T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngộ Không Phí Ngọc Hùng: Giấc  Mộng  Nghìn  Năm

Chôn Đứng – Tranh: Thanh Châu

                         

       Nhớ lại những năm đầu qua đây, với nỗi sầu viễn xứ của người di tản buồn, năm thì mười họa, tôi hồi tưởng lại những ngày ở quê nhà nằm khểnh nhàn nhã đọc truyện Exodus của Leon Uris. Tác giả tả cuộc hành trình từ Cypress về Palestine lập quốc của những người Do Thái tha phương cầu thực nay đây mai đó. Để ngẩn người không hiểu nổi, là lúc này mình cũng đang có mặt ở đây, để bỗng chốc thành một người Do Thái da vàng với những vu vơ hụt hẫng. Rồi ngày là lá tháng là mây, sau đấy là mong ngóng, đường mưa ướt đất sẽ có một ngày gặp lại cố nhân với…tha hương ngộ cố tri.

       Mà tha hương ngộ cố tri thì bỗng dưng không đâu gặp người về tự nghìn năm…Một ngày như mọi ngày, khi trưa phơi nắng khi chiều tưới cây, nhởn nha ngồi đọc bài báo về truyện đất khách quê người, viết về giải đất đai núi rừng phía bắc Dakota, phía nam ngút ngàn với những đàn trâu rừng buffalo. Rồi người viết dẫn dắt tôi tới thung lũng Little Big Horn ngắm bức tượng Crazy Horse, một chiến tướng mọi da đỏ Sioux đánh nhau với quân của tướng George Custer vào năm 1875, để chặn làn sóng di dân của người da trắng đang tiến về miền Viễn Tây. Đòan quân lọt vào ổ phục kích của Crazy Horse và bị tiêu diệt hòan tòan, cả một trung đòan 7 kỵ binh không một ai sống sót, nhưng với người dân xứ này thì không được mấy ai biết đến. Thế nhưng, chiến thắng của Crazy Horse cũng đánh dấu ngày suy tàn của sắc dân da đỏ, vì quy luật tất yếu của lịch sử là mỗi khi hai nền văn minh khác biệt va chạm nhau thì bất cứ phía nào có nền văn hóa cao hơn sẽ thắng.

       Tác giả còn kể lể rằng sắc dân Sioux gốc dân du mục Arikara từ Á Châu vượt eo biển Behring cách đây 20.000 năm và lập cư ở vùng rừng núi này ở phía bắc. Thế kỷ 17 mua được ngựa của người Tây Ban Nha nên tiêu diệt những nhóm dân du mục khác như Cheyenne, Arapacho, để làm chủ vùng đất về phía nam.

       Mặc dù tôi có những suy nghĩ vẩn vơ, nhưng đọc đến hai, ba cái tên mọi da đỏ này thì tôi thiếp đi lúc nào không hay và giật mình thót người khi thấy một người cụt đầu lù lù đứng ngay cạnh bàn. Ông bạn này lẳng lạng kéo ghế ngồi, tự nhiên như nhà của ông vậy…Nhướng mắt nhìn kỹ hơn, thấy người cửi trần, mặc quần da bò có tua giống như bức tượng ở thung lũng Little Big Horn, đang ngờ ngợ bán tín bán nghi ông ta là Crazy Horse thì tôi chóang người muốn nhẩy nhổm lên, khi nghe giọng nói khè khè phát ra từ cái cổ họng cụt ngủn:

       – Ta là…Chế Bồng Nga.

       Đang chập chờn giữa mộng và mơ nhưng tôi biết ngay đây chính là Chế Bồng Nga có thật, chẳng phải hư cấu với hoang tưởng gì cả. Vì cứ luận giải theo thời gian thì thấy:

       Năm 1371 Chế Bồng Nga kéo quân vào kinh đô Thăng Long của nhà Trần nằm bên bờ sông Hồng. Đúng 500 năm sau, 1871 Crasy Horse bao vây thị trấn Ft Pierre bên bờ sông Missouri, sau này cũng là thủ phủ của Dakota. Chưa hết, người Chiêm Thành xưa kia có lúc trở nên hùng mạnh, cũng nhờ mua được ngựa của người Trung Hoa ở đảo Hải Nam mới có mặt ở Bắc Hà.

       Cũng đang miên man những trùng hợp ngẫu nhiên này nọ, bỗng…”lão”. Thực tình mà nói thì tuổi tác giữa chủ và khách cách biệt cả mấy trăm năm, lại không biết mặt mũi thần tướng thần khí ra sao. Thế nên tôi trộm gọi là ” lão” cho tiện xưng hô vậy thôi.

