T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngộ Không Phí Ngọc Hùng: CỤ RÙA

Tiêu bản rùa Hồ Gươm trưng bày ở đền Ngọc Sơn – Ảnh: https://vnexpress.net/

Qua nhà thơ Hoàng Cầm: “Tôi phải lòng chị Vinh năm 8 tuổi, cứ thế giăng mắc tơ tình quanh chị suốt 4 năm, năm tôi 12 tuổi chị đi lấy chồng”.

Cứ theo Hoàng Cầm đắng đãi ở trên, ông mang hình ảnh đó 25 năm, bài thơ Lá diêu bông ra đời qua một giấc mơ sau gần 4 thập niên, nên ông hẻo mọn như vậy. Đó là ẩn ức vô thức không được giải tỏa. Yêu người lớn tuổi từ khi 12 tuổi đã thúc đẩy ông sáng tác Lá diêu bông để giải tỏa mặc cảm Oedipe (tiếng Anh), archetype (tiếng Pháp -archetype là thuật ngữ của tâm lý học phân tích các chiều sâu của C.G. Jung)

Số là trong giấc ngủ ngày, người góp nhặt cũng có một giấc mơ để viết thành truyện Cụ rùa dưới đây. Phần kết cũng có ngẫu sự tính dục (với dấu sắc) của mấy ông vua Lê.

***

Nhè vào một ngày nắng ong ong, mây đơ đơ, in hịt như nữ sĩ Song Khê tặng ông một bó rau sắng chùa Hương. Nay ông đang lúi cúi lật mấy viên gạch sát tường nhà ngoài vườn để trồng mớ rau thơm để thỉnh ông Vũ Bằng, ông Nguyễn Tuân tới đánh chén. Bổng có tiếng gọi ơi ới: “Cụ núi Tản sông Đà ơi….”. Tiếp, một tiếng: “Bịch”. Rồi tiếng xe “bịch-bịch” chạy mất hút. Ông biết ngay đó là cậu Nguyễn Công Hoan. Cậu này có lần đến phòng đoán số Hà Lạc của ông để xem bói. Ông bói cậu mai này sẽ trở thành nhà văn vua biết mặt, chúa biết tên. Lạy thánh mớ bái, trời thương thánh độ, trúng phóc, ông….tâm phục khẩu phục…ông Tản Đà quá sức.

(tiểu chú: Hà Lạc lý số, sách bói toán số mệnh, tương truyền của Trần Đoàn làm ra, gốc theo Hà đồ, Lạc thư – nguồn: Đào Duy Anh, Hán Việt từ điển)

Luận về bản mệnh của ông, ngẫm chuyện quá khứ vị lai, 14 tuổi ông đã thạo từ, chương, thi, phú. Năm 1909, dự kỳ thi hương ở Nam Định, nhưng trượt. Thông thiên địa nhân viết nho cách mấy, thi rớt thành ông lang là hết đất. Năm 1915 ông có tác phẩm đăng trên “Đông dương tạp chí”, có được tiếng vang trên văn đàn. Năm 1916, ông lấy bút danh Tản Đà (chữ Hán: 傘沱 1889-1939) tên ghép núi Tản, sông Đà ở Sơn Tây, và chọn con đường của một người viết văn, làm báo.

Nghe cái “bịch”, lần mò ra vườn, đậo vào mắt ông một con rùa đang chổng vó lên trời. Lật con rùa lại, dòm mai rùa nổi u lên hoa văn màu vàng kệch, màu nâu đất cũ kỹ, ông nhẩm chừng khứa này cũng…lão rồi nên ông gọi là…cụ rùa. Dòm mai rùa, ông tặc lưỡi cái bép, thông thiên địa nhân viết nho, thêm thầy lang là ông: Rùa còn có nhiều tên như kim quy, nguyên chư, mai rùa (quy bản). Nếu rùa ở tuổi hoa xuân, mai rùa có vị ngọt, không độc, tính hàn, bổ âm, bổ thận tráng dương, trị di tinh…

