T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngộ Không: Chữ nghĩa làng văn (Kỳ 239)

Kiến văn tiểu lục

Cách đây 300 năm, cụ Tam nguyên Duyên Hà Lê Quý Đôn viết sách Kiến văn tiểu lục (chép vặt những điều thấy nghe) ghi chép lại trong sách những chuyện hay, nhỏ, vui, lạ và khoảng 100 câu người xưa để lại từ đời Trần đến đời Lê những lời khuyên cho người đời như:

“Giới tửu hậu ngữ, giới thực thời sân. Nhẫn nan nhẫn sự, thuận bất thuận nhân.”

(Không nói sau khi uống rượu, không giận dữ khi đang ăn. Nhịn được chuyện khó nhịn, thuận với người không thuận mình)

(Nguồn: Hoàng Hải Thủy – Báo Sài Gòn Nhỏ)

Có ăn có chọi mới gọi là trâu

Lời nói đi đôi với việc là mới là người có thực học, thực tài.

(Việt Chương – Thành ngữ, tục ngữ, ca dao VN)

Nghiêng lụy

Em ngự trị một góc lớn của Thơ. Em thường ở trong đời. Thỉnh thoảng có Em ra ở ngoài đời, như Em Kiều trong Đoạn trường tân thanh,  Em Sư trong…Nghiêng lụy.

Đời không phải cứ bước ra khỏi là quên được đâu. Mà không phải đã cố ý tránh là sẽ không gặp lại. Cho nên một chiều, dưới mái tam quan, tiếng chim rơi thánh thót, giọt trăng lã chã. Ới Bụt ơi!

(…)

Tình cờ gặp em 
Em đã là sư bác 
Nhìn trước nhìn sau 
Em khẽ khóc 
Mái tam quan 
Thánh thót tiếng – chim – rơi 
Ngại đường tu dang dở 
Em vội lau nước mắt 
Vạt áo nâu đẵm màu cát bá 
ngày xưa 
Trót nhớ mãi 
Một chiều nghiêng lụy 
Nước mắt em sư 
Lã chã trăng – Kiều.

(Phùng Cung Tuyển 1 – Thu Tứ)

Chữ nghĩa làng…nhậu

Ở đời chẳng biết sợ ai,

Sợ thằng say rượu nói dai tối ngày.

Chữ và nghĩa

Rất nhiều từ ngữ mà chúng ta cho là của người trong nước sau 75, thực ra là của Việt Nam trước đó. Vậy tiếng nào là tiếng của người Việt trước hay sau 75?

Ðộng não:là danh từ quen thuộc tại Miền Nam (ít nhất trong môn tâm lý sư phạm). “Vận dụng trí óc” gần đúng với “động não,” nhưng không phải là chữ của Miền Nam thay cho “động não.”

Còn “suy luận, suy nghĩ” đều được dùng ở cả hai miền, với nghĩa hơi khác với “động não”

(Tâm Thanh – Chiêu hồi ngôn ngữ)

Loã

Loã: trần truồng

(loã thể – loã lồ)

(Tự điển tiếng Việt cổ – Nguyễn Ngọc San, Đinh Văn Thiện)

Đất lề quê thói với phong tục cổ truyền

Gia phả

Gia phả được coi là hoàn chỉnh trước hết phải là một gia phả được ghi chép rõ ràng, chữ nghĩa chân phương có ghi rõ tên người sao lục, biên soạn thuộc đời thứ mấy, năm nào, triều vua nào, căn cứ vào bản nào, tên người tục biên qua các đời cũng có cước chú rõ ràng. Đầu gia phả có lời tựa ghi được nguồn gốc xuất xứ của thủy tổ có cứ liệu thành văn hay truyền ngôn.

Mở đầu là thuỷ tổ, lần lượt đến tiên tổ các đời, nối dòng đến lớp con cháu mới sinh.

