T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngọc Cân – trấy Tiểu Đợi: ĐỒNG VỌNG

Ảnh (The Guardian)

Toàn tỉnh có tới 400 người chết trong tuần, tôi quen biết với 2.

Một là thông gia gốc Đông Âu. Phần bản lãnh của ông thì không ai nói vì những thất bát của đời ông cộm quá, chúng lại là bên thắng cuộc. Gọi là tương lân, tôi đoán ông thèm bia rượu thuốc lá trong những ngày tháng cấm đoán của bệnh viện, của phổi hụt hơi, của họng đơ cứng. Con ông kể ông vẫn giữ được máu khôi hài trong những thì thào cuối.

Tiễn ông tôi xém thẩy xuống huyệt gói thuốc mới rút một điếu, châm được trong trời xám, ẩm, âm mấy độ, gió giật buốt cỡ âm 10, lẻ loi không có đồng hành.

Người kia trẻ hơn mười tuổi, phe ta. Thành đạt trong đời ai cũng ngả nón: anh có cái chính xác kỹ sư, cái rộng cao học, cái sâu tiến sĩ; vợ đẹp con khôn, người chắc cú như thiết vận xa, tính tình hiền hoà, ra làm việc cộng đồng không ai muốn thành chướng ngại vật, đánh phá anh. Cũng không ai ngờ bước chân tử thần lẳng lặng đi kèm từng nhịp tim. Thoắt đứng phắt lại, xong.

Ít ra không phải ai cũng ra đi vì Covid đợt 2. Trong đại dịch vẫn có ngoại lệ, những vĩnh biệt thường tình, số.

Số gì. Cả đám tử vi khác nhau cùng chết một lượt thì số gì mà số. Coronavirus không mời mà đến, ào ào. Chiếm hết TV, báo chí, Internet đã cả năm. Tới lúc chiếm hết bệnh viện, nhà xác, nhà quàn. Toàn tỉnh có được 400 giường ICU, xài hết sạch; đi đâu mà vội, xếp thứ tự ưu tiên xem nào.

Chiếm luôn cuộc sống hàng ngày của mọi người. Ngự trị 24/24 trong mấy cái đầu không cắt hớt gọn gàng, không nhuộm. Thế chiến thứ ba này không chỗ chạy. Bó tay thì tối tối để đèn trang trí Noel sáng trước nhà dù lễ lạc qua đã hai tuần. Những ngày trời ấm hé được cửa kính cho thoáng thì mở nhạc to cho hàng xóm cùng nghe. Nhà đâu lưng bà ấy chuyên trị country music, nghe mấy ca sĩ bạc triệu thay nhau nỉ non, rề rà tự sự lời đồng vọng, nhàm; hát karaoke nghe còn đỡ hơn.

Bà ấy chắc người, so với phụ nữ Việt thì hơi thô, so với đàn bà Tây cùng độ tuổi trung niên thì kém lịch. Chưa lần nào thấy bà son phấn, một vài lần thấy bà xúc tuyết, bưng vác đồ đi cắm trại, xốc vác như đàn ông, sức bền có phần hơn. Ông chồng cứ giải khát, bà không ngưng.

-Bố tôi Bắc Âu phóng khoáng. Bên mẹ tôi là thổ dân Mohawk. Tôi lớn lên với bà ngoại. Bà ngoại -cười cười- không cảm tình lắm với di dân mới tới, tôi thì tôi không có vấn đề -no issues at all.

Một lần khác:

-Thật ra vợ chồng tôi còn suy nghĩ, thắc mắc, không tưởng tượng được phải đến sống ở một nơi xa lạ mà mình phải học tiếng để nói, như ông. Ông nhà tôi là Quebecois, thân nhân bà con mồ mả đầy trên đó, ông theo công việc xuống đây, rồi ở luôn, nhưng ông ấy đã biết nói tiếng Anh từ nhỏ, khác.

Họ cũng dân phì phà. Bên này hàng rào tằng hắng ho khan thì bên kia kéo cửa, tiếng bật lửa xẹt xẹt, khi ông khi bà, nói vọng ba chuyện vớ vẩn, con cháu.

