T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngộ Không: Chữ nghĩa làng văn (Kỳ 218)

Chữ nghĩa làng văn

Rất nhiều truyện đầu tay có cốt truyện vô cùng phức tạp, bởi các tác giả chưa có kinh nghiệm tưởng có thể thu hút độc giả bằng cách đó. Nhưng một cốt truyện hay không nhất thiết phải phức tạp. Có lẽ, một cốt truyện thành công là cốt truyện mang đến cho độc giả cảm giác rằng khi gấp sách lại, câu chuyện vẫn tiếp diễn.

Anton Chekhov từng nói, khi viết, bạn cần phải tìm cách vượt qua đoạn mở đầu và kết thúc, vì đó là những nơi “nhà văn mất nhiều thời gian chần chừ nhất”.

Những cốt truyện thành công thường hàm chứa những yếu tố bất ngờ và độc đáo. Một khi đã đọc tiểu thuyết The Third Policeman bạn sẽ không thể quên con đường đi đến kết thúc của nó. Độc giả thích những cuốn sách mang đến cho họ những chi tiết không đoán trước được.

John le Carré từng nói: “Con mèo ngồi trên tấm thảm không phải là câu chuyện. Nhưng con mèo ngồi trên tấm thảm của một con mèo khác thì chính là chuyện”.

(Cửa ải gian khó của nhà văn – Andrew Taylor)

Tuổi già cám cảnh (3)


70 là tuổi mới đi vào đời
75 là tuổi ăn chơi
80 là tuổi yêu người yêu hoa
85 đêm nằm vẫn cứ mặn mà yêu đương

Từ “Nam Việt” thời Triệu Đà

Năm 1802, Nguyễn Ánh cử phái đoàn đi sứ gồm Trịnh Hoài Đức, Đặng Trần Thường, Trương Tấn Bửu qua Tàu xin đổi tên nước, phong vương và lãnh ấn chỉ.

Nguyễn Ánh muốn đổi tên nước là Nam Việt.

Chỉ dụ của Vua Gia Khánh nhà Thanh: Trẫm đã duyệt kỹ biểu văn thỉnh phong của Nguyễn Phúc Ánh việc xin phong tên nước là Nam Việt không thể chấp nhận được. Địa danh Nam Việt bao hàm rất lớn (1), khảo sử xưa hai tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây (2) đều nằm trong đó. Nguyễn Phúc Ánh là tiểu di nơi biên giới, lãnh thổ bằng đất Giao Chỉ xưa là cùng, làm sao lại được xưng là Nam Việt cho được. Rõ ràng tự thị muốn đòi thêm đất, nên lệnh truyền cho các quan Quảng Đông, Quảng Tây lưu tâm.

Lý do vua Gia Khánh nhà Thanh không ưng vì Nam Việt là tên cũ thời Triệu Đà nhà Hán thuộc Trung Hoa. Vì là nhà Thanh gốc Mãn Châu nên buộc đổi ngược lại là Việt Nam.

(1) & (2) : Theo vua Gia Khánh nhà Thanh thì nước Nam Việt của Triệu Đà rất lớn, lớn hơn cả Quảng Đông, Quảng Tây thì nước Nam Việt chẳng thể là nước…An Nam.

Trơ trơ như sỏ lợn nhìn thầy

Thầy cúng, thầy pháp bao giờ cũng đòi hỏi gia chủ cúng cái sỏ lợn. Cái sỏ lợn, (cũng như gia chủ) lõ mắt nhìn thầy, nhìn vào cái tâm địa của thầy bày vẽ để có miếng ăn.

(Việt Chương – Thành ngữ, tục ngữ, ca dao VN)

Chữ nghĩa làng văn

Theo ý riêng của tôi, sự phân biệt hai phạm trù “kể lại nội dung”, “viết nội dung” là một mặt quan trọng trong sự đánh giá tình trạng văn xuôi hiện nay. Tôi hiểu như thế này : “kể lại nội dung” chỉ quan tâm đến việc: kể cái gì. Còn “viết nội dung” còn quan tâm đến mặt: kể như thế nào. “Kể lại nội dung” dễ  đưa văn xuôi trôi trượt theo văn đưa tin, loại văn này bao giờ cũng có độc giả của nó, nếu đưa tin những chuỵện có ý nghĩa giáo huấn sẽ được đánh giá là cần thiết, có ích, kịp thời…, nếu đưa tin những chuyện giật gân có khi sẽ được công chúng rộng rãi mến mộ. Trong văn xuôi “viết nội dung”, sự kết hợp “viết cái gì” và “viết như thế nào” tạo ra sức căng cho câu văn, mạch văn, làm cho câu văn có giọng, có hồn, không bị “bẹt”, bị ỉu sìu.

