T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngộ Không Phí Ngọc Hùng: Người Tình Không Chân Dung…(1)  

Vào Truyện:

       Tôi là đàn bà và không phải là nhà văn, như…

        Như bà nhà văn Phạm thị Hòai đã phóng bút “Mới chỉ lật trang đầu một bài viết, lướt qua mấy hàng đã biết trong ấy tác giả đã muốn gửi gấm niềm riêng nỗi nhớ gì và nếu đóan ngay khúc cuối sẽ đi về đâu thì không có tôi. Tôi chẳng rỗi hơi ngó ngàng tới cái cốt truyện cho mất thì giờ, tôi quẳng ngay vào…thùng rác cho được việc”.

       Ấy vậy mà bài viết này, thóang nhìn cái tựa đề, ai đọc cũng nắm bắt ngay là…một truyện tình. Nên như bà Phạm thị Hòai đã buông bút, cốt truyện đâu đó cũng chỉ âu sầu nhân thế với “Thu rơi” – “Thu rụng” – “Mùa thu chết” – “Em ra đi mùa thu, mùa thu không trở lại..”. Thế nhưng đây không phải là một truyện ngắn với khúc kết có sẵn như đóng khuôn, mà chỉ là một cái thư tâm tình qua hỏi đáp. Thay vì được gửi tới mục gỡ rối tơ lòng của một tạp chí nào đó, người viết đã gửi gấm đến một ông thầy…”Một ông thầy bói” . Lý do giản dị và dễ hiểu như ai đó đã luận, một bài thơ, một bản nhạc thì tác phẩm và tác giả đều có dòng sinh mệnh riêng của nó, gắn bó không rời…

      Như định mạng đã an bài.    

      Và chuyện tôi muốn kể lể với ông thầy, như “Chuyện Tình Kể Trong Giờ Ăn Trưa” với bất cứ ai, bằng vào một ngày không nắng cũng chẳng mưa, tôi ngẫu nhiên gặp “một người lạ mặt”, gặp là yêu ngay, yêu không suy nghĩ vì trái tim có lý lẽ riêng của nó. Lẽ dĩ nhiên rồi ra thì cũng tóc mai sợ ngắn sợi dài, lấy nhau chẳng đặng thương hòai ngàn năm như chuyện đời thường. Rằng người ta yêu nhau, yêu cả đường đi lối về, để người ta hiểu lòng dạ nhau từ sợi tóc mai, tóc mây, ngắn, dài. Vậy mà, với cuộc tình đong đưa bấy lâu nay của tôi, tôi chẳng biết nhiều gì về….”gã”, ngay cả đến sợi lông chân…

       Tất cả chỉ là những run rủi gặp nhau để có những đổi thay cho một quãng đời.

                                                                                                                 Ngọc Hạnh

***

Cùng bài viết, lời lẽ gần giống như mục hỏi đáp thường sáo mòn với xấu đẹp tùy người đối diện, xin gửi hình và tem, nếu hợp sẽ hồi âm rồi…tiến tới: Tiến tới đâu thời hổng hay, một ngày  với nắng vàng mây xanh, ông thầy bấm cái tách vào cái nút của cái hộp thư, lôi ra một cái phong bì dầy cộm. Thầy đóan ngay boong ắt hẳn là chuyện tình duyên lận đận chi đây. Lật cái thơ thấy “tên trước, họ sau”, ngó vội cái địa chỉ lạ hoắc và “chữ nghĩa bò lổn nhổn như còng cua, còng tép, dài mút chỉ Cà Tha”. Thầyđọc không ra và nhủ thầm, không ở vùng đất ấm tình nồng, thì cũng nằm ở Cà Mau, Óc Eo nào đó.

       Mở cái thơ, qua phần vào truyện, thấy tá hỏa tam tinh với cái bút hiệu Ngọc Hạnh.

       Thầy théc mác: “Ủa, chớ ai kia vậy cà…”. Như có tiếng vang vọng trong hư không: “Dạ, tôi nè…Ông thầy ”. Nghe vậy thầy ngó ra ngoài cửa sổ, tay che mắt vì nắng hướng tây, hỏi: “Dzậy tôi là ai…mới được chớ?. Quỷ hay ma! Bộ tính nhát ai đây?”. Âm vang lại vọng ra, lần này ngay như trước mặt, đo khỏang cách ngắn dài cũng chỉ ba, bốn gang tay: Ủa, thầy là thầy bói chẳng đóan ra sao?. Còn tôi là ai, từ từ tính, hồi sau sẽ phân giải mới có tích có tuồng như coi phim bộ, xin xem hồi sau sẽ rõ đó thầy….Còn xấp giấy đang cầm trong tay, thầy cứ cho là một truyện ngắn đi. Sự thể ngay cả chính tôi, tôi cũng tự hỏi làm gì phải viết về “Gã”. Lại nữa, với tên tuổi tôi thì thầy thắc mắc làm chi cho nhọc sức, thầy cứ đọc chơi, mua vui cũng được một vài trống canh, thầy héng. Nghe có lý, thầy sửa cái gọng kính chong mắt lui cui đọc tiếp, miệng lầu bầu như chó ăn vụng bột: Thằng chả nào ta? Thí chủ này có tới thăm thầy cúng dường hồi nào chăng?

       Nếu có thì dễ ợt, nhất thanh nhì tướng là…tới số.