Về rùa ông chỉ biết huyền thoại vua Lê Thái Tổ trả gươm cho rùa nên mới có hồ…Gươm hay hồ…Hoàn Kiếm. Chuyện hư cấu hay chăng chỉ có cụ Nguyễn Trãi biết, giờ cụ Nguyễn đã về trời từ thuở trời đất nổi cơn gió bụi. Kỳ cổ gì với tang thương ngẫu lục này, Đại Việt sử ký toàn thư (大越史記全書), Chính Hòa năm thứ 18, triều vua Lê (xem cuối tr 5), sử thần Ngô Sĩ Liên ghi: “…Sau mười năm thiên hạ đại định, ấn định luật lệ, chế tác lễ nhạc, mở khoa thi, thành lập phủ huyện…Song vua đa nghi, hiếu sát, đó là chỗ kém…”

Nghe mất vui, thế là ông quay vào vào nhà để cụ rùa ngoài vườn bắt muỗi.

***

Mấy hôm sau nắng đổ lửa, mở cửa ra vào cho bớt nóng…Ông ới thằng Lai đem hỏa lò để lên bàn nướng món ốc nhồi bằng vỏ sò để đánh chén. Bỗng không cụ rùa ngoài vườn làm như…nghe thấy mùi ốc nướng thơm điếc mũi. Cụ lò dò bò vào nhà nằm bẹp dưới chân ông. Có đĩa lạc rang trên bàn, ông dóng dứ trước mặt cụ rùa mấy hạt. Cụ tỉnh như không. Ông hỏi thằng Lai: “Rùa nó ăn gì mày?”. Thằng Lai cười lủng lẳng: “Rùa ăn đủ thứ như dế, sâu gạo, côn trùng. Rau thì rau mùi tây, đậu xanh, ớt chuông. Nhưng rùa không nhai được lạc rang vì rùa không có…răng”.

Ông ngẫm nguội rùa không có răng sao ngậm được kiếm thần của vua Lê. Chuyện có đầu có đũa là: “Theo truyền thuyết, vua Lê Thái Tổ dạo chơi trên thuyền, bỗng một con rùa nổi lên mặt nước đòi vua trả thanh gươm mà Long Vương cho mượn để đánh đuổi quân Minh xâm lược. Nhà vua trả gươm cho rùa và rùa lặn xuống nước biến mất”.

Nhà “Rùa học”, nhà “Rùa Gươm học” Hà Đình Đức tha ma mộ địa rằng rùa hồ Gươm trong hòm kính ở đền Ngọc Sơn tuổi ước chừng 600 năm. Ông nhà nọ, nhà kia mà chả ai nhận mình là…nhà xác, nhà quàn cho. Ông cho rằng với tuổi rùa thọ 600 năm mới chịu…chết, ông Hà Đình Đức hư hư, thực thực, ít lời nhiếu ý con rùa này sống từ đời vua Lê Thái Tổ (1385-1433). Nhẽ này phải hỏi cụ Nguyễn Trãi mới xong.

Đang búi bấn đến tao đoạn này, vừa lúc thằng Lai thu dọn bát đĩa làm đổ cút đế trắng. Ông mặt chú ụ dòm xuống chân. Cấu vào mắt ông, cụ rùa có cái mặt rất chúng sinh đang lè lưỡi nhóp nhép chút rượu trắng…

***

Nghe hơi nồi chõ nhà ông có cụ rùa cũng tửu lạc vong bần với…lạc rang, với…ông. Tuần sau ông Vũ Bằng, ông Nguyễn Tuân rủ nhau tới nhà ông ở số 71, Ngã Tư Sở.

Ông Vũ Bằng thì ông biêt tỏng Vũ Bằng hãi ông lắm. Chuyện là:

“…Tản Ðà, thấy tôi (Vũ Bằng) vào, cứ ngồi ì ra không thèm đứng dậy; một lúc lâu, mới nhìn tôi một hồi như thể nhìn thằng ăn cắp, rồi “à” một tiếng và bảo tôi ngồi xuống ghế. Thì ra ông ta đang say. Ông ta uống một tợp, khà một cái, gắp một miếng, hơ tay vào lò than rồi…ngồi rung đùi ngâm, với một giọng khê thuốc lào:
Vèo trông lá rụng đầy sân – Tóc tơ ngắn ngủi có ngần ấy thôi.”

