T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngộ Không Phí Ngọc Hùng: Chuyện  đời  thường (hay…“Vợ con tôi”)

Bên rổ rau muống – Tranh: Thanh Châu

       Vậy là tháng tới lão sẽ có đứa cháu ngọai thứ hai, vậy mà mỗi lần nghĩ tới con cái lão chẳng nhớ gì cả, ngay cả đứa con gái lớn bây giờ đã ba mươi sáu, lão cũng phải lầu bầu tính nhẩm cộng trừ nhân chia này kia mới tính ra. Nói là vô tâm vô tính thì cũng không hẳn là đúng, ắt hẳn lão vẫn còn giây mơ rễ má đến các cụ ta xưa, như lấy vợ đẻ con là chuyện nữ nhi thường tình của đàn bà con gái, để bây giờ lão cặm cụi với …chuyện đời thường cùng một nắng hai mưa.

       Về đứa con gái đầu, lão chỉ mang máng lúc nó bốn tuổi, cái hồi mà mẹ nó chưa bán hàng xách ngược suôi thì sáng nào hai mẹ con cũng kêu hàng rong gánh qua cửa, rồi ngồi chồm hổm xuống húp sì sọat bún riêu với bún ốc. Đến lúc mẹ nó buôn đầu chợ bán đầu sông thì cũng hàng quán ấy, nó gọi vào tận trong sân nhà, cũng cong lưng ngồi lom khom và ăn chịu, lão nghĩ thấy mà thương và bồi hồi.

        Thương hơn nữa là cái ngày mới lóp ngóp qua đây, lão phải đi cầy để trả nợ miếng cơm manh áo, một ngày ghé qua tiệm, thấy một con lợn nhồi bông, lủng lẳng là năm, sáu con lợn con bú vú thật ngộ nghĩnh. Hồi tưởng lại những ngày ở phố Hàng Lọng, ngay sát khu Khâm Thiên với hát cô đầu, lúc đó lão bẩy, tám tuổi gì ấy, đồ chơi của lão chỉ có độc một chiếc xe kéo con con đỏ chót, kéo lóc cóc suốt ngày nên cái bể nước. Thế là lão năng nhặt chặt bị bê về cho con và con gái lão tối tối ôm lợn mẹ, lợn con ngủ ngon lành

       Chẳng cần ngu lâu đần dai nhưng ngay cái ngày chân ướt chân ráo qua đây lão cũng ngẫm ra một điều là chẳng như các cụ đã dậy, ăn cây nào rào cây nấy mà cây cam trông phương đông thì ngọt, trồng phương tây thì chua để lão lờ mờ hiểu là thì đời thường cứ như vậy đi, để chớp mắt một cái, cái ngày vào viện dưỡng của vợ chồng lão cũng chẳng bao xa. Thế mà đùng một cái cũng đến ngày con gái lão đi lấy chồng, lại lấy ngay cái thằng Mỹ con, thì lão cũng đành ngậm bồ hòn làm ngọt vì nhủ thầm, nếu cứ như nó lấy chồng người Việt mình đi thì cái câu chúc đầu bạc răng long mới có ý nghĩa, nay rước cái thằng trời ơi đất hỡi này về thì ba bẩy hai mươi mốt ngày, ai biết đâu mà mò. Để rồi sống lâu lên lão làng, để lão học được một điều mới gần đây qua báo chợ, báo chùa là…con đặt đâu cha mẹ ngồi đó.