        Hỏi chi mà hỏi gấp dữ thần vậy thầy, đàn ông cũng có ba bẩy đường, gã này cũng như thầy dzậy, sáng say chiều xỉn, tối guắc cần câu, mượn chén rượu để tiêu sầu cố quận, lấy bạn bè gần xa làm thú tiêu dao. Từ ngày có giấy thô, bút sắt như cánh vạc bay, thêm con quạ, con cò bắc cây cầu Ô Thước, gã bò ra lăn lộn với chữ nghĩa để gửi gió cho mây ngàn bay. Rồi thẩn thơ thẫn thờ, thư qua tin lại, chiều chiều ra đứng góc vườn, trông về quê mẹ ruột đau chín chiều. Thấy có người xa xứ giống mình y chóc, thầy bỗng dưng cười mỉm chi như đắc ý: “Ngộ ha, mà có thiệt không chớ…”

       Dzậy đó thầy, áo không mặc qua khỏi đầu nên cũng chẳng dấu chi, “Đèn Sài Gòn ngọn xanh, ngọn đỏ – Đèn Châu Đốc ngọn tọ ngọn lu”, gần mực thì đen, gần đèn thì…lu tuốt luốt, gần gã lâu ngày tôi cũng lây cái bệnh…giấy ngắn tình dài kể sao cho xiết. Không có lửa sao có khói, khói lam cuộc tình thì lằng nhằng cho lắm, chẳng qua cũng chỉ vì bấy lâu nay vướng víu hai chữ bạn đời với bạn đường. Như cái rằm nằm chết dí trong lòng bàn tay, lại nằm chấn ngang xưong giữa đường tình với đường gia đạo, nhức nhối và ngứa ngáy khôn nguôi. Hồi tưởng lại cái tuổi đang xuân ngày nào, tôi ngu ngơ cứ cho là chuyện đời sẽ êm ru bà rù như như ăn với ngủ, ngỡ rảnh vài năm chọn lựa đấng…tào khang, ai dè số kiếp buông suôi để nghiêng trời đất méo, biết làm sao hơn. Lớn lên một chút, chịu cảnh cô liêu chích bóng cùng vết thương nhớ đời. Thét rồi thì nhớ từ cơn đổ vỡ nhớ đi, nhớ trong hồi đọan chia lìa nhớ lại. Thấp thóang giữa đám lau lách trí nhớ bội bạc, tôi nhớ như một nguời tình bị phụ rẫy, nhớ nỗi bất hạnh của chính mình, như bị bỏ bê sua đuổi với lá úa tiễn người đi, nên mới có dăm trang giấy này.

       Trước lạ sau quen, nay trộm có mấy hàng thô thiển gửi đến ông thầy, gia dĩ biết thầy là người đi Tây đi Tầu, lịch duyệt nhơn tình thế thái, thấu hiểu chuyện đời, rành tâm lý đờn bà con gái, biết phân biệt giả chơn, xin thầy chỉ giáo đôi điều thì đội ơn lắm thay. Nhưng hãy khoan hối hả, hãy để tôi tâm sự hết rồi thầy sẽ tường. Cũng xin thưa, thơ này tôi học theo thói văn chương miệt vườn của hai ông Sơn Nam, Bình Nguyên Lộc, kề rề, cà tịch cà tang, lướt thướt sướt mướt nên cũng hạp với tâm tánh của thầy lắm lắm.

       Vì rằng thư bất tận ngôn, xin mạn phép dô truyện….Thưa thầy!

                                                         x            x            x

       Ngày qua đêm tới, cả mấy tháng nay, tôi là người bạn đời của…”chàng”.

       Hình như tôi không hạp với cái tên gọi lôm côm “chàng” thì phải…Nghe như chuyện tình của hai cô cậu ở cái tuổi đôi mươi, dắt díu nhau ra ngòai biển xa bãi vắng nói chiện trên trời dưới nước. Và ai ai cũng nhòm thấy được đọan kết không có hậu cùng tình vỡ, tình buồn, tình nứt làm đôi, mỗi người nhìn về một hướng. Thêm một lần Đông Tây hổng bao giờ gặp nhau, ngôn ngữ xà bát gọi nhau ở xứ này chỉ vỏn vẹn “mày, tao”. Nên tôi gọi bằng “gã”, nghe cụt ngủn vậy đó thầy, nhưng nó phát hiện một phần nào cái tuổi tác cách biệt của chàng…Úi da quên của…gã. Thọat tiên, cái thuở ban đầu lưu luyến một thương hai nhớ ấy, tôi chỉ là bạn…”chữ nghĩa” với gã. Thầy hiểu dùm hai chữ này nha, nếu chẳng đặng, thầy ráng đọc tới chương chót thầy sẽ rành ngay tức thì…Như gã giải bầy cho tôi về chữ bạn, giống bầu với bí, bầu ơi thương với bí cùng, tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn, để có…bầu bạn. Để tôi mắc tròng gã với “bầu ơi thương lấy bí cùng”, ói hổng ra, nuốt hổng dô, thưa thầy.

       Chưa xong, gã còn so bì với sách vở qua điển xưa tích cũ của ông bà trầu, như cứ cái gì nhúc nhích được gọi là…“con”. Như con chim, con cò, tức…giống đực. Cái gì cứ ngồi lì một đống thì được gọi là…“cái”. Như cái bàn, cái ghế. Chạy trời không khỏi nắng là…giống cái. Ấy là gã bày đặt nói chữ, sau này thầy cứ lòi con mắt nhìn tôi xem tôi là con chi, cái chi của gã rồi thầy chết giấc cho mà coi, với gã Bắc kỳ này, tôi rành sáu câu quá mà. Gã ca tiếp, đực hay cái gì cũng thế thôi, thiên hạ tù mù đều hiểu ráo trọi qua một cái tình, nhỏ có tình trai gái, lớn nhồng có tình vợ chồng, già khú đế có…tình nghĩa. Úi da, nghe thấy mà mệt quá sức. Gã dí thêm, trước tôi là bạn sơ giao, sau là bạn đời, chớ chẳng đặng là…người bạn đường của gã. Nghe…đã không ông thầy…

       Từ hồi hôm tới giờ tôi cứ lu bu như bà Năm Sa Đéc lên Thầy Gòn lật đật đi chợ Cầu Ông Lãnh là dzậy. Giờ thầy cắc cớ hỏi sao tôi rành tiếng nước Bắc kỳ quá mạng dzậy cà, nói năng rôm rốp như voi nhai mía. Thầy thương tôi chọc cho dui dzậy chớ, tôi có ăn nói lốp bốp chi đâu, thiệt tình chứ chữ nghĩa tôi cũng bí lù, chỉ biết viết mà viết thì cũng xàng qua xàng lại như thầy Tư nước lạnh bắt ấn thảo bùa chú. Ngay như cái thơ này, tôi o bế, săm soi như nhổ lông gà lông vịt, bứt tới bứt lui cũng bốn, năm hồi lận mà chưa tới đâu. Mà tâm sự thầy nghe, rằng khi nghe tôi hỏng mỏ nói là tôi đang “viết thơ” gửi ông thầy. Gã sửa lưng tôi cái một là “viết thư”. Gã như ông đồ nho nát chữ bình văn bẻ cú cho tôi rành là “viết thư” khác với “làm thơ”. Rồi ghé vào tai tôi biểu chớ có nói “giết thơ” nghe nhỏ Nam kỳ! Tội lắm!. Nghe sướng không, ông thầy.

