T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngộ Không: Chữ nghĩa làng văn (Kỳ 129)

clip_image002_thumb.jpg 

Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ  – Kỳ II

 Ở kỳ trước, qua tiết mục Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ với:

“Với sức người sỏi đá cũng thành cơm”.

Có nguồn cho rằng câu thơ này của Tố Hữu?

Nay góp nhặt sỏi đá thêm câu thơ này nằm trong một bài thơ dài của một trong hai nhà thơ Chính Hữu hoặc Hoàng Trung Thông:

Bàn tay ta làm nên tất cả

Với sức người sỏi đá cũng thành cơm

Hai nhà thơ trên đều đi kháng chiến cùng thời với Tố Hữu. Người sưu tầm với nguồn riêng cùng những dè dặt nên có, cần phải có thì hai câu thơ trên là của Hoàng Trung Thông nằm trong bài Tình đồng chí mà Tố Hữu đã góp nhặt cho mình làm của riêng.

Thế nhưng, ở trong nước sau 75 qua những lan truyền rộng rãi hai câu thơ trên của nhà thơ Chính Hữu.

 Chữ “tua rua” trong tiếng Việt cổ

 Một câu ca dao khác có từ thời cổ xưa mà nguồn từ tộc Nam Dương hay Mã Lai cổ mà nhiều nhà nhân chủng học cho là có liên hệ đến chủng tộc Việt:

Bao giờ thấy vỏ thị rơi

Tua rua quặt xuống thì thôi cày bừa

Câu trên làm ta nhớ lại một câu ca dao khác mà Bình Nguyên Lộc đã sưu tầm được:

Tua rua đã xế ngang đầu

Em còn đứng đó làm giầu cho cha

Theo Bình Nguyên Lộc, tua rua là tiếng Mã Lai. Tua là ngôi sao. Rua là sao rua.

Người Việt gọi là sao Mang, người Tầu gọi là sao Mão.

(Mặc Giao – Văn hóa Việt)

Văn hóa cà phê

Nhiều văn hào lừng danh trên thế giới (như vợ chồng triết gia người Pháp Jean-Paul Sartre và Simone de Beauvoir) khi ngồi xuống bàn viết, ngòai xấp giấy trắng phải luôn luôn có ly cà phê nóng trước mặt.

Từ thế kỷ 15, 16 ở Châu Âu đã xuất hiện khái niệm “văn hóa cà phê”, ám chỉ những quán cà phê thường có sự lui tới của các văn nghệ sĩ, các triết gia. Họ đến đó, trước hết như là nơi thường xuyên gặp gỡ hàng ngày, để ăn uống, trao đổi bàn bạc những bản thảo họ đang thai nghén, hay để chia sẻ những ý kiến riêng về các vấn đề văn hóa thời sự nóng hổi.

Nhiều tác phẩm quan trọng có tầm vóc thay đổi thế giới đã ra đời từ những quán cà phê như thế. Franz Kapka, nhà văn gốc Do Thái, đã đọc lại bản thảo tác phẩm lừng danh “Hóa Thân” (Metamorphosis) tại quán cà phê Café Stefan ở Prague (thủ đô Tiệp Khắc). Tiệm cà phê cổ nhất ở Paris, khai trương năm 1686 (và đến nay vẫn còn họat động (?)), Le Procope, với vị trí thuận lợi tọa lạc gần hí viện La Comédie-Francaise, đã được sự chiếu cố đặc biệt của các nghệ sĩ, các nhà viết kịch (Molìere, Racine v.v..) nên đã tồn tại một thời gian kỷ lục. Lịch sử về văn hóa cà phê tại châu Âu đã ghi nhận sự ra đời của gần 40 quán cà phê, đến nay vẫn còn họat động tại 20 thành phố, từ Budapest (Hung Gia Lợi) diễm lệ sang trọng đến một góc phố tồi tàn của St. Petersburg (Nga).