       Lão chỉ vào tờ báo, như đọc được ý nghĩ trong đầu tôi và gợi chuyện:

       – Biết ngươi đang bặt thiệp gian nan với u mặc của sử thi, trong dạ trăm mối u sầu vương vấn. Giải cấu vong niên, cửu trùng tri ngộ nên Ta cũng muốn giải bày đôi điều…

       Tôi đang lúng túng với một mảng cổ ngữ, nào là “bặt thiệp” với “u mặc” thì thấy lão rút đằng sau lưng cái dọc tẩu. Lão vừa vân vê viên bi thuốc, vừa chậm rãi:

      –  Gia dĩ ngươi nghe chuyện xưa rồi biện chứng qua chuyện nay cũng hay lắm ru.

      Cắm cái ống điếu vào cổ họng đã đóng sẹo sần sùi, rồi mồi lửa bằng hai hòn đá với nhúm rơm, lão rít một hơi, phà khói mờ mịt rồi lững lờ tiếp:

      – Nhưng rồi ra sẽ rõ, chuyện đất nước ngươi đâu có khác gì tộc Chàm ta.

      Tôi chưa kịp hiểu lão muốn nói gì,  ngược dòng lịch sử, lão đã cất giọng ồ ề:

       – Gốc tổ của tộc Chàm ta là giặc bể từ các hải đảo Mã Lai, Nam Dương tràn lên bến bờ miền trung ngày nay từ nhiều niên kỷ trước. Ở đấy họ giao tiếp với người mọi Kiratas, những người mọi này không chịu được tộc Chàm ta chế ngự nên bị dồn lên dẫy núi Trường Sơn, sau này được gọi là người Thượng hay người dân tộc này kia.

        Tôi đang ngờ ngợ vì thấy âm hưởng thổ dân Kiratas gần như sắc dân da đỏ Sioux gốc Arikara. Chưa kịp hỏi thì lão đã đưa tôi vào mê hồn trận:

        – Miền trung là trạm dừng chân của người Ấn Độ trên đường tới Trung Hoa để buôn bán, nên có một số đông thương buôn ở lại và cùng người Chàm ta lập quốc. Vì vậy tộc Chàm ta chịu ảnh hưởng văn hóa, phong tục và tôn giáo rất nhiều ở những người này, như xã hội cũng chia làm 4 giai tầng là giáo sĩ, qúy tộc, thương gia và thứ dân. Tôn giáo chính là đạo Bà La Môn, thờ thần Civa, đạo Phật tiểu thừa phát triển mạnh ở Huế và Trà Kiệu, Hồi giáo thì mới truyền vào niên kỷ XI mà thôi.

       Bia ký năm 757 viết bằng tiếng Phạn, cho biết thái hết thì đến bỉ, suy tán lắm thì cũng do thịnh mãn nhiều. Thế cho nên sau khi hợp nhất hai miền nam và bắc bộ, tộc Chàm ta dựng nước và có tên vua (1), kinh đô là Đồng Dương (2) thuộc đất Quảng Nam, được người Thiên triều công nhận và gọi là Tượng Lâm. Đến niên kỷ thứ IX, lấy quốc hiệu là Campura, theo tiếng Phạn cổ nghĩa là đất nước của người Campa (3), riêng Campa là cây hoa đại hay cây bông sứ. Người Thiên triều phiên âm là Chang Cheng, tiếng Bạch quỷ là Champa, người Việt các ngươi gọi là Chiêm Thành. Miền Quảng Nam (4) gần với đất Việt, sau vì chuyện binh đao với nhà Tiền Lê nên phải rời đô về thành Trà Bàn (5) ở Bình Định.

       Từ niên kỷ XII trở đi là thời kỳ cực thịnh nên vương quốc ta còn được gọi là đế quốc Chiêm Thành, Chiêm đế Harivarman IV, không phải người trong hòang tộc mà từ hàng tướng lãnh lên làm vua. Vua ta có nét mặt đồng nhan, nghiễm nhiên như tùng bách dạn sương, thuở nhỏ theo cử nghiệp nhưng không có điều sở đắc, sau theo cha đi đánh giặc có công nên mới tiến thủ trên đường võ bị, thăng tới tạo sĩ rồi xưng đế. Chiêm đế ta lập kiến ra lịch triều mới, thổ địa trải rộng từ Quảng Bình xuống Bình Thuận ráp biên với Chân Lạp, quân ta chiếm đất nước này và tàn phá kinh đô Angkor, đốt phá đền điện, mang nghệ nhân bản quốc và của cải về. Thời Trần triều, quân ta ba lần vào tận Thăng Long, nhưng vì chiến tranh với cả hai nước Đại Việt và Chân lạp kéo dài gần 10 thế kỷ, nên đến thời Nguyễn triều bị kiệt quệ và Chiêm quốc ta bị xóa tên trên đồ thư là vậy.