       Thầy lắc đầu nhăn mặt: “Thằng chả biểu dậy cũng  trúng chớ “. Trúng chật đâu có dễ òm như thầy biểu, chớ hỏi thầy coi cái hồi hai đứa đang tìm hiểu nhau, một bữa Nam kỳ nghĩ sao nói chót rót, khơi khơi chia ngọt sẻ bùi: Cái gì “của” em là của anh. Nghe xong, như ếch vồ hoa mướp, gã bộp liền, anh có bao giờ thấy “của” em đâu. Ối chu choa nhức nhối, tới khuya tôi mới thấu, quê một cục. Nhằm cái bữa hai đứa lỡ thương nhau rồi, tôi tỏ tình kêu…“thương” gã. Gã làm tới, ép tôi như ép mía, biểu tôi phải nói “yêu”. Đúng là yêu tinh, yêu ma, nghe “chậc lấc”. Tới hồi hai đứa đậm đà rồi, tôi biểu tôi muốn “mi” gã. Gã hít hà với tiếng Việt trong sáng gọi là “nút lưỡi”. Tôi biểu “Anh nói…kỳ”. Gã như con đom đóm đực, mần liền: “Em muốn anh…kỳ cho em không”. Thiệt tình, tiếng Việt khó chi dữ thần, cứ dzậy, riết rồi quen, tôi nói tiếng Bắc rặt nghe ngọt sớt, ngọt như chè khoai nước đường, ông thầy nghe hổng dô thì…ráng chịu, nghe thầy.

       Thầy đang lắc đầu ngán ngẩm, dzô đề chi mà lâu lắc quá ể…Thầy à, tội nghiệp tôi thầy, chẳng qua từ ông già bà cả xa xưa của gã vẫn thường nói ăn cơm…nguội nói chuyện cũ: Những kỷ niệm khỉ mốc này đắp mô tuốt luốt tận Hà Nội lận. Rồi đeo dính cứng tầu há mồm dzô Nam. Gã như là người ham cổ ngọan, tối ngày ôm ba cái thứ kỷ niệm, kỷ vật mốc xì. Nhưng tôi thương gã ở cái chỗ là người nặng tình với bằng hữu cùng nỗi sầu cố quận, ỉ ôi cũng bằng ấy thứ, nghe riết rầu thấy bà, không có bạn bè gã làm như muốn đổ bịnh. Bắt qua chiện sau cơn binh lửa mịt mùng, gã tha phương cầu thực tới đây khơi khơi đóng tuồng làm người di tản buồn nhằm cái tuổi trẻ không ra trẻ, già không ra già. Rồi..rồi..thầy nói chi…Ừa thì như thầy nhắc tuồng…là… “hữu duyên thiên lý năng tương ngộ” hay “vô duyên đối diện bất tương phùng” thì chỉ có trời mới thấu. Nhưng ấy là hồi sau, thưa thầy.

        Một ngày mưa gió sập sùi, gã như kép độc lân la làm quen với tôi. Mơi đầu là bạn đồng nghiệp, lớ quớ sau thành người bạn đứờng đứng khơi khơi bên lề cuộc đời của gã, để tôi lao đao vất vả, ăn hổng đặng ngủ cũng hổng dzô. Nhưng lúc ấy, tôi chỉ nghĩ đến cái tuổi sương sương, có được gã coi mình là tri âm, bảo đảm cuộc đời sẽ không so le là cái cẳng. Thầy hỏi tuổi tôi với gã hả, tôi tuổi ngọ. Còn tuổi gã, tôi cũng hơi lạng quạng chút chút, để tính coi, có lần gã chọc tôi: Ngày anh..”gần” hai mươi, em vẫn chửa sinh ra đời, nhắm chừng tôi thua gã hơn chục tuổi lận, nghĩ mà thấy ớn. Bởi dzậy, tôi nói chuyện với gã lắm khi tôi khớp, như gà nuốt giây thung, thưa thầy. Thầy nói chi, tuổi trâu ăn no lại nằm nên làm biếng…yêu hả, tôi hổng hiểu. Ờ mà thầy rờ mu rùa dám trúng lắm đa, nhỏ tới lớn, tôi có làm biếng yêu thiệt, chỉ lo nằm không hà. Chịu thầy…

       Dzô cơ rồi đó thầy…Thầy làm tới luôn dùm nghen.. Mà nẫu thiệt, hệt như đờn bà con gái đi…”coi thầy”, ông thầy chưa hỏi đã khai tùm lum. Ừa, tôi sẵn chớn làm tới luôn với “rau nào sâu ấy”, tôi “biểu diễn” tiếng Bắc kỳ “rau muốn” của gã cho thầy nghe nha:

       Gần đây là bạn…đứng đường, tôi thấu rõ những ngày bỏ xứ mà đi của gã. Tay xách nách mang lơn tơn tới chốn này nhằm cái tuổi tèng beng téc béc. Gã rầu rĩ với sinh ngữ sinh tồn của mấy lớp đêm, được mớ chữ dằn túi như cái cần câu cơm, mừng hết lớn và gã nhào ra đường phố kiếm tí cháo bào ngư. Mới sớm mơi mắt nhắm mắt mở, hổng kịp ngó ngàng đến cái giường mùng mền bừa bãi, chiều tối về chẳng buồn nhòm đến cái máy vô tuyến tàng hình. Nghe tội gì đâu, chẳng dấu gì thầy, thấy mà thương để đâu cho hết, như gã vẫn…ca với tôi; “Thương em không biết để đâu – Để trong túi áo lâu lâu lại dòm”. Tôi nghe gã than mà rầu thấy bà nội.