Rồi ông day cái mặt tròn, đỏ như trái bồ quân, trên cắm một cái mũi tròn xoe, ông nhe răng ra nói một cách dõng dạc:
– À, ông Bằng, ông có thấy không? Chữ “vèo” ấy có cho mấy khuyên son cũng chưa đủ! “Vèo trông lá rụng”, hay lắm chớ, hay lắm chớ!
Trong thâm tâm, tôi phục sát đất vì thơ ông rung động, đẹp cao siêu.(trích hồi kýBốn mươi năm nói láo của Vũ Bằng)

Ông Nguyễn Tuân vừa vào đã vồn vã: “Cố nhân lai”. Cái mừng rỡ này xiết bao thành thực. Đúng như vậy, đã mấy hôm nay rồi, ông đang khát gặp người như ông Nguyễn Tuân để nói chuyện. Vừa nhìn cụ rùa, ông Nguyễn đưa bàn tay cắt cổ làm như…cắt cổ vịt. Mắt tròn dấu hỏi? Tôi ăn ngay nói thật với khoa đẩu số hồi ở phòng đoán số Hà Lạc thì tôi trên thông thiên văn dưới thuộc lòng địa lý nhưng…đoán mu rùa tôi chịu. Tuy nhiên là thầy bói như tôi thì ăn thịt rùa…sui lắm. Như năm ngoái uống rượu, ăn thịt rùa với ông Trương Tửu, ngó xuống đường có…một đám tang đi qua. Thế là tháng sau An Nam tạp chí bị đóng cửa. Làm như không nghe, ông Vang bóng một thời ba điều bốn chuyện món rùa hầm thuốc Bắc: Hết thịt rùa rửa sạch, thái miếng, cho vào nồi cùng đỗ trọng, đẳng sâm cùng ngũ vị tử, nước vừa đủ, thêm chút gia vị, gừng, hành, rượu, muối. Đến râu ngô rửa sạch bỏ vào túi vải buộc chặt miệng túi. Bỏ rùa cùng túi thuốc vào nồi, đun to lửa cho sôi sau vặn nhỏ lửa hầm cho thịt rùa chín là được. Ngon hơn món cáp giới hải sản Quảng Yên mà tôi đãi ông năm xửa năm xưa trước nhiều.

Cảm khái quá lắm, tôi bèn ngâm nga:Phong lưu chẳng thiếu đâu đâu – Nước non đưa đón khắp hầu gần xa. Tôi nhắc lại chuyến Nam du năm ngoái, là chuyến thăm Long Xuyên mà sau này tôi ghi lại trong bài “Thú ăn chơi”: Long Xuyên chén mắm, Nghệ An chén cà. Ngày ấy tôi được vợ chồng ông Cai Tổng và cô con gái chưa chồng đãi một món đại yến. Tôi thấy trên mâm đồng để đầy khế chua, rau sống, gừng lát, chuối chát, ớt nguyên trái, nhất là…giá sống, đất Bắc mình không có. Thịt ba rọi luộc chín xắt ra từng miếng, bánh tráng, và một đĩa to đựng món mắm nổi tiếng của vùng Long Xuyên – Châu Đốc. Sơi xong đĩa mắm, trong bài: “Thú ăn chơi”, tôi dòm dỏ cô con gái con ông bà Cai Tổng và âm ử: Còn trời, còn nước, còn non – Tiền trình vạn lý, anh còn chơi xa.

Nghe thủng xong chuyện Long Xuyên, ông Thương nhớ Mười Hai len chân vào chuyện: Ở Cần Thơ có món rùa rang muối ngon nhất trần đời. Muốn ăn rùa ngon nhất, trước tiên phải lựa rùa thật mập, rùa có yếm vàng càng tốt. Rùa có yếm vàng đậm gọi là rùa vàng ngon hơn rùa có yếm màu nhạt tai tái thường ốm, thịt dai hơn.  Người ta nói rùa vàng mập tròn trịa nhiều nước thuộc loại dầy cơm, còn rùa nắp mình dẹp, dai, ít nước hơn gọi là mỏng cơm.  