(“Kể lại nội dung” và “Viết nội dung” – Hoàng Ngọc Hiến)

Địch – Ta (4)

Trong đêm tịch mịch
Nằm ngủ ta mơ
Bồ bịch là…”ta”
Tỉnh ra sáng dậy

Le Cognac de Napoléon (1)

Hãng của ông Felix Courvoisier thành lập năm 1843. Vì chủ hãng rượu Courvoisier là ông Felix Courvoisir không có con trai nên sau khi mất bán cho người Anh (1909).

Người Anh dùng nhãn hiệu Napoléon qua chuyện:

Năm 1811, Trung úy pháo binh Napoléon thăm hãng rượu Courvoisier ở Berey và yêu cầu hãng cung cấp rượu cho cuộc vận động (campaign) của ông. Tiếp đến, Napoléon bị đày ra đảo St Hélène 1828, ông yêu cầu chở theo mấy thùng Courvoisier.

Các sĩ quan Anh chở rượu trên chiến hạm HMS Northumberland gọi là: “The Cognac of Napoléon” (Le Cognac de Napoléon).

Nói lái: Ít ly

Nói lái trong tiếng Việt có tự nghìn xưa, phong phú và đa dạng. Đang nhậu tới bến mà được hỏi thì: “ít lắm, chỉ mới lai rai “ít ly” thôi. “ít ly” thôi nên tạm hiểu là mới uống đúng “y một lít”. Vậy là…ít lắm!

Đất lề quê thói với phong tục cổ truyền

Lễ cúng cơm 2

Nhưng tại sao lại cúng 100 ngày?

– Cũng tuỳ địa phương, có nơi chỉ cúng 49 ngày (tức là lễ chung thất). Theo thuyết của Phật giáo: qua 7 lần phán xét, mỗi lần 7 ngày đi qua một điện ở âm ty (tức 1 tuần, nhưng không phải tuần lễ theo dương lịch); sau 7 tuần vong hồn đã siêu thoát. Có nơi cúng hết 100 ngày (tức lễ tốt khốc nghĩa là thôi khóc). Theo giải thích của các cụ ngày xưa thì thời gian này âm hồn vẫn còn phảng phất luẩn quẩn trong nhà chưa đi xa.

Theo thuyết Thần giao cách cảm, ngoài điện trường vật lý đã được ứng dụng trong thực tiễn, còn có điện trường sinh học. Những cá thể có cùng tần số cảm ứng trong điện trường sinh học, mặc dầu ở cách xa nhau rất xa vẫn nhận được những nguồn thông tin của nhau. Các nhà khoa học đã vận dụng những phát triển đó để giải thích về điềm, về giấc mơ, về những biểu hiện tâm, sinh lý bất thường khi thân nhân (có thể cách nhau rất xa về không gian) có cùng tần số điện trường sinh học có sự biến bất thường. Người ta bảo chết là hết.

Nhưng, chết chưa phải là đã hết khi người chết còn tồn tại trong tâm trí người sống. Sau khi chết, tim ngừng đập, máu ngừng chảy, thần kinh cảm giác ngừng hoạt động, vỏ não chưa bị huỷ, xung quanh hiện trường phát từ não vẫn chưa ngừng phát sóng. Lớp đất dày không ngăn được sóng điện vật lý hay sóng điện sinh học. Cá thể sống có tần số điện trường sinh học tương ứng vẫn tiếp nhận được tín hiệu, do đó hiện tượng báo mộng chưa hẳn là vu vơ, không đáng tin. Phải chăng vì lẽ đó mà các cụ cho rằng âm hồn còn phảng phất, chưa siêu thoát.