       Chiêu ngụm nước, giọng lão đều đều như chiêu hồn quá khứ:

       Năm Nhâm Dần 1054 tháng Mạnh Xuân, trời mây sáng dịu cây cỏ tốt tươi, vương Lý Thánh Tông nước ngươi lên ngôi đặt quốc hiệu là Đại Việt, sau đánh Tống nghĩ đến đến chuyện bình Chiêm. Mượn cớ Chiêm đế ta là Chế Củ (6) quấy nhiễu miền đất ven bể, vua ngươi là người cơ công, thường kính nhường kẻ sĩ trong thiên hạ, nên được cận tướng Lý Thường Kiệt tìm về phò trợ, hộ giá mang 30.000 binh cơ và 200 chiến thuyền vào đất Quy Nhơn, tiến vào kinh đô ta, đốt phá hơn 2.560 căn hộ và quan thổ ở thành Trà Bàn. Binh lính ngươi bắt sống 5000 quân ta và ác tâm đến độ còn thì giết chết hết, xác chất thành núi, máu chẩy thành sông. Đến nỗi vua ngươi phải hạ lệnh rằng kẻ nào giết bậy người Chiêm sẽ bị chém, không tha. Chiêm đế ta mang vợ con chạy đến trấn Phan Thiết thì bị tướng Lý Thường Kiệt bắt cùng với năm vạn binh mã. Là kẻ sơ cuồng chốn sơn lâm cây cối um tùm, nhởn nhơ nơi núi hang cùng chim kêu hoa nở, quen thói gió thỏang hương đưa nên chẳng hay chuyện thế sự, không biết điều lợi hại, nên Chiêm đế ta mới cắt đất Quảng Bình và Gio Linh (7) để được buông tha về chốn cũ, cái thế tất phải như vậy, làm vương làm tướng lặn lội trong bể họan, phải gánh chịu cái nguy cơ nổi chìm. Đó chính là bước đầu của việc mở mang bờ cõi về phía Nam của Đại Việt nước ngươi. Năm 1075 có hai chuyện biện giải là Chiêm đế ta mang vợ con và 3.000 binh lính xin quy hàng và sau cuộc đánh Tống, tướng Lý Thường Kiệt mới rảnh tay phóng bút vẽ vời Nam Bắc Phiên Giới Địa Đồ với hình thể núi sông vùng đất mới chiếm của Chiêm Thành ta và cho di dân tới lập nghiệp.

        Chiếu chiêu mộ di dân của vương Lý Thánh Tông là một sổ bộ quan trọng trong cuộc Nam tiến của đât nước ngươi, kéo dài cả bẩy, tám thế kỷ sau. Kéo theo cư dân Hà Tĩnh và Nghệ An về đây cùng những họ tộc Phan Xá, Hòang Xá, Ngô Xá…tức dòng họ nhà Phan, Hòang, Ngô trong những thôn ấp, sau dựng lên làng xã. Theo thời gian, họ trà trộn với nhóm tộc Chàm ta ở đây để tạo thành nhóm người miền Trung sau này.

       Lý triều ngươi kéo dài gần 300 năm, nhưng biên trấn chỉ ngừng lại ở nửa đất Quảng Trị. Tuy nhiên âm mưu thôn tính nước người của vua quan ngươi đã rõ từ đời nhà Tiền Lê, vương Lê Đại Hành ngươi là vị vua đầu tiên xuất chinh mang quân xâm lấn vương quốc ta. Khi về ngang qua Quảng Bình, vua ngươi để lại một số lính thú trà trộn với tộc Chiêm ta để dùng làm hậu binh về sau này. Ngựa quen chân cũ, đến thời các chúa Nguyễn, họ mang người Minh Hương và Thừa Thiên vào lập cư ở đất bồi Châu Đốc, Hà Tiên, để có tay trong dễ bề thôn tính nước Thủy Chân Lạp.

       Trầm ngâm một chút rồi lão tiếp:

       – Thời kỳ Chiêm đế Chế Mân ta (8) là thời cực thịnh, giang sơn cẩm tú trải dài lên tận cao nguyên Darlac và Langbian, giao hảo với Trần triều như bát nước đầy. Cựu vương Trần Nhân Tông xuống tóc, mây đơn hạc nội, ngao du sơn thủy, đi thăm thú các nước lân bang và được Chế đế ta tiếp đãi rất nồng hậu. Cựu vương ngươi văn kiến súc tích, uẩn khúc kinh luân bốn bể nghe danh, gặp Chiêm vương ta cũng là người đồ thư nửa gánh gươm đàn một bao, nên rất tương đắc. Cả hai như tiên thánh tiên hiền ca xướng náo nhiệt nhiều phen, cựu vương ở đây 9 tháng, nửa vách đèn tàn, luận cổ đàm kim, đối xử nhau sớm đào tối mận. Một đêm kia trăng chiếu vào hiên, trúc thưa gió lọt, tiết trời êm dịu, hình bóng u nhã, móc đọng trên hoa, hương bay nhè nhẹ, cựu vương ngươi hàm súc, tức cảnh si tình bèn hứa gả công chúa Huyền Trân cho Chiêm đế ta. Cuộc thương thảo kéo dài hai năm và Chế đế ta thuận tặng cho Trần triều giải đất phía bắc đèo Hải Vân là trấn Quảng Trị và Thưà Thiên (9). Điều đó chẳng lầm lạc lắm ru, nay hối thì quá muộn, lại nữa công nương Huyền Trân lên làm hòang hậu (10) được một năm thì Chế đế ta băng hà. Theo tục tộc Chàm ta, quân vương mất hòang hậu phải tự thiêu (10B) để đi theo hầu hạ cơm nước. Trần triều sợ công chúa bị hại nên sai Trần Khắc Chung sang điếu tang và cướp hòang hậu và con là thế tử Đa Đa (11) về, rong chơi trên thuyền cả năm. Lời truyền tụng quả đà sai lạc, bất tất nói làm gì.