Cuối tuần mùa hè ông hay ra ngồi nhâm nhi, nghe nhạc thập cẩm từ một đài tự xưng là phát nhạc liên tục mà không lập lại bài nào trong ngày, số dzách cho văn phòng hãng xưởng. Hầu hết nghe nhanh, vui, chớ không buồn như nhạc mình.

Gần nhà mà xa cửa ngõ, thêm chỉ thị “ở nhà, chỉ ở nhà!” gởi tới từng phones đợt Covid 2 này, tình cờ cùng ra góc đường lấy thư mới gặp. Thời Internet, hộp chỉ vài thư, bills điện nước, còn toàn bìa giấy –flyers, thư quảng cáo, dụ khị. Có gì mà trông, chẳng qua trông ra khỏi nhà.

-Ông bà khỏe không?

-Cám ơn ông, chúng tôi ok,so far ok. Ông ấy vẫn phải vô công ty hàng ngày. Tôi ở trong nhà với mấy con mèo. Mấy bữa nay thấy có cháu ông tới? Mọi người ok cả chứ?

Bà đã biết, từ đầu tôi cũng đâu có ý dấu, mỗi ngày -dù đang mùa đông- đều bắt mấy đứa nhỏ ra sau vận động 5, 10 phút chớ không lẽ ì trong nhà suốt ngày.

-OK hết, cám ơn bà.

-Con của cô con gái nhỏ nhất sao lớn vậy. Cô ấy đi làm lại rồi à.

-Ồ không, nó sắp hết nghỉ sanh thật nhưng con nó chưa qua. Mấy đứa bà thấy ra sân sau vọc tuyết là mấy đứa tiểu học, trường bắt đầu đóng cửa tuần này, ba mẹ chúng phải đi làm nên chúng phải tới đây.

Chắc bà ấy nghe như là tôi đang thanh minh, vì theo chỉ thị ai ở nhà đó thì như thế là sái.

-Ồ không, tôi không có issues gì với chuyện ấy.

Nghe tự nhiên bực, bà có vấn đề hay không thì kệ bà. Việc nhà tôi cấp bách thì chúng tôi phải sắp xếp. Chúng tôi cũng biết thế nào là nguy hiểm. Lúc này nhà trẻ chỉ có chỗ cho con cái nhân viên bệnh viện. Bà nói “no issues” y như lần nói về bà ngoại kỳ thị.

Nhường để bà mở hộp thư trước. Bà không luồn tay sâu vơ hết một hai lần cho xong. Bà lấy từng một hai cái quảng cáo đầy thức ăn, mái nhà, cửa lớn cửa sổ, còn nhìn qua nữa. Tóc bà cộm một ụ trong mũ len, lòi một đống giữa mũ và cổ áo khoác, bạc. Ừ thì thong thả, tôi lùi xa ra hơn tính châm thuốc chờ.

-Ông biết không, ngày nào tôi cũng khóc. Tôi không muốn bật TV lên nữa nhưng lại muốn biết tình hình!

Cánh tay bà khựng lại như trong ấy có bao thư lớn. Giọng nghe nghẹn nghẹn.

Điếu thuốc không châm tôi kẹp giữa hai ngón tay, chỉ biết nói:

-Thật ghê gớm, cái Covid này ghê gớm quá!

Bà quay mặt nhìn tôi:

-Con gái tôi đã nổi giận với tôi.

-Sao vậy.

-Ông ấy còn ra ngoài đi làm tôi sợ lây lắm. Nó kêu lên thăm tôi không muốn đi. Bất đắc dĩ chúng tôi lái hơn tiếng, trên ấy lúc nào cũng đầy tuyết. Tôi không ôm hôn con cháu nhỏ, Christine ông biết đó mà, nó chạy lại mừng, tôi cũng cấm ông ấy. Christine chưng hửng, khóc; mẹ nó giận, lôi thức ăn nguội ra cho bữa trưa; không kêu ăn chiều rồi hẵng về, cứ thay đài khí tượng nói tin tuyết đổ… tôi khóc suốt đường về… why, why?! This fucking Covid!

