T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngộ Không: Chữ nghĩa làng văn (Kỳ 221)

Đàn đáy (3)

Vì ở thời Lý hay thời Lê âm nhạc của ta ảnh hưởng Tàu rất nhiều. Những ca trù hay ở chỗ lại không giống Tàu một chút nào. Một cây đàn đáy Tàu không có, một giọng hát Tàu không có, một cái phách Tàu cũng không có nốt. Mà không chỉ so với Tàu mà với cả thế giới thì ca trù cũng là một loại hình âm nhạc độc đáo.

Đó là có một ả đào vừa hát vừa đánh phách, tiết tấu thì phức tạp, có một cây đàn chỉ dành riêng cho ca trù, đó là đàn đáy. Đàn đáy có một đặc điểm là rất dài làm cho dây không căng lắm và dây lại chỉ được lắp từ nửa thân dưới trở xuống để có độ nhấn rung.

Thứ nữa là trống chầu làm cho nhạc khúc triết. Trống chầu biết chỗ nào ngắt câu, chỗ nào ngắt khổ; mặt khác, nó có một vai trò quan trọng khác mà các tống khác không có – đó là trống khen, chê. Khen một câu hát hay, một tiếng đàn hay, chê một giọng hát dở, một tiếng đàn dở…, khen, chê đồng nghĩa giải thích cho người nghe chỗ này hay đấy, chỗ kia dở đấy, thú vị không?!

Tiếng lóng hiện thực

Thô bỉ như con khỉ

Chữ nghĩa làng văn

Ngôn ngữ là phương tiện của viết lách.

Hơn sáu mươi năm trước thường hay đọc lang thang, một hôm tôi gặp bài “Ðợi thơ” của Hồ Dzếnh. Lời lời hoa mỹ, xa xôi, mơ hồ, mộng ảo; tôi mê tơi, “ngâm” đi “ngâm” lại:

(…) Biển chiều vang tiếng nhân ngư

Non xanh thao thiết trời thu rượi sầu

Nhớ thương bạc nửa mái đầu

Lòng vương quán khách nghe màu tà huân (…)

Lời không hiểu mấy, ý không rõ mấy, nhưng mặc kệ: tôi thích, mê tơi. Tôi có chú ý đến mấy tiếng “non xanh thao thiết”.

“Thao thiết” ám ảnh tôi. Xanh thao thiết là xanh cách nào? Không biết đích xác, nhưng tôi cho đó là một chữ tài tình, đúng với màu núi “nọ”(?) Rồi cách dăm ba năm, bảy tám năm, tình cờ gặp một tác giả nào đó cũng “xanh thao thiết”. Nhưng tôi chưa bắt gặp “thao thiết” trong một cuốn tự điển Việt ngữ nào.

(Viết lách – Võ Phiến)

Chữ và nghĩa

Của chua ai thấy chẳng thèm

Em cho chị mượn chồng em vài ngày

Chồng em nào phải trâu cày

Mà cho chị mượn cả ngày lẫn đêm

Tên của Phở (13)

Tại Việt Nam, người Tàu dường như không bán “ngưu nhục phấn” nhưng tại lục địa, gồm cả Hồng Kông họ có quảng cáo món này. Sau khi khảo về ngôn ngữ, ta sẽ khảo về hình thức và nội dung của “ngưu nhục phấn” của Tàu với “phở” Việt Nam. Nếu dịch ra Anh văn, ngưu nhục phấn và Phở danh xưng giống nhau. Các tiệm Tàu ghi là Beef vermicelli soup trong khi Việt Nam thường gọi là Phở là beef noodles /Noodle soup.

Còn người Tàu gọi phở Việt là: “Việt Nam ngưu nhục phấn”

(Sơn Trung – Lịch sử Phở)

Đất lề quê thói với phong tục cổ truyền

Hình nhân thế mạng

Ở nước ta chưa có “Tục tuẫn táng” nhưng đời trước có tục đốt hình nhân thế mạng, vốn xuất xứ từ tục tuẫn táng, nhân đạo hơn so với tuẫn táng.