       Nghiêng người về phía tôi, giọng lão trầm hẳn xuống như thì thào:

       – Sử thi nhà ngươi chỉ nói đến chuyện Huyền Trân lấy vua ta để được đất, nhưng họ quên một điều rằng ngay từ đời Lý triều, Chiêm đế ta đã gả công chúa cho vương Lý Anh Tông, vua ngươi nức lòng nhận. Nhân dịp này cao nguyên Darlac được sát nhập vào Chiêm quốc ta như đã luận giải ở trên, tộc Chàm ta xây đền đài chung quanh Ban Mê Thuột, Peiku, Kontum. Tiếp đến phía nam, quan quân ta đánh đuổi người Thượng sắc dân Jarai, Blao lập nên vùng đất mới sau này.

       Không nói ngươi cũng biết, đất nước nào chẳng có chuyện gả bán để mưu đồ này kia, nhưng không đâu bằng chúa Nguyễn Phúc Chu. Chúa ngươi có 4 công nương, một đưa về với họ nhà Mạc để cầu hòa, hai gá nghĩa với Chiêm vương ta để khai thác cửa bể Hội An, ba lấy một công hầu Nhật để mượn đường mua gươm kiếm đánh nhà Tây Sơn và bốn, làm hòang hậu vua Chân Lạp để có đất khai khẩn vùng Bà Rịa và Gia Định.

       Châm một hơi thuốc, nhả khói xong lão lại đều đều:

       Ta lên ngôi vua lấy đế hiệu là Chế Bồng Nga (12), vì muốn đòi lại hai trấn trên, gặp đúng dịp nhà Hậu Trần đang thời sa sút nên Ta chiêu mộ đạo đồ mà tập hợp lại, đem đại quân một sớm một chiều theo đường biển kéo rốc thẳng vào Thăng Long. Tượng binh ta cứ nhắm cửa thành mà xông tới, Ta thấy thổ thành không cao lắm, kế bên có dẫy tường nhỏ, trên mặt tường ngựa đi được, phía ngòai là hàng rào tre dầy đặc, dưới hàng rào có hào sâu, trong hào thả chông, thật là mười phần kiên cố. Thế nhưng vương Trần Nghệ Tông đã bỏ thành, đi thuyền qua sông Đông Ngàn để lánh nạn từ lâu, nên quân ta vào thành cướp hết đồ châu báu, bắt cung nữ, đốt sạch cung điện rồi kéo về.

      Mấy năm sau vương Trần Duệ Tông lên ngôi, xuống chiếu thân chinh. Ta thực tình không hiểu nổi vua ngươi thế nào, theo tà ma đạo giáo, trước khi xuất quân đi chầu bà bóng, lúc này thần linh vừa giáng phụ vào đồng nữ, vừa lắc lư vừa đàm thọai: “Thánh mẫu linh hiển báo ứng không sai rằng quẻ nguyên thủ, đó là cái tượng vua sáng tôi hiền, Chu tước ở giữa, Bạch hổ ở cuối, Quả nhân gặp bản mệnh, Dịch mã ứng với hành niên. Ba lần truyền đều có nhật can thời chi Lục hợp, ứng với dời chỗ đi xa, xuất hành xuất quân, cát hung thì lành ít dữ nhiều, cẩn thận củi lửa”. Lại nữa, đến giữa đường gặp đám tang của dân đi qua, vì kiêng cử nên vua ngươi phạt họ 30 quan tiền. Tin vào chuyện…“củi lửa”, binh lính phải căn cơ bếp núc, chỉ lót dạ một bữa. Sau đó vua ngươi mặc áo đen, cưỡi ngựa mốc, đêm tối tắt đuốc ngậm tăm, binh lính nối gót nhau như xâu cá mà đi. Rồi đi thẳng vào trại doanh đại quân Chiêm ta, thế là vua Trần ngươi tử trận. Cùng năm ấy, Ta lại kéo quân như thế chẻ tre, tiến đánh Thăng Long hai lần nữa, vua Trần ngươi phải dấu của cải, tiền đồng ở núi Thiên Kiện, nhưng quân Đại Chiêm ta cũng chiếm giữ được từ Quảng Bình cho đến Nghệ An, đất đai thu về một mối.