Ở Sài Gòn, trước năm 1975, có quán cà phê La Pagode, nằm trên đường Tự Do, là nơi tụ tập của các nhà văn, nhà thơ nổi tiếng của miền Nam. Cái tên La Pagode đã có chỗ đứng rất trang trọng trong nhiều tác phẩm văn, thơ xuất bản cả trước lẫn sau 1975. Cũng từ quán cà phê Cái Chùa (La Pagode), một nhóm các nhà văn, nhà thơ lúc ấy đã “lăng–xê” mốt “trí thức thời thượng”: kính trắng và ống vố (pipe). Và tất nhiên, trước mặt phải có ly cà phê bốc khói, và cái lọ đựng những viên đường thẻ trắng tinh.

(T.Vấn – Văn hóa cà phê)

Truyện ngắn I

Truyện ngắn đầu tiên trên không xuất hiện ở Tây phương mà là ở Trung Đông. Lịch sử truyện ngắn bắt đầu bằng Tales of the Magicians của Ai Cập, tiếp đến là Một nghìn một đêm lẻ của Ba Tư. Ở Tây phương, truyện ngắn chỉ xuất hiện khoảng 200 năm.

Tại Việt Nam, truyện ngắn có từ thế kỷ 13 với Báo cực truyện thời nhà Trần. Thế kỷ 16 với Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ (*).

Năm 1866, truyện cổ tích bằng chữ quốc ngữ do Trương Vĩnh Ký thu thập, sao chép lại và xuất bản tại Sài Gòn.

(Phụ chú: Theo Trần Văn Tích trong “Sự muôn năm cũ” báo Làng Văn thì tác gỉa Truyền kỳ mạn lục  đúng ra là Nguyễn Dư chứ không là Nguyễn Dữ (*) như mọi người vẫn lầm tưởng)

(Trần Bích San – Văn Khảo)

Chữ Nôm

Nôm là biến âm của chữ Nam: Chữ “nam” cộng với chữ “khẩu”.

(Phụ chú: Chắc tiếng nôm khởi đầu dùng để…”nói”.

Sẵn trớn nói bừa, e nhầm to)

(Trần Ngọc Thêm – Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam)

Chữ nghĩa làng văn

Nguyễn Văn Ái trong Từ điển phương ngữ miền Nam và Nguyễn Như Ý trong Từ điển đối chiếu địa phương đều xem “rờ” và “sờ” là một, là hai từ hoàn toàn đồng nghĩa.

Từ điển Việt-Bồ-La của Alexandre de Rhodes và Đại Nam Quốc Âm tự vị của Huỳnh Tịnh Của chỉ có “rờ” chứ không có “sờ”.

Theo tôi “rờ” và “sờ” là hai từ tương tự, gần gũi với ngữ âm và nghĩa, chứ không phải là hoàn toàn đồng nghĩa. Trong cảm nhận của tôi, “sờ” là đưa tay chạm vào một vật gì đó, trong khi “rờ” không phải chỉ chạm mà còn xoa nhẹ.

(Nguyễn Hưng Quốc – Tiếng Việt: sờ và rờ)

“oi”

Nhiều học giả cho rằng phần lớn các âm tiếng Việt biểu thị hình dạng. Như khi đọc âm “oi” thì y như rằng có cái gì…dài thêm ra.

Cái vòi, cái ngòi (sông nhỏ), thòi ra, lòi tói, nhoi lên, ngoi lên..v..v..

