn hai ngàn năm, phát xuất trên núi từ Khổng Tử, Mạnh Tử, rồi hạ san xuống đến Mao, hậu Mao… như một sự xuống dốc không “thắng”. Theo sự leo thang xuống dốc, thằng Phi Lạc như con rối, huơ tay, huơ chân, đánh trống, khua chuông, hú hồn Trạng Trình Nguyễn Bình Khiêm về nhập thế, nhập vào thằng Phi Lạc, nói ra những…”minh triết” Việt. Hình thức truyện Tây du, có chia hồi như Hoàng Lê nhất thống chí, Tam Quốc chí. Cuộc Tàu du của thằng Phi Lạc giống cuộc Tây du của Ngộ Không và Hồng Hạc là hiện thân của Đường Tam Tạng. Hồng Hạc vào trong một cái liêu để nhập thiền. Đang phiêu phiêu thấy một đứa trẻ ngâm mấy câu thơ, sư giật mình tỉnh dậy, té ra là nó đọc Sấm Trạng Trình…Sư bèn theo hướng sấm dẫn dắt tới một nơi khói hương nghi ngút. Hỏi ra là đền thờ Tả quân Lê Văn Duyệt. Tả quân thương tình giới thiệu sư Hồng Hạc với nhà khảo cứu nổi tiếng nhất nước Nam là Ứng Hòe Nguyễn Văn Tố, chính nhờ sự bác học của cụ Tố mà sư Hồng Hạc tìm được thằng Phi Lạc đưa về Tàu làm cố vấn.

***

Xe con đến Hà Nội, thằng mõ nói với “lái xe” tới quán thịt chó khu Nhật Tân.

Vừa bươc vào bắt gặp bà chủ quán đon đả: “Xin mời quan bác Liệu, quan bác Lê ngồi chiếu trên cho mát mẻ”. Tịch bất toạ rồi, gắp một miếng chả chìa, nhấp một ngụm nếp than, thằng mõ chỉ “quan bác Liệu” và rôm rả là sử thần Trần Huy Liệu, “quan bác Lê” là sử gia Phan Huy Lê. Đột biến quan bác Liệu nhoài người qua mâm thịt chó thì thào với quan bác Lê: “Ông đọc sử ông cũng biết vì chính trị, môn sử được biên soạn theo định hướng tuyên huấn ca tụng “bác” và chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong chiên tranh. Năm 1942, Mao Trạch Đông phủ nhận tính người, đề cao thực dụng của sử học”. Bác phụ họa theo: “Cần phải chiến thắng bằng mọi giá kể cả đốt cháy giải Trường Sơn, nếu cần”. Năm 1946, chưa kịp đốt cháy Trường Sơn, tôi “quân sư” cho bác “đốt cháy” Lê Văn Tám. Tôi bịa chuyện em bé bán đậu phộng rang Lê Văn Tám lao vào kho xăng Pháp ở Thị Nghè. Mà này ông, nếu tôi đang sống đột nhiên chuyển qua từ trần theo bác, trăm sự nhờ ông cải tạo, cải chính dùm không thì bỏ bố.

Lão căng tai ra nghe, vào lỗ tai ra lỗ miệng với nó chuyện…quân sư của ông sử thần họ Trần gì mà cứ như thật vậy. Nó gật gưỡng nói chữ là nghĩa với “quân sư” là “cố vấn”. Nó gật gừ nói “lái xe”…lái lên Điện Biên Phủ để gặp…thằng mõ làng Cổ Nhuế. Hơ! Cái thằng nói dơi nói chuột nghe lạ quá thể, lão vặn óc nghĩ không ra.

***

Hoá ra ngồi trong hang Dơi nhìn xuống chiến trường xưa, nó tha ma mộ địa…

Năm 50-54, qua hồi ký của La Quý Ba (Trưởng đoàn cố vấn quân sự): Sau thất bại của quân Pháp ở Tây Bắc, Raoul Salan kế nhiệm Jean de Lattre de Tassigny bị cách chức, thay thế là tướng Henri Navarre tăng cường quân nhảy dù xuống Điện Biên Phủ. Bố trí tác chiến của Vi Quốc Thanh (Đoàn trưởng đoàn cố vấn) đưa toàn bộ hỏa lực pháo binh tấn công địch ở phía đông và vùng tây bắc sân bay, khống chế điểm cao, cắt đường không vận của địch. Vi Quốc Thanh ngày đêm theo dõi chiến cuộc, tin tức từ tiền tuyến về hỗn loạn, lúc nói hạ được một cứ điểm, sau vài giờ lại nói chưa hạ được. Tình hình tấn công cứ điểm A1 cũng thế, lúc nói gặp đường hầm hào của địch đang đánh bộc phá, lúc thì không thể nào đánh bộc phá được. Sau đó Võ Nguyên Giáp bị chú trọng phê bình nghiêm khắc các biểu hiện của tư tưởng tiêu cực hữu khuynh của cán bộ, đặc biệt là cán bộ có hành vi vô kỷ luật không chấp hành mệnh lệnh kiếm cớ rời bỏ nhiệm vụ, báo cáo láo tình hình v.v…Vi Quốc Thanh rất bực tức, điện gấp về Quân uỷ Trung ương Trung Quốc, báo cáo tình hình này, Quân uỷ Trung Quốc cấp tốc điều một tiểu đoàn từng tác chiến ở Triều Tiên có kinh nghiệm đánh đường hào, đi nhanh ra tiền tuyến Điện Biên Phủ. Họ giúp bộ đội Việt Nam đào hầm ngầm thông đến đường hào cứ điểm A1.