Đối với tiền nhân có các mục sau đây:

Tên: Gồm tên huý, tên tự, biệt hiệu, thụy hiệu và tên gọi thông thường theo tập quán địa phương? Thuộc đời thứ mấy?

Con trai thứ mấy của ông nào? Bà nào?

Ngày tháng năm sinh (có người còn ghi được cả giờ sinh).

Ngày, tháng, năm mất? Thọ bao nhiêu tuổi?

Mộ táng tại đâu? (có người ghi được cả nguyên táng, cải táng, di táng tại đâu? Vào tháng, năm nào?).

Học hành, thi cử, đậu đạt, chức vụ, địa vị lúc sinh thời và truy phong sau khi mất: Thi đậu học vị gì? Khoa nào? Triều vua nào? Nhận chức vị gì? năm nào? Được ban khen và hưởng tước lộc gì? Sau khi mất được truy phong chức gì? Tước gì? (những vị hiển đạt thì mục này rất dài.

Ví dụ trong Nghi Tiên Nguyễn gia thế phả, chỉ riêng Xuân quận công Nguyễn Nghiễm, mục này đã trên mười trang)

Vợ: Chánh thất, kế thất, thứ thất…

Họ tên, con gái thứ mấy của ông nào, bà nào? Quê ở đâu? Các mục ngày, tháng, năm sinh, ngày, tháng, năm mất, tuổi thọ, mộ, đều ghi từng người như trên.

Nếu có thi đậu hoặc có chức tước, địa vị, được ban thưởng riêng thì ghi thêm.

Con: Ghi theo thứ tự năm sinh, nếu nhiều vợ ghi rõ con bà nào? Con gái thì cước chú kỹ: Con gái thứ mấy, đã lấy chồng thì ghi tên họ chồng, năm sinh, con ông bà nào, quê quán, đậu đạt, chức tước? Sinh con mấy trai mấy gái, tên gì? (Con gái có cước chú còn con trai không cần vì có mục riêng từng người thuộc đời sau).

Những gương sáng, những tính cách, hành trạng đặc biệt, hoặc những công đức đối với làng xã, họ hàng, xóm giềng…

Ngoài những mục ghi trên, gia phả nhiều họ còn lưu lại nhiều sự tích đặc biệt của các vị tiên tổ, những đôi câu đối, những áng văn hay, những bài thuốc gia truyền…đó là những tài sản quý giá mà chúng ta để thất truyền, chưa biết khai thác. Tuy nhiên, nếu tìm được quốc sử, hoặc trong gia phả, thần phả khác những tư liệu liên quan thì có thể giúp đời sau thêm sáng tỏ.

Rượu ta…ngoại truyện

Quan quả

Quan: tức quan phu, người đàn ông góa vợ.

Quả: tức quả phụ, người đàn bà góa chồng

Thành ngữ “quan quả cô đơn” chỉ người có cuộc sống lẻ loi.

Cách nấu rượu

Để có được rượu ngon tuyệt hảo người ta phải chăm chút từng hạt nếp, cục men, từng động tác chưng cất, pha chế để được loại rượu ngon nhất. Chọn nếp là bước quan trọng đầu tiên. Muốn được rượu trong thì nếp phải ”rặt”, tuyệt đối không được lộn hạt gạo nào. Thường là nếp mỡ và nếp mù u và nếp than đen tuyền, … Sau khi chọn nếp ngon, đem nấu thành cơm nếp, để nguội (còn âm ấm) thì rắc men vào (giã nhuyễn) vào ủ kín. Men rượu nguyên thủy được mài rễ thảo mộc hoặc men bí truyền chế từ các vị thuốc bắc: quế khâu, đinh hương, trần bì, quế chi, đại hồi cộng thêm nhãn lồng, trầu hương… Sau ba đêm, men đã lên, người ta chan nước vào ủ kín lại như lúc đầu, để thêm ba đêm sau nữa thì nấu.