Để vua chúa xuống dưới âm cung có người hầu hạ, tục ta không chôn người sống mà dùng hình nộm làm bằng tre nứa, quấn bằng rơm rạ hoặc nhào nặn bằng đất sét, ngoài dán giấy làm quần áo rồi vẽ mặt mũi, sau đó khi tế lễ xong thì đốt hình nhân đó cùng với vàng mã. Nếu lễ thuỷ thần, long vương, hà bá thì làm thuyền bằng giấy kết trên thân cây chuối rồi đặt hình nhân vào thuyền và thả trôi sông. Có người nghe theo lời bói toán nhảm nhí sắp đến vận hạn bị hung thần quỷ dữ bắt, phải nhờ thầy cúng làm lễ, đốt hình nhân thế mạng.

Có người vì mối tư thù nhưng yếu thế không trả thù được bèn nghĩ cách làm hình nhân rồi đề tên họ, huý, hiệu của kẻ thù vào trước ngực hình nhân, cắm ở ngã ba, ngã tư đường cái, thắp hương cắm lên đầu hình nhân để nhờ thần linh bắt tội người đó.

Đây là một tập tục chứa đầy tính chất mê tín, dị đoan đã bị đả phá, bãi bỏ từ đầu thế kỷ. Chính quyền thời đó đã ra lệnh cấm hủ tục này. Địa phương nào để những tục đó xảy ra, nếu phát hiện được thì lý trưởng nơi đó bị cách chức.

Whisky

Whisky có nhiều tên khác nhau, trong đó một phần là tên loại ngũ cốc được dùng để sản xuất Whisky, thí dụ như:

Malt là loại Whisky được làm từ mạch nha.

Grain là tên loại Whisky được sản xuất từ lúa mạch mà thông thường là sử dụng thiết bị chưng cất cột được gọi là “kiểu Coffey”.

Rye là tên gọi loại Whisky được sản xuất từ lúa mạch đen, ít nhất là 51%.

Bourbon là tên gọi loại Whisky (Mỹ) chủ yếu được sản xuất từ bắp (ít nhất là 51%).

Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ

Tử vi xem số cho người

Số thầy thì để cho ruồi nó bâu

(Bùi Kim Chi – Khảo luận về ca dao, thành ngữ)

Rượu trong văn học (5)

Nguyễn công Trứ (1778-1859), cuộc đời “lên voi xuống chó” của nhà thơ và cái hùng tâm của Uy Viễn tướng công, nhưng không thiếu hơi hám của rượu trong Thơ:
“Thơ một túi, phẩm đề câu nguyệt lộ
“Rượu ba chung, tiêu sái cuộc yên hà

(Cầm kỳ thi tửu)

“Ai say, ai tỉnh, ai thua được,
“Ta mặc ta, mà ai, mặc ai.

(Cầm kỳ thi tửu)

“Lưng bầu rượu say cổ kim kim cổ
“Một túi thơ vui hoa nguyệt nguyệt hoa

(Kiếp nhân sinh)

“Hẹn với lợi danh ba chén rượu
“Vui cùng phong nguyệt một bầu thơ

(Thoát vòng danh lợi)

“Trót đà khuya sớm với ma men,
“Mặc kệ người chê, mặc kệ khen.
(Uống rượu tự vịnh)

(Khuyết danh – Tết nói chuyện rượu)

 Ngầy

Ngầy: chê

(ngầy ngà)

(Tự điển tiếng Việt cổ – Nguyễn Ngọc San, Đinh Văn Thiện)

Chữ Nghĩa Làng Văn

Ông Sơn Nam chẳng hạn, mở cuốn Tuổi già của ông ra đọc, thấy: “râu ria “bùm tum” (trang 22), “lật bật” tới chợ” (trang 29), mất chỗ “đùm đậu” (trang 32)…, những chữ ấy đều không tìm thấy trong bộ Việt Nam tự điển của hội Khai Trí Tiến Ðức.

Nhưng viết nhiều tiếng lạ thì nhà văn Sơn Nam không theo kịp nhà văn Nguyễn Ngọc Tư. Trong một cuốn Tạp văn (3) chẳng hạn, bao nhiêu tiếng mới: cằn nhằn cử nhử (trang 50), lượng sượng không biết nói chuyện gì (59), những bộ quần áo mới má thắt thẻo chắt mót từng lọn rau bó cải để sắm cho con (75), mưa bắt đầu xập xoài (76), đầu chờ vờ như con cá lóc gặp nước mặn (84), mặt trời lựng bựng lên từ phía chân trời (84), mình cùm nụm cùm nựu lũ nó (tức lũ vịt con) (107), v…v…

Ối, phong phú không biết bao nhiêu mà kể.