Lúc này Võ Nguyên Giáp sốt ruột chưa đánh hạ được A1, liền ra lệnh tấn công C1. Võ Nguyên Giáp không bàn với Vi Quốc Thanh mà tự ý quyết định điều trung đoàn 102 của đại đoàn 308 tấn công đồi C1, kết quả bị hoả pháo địch sát thương nặng, thương vong trên 700 người. Chỉ huy “quả đoán” của Võ Nguyên Giáp không ngờ bị vấp váp. Vi Quốc Thanh vặn hỏi, Võ Nguyên Giáp báo cáo tình hình chiến đấu vừa qua không nói khuyết điểm chỉ nói chỉ huy các cấp giỏi như thế nào. Nội dung trống rỗng, trình bày quá trình chiến đấu cũng rất sơ sài. Sự thật bộ tham mưu chiến dịch nghe lời Vi Quốc Thanh đã lên kế hoạch “đánh nhanh, thắng nhanh”, kéo pháo “vào” để bắn thẳng xuống tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ và dùng chiến thuật “biển người” là cách đánh cố hữu của quân đội Trung Quốc ở Triều Tiên. Quyết định thay đổi kế hoạch, Võ Nguyên Giáp đã lấy trách nhiệm của “tướng ngoài mặt trận” chuyển sang “đánh chắc, thắng chắc” và kéo pháo “ra” là quyết định cá nhân ngày 25.1.1954, là “đổi trắng thay đen” của Võ Nguyên Giáp. Các nhà sử học Trung Quốc thừa nhận lúc đó, việc liên lạc giữa Bộ chỉ huy ở Điện Biên Phủ với Bộ chính trị không dùng vô tuyến điện, mà dùng ngựa, đi về phải nhiều ngày. Đến ngày 27.1.1954, Vi Quốc Thanh mới nhận được tin tức từ Bộ chính trị, tức là 2 ngày sau khi Võ Nguyên Giáp ra lệnh đổi kế hoạch. Trước đó, đang lúc tiền phương tiến hành chuẩn bị tác chiến khẩn trương, ngày 23/11/1953 Tổng tham mưu trưởng QĐNDVN Văn Tiến Dũng cử Cục trưởng Tác chiến Hà Văn Lâu gặp cố vấn Trung Quốc bàn vấn đề…

Nghe thủng đến đây lão bèn hỏi mắc chứng gì hai thằng leo núi như kéo pháo làm khỉ gì vậy. Thằng mõ Phù Ninh nhành mồm ra cười khì một cái vì Văn Tiến Dũng là…thằng mõ làng Cổ Nhuế. Sau đó thằng mõ Phù Ninh mồm miệng như tép nhảy như vày:

“…Cứ theo bố đẻ tôi thì xưa kia làng nào cũng có truyền thống làng đó. Có làng chuyên đan mẹt, có làng chuyên đan thúng, có làng lắm ông nghè, ông cống. Làng Phù Ninh bố tôi là làng văn học, có trường, có thầy, có học trò. Cạnh làng bố tôi là làng Cổ Nhuế làm nghê đổ thùng không có trường nên cả làng mù chữ. Thưở thiếu thời bố tôi có ông bạn làng Cổ Nhuế đưa con sang học nhờ. Cách mạng mùa thu đến, ngờ đâu bố tôi tốt phước, có được thằng con bạn chữ nghĩa lem nhem, bỏ gánh phân làm nghề thợ may, trời ngó lại thế nào làm tới Đại tướng chiến thằng mùa xuân. Bố tôi cảm phục quá lắm nên nhè gọi thằng con bạn là thằng mõ làng Cổ Nhuế, chẳng là bố tôi nhằm vào cái lúc có cút rượu với bạn và vui tính ấy mà…”

Tiếp đến thằng mõ đơn giản như đan rổ: Sau khi ông Giáp bị đày ra đảo Tuần Châu trồng dưa Tây chứ không phải ra…đảo Hoàng Sa ngắm mây bay gió thổi. Sau đấy ông viết hết hồi ký Đường tới Điện Biên Phủ, đến Điện Biên Phủ điểm hẹn của lịch sử để “phản hồi” hồi ký của La Quý Ba. Hiện nay ông đang học piano soạn giao hưởng Điện Biên Phủ qua âm hưởng trống trận thùng thùng và ì ùng của những cỗ xe đại pháo của chiến trường Waterloo với Napoleon Bonaparte. Nói có đầu có đũa xong, nó hỏi vậy chứ…một ông thợ may làng Cổ Nhuế họ Văn đi vào binh nghiệp, so với ông giáo sư dậy sử họ Võ mà Trần Huy Liệu ca tụng là một “thiên tài nghi binh” đã lừa được Navarre lên Điện Biên Phủ để có tên trong quân sử. Và nó sổ nho vậy chứ với “cấm giả lịnh giả thị”, là ai cấm người mang bị nói khoác thì ai là kỳ tướng dị nhân đây.