      Ý cha, tôi nhớ ra tuổi của gã rồi ông thầy, gã có bài viết “Tự Truyện” trong đó gã giả dạng là Ngộ Không tức con khỉ. Thầy bấm độn nói sao, khỉ hay leo lên lưng trâu bắt chấy rận cắn chơi. Thầy nói thiệt không thầy. Thôi rồi, chết cửa tứ tôi rồi, không lẽ tôi “cõng” gã gòai sao?. Thầy nói trúng thiệt đa, mấy hồi rày gã cứ leo lên lưng tôi goài, nhưng tôi lại chịu vậy mới kỳ.  Mà hỏi thiệt thầy nha, con trâu có hạp con khỉ hông thầy?. Ừà mà tôi chậm tiêu thiệt, khỉ tiều, khỉ gió chỉ làm nhột chớ hổng có làm rớt lông chưn tôi hồi nào đâu…Thầy gục gặc cái đầu…Đúng đa, con gì ăn chay không ăn thịt, tức không sát sinh nên chẳng hại ai. Nghe phẻ re, nghe đặng quá chớ…Nhưng tôi lại sợ, gã vẫn la tôi là hay sợ tầm phào. Hỏi cái này kỳ cục, thầy đừng méc cho ”gã” hay nghen: Tôi sợ…con trầu lỡ nó…té lên con khỉ…có sao không? Ông thầy!

       Giờ tôi hổng sợ nữa, tôi gan cóc tía rồi…Vậy thầy cho tôi xàng xê tiếp cái ngày gã hiện diện trong quãng đời xuân sắc chưa lên đã xuống của tôi nha. Cái ngày đầu tiên gã đến hãng nhận việc thì tôi đang ngồi dũa móng tay trong văn phòng nhơn viên. Như bị hớp hồn, gã ngó tôi thấy ớn, như ma nhát mặt người, chắc mẻm tôi là một người hành tinh nào đây. Tôi cũng làm bộ tỉnh queo không buồn dòm gã, mắc mớ chi tới người dưng nước lạnh, nói chi đến nhếch mép cười tình làm duyên cho phải đạo. Vậy mà đâu có êm, đến hồi gã đưa giấy tờ và nói chiện với nhỏ thơ ký, tôi mới cháng váng đầu óc và săm soi thăm chừng. Ui cha, nói thầy bỏ qua chớ tôi muốn lủng lỗ nhĩ lòi con mắt vì không biết gã ăn mắm bò hóc, bò tó gì mà nói tiếng Tây tiếng u với cái giọng miệt vừơn nghe ồm ộp như cóc nhái kêu. Vậy mà gã cứ thản nhiên như cái máy hát lên giây thiều cà tưng cà tưng với sừng, cống, sề, sáng. Nói năng văng mạng, chữ rơi chữ rớt, nên tôi càng hổng hiểu gì hết ráo, tôi chắc mẩm gã là một thằng Chệt chết bầm nào đó từ bên Tầu qua đây. Rồi gã được đưa lên lầu, dòm cái lý lịch trích ngang tôi mới hay gã là người Việt Nam chèo thuyền qua xứ này tỵ nạn.

       Trước đó tôi có đọc những chiện vượt biển của thuyền nhơn, ở giữa cái thành phố với nhịp sống đều đặn tẻ nhạt này, đâu cũng giống nhau, giữa ngã tư, ngã ba là một cái nhà thờ, một trạm xăng thì những câu chiện ấy cuốn hút tôi như những cuộc phiêu lưu của Lỗ Bình Sơn lạc dzô hoang đảo. Và gồi tự trong tim gan phổi phèo tôi cũng có một chút thương cảm, đồng tình với gã. Thế cho nên tức cảnh sinh tình để sau này gần gũi thân quen là như thế…Thầy húng hắng ho khan. Rồi, tôi hiểu ráo trọi trong cái đầu gáo dừa của ông thầy đang tính tới tính lui rằng giầy dép còn có số, huống chi tụi bây. Tụi bây mê nhau thâm căn cố đế coi chừng nước nôi lai láng có ngày…Mà thầy nói chi xúi quẩy thấy mồ, hồn ai nấy giữ…Xưa rồi Diễm ơi…

       Thầy giả đò hỏi: “Rồi hai đứa bây thương nhau hồi nào, nói tao nghe”. Đâu có dễ dzậy ông thầy, dzậy hổng phải dzậy. Rồi ra mỗi người một việc, ai lo việc nấy, xa mặt cách lòng chẳng ai rỗi hơi dòm ngó tới nhau, trừ ngày thứ sáu cuối tuần gã ghé văn phòng tôi lãnh lương, vẫn cái điệu nín thinh sò câm. Truyện ông chớp bà nháng giữa tôi và gã dzậy dzậy đó, hổng giống như thầy vừa bắt mạch hốt thuốc ở trển. Nhưng cũng chẳng dấu lòng, ba hồi ngó ngang nhòm dọc, hình như tôi có hơi nặng lòng với gã, lẩm rẩm chi đó được mấy năm. Kịp bổ sung được mấy món võ mồm phòng thân, kết giao đồng hương dăm khứa, gặp đợt tuyển người vào cơ quan dưới phố, gã phấn đấu được một chưn. Gã nháo nhào bỏ đi không một lời cách ly hẹn ước một ngày châu dìa hiệp phố, vô tình để lại trong tôi những não nề tê tái cùng kẻ ở người đi. Dòng đời cứ chẩy mịt mùng với bến nước, nào có khác chi cây đa cũ bến đò xưa mà tôi là cô lái đò một lần tiễn khách sang sông. Để tôi âu sầu với hai câu thơ của Thâm Tâm “Đưa người ta không đưa sang sông – Sao nghe có tiếng sóng ở trong lòng” và tôi đưa gã, tôi lại đưa sang sông thì sóng vỗ biết cơ man nào mà kể, mộng và thực như vậy đó, bàng bạc từng trên ngọn sóng, từng khúc phà trăn trở.