(Viết lách – Võ Phiến)

Giai thoại làng văn xóm chữ

Câu đối

Một học trò nghèo, bữa kia phải đem áo đến cầm cho một nhà giàu, không ngờ nhà này lại là một ông quan hồi hưu. Ông quan trông thấy thương tình, bèn ra một vế đối thử tài:
Quân tử cố cùng, quân tử cùng quân tử cố
(Người quân tử bền lòng lúc cùng khổ, quân tử lúc cùng, quân tử bền lòng – Luận ngữ).
Khó ở chữ cố, vì đây lấy nghĩa nôm là cầm cố, ở chữ cùng, nghĩa nôm là cùng quẫn.

Anh học trò đối ngay:
Khổng Minh cầm túng, Khổng Minh túng, Khổng Minh cầm.
(Khổng Minh bắt, tha, Khổng Minh tha, Khổng Minh bắt – Tam quốc: Khổng Minh bắt Mạnh Hoạch bảy lần lại tha).
Tài tình ở chữ cầm, lấy nghĩa nôm cầm cố như trên, chữ túng nghĩa nôm là túng tiền, vừa đối chữ, vừa đối nôm.

Vị quan cấp ngay tiền cho, khỏi cần phải … cầm với cố!

(Lãng Nhân Phùng Tất Đắc – Chơi chữ 1960)

Tiếng lóng hiện thực

Tinh vi sờ ti con lợn

Chữ nghĩa làng văn xóm chữ (4)

Với bài Đi tìm lá diêu bông của Hoàng Cầm nữ phê bình gia văn học Thuỵ Khuê luận:

“Lá Diêu Bông là lá gì? Bí mật. Phải chăng là lá hạnh phúc? Là tình người? Là tự do? Là lòng trinh, là nghĩa liệt? Là gì chăng nữa thì diêu bông chắc chắn chỉ là ảo ảnh. Lá ảo ảnh, lá hư vô, lá tuyệt mù trong cõi sống.”

Đầu xuân Đinh Hợi 2007, tại Huế, qua bài Đi tìm lá diêu bông, nhà báo kiêm nhà thơ Ngô Minh nhận xét:

“Đọc trong văn cảnh, người ta nghĩ ngay đến chị đây là người có quyền muốn làm gì thì làm, tức là nhà nước. Còn em là nhà thơ, là văn nghệ sĩ, yêu chị mà chị không yêu cũng phải cam chịu. Muốn theo chị mà chị không cho, chị lắc đầu. Thế là vì Lá diêu bông, Hoàng Cầm đã phải ngồi tù 18 tháng. Nhưng thực tình Lá diêu bông không phải là bài thơ chống đối, không có ý gì chống đối ẩn trong đó cả, mà chỉ là bài thơ buồn, trách. Vì buồn, vì trách mà phải ngồi tù năm rưỡi ròng quả là quá oan nghiệt!”

(Lại Nguyên Ân -TríchHoàng Cầm tác phẩm – Thơ)

Chữ và nghĩa

Con quạ bay xa, bay qua vườn hoa kêu chua chát,
Con nhạn đậu lầu vàng nghỉ mát kêu sương
Nhạn kêu tiếng nhạn đau thương,
Đêm nằm nhớ vợ, ngày thường nhớ em.

Hát cô đầu (2)

Nghệ thuật múa hát ông cha ta học được của người Tầu đó truyền đến Thế kỷ 19 chia thành hai ngành chuyên biệt và chuyên nghiệp, nhiều người làm hai ngành này có thể sống được với nghề: trình diễn ca múa trên sân khấu: chèo, tuồng, và hát trong phòng: hát ả đào.

Hát ả đào, hay hát cô đầu, có nhiều cách, thể, điệu: Hát nói, Hát ru, Gửi thư, Kể chuyện, Bồng mạc, Sa mạc vv… Không có ý chuyên khảo về đề tài Hát Ả Đào nên tôi chỉ viết thoáng qua phần này. Lời của các điệu hát giống nhau, thường là thơ lục bát, lời Hát Nói là một thể riêng.

Hát Nói là điệu ca phổ biến nhất trong những điệu ca ả đào. Các thi sĩ xưa của ta sáng tác khá nhiều bài Hát Nói. Như thể thơ Lục bát, Hát Nói là thể thơ hoàn toàn Việt Nam; trong Hát Nói có rất ít ảnh hưởng của thơ Đường luật.