Đang ngọng trông thấy bỗng không nó rủ qua Tàu. Bèn hỏi trong Phi Lạc sang Tàu, thằng mõ Phù Ninh là nó chống Tàu lắm mà. Nó ủng oẳng là quên không kể chuyện này:

Trong buổi tống tiễn đoàn cố vấn quân sự và viện trợ Trung Quốc sang Việt Nam. Mao Chủ tịch nói với La Quý Ba: “Muốn làm tốt đoàn kết, chúng ta phải khiêm tốn. Bởi vì tổ tiên của chúng ta xưa kia một thời gian dài Việt Nam là thuộc địa của Trung Quốc từ triều Hán! Thời kỳ Đông Hán chẳng phải có Mã Viện “da ngựa bọc thân” đó sao! Là một viên đại tướng của Đông Hán, chính ông đã chính phục Việt Nam “Mã Viện chinh Giao Chỉ” chính là chuyện này, Mã Viện được phong là Phục Ba tướng quân trong lịch sử gọi ông là Mã Phục Ba. Bộ đội của ông đại bộ phận không trở về, ở lại đó và kết hôn với phụ nữ ở đó, lập gia đình xây sự nghiệp ở đó. Bộ đội các vương triều Minh, Thanh về sau của chúng ta cũng phần nhiều làm như thế đó”.

Lão nghe rát cả mặt, bèn bấn búi rằng Mã Viện trong cuộc viễn chinh nào có khác gì 300 cố vấn Tàu và tiểu đoàn tác chiến ở Triều Tiên có kinh nghiệm đánh đường hào. “Vương triều về sau” còn mang sang thêm một tiểu đoàn phòng không nữa. Theo lão họ dám “không trở về, …ở lại đó và kết hôn với phụ nữ…ở đó” lắm ạ! Nào ai biết…đó là đâu? Nó vung tít mẹt rằng:

Hồ Chí Minh và Vi Quốc Thanh đi ngựa, nhìn thấy một đám bò đầu to lông vàng tươi, Vi Quốc Thanh phấn khởi: “Những con bò này thật đẹp, vừa cao vừa to, hình dáng màu sắc đều rất đẹp, là loại giống tốt”. Hồ Chí Minh nói: “Đúng vậy, nhưng rất đáng tiếc, chẳng bao lâu sẽ bị Đoàn cố vấn ăn sạch”. Vi Quốc Thanh rất ngạc nhiên. Hồ Chí Minh nói: “Các đồng chí Đoàn cố vấn yêu cầu ăn cơm rất cao, bây giờ Đoàn cố vấn hơn 300 người (không kể người đi theo cố vấn để bảo vệ, đầu bếp), mỗi tuần đoàn ăn hết một con bò, mỗi người một con gà. Mãi như thế chúng tôi chịu không nổi!”. Khi Đoàn cố vấn ở Tả Mây, Hồ Chí Minh đến để tìm hiểu tình hình. Lúc này chúng tôi được ăn bít tết. Người ta nói đây là món ăn nổi tiếng của Pháp, làm bằng thịt bò tơ. Tuần sau Hồ Chí Minh trở lại và hoá trang thành thương binh, trên đầu băng bó có thể che bộ râu. Tôi càm giác thấy được Hồ Chí Minh đã rõ việc “một con bò, một con gà”.

***

Thằng mõ vạy vọ qua Tàu là để thăm…miếu Mã Viện. Nghe hãi quá thể nhưng ăn chơi sợ gì mưa rơi với “một con bò, một con gà” nên lão…gà gưỡng chui tọt vào “xe con”.

Tới Quỷ Môn quan, ải quan không cho qua vì không có hộ chiếu. Với ăn mặn nói ngay hơn ăn chay nói dối, nó ăn dối nói thật năm 1939 nó là “cố vấn” cho Tàu. Truyện kỳ sử này trong Tứ khố toàn thư ở Bắc Kinh còn lưu giữ. Thế nhưng ải quan không tin, thả xuống chân ải một câu đối: “Quá quan trì, quan quan bế, nguyện quá khách quá quan”, nghĩa là qua cửa quan chậm, cửa quan đóng, mới khách qua đường qua cửa quan. Thằng mõ xem xong ngửa cổ lên đối ngay cái bốp: “Xuất đối dị, đối đối nan, thỉnh ải quan tiên đối”. nghĩa là ra câu đối dễ, đối câu đối khó, xin ải quan đối trước. Thế là ải quan cho qua thay vì phải chui lỗ chó, ải quan thả thang xuống, lão và thằng mõ hì hục leo thang và…nhập quan. Nhìn xuống rành rành như canh nấu hẹ thủ cấp Mã Viện cắm trên cọc tre để răn đe. Vì ngạn ngữ nói: “Quỉ Môn quan, thập nhân khứ, nhất nhân hoàn”, nghĩa là tại Quỉ Môn quan, mười người (Trung quốc) ra đi (vào nước Nam), chỉ có một người trở về. Trên đường đi, mặt lão vừa chù hụ…miệng lão vừa mê muội với thằng mõ Phù Ninh về dăm bài báo viết những làng Việt trên đất Tàu, để lão lạc vào mê hồn trận với sử gia, nhà biên khảo cùng địa danh bắc giáp địa dư, tây giáp địa chí thế này đây…