Rùa rang muối phải dùng nồi đất để một lớp dầy muối hột. Đợi muối trong nồi nổ hết, rang (rán) thêm mươi phút chắc chắn rùa thật chín mới nhắc xuống. Đem rùa ra khỏi nồi, để nguyên con trên cái đĩa lớn, tay cầm dao nhỏ sắc và cứng tách cái yếm ra, lấy thịt rùa bỏ vào đĩa. Người sành điệu ăn thịt rùa uống đế Gò Đen ở Tân An. Có rất nhiều giống rùa đó là rùa núi, rùa biển, rùa đồng, rùa vàng, rùa nấp, rùa đen và dòng họ rùa rất đa dạng: ba ba, vít, cua đinh, càng đước, đồi mồi…Ngoài ra còn nhiều món rùa độc đáo khác: rùa khìa, áp chảo, nướng, xào lăn, nấu cà ri, xé phay.  

Không như trong Thương nhớ Mười Hai, ông Vũ Bằng “tả cảnh” rùa nhiều quá, nên ông Tản Đà ngủ gà ngủ gật hồi nào không hay. Chỉ hay biết cụ rùa làm như vểnh tai lên nghe. Đúng ra rùa không có tai, vì rùa bơi dưới nước, nước vào tai…điếc tai thì sao.

***
Ông Tản Đà đang trong giấc ngủ ngày, bỗng có ai vỗ vai, trong giấc mơ ông nhận ra ấy là cụ Ức Trai Nguyễn Trãi. Cụ nói ông muốn hỏi chuyện gì thì hỏi đi. Ông lắp bắp về nghi án lịch sử vua Lê Thái Tổ trả gươm cho rùa ở Hồ Gươm. Cụ kỳ cổ:

“…Theo bản Lam Sơn thực lục do chính Lê Thái Tổ viết và Nguyễn Trãi toàn tập do Ta ghi: Lê Thận ở Mục Sơn (Thanh Hóa), làm nghề đánh cá, một hôm quăng lưới kéo lên được một lưỡi kiếm. Lê Lợi đánh đổi được lưỡi kiếm này. Một hôm khác Lê Lợi bắt được một chuôi kiếm ở gốc cây đa. Lắp lưỡi kiếm vào chuôi thì thấy vừa khít. Lê Lợi nghĩ rằng trời đã trao cho mình kiếm thần, từ đó mới nuôi ý khởi binh. 

Trong chính sử chưa thấy văn bản nào nói Lê Lợi có mặt tại Đông Đô (Thăng Long) trước ngày khởi nghĩa. Khởi nghĩa Lam Sơn bắt đầu năm 1418, Lê Lợi và nghĩa quân của đang gặp nhiều khó khăn ở vùng Lam Sơn. Lê Lợi hay  vua Lê Thái Tổ không thể có mặt ở bờ hồ Thăng Long để nhận kiếm thần được…”. 

Cụ Tế Văn Hầu Nguyễn Trãi ngắm cụ rùa dưới sàn một hồi lâu rồi cười cục cục như gà trống vì thấy cụ rùa…không có tai và ậm ừ với ông: “Anh nghe rõ chửa. Anh…tai rùa”. Nói rồi, cụ và thằng Lai lụi đụi bê cụ rùa lên bàn, cho cụ rùa sơi rau. Cụ lậu bậu với thằng Lạc, người làm của ông: “Rùa có tính Phật”. Cụ lụng bụng tiếp: “Cho Phật ăn thịt là thiên bất đáo, địa bất chi, là trên trời dưới đất chả biết quái gì sất”. Tiếp đến, cụ lôi trong cạp quần ra cút rượu làng Vân, rót tồ tồ ra đĩa. Thế là cụ rùa ực thỏa mái và nhòm cụ ra điếu cụ mới đúng là Bụt, vì món khoái khẩu của rùa là ăn lá…dâm bụt.