Nàn

Nàn: kêu ca

(phàn nàn, nghèo nàn)

(Tự điển tiếng Việt cổ – Nguyễn Ngọc San, Đinh Văn Thiện)

Phở (7)

Trong từ điển Wikipedia bản tiếng Anh, Đức, Pháp, Ý, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha…đều có mục riêng viết về phở và gọi đích danh là “ Phở”, chứ không gọi bằng tên món ăn nào đó của Pháp hay Trung Quốc. Điều này cho thấy thế giới công nhận “phở” là một món ăn của Việt Nam.

Riêng bản Trung văn, mục viết về phở có tựa đề là 越南粉  (Việt Nam phấn), cũng cho thấy rằng người Tàu công nhận “phở” là món ăn Việt Nam. Do đặc điểm về ngôn ngữ, trong phần nói về nguồn gốc của từ phở, họ chú thích hình ảnh tô phở là 越 南牛肉粉 (Việt Nam ngưu nhục phấn), có thể dịch là “phở bò Việt Nam”.

(Vương Trung Hiếu – Nguồn gốc phở)

Tuổi tác già cám cảnh (4)

90 ra đường gặp ả môi hồng mắt chớp chớp vẫn còn như xưa
95 chưa phải là vừa…
100 là tuổi làm nhà.

Trên trăm là tuổi… mặn mà hồi xuân.

Từ “Giao Chỉ” thời Triệu Đà

Sau khi Tần Thủy Hoàng mất, nhà Tần suy yếu, Lưu Bang diệt nhà Tần, lập ra nhà Hán, xưng là Hán Cao Tổ. Năm 196 trước Công Nguyên, Hán Cao Tổ dụ Triệu Đà thần phục nhà Hán. Lúc bấy giờ Triệu Đà làm vua nước Nam Việt được 12 năm rồi, và Hán Cao Tổ làm vua nhà Hán được 11 năm (1).

Năm 111 trước Công Nguyên, Hán Cao Tổ đổi tên nước ta là Giao Chỉ (2) và đưa quan của nhà Hán sang cai trị.

Từ “Giao Chỉ” lần đầu tiên được dùng để chỉ nước ta vào thời Triệu Đà.

(1) Các sử gia ta sau này không để ý đến khoảng cách thời gian này là cùng trong một niên kỷ  dưới thời nhà Hán, có hai nước riêng rẽ là Nam Việt và Giao Chỉ.

(Vì Triệu Đà làm vua nước Nam Việt 70 năm và thọ 121 tuổi).

(2) Dưới thời Minh, vùng biển ngoài  khơi nước ta được người Minh gọi là Giao Chỉ hải. Người Bồ Đào Nha đọc trại ra thành Cochin để rồi từ đó có danh từ Cochinchina để chỉ miền Nam nước ta. (Nguồn: Sử gia Lê Mạnh Hùng – Nhìn lại sử Việt).

(Giáo sư Nguyễn Lý Tưởng – Thuyền ai đợi bến Văn Lâu)

Tửu như tâm phúc chi ngôn

Người say hay nói thật.

(Việt Chương – Thành ngữ, tục ngữ, ca dao VN)

Giai thoại làng văn xóm chữ

Động trung xuân

Một ông làng Động Trung, tỉnh Thái Bình, mở tiệc mừng thọ. Có người đem lại tặng bức hoành khắc ba chữ: Động trung xuân.

Chủ nhân treo lên được vài hôm, bỗng bảo gia đình đem xuống đem chẻ ra thành củị
Thì ra Động trung xuân, tuy có nghĩa làng Động trung vẻ xuân tươi tốt mãi, thật hợp với lời chúc thọ, nhưng trong bài thơ Thiên thai có câu:
Vãng vãng kê minh nham hạ nguyệt
Thần thần khuyển phệ động trung xuân  

Thì ra ba chữ động trung xuân đứng sau hai chữ khuyển phệ. Chủ nhân trước kia đã từng mở cửa hàng…”mộc tồn.

(Lãng Nhân Phùng Tất Đắc – Chơi chữ 1960)

Tiếng lóng hiện thực

 Ghét như con bọ chét

Sự phát triển của tiếng Việt (III)

Tiếng “nhà thờ” hay tiếng Việt xưa?