       Đờn bà con gái mà, hiểu dùm cho chút xíu coi…Ông thầy …

       Rồi tôi cứ khư khư giữ riết lấy cho mình những hình ảnh cũ, những thương tiếc này, những ngậm ngùi kia với thực và mộng, trong khi gã hơi sức đâu bỏ công đi thương nhớ một chỗ tạm dừng. Đến đây phải thú thiệt với thầy, gần gã tôi chịu đèn hết biết câu một duyên, hai nợ của ông bà mình, tin hay không tin tùy thầy. Ở hiền gặp lành, trời thương  thánh độ, sau cơn mưa trời lại hết âm u, ít lâu sau có nơi cần người, mướn tôi làm việc, tôi lại…đụng gã nữa, còn duyên hay nợ thì kệ tía ông trời. Chuyến này hai đứa tôi lại ngồi chung trong cái “hộp” vách dựng đứng mà gã gọi là cái chuồng cu. Tôi kêu là cái “cu-bic”. Và tôi hoang tưởng tôi với gã là thuyền nhơn lạc vào đảo hoang, mọi sự ba chìm bẩy nổi chín cái lênh đênh xẩy ra ở…cái đảo vắng này…

       Kỳ cục thiệt, để tôi kể cho thầy nghe nha, cũng vẫn như mới đây, thầy đừng méc gã à nghen. Chiện là mới gặp lại gã hồi hôm, tối đến tôi nằm mơ lạc ra hoang đảo liền một khi mới ngộ chớ. Tôi thấy gã đang thăng trong lều, tôi thấy ham quá mạng, vén lều chui dzô với gã. Gã vẫn ngủ, nào biết trời trăng chi cái chiện hồ ly tinh tân thời này. Rồi tôi táy máy ôm cứng gã, người gã nóng hôi hổi như cục than nhưng tôi lại thấy mát lạnh mới kỳ. Tôi “thương” gã hết sức dzậy đó, thương quá chừng chừng.. Ông thầy ơi! Không dằn được lòng thương nhớ với cảm hòai nệm ấm chăn êm, tôi vừa tính mở mồm…hun gã…Thì…thì gã cũng há mồm, tôi mừng rơn. Gà ngỏng cái đầu lên và ngồi dậy…Tôi ngỡ gã sẽ ôm tôi. Gã sẽ… vật tôi ra như vật bao gạo cái bịch thì tôi…sợ lắm. Thân gái dặm trường ai cứu tôi đây. Tội lắm ông thầy. Nhưng không, một trăm lần không một vạn lần không. Gã cũng hổng thèm ngó tôi nữa, người chi mà chướng. Bỗng gã cong người xuống, rồi cũng ngỏng cổ lên. Rồi thì…Chèng đéc thiên địa quỷ thần ơi…Rồi thì…Gã “hắt xì” hơi một cái rầm  vang trời đất làm tôi hết hồn, làm tôi “sợ thiệt”, sợ té đái ra quần và…chòang tỉnh dậy thấy mình đang nằm bẹp dí…ở trên giường và đang…hun cái gối ôm. Thiệt là dzô dziên kể đâu cho hết. Tiếc hùi hụi, tôi lại nhắm mắt làm mơ tiếp để dìa cái cái đảo có cái lều…Nhưng nằm mớ hổng giống người ta, hổng tái sinh tới hai lần…Mà này ông thầy, nằm mớ mà…“hun” có…xui không thầy?

       Tôi sợ!!!

       Thầy cằn nhằn tôi chi cũng sợ! Gã cũng hay la tôi về cái chộn rộn “sợ giả” này. Thôi hãy hồi lại chiện gặp lợi trong hãng cho bớt…rung. Ngay cái giây phút một nhớ hai quên ấy tôi nhận ra gã ngay. Khổ nỗi vừa ngồi xuống là gã cứ e dè ngó cái bản mặt vuông chữ điền tôi như nhìn người cõi trên, miệng câm như thóc. Gã cù lần trông thấy, vì gã nào đâu có hay các cụ ta xưa có câu con gái mặt chữ điền, giầu ba họ hay khô chân gân mặt đắt tiền cũng mua và hiểu theo nghĩa là gả bán con gái ở dưới như mua heo, mua gà. Tôi nín thinh làm lơ xem xấu đẹp tùy người đối diện…tiến tới đâu. Ngẫm cho ngay, nào tôi có tóc vàng như rơm khô, mắt xanh như mắt mèo gì cho cam, nhưng hổng hiểu tại sao gã khớp tôi thấy rõ. Nhắm chừng khi xáp vô bát quái trận đồ cùng nhau trả nợ áo cơm, thấy tôi gõ chữ rào rào như sương sa hạt lựu thì gã lập cập đánh máy bằng hai ngón tay lóc cóc như chim gõ củi, nhẩy hàng lung tung, thấy mà thảm thiết…Bỏ qua cái bộ gõ, như cung đàn lạc điệu, tôi với gã như mặt trăng với mặt trời, như nước với lửa. Sau này thấu lòng nhau, thấy khác nhau rõ, tôi chớt rớt, dễ khóc nhưng cũng mau quên. Gã lúc nào cũng thưa với gửi,  khó khăn như…một thầy tu xuất.

       Vào một ngày có con nhỏ thơ ký ghé qua chỗ gã, cũng là người đồng hương bản địa của gã, liếc xéo tôi một cái rồi õng a õng ẹo biểu gã: “Bác già rồi, có  ngày…nó hại bác đấy”. Má ơi, tôi nghe muốn chết điếng mà cái con nhỏ xàm láp này muốn kiếm chiện chi đây… “Nó” đây là tôi chứ còn ai trồng khoai đất này. Như muốn “hại”…tôi, gã nghe xong lại…cười tình với con nhỏ đó mới thấu trời, khiến tôi muốn lộn gan lộn tiết. Nhưng tôi chưng hửng ngay tức thì, vì…Vì tôi đâu có thấy gã…”già” hồi nào đâu. Chuyện là gã đang…”tìm hiểu” tôi, có mòi hạp tánh hạp nhãn xáp gần hơn, nên tôi bỏ qua mớ tuổi tác như thịt bạc nhạc của gã, nhằm nhò gì ba cái lẻ tẻ ấy, ông thầy ha. Ít lâu sau, gã kể lể tôi mới biết thêm, nào là thiên hạ phong trần, la cà nhiều nơi, ăn mẻ bát thiên hạ cũng nhiều, nên gã từng tự hào là người lõi đời, gặp một người ba chớp ba nháng một hồi là gã có  thể  ngó chừng  được tim đen, tim đỏ …người ta.