       Trước ngày cưới, lão ghé nhà thăm con thấy trên tủ sách có bầy một quyển sách dầy cộm, tiếng Tây tiếng u lão ba chớp ba nháng, nhưng cũng cố hiểu cái tựa đề là: “Làm sao tổ chức một cái đám cưới” và lão cười thầm, cứ như là bộ sách: “Làm sao giết được một tổng thống” không bằng. Vậy là lão khỏe ru, đến ngày đến tháng lão cũng thảnh thơi đi ăn đám cưới con gái lão như bất cứ ai, nói cho ngay thì lão cũng lóc cóc thủ trong thùng xe một thùng rượu Tây cho phải đạo. Để rồi có chuyện cười không nổi là đến họ nhà trai, ông sui gia sai thằng con rể tương lai của lão đi mua đá cục về cho khách khứa, tay cầm hai đồng, miệng nó nói với bố nó: “Ông còn thiếu tôi một đồng”. Rồi cũng đâu vào đó, không có chuyện chụp hình vì gia đình nhà trai là gốc da đỏ, có tia sáng lóe lên như tia chớp như bị sét đánh nên cũng kiêng cữ như người Việt ta, cũng chẳng có mục vào nhà thờ hay ghé cổng chùa hay đón dâu với rồng rắn lên mây cùng hoa quả với con heo quay, đã lăn quay ra rồi mà trên đầu còn cắm cái hoa hồng to tổ bố. Đơn giản thì tất cả hai họ gặp nhau ở nhà trai rồi kéo rốc ra cái hội quán gần đấy…

      Thêm thắt một chút với kiêng cữ thì vợ gã là người sau này, lúc ấy đang vác cái trống cơm đợi ngày bơi cạn. Lại liên tưởng đến chuyện trong họ gần đây, bà bác lo đám cưới cho con cả năm, đến ngày con gái vu quy thì bà mẹ bụng mang dạ chửa. Thế là cái ngày đám cưới trước cổng chùa được dời lại rất ư là vô duyên vì với riêng vợ gã thì cũng thỏai mái thôi, cứ vác cái bụng nghễu nghện chạy tới chạy lui cho con gái chồng, chẳng câu nệ gì này kia

      Thế nhưng vậy mà hay, sau họ hàng và dăm người bạn kể lại thì ít có đám cưới nào nhẹ nhàng thỏai mái và bình dị như vậy. Chẳng có chuyện họ hành hang hốc từ mãi đâu đâu kéo tới lên sấn khấu trình diện như duyệt binh, phần khai mạc đơn thuần chỉ ông sui giai múa đôi với bà sui gái, bà sui giai với cái trống chình ình kéo co với ông sui gái cao ngồng, vậy là là xong chuyện. Cũng chẳng có ban nhạc đập chiêng gõ trống đến điếc tai nhức óc, mà chỉ có cái đàn dương cầm thánh thót buông rơi từng tiếng một và hội quán kiểu nhà quê, ngồi dưới tàn cây ngòai vườn, mọi người cứ mặc nhiên thả hồn theo ruộng lúa xa xa.

       Đến ngày đến tháng lão cũng có cháu ngọai, cái ngày thôi nôi, vợ lão đầu bù tóc rối cơm nước cho cái ngày lên chức bà ngọai và ông ngọai hay bố vợ phải đấm cũng vậy thôi vốn sính thuốc lá, thấy  thằng con rể có cái bật lửa cũng hơi nhất cổ nhì quái, hỏi nó để mang về làm của gia bảo thì ông con rể trả lời tỉnh như con ruồi và hiểu theo chữ ta là: ‘Cái này của…tôi”. Thế là mất vui, mất vui hơn nữa là một buổi tới thăm cháu ngọai, thấy thằng con rể lui cui nướng thịt, hương thơm ngào ngạt, ông bố vợ thèm rỏ rãi, chắc mẩm trong bụng sẽ được miếng to nhất, dầy nhất, vì thứ này mà đi với bia lạnh thì ngon kể gì. Vậy mà cho đến giờ về, chẳng thấy nó nói tiếng nào, chào từ gĩa, nó cứ cắm đầu vào cái lò nuớng, đảo tới đảo lui mấy cục thịt to đùng cho bạn bè của nó và vẫn không có một tiếng mời gọi cho phải phép.