Cụ quay sang ông Tản Đà và nói muốn hỏi gì nữa đi, Ta sắp thăng đây. Ông bèn vấn cụ giai thoại Lê Quí Đôn bị Nguyễn Trãi quở trách của Phạm Đình Hổ:

“…Đời Lê Hiển Tông, triều đình sai làm lại sổ sách đất đai của dân. Nhân thể, cũng muốn rút bớt ân trạch với những khai quốc công thần thưở trước. Khi xem đến đạo sắc ban cho Nguyễn Trãi, quan Bảng nhãn Lê Quý Đôn liền xé đi và nói:

– Đây là loạn thần tặc tử còn giữ đạo sắc làm gì?

Tối đến, trong cơn mơ màng thấy có hai người lính lệ đến bắt dẫn tới công đường. Trên điện cao, có vị quan đang ngồi, lính giải Lê Quý Đôn vào, bắt quỳ dưới thềm.

Vị quan ngồi trên sập quát lớn:

– Ta là Tế văn hầu Nguyễn Trãi đây. Ngươi chỉ là kẻ tiểu sinh, sao dám xúc phạm đến các bậc khai quốc công thần. Tội người đáng chết, không thể tha thứ.

Mắng ông Bảng nhãn một hơi xong. Tế văn hầu mới nguôi giận, nói rằng:

– Công danh sự nghiệp, ta không thèm sánh với ngươi. Ta vẫn biết ngươi thường tự kiêu là tay giáp bảng. Vậy, ngươi hãy về đọc lại bài Bình Ngô đại cáo của ta. Nếu ngươi viết được hay hơn thì được quyền xét đạo sắc của ta, không ta bắt lỗi.

Khi tỉnh dậy Bảng nhãn Lê Quý Đôn vội viết trả đạo sắc như cũ. Các công thần khai quốc khác cũng nhờ vậy cũng không bị rút bớt ân trạch…”.

Nghe rồi, cụ dậy: “Sao anh không hỏi ông Phạm Đình Hổ lại hỏi Ta. Vậy chứ anh nghe chuyện vô nhân bất tri, nôm là không ai không biết này chưa”.

Ông Tản Đà chưa kịp “Dạ chưa”, cụ đã vào chuyện:

“…Chỗ cụ Nguyễn Trãi ở rất là thâm nghiêm. Mình mới tới cửa, xưng danh, anh gác cửa không cho vào, nói là: Cụ ít khi có tiếp khách. Sau phải bảo anh rằng:
– Tôi là người nước ở hạ giới, không mấy khi lên tới đây. Bác cứ vào bẩm giúp, chắc thế nào Cụ cũng tiếp tôi.

Anh ta có vẻ bất đắc dĩ mà vào, một lát trở ra, thời quả nhiên Cụ cho gọi.
Theo anh canh cửa vào, thấy đưa thẳng ra vườn hoa phía sau, nói rằng Cụ đang ngồi đợi. Mình thấy Cụ bắt hai tay ra đằng sau, đương đi bách bộ, vẻ mặt coi thật là buồn rầu mà như ý trầm tư lắm, mình đến giáp trước mặt Cụ, cúi đầu chắp tay chào.
– Anh Hiếu, tôi đương buồn, anh đến chơi cũng hay.
Sau đó, Cụ sai lấy bàn ghế và rượu ra uống. Mình từ tạ không dám ngồi.
Cụ cầm ve rượu rót cho mình và nói rằng:
– Cái này, tôi cũng không uống được mấy, nhưng buồn quá thì mượn nó để tiêu sầu. Anh uống được, cứ uống.

Uống một hai chén rượu, không thấy Cụ nói chuyện gì, sắc mặt Cụ thì chỉ thấy cứ như thể buồn rầu nghĩ ngợi.
– Bẩm như Cụ, công nghiệp như thế mà cái cảnh ngộ về sau không ra sao; người nước ta sau này đọc sử đến chỗ đó, ai cũng phải lấy làm buồn.
– Cái cảm giác của người đọc sử về tôi thế nào thời tôi không biết, còn như tôi buồn, không phải là buồn về sự dĩ vãng của tôi, mà chỉ buồn về bà Nguyễn Thị Lộ vì tôi mà chịu cái nạn oan khiên…Còn một chuyện buồn nữa, tôi không tiện kể anh nghe..”

