T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngộ Không: Chữ nghĩa làng văn (Kỳ 248)

Chữ Việt cổ (IV)

Sau nhiều năm khảo sát, nghiên cứu những hình vẽ, chữ viết trên đã cổ Sa Pa, giáo sư Lê Trọng Khánh đã công bố:

Trên 200 bản khắc trên đá cổ Sa Pa (190 tảng còn lại, gần 20 tảng bị phá), tôi thấy chữ viết đồ họa thuộc tiền văn tự, duy nhất chỉ một tảng ở Tả Van là có chữ. Đây là loại hình chữ “khoa đẩu”, các ký tự này đồng nhất với với chữ viết của người Thái đen Tây Bắc. Điều đó cho phép ta giải mã và hiểu được những ký tự trên đá cổ Sa Pa. Những chữ viết hình vẽ này đã vượt qua giai đoạn vẽ hiện thực nguyên thủy và đã tiến tới chữ biểu ý đầu tiên. Vì vậy có thể coi đây là loại hình chữ viết biểu ý có thể đọc được. Theo quan điểm của văn tự học hiện đại qui định thì chữ viết hình vẽ – văn tự đồ họa Sa Pa truyền đạt cả ý cả câu – chữ viết ghi câu. Như vậy ta có thể giải mã được ý nghĩa chữ viết trên đá cổ Sa Pa một cách khoa học.

Toàn bộ có trên 30 chữ, một số chữ bị mất hoàn toàn, đặc biệt là mất gần hết các dấu ở vị trí trên và dưới chữ, điều đó làm cho việc giải mã gặp rất nhiều khó khăn, trong khi ta chưa có điều kiện kỹ thuật để phục hồi những chữ đã mất.

(Trần Vân Hạc – Chữ Việt cổ)

Bạch dương

Trong thơ có câu “Đường quan chiều bóng ngã bạch dương – Rộ lòng lữ khách vương vương lối sầu”.

Bạch dương là một loại cây dương liễu trồng những nơi có cát và xứ lạnh. Lá một mặt xanh, một mặt trắng nên được gọi là bạch dương.

Tiếng lóng mới ở trong nước

– Lác: ba xạo.

– Dẹo: có nghĩa là mồi chài ai được món đồ gì đó.
Ví dụ: Con nhỏ đó mới dẹo được thằng bồ nó chiếc xe Honda.
– Nhão: ỏng ẹo, điệu đàng, làm dáng, không được tự nhiên.

Ví dụ: nhỏ đó nói chuyện nhão quá trời.   

(Nguồn: Thanhda.com)  

Truyện hậu hiện đại (5-A)

Nếu nghệ thuật tự sự Việt Nam là chuyện, thì có thể nói nghệ thuật tự sự hậu hiện đại trên thế giới là tính chất phi-chuyện:

Đó là truyện không cần có chuyện, truyện được xây dựng trên cái gọi là phản-tiểu thuyết (antifiction), siêu tiểu thuyết (surfiction), tiểu thuyết mới (nouveau roman). Tiểu thuyết hậu hiện đại là một nỗ lực phản-chuyện, từ đó làm nẩy sinh hiện tượng truyện-trong-truyện hay truyện-về-truyện. Cũng như làm xuất hiện vai trò của tác giả như một kẻ trực tiếp tham dự vào câu chuyện, và quan trọng hơn hết, hình thành thủ pháp siêu hư cấu (metafiction), tính chất hư cấu của câu chuyện, nhắc nhở người đọc về sự hiện hữu của câu chuyện như một sản phẩm nghệ thuật, qua đó, đặt nghi vấn về mối quan hệ giữa hiện thực và tiểu thuyết.

Từ đó, làm nảy sinh việc trích dẫn; việc sử dụng nhiều loại văn bản phi văn chương, từ nhật ký đến thư từ, bản tin cắt từ báo chí, thủ pháp collage, thủ pháp viết lại các văn bản cũ. Các truyện sáng tác theo phong cách hậu hiện đại đều có vẻ gì như vô lý và phi thực, bất chấp lối viết truyện truyền thống như sự mạch lạc trong cốt truyện và sự hợp lý trong tình tiết . Cả hai tính chất ấy cũng góp phần tạo thành một loại “văn chương của sự phong dật” (literature of replenishment) nói theo ngôn ngữ của John Barth, hay một loại “văn chương du/đạo văn” (literature of plagiarism), nói theo ngôn ngữ của Raymond Federman.

