T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngộ Không: Chữ nghĩa làng văn (Kỳ 243)

Hương ước

Hương ước là bản ghi chép các điều lệ liên quan đến dân cư sinh sống trong làng. Các điều lệ này hình thành dần trong lịch sử, được điều chỉnh khi cần thiết. Xưa, các điều ấy quen gọi là lệ làng. Hương ước không chỉ đề ra các hình thức trừng phạt với các việc làm trái mà còn đề ra những khen thưởng việc tốt, có ích cho làng. Như vậy, hương ước có vai trò với việc ổn định nếp sống trong làng, một phần dựa vào hình phạt mà cao nhất là đuổi khỏi làng. 

Hương ước có nguồn gốc từ tục lệ làng, được văn bản hoá vào thế kỷ 15, xuất hiện phổ biến từ thế kỷ 17 trở đi, và được viết trên giấy, gỗ, bia đá hay những lá đồng. Nhìn chung, hương ước gồm: Các quan hệ trong làng xã. văn hoá, thờ cúng. Khen thưởng và xử phạt trong việc tuân thủ các quy ước của làng xã.

(Nguyễn Thanh Hải – Giá trị của hương ước)

Chữ Việt trong sáng

– Ghép Hán Nôm một cách kỳ lạ, như:

Siêu sao, siêu rẻ, siêu lạ…)

– Ghép Hán Việt với Hán Việt cũng lạ không kém, như:

Siêu mẫu, kích cầu, giao hợp…

Biên khảo văn học Hán Nôm

Chính vì thiếu sót tài liệu mà các nhà biên khảo văn học thường gặp những nghi vấn và lập lại những sai lầm của nhau. Học giả Hoàng Xuân Hãn với các tài liệu chính xác và khả tín được dẫn chứng trong tác phẩm Chinh Phụ Ngâm Bị Khảo(nxb Minh Tân, Paris, 07/1953) đã làm sáng tỏ một nghi án lớn trong văn học Việt Nam: dịch giả tác phẩm của Đặng Trần Côn không phải là bà Đoàn Thị Điểm như mọi người vẫn lầm tưởng, mà Phan Huy Ích mới đích thực là tác giả những lời thơ bất hủ trong bản dịch Chinh Phụ Ngâm (bà Đoàn Thị Điểm cũng có dịch Chinh Phụ Ngâm, nhưng bản dịch của bà không phải là bản đã được ưa chuộng và dùng trong chương trình giáo khoa).

Công trình khám phá của học giả Hoàng Xuân Hãn chỉ là một trường hợp thật hãn hữu, chúng ta còn rất nhiều những sai lầm, thiếu sót cần được hiệu chính và bổ túc cho chính xác và đầy đủ hơn. Xin đơn cử vài thí dụ: dịch giả Bích Câu Kỳ Ngộ là vô danh hay Vũ Quốc Trân? Tác giả Nhị Độ Mai là vô danh hay Hồ Quốc Lộc (1734-1771)?  Nguyễn Công Trứ mất năm 1858 hay 1859?  Nguyễn Khuyến được sơ bổ Đốc Học Thanh Hóa hay Nội Các Thừa Chỉ?  Phạm Quỳnh có ba năm sinh: 1890, 1891, 1892, năm nào đích thực là năm sinh của chủ bút Nam Phong? Bài văn tế Đại Úy Francis Garnier là của Tam Nguyên Yên Đổ hay thực ra đó là bài văn tế Thiếu Úy Crevier do một nhà Nho ở Thái Bình làm? Thành viên của Tự Lực Văn Đoàn có 7 người, nhưng căn cứ trên dòng chữ “Trong Tự Lực Văn Đoàn” đề dưới tên tác giả ngoài bìa mỗi quyển sách của nhóm thì chỉ có 6 người là:

Nhất Linh, Khái Hưng, Hoàng Đạo, Thạch Lam, Thế Lữ, Tú Mỡ, còn người thứ 7 là ai?…

Điều hiển nhiên là trong lãnh vực biên khảo không một tác giả nào có thể tránh hết được các sai sót, không thể đính chính tất cả những sai lầm, đánh tan mọi nghi vấn văn học từ chữ Hán, chữ Nôm đến chữ Quốc Ngữ.