Chuyện là đầu năm 2006, qua bài viết của một sử gia Tàu, chuyên ngành lịch sử dân tộc của đại học Vân Nam có bài tham luận tựa đề Trung Quốc Nam phương dân tộc sử mà sách báo trong nước đặt tựa: Dân tộc Kinh ở Quảng Tây. Theo ông: Từ đời Minh, nhóm người đánh cá từ vùng Đồ Sơn vì bão tố nên lạc vào Tam đảo lập lên 3 làng Vu Đầu, Vạn Vĩ và Sơn Tâm. Nhóm này là tộc Kinh Việt, gốc Giao Chỉ, hậu duệ của người Miêu, người Dao cổ đại. Nguyên là chi của Bách Việt, từ thời đồ đá mới đã định cư ở vùng tam giác châu thổ sông Hồng. Sách Trung Nam bán đảo dân tộc cho biết vào khỏang những năm triều Thanh, người Kinh ở làng xã ấy lập hương ước cho đúng phép tắc làng nước. Họ minh xác rằng tổ tiên họ đến từ đời Hậu Lê cách đây 400 năm. Tổ tiên họ nguyên cư trú ở vùng Cát Bà, lạc tới đây thấy đảo vắng vẻ không người ở, họ định cư hẳn không về nữa. Trước 1958, họ được gọi là “Đông Hưng các tộc tự trị huyện”, theo thống kê 1982 có 11.900 người sống bằng nghề chài lưới.

Cũng năm 2006. một nhóm sử gia, biên khảo trong nước đi thực tế, điền dã tới tận nơi để thông tin đại chúng có nhiều…chất liệu hơn: Chúng tôi không tìm thấy còn ai nói tiếng Việt nữa, một cụ già kể lại rằng đời cha các cụ chỉ nói được ít câu chữ Nôm, người Trung Quốc gọi là “Tự Nam”. Làng có chùa và đình miếu, chùa có chuông đồng đúc năm 1787. Đình thờ đức thánh Trần. Miếu thờ thần hòang, thổ địa. Lại có cả đền thờ Mã Viện nữa. Tổng thể họ vẫn giữ tập tục Tết nhất, lễ tảo mộ, cúng cô hồn và truyền thống văn hóa dân tộc biểu hiện qua ăn cơm với đặc sản nước mắm. Phụ nữ khóai ăn trầu cau và đặc sắc văn hóa là lời ca tiếng hát đối đáp trữ tình mà người Trung Quốc gọi là “Hát muội” với cái đàn bầu độc đáo “Độc hữu Kinh tộc”.

Ngày qua ngày, lão và thằng mõ làng Phù Ninh tới đất Đông Hưng có tam đảo, “xe con” phải qua phà qua đảo Vu Đầu là đảo đầu tiên. Tới Ưu Bà Miếu trong có thờ Mã Viện. Tình cờ cùng lúc đoàn văn công, văn hoá từ Hà Nội sang làm lễ tạ tội với ông tướng này.

clip_image003

Nguyên văn tiêu đề báo chí đăng ở trong nước:

Lễ Gọi hồn Mã Viện chứng giám Hai Bà Trưng

và Thi Sách sang chuộc tội ở Quảng Tây.

Buổi lên đồng của đoàn văn công Việt Nam

biểu diễn tại Quảng Tây, Trung quốc.

Đoàn văn công với Hai Bà và chồng Thí Sách già như quả cà, họ sành điệu củ kiệu múa may khấn vái như lên đồng, hát như mèo cái gọi đực ấy. Bởi chả thấy sư trụ trì đâu? Bèn hỏi. Thằng mõ làm bàm rằng chùa miếu ở đấy không có hòa thượng hay ni cô trụ trì, chỉ có “Tự đầu” mà ta gọi ông Từ. Hốt nhiên thấy Hai Bà bưng một thúng hạt gì tròn tròn cúng tế Mã Viện và lạy như tế sao. Mắt tròn dấu hỏi. Thằng mõ mà rằng: “Sau khi thắng trận Mã Viện mang vê những “hạt tròn tròn” trên, vì bị phong thổ độc địa với sơn lam chướng khí nhưng nhờ ăn…”hạt bo bo” nên sắc diện hồng hào. Mã Viện mang bo bo về về nước quý như ngọc nên gọi là “Giao châu”. Quần thần ghen ghét sự nghiệp của Mã Viện nên dèm pha không dâng ngọc quý lên vua. Mã Viện bị kết tội khi quân và bị chém đầu, vợ không dám ra pháp trường chứng kiến”.