(Nguyễn Triệu Việt – tạp chí Tân Văn)

Từ Hán-Việt

 Trong ngôn ngữ Việt Nam lại có rất nhiều từ là từ Hán Việt đã bị bỏ quên, nhưng… vẫn phải xài, và khi cần, ta lại bị lúng túng không biết phải tìm đâu ra. Nhận thấy sự khó khăn đó, tôi, do sự khuyến khích của nhiều thân hữu, đã phải cố gắng hết sức trong khả năng hạn hẹp của mình để sưu tầm những từ Hán Việt thông dụng nhưng đã bị “mồ côi” đó, hầu cống hiến bà con độc giả để chúng ta cùng nhau tham khảo.
Bất túy vô quy: Không say không về.
Bằng hữu mãn thiên hạ tri kỷ năng kỷ nhân: Bạn bè nhiều khắp thiên hạ, tri kỷ dễ có mấy người.
Tửu nhập tâm như hổ nhập lâm: Ý nói có rượu uống vào thì người thấy rất là vui vẻ, hùng dũng như cọp được thả vào rừng.
(Thầy Chạy – Những danh từ Hán-Việt thường dùng)

 Ca dao tình tự

 Gió đưa bụi chuối sau hè,

Giỡn chơi chút xíu ai dè có con.

Văn học miền Nam 1954-1975

 Đặc điểm chính của nền văn học miền Nam từ 1954 đến 1975, là đã thoát khỏi văn học thế kỷ XIX, giã từ lãng mạn tiền chiến.

Nhiều nhà văn tìm cách xây dựng tư tưởng trên nền triết học hiện đại, đưa con người về hướng tìm hiểu chính mình. Triết học hiện sinh xuất hiện dưới nhiều hình thức: phòng trà tửu quán, ăn chơi, bụi đời, là từng thấp nhất; ở mức cao hơn, nó hậu thuẫn cho tác phẩm: con người quay về khảo sát chính mình, nhận thức chính mình, với những nhân vật của Mai Thảo, Thanh Tâm Tuyền, Dương Nghiễm Mậu… Cách mô tả của Dương Nghiễm Mậu, Thanh Tâm Tuyền, nhiều chỗ, cho thấy các ông đã dùng hiện tượng luận trong sự mổ xẻ và phân tích.

Để áp dụng tư tưởng triết học vào thực tế văn học một cách vừa phải, dễ hiểu, đã có các ngòi bút như Nguyên Sa, vừa là giáo sư triết vừa là nhà thơ, như Nguyễn Văn Trung vừa là giáo sư đại học vừa viết sách triết học và phê bình văn học. Quan niệm dấn thân của Sartre, qua Nguyễn Văn Trung, thâm nhập vào đời sống giới trẻ: Hoàng Phủ Ngọc Tường, Lữ Phương, Nguyễn Đắc Xuân, là những học trò của Nguyễn Văn Trung, do ảnh hưởng quan niệm dấn thân của Sartre mà vào bưng, hồi 1968. Cuốn “Ca tụng thân xác” Nguyễn Văn Trung cũng đã ảnh hưởng ít nhiều đến các nhà văn phụ nữ trong lối viết mạnh bạo về thân xác của họ.

Tóm lại, triết học hiện sinh, chủ nghiã siêu thực và phân tâm học, giúp một số tác giả đào sâu thêm nhiều vấn đề trọng yếu của con người, của đất nước, đặt lại vấn đề chiến tranh. Kịch của Vũ Khắc Khoan phát triển khía cạnh phi lý trong đời sống. Thanh Tâm Tuyền trong thơ tự do, khai phá vùng tiềm thức con người bằng những cách tạo hình mới lạ. Truyện của Dương Nghiễm Mậu đào sâu cái trống rỗng ghê gớm trong hiện sinh con người, bị tha hoá trong chiến tranh và nhược tiểu. Mai Thảo vẽ lại một thời kháng chiến đầy ảo tưởng, và tạc những bộ mặt hư vô, chán chường, sống vật vờ trong say sưa, nơi vũ trường thành thị. Võ Phiến đào sâu xuống những mất mát của con người khi phải bứt khỏi nguồn cội, tra khảo vùng bản năng sâu kín của tính dục.