(Trần Bích San – Những trở ngại biên khảo văn học Hán Nôm)

Ca dao tình tự

Nói đến trai gái dan díu

Bươm bướm mà đậu cành hồng

Đã yêu cô chị lại bồng cô em

(Bùi Kim Chi – Khảo luận về ca dao dân ca)

Đất lề quê thói với phong tục cổ truyền

Khai lão

Bây giờ đến bậc ăn dưng nhỉ,

Có rượu thì ông chống gậy ra.

(Nguyễn Khuyến)

Lên lão cũng phải khao. “Khao lão” không khó khăn như khao vị thứ đình trung. Lo đủ lệ là được, có mời  thì mời phe giáp hay thôn xóm khắc đến, vì lên lão là quyền đương nhiên không phải cậu cạnh.

Những nhà giàu nhân dịp bày tiệc mừng thọ tế lễ, ăn uống linh đình. Tế sống cha mẹ, có văn chúc thọ với ban tư văn hành lễ trợ tế. Cha mẹ ngồi phía trong, con trái, gái, dâu, rể, cháu chắt, phân thứ bậc trên dưới đứng hai bên, nam bên trái, nữ bên phải, làm lễ tế ba tuần rượu, có tấu nhạc trọng thể, vui vẻ. Tế sống cha mẹ mỗi lần hai lạy, khác tế thần, tế tổ mỗi lần bốn lạy. ở đất văn vật, bài văn tế chúc thọ thường là cả một công trình bút mực, có khi người trong vùng nô nức đến xem tế và nghe đọc văn.

Tiếng Việt trên net

wài = hoài 
wờ wạng = quờ quạng

(Nguồn: Gio-o.com)

Ca dao tình tự

Nói đến trai gái dan díu

Ước gì dải yếm em dài

Để em cột lấy hai chàng hai bên

(Bùi Kim Chi – Khảo luận về ca dao dân ca)

Chuyện nhà Minh cướp sách đem về Tàu

Cách đây vài năm, giáo sư tiến sĩ Lê Mạnh Thát viết: Việt Nam còn một cuốn sử mà ngay cả sử gia Ngô Sĩ Liên cũng không biết, đó là cuốn Đại Việt Sử Lược là bộ biên niên sử xưa nhất của ta. Ông giải thích bộ này được viết vào đời Trần và bị thất truyền ở Việt Nam vì khi giặc Minh vơ vét mọi sách vở, bia đá, bản gỗ có chữ mang về Tầu, đã mang theo cuốn này, cuối cùng năm 1776 nó lọt vào tay vua Càn Long nhà Thanh. Nay đang nằm trong Tứ khố toàn thư ở Bắc kinh nhưng bị bỏ đi một chữ trong nhan đề, chỉ còn là “Việt sử lược.”.

– Nhiều người cho rằng Đại Việt Sử Lược này là cuốn Việt Chí của Trần Phổ đầu đời Trần soạn với giai đoạn đời Trần thêm vào sau. Cuốn Việt Chí mà Lê Văn Hưu sử dụng để viết nên cuốn Đại Việt Sử Ký (*). Tuy nhiên, một số học giả Tây phương và Nhật Bản lại cho rằng Đại Việt Sử Lược chính là cuốn Đại Việt Sử Ký của Lê Văn Hưu thu gọn lại.

Đó là một bộ sử Việt viết vào đời Trần mà người Việt đương thời không biết, mãi vài thế kỷ sau mới nghe đến tên nó.

(*) Từ Đại Việt Sử Ký của Lê Văn Hưu, sử thần Ngô Sĩ Liên đời Lê viết Đại Việt Sử Ký Toàn Thư.

 Đại Việt Sử Ký Toàn Thư.