(trích Giấc mộng con, Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu, Ðông Pháp thời báo, Sài Gòn, 1927)

Ông Tản Đà nghe từ tai lỗ chui qua lỗ miệng: “Vậy chứ giai thoại bán chiếu gon có thật không, thưa cụ”. Cụ dàng dênh chuyện của ai đấy:

“…Nguyễn Thị Lộ quê làng Hải Triều, Thái Bình, một làng làm chiếu có tiếng. Tương truyền khi Nguyễn Trãi gặp Thị Lộ ở Tây Hồ, thấy xinh đẹp, liền ứng khẩu:
Ả ở đâu mà bán chiếu gon,
Chẳng hay chiếu bán hết hay còn?
Xuân xanh nay độ bao nhiêu tuổi?
Đã có chồng chưa được mấy con?

Thị Lộ cũng ứng khẩu đáp lại:
Tôi ở Tây-hồ bán chiếu gon,
Cớ chi ông hỏi hết hay còn?
Xuân xanh tuổi độ vừa đôi tám,
Chồng còn chưa có, có chi con!

Tiểu chú: sách Nam hải dị nhân liệt truyện do Phan Kế Bính soạn năm 1912, trong mục 11 viết về Nguyễn Trãi, có chép chuyện cô gái bán chiếu tên Nguyễn Thị Lộ và bài thơ đối đáp với Nguyễn Trãi. Nhiều người cho rằng bốn câu thơ hỏi (nói là của Nguyễn Trãi) nôm na quá, chưa chắc do ông làm, mà chỉ là do người sau đặt thêm ra, nói là của ông.

Trong khi ấy, cụ rùa dòm cụ ngúc ngắc cái đầu, cụ gật đầu và chậm rãi: “Này anh tai điếc nghe cho rõ nhá”. Nhá nhem rồi cụ bòn mót Bài thơ ghẹo Thị Lộ không phải là của Nguyễn Trãi của một tác giả tân thời. Tác giả này học theo nhà phê bình văn học tân hình thức, hậu hiện đại với…“một là”,…“hai là”:

“…Một là bài thơ suôn sẻ, không có chữ khó do ngày xưa gọi cách khác nay cách khác, cũng không có cấu trúc câu văn làm khổ người đọc hiện nay. Chỉ có một từ khó là gon trong từ chiếu gon. Tự điển Huỳnh Tịnh Của không có từ gon,

Hai là lý do là ta khó thể hình dung được một đại công thần, vào thời  Khổng giáo cực thịnh, lại có thể cợt nhả một thiếu nữ mới lớn, đáng hàng cháu chắt của mình…”

Cụ Nguyễn Trãi (1380-1442) là con trai của Nguyễn Phi Khanh. Thi đỗ Thái học sinh năm 1400. Cụ tham gia vào cuộc khởi nghĩa do Lê Lợi lãnh đạo chống nhà nhà Minh. Cụ là vị khai quốc công thần thời đầu nhà Lê.

Ngoài Bình Ngô sách (Bình Ngô đại cáo), cụ còn có Ức Trai thi tập, Quốc âm thi tập, Lam Sơn thực lục, Dư địa chí (tập địa dư cổ nhất của nước ta). Sau khi cụ bị tru di tam tộc, đa số những di cảo thơ văn và trước tác của cụ đều bị tiêu hủy. Bản khắc in sách Dư địa chí, Đinh Liệt sai hủynăm 1447. Nhiều trước tác mất vĩnh viễn đến nay như Luật thư, Ngọc đường di cảo, Giao tự đại lễ,…

***

Ông Tản Đà chợt nhớ ra trong chuyến lên trời gặp cụ trong Giấc mộng con. Cụ dậy “còn một chuyện buồn nữa, tôi không tiện kể anh nghe”.