Sorry…

Lấy thư xong bà bước ra cho tôi có chỗ đứng đút chìa khóa mở hộc mình. Thư không nhiều có thể thọc tay sâu, khoắng một cái là vơ được hết.

-Thì ông cũng biết đó, đã dính trên 200 ngàn, chết trên 5 ngàn.

Bà đứng ngay chỗ tôi đứng trước đó; xấp thư kẹp nách, tay thuốc tay bật lửa, chụm sát miệng. Tay tôi kẹp một vài cái quảng cáo lôi ra; những tiệm ăn bán ghé lấy, những mái nhà, thay cửa… nhìn màu sắc.

-Con ông thì chúng thế nào… ồ, chúng đem con đến mà, ông bà giữ chúng mà.

-Lúc trường mở cửa chúng trả tiền cho dịch vụ trông trẻ trước và sau giờ học, thay vì để chúng tôi đưa đón vì chúng muốn an toàn cho chúng tôi. Nay thì chúng không cách nào xoay sở, không những mấy đứa này mà vài hôm nữa còn con của bà mẹ hết hạn nghỉ sanh một năm rưỡi.

Sao phải dài dòng chi vậy. Y như rằng, bà nói:

I have no issues with that at all – tôi không có vấn đề gì về chuyện ấy.

Tôi lùa hết thư, không nhìn. Không khóa hộc thư. Không nói gì, chờ bà đi trước.

Bye, stay safe! Chào ông, mọi sự an lành.

-Bye! Bà, stay safe!

Giọng bà nghe thông hơn chút đỉnh, bà quay đi với những soải chân dài, mạnh; vai rộng, lưng như gấu. Khó hình dung phía bên kia là sống mũi hẹp dễ nghẹn, mắt trong xanh mà dễ nhoè.

Xấp nhỏ đang “ra chơi” giữa hai giờ học online trên iPad. Kêu chúng soạn thư, cái nào cho ai cho ai, cái nào quảng cáo cho ra thùng recycle -tái sinh. Chúng ngưng ngay khi thấy xấp hình quảng cáo video games, la với nhau “cool! cool! Nintendo Hades cool“ “Oh! Fornite Battle Royale! cái này mới cool, ước gì!”.

Games mới chơi liên miên, đồ chơi -toys chỉ 1, 2 ngày là không ngó tới nữa; nhà nào cũng dồn đầy. Nghe mẹ chúng nói hồi trước một con búp bê không biết nói chơi đến lớn còn chơi. Ông ngoại hồi nhỏ phải tự chế đồ chơi từ nắp chai bia, từ ống chỉ, từ lon sữa bò. Chúng ngớ ra. “Đời sống đã khó khăn, sau này còn gian nan khó khăn gấp mấy lần, ông ngoại vượt biên bị tù”. Cái này thì hiểu:

Wow! We got a criminal for ong ngoai! In jail, cool! – Thiệt hả! Ong ngoai là một tội phạm! Còn ở tù nữa, Ngầu!

Sực nhớ, nói với mẹ chúng:

That’s it! That’s why he’s always angry! – Đúng rồi! Vì vậy mà ong ngoai hay giận dữ!

Video games phân biệt rõ người tốt người xấu –good guys/bad guys, criminal bad guy, bad guy mà có ở tù là thứ dữ, cực xấu. Có ông ngoai là bad guy cỡ đó là cool. Ông cứ kêu ăn, kêu ngủ trưa, kêu ngồi thẳng lưng, cứ kêu iPad một giờ phải nghỉ mắt 10 phút… hết kêu này kêu kia thì tới la –always angry, y chang bad guys trong games.

Mấy bạn già Nam Bắc bàn:

-Vậy nên mình nên kể, giải thích tường tận những khổ sở, thiếu thốn, nhục nhã mà cha mẹ ông bà chúng phải trải qua. Chúng mới biết giá trị cuộc sống chúng đang hưởng.