       Thế nhưng Ta làm ma không đầu vì tên tiểu tướng Trần Khát Chân, vua Trần ngươi phong hắn làm tướng đi đánh ta, hắn khóc lóc lạy từ giã, vua ngươi cũng gạt lệ tiễn đưa, cứ như thái tử Đan tống tiễn Kinh Kha sang Tần…Trong một trận thủy chiến, nhờ nội phản phía bên quân ta, Trần Khát Chân dồn hỏa súng, lọai súng có nòng kim lọai và nhồi thuốc cháy nhất tề nhả đạn xuyên suốt ván thuyền, Ta chẳng may bị tử thương. Hắn nhẫn tâm cắt đầu Ta bỏ vào thùng trấu mang về kinh đô lấy thưởng. Canh ba trong đêm, binh lính ngươi chiến thắng về đến cửa ngọ môn, vua Trần ngươi cứ ngỡ Ta kéo quân ra Thăng Long lần nữa, hỏang hốt định xuống thuyền chạy…Vậy mà vua Trần ngươi còn phán được câu: “Ta với Bồng Nga tương tri từ lâu, nay mới được thấy mặt, khác gì Hán Cao Tổ thấy Hạng Vũ. Thiên hạ yên rồi…”

       Ôi, Ta cũng đành ngậm cười nơi chín suối !!!

       Sau Trần triều, Hồ Qúy Ly thu lại đất cũ, tiếp đến là Hồ Nguyên Trừng chiếm thêm nửa tỉnh Quảng Nam, họ Hồ mộ dân vùng Nghệ An, Quảng Trị và Thừa Thiên vào vùng này khai thác và đặt tên là Chiêm Động và Cổ Lũy Động. Đất Chiêm ta lúc này chỉ còn lại một nửa, lòng Ta buồn vô hạn, trời đất nào ai hay.

       Sau khi thắng nhà Minh, nhân cơ hội vua Lê đang củng cố triều chính, bỏ trống miền đất phía nam. Chiêm đế ta kế vị, chiêu mộ binh mã, các bản trấn vâng mệnh, truyền lấy cơ binh ở các huyện thành, binh khí khá nhiều, lương thực có dư, đi trên cỏ lội trong nước, khởi quân đánh châu Hóa để đòi lấy lại vùng đất này. Trấn quan phải rút vào thành cố thủ, bốn tầng vọng canh, tầng nào cũng có binh lính đứng thành hàng, rồi phi báo về triều đình, hai bên dằng co cả mấy tuần trăng. Trong khi vương Lê Thánh Tông sọan sách lược Bình Chiêm Sách, cất quân chinh phạt với 1000 chiến thuyền, 70 vạn binh, men theo ven bể, mấy tuần khởi trình là tới, trong hai ngày giao tranh, binh lính ngươi chiếm được kinh đô Trà Bàn của Chiêm quốc ta.

       Lão như…cúi đầu, trầm ngâm:

       – Lê triều giết hơn 4 vạn quân dân và chém đầu 300 tù binh ta, mở rộng biên cương tới tận Phú Yên, Khánh Hòa, tiếp đến là chiêu mộ dân vào Bình Định, đa số là dân chài Nghệ An và tù nhân bị án lưu hình.

       Thời nào cũng vậy, từ đời vương Lê Đại Hành với nhà Tống, vương Lê Thánh Tông với nhà Minh, binh lính ngươi cứ kéo tới kinh đô Chiêm Thành ta là bị Thiên triều phương bắc ra chiếu chặn lại, như Hồ Nguyên Trừng phải dừng lại ở thành Đôn Dương, Quảng Nam (13) và Lê triều chỉ được đóng quân ở thành Trà Bàn, chiếm giữ phủ Bình Định, mặc dù họ đã kéo tới Phú Yên, Khánh Hòa (14). Vì mất vùng đồng bằng phì nhiêu, lui về miền đất khô khan phía nam, đất nước ta chỉ còn lại một phần năm đất đai, Phú Yên và Khánh Hòa lại bị Lê triều ngươi chia làm ba nước nhỏ là Chiêm Thành, Nam Bàn và Hoa Anh nên không còn sức để tự tồn. Âu cái vận nước ta đã đến hồi mạt.