         Riêng tôi gặp gã thì tôi tối hu tối hù, dám như “vô tri bất mộ” như hồi chưa thấy lắm đa. Thầy ký hỏi tôi nghĩa chi há?…thì như câu ông bà xưa hay rủa, chưa gặp sao thấy mà thương chi lạ, gặp rồi thì thương hổng dzô đó thầy. Với gã, ai lại vô tri vô giác như cây…củi khô, đụng mồm đụng mỏ như ông già Ba Tri với có trên có dưới, nghe phát rầu như…nghìn trùng xa cách. Nhưng cũng không dám qua mặt thầy, gần gã hàng tháng hàng ngày, bén hơi bén tiếng, tôi cháy lên từng giờ, từng phút, tim ngực căng cứng cảm súc ê hề nào ai có hay biết. Nói đến chiện bén chơn bén cẳng, gã vô tính, vô ngã đến độ đâu hiểu rằng trong công việc hàng ngày, chiện chẳng đặng đừng là chạm tay, đụng chưn thế nào mà chẳng tránh khỏi, nào ai có muốn. Tôi thì cứ giả bộ ỡm ờ câm nín, gã khô hốc ráo hỏanh để chẳng mảy may vồ chụp. Chỉ lừng khừng, kiểu lừng khừng của một khứa liệt dương, mà không liệt thì cũng sắp liệt, gã như vô tình, vô tư quá đỗi, và lững thững bước ra ngòai, thoải mái mần…một hơi thuốc lá.

        Vào lại cái chuồng cu, gã lại khum khum ngó tôi ”tìm hiểu” tiếp, làm mới như coi tuồng cải lương “Ni cô chải tóc bên bờ suối” không bằng, gã chằm bằm ngắm cái đầu hớt kiểu con trai của tôi. Bắt qua tuồng “Người vợ hai lần cưới”, gã dòm chăm chăm vào ngón tay út tôi trống trơn, mặt mày gã tươi rói. Tiếp đến là tuồng:”Đám cưới trước cổng chùa”, cái này mới đổ nợ, gã ngó ngực tôi muốn đui con mắt xem đeo ông Giê-Su hay Phật Bà Quan Âm? Khiến tôi sượng trân, vì hôm đó tôi vô tình mặc cái áo hơi tiết kiệm vải vóc nên để lồ lộ cái đường rãnh trắng ngần, sâu hun hút. Thôi rồi, cha mẹ ơi, tôi hiểu rồi, gã học thói mấy bà già trầu ra cái điều lấy vợ xem tông lấy chồng xem giống. Ắt hẳn là gã đang u mê tăm tối với lớn vú bụ con cùng trường túc bất chi lao chi đây, tôi  nhẩm chừng vậy, mà mấy cái ngữ này thì tôi hơi thiếu vắng nên ít ai ngó ngàng rớ tới tôi. Hay là gã quáng gà, thì cứ ngó cái bảng tên đeo tòn teng trước cái ngực xẹp lép của tôi  là gã dư biết tôi con cái nhà ai, cũng còn có tên có họ chứ bộ. Chẳng dấu gì ông thầy, thấy gã để ý đến “thân thể” tôi, tôi cũng mừng rơn chẩy nước miếng, vì nay có cơ duyên gặp gã này chắc mẩm hết cơn bĩ cực đến tuần thới lai. Thế nhưng liễu yếu dựa bóng tùng đâu chẳng rõ, lại nhè anh lừa xương nhả sạn, cái thứ trai tân như gà tây, gà gô, thiệt tình hết biết. Mà nói cho ngon lành cho mát da mát thịt vậy chớ cái mửng này gã có vợ kèo con cột ở cái xứ Bắc Kỳ thì tôi chắc tiêu tùng một đời huê quá, thác xuống thuyền đài là cái vốn, nghĩ cũng ớn lạnh xương sống, trẹo xương sườn, ông thầy à.

       Riết rồi không đâu tôi cứ bị ám ảnh với câu: “Bác già rồi…” của con nhỏ đồng hương gã, để thóang thấy chạnh lòng bâng khuâng. Già thì chẳng già lắm, có hơi hom hem một chút chút thôi, nhìn cái lưng lom khom, hai ngón tay khẳng khiu nhặt nhặn từng chữ đến tội nghiệp, mắt lui cui dò từng dấu chấm, dấu phẩy, thấy thảm sầu quá mạng. Gã cứ lầu bầu tiếc nuối cái thuở vàng son với mấy cái máy cổ lỗ sĩ rơi rớt lại từ thời Tây đen úynh…Tây Ninh. Vào sở, ngồi xuống là…“máy tay”, mổ cò chí chát như hoa rơi cửa Phật. Xong, kéo tờ giấy “pơ-luya” ra cái rẹc, rồi thẩy cho chú “long-tong”, chiều về ghé quán cóc lai rai ba sợi, rà rà, ra từ từ, phẻ gì đâu. Tiếp đến gã rầu rĩ, nay thời buổi cơ khí, cơ tốc, muốn cho vận hành phải kích động tức…bấm nút. Muốn tắt ngúm nó thì đi tìm…nút bấm.  Vì vậy tôi cũng đồng tình với con nhỏ đồng hương, đồng ruộng của gã là với cái tuổi vắng gió đìu hiu của gã, gã chẳng còn bắt kịp với công nghệ “hai-tếch” nữa.

       Thêm mấy sợi dây thần kinh lằng nhằng trong cái đầu gã như địa đạo Củ Chi thành đồng vách sắt, cứ cho là mần chỗ nào là bắt chấu, bắt “bù loong” vào ghế ngồi đến mãn đời, mãn kiếp. Xứ này không dậy, phải biết nhơn nghĩa, cứ lớt phớt giữa phe này cánh kia, phải học ăn theo thuở theo thì…thì sớm hôm mai chiều, tương lai mới lâu bền. Cầy được mấy năm, gã vẫn lờ đờ há ngoác miệng như mấy con cá trong ao tù, cũng có văn hóa như ai, chỉ thiếu cái mánh lới nên đường họan lộ của gã như cái biểu đồ đi xuống. Để rồi một ngày, gã nhận được cái thơ cám ơn lãng xẹc. Thêm một lần chia tay, đường đời muôn vạn ngả. Khổ nỗi gã vẫn chưa có một mối tình cho ra hồn để vắt vai.