Khi này ông mới hỏi, cụ đáp theo một sử gia Hà Nội hôm nay thì:

”…Phải đợi đến năm 1464, vua Lê Thánh Tông mới minh oan cho Nguyễn Trãi, ca ngợi “Ức Trai tâm thượng quang Khuê tảo” (tấm lòng ức Trai sáng như sao Khuê), truy tặng tước Tán Trù bá, ban cho con là Anh Vũ (trốn thoát được trong vụ tru di tam tộc) chức huyện quan, năm 1467 ra lệnh sưu tầm di cảo thơ văn Nguyễn Trãi. Chưa rõ vì những uẩn khúc gì mà một vị vua được coi là quyết đoán như Lê Thánh Tông lại minh oan cho Nguyễn Trãi, một đại công thần sáng lập vương triều Lê, một người đã cùng với vợ là Nguyễn Thị Lộ ra sức che chở cho mẹ con nhà vua lúc gian nan thưở hàn vi, mà chỉ

truy tặng tước bá, thấp hơn tước hầu vốn được Lê Thái Tổ ban phong trước kia…”

Thêm sử gia Tạ Chí Đại Trường trong Sex và triều đại mà ông viết ngúc ngắc, khó hiểu:

“…Thế mà bên mình vua Lê Thái Tông đã có Lễ nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ, “người đẹp, văn chương hay… ngày đêm hầu bên cạnh”, ba năm sau (1442) gây nên cái chết của ông vua 19 tuổi. Sử quan ghi gọn ghẽ mà nhiều ý: “Vua thức suốt đêm với Nguyễn Thị Lộ rồi băng.”

Sử quan thế kỉ XIX, lại vẫn thói quen che đỡ quân vương, tránh nói chuyện tính dục, nên chuyển qua việc Thái Tông “mắc chứng sốt rét (?!)”, Thị Lộ vào hầu, chẳng để vua làm phiền (!) gì nhưng vẫn bị tội thí quân, gây vạ cho ông chồng già Nguyễn Trãi.

Tự Đức gạt bỏ danh hiệu “người hiền” thiên hạ gán cho Nguyễn Trãi vì: “Trãi nếu là người hiền thì sớm liệu rút lui, ẩn náu tung tích… (trái lại) thả lỏng cho vợ làm việc hoang dâm… (nên) cái vạ tru di cũng là do Trãi chuốc lấy…”

Lại ông họ Tạ với vua Lê Thánh Tông:

“…Vua Lê Thánh Tông bị thương không phải vì chinh chiến. Đánh Chiêm Thành khải hoàn, vua thấy có mẹ, con đón rước, “thay áo, lên thuyền rồi về hành điện” lành lặn. Mùa đông, tháng 11 âl. (1496), “vua không khoẻ”, còn gượng làm thơ khoe rằng: “Dù Lí (Bạch), Đỗ (Phủ), Ấu (Dương Tu), Tô (Đông Pha) sống lại vị tất đã làm nổi, chỉ có ta làm được”. Thế mà chỉ hơn hai tháng sau, vua ốm nặng một ngày rồi băng, “gươm thần, ấn thần đều biến mất”, chỉ còn lại bài thơ và mối hoài nghi người sau không dám nói.

Thái tử lên ngôi, cho biết vua cha bị bệnh phong thũng. “Phong thũng” theo cách hiểu thông thường, và của cả y sinh ngày xưa, là chỉ hiện trạng bệnh lở lói, cùi hủi. Vua không bị chiến thương như đã nói, mà sử quan lại có lời mào đầu là vua mắc bệnh nặng “vì nhiều phi tần quá”, vậy thì Thánh Tông đã mắc “bệnh xã hội”. Vua bị lở lói ở chỗ đó,

hay khắp mình mẩy vì giang mai ở thời kỳ cuối?…” 

***

Xong, tay ôm cụ rùa, tay cầm cút rượu làng Vân cụ bay về trời. Như đã viết trong Giấc mộng con, trên trời buồn lắm, ngồi ngoài vườn uống rượu, cụ không có người…đối ẩm.

Ngộ Không Phí Ngọc Hùng

Nguồn: Nguyễn Dậu, Nguyễn Dư, Phan Huy Lê, Võ Thu Tịnh, Nguyễn Văn Sâm

Bài Mới Nhất
Search