Phan Nhật Nam trình bày những bi đát của đời lính, những kẻ cầm súng bắn vào quê hương mình. Bình Nguyên Lộc tìm về nguồn cội của dân tộc di dân từ Bắc vào Nam, chiếm hữu đất đai của người Chàm, người Chân Lạp, tìm sống trong rừng đước, rừng mắm, vươn lên từ hai yếu tố cơ bản: đất và nước. Túy Hồng, Thụy Vũ thể hiện tâm linh táo bạo của người phụ nữ thời đại, chao đảo trước một thứ nữ quyền vừa thành hình qua sự nhận diện thân xác, và bị dằn vặt trong một xã hội vẫn còn chưa hẳn thoát khỏi đạo lý Khổng Mạnh, v.v…

Mỗi nhà văn có một vùng khai phá riêng. Tính chất đa dạng ấy khiến cho văn học miền Nam, qua các ngòi bút khác nhau, đã phản ánh được thân phận con người trong xã hội chiến tranh, bằng những hình thức sáng tạo mới, khác hẳn tiền chiến, tạo cho văn học Việt Nam một bộ mặt trưởng thành trong tâm thức nhà văn và tâm thức độc giả.

(Thụy Khuê – Văn học miền Nam)

Đổi họ

“Từ Điển Nhân Vật Lịch Sử Việt Nam” của Nguyễn Q. Thắng và Nguyễn Bá Thế do nhà xuất bản Khoa Học Xã Hội, Hà Nội thực hiện năm 1987. Tác giả đã đổi những nhân vật họ “Huỳnh” thành “Hoàng”, “Chu” thành “Châu”,Vũ” thành “Võ”.. v .v…

Do đó trong từ điển có những danh nhân như Hoàng Thúc Kháng, Hoàng Tịnh Của, Châu Mạnh Trinh, Võ Ngọc Phan, Võ Trọng Phụng… Làm như vậy không những kỳ quặc mà còn là một điều bất kính với tiền nhân.

(Đặng Trần Huân – Chữ nghĩa bề bề)

 

Văn hóa ẩm thực: “Ăn”

Người ta tìm ra rằng: “Cuộc đời của một người đàn ông hầu hết gắn bó với chữ “ăn” cho đến cuối đời:

Lỡ không có việc là…“ăn không ngồi rồi”.

Ăn theo, ăn bám vợ…“ăn sung mặc sướng”.

Ăn nên làm ra rồi bày đặt…“ăn kiêng”.

Về già rụng răng có nước…“ăn cháo”.

Ngồi trên bàn thờ là…“ăn xôi nghe kèn”.

Tiếng Việt nghèo nàn nhưng phong phú

 Thấy cái đề tài nầy hay hay, cho nên cái bang tôi xin phép được góp hai câu. Tuy rằng không phải là văn thơ, nhưng hai câu vè nầy đã có từ thuở xôi đậu:
Hôm qua qua nói qua qua mà qua không qua
Hôm nay qua không nói qua qua mà qua lại qua

 (Trau giồi tiếng Việt – ĐatViet.com)

 Nghệ thuật chơi chữ trong ca dao

Từ điển thuật ngữ văn học gọi chơi chữ là “lộng ngữ” và giải thích là một biện pháp tu từ có đặc điểm: người sáng tác sử dụng những chỗ giống nhau về ngữ âm, ngữ nghĩa, văn tự, văn cảnh để tạo ra sự bất ngờ thú vị trong cách hiểu, trong dòng liên tưởng của người đọc, người nghe. Các hình thức của lộng ngữ rất phong phú, trong đó có: nói lái, dùng từ đồng âm hoặc gần âm, dùng từ gần nghĩa, tách một từ thành các từ khác nhau.

Chơi chữ là dùng cách nói lái, tức là đảo vị trí phần vần và thanh điệu của hai từ liền kề nhau:

Con cá đối nằm trong cối đá

Con mèo đuôi cụt nó năm mục đuôi kèo

(Trần Minh Thương – Nghệ thuật chơi chữ trong ca dao Việt Nam)

Ngộ  Không

(Sưu Tập)

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2018

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Bài Mới Nhất
Search