(Truyện: Một số vấn đề mỹ học – Nguyễn Hưng Quốc)

Chữ nghĩa làng…nhậu

Rượu nằm trong nhạo chờ nem 
Anh nằm phòng vắng chờ em lâu về

Truyện hậu hiện đại (5-B)

Trong cái gọi là nền văn chương của sự phong dật hay nền văn chương du/đạo văn ấy, người ta có thể sử dụng lại, thậm chí có thể viết lại, vô số các văn bản cũ. Tác phẩm văn học trở thành một bức tranh được cấu tạo bằng nhiều phần mảnh rút ra từ / hoặc được bắt chước từ / nhiều tác phẩm khác nhau. Trong tinh thần hậu hiện đại chủ nghĩa, nhà văn có thể sáng tạo bằng cách nhặt nhạnh những mảnh văn bản có sẵn và lắp ghép lại theo kiểu người ta làm tranh khảm (mosaic).

Duy chỉ có một đặc điểm quan trọng là: Bức tranh khảm bằng ngôn ngữ ấy không có khuôn sẵn. Cái khuôn ấy là điều mà mỗi nhà văn, khi sáng tác, phải tự tạo ra. Chính đặc điểm này, phân biệt truyện hậu hiện đạitruyện truyền thống Việt Nam: Một truyền thống kéo dài đến tận ngày nay, mọi người cầm bút dường như có một cái khuôn chung được đúc sẵn, ở đó, người ta chỉ làm mỗi một công việc đơn giản là “rót” câu chuyện của mình vào.

(Truyện: Một số vấn đề mỹ học – Nguyễn Hưng Quốc)

Lần lần

Lần lần: con thằn lằn

(Tự điển tiếng Việt cổ – Nguyễn Ngọc San, Đinh Văn Thiện)

Đất lề quê thói với phong tục cổ truyền

Nhập gia vấn húy

Theo phép xã giao, trước khi đến thăm một gia đình cần tìm hiểu “tên huý” của ông bà cha mẹ và bản thân tên người mình định đến thăm, để tránh trong khi nói chuyện hoặc xướng hoạ thơ từ động đến tên huý gia tiên người ta “huý” đồng nghĩa với “kỵ” (tức là kiêng kỵ).

Ngày giỗ tức là huý nhật hay kỵ nhật. Tên huý là tên chính nhưng lại là tên kiêng nói đến, khi giận nhau người ta đè tên huý ra mà chửi. Ông bà, cha mẹ, chú bác có thể gọi con cháu bằng thằng nọ con kia theo tên huý, kể cả những người cao tuổi trong làng xóm. Trong ngôn ngữ  thông thường có trùng âm cũng phải nói tránh đi, nếu không sẽ bị coi là hỗn.

Ở miền Nam hay gọi tên theo thứ tự trong gia đình, nếu ra ngoài xã hội thì thường gắn tên huý. Ví dị: Ông Bảy Lửa, chị Ba Tịch…

Chữ nghĩa tên trái cây

Có những tên trái cây gốc tích Mã Lai hoặc Cao Miên như:

Măng cụt – Do chữ Mong-kut.

Sầu riêng – Do chữ Mã lai Dou-rion.

“rion” có thể đọc ra là “riêng”.

(Thái Văn Kiểm – Ai về Gia Định Đồng Nai thì về)

Tại sao gọi là rượu đế

Chuyện kể là trước khi người Pháp tới Việt Nam thì ngành nấu rượu đã có. Tuy nhiên, sau năm 1858 người Pháp tiến hành xâm lược Việt Nam thì họ cũng quyết định thắt chặt việc nấu rượu và thu thuế. Bà con ta tất nhiên là không chịu nên … nấu rượu lậu. Rượu lậu vừa rẻ lại vừa ngon hơn rượu của người Pháp, ở miền Nam thì được nấu bằng gạo nếp rồi đem giấu trong những lùm tranh, lùm đế ở xa nhà, hoặc khi thấy Tây đoan đến bắt, nghe động thì bê tất cả nồi rượu, bình rượu chạy vội dấu dưới đồng cỏ hoang dại mọc toàn cây đế, một loài cây giống cỏ năn, cỏ lác, cỏ tranh, hay lau sậy mọc cao vút đầu.

