T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Nguyên Lạc: Nhân đọc Châu Thạch “HAI BÀI THƠ “QUÊ HƯƠNG”. . .

               que huong

VÀI LỜI TÂM SỰ

 Bài thơ “Quê Hương” Nguyên Lạc viết ra, với cảm xúc thật sự của mình để trả lời bài thơ của Đỗ Trung Quân (ĐTQ):

Quê hương mỗi người chỉ một

 Như là chỉ một mẹ thôi

 Quê hương nếu ai không nhớ

 Sẽ không lớn nổi thành người.

(BÀI HỌC ĐẦU CHO CON)

– Chúng ta vẫn có thể có hơn một mẹ, nếu vì lý do nào đó bà mẹ ruột đã từ bỏ con. Như trường hợp của thi sĩ Trần Trung Đạo  (TTĐ)

ĐỔI CẢ THIÊN THU TIẾNG MẸ CƯỜI

Nhấc chiếc phone lên bỗng lặng người

Tiếng ai như tiếng lá thu rơi

Mười năm mẹ nhỉ, mười năm lẻ

Chỉ biết âm thầm thương nhớ thôi

….

Ví mà tôi đổi thời gian được

Ðổi cả thiên thu tiếng mẹ cười.

(thơ Trần Trung Đạo)

Như chúng ta đã biết, TTĐ đã có hơn một bà mẹ, bà mẹ trong bài thơ là mẹ nuôi như ông từng thổ lộ. Theo ý của ĐTQ thì chỉ nhớ người mẹ sinh ra mình thôi, nếu không nhớ thì sẽ không lớn nổi thành người. Vậy còn người cưu mang mình, người  yêu thương, chăm lo mình còn hơn mẹ ruột?

Thương nhớ bà mẹ nuôi nầy chúng ta vẫn lớn thành người chớ, phải không?

Nhưng nói rõ ra, công tâm người ta thường trăn trở về hai bà mẹ!

NHỮNG PHẢN HỒI VỀ LỜI BÌNH của Châu Thạch

1.

Bài thơ của Đỗ Trung Quân làm khoảng đầu thập niên 80, thật sự lúc đó quê hương đang “te tua”.

Bà mẹ tôi hàng ngày chèo ghe con, dấu từng ký gạo, từng miếng dừa sấy đi bán kiếm tiền nuôi con;  đã khóc ngất khi bị tụi quan thuế tịch thu, do chính sách “ngăn sống cấm chợ”. Có những chị phải quấn giấu trong bụng, quanh đùi trong quần từng ký thịt heo (lợn); cũng đã khóc van lạy, nhưng vẫn không được tha bởi tụi quan thuế. Thế mà QUÊ HƯƠNG của ĐTQ tô hồng đẹp đẽ như thế! Than ôi!

Quê hương là con đò nhỏ / Êm đềm khua nước ven sông (ĐTQ)

Đúng ra là:

Quê hương chiếc đò nho nhỏ

Qua sông. kham khổ từng ngày

Thân me vai gầy. gánh khổ

Thương con. chịu nỗi đắng cay (NL)

Với ĐTQ: “Mẹ về nón lá nghiêng che”. Riêng đối với NL thì: “Mẹ về khóc ngất con ơi!”,  vì vốn liếng đã mất, cả nhà sẽ đói.

Trong những năm đầu “Giải phóng” trên báo Tin Sáng của Ngô Công Đức, SGGP xuất hiện những bài thơ “hừng hực” của Nguyễn Nhật Ánh, Trần Mạnh Hảo… ca tụng chế độ.

Những điều không do thật sự cảm xúc của lòng, lý trí xen vào, có ý đồ …có đúng là SỰ THẬT không? Sao không nói lên những nỗi khổ của người dân bé nhỏ?

Liệu những bài thơ như vậy có ở mãi mãi với lòng người không?

2.