Lão ớ ra vì giống các nhà biên khảo trong nước đi thực tế, điền dã, và thằng mõ bịa như thật,…vì thật ra không có miếu Mã Viện mà chỉ có Ưu Bà Miếu. Chưa kịp rè ràng miếu bà cô hồn này là ai? Nó nói không có thì giờ qua đảo Vạn Vĩ và Sơn Tâm. Vì với “Trung Quốc Nam phương dân tộc sử”, muốn đi tìm nguồn cội tộc Việt phải lên Lạc Dương gặp Tư Mã Thiên.

***

Leo lên tửu lầu gặp ngay ông sử Tàu Tư Mã Thiên vừa ngồm ngoàm gặm đùi vịt Bắc Kinh vừa nói. Mà làm như có cô hồn hay ma xó ấy, không để cho hỏi và nói ngay chóc rằng trong Sử Ký không chép về vua Phục Hy, Thần Nông thời kỳ Hồng Bàng của chủng tộc ông vì ông cho là huyền thoại. Với Thần Nông, ông linh mục, triết nhân Việt bắt quàng làm họ là người Việt mình. Thấy ai đánh rắm to ở đâu là tìm đến, các nhà làm văn học của miền Bắc dựa hơi “minh triết Việt” của ông triết nhân nên phăm phở: Tờ Nhân Dân cuối tuần đăng một bài về Phục Hy, cụ tổ Trung Quốc chính là người làng Cần Kiệm, huyện Thạch Thất, tỉnh Sơn Tây. Dưới chân núi chùa Tây Phương còn có miếu của Tổ. Nơi “bác Hồ” rút khỏi Hà Nội về Chùa Thày, mỗi lần bác tập xe đạp đều ghé miếu lạy Tổ với hẹ và cơm trắng. Đúng là linh địa, miếu địa.

Làm một ngụm mai quế lộ, ông sử gia Tư Mã Thiên dậy: Sử gia Việt chỉ vay mượn, chắp vá từ thư tịch Tàu, thư viện Tây như họ dựa vào sử gia Tàu Vương Văn Quang với “Trung Quốc Nam phương dân tộc sử”: Nhóm này là tộc Kinh Việt, gốc Bách Việt. Dựa vào tích này, sử gia trong nước thêm thắt: Phụ nữ “khóai” ăn trầu cau. Nhưng họ không biết rằng sử gia Phạm Văn Sơn của miền Nam trong Việt Sử Tòan Thư đã viết: Lấy gì để căn cứ nói rằng chúng ta là một trong nhóm Bách Việt và dẫn chứng bằng hình dáng, tính tình, phong tục và văn hóa để ấn định nguồn gốc và dòng giống ẩy. Rồi ông Thiên họ Tư phẩy tay ‘”Tìm hiểu nguồn gốc tộc Việt làm gì nữa. Thôi hai tiên sư…Hẩu a! Xin lỗi bản mỗ nói lộn…hai tiên sinh về đi, hỏi vớ vẩn”.

Nghe vậy, nó xá một cái mà rằng: “Trí tri cửu hỉ”. Nghe tiếng Tàu như đấm vào tai hết “hẩu a” đến “hỉ” như…hỈ, nộ, áI, ố. Bèn hỏi. Nó cho hay nó trả lời ông phán quan họ Tư là: “Biết lâu rồi ạ!”. Ra khỏi cửa, thằng mõ bốc cái iPhone gọi ai đó? Nom dom quanh quất cửa đại lầu tửu quán không có cái đầu lâu Mã Viện. Lão thở ra như bò thở tính đợi nói chuyện rồi, lão sẽ tỉ tê với nó khi ở Quỉ Môn quan, mặt lão chù hụ…vì với “thập nhân khứ, nhất nhân hoàn” thì có về lại Sài Gòn được không đây? Lỡ như Kinh Kha sang Tần một đi không trở lại thì bỏ bu.

***

Xong điện thoại, nó nhấm nhẳng là phải đi Tây ngay để gặp Đại sứ Pháp Mérilion.

Lão rối rắm trông thấy vì lão không biết “pạc-lê-phăng-xe”, nhưng cũng phải chui đầu vào…xe. Đầu óc lão ngất ngây con gà Tây với mấy ông cố vấn Tàu được ăn bít tết làm bằng thịt bò tơ. Trong cái tâm thái chẳng ăn cũng thiệt, chẳng chơi cũng già, lão muốn thử cục “bít tết” mà Tây gọi là “sa-tô-bri-ăng” xem sao. Khổ nỗi lão chả biết óc ách thế nào, ắt là phải hỏi nó quá. Nhưng thằng này biết tiếng Tàu, tiếng Huê Kỳ vì đã từng có mặt trong Phi Lạc sang Tàu, Phi Lạc đại náo Hoa Kỳ nhưng chắc chỉ “ba xí ba tú” thôi. Còn tiếng Tây ngọng là cái cẳng!