        Chúa Nguyễn Hòang vào trấn thủ Thuận Hóa (15), sau kiêm lãnh xứ Quảng Nam, mượn cớ Chiêm hậu ta là Bà Tấm (15B) hay quấy phá Bình Định, nhà chúa sai tướng dưới quyền kéo quân xuống miền nam. Giặc bắc cuồng bạo, người thì đông quân ta lại vừa ít vừa yếu, ở cái thế lao dật đã rõ, phải đánh gấp, nếu chậm trễ bên mạnh bên yếu sẽ phơi bày ra, quân Chiêm ta ắt rối lọan mà địch không nổi. Thừa khi đêm tối, bèn chia bốn đường xung kích đánh nhầu, hai bên hỗn chiến đều bị tử thương rất nhiều, đến sáng thì quân ta thua to. Từ đó chúa Nguyễn chiếm cứ từ bên kia đèo Cù Mông đến núi Thạch Bi, sau lập ra phủ Phú Yên (16). Đó là bước Nam tiến đầu tiên của 9 đời chúa, 13 đời vua nhà Nguyễn. Chiêm hậu ta cho quân quấy phá Phú Yên nhưng không thành, đạo binh chúa Nguyễn Phúc Tần kéo xuống tận Phan Rang và lập ra thên hai trấn Khánh Hòa và Ninh Thuận. Sau khi chiến tranh Trịnh Nguyễn kết thúc, rảnh tay ở phương nam, chúa Nguyễn Phúc Chu lấy cớ Chiêm hậu Bà Tranh không tiến cống, nhà chúa tiến quân và sát nhập trấn Bình Thuận (17) vào lãnh thổ mình. Ngôi có tôn ti mà lễ có cấp bậc, nhà chúa há quên sao mà bắt Chiêm hậu ta về Phú Xuân bằng đường bộ, đường đá gồ ghề bặt thiệp gian nan, chẳng mảy may có hộ tống nghênh, hai bên núi non đứng sững, bao bọc lẫn nhau, khói mây mịt mùng che khắp mặt đất. Hươu nai nghe bước chân đi thì vội chạy tóan lọan, chim chóc nghe tiếng người bay vút lên tận đầu non, bọn hành nhân áo quần rách rưới phải ngủ giữa đèo ngang núi, màn sương đêm giá tan chừng nửa. Việc đời biến cải, thời gian đổi đời, cảnh thu ly khiến tộc Chàm ta buồn đau khôn xiết, để rồi không ai hay số phận của Chiêm hậu sau luân lạc nơi nao, u mặc lắm thay. Không nói ngươi cũng tường, qua ba lần xuất binh, các chúa Nguyễn không thân chinh đi đánh như thời nhà Lý, Trần và Lê, mà chỉ sai tùy tướng đối đầu với tàn quân Chiêm ta. Sau khi thắng để lại đất Bình Thuận với một tước “Phiên vương” hay Khám Ký, Đề Lãnh, cấp cho 30 lính để tộc Chiêm ta cai trị lẫn nhau, bắt nạp cống hàng năm, trả lại hết cho người Chiêm những ấn, gươm, yên ngựa.

       Lão như trầm ngâm suy nghĩ gì nung lắm, rồi điềm đạm:

       Nhưng theo sử của nhà Nguyễn thì Chiêm quốc ta xem như chấm dứt vào thời chúa Nguyễn Phúc Chu. Nhưng tộc Chiêm ta không thần phục, thỉnh thỏang nổi lên quấy phá rồi lại bị dẹp cho đến đời chúa Nguyễn cuối cùng là chúa Nguyễn Phúc Thuần:

       Tháng ba năm Ất Mùi, Cảnh Hưng thứ 36, Nguyễn Nhạc kéo xuống quân từ Phú Xuân xuống. Ngày 29 tháng 3 chúa Nguyễn Phúc Thuần và đông cung thái tử Nguyễn Phúc Ánh tức vua Gia Long sau này, bỏ Quảng Nam, mang 1000 quân đánh chiếm Bình Thuận của Chiêm ta để mong tử thủ. Nhưng vì nhà Tây Sơn tiến như vũ bão, thế nên qua đến tháng tư, vương mệnh bất sĩ giá, nội trong ngày ngựa không kịp thắng yên, lên đường cùng gia quyến 100 người chạy vào Phiên Trấn (18), nơi đây trấn binh đã đều sẵn sàng chờ đón, nhắm hướng nam mà chực chỉ. Ở Bình Thuận (19), Cai Cơ (20) tên Tá đem bửu khí truyền quốc nạp cho nhà Tây Sơn. Sau đó chẳng bao lâu, tang cố dồn dập, Bình Thuận bỏ ngỏ, hơn một trăm ngàn dân tộc Chàm ta tỵ nạn ở Chân Lạp (21), Xiêm La, Mã Lai, Nam Dương và Chiêm Thành bị xóa tên vĩnh viễn.

       Đó là năm 1775….

                                                         x            x           x

       Tôi chòang tỉnh dậy, Chế Bồng Nga đã biến mất từ lâu, nhưng âm hưởng của ông như còn để lại trong tôi với…”bày giải đôi điều” cùng xưa với nay. Nhắm mắt hồi tưởng lại, như một đọan phim câm quay chậm, ẩn hiện nào là 1054 khởi đầu một triều đại. Sau hai mươi năm, tiếp đến 1075 với cuộc di dân của nhà Lý. Tôi lại mường tượng đến cuộc di cư năm 54, tới cuộc di dân năm 75 mới đây (22) với lịch sử là cuộc tái diễn không ngừng và tôi chỉ thóang nghĩ tất cả chỉ là ngẫu nhiên tình cờ….