       Bây giờ thì lão già rồi, nhớ ngày nào cái năm 75…gã mới qua cái xứ này:

                                                         ***

       Ngày ấy gã đang nằm búng ghét trên cái ghế bố trong lều nhà binh ở trại “di tản” để đợi thời thì được một gia đình người gốc Ba Lan đón ra về nuôi. Cái thằng Ba Lan ngô ngố này cũng lạ, chuyện là cũng chỉ nghe theo lời bố nó:”Tao vác mày qua đây ăn đậu ở thì, sông có lúc người có khúc, thì mày cũng gíup đỡ người ta”. Thế là thằng Ba Lan đưa vợ chồng gã về nhà, sáng tiểu yến chiều đại yến, bát đĩa lỏang xỏang sáng lóang, hai tháng sau gã mới biết thằng này nghèo quá độ, nghèo đến độ cuối tháng chẳng còn dư dả thanh tóan cái biu trả tiền điện thọai, nhưng vẫn dư dả cái tình người. Lúc ấy vợ gã lại bụng mang dạ chửa, ăn chực nằm chờ đợi mẹ tròn con vuông xong, đến tháng thư ba là gã khăn gói đưa vợ con về ngọai, đang lập cư ở cái đất nắng ấm tình nồng này. Vợ gã lại sinh khó với những vất vả trăm bề và gã cũng chẳng hơn cùng những nhiêu khê, đến khi có người ra hỏi đặt tên con thì gã ú ớ với cái tên “Thu Hà”, tên của một người tình cũ nằm trong cái ngõ ngách nào đó của tâm khảm.

       Về đây được một tuần thì gã có việc làm, sắm được ở chợ trời được cái ti vi đen trắng, một cái bàn ăn gỗ mộc với bốn cái ghế xộc sệch. Ba ngày sau, một buổi tối mùa đông, gã đang say giấc nồng trên cái nệm trải dưới sàn nhà của căn hộ, gã nghe tiếng vợ gã nửa đêm đậy lục đục cho con bú rồi bỗng vợ gã gào lên con gái mới sinh của gã đã…chết rồi. Gã bật dậy sờ con thì con đã lạnh ngắt, sau này gã mới biết cũng chỉ vì nuôi con theo lối mới là nằm sấp, úp mặt xuống gối, một lúc nào đó bị nghẹt thở, bé con không tự xoay sở là đi trong êm thắm, chẳng ai biết, không ai hay. Thế là gã bung ra ngòai cửa kêu cứu vang trời dậy đất như một thằng khùng, thằng điên, rồi thì hàng xóm láng giềng bu tới, mỗi người một tay để con gã mồ yên mả đẹp và trên xe đưa con về một cõi xa vắng, gã cũng chẳng biết cái nghĩa trang nằm ở đâu, vì chỉ đúng có mười ngày trên mảnh đất lạ này.

      Để rồi từ đó gã không thích mấy cái nghĩa trang, mặc dù nó khóang đãng và yên tĩnh và gã cũng chẳng thích mấy cái mùaô ẩm ướt lạnh lẽo. Thế nhưng trong cái vắng vẻ đìu hiu ngày ấy, gã vẫn nhớ như in và chẳng thể nào quên được cái thằng Ba Lan cũng lặn lội từ xa tới, để có mặt, để  đưa con gã tới nơi yên nghỉ cuối cùng…

      Thằng Ba Lan đến với gã ngay chiều hôm sau, ngay khi được tin con gã mất và trong đầu gã, gã biết nó không có một đồng dính túi.

      Và hơn mười lăm năm sau, cũng cái mùa ấy, cũng cái nghĩa trang ấy.

      Một lần gã ghi vội trên giấy trắng thì là:

      “Hơn mười năm sau nhà tôi bị bạo bệnh, hơn hai năm tôi lấy bệnh viện làm nhà, lấy nhà làm bệnh viện, nhiều khi cả tuần lễ không gặp mặt con. Chiều 30 Tết trong khi thiên hạ rộn rã tống cựu nghinh tân, thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ thì mình tôi lầm lũi, âm thầm đi mua áo quan  cho vợ, lang thang trong cõi u minh của nhà chứa quan tài đầy mùi tử khí, lúc này tôi mới hiểu thế nào là sinh ly tử biệt, kẻ ở người đi. Trên đường về bệnh viện, mưa gió bão bùng, mưa mù trời, mưa mịt mùng, qua sương khói mờ nhân ảnh, tôi chợt oà lên khóc trong cái cùng cực và ảm đạm của một ngày cuối năm.