Lò nấu rượu đắp bằng đất sét. Cơm rượu được cho vào trã (loại nồi bằng đất nung lớn), dùng rơm, rạ, cũi khô đun lên, hỗn hợp cơm rượu có nước bay hơi, người ta cho hơi nước ấy gặp lạnh (nước lạnh này chứa trên cái diệm sành) thì ngưng lại thành giọt rượu, cứ thế hứng vào chai, ve, …Lúc trước nấu bằng rơm, trấu nên phải mất cả ngày trời mới xong một mẻ rượu, nay nấu bằng than đá nên nhanh hơn, chỉ cần khoảng 4 tiếng đồng hồ là xong (một tiếng đun sôi, 3 tiếng chưng cất rượu).

Rượu lấy được lúc đầu gọi là rượu gốc, nước trong veo, cao độ, cứ thế dần về sau nước rượu nhạt dần. Khi nấu xong, tùy theo yêu cầu và mục đích dùng người ta pha “nước gốc” và “nước ngọn” chung vào nhau, cũng có khi để nguyên rượu gốc mà dùng, hay pha thêm nước cho nồng độ lạt bớt đi!

(Nguồn: Bùi Túy Phượng)

Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ

Em cứ hẹn nhưng em đừng đến nhé,
Để lòng buồn anh dạo khắp trong sân,
Nhìn trên tay thuốc lá cháy lụi dần,
Anh khẽ bảo: Gớm, sao mà “đểu” thế!

(thơ…Hồ Dzếnh)

Truyện Kiều của Nguyễn Du, Tú Bà dạy Kiều nghề chơi:

Này con thuộc lấy làm lòng
Vành ngoài bảy chữ, vành trong tám nghề

Theo truyện Kim Vân Kiều của Thanh Tâm Tài Nhân thì “Bảy chữ” lần lượt là:

1. Khấp: tức là khóc giả bộ thương yêu, quyến luyến làm khách không muốn rời.
2. Tiện: cắt một ít tóc của mình và một ít tóc của khách; trộn chung lại rồi chia hai; mỗi người buộc vào cánh tay để tỏ ý muốn kết tóc se tơ (duyên).
3. Thích: dùng mực xạ xâm tên người khách vào bắp tay hoặc bắp đùi mình để khách trông thấy cho là mình chung tình.
4. Thiêu: đốt hương (nhang) giả bộ thề nguyền rồi chích hương nóng vào tay mình và tay khách để tỏ dạ chung tình. Có sáu vị trí được đề nghị để thiêu:
a)- Bụng kề bụng gọi là “chính nguyện đồng tâm.”
b)- Đầu chụm đầu gọi là “chính nguyện kết tóc.”
c)- Tay tả mình khít với tay tả khách gọi là “hứa nguyện liên tình bên tả.”
d)- Tay hữu mình liền với tay hữu khách gọi là “hứa nguyện liên tình bên hữu.”
e)- Đùi tả mình khít với đùi hữu khách gọi là “hứa nguyện giao đùi bên tả.”
f)- Đùi hữu mình khít với đùi tả khách gọi là “hứa nguyện giao đùi bên hữu.”
5. Giá: hứa lấy khách làm chồng, giả đò thề hẹn, bàn cách lấy nhau.
6. Tẩu: rủ khách cùng đi trốn.
7. Tử: đòi chết để tỏ ra chung tình với khách.
(Trần Văn Giang – Bảy chữ tám nghề)

Có mồm thì cắp, có nắp thì đậy

Cắp: Ngậm lại, đậy, bịt, nôm na là giữ mồm giữ miệng.

(Việt Chương – Thành ngữ, tục ngữ, ca dao VN)

Câu đố

Xét trong quan hệ với vật đố, tức cách biểu thị vật đố ra sao, hình ảnh ở lời đố thường được sử dụng theo kiểu dùng lời Hán Việt. Dùng lời Hán Việt thay vì dùng lời thuần Việt để miêu tả vật đố, trong bối cảnh hầu hết người chơi câu đố chỉ biết bập bõm đôi tiếng Hán Việt, cũng nhằm thể hiện lối lạ hoá hình ảnh. 