Cuối cùng hai thằng Mít có mặt trên đường St Germain des Prés, bước vào quán cà phê Les Deux Magots, ở đó nơi sinh thời Jean Paul Sartre và Simone de Beauvoir hay ngồi để viết lách. Thay vì gọi miếng bít tết hay “sa-tô-bri-ăng” gì gì ấy thì nó lại kêu cái…café au lait.

Và thằng mõ làng Phù Ninh vào chuyện “quả văn quả kiến” là ít nghe ít thấy

Mới đây có một tài liệu quí giá gọi là Những ngày cuối cùng của Việt Nam Cộng Hòa, là bản dịch cuốn hồi ký Saigon et moi (Saigon và tôi) của Jean M. Mérillon, cựu đại sứ Pháp tại Việt Nam trước 30/4/1975, và dịch giả là Vũ Hải Hồ tức ký giả Trần Trung Quân ở Paris.

Nguyệt san Diễn đàn Việt Nam số 4 in tại miền nam Tây Đức đã cho đăng bản dịch kể trên. Tòa soạn cho biết ông Mérillon đã ra mắt cuốn hồi ký Saigon et Moi tại khách sạn La Fayette, quận 6, Paris. Nhưng sau đó cuốn sách này bị Bộ ngoại giao Pháp thu hồi, nay chỉ có một bản duy nhất do một nhân vật (Vũ Hải Hồ) tình cờ có được cuốn đó…

(…. trích khúc đầu)

Tối 18/4/75:

Qua điện thoại, lần thứ nhất ông Martin mới nói ra ý định của Hoa Kỳ. Đối với chính trường nước Mỹ chiến tranh Việt Nam đã chấm dứt sau Hiệp Định Paris năm 1973. Ông Martin muốn nhờ tôi làm trung gian chuyển đạt ý muốn của Mỹ cho phía Việt Cộng. Tôi trả lời:

– Điều mà ông yêu cầu, tôi sẽ thõa mãn cho ông 5 tiếng nữa nếu không có gì trở ngại trong việc liên lạc. Tuy nhiên tôi phải phúc trình lên chánh phủ của tôi, vậy ông đại sứ gởi cho tôi một công hàm ủy thác làm việc này.

– “Không thể được” người ta không muốn lưu lại bằng chứng.

– Như thế kể từ giờ phút này nước Pháp sẽ đảm nhận vai trò hòa bình cho Việt Nam.

– Chúng tôi cám ơn nước Pháp. Với tư cách cá nhơn tôi hoàn toàn chống lại chủ trương của Hoa Kỳ dành trọn quyền thắng trận cho Việt Cộng.

Sau đó chúng tôi chuyển sang phần tâm sự gia đình…Đại sứ Martin cho biết thêm nước Mỹ chán ngấy những vụ đảo chánh trước kia nên để cho ông Thiệu từ chức ra đi. Vai trò của ông Nguyễn Cao Kỳ không còn cần thiết sau khi Hoa Kỳ đã tặng phần thắng cho Việt Cộng.

(trích lục ngắn đoạn khúc giữa)

Cùng lúc mời thành viên MTGPMN hợp tác trong chánh phủ trung lập, Ðại tướng Dương văn Minh tuyên bố sẵn sàng bang giao với Trung Quốc. Trung Quốc sẽ chụp lấy cơ hội này để cử đại sứ đến Sài Gòn ngay sau 24 giờ đồng hồ cùng với tiền viện trợ 420 triệu Mỹ kim là tiền sẽ trao cho Hà Nội mà nay trao cho chánh phủ hòa hợp hòa giải dân tộc. Kế họach này đánh phủ đầu Hà Nội bằng cách đưa đứa con nuôi của họ là MTGPMN lên nắm chính quyền…

Đến tao đoạn này, thằng mõ tầm chương trích cú là mặc dù đang ở trại giam ở Hàm Tân (Bình Thuận) nhưng bố nuôi nó cũng đã quân sư cho Lê Đưc Thọ đưa Phạm Hùng hay Võ Văn Kiệt để tạo cơ đồ chống Hà Nội xâm lược miền Nam. Và nó giẹo giọ tiếp với ông Mérillon…

(Và…)

Tôi cũng thông báo cho ông Dương văn Minh hay tôi đã liên lạc với thành viên MTGPMN. Hầu hết đều tán thành giải pháp giúp họ thoát khỏi vòng quỹ đạo của Bắc Việt.

Ngày 27/4/1975

Tôi nhận được tin: Tướng Trần Văn Trà bắn tin nhờ tôi cấp tốc thành lập chánh phủ trung lập và ông gửi gấp hai nhân vật thân tín của ông vào chánh phủ là bà Nguyễn Thị Bình và ông Ðinh Bá Thi…Tùy viên quân sự của chúng tôi cũng xác nhận là hai sư đoàn tập kết của Trần Văn Trà sẽ vào tiếp thu Sài Gòn, phỗng tay trên của đạo quân Văn Tiến Dũng!!!”.