         Nhà tôi mất, mất mát là tận cùng của chịu đựng, tôi trở nên bình thản và mặc nhiên để có một mặc khải, chấp nhận và an phận với chính mình, nội tâm cũng như ngoại cảnh, cứ để cuộc sống bồng bềnh nổi trôi, không níu kéo thời gian, mà cũng chẳng vấn vương nợ trần một mai. Nhưng cũng có một lúc nào khắc khoải, với những ngày tháng còn lại, nửa đời nửa đoạn, chẳng biết đi về đâu…

        Dẫn con gái út lên thăm mộ mẹ, cháu ngây thơ hỏi:

        – Bố, Thu Hà là ai ?

Tôi thẫn thờ trong câm nín, biết nói gì với con và nghĩ đến chuyện dời mộ cháu về gần mẹ cháu, có mẹ có con, Thu Vân, Thu Hà…Chiều mùa đông ngoài nghĩa trang chỉ toàn một mầu xám, lạnh lẽo và héo hắt. Thắp nén hương lòng… “Thu Vân, em bỏ anh đi, ngày tháng qua mau, cũng xong một đời người ”….“Thu Hà, anh bỏ em ở lại, đường xưa ướt mưa, cũng xong một cuộc tình…” tôi khẽ nói với cháu như thì thầm:

– Về đi con.

Trên con đường ra cổng nghĩa trang, hàng cây xơ xác, một ngày cuối đông…mình bố…mình con…

        Đêm về, tôi nằm nhìn lên trần nhà trắng nhạt nhòa, xa vắng và tiếc nuối, tôi nhìn tôi trên vách, chập chờn đi vào giấc ngủ không nguôi.., nửa khuya trở mình, choàng tay qua bên cạnh thấy trống không và lạnh lẽo….

        Ngoài trời, bây giờ là tháng mấy…như vẫn còn mưa rơi…”

        Và lúc ấy đứa con gái sau của gã vừa mới chẵn mười tuổi và gã đành là gà trống nuôi con, chẳng hẳn là miếng cơm manh áo…Mà là lời ăn tiếng nói, bố nói bố nghe, con nói con nghe vì cái khác biệt của văn hóa cùng những suy nghĩ của giống tính, thế nhưng nói cho cùng thì khi con gái gã đến cái tuổi mười ba, mười bốn, cái tuổi bẻ gẫy sừng trâu này kia thì gã không biết dậy dỗ con gã ra làm sao như mẹ dậy con như ở những gia đình khác với một bà mẹ bên cạnh.

       Rồi cứ mỗi đầu tháng, cuối tháng gã vào phòng tắm, nhìn cái thùng rác thấy cái băng vệ sinh là gã lấy đó làm mừng…

       Rồi một buổi tối, gã vào thăm con trước khi đi ngủ, thấy con chùm chăn kín mít, che cả cái đầu, sợ con ngạt thở như đứa con trước. Mở cái chăn lên, gã ngỡ ngàng chỉ thấy cái gối và con gái biến mất, nhìn cái cửa sổ, thấy cái chốt lỏng le…

       Nội trong ngày hôm sau gã lấy vé máy bay đưa con gái qua gần vùng thung lũng hoa vàng để trông cậy vào hai cô em gái, dù rằng thì có cô có cháu vẫn hơn. Và gã được hai cô em dậy dỗ gã một mách để đời như hai cô em đang dậy dỗ con cái, như cả hai nhà không có đến một cái máy truyền hình, điện thọai muốn gọi phải có mã số vì còn dành thì giờ cho việc học hành này kia, nhờ vậy cả hai đứa con năm nào cũng có bảng danh dự như…con cái người ta. Sáu tháng sau gã mới té ngửa người, thằng con cô em út chuyên sửa thông tín bạ, đứa con gái cô em thứ một hôm bị cảnh sát xách về nhà và báo cáo cho hay, thấy một cái xe không có người lái mà đang đổ dốc, họ chặn lại thì thấy đứa cháu đang gò cong người đạp ga, lùn quá chẳng thấy cái đầu ngóc lên