       Thế nhưng tàn cuộc chiến bằng vào 200 năm trước, có những trùng hợp đến lạ lùng như ngày 29-3-1775 chúa Nguyễn bỏ Quảng Nam, thì đúng với ngày 29-3-1975, tỉnh lỵ này của miền Nam cũng bị bỏ ngỏ. Chưa hết, qua đến tháng tư, Bình Thuận là trận địa gươm đao cuối cùng của Chiêm Thành với nhà Nguyễn, vội lật chồng sách cũ lục lọi, tôi mần mò thấy chiến tuyến Xuân Lộc cũng ngưng tiếng súng vào ngày 21-4-1975.

       Mò mẫm với cái bản đồ trên tường thì thấy thị trấn bên đường nhỏ bé này chẳng đâu xa, nằm chơ vơ ngay địa giới tỉnh Bình Thuận (23). Lững thững quay về nghế ngồi, bắt gặp lạc lõng trên mặt bàn là cái dọc tẩu để quên lại, còn quyện dăm sợi khói xanh lặng lờ, văng vẳng như có tiếng gửi gấm của người về tự nghìn năm:

       – Sau này nhân lúc cung đàn chén rượu được nhàn nhã, ngươi thay Ta mài mực cầm bút ghi lại câu truyện về một mảnh đất cùng những cái tên…

              Ngộ Không Phí Ngọc Hùng

(Trúc gia trang, Ất Dậu niên)

Phụ chú:

Bài viết được góp nhặt qua những tác giả như Phan Khoang, Trần Gia Phụng, Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, Xuân Sơn, Vũ Bằng Mường Giang và Nguyễn văn Huy.

Thêm phần Chú thích ở phía dưới.

      Chú thích:

 1-  Chiêm vương: Printhi Indravarman.

 2-  Đồng Dương: Indapura, nay là Trà Kiệu.

 3 – Campa:  nguyên là tên địa danh ở miền bắc Ấn Độ, trên sông Hasdo, tỉnh Madhya

      Pradesh, gần thành phố Bhagalpur.

 4 – Quảng Nam: Amavarati.

 5 – Trà Bàn: Vijaya.

       Còn được gọi là Đồ Bàn hay Phật Thệ, được dựng lên ở huyện Trà Bàn, tỉnh Quy

       Nhơn (Sri Bini) thuộc Bình Định.

 6 – Chế Củ: Rudravarman II.

 7 – Quảng Bình và Gio Linh: Hợp lại là ba châu Bố Chính, Địa Lý và Ma Linh.

      Bố Chính phía bắc Quảng Bình, Địa Lý là Quảng Bình và Ma Linh là Gio Linh

      phía bắc Quảng Trị ngày nay. Vùng đất này xưa kia thuộc Nhật Nam thời nhà

      Hán, sau rơi vào tay Chiêm Thành.

      (Phụ chú: Nam Bắc Phiên Giới Địa Đồ của Lý Thường Kiệt và vua Lý Anh Tông

       vẽ từ vùng này mà ra, cũng là quyển địa lý đầu tiên của nước ta).

 8 – Chế Mân: Jaya Simhavarman III, chữ Chế phiên âm từ chữ Phạn Cris là vua, còn

       chữ Mân là phiên âm sau cùng của chữ Sinhavarman..

 9 – Quảng Trị, Thừa Thiên: châu Ô, châu Rí (hay châu Lý).

       Nhà Trần đổi tên là châu Thuận, châu Hóa, diện tích tổng cộng vùng này khỏang

      10.000 cây số vuông.

10 – Hòang hậu Paramecvari.

       (10B: Nghi lễ vợ hỏa thiêu theo chồng là của Ấn giáo, được gọi trà tỳ tức Suttee,

       còn thịnh hành ở Ấn Độ cho đến khi người Anh cai trị và bị bãi bỏ vào năm 1829).

11 – Từ truyện công chúa Huyền Trân, dân gian truyền tụng câu: “Tiếc thay cây quế

       giữa rừng để cho thàng Mán, thằng Mường nó leo”. Khi công chúa có con là thái tử

       Đa Đa, còn thêm câu ca dao khác về con chim đa đa: “Sao không lấy chồng gần lại

       lấy chồng xa” là vậy.

       Như truyện con chim cuốc, ngòai từ tích con đỗ quyên nước Thục bên Trung Hoa,

       lại còn có một truyền thuyết khác là chim cuốc hóa thân của người Chàm. Dưới

       thời vua La Hoa, vua Chàm cất quân đánh Giao Chỉ. Một gián quan tên Quốc hết

       lời can vì thấy Chàm yếu, Giao Chỉ mạnh, nên sẽ không địch nổi, nhưng vua không

       nghe. Cuộc chiến diễn ra ở đèo Ngang, vua La Hoa chết vì trúng tên, viên gián

       quan xông ra lấy xác cũng bị chết theo. Hồn của không siêu thóat được, hóa thành

       chim, ngày đêm chim ấy kêu than rỉ rả như tiếng bi thương của vị trung thần với

       vua: “Quốc, Quốc ! La Hoa ?”, nghĩa là: “Quốc, Quốc đây…La Hoa ở đâu…”.