                                                         x            x            x

       Ngó tới ngó lui, trên trời có trăng lu sao tỏ thì tôi tin mỗi người đều có số có phần như run rủi gặp sao tuế, sao nguyệt, như định mạng đã an bài cùng cuộc tình sốc nổi, suông sẻ với buồn nhiều hơn dui, ưa mầu tím thích nhạc Trầm Tử Thiêng. Vầy nè ông thầy, gặp buổi trăng tà nguyệt tận, gã nằm nhà lâu ngày cũng quởn, bèn ra chợ giữa phố đông người qua. Khi không tôi đang thẩn thơ ngắm ông đi qua bà đi lại, bỗng mái tóc tém của tôi cứ dựng đứng lên như lông nhím khi thấy “người xưa” lộ diện một đống như cái cù lao ông đạo Dừa. Gã diện hóach như tay chơi cầu ba cẳng, bộ vó láng cóong như ông hội đồng tỉnh Bạc Liêu hay ông chủ vựa lúa Sóc Trăng. Mồm miệng chép bép tươi rói, ăn nói rổn rảng như thầy ký, thầy chú. Gã xáp lại tôi như Đông Phương Sóc lơn Dương Qúy Phi, giả lả như quen nhau từ thuở khách trú mở chợ Cù Lao Phố. Thiên địa quỷ thần ôi, gã nói chiện trời biển với cái giọng Bắc kỳ pha giọng Nam miệt vườn nhẽo nhẹt, gã nói rằng dòm tôi hổng ra vì hồi này tôi…đẹp quá trời. Hỏi sao bữa rày da tôi trắng như ếch lột chiên bơ, thịt thà tôi thơm phức như cá lóc nướng lò, khiến tôi mát dạ mát gan đến…ứ hơi nghẹn họng, ông thầy à.

        Gã nói như nhòng lột lưỡi, nói thôi tía lia, nào là tình đời thay trắng đổi đen, Nhà Bè nước chẩy chia đôi, người như tôi không có bạn như cây chàm không lá, như khỉ không đuôi. Ai dìa Gìa Định, Đồng Nai thì dìa, tình không có tình, ví dầu như cầu không đinh, như đình không mái. Gã bám riết tôi như Triệu Tử Long phò ấu chúa, bắt chớn từ tình bạn qua tình yêu, gã nói mát như đường mía, ngọt như đường phèn rằng với tình bạn, phải thật thà như đếm, có phá sơn lâm đâm hà bá thì cũng phải nói ngay nói thẳng như xa lộ Biên Hòa. Mèng đéc ôi, với tình yêu, gã rù rì sướt mướt đến con kiến trong hang cũng phải bò ra là trong tình yêu phải thật thà, mà muốn thật thà thì phải biết ăn gian nói dối. Gã xạo tôi hay chăng thì tôi chưa có cơ duyên gặp khổ nạn, chưa thấy quan tài chưa đổ lệ, nhưng nhìn cái bản mặt khật khờ như chú Tư Cầu nhưng lanh như mã tà. Tôi hiểu ngay là gã vừa học thuộc lòng bà già trầu gã câu thần chú bùa yêu, mà tôi thưa với thầy lúc Vân Tiên gặp lại Ngọc Nga trong cái chuồng cu ở sở làm, là câu con gái mặt chữ điền, giầu ba họ hay khô chân, gân mặt đắt tiền cũng mua này kia..

       Nhưng cái khôn trật đời của gã là hậu sự hú tôi dìa ở chung với gã cho có bầu có bạn theo kiểu mì ăn liền. Vẫn cái tuồng tích xưa, bổn cũ sọan lại mà tôi nằm lòng qua mục tìm bạn là nếu hạp nhãn thời tiến tới, lỡ đạp cứt chó thúi hoắc thời…tiến lui. Dzậy mà mới nghe ba chớp ba nháng hai chữ “có bầu…”, tôi hiểu lộn tèng beng téc béc ra là lỡ bị bịnh báng nước như bụng mấy ông Tầu Chợ Lớn thì sẽ…dìa thưa với ba má sau, làm tôi cháng váng đến chóng mặt. Gã như ông thầy, rành tâm lý đờn bà và đía tổ cha, làm như gã đội lốt, giả giọng Ông Tề nhát con nít, gã nhái giọng Nam kỳ dẻo quánh dẻo quẹo như kẹo kéo, như nước dừa Xiêm trộn đường Thốt Nốt, gã hò gã hát “Nước chảy riu riu, lộc bình trôi ríu rít – Anh thấy em nhỏ xíu anh thương”. Nhưng cái này, tôi phải chịu là gã có con mắt rành đời vì dẫu gì tôi cũng có hơi cần kiệm thước tấc chút chút. Nhưng sui tận mạng là nhằm cái lúc tối trời với đèn ngã tư đầu đường, gã xuống câu sề, tôi thấy đèn xanh, đèn đỏ nháng chớp lia lịa như trong tuồng cải lương “Một ánh sao rơi” của tác giả Phương Triều. Kèn xe hơi nhấn kêu te te ngòai lộ, tôi nghe ra như đờn vĩ, đờn cò của thầy Tư Lún kéo réo rắt nên cũng bắt mê. Nhưng nghe chuyện “bầu bí” no tròn như trái dưa hấu xẻ đôi úp lên nghe thấy mà ớn…Hệt như thím tư, dì ba dưới quê ngồi chồm hổm ngòai chợ lồng, bỏm bẻm nhai bã trầu nhổ cái tét xuống chưn, tiện tay vén quần lãnh Nam Vang dậy đời chẳng sai chạy là chó dại từng mùa, người dại quanh năm hay khôn ba năm dại một giờ này nọ. Cũng tại mình hết thảy, ông thầy, đúng…một giờ sau với tính tới tính lui hơn thiệt, trong cái lúc liểng xiểng với Lã Bố hí Điêu Thuyền cùng lời nói chí tình ngây dại của gã, khiến tôi động lòng khăn gói gió đưa. Mà đồ đạc gia tư tế nhuyễn ở xứ này như thầy đã hay, không ngòai ba mớ thùng giấy, băng keo và chẳng thể thiếu một bình mực to tổ chảng, một sấp giây trắng dầy cộm.