        Nào có khác gì con gã, gã biết đến cái tuổi choai choai ở cái xứ này, đứa nào cũng mê lái xe như điếu đổ, như gã hồi còn nhỏ được đạp cái xe đạp vậy. Vì biết vậy, nên gã giữ cái chìa khóa như giữ mả tổ, một tối cuối tuần đi ăn đám cưới quá giang xe bạn bè, chìa khóa mang theo. Sáng hôm sau thấy cái xe bị móp bên hông, nhòm cái cột nhà xe thấy vết trầy bèn hiểu ngay là cớ sự gì xẩy ra. Mà nào gã không biết dậy con, như đứa con gái lớn lúc còn nhỏ, như bẩy, tám tuổi già ấy, cái quần gã treo trong tủ quần áo, bỗng dưng mất…hai chục bạc.

       Nhớ lại cái ngày gã cũng bẩy, tám tuổi, bố gã treo quần trên cái đinh ở cái tường, thế là gã nhón ít tiền tiêu chơi và bố gã lấy thắt lưng quất gã một trận để đời. Gã không đánh con gã như bố gã đập gã vì tự nghĩ rằng ấy là lỗi ở gã, không thăm nom tới cái nhu cầu của nó, lại nữa, cái ví để lù lù ngay trước mặt con như mỡ để trước mặt mèo, ấy là lỗi tại mình Và gã chỉ nhỏ nhẹ với con là bố đánh rơi mất tiền, con tìm cho bố, rồi hai bố con mỗi đứa chia nhau đi tìm.

       Đến chiều thì con gái đưa lại cho bố hai chục…

       Trở lại hai đứa cháu gã nay đã là một người khác, như đứa cháu gái đang ở cái tuổi trung học, được về Sài Gòn trong chương trình trao đổi văn hóa để dậy tiếng Anh, nay chỉ mong tốt nghiệp trở lại quê nhà để làm cô giáo. Còn thằng cháu chuyên viên sửa thông tín bạ thì có nghề chân trái là đá bóng, được Hà Nội gọi về nước đá bóng từ Bắc chí Nam. Năm ngóai thằng cháu về thăm gã, uống rượu, ăn mắm tộm, sơi tiết canh thịt vịt và chỉ nói chuyện với ông bác, tức là gã về thịt chó với cái đầu gật gù và giọng nói say mê…

      Và gã mừng cho hai đứa cháu, và gã chỉ mong một ngày nào đó, con gái kế gã được như hai đứa em họ…Cho đến ngày gã lập gia đình mới, để con gái gã có bà kế mẫu, xưng hô chỉ là “cô, cháu”. Nhưng khác gì hai mẹ con.

     Để có chuyện gã lấy vợ và đẻ có chuyện hai đứa con gái về thăm cô, nghe tin bố sắp có…con và chúng bèn lăn ra cười. Để chưa có lúc nào nhà cửa ấm êm đến như vậy.

      Hai ba năm sau, khóc mãi cũng vậy thôi, con cái thì con dại cái mang, gã nghĩ đến cái viện dưỡng lão đang ẩn hiện trước mắt như cái mả Đạm Tiên, ốm đau chẳng ai chăm nom nên bèn nghĩ đến chuyện đi bước nữa. Gã cất công đi tìm tòi, thì may quá là may, gã học được bài học là trong tình yêu phải thật thà, mà muốn thật thà thì phải biết ăn gian nói dối. Nên mấy năm sau, đếm trên đầu ngón tay cũng đếm được gần chục con nhạn là đà, nhưng cái duyên cái nợ vẫn chưa ló mặt và gã đâm chán đời, đòi rửa tay gác kiếm. Cho đến một ngày đi xem mắt cô chị thì chỉ thấy cô em, không mặc áo lót trong, vậy mà nghễu nghện đi ra đi vào ngay trước mặt thì biết làm sao đây…

      Thì thôi cũng đành cho số phần đẩy đưa, như định mệnh đã an bài.

Ngộ Không Phí Ngọc Hùng

©T.Vấn 2022

Bài Mới Nhất
Search