(…. trích khúc cuối)

Ngày 29/4/1975,

8:00 giờ tối, sau khi nhận lãnh chức tổng thống do Trần văn Hương bàn giao lại, ông Minh điện thoại xin lỗi chúng tôi, bày tỏ sự hối tiếc đã không hợp tác được với chánh phủ Pháp. Cách duy nhất mà ông phải chọn là đầu hàng Bắc Việt mới mong cứu sống được thủ đô Sài Gòn.

Tôi lạnh lùng trả lời một câu duy nhất:

– Thưa đại tướng, chúng tôi rất lấy làm tiếc. Giờ cuối cùng của chiến tranh Việt Nam cần có một người lãnh đạo cương quyết, nhưng chúng tôi lại đi chọn lầm một bại tướng.

Tôi cúp điện thoại ngay, và từ 10 năm qua tôi không muốn liên lạc với ông ta nữa.

(Hết trích dẫn)

Voilà… thằng mõ nhả tiếng Tây tiếng u xong, nhấp một ngụm café au lait và cho lão hay Saigon et moi của Jean M. Mérillon được nhiều sử gia, biên khảo, tướng tá trích lục “tư liệu” vào bài vở của mình. Dưới đây chỉ ghi nhận một số tác giả, tác phẩm có “trọng lượng”, như:

Trong Tâm tư Tổng thống Thiệu, Nguyễn Tiến Hưng viết cựu Thủ tướng Cẩn kể lại: “Ngày 17 tháng 4 khi tôi tiếp Đại sứ Mérillon thì ông thao thao bất tuyệt bênh vực giải pháp Dương Văn Minh. Sau này tập hồi ký của Mérillon tiết lộ ngày 18 tháng 4, Đại sứ Martin chính thức nói với ông ta là đối với chính quyền Hoa Kỳ, trách nhiệm người Mỹ tại Việt Nam đã chấm dứt”.

Trần Đông Phong tác giả VNCH, 10 ngày cuối cùng qua dữ kiện của “Những ngày cuối cùng của Việt Nam Cộng Hòa”. Với trích dẫn như sau : Về câu nói của cụ Trần Văn Hương nói với Đại sứ Mérillon thì tôi trích trong Saigon et Moi.

“Oui”… Chán như con gián thật, nó lại sổ tiếng Tây nữa và thằng mõ làng Phù Ninh xằn xò là thiếu giống gì những “tư liệu” được trích dẫn trong “Những ngày cuối cùng của Việt Nam Cộng Hòa” của Vũ Hải Hồ từ “Saigon et Moi” của ông Mérillon, thảng như:

Việt Nam huyết lệ sử của Cao Thế Dung.

Những ngày cuối của VNCH do Nguyễn Kỳ Phong, bản dịch từ bản tiếng Anh The Final Collapse của Cao Văn Viên cho Center of Milirary History United States Army.

Bỗng có tiếng kêu “téc…téc…” như dế kêu, thằng mõ bốc máy “Bonjour” một tiếng rõ to. Tiếp nó xuống giọng hết “Oui” đến “Non” rồi “Merci”. Máy kêu “tít…tít…”. Nó mặt buồn nhiều hơn vui: “Au Revoir”. Rồi hay hớm với lão là ông Đại sứ Mérillon không đến được nên ”text” cho nó. Nó đưa màn hình iPhone X7 cho lão dòm vì chữ Tây “ăn đong” nên mù trất ống vố…

 

clip_image005

Lão bực như con mực vì không biết “pạc-lê-phăng-xe” nên thằng mõ làng Phù Ninh được thể đụng dao đụng thớt “uy” với “nông” nghe lục cục như thằng mõ chặt thủ lợn cho các cụ, tổng lý, quan viên ngoài đình từ thời “xanh đít xăng cà cộ”.

Tiếp đến nó rao mõ như tụng kinh:

– Cái thư trên màn hình từ Giáo sư Hòang Ngọc Thành, nhà nghiên cứu sử học cẩn trọng đã đích thân viết thư hỏi Mérillon đang là Đại sứ Pháp tại Liên Xô có viết cuốn Hồi ký Saigon et moi không? Ông Đại sứ đã trả lời cho Giáo sư Thành bằng văn thư gửi từ Moscou có câu:

Tôi không hề viết một cuốn Hồi ký như thế.

Đứng dậy ra gốc cây bên lề đường Saint Germain, tay cầm “bánh mì cầm tay” thằng mõ gọi cho ai đó một hồi dài. Quay lại mặt mày lạnh lùng con thạch sùng nói về Sài Gòn gấp. Lão chắc mẩm lại truyện Phi Lạc náo Sài Gòn nữa đây! Lão tê tái con gà mái vì bỏ lại ga Lyon đèn vàng, lên xe tiễn em đi chưa bao giờ buồn thế. Thế là lão lên xe lửa…cho ấm mộng đêm nay.

***

Xe lửa chui qua cầu sắt Bình Lợi, qua miếu Lê Văn Duyệt, tới Cầu Bông, về đến Đa Kao.