Thí dụ:
“Thân trường xích thốn,
Y phục thậm đa;
Sinh vô ngôn ngữ,
Tử động sơn hà”.

***
(Mình dài một tấc,
Quần áo quá nhiều;
Sống chẳng biết nói,
Chết la vang trời)

(Cái pháo) 

(Triều Nguyễn – Cách sử dụng hình ảnh trong câu đố)

Triết lý củ khoai

Ta cứ ngỡ xuống trần chơi một chốc 
Nào ngờ đâu.. lăn lóc đến hôm nay!
(Thích Tánh Tuệ)

Dùi đục chấm mắm cáy!
(Trở lại đề mục này qua một nguồn khác…) 

Trong cuốn “Thành ngữ tiếng Việt”, Nguyễn Lực và Lương Văn Đang đã thu thập cả hai dạng thành ngữ này và giải thích cùng một nghĩa là “không phù hợp, thô bạo, thiếu tế nhị”.

Trong thực tế giao tiếp hằng ngày, người ta thường nói “dùi đục chấm mắm cáy ” hơn là “bầu dục chấm mắm cáy”. Tuy vậy “bầu dục chấm mắm cáy” lại là dạng ban đầu, dạng khởi thủy; còn “dùi đục chấm mắm cáy” chỉ là biến thể do đọc chệch “bầu dục” ra “dùi đục” mà thành.
Nghĩa của thành ngữ “bầu dục chấm mắm cáy” hình thành trên của sự chênh lệch hay tính không tương hợp giữa thức ăn và gia vị. Bầu dục là món ăn ngon và hiếm. Chẳng thế mà trong kho thành ngữ, tục ngữ của Việt Nam còn có câu:
Sáng ngày bầu dục chấm chanh
Trưa gỏi cá cháy, tối canh cá chày

Vậy mà cái món ngon và hiếm ấy lại đem chấm với mắm cáy, một thứ mắm xoàng nhất, có thể nói là mạt hạng trong các loại mắm ở vùng biển. Bầu dục nếu ăn đúng cách phải chấm với chanh hay nước nước gừng. Còn mắm cáy chỉ dùng để ăn với rau muống, dua, cà…

Trong “Phú Việt Nam” có bài “Đàm tục phú” -một bài phú khuyết danh từ thế kỷ trước-khi phê phán những kẻ văn dốt, võ nhát nhưng lại ham muốn học đòi những người có khả năng kinh bang tế thế, cũng liên hệ đến sự chủng chẳng, không phù hợp giữa bầu dục và mắm cáy:
Chủng chẳng như bầu dục mắm cáy, muốn bậc kinh luân
Chình chịch như khối đất nắm ao bèo, toan bề thao lượcCó thể là do những nét tương tự về ngữ âm giữa bầu dục và dùi đục mà xuất hiện biến thể “dùi đục chấm mắm cáy”. Vả lại, biến thể này cũng cho phép có một cách giải thích khác của nó mà xem chừng cách giải thích ấy cũng có thể chấp nhận được.

(Nguồn: Kể chuyện thành ngữ tục ngữ)

Tục ngữ và thành ngữ

– Tục ngữ: Là một câu tự nó diễn trọn vẹn một ý, một nhận xét, một kinh nghiệm, một luân lý, có khi là một sự phê phán.
– Thành ngữ: Là một phần câu sẵn có, nó là một bộ phận của câu, mà nhiều người đã quen dùng, nhưng tự riêng nó không diễn được một ý trọn vẹn.

Thí dụ như: “Cá bể, chim ngàn” hay “Người chửa, cửa mả”…

Có người nói tục ngữ là ngạn ngữ, là lời nói đã lưu hành từ xưa.

Chữ ngạn có nghĩa là lời nói của người xưa.

Ngộ  Không

(Sưu Tập)

©T.Vấn 2022

Bài Mới Nhất
Search