(Lê Mạnh Hùng – Nhìn lại sử Việt)

Léo

Léo: gian dối

(lắt léo)

khôn một người một léo, khéo một người một ý

(Tự điển tiếng Việt cổ – Nguyễn Ngọc San, Đinh Văn Thiện)

Giai thoại làng văn xóm chữ

Sắt ngắn, gỗ dài

Hồi Nguyễn Bỉnh Khiêm từ quan về quê làng Trung Am mở trường dạy học, học trò theo học rất đông. Vào buổi tối 30 tết năm nọ; ông Trạng đang ngồi đàm luận về lý số với một anh học trò xuất sắc của ông đến thăm và biếu ông lễ vật, thì bỗng ngoài cổng có tiếng người gọi. Ông sai gia nhân ra bảo hãy chờ một chút. Trong khi đó, ông và người học trò cùng bấm quẻ để thử đoán xem người đó vào có việc gì?
Cả hai thầy trò cùng bấm vào một quẻ “thiết đoản, mộc trường”. Nghĩa là “Sắt ngắn, gỗ dài”. Ông hỏi người học trò:
– Vậy anh đoán người đó vào đây có việc gì?
Anh học trò trả lời:
– Thưa thầy! “Thiết đoản, mộc trường, theo ý con, người vào đây chắc hẳn chỉ có mượn chiếc mai đào đất mà thôi, chứ ngoài ra không còn cái gì là “sắt ngắn, gỗ dài” nữa.

Ông cười nói:
– Khác với anh, tôi lại đoán người đó vào đây mượn búa.
Nói xong, ông cho mở cổng. Quả nhiên người ấy vào hỏi mượn búa thật.
Anh học trò chững người ra vì sự đoán sai của mình. Thấy vậy, ông giải thích cho anh học trò:
– Kể thì anh bấm quẻ cũng giỏi, nhưng mức đoán còn thấp. Anh bảo “sắt ngắn, gỗ dài” mà đoán là mượn mai, như vậy thử hỏi, 30 tết người ta đến đây để mượn mai làm gì cơ chứ? Còn tôi bảo là người đó vào mượn búa để về bổ củi nấu bánh chưng Tết mà thôi. Bấm quẻ đã đúng nhưng khi đoán còn phải có ý thức cơ biến, mà tránh được những sự sai lầm.

Chữ và nghĩa

Chất phác – Gốc viết là phác chất, nay quen viết ngược lại cũng không đổi làm gì. “Phác” là cây gỗ mộc, chưa làm gì tới, chất có nghĩa như bản chất.

(Ngô Nhân Dụng – Phiếm khảo)

Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ

Thứ nhất vợ dại trong nhà,
Thứ nhì trâu chậm, thứ ba rựa cùn.

Chữ nghĩa làng văn

Đưa đũa ghét năm – Đưa tăm ghét mười.
Đây là một lời khuyên răn: Chẳng nên trao đũa và trao tăm trực tiếp cho ai cả. Có muốn chăng thì nên đặt đôi đũa hoặc chiếc tăm trên bàn cái đã, rồi để mặc cho người kia đưa tay nắm, lượm mà dùng theo ý của mình. Và đây là lời bàn thêm:
Câu này chỉ là tin nhảm hoặc mê tín (superstition) , đầu nhọn của đũa và tăm có thể gây thương tích cho nhau. Thế thường, đũa thì có đôi có cặp, còn tăm thì đơn độc lẻ loi. Cả hai thứ đều: đầu đuôi to nhỏ không đều nhau. Và đầu phải to hơn đuôi, cũng như người ta nói “đít không cao hơn đầu”, v..v..

(Thái Văn Kiểm – Kho tàng tiếng Việt)

Chữ nghĩa hiện thực

Đối với em….anh là cỏ rác…

Nhưng đối với đứa khác anh lại là…CácMác, LêNin.

Nấu rượu

Nguyên liệu chính được nấu, đồ chín, đánh tơi và trộn với men rượu tán thật nhỏ mịn cho đều khi nguyên liệu vẫn còn ấm. Đem ủ kín trong chỗ ấm một thời gian nhất định tùy theo thời tiết, loại nguyên liệu, loại men, vùng miền và kinh nghiệm người nấu rượu khoảng vài ngày cho sản phẩm lên men chuyển hóa tinh bột thành rượu.