Nó mở cửa và ngẫn ngẫn là điện thoại cho bố nuôi nó kể lể những chuyện phét lác trong chuyến đi. Nghe xong, bố nó cũng vừa hoàn tất tác phẩm Thuốc trường sanh, chả hiểu nghĩ sao ông…lăn đùng ra chết ngay đơ. Lão vào bàn thờ thắp nén nhang cho người vừa khuất núi. Nhìn lên bàn thờ va vào mắt lão là con thằn lằn chọn nghiệp cũng leo lên bàn thờ ngồi hồi nào không hay và nó đang nấp sau bát nhang ngắm con gà khoả thân. Dòm kỹ hơn, trên trán con thạch thằn lằn u lên lên một cục to bằng trái ổi xá lị. Bèn hỏi nghĩa lý gì? Nó chép miệng cái tách rằng lại quên không kể: Chuyện là trước khi bố nuôi nó phiêu diêu miền cực lạc, đúng là cái nghiệp, con thằn lằn cũng nghe điện thoại và báng bổ là bố nó vẫn còn là người róc đời nhất Nam kỳ lục tỉnh, nhì Nam bộ, Nghe (không) quá đã! Bố nuôi tiện tay cầm dùi mõ, nhắm ngay đầu con thằn lằn đập một cái chát. Con thằn lằn bị đánh vỡ đầu…chết tốt.

Ngó lên bài vị bố nuôi thằng mõ làng Phù Ninh, lão bắt gặp hàng chữ: “Khổng Cưu Hồ Hữu Tường lưu dân từ Nghệ An thuộc họ Hồ cùng chi với Hồ Thơm Nguyễn Huệ, con cháu của Hồ Quí Ly của Đế Thuấn. Cố quận làng Thường Thạnh, quận Cái Răng, tỉnh Cần Thơ”.

Trong trống vắng, lão rủ thằng mõ ra quán Lá Mơ dưới chân cầu Thị Nghè gần đấy. Đang đói như trái chuối, vừa ngồi xuống cũng vừa lúc đĩa chả chìa thứ hai kêu ở quán thịt chó Nhật Tân ở Hà Nội hôm nảo hôm nào vừa được mang tới. Nói thật như nói dối là “tu chùa chẳng bằng tu nhà, ăn ở thật thà mới thật là tu”…bia nên lão ới một vại cửu xà nhất điểu.

Phải gió phải giăng gì chả biết nữa, chả phải nói dóc chứ…chứ ngó quanh quất toàn sĩ phu Bắc Hà ăn tục nói phét với “cái tôi” to bằng cái nồi ba mươi. Mà chuyện có ra chuyện, chuyện nào của họ cũng như thể luộc con trâu cả con trong nồi. Hoặc giả như tòan những chuyện cóc nọ leo thang, voi kia đẻ trứng này nọ. Gáy cho lắm chín đụn mười trâu, chết cũng hai tay cắp đít chứ ăn cái giải rút gì. Lão nghĩ vậy. Nghĩ thêm một quả nữa lão buồn như con chuồn chuồn vì cả chuyến đi từ Sài Gòn, Hà Nội, Điện Biên Phủ, Đông Hưng, Bắc Kinh, Paris, trải dài trên con đường phiêu lãng quên mình…lãng quên. Lão quên tuốt những gì góp nhặt sỏi đá bên đường bởi kỳ nhân đông như ruồi, kỳ tích chữ nghĩa dày đặc như ruồi bu. Thế nên lão chả nắm bắt được “tác giả & tác phẩm” nào “hư cấu” nhất để nhồi nhét vào chữ nghĩa làng văn, để khoe mẽ với bạn già của lão rằng nói cho lắm tắm cởi truồng cũng thế thôi.

Ha! Với những chuyện giả đấy, nhưng thật đấy. Thật đó nhưng cũng giả đó. Với đại nghi đại ngộ, tiểu nghi tiểu ngộ, bất nghi bất ngộ, mà lão hiểu lơ mơ lỗ mỗ là nghi lớn ngộ lớn, nghi nhỏ ngộ nhỏ, không nghi không ngộ. Ừ thì hãy thử hỏi thằng mõ này…ngộ ra sao.

Nó vừa nhét vào mồm cái chả chìa…Ngỡ nó vơ bèo gạt tép chuyện Dân tộc Kinh ở Quảng Tây có 11.900 người Việt ta. Ba điều bốn chuyện với chuyện chết tiệt là không còn ai nói tiếng Việt nữa, nhưng họ vẫn múa hát quan họ. Ấy vậy mà họ đi đánh cá còn cẩn thận mang theo chuông đồng đúc năm 1787 gõ kêu “boong…boong…” để rồi gặp bão lạc vào đảo hoang cứ như ông Tây Robinson ấy thì nó vội nhả khúc chả chìa ra và khục khục như chó hóc xương:

Phi Lạc đi…Tây.

Hơ!

Thạch trúc gia trang

Ngày 23 ông Táo về trời

Đông chí, Ất Mùi 2015

Ngộ Không Phí Ngọc Hùng

Nguồn: Thụy Khuê, Hồ Nam, Thiện Hỷ, Dương Danh Dy

Nguyễn Duy Chính, Đoàn Thanh Liêm, Trọng Đạt, Ngự Sử

 

 

 

©T.Vấn 2015

Bài Mới Nhất
Search