       Và tôi về nhà gã, ấp ủ tình đầu với một mái nhà tranh, hai trái tim…dzàng.

       Dìa đến nơi thêm một lần thuyền ra cửa biển, phận gái mười hai bến nước trong nhờ đục chịu, gã đã dọn dẹp đâu vào đấy cho tôi một cái buồng…cách ly. Cũng như thầy đang lâm râm trong đầu: “Ủa, chi mà lạ dzậy kià”, tôi còn biết thầy đang ngờ, lửa gần rơm có ngày cũng bén, chiện đờn ông đờn bà, đá gà đá dế chỉ là chiện thường tình, bày đặt chia lan rẽ thúy làm chi. Thầy nghĩ kỳ, với tôi thì trai gái cũng có…”tình bạn” chứ bộ, như tôi có khứa bạn trai tên Trứ tới lui cả ba mươi thu vẫn khỏe re, có rớt cái lá nào đâu thầy. Nói ngon lành vậy chớ bụng dạ tôi vẫn rung, với thầy là bậc thức giả, tôi bù trất chuyện đời và cũng chẳng cần phải dấu diếm làm chi, mặc dù chỉ cách nhau một bức vách, nam nữ thụ thụ bất thân. Tôi thề là trên có thiên lôi dưới có hà bà, tối lửa tắt đèn, nhà ngói cũng như nhà tranh chẳng có mục đầu ấp tay kề với nệm ấm chăn êm, rõ ra không ngòai “Đêm nằm tơ tưởng, tưởng tơ – Chiêm bao thấy bậu, dậy rờ chiếu không”. Nhưng đêm ngày thủ thỉ với nhau thì chẳng tránh khỏi có những lấn cấn chộn rộn  này nọ, nhưng vừa chia tay là tôi mần một giấc ngon ơ đến sáng, tuyệt nhiên không có cái chiện  khỉ Cà Mâu chim kêu vượn hú ấy…

       Một bữa, gã nhớ nhà trong điếu thuốc, khói huyền bay lên cây…quá mạng, gã cởi trần, mặc quần xà-lỏn cong lưng gõ bài “Yếm Thắm Hương Xưa”, lóng ngóng dòm trời trăng mây nước, giả đò như đi tìm “cảm hứng” với “cảm hòai” mãi chân trời cuối biển. Làm như khùng không bằng, gã ngó lơ và biểu tôi hát quan họ Bắc…Ninh cho gã…”thưởng lãm”. Má ơi! Nghe như…ninh cá kho tộ. Nào tôi có hay là gã “gài” tôi như ông địa mắc tiền lì-xì cao chót vót trên cái cột cây cho cái đầu lân ngáp ngáp. Tôi nghe chết trân, rung gần chớt, sa chưn lỡ bộ, tôi làm liều thí mạng cùi rồi cũng phải hò hát như Phùng Há, vừa ngậm vừa…há họng hát Tiều, hát hỏang như cọp gầm sấu ngáp miệt U Minh thượng, U Minh hạ…Tôi đi một đường lỡ bước sang ngang với bản ruột như vận vào bổn mạng tôi, đó là bản Hạ Trắng: “Áo xưa dù nhầu, cũng xin bạc đầu gọi mãi tên nhau…”. Nhìn cái đầu muối tiêu của gã gật gù ra cái điều “cử động”, vò tóc gã, tôi lấy gan làm tới: “Gọi tên…anh mãi suốt cơn mê này”. Vậy là hai đứa…bám vào nhau bất kể trời đất mưa gió bão bùng. Bám như hai con sam từ cái bữa đó, dzậy đó ông thầy.

       Mà ngộ dữ, từ đấy con đường tình tôi đi mưa nhiều hơn nắng, mới kỳ.

       Tối khuya đèn vàng, gã co ro nằm bên kia, tình nhân ngải non vợ chồng hay “chuối non giú ép chát ngầm” hay chăng là chuyện của gã. Tôi nằm bên này êm re, mơ mộng chi ba cái thứ ấy chi cho mệt xác để ốm o gầy mòn. Xẹt đi xẹt lại riết rồi tôi cũng sáng mắt ra để nhớ đời…Nhớ lợi một bữa gã hỏi tôi nấu cơm Bắc hay Nam. Tôi lớ ngớ vì cũng vừa lúc tôi mới quất xong tô nem nướng ngòai chợ, ngỡ gã hỏi xóc hông, tôi đáp tỉnh queo “Hỏi để làm chi?”. Vì bếp nước củi lửa là hổng có tôi, cứ ba cái hột dzịt lộn ăn với bánh tét là no…tét bét ứ họng, lòi con mắt, hỏi chi dô diên. Dzậy là gã làm mặt giận, giận thì tôi cho gã nghỉ…ăn luôn. Mặt gã sưng tù dù như cái bánh bao bà Cả Cần tôi đâm ớn lạnh, tôi nghĩ tới má tôi ví tôi như con chim đa đa, sao không lấy chồng gần lại lấy chồng xa, cóc la cọp gầm má biết tìm con đâu, lỡ có chiện gì má tính sao với chòm xóm láng giềng. Rồi từ cái bữa gã làm mặt hành tỏi cùng xào xáo rau muốn(g) với giá sống ấy, gã biểu mần chi tôi phải mần cái nấy, đành một bề chịu lép. Ở với gã thì rầu muốn chớt, mà xa mặt cách lòng thì nhớ đến đứt ruột, đành làm ngơ để thuận thảo đề huề…”Buồn riêng biết tỏ cùng ai – Cắn răng nuốt hận, nghiêng tai lấp hờn”. Gã đâu có biết, chiện buồn giữ cho riêng mình, một mình mình hay, nào dám thuật cho gã nghe, dzậy đó ông thầy. Mà khi nào quởn hay gã mót tới ót, tôi sẽ kể cho gã chút chút thôi.

(Còn tiếp một kỳ)

Ngộ Không Phí Ngọc Hùng

©T.Vấn 2023

Bài Mới Nhất
Search