       Từ đó, dân gian gọi là con chim cuốc.

12 – Chế Bồng Nga: Jaya Simhavaman VII.

13 – Người Chàm gọi là Đại Chiêm, tên Quảng Nam mới có từ đời nhà Lê.

14 – Thời ấy vùng này chưa có tên.

15 – Thuận Hóa: gồm châu Thuận và châu Hóa.

       15B: Người Chàm có 2 thị tộc lớn nhất là dòng Cây Cau (Kramukavamca) và dòng

       Cây Dừa (Narikelavamca). Dòng Cây Dừa ngự trị miền bắc Indrapura, quyền nối

       ngôi vua theo họ cha, dòng Cây Cau ở miền nam là Panduranga, quyền thừa kế

       dưa theo họ mẹ

       Mỗi thị tộc có một vật tổ và lấy vật tổ ra gọi tên hiệu hay đặt tên đất đai, những tên

       này lại theo những địa danh có sẵn mãi bên Ấn Độ. Như miền nam dòng Cây Cau-

       Panduranga để có Pan Rang, Pan Thiết. Vua dòng này thường nữ vương như Po

       Yan Pu tức Bà Thiên Y.

16 – Sau chúa Nguyễn Hòang là chúa Nguyễn Phúc Lan, trong trận đánh với quân Trịnh

       ở Quảng Bình, chúa Nguyễn bắt được 30.000 quân nhà Trịnh và mang họ vào Phú

       Yên, cứ 50 người làm một ấp để khai thác đất đai như…”vùng kinh tế mới”.

       Nguyên văn lời chúa Nguyễn nói:

– “Điện Bàn trở vào nam là đất cũ của người Chàm, hiện nay dân cư thưa thớt, nếu đem chúng vào đất ấy, cấp cho trâu cầy bừa, chia ra từng bộ, từng xóm để chúng khai khẩn ruộng hoang thì trong khỏang mấy năm, thuế má thu được có thể giúp quốc dụng. Sau 20 năm, sanh sản nhiều thêm, lại có thể thêm vào quân số, có gì mà lo về sau”.

17 – Trước là trấn Thuận Thành, chúa Nguyễn Phúc Chu đổi tên thành trấn Bình Thuận

18 – Phiên Trấn: Gia Định.

        (Phụ chú: Trấn, biên là từ ngữ đi với “dinh” chỉ vùng biên giới, như dinh Trấn

        Biên tức Biên Hòa)

19 – Chúa Nguyễn cho người Việt di dân vào Bình Thuận từ trước, miền Nam tức đất

       Thủy Chân Lạp (19B) sau cũng vậy với người Minh Hương và người Thừa Thiên,

      để hòa đồng cới người Chân Lạp và người Chàm ở đây.

       (19B: Chiêm Thành chiếm Thủy Chân Lạp một thời gian nên vùng đồng bằng sông

       Cửu Long có nhiều di tích của họ. Vì họ thờ nữ hòang Po Nagar, bà 97 chồng và 38

       Con gái, tất cả đều là nữ thần như Po Ino Nagar tức Bà Đen ở Tây Ninh, Po Nagar

       Dara Khánh Hòa, Po Rarai Anaih Ninh Thuận – Po là Bà)

20 – Cai Cơ: Người đứng đầu một trấn.

       Sau khi Phiên vương Kế Bá Tử mất, Cai Cơ tên Tá, trong sử sách không nói họ nên

       không biết là người Việt hay Chiêm. Nhưng chúa Nguyễn Phúc Thuần phải đánh

       Bình Thuận để tử thủ và cai Cơ phải dâng bửu khí quốc truyền cho nhà Tây Sơn thì

       chắc phải là người Chiêm.

21 – Người Chàm tỵ nạn ở Cao Miên hiện nay lên tới 270.000 và người Chàm còn lại

       trên đất Việt khoảng 140.000 người, đa số bị vua Minh Mạng cải qua họ Nguyễn.

22 – Sau năm 75, người miền Bắc di dân Hưng Yên lên Ban Mê Thuột, Kontum, Pleiku,

       dân Nam Định vào Lâm Đồng, Ninh Thuận, dân Thái Bình dừng chân ở Bình

       Thuận, Biên Hòa và dân Hải Dương xuống Hà Tiên, Cà Mâu.

23 – Bình Thuận: Panduranga

       Bị xóa mất trên bản đồ từ năm 1976 cho tới tháng 12-1991.

©T.Vấn 2022

Bài Mới Nhất
Search