Tản Đà, Tú Xương, Nguyễn Khuyến, Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát đều sáng tác Hát Nói, nhiều bài được làm ra với dụng ý rõ ràng là để cho các cô đào hát. Một số vị quan lại thời ấy, tuy không phải là thi sĩ theo nghĩa thi sĩ chúng ta hiểu hiện nay, đã sáng tác Hát Nói, đặc biệt là sáng tác của những ông quan lại họ Dương: Dương Khuê, Dương Lâm, Dương Tự Nhu.
Nghề cô đầu ở nước ta thịnh vươnïg nhất cùng với thời hiển đạt của những ông Án sát, Tuần phủ, Tổng đốc nhà Nguyễn.

(Hình ảnh đàn bà trong thơ xưa – Hoàng Hải Thủy)

Chữ nghĩa với ca dao dân gian

Đi đâu mà chẳng lấy chồng

Người ta lấy hết chổng mông mà gào

Gào rằng đất thấp trời cao

Sao không thí bỏ cho tao tấm chồng

Ông trời ngoảnh lại ông trông

“Mày hay kén chọn ông không cho mày”

Lời quê (1)

Năm 75 quê hương như trong ca dao coi như thôi rồi. May mắn, khá nhiều “lời quê” đã được kịp thời chép xuống. Sau đây là ít lời ngẫu nhiên nhặt ra từ một số “cảo thơm”, với nhan đề tạm đặt. Khi nào có điều kiện, lại xin nhặt nữa.

Hôm qua tát nước…  
Vừa trắng vừa tròn  
Trong đục bên nào  
Mười thương, mười thương  
Ai ơi chơi lấy…  
Trèo lên cây bưởi…  
Anh đi, anh đi  
Lúc đêm khuya  
Chiếu xanh trải xuống…  
Có có không không  
Rồi sẽ, biết đâu… 

(Thu Tứ – Ca dao tuyển 1)

Viễn phố

“Từ điển từ và ngữ Hán Việt” giải thích rằng viễn: xa; phố: chỗ bán hàng, nhà trạm; và viễn phố: nơi ở xa. Rồi ông trích dẫn câu thơ Gác mái, ngư ông về viễn phố… của Bà huyện Thanh Quan. Ông (Nguyễn Lân) không hiểu rằng ở đây, phố nghĩa là bến sông chứ không phải phố là cửa hàng. Viễn phố nghĩa là bến sông ở xa. Bà huyện Thanh Quan ở thế giới bên kia hẳn phải vô cùng đau lòng cho đất nước nếu bà biết rằng có một nhà biên soạn từ điển tiếng Việt ở cuối thế kỷ XX đã giảng giải thơ của bà như thế.

(Hai quyển tự điển có hại cho tiếng Việt – Lê Mạnh Chiến)

Hôm qua tát nước… (2)

Năm 75 quê hương như trong ca dao coi như thôi rồi. May mắn, khá nhiều “lời quê” đã được kịp thời chép xuống. Sau đây là ít lời ngẫu nhiên nhặt ra từ một số “cảo thơm”, với nhan đề tạm đặt. Khi nào có điều kiện, lại xin nhặt nữa.

Khi anh “bỏ quên (…) trên cành hoa sen” cho em “được”, khi em cố ý “cởi (…) cho nhau” rồi “về nhà dối mẹ qua cầu gió bay”, cái áo ai bảo chỉ để mặc!

Người nông dân Việt Nam tình tứ nhất thế giới!

Hôm qua tát nước đầu đình, 
Bỏ quên cái áo trên cành hoa sen. 
Em được thì cho anh xin, 
Hay là em để làm tin trong nhà. 
Áo anh sứt chỉ đường tà, 
Vợ anh chưa có, mẹ già chưa khâu. 
Áo anh sứt chỉ đã lâu, 
Mai mượn cô ấy vào khâu cho cùng. 
Khâu rồi, anh sẽ trả công, 
Ít nữa lấy chồng, anh lại giúp cho: 
Giúp em một thúng xôi vò, 
Một con lợn béo, một vò rượu tăm; 
Giúp em đôi chiếu em nằm, 
Ðôi chăn em đắp, đôi trằm em đeo; 
Giúp em quan tám tiền cheo, 
Quan năm tiền cưới, lại đèo buồng cau!

(Thu Tứ – Ca dao tuyển 1)

Ngộ  Không

(Sưu Tập)

©T.Vấn 2022

Bài Mới Nhất
Search