Những người đàng Ngoài vào Nam lập nghiệp, theo chân các chúa Nguyễn, đã mang theo gia tài văn hóa trong đó có tiếng nói và chữ viết Nôm (và chữ Hán). Ông bà ta sẽ đồng hóa người Chiêm Thành, nhưng ta cũng đã bị ảnh hưởng trở lại về văn hóa. Tổ tiên ta cũng sẽ nuốt phần Thủy Chân Lạp. Vua chúa nhà Nguyễn sẽ mở rộng tay đón nhận con cháu nhà Minh; những người này sẽ khai phá những vùng thị tứ mới nay là Chợ Lớn, Biên Hòa, Hà Tiên, vv.
Từ những lý đó, tiếng nói lưu dân nơi vùng đất mới theo hoàn cảnh sinh hoạt và môi trường địa lý mới. Những “hội nhập” này khiến chữ viết Nôm trong Nam đã có những biến hóa, cấu trúc khác đi theo phát âm, lối viết và phương ngữ Nam bộ. Thí dụ phương ngữ dị biệt về phát âm như “chun, chuyến, chiền”, thay vì “chung, chiến, truyền chuyền”. Từ đó như tạo thành một “thứ” tiếng Việt của miền Nam lưu dân mà từ lâu nay vẫn bị gán là “tiếng của nhà thờ”.

Ông Nguyễn Háo Vĩnh trong bài nói trên đã viết tiếp lời phê về văn Nam Phong như sau:
“Coi mà chẳng hiểu thì có ích gì đâu, dần dần người ta ngã lòng chẳng còn muốn coi nữa”.

Và tiếng Việt trước 1920 bị xem là tiếng “nhà thờ” và bị bỏ quên, các hoàn cảnh biến cố tiếp sau đó đã tiếp tục đẩy đưa cái khuynh hướng này. Cùng tiếng nói nhưng có những dị biệt về chữ viết, thành ngữ và phát âm khiến không hiểu nhau trọn vẹn.

(Nguyễn Vy Khanh – Tiếng Việt một số tác phẩm mới phát hiện)

Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ

Nam làm giỏ tre, Bắc đan cái rọ

Nam muỗng cà phê, Bắc gọi cái thìa

Nam muỗng canh, Bắc gọi cái cùi dìa

Nam đi tuốt, thì Bắc lìa xa mãi

Các Họa sĩ và Tự Lực Văn Đoàn (3)

Nguyễn Gia Trí bút hiệu: RIGT, Gtri và GT.

Tô Ngọc Vân bút hiệu Tô Tử và Ái Mỹ.

Nguyễn Cát Tường bút hiệu Lemur, Cát Tường, CT và AS.

Trần Bình Lộc bút hiệu Bloc.

Trần Quang Trân bút hiệu Ngym, NM và Ngạc Mai.

Lê Phổ.

Trần văn Cẩn.

Lưu văn Sìn.

Lê Minh Đức bút hiệu Bút Sơn (đẻ ra Xã Xệ).

Nhất Sách.

(Phạm Thảo Nguyên – Bếp Núc của Tự Lực Văn Đoàn)

Tiếng lóng hiện thực

Đói như trái chuối

Giai thoại làng văn xóm chữ

Có giai thoại kể rằng nhà thơ Huy Cận sau khi viết xong bài thơ Đoàn thuyền đánh cá; trong bài thơ có câu:

“… Cá nhụ, cá chim cùng cá đé,

Cá đuôi én quẫy trăng vàng choé…”

Bài thơ được đăng và in thử. Dò bản in, Huy Cận phát hiện thợ sắp chữ sắp sai mất hai chữ. Câu thơ thành ra là:

“… Cá nhụ, cá chim cùng cá đé,

Cái đuôi em quẫy trăng vàng choé…”

Chữ “Cá đuôi én” in nhầm thành “Cái đuôi em” khiến Huy Cận ban đầu rất bực nhưng rồi đọc lại thấy…hay quá, vội lên xe đạp chạy đến tòa soạn đưa bản mo-rát đã ký duyệt và cảm ơn người thợ sắp chữ kia của nhà in.

(Nguyễn Cẩm Xuyên – Lá trúc che ngang mặt chữ điền)

Ngộ  Không

(Sưu Tập)

©T.Vấn 2022

Bài Mới Nhất
Search