Tên gọi rượu đế trong Nam xuất xứ từ đó.

(Nguồn: Bách khoa toàn thư)

Chữ nghĩa hiện thực

Tô canh lạnh lẽo nước trong veo.
Vài lát hành tây bé tẻo teo.
Nước chấm gọi là hơi gợn tí.
Thịt kho thái mỏng gió bay vèo.

Đã tới ngày tàn của sách (II)

Mới đây tôi (Song Thao) email hỏi nhà sách Việt Nam ở Toronto về sách. Tôi sững sờ: Nhà sách đã đóng cửa. Như vậy, kể từ năm 2011, Canada không còn một nhà sách nào nữa. Ở Vancouver đã không có sách từ lâu. Trước ở Montreal có hai nhà sách: Tự Do và Trung Việt. Cả hai chỉ còn là dĩ vãng.

Intenet đang giết dần sách báo.

Báo văn học nay chỉ còn tờ Hợp Lưu. Những Văn, Văn Học, Thế Kỷ 21 của một thời ngày nào nay đã mồ yên mả đẹp.

Xuất bản thì còn nhà Văn Mới hoạt động cầm chừng. Những Sóng Mới, Xuân Thu, Đại Nam, Văn Nghệ đều đã ra nghĩa địa…

(Song Thao – Sách)

Phê bình

Phê bình đích thực không bao giờ là cây tầm gửi cả, nó tồn tại và độc lập với sáng tác. Vì nhà phê bình cũng là nhà văn, nhà văn lấy đời sống tạo nên tác phẩm. Nhà phê bình lại lấy chính tác phẩm của nhà văn để tạo dựng lên tác phẩm của mình.

Họ có thể có một tác phẩm phê bình hay về một cuốn sách dở và…ngược lại.

(Trần Đăng Khoa – Chân dung và đối thoại)

Chữ và nghĩa

“Khôn sống bống chết” thì bống đây là vụng (vụng về).

Theo ngôn ngữ học, xưa kia hai mẫu tự “b”“v” thường hay thay thế cho nhau như “vua” nói là “bua”.

Chữ Nôm

Xưa kia, ta có tiếng nói nhưng không có văn tự, chữ Nôm (hay Nam nói trại ra) được hình thành bao giờ vẫn chưa biết. Chỉ biết răng đời Trần, Nguyễn Thuyên (tức Hàn Thuyên) xếp đặt lại thành hệ thống. Do đó sau này nhiều người tưởng lầm Hàn Thuyên là cha đẻ của chữ Nôm.

Chữ Nôm được hình thành để có văn tự, để phát âm tiếng Việt từ chữ Hán. Thí dụ ta mượn chữ “thiên”, thêm một chữ nét dọc, sổ ngang khác nữa.

Người Tầu, người Đại Hàn, người Nhật thấy chữ này giông giống chữ thiên và họ bảo nhau: “Giời ạ! Chữ này đọc không ra?”.

Xin thưa: Ấy là chữ…“trời”.

(Tạ Quang Khôi – tạp chí Tân Văn)

Chữ nghĩa hiện thực

Nghe mấy đứa con gái than thở với nhau là:

Bây giờ giai đẹp đã hiếm thì chớ, chúng lại còn yêu nhau…

Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ

Hai ông bà: Không phải là hai ông, hai bà.

Mà chỉ là đúng một ông, một bà không thôi.