  Sau đó cho sản phẩm đã lên men vào nồi chưng cất đun lửa đều để rượu (cồn) bay hơi. Trên miệng nồi có một ống nhỏ để dẫn hơi rượu và một phần hơi nước trong quá trình nấu ra ngoài. Ống dẫn dài và một phần lớn độ dài của ống được ngâm trong bồn nước lạnh để hơi rượu ngưng tụ thành giọt lỏng chảy vào bình/chai đựng rượu. Nếu lấy ít rượu ta sẽ được “rượu nước đầu” hay rượu bọt, có nồng độ cao nhất (thường 15 lít gạo cho được khoảng 5 lít rượu có nồng độ cao đến 64-65 độ). Tuy nhiên, hiếm khi người sản xuất rượu chỉ lấy nước đầu, thường người ta còn chế thêm nước vào nồi, khuấy kỹ và tiếp tục chưng cất cho các nước 2, nước 3, sau đó đem phối trộn với nước đầu để cho loại rượu có nồng độ vừa phải.

Rượu có nồng độ cồn tùy người chưng rượu. Nếu muốn độ rượu thật cao cho một mục đích nào đó (như dùng để ngâm rượu thuốc) có thể đem rượu chưng tiếp lần 2, nếu muốn nồng độ thấp thì người ta phối trộn các nước rượu đậm nhạt vào nhau.

Triết lý củ khoai

Lúc bé tưởng nói quên là có thể quên được, giờ mới biết có những chuyện càng muốn quên thì nó lại càng ở mãi trong lòng

Vũ Bằng

Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam đã xuất bản “Nhà văn Việt Nam hiện đại”, dày 1200 trang khổ lớn, tập hợp chân dung trên một ngàn nhà văn các thế hệ, từ các cụ Ngô Tất Tố, Phan Khôi… cho đến lớp nhà văn vừa được kết nạp như Nguyễn Danh Lam, Phan Huyền Thư…

Trên 350 nhà văn được bổ sung lần in này, đương nhiên hầu hết là những nhà văn được kết nạp trong 10 năm qua. Vấn đề chính là ở những “biệt lệ” – một số ít nhà văn được bổ sung, tuy không phải là “hội viên”. Trong phần “Các nhà văn mất trước khi thành lập Hội”, bổ sung thêm nhà văn Vũ Bằng và Lan Khai.

Thực ra, xếp Vũ Bằng vào phần này là một sự khiên cưỡng, vì ông mất năm 1984 mà Hội Nhà văn Việt Nam thành lập năm 1957!. Phần tiếp theo “Các nhà văn chưa hội viên hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ”, bổ sung thêm nhà thơ Ngô Kha.

Trước hết, cần ghi nhận thiện ý của Ban biên tập đã bước đầu có sự nhìn nhận, đánh giá lại cống hiến của các nhà văn không (hoặc chưa) phải là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam.

(Nguyễn Khắc Phê – Nhà văn hiện đại)

Chữ nghĩa làng…nhậu

Rượu nhạt uống lắm cũng say,
Người khôn nói lắm dẫu hay cũng nhàm.

Chơi chữ

Chơi chữ là dùng phương thức diễn đạt sao cho hai lựơng ngữ nghĩa khác hẳn nhau đựơc biểu đạt bởi cùng một hình thức ngôn ngữ, nhằm tạo nên sự thú vị mang tính chất chữ nghĩa. Càng làm phong phú thêm ngôn ngữ, văn chương Việt Nam . 

Tạo nhiều trùng âm: Cái khó là trong câu ca dao làm sao lập đi lập lại cho trùng âm mà nghe vẫn hay: 
-Anh hùng đến đó thì vô , 
Không vô rồi lại trách vô vô tình . 

-Vò chi, vò đỗ, vò vừng ; 
Như đây với đó, xin đừng vò nhau . 

-Trồng bông, luống đậu luống cà, 
Ai làm cho luống công ta thế này?

Ngộ  Không

(Sưu Tập)

©T.Vấn 2023

Bài Mới Nhất
Search