Châu Thạch đã viết: “Với nhà thơ Đỗ Trung Quân, quê hương “là dòng sa mẹ/ Thơm thơm giọt xuống bên nôi” để đứa trẻ lớn lên hoàn toàn không biết chiến tranh, không biết chia ly, không biết tang tóc. Quê hương chỉ là những ngày tháng quá êm đềm.

 Ngược lại với Nguyên Lạc không phải thế, tác giả còn nói nhiều về quê hương với biết bao trăn trở, với biết bao gian lao khổ cực mà ông phải gánh chịu nơi quê hương: Quê hương bây giờ là đất nước, nơi có chia biệt, có ly tan, nơi mà tác giả thật sự sống làm người. Thế nhưng chưa hết, quê hương còn là nơi mà tác giả nhận chịu khổ đau với bao nhiêu nghịch cảnh xảy ra cho đời mình”.

NL trả lời: – Nhà bình thơ CT nhận xét rất đúng: Cái quê hương đẹp lý tưởng không thể nào có thật, so với quê hương của đời thường mọi người sống qua.  Nó có vui / buồn, ngọt ngào / đắng cay, hạnh phúc / khổ đau…

Đối với tôi, vẻ ĐẸP LÝ TƯỞNG quá sẽ không có thật ở trên đời. Cái vẻ đẹp LÝ TƯỞNG không thực giống như bức tượng / tranh giai nhân, đẹp toàn bích, nhưng dù gì cũng là vật chết. Nó được trưng bày trong phòng triển lăm, trong Cung đình, trong phòng các đại gia.  Người bình thường chỉ được ngắm, không được đụng chạm.  Đâu bằng người nữ đẹp bình thường, đời thường; ta có thể ôm ấp vuốt về và vui vẻ hoặc khóc hận cùng nàng.

Cuộc sống không thể nào mãi êm đềm.  Cuộc đời được nhiều ưu ái, tâm tư quá lặng lờ nhiều khi đưa đến tiêu cực: Quê hương, đất nước ra sao cũng được, ta cứ an nhàn riêng ta.

Không, quê hương không phải mãi đẹp như vậy. Quê hương đôi khi là đất nước, nơi có chia biệt, có ly tan. Quê hương còn là nơi mà con người phải nhận chịu khổ đau với bao nhiêu nghịch cảnh xảy ra cho đời mình; con người bị bắt buộc phải nhận một quê hương thứ hai để sống, dù không muốn!

3.

Châu Thạch viết tiếp:

“Đọc đoạn kết trong bài thơ “Quê Hương” của Nguyên Lạc ta có cảm tưởng hình như có câu trả lời cho hai câu thơ của Đỗ Trung Quân: “Quê hương nếu ai không nhớ/ Sẽ không lớn ni thành  người”. Câu trả lời ấy như sau: không ai không nhớ quê hương, bởi vì muốn quên mà quên không được. Khổ thơ cũng cho ta một suy luận: có lẽ người có thể quên quê hương, người có thể phá quê hương là những người đang ở trên quê hương. Bởi những người đi xa, không có quê hương nên mới nhớ, không thể không nhớ được. Họ cũng không cầm vận mệnh quê hương trong tay nên cũng không làm sao phá được bằng những người trực tiếp với quê hương”

NL trả lời: – Xin có lời cám ơn CT sao hiểu rõ lòng tôi như thế. Nói theo ngôn ngữ đời thường là “đi guốc trong bụng” tôi. Chỉ những người có nỗi niềm trăn trở mới lo đau đáu cho vận mệnh quê hương, còn người sống êm đềm, lặng lờ thì không.

Xin tâm sự thêm: Hai câu cuối :”Quê hương sẽ còn để nhớ? / Quê hương đáng nhớ không người?!” Cái ý của NL là quê hương rất đáng nhớ, đáng quý, chúng ta nên đem hết tâm huyết của mình để cố giữ  nó, sao cho NÓ SẼ  MÃI MÃI CÒN.

Nguyên Lạc

 

 

©T.Vấn 2017

 

 

 

Bài Mới Nhất
Search