-Sự hy sinh của thế hệ trước, nhịn ăn nhịn mặc, chiến đấu ngoan cường, chống đế quốc xâm lược.

-Nên chăng?

-Quá đi chứ. Giúp tụi nhỏ tốt, có ý thức.

-Một đời đã là đủ, ông muốn dày vò mấy đời nữa sao. Hãy để chúng không biết, sống hồn nhiên. Nếu chúng tự muốn thì chúng tự tìm hiểu mấy hồi.

-Chúng sẽ có khổ nạn của đời chúng nó. Có cách ứng phó lúc đó. Đã chắc gì “gia tài” của chúng ta xài được.

Tôi đã phản ứng không đẹp với bà hàng xóm. Mình là thứ lì đòn. “Ở nhà, phải đâu ở đó” nhằm nhò gì với BC14, kinh Bà Bèo. Họ khác, bà ngoại có thể bị kẻ đến sau tách khỏi gia đình, tập trung giáo hoá, tới họ là những con người đẻ ra là tự do, thậm chí tự tung tự tác; nhốt họ trong nhà với cái TV Covid với nỗi sợ triền miên còn bế thở hơn quản giáo.

Con số càng ngày tăng càng nhanh vậy mà vẫn có những người ngang bướng không chịu đeo khẩu trang. Trách sao được khi mà sự thông thái của chỉ thị lúc đầu chỉ mấy tháng là lạc hậu, sai. Có người mạnh dạn chận nhau nhắc nhở dẫn đến đụng độ chết người. Chính quyền lúng túng giữa bảo vệ y tế và bảo vệ kinh tế, giữa tự do cá nhân và an toàn công cộng. Lễ lạc người ta vẫn lén tập tụ, uống rượu vui chơi; 1 ngàn, 10 ngàn không ngán. Có đến 10 giới chức thẩm quyền cũng vượt rào đi Mexico, Caribbeans, Cuba xả hơi, trên mạng xã hội họ còn cố làm như đang ở nhà, cùng đang tuân thủ các chỉ thị y tế với nhân dân.

Coronavirus đã không ai hiểu hết thì thông tri, cáo thị, hướng dẫn; ngay đến ngôn từ, chữ nghĩa về Coronavirus có thể tự mâu thuẫn, có người sẽ hiểu khác hoặc chống ngầm. Người đến đây kẻ trước người sau, đỏ, trắng, đen, nâu, vàng; hàng trăm phong tục tập quán khác nhau; hàng trăm ngôn ngữ xứ gốc trộn với hai ngôn ngữ chính.

Chữ “no issues” bà nói chắc gì đã như mình hiểu. Sao phải xét nét. Ngữ vựng có văn cảnh, tâm cảnh, tuỳ. Người ta mental tới nơi mà mình vị kỷ.

Lần sau mấy cao bồi dỏm cất giọng trầm thả dê, hay tả tình tả cảnh, tả công chuyện mần ăn… thì mình lấy cái âm hưởng vọng cổ mà nghe. Biết đâu thấm được cái tâm tình bình dân, từ mồ hôi cao bồi trên lưng ngựa đến lưng còng thợ hái trên những cánh đồng bông vải.

Nhạc đồng vọng là sự góp vốn khi đỏ, trắng, đen, nâu, vàng, cùng hát, cùng nhảy, cùng vỗ, cùng gõ, cùng móc những nhịp điệu đơn giản để cùng sống đời gian khổ. Sao mình không tìm tới. Đã xưa đâu, cha mẹ mình cũng vừa cúi lưng cấy mạ ruộng sâu đấy thôi. Họ hát hay họ hò. Mới 1 đời mà mình “tân thời” quá.

Cửa kéo nhà bà hé. Văng vẳng nhạc. Nhạc đồng vọng. Có tiếng ho khan.

Tôi ngưng một khói:

-Chốc nữa bà vặn volume lên nhé.

Sure!

Ngọc Cân – trấy Tiểu Đợi

Bài Mới Nhất
Search