(Nguồn: từ sổ tay của một người Mỹ học tiếng Việt)

Ca dao tình tự (5)

Nói đến ngoại tình

Có chồng càng dễ chơi hoang

Đẻ ra con thiếp, con chàng, con ai

Vắng hôm thời đã có mai

Chồng khi đi vắng, đã có ai ở nhà

(Bùi Kim Chi – Khảo luận về ca dao dân ca)

Vũ phu đôi (1-A)

Cụ Nguyễn Khuyến có bài thơ Hán-Nôm là: Vũ phu đôi(1)
Đầu đường ngang có một chỗ lội (2)
Có miếu ông Cuội cao vòi vọi
Đàn bà đến đó vén quần lên
Chỗ tời đến háng, chỗ đến gối
Ông Cuội ngồi trông mỉm miệng cười
“Cái gì trông trắng giống con cúi”
Vội vàng khép nép đứng liền  thưa:
“Trót dại hở hang xin xá tội!”
Ông rằng :”mầy cũng chẳng tội gì”
Chỉ tội làm ông cứng con buội (3)
Muốn tốt mày về bảo làng mày:
“Ra đây  ông cho giống ông Cuội”
Cho nên làng ấy sinh ra người
Sinh ra rặt những thằng nói dối!.

Và có người dịch từ bản chữ Hán là: Chỗ lội làng Ngang. (1)

“Đầu làng Ngang có một chỗ lội (2)
Có đền ông Cuội cao vòi vọi
Đàn bà qua đấy xắn quần lên
Chỗ thì đến háng, chỗ quá gối
Ông Cuội ngồi trên mỉm miệng cười
Cái gì trăng trắng giống con cúi
Đàn bà khép nép liền đứng thưa
Con trót hớ hênh ông xá tội
Không không! Con có tội chi mà
Lại đây ông cho giống ông Cuội

Từ đấy làng Ngang đẻ ra người (4)
Đẻ ra rặt những phường nói dối”.
(Nguồn: Lại Quảng Nam)

Triết lý củ khoai

Lúc bé mong mình lớn, giờ lớn rồi lại mong mình bé lại quá chừng

Vũ phu đôi (1-B)

Những sai biệt từ tựa đề dến cuối câu là:

1: “Vũ phuthứ đá giống như ngọc.Đôilà đống. Vì vậy tựa đề tạm dịch là Đống đá cuội.

2: Câu thứ nhất nguyên bản là: Hoành lộ phế cửu bất thành lộ.
Tạm dịch: Con đường ngang hoang phế không ra con lộ nữa ( không có từ Làng Ngang trong này … ). Câu đầu dịch “Đầu làng Ngang có một chỗ lội” là không đúng với từ Hoành lộ.

3: Nguyên tác: Nộ nhĩ hà cang ngã dương cụ tạm dịch: “Chỉ giận mày làm ta cứng cả dương vật” với cang là cương. Dương cụ là cái của đàn ông và cụ nghĩa như trong từ côngcụ, nông cụ. Cụ Tam nguyên Nguyễn Khuyến rất khéo khi dịch ra quốc âm dùng hai từ “con cúi” và ” con buội ” (dấu nặng).

4: Câu áp chót  ” Từ đấy làng Ngang đẻ ra người ” không đúng với câu nguyên tác: Cổ kim thử hương sinh xuất nhân.

***

A – Nguồn Quế Sơn thi tập tục biên, bài thơ Hán-Nôm Vũ phu đôi có 14 câu. Trong khi bản dịch Chỗ lội làng Ngang chỉ có 12 câu.

B – Con đường ngang hư cũ  trong câu đầu là con đường nối liền quốc lộ vào quê hương ông (làng Vị Hạ ,Vị Thượng), nếu dân muốn đi tắt về nhà thì phải lội qua một vũng nước sâu. Đây là một con đường băng ngang qua cánh đồng của làng Phú Đa.

Hiểu là nơi ông ngụ cư không có làng nào tên là…làng Ngang.

(Nguồn: Lại Quảng Nam)

Kiến ngãi bất vi

Một đôi khi còn thấy viết là kiến ngã bất vi. “Ngã” không có nghĩa!?. “Ngãi” có thể là tiếng gọi của người miền Nam.

Trong Lục vân tiên của cụ Nguyễn Đình Chiểu có câu: “Nhớ câu kiến nghĩa bất vi – Làm người thế ấy cũng phi anh hùng”. “Kiến nghĩa bất vi” hiểu theo nghĩa là thấy việc thiện mà không làm.

Ngộ  Không

(Sưu Tập)

©T.Vấn 2023

Bài Mới Nhất
Search